thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nhìn từ cái xác chết: Chính trị và mỹ học của miếng ăn ngon

 

Thỉnh thoảng, không biết có phải là do kẹt, không tìm ra thứ gì giật gân để câu khách, những tờ báo bình dân lại khiêu khích tỳ vị độc giả bằng những miếng ngon, bảo là rất đáng để thử qua dẫu có trở thành... xác chết, ví như tờ The Daily Telegraph mới đây với “100 Sydney dishes to die for: How many have you tried?”.[1]

“To die for”, ý hẳn tuyệt lắm, nhấm nháp vài ba miếng có chết cũng cam lòng, cũng đã sống một đời đáng sống. Nếu đây chỉ là một biện pháp tu từ mang tính thậm xưng thì cõi nhân gian này không thiếu hạng người sắp thành xác chết mà vẫn vướng víu với khổ lụy của miếng ngon hay, thậm chí, thành xác chết rồi mà vẫn chưa thể dứt khỏi những sân hận từ cái miếng ăn ấy.

Như trường hợp của Sở Thành Vương, một ông vua chư hầu ở Trung Hoa trong thời kỳ đồ sắt, cai trị nước Sở từ năm 671 đến 626 BC. Từng giết anh để giành ngôi, từng bắt cóc hai cháu ruột gọi mình bằng cậu về làm nô lệ tình dục, ông vua nặng nghiệp này chẳng có tư cách nào để lấy làm đau đớn hay bất ngờ khi bị con trai cướp ngôi mà, xem ra, chỉ có thể đau cái nỗi đau bị tước bỏ miếng ngon như là ân huệ cuối cùng. Bị con trai ra lệnh phải tự treo cổ chết, Sở Thành Vương bình thản xin sống nán thêm vài phút chỉ để thưởng thức nốt món chân gấu đang hầm trong bếp nhưng đứa con vẫn lạnh lùng từ chối và, chết rồi, ông ta vẫn mở mắt “trừng trừng”.

Chết không chịu nhắm mắt có nghĩa là nấn ná, không đành chết, bởi vẫn còn đó những dự án dang dở, bất thành. Nếu “dự án” của một ông vua chư hầu như Sở Thành Vương chỉ là thưởng thức bát chân gấu vừa chín tới, thì dự án mà bậc đại đế như Napoléon Bonaparte (1769-1821) bỏ lỡ lại là cơ hội mời mọc những miếng ngon như thế. Là người có tầm nhìn xa rộng, xa cả hai thế kỷ sau mình và rộng đến nửa vòng trái đất quanh mình khi cảnh cáo nhân loại rằng hãy để yên, đừng đánh thức gã khổng lồ đang ngủ say mang tên Trung Hoa, Napoléon lại không chịu học cái bài học rất nhỏ và rất gần hơn ngay trong lịch sử nước Pháp của mình.[2] Theo Roy Strong trong Feast: A History of Grand Eating thì, trong những tháng ngày lưu đày chờ chết trên đảo Elba, Napoléon lấy làm tiếc là đã không chịu noi theo gương Louise XIV (1638-1715) để tổ chức những yến tiệc thật lộng lẫy, linh đình.[3] Ông vua có thói quen ăn uống chóng vánh của giới võ biền, bữa nào cũng không quá mười phút, tiếc là đã dại, không biết sử dụng bàn tiệc để kiến tạo thêm quan hệ đồng minh và, nhờ đó, biết đâu được, sinh mệnh chính trị của ông ta đã khác.

Như vậy, có thể nói, nếu đã có cơ hội kề vai nhau bên những miếng ăn ngon, các chính trị gia sẽ dễ dàng bắt tay nhau cùng nhìn về một hướng và có hiểu được nỗi lòng của Napoléon, chúng ta mới hiểu cho Peter Costello, nhà chính trị hiện đại Úc. Trong suốt 12 năm đóng vai phó lãnh tụ Đảng Tự Do và là nhân vật số hai trong Chính phủ John Howard, được đàn anh Howard ca tụng như là nhà quản trị kinh tế hàng đầu, Costello lại ấm a ấm ức, lại lồng lộn tức tối khi bậc đàn anh này vờ vịt mắc bệnh đãng trí, không chỉ với giao ước truyền ngôi mà cả với cả chuyện tiệc tùng, nhậu nhẹt. Kiến tạo nên những tình trạng tài chính thặng dư để Howard múa may như một vũ khí chính trị, Costello lại bị chính Howard “rút phép thông công” trên phương diện miếng ngon, kỳ thị hẳn so với những thành viên nội các dưới cơ khác. Đường đường là nhân vật số hai, Costello lạc loài như kẻ đứng bên lề khi chưa bao giờ được phép bước vào tư dinh thủ tướng The Lodge hay Kirribilli House như một khách mời.[4] Bị đối xử bần tiện với cái ghế ngồi bàn tiệc, Costello còn bị bức tử về chính trị khi đàn anh ấy bám chặt cái ghế ngồi thủ tướng và, do đó, vĩnh viễn rứt nó ra khỏi cái bàn toạ của mình. Costello căm hận đến độ, nghĩa tử là nghĩa tận, khi Howard chỉ còn là một cái xác chết chính trị, mất chính quyền, mất chức thủ tướng, mất cả cái ghế dân biểu đã an toàn suốt 33 năm, cũng không tha thứ. Khi Nội các Tự Do chia tay đàn anh Howard trong bữa tiệc cuối cùng, Costello đã hờn dỗi, không thèm ghé dự. Mà không chỉ bày tỏ thái độ với bữa tiệc cuối như là cái đám ma chính trị, Costello còn đều đặn bộc lộ sự uất ức ấy bất cứ cơ hội nào có được trên các phương tiện truyền thông như một nhà phê bình chính trị. Một Costello không chịu hoà giải với quá khứ của 12 năm bị loại bỏ miếng ngon là một Costello, hiểu theo nghĩa bóng, “hai mắt trừng trừng”.

Thế kỷ 21 rồi mà cũng hao hao bao thế kỷ trước, nhưng do đặc điểm giao thương - kinh tế mỗi thời nên vẫn còn có những thứ khác. Nếu một cáo già chính trị như Howard biết khai thác không khí rút-phép-thông-công của bữa tiệc trong không khí gia đình để khẳng định với các thực khách có mặt rằng hoặc có ta, sẽ không có thằng ngoại đạo ấy, hoặc, léng phéng với thằng giặc ấy, hãy liệu hồn ta... rút phép thông công, thì Louis XIV đã đi xa hơn thế. Không chỉ làm chính trị với danh sách khách mời, tạo cho họ cái cảm tưởng thuộc về một đẳng cấp ưu việt đầy đặc quyền, ông vua sành ăn này còn làm chính trị với cả tấm thực đơn.

Không chỉ được ca ngợi là đẩy nghệ thuật ăn uống lên một nấc mới, Louis XIV còn được tán dương không tiếc lời về tài trị nước: với Napoléon, thì đó là “vị vua duy nhất của nước Pháp xứng đáng là vua”; với nhà toán học kiêm triết học Đức Gottfried Wilhelm von Leibniz (1646-1716), thì đó là “một trong những ông vua vĩ đại nhất” và, với triết gia kiêm nhà văn Pháp Voltaire (1694-1778), thì thời đại của ông vua này sẽ được hậu thế “ghi nhớ đời đời”. Hẳn nhiên, Louis XIV không phải là một ông vua hoàn hảo nhưng ở đây, trên khía cạnh chính trị, hãy xem tầm nhìn của ông ta khi biến tấm thực đơn thành một công cụ tuyên truyền. Âu châu thời ấy phát sốt với những gia vị và hương liệu Phương Đông, tưởng không bao giờ thoả mãn nổi và, khi bàn tiệc của ông ta ăm ắp những miếng ngon hiếm có và đắt tiền ấy, ông ta đã chứng tỏ được quyền lực của mình. Quyền lực của người đang nắm cả thế giới trong tay qua việc làm chủ những tuyến đường hàng hải chiến lược.

Như vậy có thế nói, không ngoa, không có những thôi thúc từ miếng ăn ngon, diện mạo nhân loại ngày nay đã khác. Từ những suy niệm mơ hồ Christopher Columbus (1451-1506) và Ferdinand Magellan (1480-1521) có thể nhìn thấy cả một lục địa ở chân trời thăm thẳm nhưng vấn đề lại là thôi thúc miếng ngon. Không có động lực tìm kiếm đường giao thương cho các nguồn hương liệu và gia vị phương Đông xa xôi huyền bí ấy, các triều đình Âu châu đã không tài trợ những cuộc thám hiểm chứng minh được rằng trái đất tròn, rằng còn có một “tân thế giới” mang tên America. Sẽ trễ, trễ, trễ rất nhiều thứ, xấu hay tốt, đáng có hay không đáng có. Trễ tiến trình xâm chiếm thuộc địa và trễ những cú đòn đau. Trễ những cú giật mình choàng tỉnh, trễ ý hướng xây dựng ý thức quốc gia và trễ khát vọng hiện đại hoá. Hẳn nhiên, chẳng chóng thì chầy, con người rải khắp năm châu cũng sẽ giao tiếp nhau trên một trái đất tròn nhưng chỉ cần bước trễ một bước chân thôi là sẽ đánh mất bao nhiêu cơ hội? Chỉ vì ông vua Tự Đức (1829–1883) và các triều thần do dự trước những đề nghị canh tân, diện mạo của Việt Nam ngày nay đã thảm hại bao nhiêu lần so với nước Nhật, khi quốc gia này bắt tay đổi mới với sự quyết đoán của một ông vua sinh sau đẻ muộn là Minh Trị Thiên Hoàng (1852–1912)?

Chính khao khát miếng ngon đã giúp nhân loại mở rộng tầm nhìn và kiến tạo nên những trật tự thế giới mới. Nó khiến con người lao vào cướp bóc và chém giết lẫn nhau nhưng cũng đã khơi mào các cuộc va chạm và tiếp xúc văn hoá để học hỏi nhau. Và nó còn mở ra những hướng nhìn mà kẻ nhạy bén nắm lấy có thể tạo cho mình một vị trí quyền lực hay một chỗ đứng lịch sử vững vàng trong khi kẻ chậm chân phải suốt đời nuốt hận. Napoléon thấy được ý nghĩa của miếng ăn no với đoàn quân ra trận nhưng không thấy được ý nghĩa của miếng ăn ngon trong ván bài quyền lực hậu cung. Và ông nuốt hận trong cảnh lưu đày.[5] Costtello lấy làm tự hào về những “miếng ngon kinh tế” đã mang lại cho đất nước nhưng khù khờ, chậm chạp, để đàn anh nuốt trọn cái “miếng ngon chính trị” lẽ ra mình đã có thể thực phần nếu biết cách đầu tư cho những “miếng ngon bàn tiệc”. Và ông ta cay đắng, chì chiết như một nhà phê bình chính trị.

Nhưng vấn đề còn là bản chất của sự thôi thúc bởi, có khi, chính những miếng ngon còn làm lu mờ hay bó hẹp tầm nhìn để rồi, có tiêu tốn bao nhiêu tài nguyên đi nữa, cũng sẽ thất bại, không thể quy những cái nhìn lệch phương về cùng một một hướng và, thậm chí, còn dẫn đến những tình trạng bức tử cá nhân hay cộng đồng. Như cái bữa tiệc xa hoa và cực kỳ phản chính trị của Từ Hy Thái hậu vào đầu năm 1874. Thay vì đầu tư vào sức mạnh, vào ý chí đề kháng của quốc gia, người đàn bà giảo quyệt của nền chính trị hậu cung này đã vung vẩy cái kho bạc sắp cạn cho ý đồ dùng miếng ngon để cản hoạ xâm lăng. Nhưng nếu bàn tiệc chỉ là cơ hội kề vai, thì những nhà chính trị nhồm nhoàm cái miệng chỉ có thể cùng nhìn về một hướng từ những mẫu số chung căn bản nào đó. Phải phung phí bao nhiêu tài nguyên thì mới tìm được mẫu số chung giữa con mồi và kẻ săn mồi? Dùng miếng ăn ngon để ngăn cản dã tâm xâm lược là một hành động thiển cận. Áp dụng quan niệm về cái ngon man rợ với bộ óc khỉ trào lên sau nhát búa gõ xuống hay tiếng kêu chít chít của con chuột sơ sinh khi hai hàm răng bập vào để mua chuộc những nhà ngoại giao Tây phương cũng là một hành động thiển cận.[6] Mà, tự thân cái bữa tiệc như là đỉnh cao của quan niệm về cái ngon của người Trung Hoa lúc ấy cũng là biểu hiện của một cái nhìn thiển cận, khả dĩ giải thích tại sao môn sinh vật học của người Trung Hoa đi muộn và, cao hơn, nói theo Napoléon, tại sao lúc đó Trung Hoa vẫn còn ngái ngủ.

Đi đầu nhân loại, người Trung Hoa phát minh ra la bàn, thuốc súng, pháo thăng thiên, v.v... nhưng lọ mọ bước sau Tây phương trong môn sinh vật học, và một học giả Trung Hoa nổi tiếng là Lâm Ngữ Đường (1895-1976) đã kiến giải bằng sự thèm khát... miếng ngon. Lâm Ngữ Đường cho rằng “một nhà bác học Trung Hoa không thể lạnh lùng ngắm một con cá mà không nghĩ ngay đến cái vị của nó và muốn xực nó”, rằng “khi thấy một con nhím, họ nghĩ ngay đến cách làm thịt ra sao cho hết độc” chứ không chịu mất thì giờ với mấy câu hỏi “phù phiếm” về cấu tạo cơ thể hay cơ chế sinh hoạt của nó.[7] Nhưng, có lẽ, Lâm Ngữ Đường vẫn chưa nói hết. Đành rằng họ không mảy may thể hiện tinh thần khoa học khi nhìn vào nội tạng của con thú nhưng ánh mắt ấy đâu chỉ chăm chăm với cái sự khoái khẩu không thôi? Họ còn muốn sống lâu, muốn làm một người tình cường tráng và bền bỉ trên giường. Rồi họ còn muốn con trai nối dõi, muốn con cháu đầy đàn, v.v... Và họ suy diễn đến nát đầu với việc chọn thứ nội tạng nào, việc phải nấu ra sao để từng phần phủ tạng ấy có thể phục vụ cho từng mục tiêu ấy. Họ, nói theo Lỗ Tấn, chỉ ăn thịt người nghĩa bóng, nên hiếm khi mổ banh phủ tạng xác người theo nghĩa đen nhưng, cả với phủ tạng con thú nghĩa đen, cái nhìn soi mói ấy cũng đã phảng phất một chút tinh thần “vị y khoa”, hướng đến việc phụng sự con người, dẫu là một phong thái phụng sự đầy vị kỷ.[8]

Nhưng Tây phương cũng chẳng sớm sủa gì. Để có một cái nhìn y khoa “vị cộng đồng” trước phủ tạng con người thì cũng phải trải qua những thất bại ê chề của Cách Mạng Pháp (1789-1799) trong nỗ lực cạnh tranh với Giáo Hội Thiên Chúa Giáo. Nếu Giáo Hội có thể kiến tạo nên một hệ thống tu sĩ chuyên chăm sóc linh hồn con người thì những nhà cách mạng này tin rằng họ có thể làm điều tương tự với hệ thống thầy thuốc chuyên chăm sóc thể chất con người. Nhưng khi được bộp chộp thành lập, được bộp chộp huấn luyện, đội ngũ thầy thuốc ấy cũng chỉ có thể cứu người theo lối... hại người.[9] Khi chỉ quan sát dấu hiệu bệnh tật ở phía ngoài bộ da thì môn triệu chứng học trở nên rối rắm với muôn vàn triệu chứng trùng lặp và chồng chéo, dẫn đến vô số lỗi lầm. Tình trạng kéo dài mãi cho đến lời thức tỉnh trong bài giảng lịch sử năm 1802 của nhà giải phẫu học Marie François Xavier Bichat rằng cái chết mới là “sự phát biểu của sự thật về bệnh tật và đời sống”, rằng các sinh viên phải mổ cái tử thi ra, rằng họ phải “xua tan cái bóng tối mà sự quan sát không thôi không thể nào xua đi được.” -[10] Đó là sự khởi phát của mối quan hệ mà Michel Foucault gọi là bộ ba, là trinity của sự sống – bệnh tật – cái chết, bởi, có thông qua cái chết, khoa học mới quan tâm đến cá nhân con người, cho phép giới thầy thuốc có được cái nhìn gọi là medical gaze: cái nhìn chăm chú, có thể xuyên thấu qua bộ da để đi sâu vào cơ thể mà truy tầm căn nguyên bệnh tật, cái nhìn không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn mà cả năng lực tri giác.[11]

Thì cũng là những cái nhìn. Nhìn trừng trừng nghĩa bóng kiểu Costello hay trừng trừng nghĩa đen kiểu Sở Thành Vương. Sử sách Trung Hoa chép rằng, trong nghi thức cuối cùng, khi con trai đặt thụy hiệu là Linh Vương, Sở Thành Vương vẫn “trừng trừng” hai mắt, và đứa con phải tế bằng cái tên sống Thành Vương thì mới chịu nhắm lại. “Thụy hiệu”, nói nôm na, là tên “hèm”, tên cúng cơm của bậc đế vương, và Sở Thành Vương, phải chăng, sắp chết vẫn cố sống nán vì một bát chân gấu, chết rồi thì cố sống tiếp bằng cái tên chỉ vì cái miếng ăn ngon dở dang ấy? Và nếu giới y khoa, đứng từ cõi sống, chăm chú nhìn để thấy rõ những chuyển động bên trong một cơ thể đang bị đẩy về cõi chết thì Sở Thành Vương đã, từ cõi chết, trừng trừng nhìn về cõi sống, đòi “sống”, muốn “sống” trong thế giới của người chết như là người còn sống.

Sự loạng choạng giữa hai ý niệm sống-chết với miếng ngon này gợi nhắc kinh nghiệm đau đớn của Nguyễn Tuân, với một Nguyễn này cố giết và một Nguyễn kia cứ sống. Vì phải lòng với “Phở”, một tuỳ bút đặc sắc viết vào năm 1957 sau một hội nghị quốc tế ở Phần Lan, nhà văn nổi tiếng khinh bạc này đã phải vật vã tự kiểm thảo “chàng Nguyễn” cũ dẫu đã “lột xác”, đã tuyên bố “giết chết” Nguyễn cũ lỗi thời ngày ấy để hoà nhập với xã hội mới từ tận năm 1945.[12] “Lột xác” trước biến động thời cuộc là một sự tự vệ chính trị mà tự bôi trơn bằng thủ tục tự kiểm thảo trước cơn dị ứng của “xã hội mới” cũng là một hành động tự vệ chính trị. Nếu không tự “lột xác” mình vào năm 1945, số phận của Nguyễn Tuân sẽ như thế nào? Hãy nghĩ đến một Khái Hưng, bị thủ tiêu mất xác. Nếu không mau mắn cúi đầu ăn năn sau tai nạn “Phở” năm 1957, Nguyễn Tuân sẽ sống ra sao? Hãy nghĩ đến một Nguyễn Hữu Đang đói rách, ngồi bên bờ ao “lưng khòng như chữ C viết nghiêng, tỉ mỉ cọ rửa những viên gạch vỡ không biết để làm gì”![13] Để sống, Nguyễn Tuân phải dùng ngòi bút của mình đâm chết chàng Nguyễn cũ. Nhưng vẫn hớ hênh để lộ sự thèm khát miếng ngon, ông ta lại phải lôi chàng Nguyễn cũ ra để giết thêm lần nữa. Chàng Nguyễn cũ thích miếng ngon, xem ra, vẫn sống đi, sống lại, sau những lần bị giết đi, giết lại.

Cơ sự là do Nguyễn Tuân quá sành ăn và, không phải là ngẫu nhiên mà những nhà văn với khuynh hướng duy mỹ như Nguyễn Tuân hay Tản Đà vừa là bậc sành ăn, vừa là bậc thầy trong việc bất tử hoá những miếng ăn. Cái ngon, với họ, đã bước vào phạm trù của mỹ học.

Mỹ học là một thứ triết học về cái đẹp, là cái sẽ ở lại với chúng ta, giúp chúng ta nhận ra những ý nghĩa mới trong sự hiện hữu hay trong các mối quan hệ và tương tác của mình. Một bài hát hay, dẫu chỉ nghe qua một lần, sẽ còn ở lại với chúng ta và, nếu viết về quê hương chẳng hạn, sẽ giúp chúng ta chạm đến những độ sâu chưa từng dò thấy trong quan hệ gắn bó giữa mình với mảnh đất đã nuôi dưỡng nên mình. Một kiệt tác hội hoạ, như một bức tranh tĩnh vật, sẽ ở lại với chúng ta trong cách nhìn muôn vật, giúp chúng ta nhìn chúng khác đi, thấy những chùm ánh sáng phủ quanh khác đi. Miếng ăn ngon, ví như một cái đẹp của hương vị, cũng sẽ tiếp tục ở lại với chúng ta như thế.

Nó sẽ ở lại, rất lâu, cả với những kẻ mà vinh quang nghề nghiệp gắn liền với số lượng... xác người. Như một mẫu số chung, sau non già nửa thế kỷ, ký ức về miếng ăn ngon hầu như luôn tươi rói trong trí nhớ của những viên tướng từng xem mạng người như cỏ rác: dẫm lên bao nhiêu xác người, vượt qua bao nhiêu bom pháo chiến trường, bao nhiêu mưu mô chèn ép của nền chính trị hậu cung, miếng ăn ngon luôn nóng hổi trong những trang cuối hồi ký cuối đời nhìn lại của họ. Hoàng Cầm -- thượng tướng, viên chỉ huy cấp quân đoàn đầu tiên của quân đội cộng sản -- nhớ từng chi tiết trong bữa nai nhúng giấm năm 1965 tại Tây Ninh.[14] Nguyễn Hữu An, thượng tướng, viên chỉ huy Bắc Việt trong trận vận động chiến đầu tiên với quân đội Mỹ tại Ia-Drang, không thể nào quên bữa canh chua cá chép “Ôi, Sao mà ngon đến vậy” năm 1964 giữa Tây Nguyên.[15] Hoàng Minh Thảo, cũng thượng tướng, phó tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, thì nhớ mãi bữa “thịt rừng nấu với măng le” năm 1966 mà “ngoài Bắc có tiền mua cũng không được”, cũng giữa Tây Nguyên.[16]

Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời, kể ra thì chẳng có gì là sâu xa trong những ký ức của những ông tướng già lụ khụ bởi điều kiện thời chiến, sau hàng tháng trời, thậm chỉ cả năm cầm hơi bằng gạo hẩm, củ rừng. Nhưng khi Vũ Bằng mang cả Thương nhớ mười hai vào Nam thì sự thể đã khác. Không chỉ là những kinh nghiệm sống dai, những miếng ngon thương nhớ ấy còn là tinh tuý kết đọng từ sự giao phối của đất trời quê hương theo chu kỳ tuần hoàn của năm tháng: tháng Giêng với “bữa cơm giản dị có cà om với thịt thăn điểm những lá tía tô thái nhỏ hay bát canh trứng cua vắt chanh ăn mát như quạt vào lòng”; tháng Hai với cá Anh Vũ Việt Trì nướng chả “chấm nước mắm ngon có vắt chanh, bỏ ớt, và quậy mấy cây tăm cà cuống..., ăn với cháo có hành cuộn lại, có rau cần điểm một ít thìa là ngọt cứ lừ đi”; tháng Ba với “rau cần đầu mùa nấu canh với tôm he ăn với chén cơm gạo vàng”; tháng Tư với “cà Nghệ muối ăn với nước rau luộc và canh trứng cua đồng vắt chanh cốm thơm lạ thơm lùng,” v.v...[17]

Nghe như là những khối tình. Từng vị, từng vị đã là tình, là nghĩa, là quê hương bỏ lại phía sau trên ý nghĩa không - thời gian; là sự tương tác, là mối quan hệ tương liên của trinity đất - trời - người: đất Bắc lõm vào với những bãi biển bập bồi đồng cói và cái tinh tuý kết đọng trong mối quan hệ ấy là cái vị bùi bùi mằn mặn của vị tương mà người đi đau đáu mang theo: Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương; miền Trung ưỡn mình ra biển như ngực như một cô gái dậy thì nên cái vị “dầm” nào cũng là cái mặn của những bờ cát trắng phau màu muối; còn phương Nam thì, như là vùng đất của những cửa biển sền sệt phù sa và xanh ngắt lá tràm, cái cực đoan của bờ cát miền Trung đã dịu lại, mềm đi, cứ là lững lờ mặn ngọt.[18]

Và nghe sâu chặt như là ký ức tình đầu. Đời sống chúng ta mở ra khi những tương tác đầu tiên bám rễ như một thứ tình đầu để rồi góp phần hình thành nên nhân cách và lối sống của chúng ta. Có tình đầu với thanh âm và ngữ điệu, Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, người ơi, mẹ hiền ru những câu xa vời (Phạm Duy). Có tình đầu với hương và vị, thứ tình đã khiến Vũ Bằng đau đáu nhớ thương, khiến Nguyễn Tuân quay quắt trong cảm giác “thiếu thiếu cái gì” bên những bàn tiệc sang trọng ở Phần Lan; là thứ tình sâu chặt hơn cả tình đầu với tiếng mẹ khi, có thể quên, có thể đánh rơi tiếng mẹ, những thế hệ lưu vong thứ hai thứ ba khó mà đánh rơi những hương vị mà cha mẹ mang theo truyền lại.[19] Như thế thì, lúc này, những miếng ngon như phở, như bún bò Huế hay như nem, tré, bánh nậm, chả giò, v.v.., đã trở thành một phần căn cước, một thứ mẫu số chung để kết nối những thế hệ chỉ có thể nói tiếng Anh hay tiếng Pháp, tiếng Đức, nhắc nhở rằng những khía cạnh thẩm mỹ tiềm ẩn trong cái lưỡi của chúng vẫn phảng phất bản sắc của vùng đất có bờ biển lõm sâu vào, có bờ biển ưỡn ngực ra hay sền sệt phù sa chập chùng những rừng tràm xanh ngắt. Miếng ngon, cũng lúc này, đã biểu lộ những ý nghĩa về sự hiện hữu của con người trong mối quan hệ và tương tác cộng đồng.

Nhưng bất cứ sự hiện hữu nào cũng chỉ có ý nghĩa khi những phẩm giá hằng hữu của nó được bảo toàn đầy đủ. Và bất cứ mối quan hệ tương tác nào, với xã hội hay thiên nhiên, cũng chỉ có ý nghĩa khi tính cân bằng và bền vững của nó được sự bảo toàn đầy đủ. Vấn đề, như thế, không phải là chuyện đáng lo với những thế hệ lưu vong mà là với cái cộng đồng đang sinh tồn trên mảnh đất khai nguyên, có bờ biển lõm sâu vào. Ăn Bắc mặc Kinh, nếu người Bắc từng sành ăn nhất nước thì cái nghệ thuật hay cái mỹ học về sự ăn đã hạ thấp đến mức thấp nhất như có thể thấy qua hiện tượng “bún mắng” và “cháo chửi” ngay giữa thủ đô.[20] Và nếu thủ đô là hàn thử biểu của văn hoá và chính trị quốc gia, thì đây cũng là triệu chứng của một đất nước đang bị bức tử.

Hình dung đất nước như một “cơ thể” thì cơ thể ấy chỉ có thể sinh tồn dựa trên mối quan hệ tương liên và sự tương tác bền vững giữa con người với con người, giữa con người với núi sông, trời, biển. Nhưng quan hệ gắn bó ấy đang bị phá vỡ, chà đạp, bị coi rẻ, khinh khi. Núi sông đang bị tàn phá, phẩm giá con người đang bị chà đạp và còn mối quan hệ người - người thì bị thoái hoá thành thứ quan hệ giữa loài muông thú nên, rõ ràng, đất nước đang chầm chậm chuyển mình với nguy cơ hóa thành xác chết.[21]

Đó là bệnh chứng từ một hệ thống chính trị “ăn thịt người” với đám vua con hành xử như thể đang sống trong thời kỳ đồ sắt. Đó là một hệ thống cầm quyền cai trị bằng cách che phủ bóng tối lên sự thật, trợn trừng hai con mắt ngờ vực nhìn vào nhân dân nhưng hoàn toàn mất hết khả năng phản vệ, tin tưởng nhìn cùng một hướng với kẻ thù. Đó là những bàn tiệc phản chính trị và man rợ bày ra trên cái thân xác đang giẫy chết của đất nước. Đó là những nhà cai trị và những thành phần đặc quyền phàm ăn, nhung nhúc “như một bầy sâu”, “ăn của dân không từ chỗ nào”, “ăn” trên sự bất ổn của xã hội, “ăn” trên sự tàn phá thiên nhiên và “ăn” bằng cái giá mà không chỉ thế hệ hôm nay mà nhiều, rất nhiều thế hệ mai sau phải trả.[22]

Căn nguyên của căn bệnh ấy đã rành rành, chẳng cần đến một cái nhìn chăm chú của năng lực chuyên môn và tri giác theo cách nói của Foucault. Nhiều người đã thấy nhưng cũng có khối người cố tình không chịu thấy. Cố tình như những kẻ, chỉ vì sự hấp dẫn của bát bún hay bát phở, ngây ngô giả điếc trước những tiếng quát tháo và chửi bới của chủ hàng. Cố tình như cái thế lực cai trị cùng nhìn một hướng với kẻ thù bất kể cái mẫu số riêng khác nhau rành rành giữa con mồi và kẻ săn mồi, khác nhau rành rành ở những mưu toan và những hành động doạ nạt lộ liễu, cái thế lực nhớ rất dai vị ngon ở những con mồi đã trót cắn trong âm mưu thâm độc của kẻ thù nhưng hành xử như một thứ bệnh nhân đãng trí với những đòn đau lẽ ra phải nhớ đời, như cái vết thương cứa cổ 1979.[23]

Khi dễ dãi nhìn cùng một hướng với kẻ thù như thế thì nó, cái thế lực ấy, đã là hiện thân của một thứ “chư hầu” không còn có tư cách để lấy làm bất ngờ hay đau đớn trước những nỗi đau của tổ quốc nữa. Nó không còn tổ quốc để mà sợ mất. Tổ quốc hay phẩm giá, với nó, chỉ là những miếng ngon “đang có” và những miếng ngon “sẽ có”, những “miếng ngon” phải được bảo vệ bằng bất cứ giá nào, kể cả cái giá của việc tự bấm vào tử huyệt để biến đất nước thành một thân xác giẫy chết, như đã thấy ở hai tử huyệt Vũng Án và Tây Nguyên.[24]

Chúng ta đang sống trong thế kỷ 21 và, không như thế kỷ 18, không phải đợi đến lúc mổ banh cái tử thi ra rồi thì mới có thể lò mò đi tìm, lò mò “xua tan bóng tối” hay lập cập “phát biểu lên sự thật” của căn bệnh. Để tấn công vào căn bệnh nặng nhất thì phải gầy dựng lại sức đề kháng của mình từ đầu, từ những triệu chứng nhẹ nhất. Ngày nào chúng ta còn gằm mặt xuống những tô bún hay tô phở bốc khói, để mặc những kẻ bán bún và phở chà đạp nhân phẩm của mình, ngày đó những kẻ bán nước sẽ còn tiếp tục chà đạp lên phẩm giá của dân tộc mình. Ngày nào những hàng bún và hàng phở hỗn láo đó còn tồn tại, ngày đó những kẻ bán nước hỗn láo cũng sẽ tiếp tục tồn tại, sẽ tiếp tục cắt xẻo thân thể tổ quốc ra bán, nhẹ nhàng và dễ dãi, như thể đang bán những gánh bún, gánh phở.

 

Sydney 12.3.2015
 
--------------------------
Tài liệu tham khảo:
 
[1] Amy Harris, “100 Sydney dishes to die for: How many have you tried?”, The Sunday Telegraph , December 28, 2014. Trong số 100 món này có món phở của tiệm Phở An tại Bankstown.
 
[2] Napoléon nói về Trung Hoa: “China? There lies a sleeping giant. Let him sleep, for when he wakes he will move the world”, trong Gregorio F. Zaide (1980) History of Asian Nations, Manila: National Book Store, tr.34-35.
 
[3] Roy Strong (2002) Feast: A History of Grand Eating, London: Jonathan Cape, tr.276.
 
[4] Năm 1994, giữa lúc đảng Tự Do tỏ ý muốn chọn Costello làm lãnh tụ, Howard thuyết phục Costello không ra tranh cử, với thoả thuận: ông ta sẽ làm lãnh tụ và sau đó nếu thắng cử, Howard chỉ giữ chức thủ tướng cao nhất là một nhiệm kỳ rưỡi rồi trao quyền lại cho Costello. Tuy nhiên sau khi giành chính quyền vào năm 1996 Howard đã quên lời hứa này, giữ chức lãnh tụ liên tiếp bốn nhiệm kỳ, cho đến năm 2007, khi mất chính quyền và mất cả ghế dân biểu. Howard cho biết đã mời Costello đến ăn tối tại Kirribilli House tuy nhiên không nói rõ khi nào. Trong khi đó thì Costello phủ nhận, cho biết “không thể nhớ” là được Howard mời đến nhà dùng cơm. Costello cố xem nhẹ việc này, cho đó là “lối hành xử của Sydney” tuy nhiên các đàn em của Costello rất tức giận, cho rằng Howard cố tình làm mất mặt Costello. Khi John Howard tổ chức tiệc để chiêu đãi các thành viên nội các tại dinh thủ tướng The Lodge vào ngày 29.11.2007 trước khi dọn nhà, Costello đã không đến. Lúc đó báo chí Úc cho biết Costello vẫn còn căm hận ông Howard và có lẽ đến tận bây giờ, vẫn chưa hết hận. Xem Van Onselen, Peter & Errington, Wayne (2007) John Winston Howard: The Biography , Melbourne University Press, tr.317.
 
[5] Napoléon có câu nói nổi tiếng “Quân đội ra trận với cái bao tử” (An army marches on its stomach).
 
[6] Đó là hai món “não hầu” và “sâm thử”. Theo các tài liệu phổ thông thì bữa tiệc này tốn kém khoảng 397,000 lượng vàng.
 
[7] Dẫn theo bản dịch Một quan niệm sống đẹp, xuất bản lần đầu năm 1964 của Nguyễn Hiến Lê, tr.50. Nguyên tác: Lin Yutang, The Importance of living.
 
[8] Theo Lỗ Tấn thì văn hoá Trung Quốc là một thứ “văn hoá ăn thịt người”, quan niệm này thể hiện sắc nét nhất trong tác phẩm “Nhật ký người điên”: “Cổ lai, việc ăn thịt người thường lắm, mình cũng còn nhớ, nhưng không được thật rõ. Liền giở lịch sử ra tra cứu thử. Lịch sử không đề niên đại, có điều trang nào cũng có mấy chữ ‘nhân, nghĩa, đạo đức’ viết lung tung tí mẹt. Trằn trọc không sao ngủ được, đành cầm đọc thật kỹ, mãi đến khuya mới thấy từ đầu chí cuối, ở giữa các hàng, ba chữ: ‘Ăn thịt người’. [...] Muốn ăn thịt người khác, nhưng lại sợ người khác ăn thịt nên họ giữ miếng nhau, nhìn nhau ngờ vực.. [...] Bây giờ mới biết mình đã sống bao nhiêu năm ở một nơi mà người ta ăn thịt lẫn nhau từ bốn nghìn năm nay. Đứa em gái mình chết đúng vào lúc ông anh lên cai quản trong nhà. Vị tất ông ta đã không đem thịt nó trà trộn với các thức ăn rồi giấu giếm đi, đưa cho mọi người ăn!” Xem Lỗ Tấn, Nhật Ký Người Điên.
 
[9] Michel Foucault (1963), The Birth of Clinic: An archeplogy of mecical perception, London and New Yourk: Routledge, tr.37 (bản dịch Anh ngữ của A. M. Sheridan).
 
[10] Michel Foucault, tr.77-104.
 
[11] Michel Foucault 176 -180.
 
[12] Thoạt đầu bài này mang tên “Vô đề” sau đổi thành “Lột xác”, ghi lại những trăn trở, dày vò của mình trước quyết định đi theo Việt Minh. Tháng Tám 1946. Nguyễn Tuân viết bài “Ngày đầy tuổi tôi cách mệnh” xác định “lập trường cách mạng”, năm 1950 Nguyễn Tuân được kết nạp đảng. Trong đợt chỉnh huấn 1953, Nguyễn Tuân viết bài tự kiểm thảo “Nhìn rõ sai lầm”, tuyên bố đoạn tuyệt với quá khứ lãng mạn tiểu tư sản và chối bỏ các tác phẩm Vang bóng một thờiChùa đàn . Tuỳ bút “Phở” đăng trên một tạp chí văn học ở Hà Nội năm 1957, kể chuyện thèm phở (Có thể đọc lại tuỳ bút này trong tuyển tập Những Áng Văn Ẩm Thực, NXBVHTT, Hà Nội, 2001, Thái Hà sưu tập). Đây là thời điểm mà không khí chính trị khá căng thẳng sau sự kiện Nhân Văn – Giai phẩm, năm 1958 Nguyễn Tuân lại viết bài “Nguyễn Tuân tự phê bình”, in trên báo Văn nghệ tháng 5, năm 1958.
 
 
[14] Hoàng Cầm (2001) Chặng đường mười nghìn ngày, NXB Quân đội nhân dân, tr.87
 
[15] Nguyễn Hữu An (2002) Chiến trường mới , NXB Quân đội nhân dân, tr.12.
 
[16] Hoàng Minh Thảo (2004) Chiến đấu ở Tây Nguyên, NXB Quân đội nhân dân tr.95.
 
 
[18] TS Nguyễn Thị Bẩy & GS Trần Quốc Vượng (2010), Văn hoá ẩm thực Việt Nam , Hà Nội: NXB Từ Điển Bách Khoa & Viện Văn Hoá. GS Trần Quốc Vuợng chỉ giải thích tại sao người Thanh, Nghệ Tĩnh ăn mặn hơn người Bắc.
 
[19] GS Trần Quốc Vượng cũng đề chập đến ý này trong cuốn sách đã dẫn ở trên, tr.18.
 
[20] Những địa chỉ ‘bún mắng, cháo chửi, ốc lắm mồm’ nức tiếng Hà thành.
 
[21] Chỉ riêng Tết Ất Mùi (2015) đã xảy ra hàng loạt vụ đánh nhau, khiến 6,200 người nhập viện (chưa kể con số tự chữa trị). Xem: Phạm Thạch Hoàng, “Bạo lực đưa người Việt về đâu?”.
 
[22] Lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là ‘chết’ cái đất nước này”. Xem “Một con sâu đã nguy hiểm huống gì một bầy” (Vietnamnet, 07/05/2011). Lời của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: “Ăn của dân không từ một chỗ nào, từ tiền BHYT của thương binh. Cháu nghèo trường dân tộc cũng bị hiệu trưởng, ban giám hiệu ‘ăn’ gần 3 tỉ đồng. Đến liều vắc-xin con con cũng ăn của các cháu!” Xem “Phó Chủ tịch nước: Người ta ‘ăn của dân không từ chỗ nào’“ (Người Lao Động, 11/09/2013)
 
[23] Các lãnh tụ cộng sản vẫn nhắc nhở “công ơn” của Trung Quốc trong hai cuộc kháng chiến mà lờ đi thâm ý của Trung Cộng khi muốn biến Việt Nam thành “phên dậu” của Trung Quốc, thậm chí kiểm duyệt báo chí trong các dịp kỷ niệm cuộc chiến biên giới 1979. Thí dụ bài báo “Tình hữu nghị không bao giờ thay đổi” trên báo Quân Đội Nhân Dân ngày 25.4.2014: “Trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam, các đồng chí Trung Quốc đã giúp cả sức người, sức của và là hậu phương lớn của cách mạng Việt Nam”, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy...” Nổi bật nhất trong những nhà cai tri cùng nhìn một hướng với kẻ thù là Phùng Quang Thanh, Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, từ các sự kiện giàn khoan hay xây đảo nhân tạo, thậm chí PQT than phiền tình trạng người dân VN căm thù TQ! Xem “Bộ trưởng Phùng Quang Thanh: ‘Quân đội phải kiểm soát được tình hình trên biển’” (Thanh Niên, 20/10/2014), và “Xu thế ghét Trung Quốc nguy hiểm cho dân tộc” (Hoangsa.org, 29/12/2014)
 
[24] Bài nói chuyện của Đại tá-PGS-TS-NGƯT Trần Đăng Thanh, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng giảng về Biển Đông cho các các lãnh đạo Đảng ủy khối, lãnh đạo Đảng, Tuyên giáo, Công tác chính trị, Quản lý sinh viên, Đoàn, Hội thanh niên các trường Đại học-Cao đẳng Hà Nội, trong có ba điều chú ý: Mỹ là kẻ thù muốn lợi dụng “ta”, Trung Quốc từng đánh “ta” nhưng có ơn với “ta”, bảo vệ CHXN là bảo vệ sổ hưu đang có hay sẽ có của từng người trong “chúng ta”. Xem “Đại tá Trần Đăng Thanh giảng về Biển Đông cho lãnh đạo các trường Đại học” (Dân Làm Báo, 19/12/2012)

 

 

---------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021