thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cửa | Cái ngáp của những cái ngáp [một thi hệ gồm 7 bài]
(Diễm Châu dịch)
 
CỬA
 
Tại sao lại mở cánh cửa ấy?
 
Phải có biết bao cuộc tìm kiếm trước khi tìm ra nó. Và này đây cánh cửa, khi thì trên bức tường này, khi thì trên bức tường khác, khi ở bạo ngạch của kho lẫm, khi lại dưới mái hiên của lối vào dinh thự.
 
Và mở cửa mới thật vất vả làm sao. Ta bỏ lại ở đó những đầu móng trước khi cũng chỉ hơi hé mở được. Và ta cũng chẳng thể ở lại trên ngưỡng cửa này lău hơn một giây lát mà thôi: ta bị choáng váng mặt mày, muốn lao mình vào khoảng không.
 
Tại sao lại tháo chốt cửa khi mà chính cánh cửa cũng chẳng đưa tới đâu? Ta mở hết bề ngang nó và toang hoác trước mặt là bóng tối rỗng tuếch và thấm hút. Giá ít ra nó cũng dẫn tới một căn buồng nào khác, một khu vườn hay một hàng lan-can bao quát một cảnh đẹp!
 
Dầu sao chăng nữa, cũng vẫn phải mở nó ra. Cánh cửa ấy. Dù phải trả bằng giá nào.
 
Như thế đó, để có chút không khí.
 
 
CÁI NGÁP CỦA NHỮNG CÁI NGÁP
 
Di sản của một kẻ thân thuộc các vì tinh tú
 
Y chỉ để lại có những từ
Xinh đẹp hơn thế giới
Không một ai dám động tới
 
Các từ ấy chờ ở những ngã tư thời gian
Mạnh hơn mọi người
Vậy thời ai có thể thốt ra chúng
 
Chúng nằm trên trái đất cà-lăm
Nặng hơn là đống xương xẩu của đời
Cái chết không tài nào
Biến chúng thành của hồi môn
 
Không ai có thể nâng chúng lên
Hay hạ ngã chúng
 
Duy có đầu các vì sao đang hấp hối
Tìm nơi ẩn trú dưới bóng chúng
 
 
Con số hay quên
 
Ngày xưa có một con số
Tinh khiết và tròn trịa như mặt trời
Nhưng đơn độc rất đơn độc
 
Nó bắt đầu tính toán với mình
 
Nó tự chia tự nhân
Tự trừ tự cộng
Nhưng lúc nào cũng vẫn đơn độc
 
Nó ngưng tính toán với mình
Tự giam mình trong sự tinh khiết
Tròn trịa và đầy nắng
 
Bên ngoài còn lại những dấu vết nóng bỏng
Sự tính toán của nó
 
Những dấu vết ấy tiếp tục trong đen tối
Tự chia trong lúc tự nhân
Tự trừ trong lúc tự cộng
 
Như thói thường vẫn thế trong đen tối
 
Không có một ai để nói với nó
Ngừng những dấu vết này lại
Và xóa chúng đi
 
 
Cái lỗi kiêu căng
 
Ngày xưa có một cái lỗi
Quá ngộ nghĩnh quá nhỏ bé
Khiến không ai khám phá ra
 
Nó không muốn
Tự nhìn mình hay nghe mình
 
Nó đã bày ra bao điều
Để chứng tỏ
Rằng thực ra nó không có
 
Nó đã bày ra không gian
Để chất chứa những bằng cớ
Và thời gian để gìn giữ chúng
Và thế giới để nhìn thấy chúng
 
Tất cả những gì nó đã bày ra
Không hề ngộ nghĩnh
Cũng chẳng phải nhỏ bé
Nhưng chắc chắn là rất giả
 
Điều ngược lại có thể nào sản sinh
 
 
Tam giác khôn ngoan
 
Ngày xưa có một tam giác
Nó có ba cạnh
Nó giấu cạnh thứ tư
Trong trung tâm nóng bỏng của nó
 
Ban ngày nó đứng trên ba đầu mút
Và ngưỡng mộ cái tâm mình
Ban đêm nó ngơi nghỉ
Ở một trong ba góc
 
Hừng đông nó ngắm nghía ba cạnh
Đã trở thành ba cái bánh xe nóng bỏng
Lưu lạc trong bầu xanh không trở lại
 
Nó sản sinh cạnh thứ tư
Ăn nằm với cạnh ấy và bẻ ra ba lần
Để lại giấu đi tại chỗ của nó
 
Nó lại có ba cạnh
 
Và ban ngày nó đứng trên ba đầu mút
Ngưỡng mộ cái tâm mình
Ban đêm nó ngơi nghỉ
Ở một trong ba góc
 
 
Những vọng âm hóa đá
 
Ngày xưa có vô số vọng âm
Phục vụ một tiếng nói
Chúng xây cho tiếng nói đó những mái vòm
 
Những mái vòm sụm xuống
Chúng đã xây những mái vòm xiên lệch
Bụi mù đã vùi lấp
 
Chúng rời bỏ cái nghề nguy hiểm
Chúng hóa đá vì đói
 
Hóa đá chúng bay đi
Để làm nổ tung cửa miệng
Nơi xuất phát tiếng nói
 
Chúng bay đã bao lâu
Và đui mù không hay biết
Rằng chúng đang bay sát mép
Cửa miệng tìm kiếm
 
 
Ngụ ngôn của một ngụ ngôn
 
Ngày xưa có một bài ngụ ngôn
 
Bài ngụ ngôn ấy đã chấm dứt
Trước khi bắt đầu
Và bắt đầu
Sau khi chấm dứt
 
Các nhân vật bước vào bài ngụ ngôn
Sau khi chết
Và ra khỏi bài ấy
Trước khi sinh
 
Các nhân vật ấy nói
Về một đất một trời
Họ nói về bất cứ cái gì
 
Họ không nói tới
Duy một điều không biết:
Họ là nhân vật của một bài ngụ ngôn
 
Một bài ngụ ngôn chấm dứt
Trước khi bắt đầu
Và bắt đầu
Sau khi chấm dứt
 
 
Cái ngáp của những cái ngáp
 
Ngày xưa có một cái ngáp
Không phải ở dưới mình lưỡi hay dưới cái nón
Không phải ở trong miệng cũng chẳng phải ở nơi khác
 
Nó bao la hơn hết thảy
Bao la hơn cả cái bao la của nó
 
Thỉnh thoảng
Cái vực thẳm cùn nhụt của nó cái vực thẳm đần độn
Đần độn lấp loáng đây đó
Người ta ngỡ là các vì sao
 
Ngày xưa có một cái ngáp
Chán ngấy như mọi cái ngáp
Dường như nó vẫn còn đó
 
 
---------------------------
Ghi chú của dịch giả:
VASKO POPA (1922-1991) là một nhà thơ lớn của (cựu) Nam-tư, nổi tiếng khắp thế giới và đã được dịch ra 19 thứ tiếng (tính vào năm ông mất). Ông là người Serbe, sinh tại Grébénats (Grbenac), Voïvodine ngày 29. 6.1922. Theo học tại Beograd, Bucuresti và Vienne. Tham gia kháng chiến năm 1943, bị giam giữ trong một trại tập trung của Đức quốc xã. Vào năm 1949, sau khi học các ngôn ngữ thuộc tiếng La-tinh, ông trở thành nhà báo, rồi biên tập viên của nhà xuất bản Nolit, một nhà xuất bản lớn tại Beograd.
 
Ông đã cho in 8 tập thơ: Vỏ (1953), Cánh đồng không ngơi nghỉ (1956), Bầu trời phụ thuộc (1968), Đất thẳng (1972), Muối của loài sói (1975), Ngôi nhà ở giữa đường (1975), Thịt sống (1975), Vết cắt (1980) và một thi hệ tựa là Cái hộp nhỏ. Ngoài ra, ông còn biên tập 3 tuyển tập thơ dân gian Serbie: Trái táo vàng (1958, thơ truyền thống Serbie), Cười bể bụng (1960, thơ hài hước dân gian Serbie), và Mặt trời nửa đêm (1962, những văn bản mộng mị của người Serbie).
 
Vasko Popa đã đoạt tất cả những giải thưởng văn chương chính yếu của Nam-tư, cũng như Giải thưởng lớn quốc tế của Áo-quốc dành cho Thơ (1967). Nhiều nhà phê bình cho rằng ông rất xứng đáng với một giải Nobel Văn chương... Ông mất tại Beograd ngày 5.1.1991 vì bệnh ung thư.
 
Vasko Popa là một nhà thơ «dấn thân», hòa hợp tài tình dòng thơ dân gian truyền thống của dân tộc ông và trường Siêu thực. Cách «tổ chức» các tập thơ của ông (nhất là hồi đầu) thật đặc biệt: mỗi tập có một số «thi hệ» nhất định, và mỗi thi hệ một số bài nhất định. Những điều ấy, cùng với những «hoa văn» quen biết trong dân gian, những quan sát cuộc sống thường nhật..., tạo thành những cơ cấu chặt chẽ, thiết yếu cho việc diễn tả chính xác... Vasko Popa có một quan niệm khá đặc biệt về những đóng góp của nhà thơ. Ông nói tại Berlin năm 1966: «... Dù sao, nhà thơ cũng không quan trọng dưới chính mắt mình: điều quan trọng đối với ông là thơ. Nhà thơ làm việc bất chấp tất cả những kẻ nói rằng ông vô dụng; và đôi khi, ông còn làm việc bất chấp cả chính bản thân ông. Những sự thật ông đạt tới không phỉnh phờ những kẻ bao quanh ông nhưng chúng lại càng không phỉnh phờ ông. Nhà thơ chỉ tìm được sức theo đuổi trách vụ kỳ dị, khó khăn và nguy hiểm của mình là vì ông biết rằng để cuốn sách lửa trong ngực ông bốc cháy và tiêu tan vô ích, không được ai đọc tới, là không thể tha thứ được. Những đóng góp của nhà thơ, đó là những chữ lửa kia được bảo toàn với giá của tính mạng ông và chỉ những kẻ yêu mến chúng mới có thể sử dụng.» (theo tờ Chapman Magazine, 2.4.1973).
 
Ở Việt Nam, thơ Vasko Popa đã được nhà thơ Nguyễn Đăng Thường dịch sang tiếng Việt và cho in tại Sài-gòn lần đầu tiên, từ trước năm 1975.
 
«Cửa», dịch theo bản Pháp văn của Vladimir Claude Fišera trong tạp chí LETTRE INTERNATIONALE, Paris, mùa Thu 1999; kế đến là một «thi hệ» trong Bầu trời phụ thuộc, dịch theo bản Pháp văn của Alain Bosquet, người đã hợp tác chặt chẽ với tác giả trong bản dịch này [xin xem Vasko Popa, Le ciel secondaire (Gallimard: Paris, 1970)].

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021