thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bài hát đađa
Bản dịch của Lê Huy Oanh
Nguyễn Đăng Thường sưu tầm và biên tập
 
 
TRISTAN TZARA
(1896-1963)
 

Bài hát đađa

 

1

Bài hát của một gã đađa
có đađa trong trái tim
bài hát làm động cơ gã quá mệt nhọc
động cơ có đađa trong trái tim
 
thang máy chở một ông vua
nặng nề dễ vỡ tự trị
ông cắt cánh tay phải to lớn
gửi đến đức giáo hoàng ở La mã
 
bởi thế cho nên
thang máy
không còn đađa trong trái tim
 
hãy ăn sô-cô-la
hãy lau rửa bộ óc bạn
đađa
đađa
hãy uống nước
 
 

2

bài hát của một gã đađa
gã không vui không buồn
gã yêu một nàng cưỡi xe máy [*]
nàng không vui không buồn
 
nhưng người chồng ngày đầu năm
biết hết và trong cơn khủng hoảng
gửi tới Va-ti-căng
hai xác họ trong ba va li
 
không gã tình nhân
không nàng cưỡi xe máy
không còn không vui không buồn
 
hãy ăn những bộ óc ngon lành
hãy lau rửa người lính của bạn
đađa
đađa
hãy uống nước
 
 

3

bài hát của một gã cưỡi xe máy
gã là đađa trái tim
vậy gã là đađa
như tất cả những đađa trái tim
 
một con rắn mang những găng tay
nó đóng nhanh khắp nơi [**]
và nó đeo những găng tay bằng da rắn
và đến hôn đức giáo hoàng
 
điều đó thực cảm động
bụng nở hoa
không còn đađa trong trái tim
 
hãy uống sữa chim
hãy lau rửa những thỏi sô cô la của bạn
đađa
đađa
hãy ăn thịt bê
 
1919
 
--------------------------------
Chú thích của người dịch:
Đúng là một bài hát đađa. Thơ chứa đầy những ý tưởng hình ảnh phi lý ngang ngược. Chúng ta chẳng lạ gì vì chủ trương đa đa vốn dĩ là phi lý và ngang ngược cốt để đạt tới những thực tế mới. Nếu muốn cảm thông với tác giả, tốt hơn bạn hãy đặt vào tim bạn một cái đa đa, nghĩa là trong lúc đọc bạn nên chấp thuận tất cả những cái thật chướng [***]. Bài này được coi như một thứ art poétique (thi nghệ) của nhóm đa đa.
 
Chú thích của người biên tập:
[*] xe đạp
[**] nguyên văn: il ferma vite la soupape (xú báp)
[***] Chỉ "chướng" khi bạn còn bị mắc kẹt trong cái nhìn và logic cũ.
 
_________________
Mời độc giả xem tiểu luận Đôi nét về nhà thơ Tristan Tzara (1896-1963) của Lê Huy Oanh [Nguyễn Đăng Thường sưu tầm và biên tập] đăng song song trên Tiền Vệ.
 
Để tìm hiểu thêm về mỹ học và thi pháp của Dada, xin đọc Stefan Wolpe và bài giảng ứng khẩu về Dada (tiểu luận của Hoàng Ngọc-Tuấn).

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021