thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Giải phóng phụ nữ | Diễn trò Herod | Lịch sử | Từ tháp cao nhất của thành phố các nhà thơ nhìn xuống
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
 
KATARZYNA BORUŃ
(1956~)
 
Katarzyna Boruń sinh tại Warsaw ngày 12 tháng Ba năm 1956 là một nhà thơ, nhà báo, dịch giả Ba-lan, nổi tiếng không chỉ trong lĩnh vực văn chương mà cả trong những sinh hoạt chính trị xã hội. Không theo học được ngành mỹ thuật như mong muốn thời trẻ tuổi, bà tham dự các khoá học chuyên đề về điện ảnh tại Trường Điện ảnh Łódź. Sau một thời gian làm nhiều công việc khác nhau, kể cả công tác biên tập cho một nguyệt san Công giáo dành cho thanh niên, mùa thu 1989 bà tham dự chương trình International Writing Program tại Iowa, Hoa Kỳ. Bà từng sống sáu năm ở Prague nơi chồng bà từng làm việc, trước tiên là làm báo, sau trở thành nhà ngoai giao. Katarzyna Boruń làm phim và ngoài công việc dịch sách từ tiếng Czech va Slovak, bà còn là tác giả một công trình viết về lịch sử phong trào chống đối ở Cộng hoà Nhân dân Ba-lan trước đây.
 
Thơ Katarzyna Boruń xuất hiện lần đầu năm bà mười tám tuổi trên tạp chí Nowy Wyraz [Biểu hiện mới, 1974]. Từ đó đến nay bà đã cho xuất bản trên năm tập thơ: Wyciszenia (Lặng lẽ, Staromiejski Dom Kultury, Warsaw, 1977), Maly Happening (Chuyện nhỏ, Modziezowa Agencja Wydawnicza, Warsaw, 1979), Życie codzienne w Państwie Środka (Cuộc sống thường nhật ở Trung Quốc, Modziezowa Agencja Wydawnicza, Warsaw, 1983), Muzeum Automatów (Một viện bảo tàng người máy, Bydgoszcz, 1986), Wiecej — wierszeo zmroku (Hơn nữa - Thơ trong buổi hoàng hôn, Staromiejski Dom Kultury, Warsaw, 1991)... Tác phẩm của bà* từng xuất hiện qua bản dịch nhiều thứ tiếng: Czech, Slovak, Tây-ban-nha, Hungary, Serbia, tiếng Anh, tiếng xứ Flandres... Riêng các bản dịch tiếng Anh, có thể tìm đọc các tạp chí Crazyhorse, American Poetry Review, Artful Dodge, và Modern Poetry in Translation... và gần đây là tập Pocket Apocalypse (Southword Editions, 2005) với những bài thơ dịch tuyệt đẹp của nhà thơ Ái-nhĩ-lan Gerry Murphy.
 
Katarzyna Boruń thuộc thế hệ những nhà thơ ít nhiều bị giằng co giữa truyền thống thơ yêu nước, lên tiếng cho “chính nghĩa dân tộc” (tiêu biểu, có những nhà thơ bậc thầy như Zbigniew Herbert) và sự trỗi dậy tuyệt vời của dòng thơ “cá nhân”. Cái nhìn duyệt xét của nhà thơ như chúng ta có thể đọc thấy trong bài “Lịch sử” chẳng hạn, rõ ràng chứa đựng một ý hướng “coi lại” những động cơ thúc đẩy hành động cao cả trong cuộc tranh đấu của một nước Ba-lan thời xưa — thời người ta ào xuống đường tựa như đường là những chiến hào... lâm râm khấn những lời cầu nguyện xin nhận phần thưởng duy nhất có thể nhận — được chết bình an trong ân sủng... Thơ Katarzyna Boruń phát hiện nỗi đau, nỗi thất vọng của con người trước cuộc sống, trước xã hội — với lời lẽ kín đáo gián tiếp, một bút pháp giảm thiểu, người đọc có khi tiếp xúc chỉ với tên bài thơ đã có thể tự mình nhận ra một ý nghĩa, và bài thơ ngắn chính nó qua những lối đi nhỏ, những miền tiếp giáp, từ chối mọi kiểu nói “thẳng thừng”, rốt cuộc vẫn đem đến cho người đọc những nội dung nhắn nhủ sâu sắc... Cách nói ẩn dụ, có thể nói, đó là một phần đáng kể trong thơ bà: Quả là dễ dàng hơn cho chúng ta / nếu chúng ta thôi kiểu nói thẳng thừng / nếu chúng ta giấu ý nghĩa muốn nói trong lời ẩn dụ / nếu chúng ta quanh quẩn một mình trong bóng tối (“Thi sĩ thành phố”, trong Pocket Apocalypse).
 
Katarzyna Boruń hiện sống ở Warsaw, là hội viên Hội nhà văn Ba-lan và hội viên PEN-Club.
 
-----------------------
* Một số tác phẩm, đặc biệt là văn xuôi của Katarzyna Boruń xuất hiện dưới một bút danh khác: Borun-Jagodzinska.
 
 
 

Giải phóng phụ nữ

 
Tôi muốn có
một thoả thuận về câu trả lời
cho câu hỏi
vào bất cứ lúc nào
người ta cũng có thể đem hỏi bạn ở ngoài đường.
“Cô đi đâu
với cái đốm hạnh phúc
khô queo trên đùi thế kia?”
(Hãy ghi nhận là hôm qua câu hỏi vẫn còn là hỏi về chiều sâu của trái tim bạn.)
 
 
 

Diễn trò Herod

 
Đêm ấy toàn thành phố bồn chồn lo lắng quanh những phòng hộ sinh. Chính một tay ngoại quốc cư ngụ ngắn ngày trong thành phố đã để lọt ra ngoài tin đồn về chuyện vừa ra đời một nhà tiên tri hay Chúa Cứu thế. Thế là những cái tủ chứa chuyện lạ tư nhân bắt đầu nhảy vào, nhanh chóng đổi những bao tay cao su lấy những bao tay trắng. Ở các khu ngoại ô thành phố — như thường lệ là trung tâm trí tuệ của nó — những người thuộc mọi lứa tuổi giận dữ rải truyền đơn khắp nơi.
 
Nhanh lên nào, từ ngày mai các bạn sẽ phải dùng bánh mì chấm sữa để rửa sạch mỗi hơi thở của mình.
 
Chỉ có đám trẻ con là vẫn yên lặng và trầm tĩnh, tin chắc là năm ấy sẽ có một lễ Giáng sinh thứ nhì. Ngoài ra, tất cả chúng nó đều buồn ngủ, kiệt sức vì mong đợi. Chúng đi ngủ muộn và do đó chúng không nghe được một đội quân những thợ ống nước vào lúc rạng đông đã đi khỏi thành phố như thế nào. Những người thợ ống nước mệt lử vì phải thông những đường cống bị nghẽn bởi xác những trẻ sơ sinh.
 
 
 

Lịch sử

 
Người nào trong bạn bè ta còn có thể tin vào chữ nghĩa,
người nào ngày nay còn suốt đêm ngồi may một biểu ngữ cho buổi diễu hành,
còn chuẩn bị các thứ băng bó cho cuộc đấu tranh bên ngọn đèn leo lét?
thế mà ta nghe nói sau buổi hoàng hôn họ vẫn còn
kiểm điểm những giấc mơ của mình,
trong những căn phòng kín hơi
rỉ rả hát những bài ca xưa chưa hề được đem dạy ở trường
từ những câu thơ ai nấy đều biết
thế nên chẳng cần phải lên giọng hát to.
Người nào trong bạn bè ta còn tin vào chữ nghĩa;
thế mà ta vẫn thường nhìn thấy
như thế nào dưới ngọn đèn âm u
họ đã hít vào hai buồng phổi mình
mùi hương của những tờ báo đang ngả vàng
ngửi thấy mùi lông chim lao xao trên bản in
và tiếng đôi cánh vỗ chạm vào mặt họ.
Ai trong số bạn bè ta còn tin vào cử chỉ
những cử chỉ đã ăn mòn cơ bắp họ giống như gỉ sét
ăn mòn vào cây thập giá;
ấy thế mà họ vẫn ngủ cảnh giác chờ hiệu kèn đánh thức
và một bàn tay nửa mê nửa tỉnh mò tìm bên mình
thứ vũ khí vô hình, lau chùi đâu đó.
Người nào trong bạn bè ta còn có thể tin vào những gương mặt
mà tên tuổi mưng mủ trên những biểu ngữ dâng lên
Tổ quốc và Thượng đế.
Ấy thế mà ngày này qua ngày khác ta vẫn nhìn thấy
họ ào xuống những đường phố ấy nhanh hơn tựa như đường là chiến hào
đầu họ rụt thấp xuống giữa hai vai
như đang tránh đạn
lâm râm khấn những lời cầu nguyện
xin nhận phần thưởng duy nhất có thể nhận — được Chúa ban cho cái chết
bình an trong ân sủng
 
 
 
Từ tháp cao nhất của thành phố
các nhà thơ nhìn xuống
 
Sẽ dễ dàng hơn cho chúng ta, bấy giờ sẽ dễ dàng hơn
nếu thay vì nói thẳng, ta chất đống những ẩn dụ
và gói lưỡi chúng ta lại trong tấm vải trắng mịn của thơ.
Cái thành phố tự bán mình
để đánh đổi tình bạn giả dối, đổi lấy lời nói
và cử chỉ của đám con buôn hay bọn dẫn mối
đã chắn cửa tôi như một cuốn sách đọc dở dang
lần nữa, đã đưa tôi đến đây
đem hiến cho sông nước. Và sau đó đem trao
trở lại bởi không có ai khác trên bến bờ đen tối.
Hãy nhìn những thị dân bao lâu nay bị bỏ rơi
trong những nanh vuốt của cửa ra vào và khu mộ.
Chúng ta chẳng khác họ chút nào.
Nhà chúng ta ở là một sợi nước trà mỏng và ố đen đổ
trên một chiếc khăn trải bàn và một trái tim
bị mũi kim của một cái máy may Singer xuyên suốt.
Như đứa bé sơ sinh
chúng ta mải miết đi loanh quanh trong
một ngăn ở tu viện dành cho những kẻ bơ vơ và lạc đường.
 
 
 
--------------
“Giải phóng phụ nữ “ và “Diễn trò Herod” dịch từ bản tiếng Anh “Women’s Lib” và “Playing Herod” của Zbigniew Joachimiak, David Malcolm & Georgia Scott trong Dreams of Fire - 100 Polish Poems 1970-1989 (Poetry Salzburg, 2004). “Lịch sử“ và Từ tháp cao nhất của thành phố các nhà thơ nhìn xuống” dịch từ bản tiếng Anh “History” và “The City’s Poets Look Down From its Highest Tower” của Donald Pirie trong Young Poets of a New Poland — An Anthology (UNESCO Publishing, Forest Books, 1993).
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021