thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ba bài thơ của James Joyce
 
Bản dịch của Lê Cao Phong,
riêng tặng Đặng Thân.
 
 
JAMES JOYCE
[1882-1941]
 
Dường như ít có ai gọi James Joyce là một nhà thơ, dù ông đã làm thơ từ thuở còn đi học. Năm 1891, lúc mười chín tuổi, ông đã viết bài thơ "Et Tu Healy" như một phản ứng đối với giáo hội Thiên Chúa Roma về cái chết của Charles Stewart Parnell, một nhà lãnh tụ dân tộc chủ nghĩa của Ái-nhĩ-lan. John Stanislaus Joyce, thân phụ của James Joyce, đã đem in bài thơ ấy và gửi một bản đến thư viện của toà thánh Vatican.
 
Tác phẩm đầu tiên của James Joyce đến với độc giả là một tập thơ gồm 36 bài, Chamber Music [Nhạc thính phòng], xuất bản năm 1907, bảy năm trước khi tập truyện ngắn Dubliners [Người Dublin] được ấn hành. (Đúng ra, tập truyện ngắn này đã được hoàn tất từ năm 1904, nhưng chịu lận đận vì vấn đề kiểm duyệt. Chính quyền lúc ấy nghi ngờ ông có ý châm biếm vua Edward VII.)
 
Sau những cuốn tiểu thuyết lẫy lừng như A Portrait of the Artist as a Young Man [Chân dung người nghệ sĩ như một chàng trai, 1916], và Ulysses [1922], độc giả lại thấy tập thơ thứ nhì của ông, Pomes Penyeach [1927], gồm 13 bài thơ viết giữa những năm 1904 và 1924. Sau đó, năm 1937, ông lại cho xuất bản cuốn Collected Poems [Những bài thơ sưu tập], trước khi tung ra tác phẩm lạ lùng và khó khăn nhất của ông, cuốn tiểu thuyết Finnegans Wake [1939].
 
Thơ của James Joyce giàu nhạc tính, cho thấy ảnh hưởng của một tâm hồn âm nhạc. Thân mẫu của ông là một nhạc sĩ piano tài hoa, và chính ông là một ca sĩ tenor điêu luyện. Có lần ông đã tham gia vào một cuộc thi hát, tranh tài với cả John McCormack, một ca sĩ tenor nổi tiếng của Ái-nhĩ-lan. Trong di cảo của ông, hiện được gìn giữ tại Harry Ransom Center ở University of Texas, chúng ta có thể thấy hàng ngàn món do chính tay ông viết, và trong đó, ngoài những bản thảo văn xuôi, thơ, thư từ và những bản dịch, còn có cả những ca từ và những nhạc phẩm mà ông chưa từng công bố.
 
______________
 
 

Suốt ngày tôi nghe

tiếng động của những dòng nước[*]

 
Suốt ngày tôi nghe tiếng động của những dòng nước,
Kêu và than,
Buồn như con chim biển, đang bay một mình
Về phía trước,
Nghe những cơn gió khóc cho bài ca đơn điệu
Của dòng nước.
 
Những cơn gió xám, những cơn gió lạnh đang thổi
Nơi tôi đi.
Tôi nghe tiếng động của nhiều dòng nước
Dưới xa kia.
Suốt ngày, suốt đêm, tôi nghe chúng chảy trôi
Xuôi và ngược.
 
_________________________

[*]Cảm ơn nhà thơ Đặng Thân đã góp ý về âm điệu để làm cho nhạc tính của bản dịch này trung thành hơn với nguyên tác của James Joyce. [Lê Cao Phong, Toronto, 22.09.2008]

 
 

Vào thời khắc ấy

 
Vào thời khắc ấy khi vạn vật đều nghỉ ngơi,
Hỡi kẻ đang cô đơn chiêm ngưỡng những tầng trời,
Người có nghe làn gió đêm và những tiếng thở dài
Của những cây hạc cầm ngân nga cho Tình Nhân
Để mở ra những cánh cổng xanh xao của giấc rạng đông?
 
Khi vạn vật đều yên nghỉ, phải chăng người
Thao thức một mình để nghe những tiếng hạc cầm dịu ngọt
Ngân nga cho Tình Nhân trên lối chàng đang bước
Và làn gió đêm đáp lại bằng vọng âm
Cho đến khi đêm trôi đi mất?
 
Hãy ngân nga, hỡi những cây hạc cầm vô hình, cho Tình Nhân,
Lối bước của chàng trên thiên đường lấp lánh ánh tinh quang
Vào thời khắc ấy khi những tia sáng lung linh đang nhấp nháy,
Dòng âm nhạc dịu ngọt ngân nga trên không trung
Và dưới lòng đất sâu thẳm ấy.
 
 
 

Đừng hát, cô gái dịu dàng ơi

 
Đừng hát, cô gái dịu dàng ơi,
Những bài ca buồn về tình yêu đã mất;
Hãy gạt đi nỗi buồn và hát
Rằng tình yêu trôi qua như thế đã đủ rồi.
 
Hãy hát về giấc ngủ dằng dặc thẳm sâu
Của những người tình đã chết, và hãy hát
Trong nấm mồ tất cả tình yêu sẽ yên ngủ thế nào:
Tình yêu bây giờ đã rã rời mệt ngất.
 
 
-----------------
Dịch từ nguyên tác Anh văn: “All Day I Hear the Noise of Waters”, “At That Hour” và “Gentle Lady, Do Not Sing”, trong James Joyce, Poems (PoemHunter.Com - The World's Poerty Archive, 2004) 5, 7, 17.
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021