thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nhà thơ nói về thơ tình: Trịnh Cung
(phỏng vấn nhà thơ Trịnh Cung)

 

 

Thời thanh niên ông đã yêu bài thơ tình nào? Nếu ngay lúc này, trở lại tuổi mười tám và người yêu của ông muốn nghe ông đọc một bài thơ tình, trong những bài thơ tình ông biết (sau thời kỳ tiền chiến) ông chọn bài nào?

 

TC: Bài thơ tình tôi thường lẩm nhẩm lúc còn trẻ vào các thập niên 60 – 70 ở Sài Gòn là "Dạ Khúc" của Thanh Tâm Tuyền trong tập thơ Liên Đêm Mặt Trời Tìm Thấy. Bài thơ này sau đó được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc và được rất nhiều người yêu chuộng cho đến ngày nay.[1]

 

Giả sử một ngày mai ông đối diện với ba sự kiện — Thứ nhất: Người yêu muôn thuở bước ra từ giấc mơ. Thứ hai: Cuộc cách mạng nhân văn. Thứ ba: Người ngoài hành tinh mời ông đi du lịch một chuyến. Trong ba sự kiện, chỉ được phép chọn một. Ông chọn sự kiện nào để làm bài thơ lớn của đời ông? Tại sao?

 

TC: Tôi thấy thất vọng vì đã không có sự kiện nào đặt ra trong câu hỏi hấp dẫn đối với tôi, bởi lẽ:

- Khái niệm "người yêu muôn thuở" đã quá lỗi thời. Mà tôi thì không có thói quen chờ đợi những phép lạ.

- Cuộc cách mạng nhân văn ư ? Ảo tưởng! Tôi không muốn làm một bài thơ lớn của đời mình bằng cách hưởng lợi từ những bi kịch của đồng loại.

- Tôi luôn kính phục cụ Jules Verne nhưng chuyện người ngoài hành tinh thì với tôi, cho đến hết đời, chỉ là chuyện nhảm.

 

Ông có tin một bài thơ tình biết phản bội không? Ông có từng rơi vào trường hợp bị một bài thơ tình đưa vào cảnh trớ trêu, thậm chí vì một bài thơ tình nào đó mà ông bị em đá đít không? Ông có nghĩ hiện nay mọi người đang có nhu cầu đọc thơ tình thuần khiết không?

 

TC: Câu hỏi này tôi không có hứng thú.

 

Một quan niệm chung cho rằng cái đẹp tình yêu và những bài thơ viết về tình yêu là bất biến. Ông có cho rằng trong 10.001 năm nữa thơ tình chẳng cần thay đổi? Rằng mặc kệ các thời đại, không cần phải đưa chất liệu mới vào thơ tình? Ngày mai ông có tin rằng con ông sẽ đọc cho người yêu nghe thơ tình của ông hoặc bài thơ tình mà ông đã thích?

 

TC: Không phải lo điều ấy! Mỗi thời đại có tiếng nói riêng của nó. Tiếng nói đó mang vóc dáng của nền văn minh nó đang thụ hưởng (hoặc phải chịu đựng) và những thay thế mà nó mong muốn sửa đổi và có quyền sửa đổi. Ở những nước còn chịu di căn của phong kiến Á đông thì phát triển hay thụt lùi là điều phụ thuộc vào vận rủi may của mỗi dân tộc. Ăn vào cái cũ mà ca tụng là tôn trọng truyền thống chỉ là hành động của một thứ “gà què ăn quẩn cối xay”, chưa nói đó cũng là một hình thức ăn cắp bản quyền cục bộ được khuyến khích.

Các con tôi thuộc thời đại khác, tôi không thể biết điều ấy có diễn ra. Nếu có cũng chỉ để cho người yêu của chúng biết thêm về bố mình.

 

Cũng là ánh mắt, ngôn ngữ, cử chỉ, hoa hồng, trong không gian tràn ngập cảm xúc hoa hồng... một bài thơ tình điên điên cất lên. Ông có nghĩ là thiếu văn hoá, là đáng bị em cho là đồ yêu quái rồi "bái bai"…? Hay ông cho đó là liệu pháp cảm xúc chống lại bệnh não hoá biểu tượng tình yêu? Ông có làm thơ tình khùng, hay từng đọc tặng người yêu mình bài thơ khùng của ai khác không? Ông có thể bộc bạch cảm xúc nghệ thuật không kềm giữ của ông với bạn đọc không?

 

TC: Câu hỏi này không ổn. Trước hết cần phải định nghĩa rõ ràng thế nào là "thơ tình điên", "thơ tình khùng". Ai là kẻ có thẩm quyền lượng giá văn học? Trình độ hiểu biết ra sao? Người này xúc phạm người khác chỉ vì ĐIẾC KHÔNG SỢ SÚNG. Nếu cần cho người yêu tôi cười hả hê một bữa thì tôi sẽ đưa nàng đi coi Thành Lộc và Việt Anh tấu hài, lấy đâu ra thứ thơ tình "điên" hay "khùng" mà đọc. Tào lao xịt bọp!

 

Trên đỉnh cảm xúc lãng mạn của một đôi tình nhân trẻ. Nếu được phép nghe lén (trừ lúc lên giường) ông cho rằng sẽ nghe được gì?

 

TC: Câu hỏi này không đáng nêu ra.

 

Nếu một chàng trai 18 tuổi nào đó, như mọi chàng trẻ tuổi trên đời, bỗng một hôm bị cái đẹp tính dục quyến rũ không cưỡng được. Anh ta muốn làm bài thơ “hai trong một” tình yêu và tính dục. Bỏ qua lời khuyên “anh hãy giấu trong cõi riêng”. Ông sẽ nói gì với chàng trai ấy?

 

TC: Không cần phải dạy dỗ, cậu ấy tự biết phải làm gì. Hai trong một hay gì gì nữa luôn tuỳ thuộc vào tài năng lớn hay nhỏ, cá tính táo bạo hay nhu nhược của chính cậu ấy.

 

Xin cảm ơn sự cộng tác của ông.

 

(Trần Nhuệ Tâm thực hiện)

_________________________

[1]Bài thơ "Dạ khúc" của Thanh Tâm Tuyền cũng đã được nhạc sĩ Phạm Quang Tuấn viết thành ca khúc vào năm 2000. (chú thích của Tiền Vệ)


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021