thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bọn người lao đao [kỳ 1]

 

Thương nhớ Ân

 

"Sao hồi đó ở đây buồn quá hả chú...”

Người đàn bà ngập ngừng. Cô còn trẻ. Cô ngồi trên một chiếc ghế đá nhìn xuống thung lũng, bên cạnh là một người đàn ông đứng tuổi. Buổi trưa cao nguyên nắng mênh mông. Gió lớn. Thông reo gần như gào thét, nhưng cũng có lúc nghe như tiếng suối chảy, hoặc thoang thoảng như tiếng sáo trúc. Trời nhiều mây. Mây cuồn cuộn bay về phía hai ngọn núi nhọn trông như cặp vú khổng lồ nằm phơi mình giữa trời đất mà dân địa phương gọi là Núi Bà. Gần đấy là Núi Ông. Dưới xa, thật xa, qua ba bốn triền dốc với nhiều bậc tam cấp chạy lượn lờ uốn khúc là mặt hồ xanh biếc in hình những chòm cây đứng rải rác hoặc tụ thành từng cụm trên các sườn đồi gần đấy. Cây thì toàn là thông với thông. Thân cây bao bọc bởi lần vỏ nâu đen sù sì nằm lẫn trong biển xanh của lá.

"Sao hồi đó ở đây...”

Người đàn bà lặp lại. Tiếng nói nhỏ quá, trời gió lớn. Người đàn ông ngồi cạnh dường như không nghe thấy gì, nhìn quanh, lơ đãng, thỉnh thoảng đưa bàn tay nắm lấy vai người đàn bà. Cô ta đưa hai tay giữ lấy mớ tóc buông xuống trước ngực đang bị gió đánh rối. Hai cánh tay áo xắn lên quá khuỷu tay để lộ làn da trắng xanh, chiếc áo sơ-mi vải phin mỏng màu mỡ gà dán sát vào thân hình, và chiếc khăn nhỏ màu xanh lá cây chấm bông cuốn tròn buộc hờ quanh chiếc cổ cao. Chiếc khăn không dùng để che cho ấm cổ, mà như một thứ trang sức. Cô hơi gầy, đôi mắt hoang mang, ngồi giữ ý khép nép.

Người đàn ông chốc chốc lại trân trân nhìn người đàn bà dò xét. Cái nhìn lạnh lùng, sấn sổ, soi mói, kèm với nụ cười pha chút giễu cợt. Nhạn, người đàn bà, giọng dịu dàng:

"Cái gì vậy chú? Mặt cháu dính lọ nghẹ hả chú?”

Người đàn ông cười khan:

"Làm gì có.”

Nhạn cúi mặt. Người đàn ông cười to:

"Thẹn sao? Với tôi mà cũng thẹn? Được, được đấy.”

Làm bộ ngẫm nghĩ, ông chắc lưỡi nói tiếp:

"Cháu đặc biệt lắm, chú phải nhìn kỹ hơn nữa. Nhỏ đẹp theo cách nhỏ, lớn lên lại đẹp cách khác. Nếu có da có thịt thêm chút chút nữa cũng sẽ... vẫn đẹp. Mà gầy gầy như bây giờ càng lôi cuốn. Chú nhớ, đọc đâu đấy, có những đứa con gái Pháp, con gái Paris hồi bị Đức chiếm đóng trong Thế Chiến Thứ Hai, sống trong thiếu thốn, đẹp não nùng. Càng đói càng đẹp, nhất là đôi mắt như mắt chó sói bị bao vây bốn bề bởi tụi lính Đức thô bạo, tên nào trên tay cũng ôm sẵn nào bánh mì, nào cheese, nào rượu chát. Nhưng đâu có thể đẹp bằng đôi mắt sợ hãi này. Cháu sợ cái gì vậy?”

Nhạn quay nhìn ra xa, thở dài, nói nhỏ:

"Thay đổi nhiều quá!”

"Hả? Cái gì vậy?”

"Dạ, không có gì cả.”

"Có chứ sao lại không. Nhạn nói chú đổi khác? Dĩ nhiên là thế, chú phải khác mà cháu cũng thế, cũng khác. Xa nhau quá lâu rồi nay gặp lại phải có khác. Không khác là bế tắc, là hết thời. Khác nhất là đôi mắt.”

"Thưa chú nói sao ạ?”

Ông Tuệ rung đùi:

"Chú đã nói rồi đấy, đôi mắt sợ hãi. À mà năm nay Nhạn mấy tuổi?”

"Cháu nghe nói người nước ngoài không hỏi tuổi phái nữ, phải không chú?”

"Lại muốn giấu tuổi?”

Người đàn bà nhỏ nhẹ:

"Dạ, cháu không dám giấu đâu ạ?”

"Không sao, cứ cố giấu đi, chú tính ra được ngay. Nào, hồi tôi đi cô còn bé tí, chỉ mới 15, 16 là cùng. Vậy thì nay cháu, xem nào, trên dưới 30, cái tuổi mặn mà nhất trong đời người đàn bà. Đúng không?”

Cô không trả lời, kín đáo ngồi nhích lần ra mép ghế như để tránh nắng. Quả vậy, tia mặt trời buổi trưa xuyên qua những ngọn thông chiếu loe loé những hình sao vào đôi mắt hoang mang, vào đôi môi son tô nhạt. Lốm đốm những vạt nắng trên vai, trên đùi. Nắng trong veo. Một tiếng động khe khẽ, khô khan, dội lên giữa tiếng gió vi vu, giữa tiếng thông reo như không bao giờ dứt. Một trái thông khô rơi xuống chạm vào thành ghế đá, văng xuống đất. Thêm một chấm nâu trên nền cỏ xanh. Màu xanh mênh mang, thông xanh, cỏ xanh, mặt hồ xanh, da trời cũng xanh. Lại một trái thông rơi, Nhạn giật mình thảng thốt:

"Sao hồi đó...”

Xích đến gần người đàn bà hơn, người đàn ông cười cười:

"Sao? Hồi đó, hồi đó hoài! Hồi đó có cái gì hay ho kể cho tôi nghe đi.”

"Hồi đó ở đây... hồi đó chú khác lắm. Giọng nói nữa, cháu cũng nhận không ra. Bây giờ chú pha giọng bắc.”

Ông cười lớn:

"Cô nói sai rồi. Giọng của tôi bây giờ là giọng hằm bà lằng, chứ bắc biếc cái gì. Bắc trung nam đều có tuốt. Thống nhất.”

Nhạn ngập ngừng:

"Thế sao! Nhưng... nhưng thưa chú, hồi đó...”

"Hồi đó, hồi đó hoài,” người đàn ông gắt. “Có gì cứ nói đại đi!”

Cô hoảng hốt:

“Dạ.”

Người đàn ông dịu giọng:

“Hồi đó tôi khác hồi này chứ gì. Cô đã nói thế nhiều lần, khỏi cần nhắc lại.”

Người đàn bà lại ngập ngừng:

“Dạ,... hồi đó ở đây buồn quá phải không chú.”

“OK, để tôi cắt nghĩa cho nghe,” người đàn ông cao giọng như muốn kết thúc một câu chuyện ông không muốn kéo dài nữa. “Xưa, đây chỉ là một cái thung lũng hoang vu thông mọc đầy, ít người lui tới. Chú có đưa cháu đến đó chơi nhiều lần, có cả bố mẹ cháu cùng đi, cháu còn nhớ chứ. Có con suối nhỏ chảy dưới lòng thung lũng. Một hôm cả nhà muốn mạo hiểm lần lần từng bước trên bờ dốc rồi ngồi phịch xuống, hai chân chống đất phía dưới, hai tay vắt ra đàng sau níu cỏ, cố xuống cho đến tận dòng suối thử xem sao. Thì cháu tuột tay nhào người ra phía trước. May chú nhanh tay giữ được cháu. Cháu ôm chầm lấy chú, hốt hoảng, run rẩy, mặt mày tái mét.”

“Dạ, cháu có nhớ chuyện đó, nhớ như in.”

“Tên của vùng này là... chú nhớ ra rồi, Thung Lũng Tình Yêu, bắt chước cái tên bằng tiếng Pháp, Bois d’Amour, gần thác Cam Ly. Cái tên ấy cũng có lý, trai gái tìm đến đấy chuyện trò, yêu đương. Về sau, trước khi miền Nam mất, người ta đắp đập ngăn nước biến dòng suối thành cái hồ. Nay, sau mấy mươi năm, nơi này đã được sửa sang nhiều và trở thành một điểm du lịch nổi tiếng của thành phố. Du khách đến đông đúc quanh năm. Cho nên nó không buồn như xưa nữa. Đơn giản thế thôi.”

Người đàn bà lặng lẽ ngồi nghe, như chìm trong giấc mơ. Người đàn ông hỏi lớn:

“Cô có nghe tôi nói gì không đấy?”

“Dạ, cháu có nghe. Cháu nghe từng lời của chú. Và cháu còn nhớ mẹ hỏi con đã hết sợ chưa... và.... và bảo rằng nếu không có chú thì con sẽ trôi theo dòng nước như mấy trái thông khô kia kìa. Thôi, con lên trên kia với mẹ.” Cô nói tiếp sau một phút ngẫm nghĩ. “Nhưng... nhưng cháu muốn nói hồi đó, hồi... sau đó, khi chú...”

Ông lại cau mày đăm đăm nhìn cô ta, hơi ngạc nhiên. Bỗng ông reo lên:

“Hay quá, ê Yên, lại gặp nhau đây nữa.” Ông đứng dậy bắt tay người mới đến rồi kéo người ấy ngồi xuống ghế đá bên cạnh ông. “Này này, hôm qua cậu nói sáng nay cậu bay về Sài Gòn mà.”

Người đàn ông mới đến trả lời:

“Cũng định thế, nhưng đổi ý.”

“Yên ơi, thấy cậu là thấy đổi ý.”

“Đúng thế, nếu không thì tôi không phải là tôi rồi,” ông Yên cười xoà. “Đi xe du lịch Xinh Cà Phê tiện hơn nên không bay nữa. Sẽ ở đây thêm vài ba hôm.”

“Lạ chưa, đến đây một mình? Thế cái thằng kia của cậu đâu?”

Người đàn ông tên Yên cười hô hố:

“Anh Tuấn hả? Ảnh đang bận tán con nhỏ bán trái cây ngoài kia. Chán thiệt.” Quay nhìn người đàn bà, ông Yên nói hối hả. “Xin lỗi, chào chị, chị...”

“Chị chị cái gì,” người đàn ông chen vào. “Cháu tôi đó.”

Nhạn ngồi yên ở mép ghế mỉm cười với người mới tới rồi quay mặt đi nơi khác. Người đàn ông nói tiếp:

“Đây Nhạn, cháu tôi, đồng thời cũng là bạn của tôi, và đây Yên, cũng bạn tôi. Mà bạn của bạn là bạn. Và thù của thù cũng là bạn. Bạn chung. Nhưng bạn của thù là thù. Phải không Yên?”

Người đàn ông tên Yên cười xuề xoà, mắt nhắm tít sau cặp kính cận dày cộm. Tiếng cười chưa dứt đã nối tiếp bằng tiếng nói oang oang:

“Cậu đang ôn bài học khai tâm về chính trị hồi đó hả?”

“Hồi đó là cái con khỉ gì. Hồi nào?” ông nhìn qua phía cô gái.

“Hồi ở tù cải tạo chứ còn hồi nào nữa,” ông Yên đáp. “Bực quá, thấy gái là a thần phù vào.”

Người đàn ông nhíu mày:

“Thằng Phù nào đây nữa? Mà này, cái thằng Tuấn của cậu hình như chỉ biết sống trong không gian thôi...”

“Sao?” Ông Yên ngắt lời. “Sống trong không gian? Ảnh được chọn làm phi hành gia hồi nào vậy? Ông có nói lộn không?”

“Trong không gian chứ có phải là bên ngoài không gian, bên ngoài bầu khí quyển đâu. Đừng lẫn hai thứ. Tôi muốn nói trong không gian thì hắn có sống, có nhúc nhích, có đi đây đi đó, có đổi chỗ ở, có ở tù, và cũng có chạy qua đây, vân vân và vân vân, như tôi với cậu. Nhưng trong thời gian hắn nay không khác hắn xưa chút nào. Bây giờ hay cách đây hai ba mươi năm vẫn thế, thấy gái là lủi vào, trẻ không tha, già không buông.”

“Đúng thế,” ông Yên đáp. “Chán anh ấy quá. Nhưng cậu cũng thế thôi, thấy gái cũng ... Ấy chết...”

Ông Yên ngưng lại giữa câu nói, liếc mắt nhìn người đàn bà ngồi ở mép ghế bên kia. Dường như không muốn để ý đến câu chuyện của người khác, Nhạn nhìn xa, thở dài.Người đàn ông như sực nhớ có Nhạn ngồi bên cạnh, quay qua nói:

“Thở dài vì có gì buồn trong lòng chăng, hay chẳng qua đó chỉ là một thói quen, thói quen lâu thành tật. Hay cũng có thể là một cách làm duyên? Sao? Làm duyên hả cô Nhạn của tôi?”

Cô im lặng.

Ngoài kia, những đám bụi đỏ nhờ nhờ thỉnh thoảng tung lên mỗi khi có xe hơi chạy qua làm mù mịt con đường trải đá. Con đường dài nằm giữa ngăn cách một bên là khu du lịch với cây cối, hoa lá, hồ nước, quán xá, bên kia là những thửa vườn thoai thoải xuống một thung lũng cạn trồng nhiều loại rau cải, cây, trái. Chỉ trong một khoảnh khắc ngắn, đám bụi đỏ lắng xuống, trả lại cho cảnh vật màu xanh của rừng thông, màu hồng, tím, đỏ, trắng của nhiều loại hoa đang đua nhau nở. Trời nắng trưa nhưng trong bóng im vẫn không oi bức lắm. Dưới những gốc thông, dưới những mái nhà lợp lá không vách bao quanh, du khách ngồi tụm năm, tụm bảy, nghỉ ngơi, chuyện trò, hoặc mang thức ăn ra ăn. Nhiều người, thường là những người ngoại quốc, ngồi bệt xuống đất, hoặc nằm dài trên những thảm cỏ gấp hai cánh tay làm gối. Cỏ xanh tươi, mịn màng, sạch sẽ.

Bỗng tiếng nhạc từ loa phóng thanh cạnh phòng bán vé trổi lên bài Đêm Đông. Người đàn ông nói với Nhạn:

“Trưa hè nắng muốn đổ lửa mà cứ ong ỏng đêm đông. Có bài hát nào tên Trưa Hè không, Nhạn? Cháu hát cho chú nghe một bài về mùa hè đi. Ngay bây giờ.”

Cô cúi mặt nói lí nhí những gì không rõ, rồi lặng lẽ đứng dậy rút chiếc khăn tay nhỏ từ trong túi quần chặm nhẹ lên vài giọt mồ hôi đọng trên trán, trên cổ. Đưa mắt chào hai người đàn ông, cô vói tay lấy chiếc áo khoác mỏng vắt trên thành ghế đá choàng vội vào vai, và cởi giày ra cầm trong tay, lần từng bước đi xuống những con dốc trơn trợt khá dài. Ông Yên cũng đứng dậy hối hả nói oang oang:

“Hà hà, xin lỗi chị... cô... Cô hãy ngồi lại chơi tự nhiên với anh Tuệ đi. Tôi chỉ giỏi đến quấy rầy. Nhưng tôi đi ngay mà.”

Người đàn ông, ông Tuệ, cũng nói vói theo:

“Cháu đi đâu đấy?”

Nhạn quay đầu không trả lời, đưa tay vẫy chào và tiếp tục đi. Ông Tuệ nheo mắt nhìn theo cô ta, nói to:

“Xuống hồ hả! Nhớ cẩn thận, đường đầy lá thông khô trơn trợt, coi chừng té gãy giò. Nhưng như thế cũng tiện, để đàn ông người ta nói chuyện với nhau. Chờ tôi dưới đấy, chốc tôi xuống ngay. Đừng đi nơi nào khác, đừng bắt tôi tìm kiếm, mất thì giờ của tôi lắm.”

Khi người đàn bà đã đi xuống các tam cấp khuất tầm mắt, ông Yên lại ngồi xuống, cổi mắt kính ra lau, và oang oang:

“Cô bé trông được lắm đó, phải không câu. Còn cậu thì có khác chi Tuấn, gặp gái là tán riết. Làm như tán gái là bổn phận của đàn ông. Giống như gà.”

“Cái gì?”

“Cậu từng ở nhà quê chứ? Gà trống thấy gà mái là giở trò dê ngay, sè cánh xuống sát đất nghiêng người đi vòng vòng ngất ngưởng quanh con gà mái theo cái điệu đấu bò tót của dân Tây Ban Nha.”

“Đó là cái kiểu của gà, sao bảo nó dê?”

Ông Yên không để ý lời của bạn, đứng dây kéo ông Tuệ đi đến gặp một người đàn ông tóc nhiều muối hơn tiêu đang đứng ba hoa với một cô bán hàng khá xinh ngồi trước quầy hàng trái cây cạnh chiếc cổng lớn bên ngoài phòng bán vé:

“... răng cũng đẹp mà tóc cũng đẹp. Cái răng cái tóc. Mà mặt mày tay chân gì cũng đẹp. Nhưng đôi mắt thì hết biết, tuyệt! Còn có cái gì khác cũng đẹp mà tôi quên nói tới hả cô em?”

Cô hàng lém lỉnh:

“Chú quên cái đó rồi hả. Cái gì chú biết không?”

“Không biết.”

“Đó là... là mấy nải chuối La Ba ngon hết sẩy, dâu tây trong vườn vừa mới thu hoạch sáng nay tươi rói, trái bơ, trái hột gà, trái mơ, trái mận Trại Hầm cũng thơm ơi là thơm.”

Cô hàng đưa nải chuối lên mời. Người đàn ông tóc tiêu muối nhại:

“Và cô em ăn nói có duyên ơi là duyên.”

Nói xong ông ta cầm tay cô hàng đang đưa nải chuối.

“Thôi nghe, thôi nghe. Đừng mà!”

Ông ta buông tay ra rồi nhại:

“Vâng, đừng mà.”

Ông Yên đứng cạnh nhìn chòng chọc. Cô hàng lại tiếp lời:

“Mua ngay đi chú. Còn hai chú tê đứng làm chi đó, ngồi xuống đi. Mua một thứ cũng tốt, mà mua hai ba thứ hay mua hết quầy cháu cũng không cấm cản. Khẩn trương kẻo hết!”

“Khẩn trương? Nghe ngộ quá. Tôi khẩn trương mua đây. Vâng, mua trọn... trọn gói nhé, trong đó có cả cô nữa đấy.”

Cô hàng ngoe nguẩy:

“Không dám đâu.”

“Cô không dám nhưng tôi dám. Nhưng cứ chú chú, cháu cháu nghe kỳ quá. Gọi là anh đi. Anh còn trẻ mà.”

Ông Yên chen vào:

“Tuấn ơi, anh thì nhất rồi, trẻ mãi không già. Vừa phải thôi chứ!”

Người đàn ông tên Tuấn trả lời:

“Chốc nữa chúng mình sẽ có khối chuyện để đấu với nhau, còn bây giờ xin để yên cho tôi nhờ. Tôi không bắt chờ lâu đâu.” Xoay qua cô bán hàng. “Cô nghe thấy bạn tôi nói đấy chứ, trẻ mãi không già! Thật ra cũng có già đôi chút so với cô em, tuy thế còn được lắm. Con gái gặp là chịu ngay. Nhưng trước hết là phải đổi cách xưng hô.”

Cô bán hàng cười ngây thơ:

“Không gọi chú là chú thì cháu phải gọi là chi đây? Ôn nghe. Dạ thưa ôn, ôn nói đúng. Bọn con gái tụi cháu chịu mấy ôn lắm.”

“Xưng hô cái kiểu gì mà ớn vậy! O là người Huệ?”

“Dạ đúng. Người Huế vô trong ni làm ăn cũng bộn. Thưa ôn, ở ngoài Huế mình cũng như ở đây, con gái rất thích mấy ôn, rất thích sưu tầm đồ cổ...”

Ông Yên cười toáng lên một cách sung sướng, vừa bước đi vừa nói với ông Tuệ:

“Đáng đời! Đáng đời!”

Ông Tuệ tiếp lời:

“Ăn thua gì. Càng được đàn bà mắng chửi thằng Tuấn càng khoái. Chốc nữa tôi phải sửa cái thằng này mới được.”

“Nhớ nhé, chắc chắn nhé,” ông Yên rối rít. “Cậu giũa cho ảnh một trận te tua đi.”

Hai người đàn ông bước đi, tiếng nói láu lỉnh của cô hàng còn văng vẳng đuổi theo:

“... mà đồ cổ càng để lâu càng có giá, càng đắt tiền. Nhưng, nhưng trong túi ôn có chừng mô? Nói thiệt cho con cháu nó mừng.”

Ông Tuấn hớn hở đáp:

“Cô em của tôi cứ việc mừng đi. Sách có câu, ‘Càng già càng dẻo càng dai’. Ôn tiền không nhiều nhưng tình thì lai láng.”

Nói xong, ông Tuấn rút tờ giấy bạc 100 ngàn đồng đưa cho cô hàng, xách nải chuối La Ba, và đứng dậy. Cô hàng vội vã:

“Đi mô mà gấp dữ rứa hả ôn... hả chú... hả anh! Tiền thối đây anh, đây anh.”

“Khỏi, cô giữ lấy.”

“Nhưng anh ơi hãy cứ ngồi xuống với em cái đã rồi sẽ tính.”

Ông Tuấn cười tình rồi quay người bước đi nhanh theo hai ông bạn. Cô bán hàng ngồi bên cạnh chỏ mỏ:

“Ủa lạ chưa! Hôm nay mày ăn phải cái gì mà chê tiền đấy hả?”

“Còn lâu.”

“Sao đòi thối.”

“Tao nói thế để dụ thằng già dịch ngồi lại.”

 

[còn tiếp]

 

 

--------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021