thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tại cuộc hội thảo về dịch thuật | Thay cho một tuyên ngôn | Nhà chính trị học biết những gì | Cáo phó | Chiến tranh cân não
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
 
ARTUR MIEDZYRZECKI
(1922-1996)
 
Ra đời tại Varsovie năm 1922, Artur Miedzyrzecki thuộc thế hệ những thanh niên Ba-lan gắn liền với những cơn bão Đệ Nhị Thế Chiến, và những thăng trầm của quân đội Ba-lan thành lập trên lãnh thổ Liên Xô, chiến đấu ở ngoài nước, đặc biệt ở vùng Cận Đông và Bắc Phi châu. Sau chiến trường Ý [Monte-Cassino] ông trở về học đại học ở Paris [1946-1949] trước khi về Varsovie [1950] và sau đó thành hôn với nhà thơ Julia Hartwig. Ông thực sự khởi đầu sự nghiệp năm 1951, nhưng tính độc đáo của thơ ông chỉ bộc lộ đầy đủ vào cuối thập kỷ 60 và càng rõ hơn nữa trong những năm 80. Không kể một tập thơ ra đời khá sớm [lúc ông 22 tuổi] là Một căn lều ở Canada [Namiot z Kanady, 1944], ông là tác giả nhiều tập thơ như Buổi chiều [Popoludnie, 1956], Thơ tuyển [Wiersze wybrane, 1957 – tái bản nhiều lần, cho đến năm 1990], Cái mệt tuyệt đẹp [Piekne zmeczenie, 1959], Tuyển chọn [Selekcje, 1964], Chiến tranh cân não [Wojna nerwow, 1983], Cuối một cuộc chơi [Koniec gry, 1987] và một loạt những tiểu luận văn học: Thơ bây giờ [Poezja dzisiaf, 1964], Đối thoại và láng giềng [Dialogi i sasiedztwa, 1971], Rimbaud, Apollinaire và những người khác [Rimbaud, Apollinaire i inni, 1988]... Trong số những tác phẩm văn xuôi của ông, có thể kể: Trở về Sorrente [Powrot do Sorrento, tái bản lần thứ ba, 1980], Cái chết của Robinson [Smierc Robinsona, tái bản lần thứ hai, 1979], Con Vẹt bằng vàng [Zlota Papuga, tái bản lần thứ hai, 1980], Cùng một thành phố, cùng một tình yêu [To samo miasto, ta sama milosc, 1992] và bốn cuốn sách cho thiếu nhi, viết chung với Julia Hartwig.
 
Artur Miedzyrzecki không những chỉ được biết và yêu mến như là một nhà thơ, một nhà văn, một nhà viết tiểu luận văn học xuất sắc, mà còn như là dịch giả thơ sáng giá của những tên tuổi trong văn học Anh, Mỹ, Nga, như e.e.cummings, William Carlos Williams, Osip Mandelstam... và, đặc biệt là thơ Pháp, như Baudelaire, Arthur Rimbaud, René Char, Apollinaire... – có khi cùng dịch chung với vợ là nhà thơ Julia Hartwig. Ông từng là Phó Chủ Tịch Văn Bút Ba-lan trước khi phân hội này bị chế độ trước đây giải tán năm 1983, và ông đã trở lại chức vụ này khi Văn Bút Ba-lan phục hồi năm 1989. Ông đã được trao nhiều giải thưởng văn chương. Ngoài các giải của Hiệp Hội các Nhà Văn và Nhạc Sĩ Ba-lan [Zaiks, 1981], giải “Văn học thế giới” trao tặng ở Varsovie năm 1989, ba giải lớn của các trường đại học Mỹ trao từ 1965 đến 1986 và giải văn học Mỹ / Ba-lan của Tổ chức Jurzykowski trao ở New York năm 1988, Artur Miedzyrzecki từng cùng với vợ là nhà thơ Julia Hartwig được trao hai Giải Dịch Thuật của Văn Bút Ba-lan năm 1974 và giải của Tổ chức Fondation d’Hautvillers ở Paris năm 1978.
 
Sự ra đi đột ngột của ông ngày 2 tháng 11 năm 1996 đã làm nhiều người đọc và bạn bè khắp nơi xúc động, đặc biệt là những độc giả tiếng Pháp, nơi Miedzyrzecki từng gắn bó và bỏ nhiều công sức tham gia phổ biến văn chương cùng thế giới.
 
 

Tại cuộc hội thảo về dịch thuật

 
Tại cuộc hội thảo dành cho dịch thuật
Những ngôn ngữ không có tầm cỡ quốc tế
Mọi người đều buồn chán mặc dù ai nấy đều nhìn nhận
Vấn đề là cấp thiết và nhận định là
Rất cần thiết những bản dịch suốt ba ngày trời
Những nhà văn từ các nước miền Baltique
và Thế Giới Thứ Ba đem thảo luận
Mỗi người gợi ra giá trị của những kẻ hi sinh
 
Nhưng mọi người đều buồn chán buồn chán muốn chết
Mặc dù họ khát khao mong muốn cứu chữa
Một tình trạng được đánh giá là thiếu lành mạnh
Vị chủ tịch gà gật ngáp hết mình
Y như ông vừa từ Manhattan hay từ Khu Latin đến đây
Ông cố hết sức bênh vực những yêu sách kia
Chính ông cũng viết bằng một thứ tiếng không phổ biến
Tuy nhiên ông không hề biết tác giả các nước khác
Nếu họ không phải là người Pháp hay Anglo-saxon
Mặc dù trong vùng đất ông sống những bà già ưa thịnh nộ
Vẫn lẫn lộn Orphée[1] với một người nào khác
Một người tuổi nhỏ hơn ông đến mấy ngàn năm
 
Và cũng từ quê hương ông vang lại một tiếng thở dài
Nghe quá giống tiếng người La-mã than van
Về lịch sử và tiếng than đến nay vẫn không ngừng
Là chuyện thời sự: khi bọn Goths[2] gào thét
Quả là rất khó viết ra được những bài thơ cao quí
 
 
 

Thay cho một tuyên ngôn

 
Một vụ giết người: bọn chúng ai nấy đeo mặt nạ: ngay sáng sớm
những tiếng còi: những tiếng thắng xe rít lên và cảnh sát
Thành phố còn ngủ. Người gác dan vươn một cánh tay ngái ngủ
bước lên cầu thang trống: những người khác đã ba chân bốn cẳng
chạy xuống cầu thang. Chính ở đây. Trễ quá rồi
 
Hôm qua nhà thơ bảo
 
Đi đi, mi giống như một con chó, ôi mụ già tam bành bẩn thỉu,
mi tru tréo khi gần chết cẳng chân kẹt cứng trong gông cùm,
nhưng khi được giải thoát – mi cắn bậy! Nghĩ đến trần gian này,
ta nghiệm: có bao nhiêu người sẽ xuống ở địa ngục?
 
Hôm nay nhà thơ bảo:
 
Nghĩ đến thơ là nghĩ đến thế giới này
Chữ nghĩa ngày một tăng nhanh. Cái nhìn
trong nháy mắt mô tả đường cong của những mũi tên Elée[3]
lắp đặt lên cầu vồng những cái đu cho những anh hề
và khắc ghi lên đó một động tác rộng quay trên những cánh đồng đã gặt
Nhưng thôi xin từ biệt mấy anh hề nhỏ vui tính hai má bôi nhoè phấn son
Những ngày hè qua rồi mùa ký ức đã đến:
René Char là một anh hùng của Kháng Chiến
Boris Slucki từng bị thương nặng ngoài mặt trận
Różewicz là một chiến sĩ du kích Baczyński bị phía kẻ thù giết hại
Những mối tình đầu của chúng ta là một giấc mơ
Toàn bộ thơ ca chúng ta ra đời từ giấc mơ và từ đêm hôm trước
Một số những địa ngục trong đó chỉ là quá thật
và tiếc thay, chẳng hợp với lối tiếp tục trò chơi văn chương. NƯỚC KHÔNG
UỐNG ĐƯỢC. Thế nhưng bầu trời sáng chói
của mặt đất! Và những đám mây dục vọng
với những cái lưỡi lửa trên cây kiến thức
tờ báo đèn chiếu ra những tin tức về thành phố đêm. Thế lại là
 
một vụ giết người: tiếng thở dài của những cuộc chiến xưa: rất gần
lời đồn đãi của đám đông trên các sân vận động: ở giữa
hội nghị những nhà chuyên môn về vũ khí hạt nhân. Và cuộc bán trả góp
những máy truyền hình Tinh Thể. Ngày mai
người ta lôi xuống từ võ đài một cậu nhóc đang mất máu. Cú nốc ao kia
với cậu hẳn đã là đòn trí mạng. Đây là một vụ giết người được hoan hô.
Cơn thịnh nộ ở lễ tang.
Mày hạ nó được rồi, này thằng ngốc! Nào, ta uống một ly chứ? Thơ ca
 
Thơ ca ngày nay nó giết chết cái khuôn mẫu sáng ngời của mình
nó từ bỏ tình trạng ngoại lệ của mình
nó là mi nó là sự cao cả khốn khổ của mi bởi lẽ
cho dù ông triết gia ở Aphrodisie[4] có lý chăng
thì là loài bất tử, mi vẫn là, vẫn là trung tâm của thế gian
 
Bài thơ lửa của mi liên tục trở thành
tương lai. Và cái gì đã hiện hữu
không khi nào hết hiện hữu. A, những nàng thơ trên trán có sợi thừng lửa ngọn
lúc nào cũng điên loạn! Nụ hôn các nàng biến thơ ca
thành một cái rùng mình tĩnh lặng. Và tiếng nhạc mưa từ nguồn hứng xưa cũ
trở thành chất-xúc cảm va vào những đỉnh muôn đời
hòn đá sụt lở đầu tiên ở biên giới của nỗi sợ:
 
ở xa kia: trong những vùng mới của ý thức cũ
thơ ca nổ lốp đốp trong lửa và chiếu sáng như một tư tưởng siêu thanh
 
 
 

Nhà chính trị học biết những gì

 
Nhà chính trị học biết những gì?
Nhà chính trị học biết những trào lưu mới nhất
Những công việc hiện hành
Lịch sử các học thuyết
 
Nhà chính trị học không biết những gì?
Nhà chính trị học không biết gì về sự tuyệt vọng
Ông không biết trò chơi cốt ở chỗ
biết từ bỏ trò chơi
 
Điều ông không nghĩ ra được
Là không ai có thể biết khi nào
Những thay đổi không đảo ngược được có thể xuất hiện
Như những tiếng nứt đột ngột của một tảng băng
 
Và những tài nguyên thiên nhiên của chúng ta
Bao gồm cả sự hiểu biết những luật lệ được tôn trọng
Khả năng làm điều kỳ diệu
Và một đầu óc hài hước
 
1981
 
 

Cáo phó

 
Hắn biết cách đổi chác
Nhưng hắn không biết cách bán mình
 
Hắn biết cách nói năng
Nhưng hắn chỉ nghe có một bên tai
 
Hắn có thể làm bất cứ gì
Nhưng hắn không thể trở lại
 
Tình yêu hắn lớn hơn kích thước ngoài đời
Nhưng cuộc đời hắn thì rất nhỏ
 
 
 

Chiến tranh cân não

 
Cuộc chiến cân não là một hiện tượng tự nhiên
Chó đánh nhau với mèo, gấu đấu với ong
Sâu cây thông với người giữ rừng, mọt sách với người bán sách
Chồn hôi và trăn nam mỹ với thỏ
 
Có nhỏ nhẹ thuyết phục cũng sẽ chẳng đi đến đâu
Mơ tìm một vài giây phút thảnh thơi cũng không ý nghĩa gì
Bởi con đại bàng núi sẽ có được loại nghỉ ngơi nào
Khi nó bị bắn từ một chiếc trực thăng
 
Thế nhưng con họa mi vẫn hót cho dù gặp nguy
Con đại bàng bay lượn làm chủ trên bầu trời xuân
Con nhạn dập dờn cạnh bên, con én vỗ đôi cánh
Chim gõ kiến, trống đánh om sòm, sẽ không chịu thua điểm buổi sáng sớm
 
Trong cuộc chiến cân não kẻ nào ít căng thẳng hơn sẽ thắng
Kẻ nào không vay mượn chuyện rắc rối và hiểu
Rằng chồn hôi sẽ không rũ sạch được bản chất chồn hôi của mình
Và ai cũng phải giữ thăng bằng trong nội tâm mình
 
1981
 
_________________________

[1]Nhà thơ và nhạc sĩ trong thần thoại Hy-lạp.

[2]Một bộ lạc ở phía đông nước Đức, thoạt đầu trú ở cửa sông Vistule (ngày nay thuộc Ba-lan), sau đó tràn qua chiếm vùng đông nam châu Âu.

[3]Élée: tên một trường phái triết học Hi-lạp thế kỷ thứ V trước Thiên Chúa, đại diện là Parménide, Zenon và Mélissos, trường phái đầu tiên thiết lập một nền bản thể học triệt để trong đó chủ thể được quan niệm như là tuyệt đối vĩnh cửu. Khoa siêu hình của Parménide đã đưa Zénon đến chỗ chứng minh một chuyển động hợp lý là cái bất khả, và từ đó phát triển một lối biện chứng lấy nguyên tắc “mâu thuẫn” làm nền tảng. Hình ảnh “mâu thuẫn của mũi tên”, hay “mũi tên Élée” trên đường bay: ở những khoảnh khắc quá ngắn và liên tục, mũi tên có một tư thế chính xác, vì không đủ thì giờ di chuyển nên nó đứng yên, và trong trường hợp ấy chuyển động phải được coi là điều bất khả.

[4]Alexandre d'Aphrodisie là một triết gia thế kỷ thứ III sau Thiên Chúa, sinh tại Aphrodisie, theo phái tiêu dao [péripatétisme], nối gót Aristote trong việc chọn phương pháp vừa thuyết giảng vừa đi dạo – nên được mệnh danh là “Aristote thứ hai”.

 
--------------
“Tại cuộc hội thảo về dịch thuật” dịch từ bản tiếng Pháp “Au colloque sur la traduction” của Lucienne Rey và Gérard Gaillaguet trong Témoins – Quarante-quatre poètes polonais contemporains 1975-1990 (Saint Jean Du Bruel: Les Ateliers du Tayrac, 1997). “Thay cho một tuyên ngôn” dịch từ bản tiếng Pháp “Au lieu d’un manifeste” của Georges Lisowski trong Vingt-quatre poètes polonais (Dijon: Éditions du Murmure, 2003). “Nhà chính trị học biết những gì” [trích trong Thơ mới Ba-lan do Hoàng Ngọc Biên tuyển dịch và giới thiệu (Nhà xuất bản Trình bầy, 1993), “Cáo phó” và “Chiến tranh cân não” dịch từ bản Anh ngữ “What Does the Political Scientist Know”, “Obituary” và “The War of Nerves” của Stanislaw Baranczak and Clare Cavanagh trong Spoiling Cannibals’ Fun - Polish Poetry of the Last Two Decades of Communist Rule (Evanston, IL: Northwestern University Press, 1991).
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021