thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Evangeline [III]

 

Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường

 

WILLIAM FAULKNER

(1897-1962)

 

Lời người dịch:
 
Tình yêu và án mạng, tội ác và sự trừng phạt, chiến tranh, lịch sử, định mệnh... hay là “sự xâm nhập của bi kịch cổ Hy Lạp trong truyện trinh thám”.[1] Judith “Evangeline” Sutpen (sinh năm 1841), một nàng Êva tỉnh lẻ, ngây thơ trong trắng như một Thiên Thần, dù chỉ cầm trái cấm trên tay trong một khoảnh khắc — với Charles Bon (sinh năm 1929) — nàng cũng phải trả bằng một giá rất đắt, do hệ quả nguyên tội của người cha. Charles Bon là bạn đồng khoá ở đại học Mississippi với Henry Sutpen — anh của nàng — và được Henry mang về nhà nhân dịp Giáng Sinh. Nào ngờ Charles Bon lại chính là đứa con trai của một người vợ trước của ông Thomas Sutpen — cha của Henry và Judith.
 
Ông Thomas Sutpen, xuất thân là một thằng bé da trắng nghèo nàn ở miền Nam, đã vô tình biến giấc mơ Mỹ thành ác mộng. Khi còn bé, ông đã bị một tên đầy tớ da đen cản ngăn không cho vào nhà một người da trắng giàu sang. Do đó, khi lớn lên, ông muốn “thiết kế” một dòng họ Sutpen danh giá không thua các dòng họ quý phái đương thời, da trắng tinh khiết toàn hảo trăm phần trăm; và vì thế nên ông đã ly dị người vợ thứ nhất — con gái độc nhất của một chủ đồn điền mía gốc Pháp trên đảo Haiti — và vất bỏ đứa con thơ, khi Sutpen phát hiện người vợ này có vài giọt máu đen trong huyết quản. Đứa bé sẽ mang họ mẹ với cái tên Charles Bon, và sẽ trở thành dụng cụ mà định mệnh sử dụng để trả thù dòng họ Sutpen.
 
Nhưng cũng xin lưu ý độc giả về điểm đặc biệt này: định mệnh, dù có khắc nghiệt đến thế mấy đi nữa, nhân vật của Faulkner vẫn không chịu khuất phục. Họ sẽ kiên tâm lặng lẽ chịu đựng đến phút cuối cùng, như một sự chống cự bướng bỉnh, ngấm ngầm. Tuy không hẳn là, nhưng tất nhiên cũng có chứa đựng, những cảm nghĩ của tác giả, người kể chuyện vô danh trong “Evangeline”, thoạt tiên, đã cợt nhả khi nghe chuyện “con ma” trong ngôi nhà Sutpen gần đổ nát, để rồi dần đần bị cuốn hút càng lúc càng sâu thêm, và bị chi phối bởi thảm kịch của những kẻ hoàn toàn xa lạ; và độc giả cũng hoà mình, nhập xác, để cảm nhận sự đau đớn xót xa bùi ngùi đó.
 
Dù tự nó cũng đủ để làm nên một truyện ngắn đặc sắc, nhưng “Evangeline” chỉ là một phát thảo, sẽ được Faulkner thêm thắt, phong phú, phóng đại, để trở thành Absalom, Absalom! — với cốt truyện như tôi đã tóm lược ở trên — sử dụng tự sự khi thì châm biếm bông đùa, khi thì chan chứa bi thương trữ tình, được đánh giá là cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất của W. Faulkner. Nếu gặp dịp, tôi sẽ trở lại với tác phẩm lừng danh này, độc sáng về cả hai phương diện nội dung lẫn hình thức: hoài bão của một cá nhân đã không lùi bước trước bất cứ một phương tiện nào, đã gạt tình cảm qua một bên, và chỉ sử dụng lý trí để thiết kế tương lai cho một dòng họ, xê dịch những cá nhân như những con cờ trên bàn cờ; sự sụp đổ hoàn toàn của công trình to tát đó tất nhiên dễ trở thành một ẩn dụ mở, sẵn sàng chờ đón mọi diễn dịch.
 
William Faulkner sinh năm 1897 tại tiểu bang Mississipi, trong một gia đình quý phái đã suy tàn vì cuộc nội chiến (1861-1865). Học vấn của ông, một học sinh không chăm chỉ ở trường, phần lớn đã được cha và chú đảm nhận ở nhà. Cùng với chữ nghĩa, Faulkner cũng được tham gia các cuộc săn bắn của người lớn trong các đầm lầy Oxford — điều này sẽ để lại dấu ấn sâu đậm trong tác phẩm của ông. Lúc trưởng thành ông đã tới New Orleans sống vài tháng. Ở đó ông gặp nhà văn Sherwood Anderson, một tác giả người miền Nam như ông. Rồi ông lên New York, sang Paris, rồi lại về Oxford cư ngụ cho tới khi ông được mời đến Hollywood làm thư ký riêng cho đạo diễn Howard Hawks.
 
Oxford, dưới ngòi bút Faulkner, sẽ trở thành Jefferson trong hầu hết các tác phẩm, trong khi huyện Lafayette — địa phận thực sự của Oxford — sẽ hoá thành hạt Yoknapatawpha huyền thoại. Miền đất bé nhỏ như một “con tem” này, “cái mỏ vàng” để ông khai thác, sẽ là vị trí lý tưởng cho những câu chuyện về miền Nam có liên quan mật thiết với lịch sử và giữa các họ tộc Sartoris, Compson, McCaslin, Snopes... Jefferson và Yoknapatawpha là biểu tượng của “miền Nam sâu thẳm”, quý phái và nông nghiệp, một trong những tế bào nguyên thuỷ của đất nước Hoa Kỳ, sẽ bị lãng quên, bị xâm lấn bởi miền Bắc công nghiệp, thô lỗ — miền Bắc đáng ghê tởm đã dùng sức mạnh để cưỡng bức, xâm nhập “thánh cung” (Sanctuary) miền Nam.
 
Tôi nghĩ tới một cuộc xâm lấn gần chúng ta hơn, một nền văn minh “miệt vườn” quý phái ở cung cách hiền từ, chân chất, nhân ái, trọng nghĩa khinh tài, một pha trộn tốt đẹp giữa nho giáo và tây học, xuất phát và triển nở dưới thời thuộc địa khai hoang, đã và đang bị huỷ diệt, cuốn theo chiều gió bởi đồng đô la đỏ vô nhân đạo. Bầu hoa hậu này, cử á hậu nọ, để che đậy cái thân hình gái điếm loã lồ lở loét nhiễm trùng của xứ sở và nhất là của một chính quyền đã mất hết nhân cách.
 
“Hãy nói cho tôi nghe về miền Nam. Nó như thế nào ở nơi xa xăm ấy? Người ta đang làm gì ở nơi đó? Tại sao người ta còn ở nơi đó? Tại sao người ta sinh sống ỏ nơi đó?”, Shreve (Shrevlin McCannon) anh sinh viên người Canada, một “kẻ xa lạ” chia phòng với Quentin Compson — một đứa con của miền Nam đang gánh chịu cái quá khứ của gia đình và cái gánh nặng lịch sử miền Nam (trong Âm thanh và cuồng nộ) — Shreve (Don trong “Evangeline”) đã hỏi Quentin (người kể chuyện vô danh trong “Evangeline”) những câu hỏi đã kể, trong một đêm đông ở Đại học Harward (1909-1914) khi cả hai đang cố lắp ráp và suy diễn từ những phần mảnh về tấn thảm kịch của gia đình ông đại tá Thomas Sutpen và tìm hiểu cái chiều sâu của lịch sử trong tiểu thuyết Absalom, Absalom!
 
Năm 1949, William Faulkner lãnh giải Nobel Văn Chương. Qua kinh nghiệm gia đình và kinh nghiệm sống, Faulkner biết rõ hơn ai hết về những mối liên hệ rất phức tạp giữa người da trắng và người da đen, giữa chủ và tớ, không hẳn phải là những liên hệ bốc lột một chiều từ trên xuống dưới. Faulkner đề tặng cuốn truyện Go Down, Moses (1942) cho bà vú già da đen của ông — có thể đã là hình mẫu của Dilsey, bà quản gia trong Âm thanh và cuồng nộ (1929), người mẹ thật sự của đám con nhà Compson: “Kính tặng ‘Mammy’ Caroline Barr, Mississipi (1840-1940) chào đời trong nô lệ, đã chứng tỏ lòng trung thành sâu sắc và không vụ lợi đối với gia đình tôi và đã bao bọc tuổi thơ tôi với sự tận tâm và một tình thương vô hạn.”
 
Nguyễn Đăng Thường

 

_____________

 

EVANGELINE

 
Đã đăng: Evangeline [I-II]
 

III

 

Đêm đó, tôi thấy mình đứng ngay dưới một trong những cửa sổ hai cánh khép của ngôi nhà, trong bóng tối dày đặc của những lùm cây có những nhánh cây leo sum suê và tôi nghĩ, ‘Mi chỉ cần bước vào nhà. Nàng sẽ nghe và sẽ gọi. Nàng sẽ hỏi “Chị đấy phải không?” và nàng sẽ gọi tên bà mọi già. Và như vậy mi sẽ được biết luôn tên của bà mọi già.’ Tôi đã nghĩ vậy, đứng ngây người giữa đêm tối gần ngôi nhà cũ, lắng nghe tiếng bước chân nhỏ dần của con chó đang chạy về phía con suối trên đồng cỏ.

Tôi đã đứng như vậy, giữa cây cối rậm rạp của mảnh vườn cũ, bên cạnh bức tường tróc sơn loang lổ của ngôi nhà sừng sững trong bóng đêm, não óc với mối bận tâm thứ yếu về cái tên của bà mọi già. ở phía bên kia xa cách mảnh vườn và cánh đồng cỏ, tôi nhận ra một ánh đèn trong căn lều mà hồi trưa tôi đã thấy bà ngồi nơi ngưỡng cửa ngậm ống điếu trong chiếc ghế bành được củng cố thêm bằng những dây kẽm. “Cụ cũng mang họ Sutpen, đúng không,” tôi nói.

Bà cụ lấy ống điếu ra khỏi miệng. “Còn anh, tên gì?”

Tôi cho bà lão biết tên trong lúc bà vừa nhìn tôi chăm chú vừa rít thuốc. Bà già nua quá sức tưởng tượng; đó là một phụ nữ nhỏ con có khuôn mặt chi chít những vết nhăn màu cà phê lợt, bất động và lạnh lùng như đá hoa cương. Nét mặt không mang vẻ của dân da đen, khuôn mặt với nét cắt quá lạnh lùng, quá nung nấu, và bất chợt tôi nghĩ, ‘Đó là dòng máu da đỏ. Nửa da đỏ, nửa Sutpen, tinh thần lẫn thể xác. Chẳng ngạc nhiên nếu Judith đã hài lòng suốt bốn mươi năm.’ Bất động như đá hoa cương, và lạnh lùng chẳng kém. Bà mặc một chiếc áo vải sạch sẽ và một cái tạp dề. Bàn tay bà quấn vải trắng và sạch sẽ. Bà đi chân không. Tôi cho bà biết công việc của tôi và bà vuốt ve cái ống điếu và nhìn tôi chăm chú với đôi mắt không tròng trắng: nếu đứng cách xa hơn một tí người ta sẽ bảo rằng bà tuyệt đối không có mắt. Khuôn mặt bà hoàn toàn không biểu hiện tình cảm, như một cái mặt nạ mà lỗ mắt đã bị ấn sâu, và đôi mắt bị quên. “Anh làm nghề gì?” bà cụ hỏi tôi.

“Cháu là nhà văn. Một kẻ viết các thứ cho những tờ báo và linh tinh.”

Bà lão nói lầm bầm. “Tui biết họ là ai mà.” Bà lại nói lầm bầm và tiếp tục rít ống điếu, phát âm trong một cụm khói, nặn nọt các tiếng nói trong làn khói cho mắt có thể nghe. “Tui biết họ là ai. Anh không phải là nhà văn đầu tiên đã tới đây.”

“Vậy hả? Khi nào—”

Bà rít một hơi thuốc không đáp lời tôi. “Chưa lâu lắm đâu. Cậu chủ Henry của chúng tôi, cậu đã xuống phố, cậu đã tới tìm hắn trong văn phòng và cậu đã dùng roi rượt hắn chạy ra đường, thậm chí ngọn roi đã quấn lấy hắn như một con chó.” Bà hút thuốc và cầm ống điếu trên tay, bàn tay bà không lớn hơn bàn tay một con búp bê. “Vậy là anh lợi dụng tư cách một nhà văn để tới đây xen vào những chuyện không ăn nhập gì tới anh trong nhà ngài đại tá.”

“Ngôi nhà bây giờ không còn thuộc về ngài đại tá Sutpen nữa. Nó là sở hữu của Nhà Nước. Nó thuộc về bất cứ ai.”

“Và do bởi đâu mà ra?”

“Vì đã không nộp thuế suốt bốn mươi năm. Cụ có biết thuế là gì không?”

Bà cụ vẫn hút thuốc và không nhìn tôi, nhưng rất khó biết rõ rằng bà đang nhìn cái gì. Rồi tôi nhận ra cái bà đang nhìn. Bà dang cánh tay, chĩa cán ống điếu về hường ngôi nhà và cánh đồng cỏ. “Hãy nhìn ra đằng kia kìa, bà nói. Hãy nhìn vật gì đang băng qua cánh đồng cỏ.” Đó là một con chó. Trông nó mập mạp như một một con bê; nó khổng lồ, hoang dã và lẻ loi nhưng không ý thức được sự cô đơn, như chính ngôi nhà. “Cái đó tất nhiên không thuộc về Nhà Nước. Anh lại gần nó thử xem.”

“Ô, con chó. Nó sẽ không ngăn cản được cháu đâu.”

“Sao thế?”

“Nó sẽ không ngăn cản được cháu đâu.”

Bà cụ hút thêm một đỗi nữa. “Cậu bé da trắng ơi, hãy về nhà lo chuyện riêng của cậu đi. Đừng có xen vào chuyện của người ta.”

“Con chó đó nó sẽ không ngăn cản được cháu đâu. Nhưng nếu cụ nhận lời nói chuyện với cháu thì cháu khỏi phải tới đó.”

“Đi qua con chó đó trước đã. Ta sẽ nói chuyện sau.”

“Cụ thách cháu à?”

“Hãy qua mặt con chó đó trước đã.”

“Tuân lệnh”, tôi nói. “Cháu sẽ làm ngay.” Tôi lui gót và đi trở ra con lộ. Tôi cảm thấy đôi mắt của bà dán vào người tôi, nhưng tôi không quay lại để nhìn. Tôi đi dọc theo con lộ. Lúc đó bà mọi già lớn tiếng gọi giật tôi lại, như Don đã nói, tiếng nói của bà có thể vang xa hơn một dặm mà không cần gắng sức. Tôi nhìn lại. Bà vẫn ngồi trong chiếc ghế bành, chẳng to hơn một con búp bê lớn, và bà dang tay về phía tôi, cái ống điếu vẫn toả khói. “Anh hãy ra khỏi nơi này và đừng trở lại nữa, bà hét. Cút ngay.”

Tôi đã nghĩ ngợi như vậy khi đứng gần ngôi nhà lắng tai nghe con chó. Tôi có thể đi qua mặt nó dễ dàng: tôi chỉ cần tới chỗ con suối chảy: một miếng thịt bò sống cuộn xung quanh một hộp đựng tiêu chỉ cần đầy đến phân nửa sẽ hoàn tất phần còn lại. Tôi đứng đấy gần tới mức xâm nhập bất hợp pháp, trí óc vẫn bị xâm chiếm bởi cái vấn đề thứ yếu là họ tên của bà mọi già. Thần kinh tôi hơi bị căng thẳng: tôi còn thiếu tuổi đời để có thể tránh khỏi tình trạng đó. Tôi chưa đủ già dặn để sự cận kề một cuộc phiêu lưu hầu như tước đoạt sự minh mẫn; nếu đã không như vậy thì chắc chắn tôi sẽ ý thức được ngay rằng một kẻ đang sống ẩn dật trong một ngôi nhà từ bốn chục năm qua, chỉ đi ra ngoài để hứng gió lúc đêm xuống, mà sự hiện hữu chỉ có một người khác và một con chó biết đến mà thôi, sẽ không cần kêu to khi nghe một tiếng động trong ngôi nhà: “Chị đó phải không?”

Bởi thế, khi rốt cuộc tôi đứng trong cái hành lang tranh tối tranh sáng, dưới chân cầu thang ngay cái chỗ mà bốn mươi năm trước, con mọi con, nằm ngửa và la hét hết hơi hết sức, đã thấy ở phía trên nó cái đầu lộn ngược, và vì tôi vẫn chưa nghe một tiếng động, một giọng nói nhỏ: “Chị đấy hả”, tôi cũng vậy, tôi cũng gần như muốn phát điên. Nghĩa là tôi còn quá trẻ. Tôi đứng đó một lúc lâu, và một lúc sau tôi cảm thấy đôi mắt của tôi làm cho tôi đau, và tôi nghĩ: “Mi đang làm gì vậy. Con ma cần ngủ. Đừng quấy nhiễu nó.”

Và chính vào lúc ấy tôi nghe cái tiếng động. Nó xảy ra ở phía bên kia ngôi nhà, và dưới tầng trệt. Một cảm giác sôi sục chiến thắng chiếm đoạt tôi. Tôi ngó thấy mình đang nói với Don: “Cậu thấy đó, tớ đã bảo cậu rồi mà!” Có thể tôi đã mình ên nhận ra sự thôi miên và một tí gì đó vẫn chưa rời tôi, bởi lẽ sự nhạy cảm bình thường đã phải nhận ra tính chất của tiếng động: một tiếng động có âm thanh kim khí của một cái chìa trong ổ khoá; có một kẻ nào đó đã đi vô nhà bằng cửa sau; một cách vào nhà hợp lý và rất nhân ái, với sự giúp đỡ của một chiếc chìa khoá cũng không kém phần hợp lý. Và tôi giả định rằng sự nhạy cảm bình thường đã hiểu rõ điều đó: chỉ cần nhớ lại rằng những tiếng rống của con chó gần con suối cũng đã đến tai những kẻ ở trong căn lều. Dẫu sao thì tôi vẫn đứng như bị trời trồng trong bóng tối mênh mông, tôi nghe nó bước vô tiền sảnh bằng ngả sau, không vội vã không lưỡng lự, như một con cá mù loà lướt qua các tảng đá tối tăm trong một dòng nước tối tăm dưới đáy một hang động. Rồi bà cụ nói, bình thản, không cố gắng mà cũng không hạ giọng: “Té ra con chó đã không ngăn được anh tới đây.”

“Dạ không,” tôi thì thầm. Bà cụ xích gần, vô hình.

“Tôi đã nói với anh rồi mà,” bà nói. “Tôi đã bảo anh đừng có xen vào chuyện của người khác. Họ đã làm gì anh, anh và những người như anh?”

“Suỵt,” tôi nói rất khẽ. “Nếu cô ấy chưa nghe thấy cháu, cháu có thể trở ra. Cô ấy sẽ không hay biết gì cả—”

“Cậu ấy sẽ không nghe thấy anh. Mà dẫu có nghe thấy thì cậu ấy cũng bất cần.”

“Cậu ấy?” tôi hỏi.

“Trở ra,” bà hỏi vặn lại. Bà tới gần. “Anh đến sát quá. Tôi đã bảo anh đừng làm vậy, nhưng anh không nghe. Bây giờ thì đã quá muộn để trở ra.”

“Cậu ấy,” tôi lập lại. Bà lão bước qua gần tôi nhưng không chạm tôi, và tôi nghe bà khởi sự bước lên cầu thang. Tôi hướng về phía tiếng động do bà gây ra, như thể tôi trông thấy bà. “Cháu có thể làm gì được?”

Bà cụ không ngừng bước. “Làm gì? Anh đã làm quá nhiều rồi. Tôi đã bảo anh rồi mà. Anh có cái đầu của một con la trẻ. Đi theo tôi.”

“Không, cháu—”

“Hãy đi theo tôi. Anh đã được dịp may nhưng không nắm bắt. Bây giờ thì anh phải đi theo tôi.”

Chúng tôi đi lên cầu thang, bà lão tiến bước vững vàng, vô hình, tôi thì cầm chắc tay vịn, dò dẫm phía trước mặt, mắt nhức nhối. Bất chợt, tôi chạm phải bà: bà đã đứng lại, bất động. “Chúng ta đang ở trên lầu. Không có trở ngại nếu anh đập cửa.” Tôi tiếp tục bước theo bà, noi theo tiếng bước chân không giày. Tôi chạm phải một tấm vách, nghe tiếng vặn một nắm cửa và cảm nhận một cánh cửa mở để thoát ra bên ngoài một luồng khí tù hãm, hôi hám, nóng như hơi của lò—một mùi da thịt già nua, phòng ngủ bưng bít. Tôi cũng cảm nhận được một thứ khác nữa. Nhưng tôi chưa rõ đó là cái gì trước khi bà đóng cửa và đánh một cây diêm châm ngọn nến gắn trên một cái dĩa sứ. Trong lúc tôi nhìn ngọn nến chao đảo, tôi bình tĩnh thầm hỏi, mọi phán đoán để qua một bên, làm cách nào mà nó có thể cháy, có thể sống, trong căn buồng của chết chóc đó, trong không khí của mộ phần đó. Rồi tôi nhìn căn phòng, chiếc giường—tôi tiến tới gần chiếc giường và khựng lại, vây bọc bởi cái mùi của da thịt dơ bẩn và bưng bít, cái mùi tử khí mà lúc đầu tôi không nhận ra. Người đàn bà mang cây đèn cầy lại gần chiếc giường và đặt nó trên bàn, đã có để sẵn một món đồ khác: một cái hộp thiếc dẹp. “Đó là bức chân dung, ” tôi nghĩ. “Bức chân dung của Judith mà Charles Bon đã mang theo ra chiến trường rồi mang về.” Rồi tôi nhìn người đàn ông nằm trên giường—cái đầu gầy gò, xanh xao, xương xẩu, với vòng hào quang của tóc rối dài cùng một màu với ngà voi, một bộ râu dài gần tới thắt lưng; ông già nằm trong chiếc áo ngủ ngả vàng và bẩn trên các tấm ra cũng đã ngả vàng và nhớp nhúa. Từ cửa miệng hé mở xông ra một hơi thở yên tĩnh, yếu và chậm, chỉ làm rung nhẹ hàm râu. Mí mắt nhắm nghiền, mỏng đến độ người ta có thể bảo chúng là những mảnh giấy lụa ướt dán lên hai tròng mắt. Tôi nhìn người đàn bà đã tới gần. Phía sau chúng tôi là bóng của chúng tôi chiếu rọi lên đầu vách đã bị tróc vảy sơn màu cá. “Trời ơi,” tôi nói. “Ai đó vậy?”

Bà trả lời nhưng không làm một cử động nhỏ, môi không nhúc nhích, với cái giọng không mạnh không thấp. “Henry Sutpen,” bà nói.

 

[còn 4 chương]

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[1]André Malraux, trong Lời Tựa viết cho Thánh Cung (1949), bản dịch tiếng Pháp của Sanctuary (1931), một cuốn tiểu thuyết nhại truyện trinh thám để mô tả cái ác đã gây chấn động khắp nước Mỹ vào đầu thập niên 30.

 

Đã đăng:

Evangeline [I-II]  (truyện / tuỳ bút) - Faulkner, William
Tôi không gặp mặt Don đã từ bảy năm nay và bặt tin hắn đã sáu năm rưỡi khi tôi nhận điện tín này: KIẾM ĐƯỢC CHO CẬU MỘT CON MA HÃY TỚI LÃNH TUẦN NÀY TỚ VỀ NHÀ. Không đắn đo, tôi suy gẫm: ‘Hắn nghĩ mình có thể làm gì với một con ma?’ ... [Bản dịch và lời giới thiệu của Nguyễn Đăng Thường] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021