thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
AI LÀ TÔI [1-3]
 
Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường
 
 
 
(1922-1975)
 
LỜI GIỚI THIỆU của Jean-Pierre Milelli:
 
Tập bản thảo AI LÀ TÔI của Pier Paolo Pasolini đã được Enzo Siciliano, người viết tiểu sử của ông, phát hiện trong số giấy tờ riêng của ông sau khi ông qua đời. Năm 1980, Enzo Siciliano cho tập bản thảo ra mắt độc giả trên tạp san Nuovi Argomenti dưới nhan đề Poete delle ceneri [Nhà thơ của tro tàn]. Bản dịch tiếng Pháp Qui je suis dựa theo một bản mới do Graziella Chiarcossi, một nhà ngôn ngữ học và người thi hành di chúc của Pier Paolo Pasolini, thiết lập và biên soạn. Với tính cách đó, và xin để qua một bên mọi định kiến về giá trị văn chương, văn bản chưa được in của Pier Paolo Pasolini là một tài liệu đặc biệt và giá trị giúp ta hiểu rõ thêm những mối liên quan giữa cuộc đời và tác phẩm của Pier Paolo Pasolini — nhà văn, nhà thơ, nhà tiểu luận và điện ảnh gia của nước Ý.
 
Bản thảo nguyên tác gồm ba mươi hai trang giấy đánh máy cách dòng đôi, có nhiều chỗ đã được sửa đổi hay gạch bỏ với bút bi. Theo lời nhà viết tiểu sử, Pasolini đã viết phần lớn trong dịp sang New York trong tháng Tám 1966, sau khi trình chiếu cuốn phim Uccellacci e Uccellini [Diều hâu và chim sẻ] tại đại hội điện ảnh Montréal vào tháng Bảy năm ấy.
 
Văn bản này hình như là để đối đáp bằng thơ văn xuôi một cuộc phỏng vấn thực sự hay tưởng tượng. Có thể ý định đã đến với Pasolini sau lúc ông gặp gỡ một phóng viên, hoặc là sau các cuộc đàm thoại có thu ảnh với Jean-André Fieschi (Pasolini, l'enragé / “Pasolini, người nổi giận”) vào tháng bảy 1966, hay cũng có thể là Pasolini đã đơn giản trở lại với phương pháp sử dụng thơ ca như ông đã thực hành trước đó. Chúng tôi đã chọn dịch nhan đề đánh máy và do Pasolini chỉ định trước: Who is me. Một nhan đề thứ hai, Poète des cendres (“Thi sĩ tro than”), viết bút nỉ, ám chỉ nhan đề của một trong các thi tập của ông: Les Cendres de Gramsci.
 
Năm 1966, Pasolini đã lên tới tột đỉnh văn chương của ông ở Ý, nhưng danh tiếng do điện ảnh mang lại cho ông trên thế giới chỉ mới khởi sự. Ông đang tìm cách vượt qua các ranh giới của nền văn hoá cội nguồn và muốn có một quần chúng rộng lớn hơn. Đó là một trong các nhiệm vụ của AI LÀ TÔI. Nhưng năm 1966 cũng là năm nhà thơ bị chứng loét dạ dày và là lần đầu tiên ông viết nhiều kịch bản sân khấu với ý định sẽ cho dàn dựng trình diễn tại New York thay vì tại Ý. Do vậy, hình như sự phát hiện Hoa Kỳ đã là dịp cho Pasolini kiểm điểm lại quá khứ để hướng tới tương lai. Đó là cái lợi ích của tập bản thảo: tuy còn dang dở, nó đã tập trung được nhiều mạch viết của văn nghiệp Pasolini: tiểu sử viết thành thơ, cảnh vật gần như bị kiểu cách hoá khi mô tả, suy gẫm về hình thức và hành ngôn chính trị.
 
Hơn thế nữa, nếu mọi văn bản về tiểu sử tự bản thân thiết yếu là phải dang dở, tuy nhiên trong AI LÀ TÔI như đã có sự báo trước về những cái sẽ xảy ra trong những năm cuối cùng của nhà văn: sự loại bỏ dần dần thơ ca như một thể loại của văn học và sự ưa chuộng điện ảnh; sự phát hiện phong cách viết kịch sân khấu và sự viết-lại các huyền thoại về cá nhân ông; mối liên hệ với báo chí và công lý của quê hương đối với ông ngày càng như là một sự ngược đãi trong đời sống; sự hồ hởi của ông đối với tố quyền dân sự. Trước khi cuộc ám sát đã khiến ông phải lìa đời trong Ngày lễ của những Người Chết vào năm 1975, chúng đã mang đến cho khoảng thời gian kể trên cái hương vị của tro tàn. AI LÀ TÔI cho chúng ta thấy nhà thơ bị chia sẻ giữa sự ham muốn “ném mình vào cuộc chiến” và sự rút lui vào ngọn tháp Chia — phần còn lại của một lâu đài thời Trung Đại — nơi ông ngụ và các nhiếp ảnh gia tới chụp hình ông khoả thân và cô độc, chẳng bao lâu trước lúc ông qua đời.
 
_____________
 
 
AI LÀ TÔI
 
 
[1]
 
Tôi là một kẻ
đã sinh ra trong một thành phố có nhiều cửa đền*
năm 1922.
Vậy là tôi đã bốn mươi hai, còn kiện tráng
(và thậm chí chỉ mới hôm qua thôi, hai ba anh lính trẻ
                   trong một lùm cây dành cho các thằng điếm,**
đã tưởng tôi chỉ mới hai mươi tư - các anh lính đáng thương
đã tưởng tôi là một cậu trẻ
đồng lứa với họ):
cha tôi mất năm 1959,
mẹ tôi còn sống.
Tôi vẫn khóc, mỗi khi nghĩ lại chuyện cũ,
mỗi khi nghĩ tới Guido em tôi,*** một gã du kích
bị các gã du kích cộng sản khác thủ tiêu
(nó thuộc nhóm Hành Động
do chính tôi đã khuyên nó gia nhập;
nó đã khởi sự cuộc Kháng Chiến
với tư cách một người cộng sản),
trên những ngọn núi, đáng nguyền rủa, của một biên giới
trụi cây có những đồi xám
với các đỉnh của dãy Préalpes**** xác xơ.
Thơ thì tôi đã thơ thẩn từ năm mới lên bảy:
nhưng tôi làm thơ sớm nhờ ý chí chứ không do tài năng.
Tôi từng là một “nhà thơ bảy tuổi”
- như Rimbaud - nhưng chỉ trong cuộc đời.
Giờ đây, trong một ngôi làng
giữa biển và núi,
nơi bùng nổ những cơn dông lớn gió to,
mùa đông mưa không dứt,
và tháng hai núi hiện ra
như thủy tinh trong suốt
ngay bên kia những nhánh cành đẫm ướt
rồi những đoá hoa báo xuân vô hương đầu tiên
nở trên bờ hố,
mùa hè, những dải đất nhỏ trồng ngô
xen kẽ với những mảnh đất xanh đậm cỏ linh lăng*****
in rõ nét trên màu trời phấn tiên
như một cảnh trí Á Đông huyền bí.
Bây giờ, trong ngôi làng đó.
còn một cái rương đầy những tập bản thảo
của một trong vô số các nhà thơ trẻ con.
 
___________________
*nguyên tác: portico
**putains, điếm trai
***Guido Alberto Pasolini, em trai út của tác giả đã bị kháng chiến quân Nam Tư  giết chết trong vùng núi Vénétie (Venezia) vào tháng Hai, năm 1945.
****Préalpes là nhóm dãy núi có chiều cao trung bình, nằm theo rìa của dãy núi Alpes, kéo dài từ vùng Hồ Genève chạy theo hướng tây-nam đến vùng Sông Drôme.
*****luzerne / lucerne
 
 
[2]
 
Cái quan trọng nhất trong đời tôi
đã từng là bà mẹ tôi
- bây giờ chỉ thêm một cái tên độc nhất
là Ninetto.*
Năm 42, trong một thành phố mà quê hương tôi
rất là chính nó
đến đỗi nó đã trở thành xứ sở của mộng mơ,
với thơ ca lớn của cái không thơ,
đông đúc nông dân và công nghiệp,
tiện nghi thoải mái tràn đầy
rượu ngọt, thịt ngon,
những con người lông lá và thô kệch, rất
bình dân
nhưng cũng rất nhạy cảm
trong cái thành phố đó tôi đã in
cuốn thơ đầu tiên rất mỏng
dưới nhan đề còn rất mẫu khuôn
Thơ cho Casarsa,**
đề tặng - rất khuôn phép - cha tôi,
cha nhận được nó ở Kenya,
nơi cha đang bị giam giữ, một nạn nhân dốt nát
của giặc phát-xít
và thiếu óc phê phán.
Cha đã có được một niềm vui sướng bao la, tôi biết,
khi ông nhận được nó:
chúng tôi đã từng là những kẻ thù địch lớn của nhau,
nhưng sự xa lạ đó chỉ là một phần của định mệnh
bên ngoài chúng tôi.
Và là dấu hiệu của sự hận thù giữa chúng tôi,
cái dấu hiệu dành cho một cuộc điều tra bằng phương pháp
khoa học
không dối gạt,
- không thể dối trá -
cuốn sách đó để tặng cha tôi
đã được viết bằng tiếng friul!
Phương ngữ của mẹ!
Phương ngữ của một thế giới
bé nhỏ, mà cha tôi không thể không khinh khi
- hay chí ít là phải chấp nhận
với sự kiên tâm của một người cha. . .
Và điều đó chỉ là một sự mâu thuẫn từng xảy ra trước:
một trong những nghịch lý, đúng thế, không thể dối gạt các
nhà khoa học!
Nơi mà dân chúng đã sử dụng thổ ngữ đó,
cha tôi đã si tình.
Si tình mẹ tôi.
Như vậy, xuyên qua bà, cái thế giới nhỏ,
nội tại,
thôn dã, gần như man rợ, mà cha tôi khinh miệt
đã biến cha tôi thành kẻ nô lệ:
nhưng, lần này cũng vậy, cha vẫn không biết.
Cha không biết rằng chủ nhân của mình chính là tình yêu đó,
tình yêu qua một phụ nữ-trẻ con (mẹ tôi!),
đẹp, một bộ ngực xinh, một mảnh linh hồn
còn quá ngây thơ
một thiên thần không thể sống bên ngoài những ngôi làng,
chỉ thế thôi, bên ngoài những ruộng lúa,
đã vô hiệu quả các niềm tin vững chắc về đạo đức
của một người đàn ông nghèo khó sinh ra để làm chúa tể.
Như vậy, cái phương ngữ đó
đã là một vật nham hiểm quỷ quái.
Đó là trung tâm điểm của muôn ngàn mâu thuẫn.
Điều rát bỏng nhất là
nó khó được chấp nhận:
nó đã có được sự xuất bản
và những trang giấy mộc mạc của một thi tập
mà đứa con trai mới hai mươi tuổi đời chính là Tác Giả.
Do vậy, người ta cũng không thể bắt đầu
cuộc khám nghiệm,
bởi vì tự chúng đã không thể chấp nhận được,
những mâu thuẫn đó, chúng tương tợ
những đám mây đen,
những tiếng sét hãi hùng,
dấu hiệu của sự chiến bại hoàn toàn và của cái chết,
trên nền chân trời le lói cái ánh sáng tự hào
của một người cha trong tù.
Và, khi chiến tranh chấm dứt,
cha tôi đã trở về Ý, với cuốn thơ nhỏ bằng tiếng friul
trong va-li.
Thánh tích thiêng liêng, kỷ vật của gia đình,
sự minh chứng của vinh quang,
mặc dù chỉ về sau thôi.
Tôi phải thú nhận rằng cha tôi
đã tán thành chủ nghĩa phát-xít.
Và đây nữa cái mâu thuẫn thứ hai, công khai
lần này:
chủ nghĩa phát-xít không dung tha các phương ngữ, dấu hiệu
của sự thống nhất chưa hoàn tất của miền đất nơi tôi sinh ra,
những thực tại không thể chấp nhận được và trơ trẽn
dưới mắt của bọn người sùng bái chủ nghĩa quốc gia.
Bởi thế cho nên cuốn thơ của tôi không được nhắc tới trong
các tập san chính thức.
Và Gianfranco Contini*** phải gửi bài nhận định phê bình của ông
(niềm vui sướng lớn nhất trong đời viết văn của tôi)
cho một tờ báo ở Lugano.
 
______________
*Ninetto Davoli, bạn đời và diễn viên trong vài cuốn phim của Pasolini.
** Poesie e Casara, Bologna, 1942
***Gianfranco Contini (1912-1990), nhà ngôn ngữ học, đại diện nổi tiếng của trường phái “phê bình bút pháp” (critique stylistique).
 
 
[3]
 
Cùng với sự cáo chung của chủ nghĩa phát-xít
là hồi chung cuộc của cha tôi.
Những thổ lộ của tôi về chủ nghĩa phát-xít chỉ là cái cớ
để cho tôi được biện minh sự căm thù, bất công,
của tôi đối với người đàn ông đáng thương đó:
và tôi phải nói thêm rằng đó là một mối căm thù
có pha trộn - ôi khủng khiếp quá - với tình thương.
Và bây giờ khi mà, không xứng đáng,
tôi đã bốn mươi tư rồi
- cái tuổi xấp xỉ với cái tuổi của cha vào thuở
những bài thơ đầu tay của tôi -,
tôi thấy cha ở bên ngoài câu chuyện về đời tôi,
trong một giai đoạn với tôi đã hoàn toàn xa lạ,
trong đó tôi là một đấng anh hùng khách quan và có tội.
Bởi vì tôi phải nhắc lại
rằng, ngoài tình yêu ban đầu dành riêng cho mẹ,
tôi cũng có một tình yêu dành cho con người ấy:
một tình yêu nhục thể.
Tôi cần nhớ lại những bước chân khấp khễnh
khi lên ba,
trong một thành phố mất hút đáng thương
giữa núi đồi,
đã có dáng vẻ tuy chưa nhiều của nước Áo
gần như ở cạnh nguồn một con sông
mang tên bảo tàng viện chiến tranh
và khốn khổ,
một dòng nước trong xanh giữa những bờ bãi thênh thang
dưới chân núi,*
- những bước ngắn của tôi ven một con lộ
thiêu đốt bởi một mặt trời không đến từ cuộc đời tôi
mà của bố mẹ tôi,
bước tới gần một cái hố mà cha tôi, một chàng trai,
đang cầm cặc đái. . .
Tôi lại phải nói thêm,
để chấm dứt câu chuyện riêng biệt này
- nổ tung trong toàn thể của bài thơ -
rằng những câu thơ tiếng friul ấy
là những vần thơ đẹp nhất của tôi
(với những câu thơ viết đến năm hai mươi ba,
hai mươi bốn tuổi,
về sau đã xuất bản với nhan đề
Tuổi trẻ tốt đẹp nhất, **
cùng với những câu thơ tiếng Ý đồng thời,
nảy sinh từ cái nguồn sâu thẳm của bi ca friul
và thú đau thương của tình dục
phơi bày cái giống và thủ dâm
giữa những cành nho và những cây dâu tằm
bằng cái nhìn tinh khiết nhất của thế giới):
chúng - các vần thơ đó - mang tên,
Con họa mi của Nhà thờ Thiên chúa,***
và những tiếng ca the thé đó vẫn là tiếng nhạc chói tai
và tế nhị từ chốn ấy còn mê hoặc và lôi cuốn
trở về.
Tôi không thể nói với bạn thêm một điều gì nữa
về khoảng thời gian tôi ở tại
miền đất của dông bão và của hoa báo xuân,
có chút Á Đông
nơi biên giới của tiểu tư sản Áo quốc:
các nhà báo của chủ nghĩa phát-xít Ý
hay chỉ đơn giản chống cộng sản mà thôi
có thể sẽ tự đảm nhiệm công việc ấy.
 
_____________
*sông Piave
** La meglio gioventù, Florence, 1954
*** L'usingolo dellà Chiesa Cattolica, Milan, 1958
 
[còn tiếp nhiều kỳ]
 
 
-----------
Nguồn: Pier Paolo Pasolini, Qui je suis - Poeta delle ceneri, bản tiếng Pháp do Jean-Pierre Milelli dịch, giới thiệu và chú giải (Paris: Arléa, 2004).
Người dịch ghi thêm một con số trên mỗi bài thơ, và bổ sung vào phần chú thích của nhà xuất bản dưới các bài thơ.
 
 
 
Các tác phẩm khác của Pasolini đã được dịch và giới thiệu trên Tiền Vệ:
 
Bạn đi đâu qua những đường phố La-mã / trên xe buýt hay xe điện / chật ních những người trên đường về nhà?... | Tôi lao động suốt ngày như một nhà tu / Và ban đêm tôi lang thang như một con mèo rượn / chạy tìm tình yêu... Tôi sẽ thỉnh cầu / Giáo hội, xin cho tôi được phong thánh... | Người ta sẽ ca hát trong lòng đất nó, / hàng triệu người chết trong lòng đất nó, / ta sẽ ca hát trong lòng đất nó?... | Hãy đến lắng nghe những dòng sông của lòng con, / Hãy đến lắng nghe những bông cúc của lòng con, / Hãy đến lắng nghe, mẹ ơi, tiếng nói ấp úng / của lòng con đang bay bổng, thưa mẹ!... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
... Ta không một đồng xu, ta chỉ làm chủ / Những sợi tóc vàng của ta trên sông Lemene / Đầy những con cá mượt mà... | ... tôi sẽ ngã xuống chết / dưới mặt trời gắt, / vàng hoe và cao, / và tôi sẽ nhắm mắt, / để bầu trời lại với vẻ rực rỡ của nó... | ... Em là một cánh hồng sống mà không nói. // Khi sâu thẳm trong ngực em / Một giọng nói ra đời, / Thì em câm lặng... | ... Chúng ta sống sót: và ấy là sự lẫn lộn / của một cuộc đời hồi sinh bên ngoài lý luận... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021