thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Biển chiều | Trái ổi chín sớm
 
 

Biển chiều (*)

 
con sóng chiều nay dìu dặt
biển xanh hơn nhuộm
những cánh buồm
cỡi sóng bay qua nghìn núi
khoả trắng mây trời
 
những tấm lưng trần in mặt biển khơi
kéo thuyền lên bãi
nắng vàng chao
sóng người qua lại
nắng xôn xao
bãi cát xôn xao
 
con lép trắng phau
con nục trắng nhạt
con thu xanh mát
nàng đàu vàng hoe
 
tiếng em cười rung cây súng trên vai
lanh lảnh bay trong chiều vời vợi
ráng đỏ lưng chừng in hình cá lội
đâu tiếng gà xa gáy tận trời xanh
đưa biển chiều
đi nhanh
đi nhanh
 
Trại Viết văn Quang Phú, 1970
 
_________
(*) Kỷ niệm lần đầu tiên tôi bị đồng nghiệp trong trại viết văn ở Quảng Bình đưa ra phê phán. Trại viết có khoảng 30 cây bút trong tỉnh. Nhà văn Bùi Huy Phồn và nhà thơ Anh Thơ vào gần cuối đợt trực tiếp giảng bài, còn phần lớn anh chị em sáng tác và tự thảo luận. Sau mấy ngày, tôi nộp bài Biển chiều. Thế là trong buổi thảo luận, bài thơ trở thành tâm điểm bị phê phán. Họ cho rằng tác giả bài thơ đã mang tư tưởng tiểu tư sản vào thơ: nào là những con cá cứ như vẽ, sao lại “đâu tiếng gà xa gáy tận trời xanh”, “ráng đỏ lưng chừng in hình cá lội...”, tiếng gà chỉ có trên mặt đất, không thể “gáy tận trời xanh”. Thơ như thế là viển vông, không sát thực tế, mang ý niệm siêu hình. Thời ấy, nhận định như thế là rất nặng nề, đồng nghĩa với tư tưởng dao động, bị kẻ xấu lợi dụng. Người đánh tích cực nhất sau này là nhà thơ (hiện ông đã nghỉ hưu) và nhiều kẻ khác hùa theo. Tôi đành giấu kín bài Trái ổi chín sớm, được viết ngay sau đó, vì theo tôi nghĩ, bài này nếu công bố sẽ nặng nề hơn, bởi chiến tranh đã làm cho tuổi trẻ mất đi và chín sớm. Tứ Sen, một cây bút bấy giờ, phải thanh minh giúp rằng: “Tác giả trẻ Hoàng Vũ Thuật, tuy còn non yếu, nhưng anh là một thầy giáo dạy văn giỏi, (sau hai năm ra trường anh đã là giáo viên dạy văn giỏi của tỉnh) cần được động viên giúp đỡ”. Hải Kỳ, bạn cùng trại, động viên: “Họ nói nặng lời, để rồi xem họ làm gì, thây kệ, cứ viết thật hay là được”. Nhà thơ Xuân Hoàng, trưởng trại viết, dù rất hiểu tâm trạng tôi, nhưng đành im lặng trước số đông, không dám bảo vệ.
 
 

Trái ổi chín sớm (**)

 
một trái ổi chín sớm
gửi hương đi khắp vườn
bầy chim trẻ em
đu trên cành nhẵn bóng
hương ổi người chơi tìm trốn
trong đám trẻ
con tôi tìm ra trái ổi
chia đều qua các vành môi
 
ở miệng con tôi
viên bi của bom bi rơi xuống
những giọt máu chân răng trộn cùng ổi chín
đàn trẻ đứng nhìn nhau
trái ổi ấy ở trong vườn chín sớm
 
1970
 
______________
(**) Bài thơ viết không lâu sau bài Biển chiều, trong trại Viết Quang Phú, nhưng từ đó cho tới bây giờ chưa lần nào công bố.
 
 
 
 
 
-------------
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021