thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TUYỂN TẬP THƠ [IV]
Bản dịch Diễm Châu
 
 
TADEUSZ RÓŻEWICZ
(1921~)
 
 
 
TUYỂN TẬP THƠ [IV]
 
Bản dịch này để thân tặng
nhà thơ Mai Văn Phấn
 
DC.
 
 

LỜI BẠT CỦA BÀI THƠ

 
Từ từ thận trọng
phải lấy đi những chữ
 
tước bỏ hình ảnh khỏi hình ảnh
hình thù khỏi màu sắc
hình ảnh khỏi tình cảm
 
cho đến mãi tận tủy
cho đến mãi tận ngôn ngữ của đớn đau
cho đến mãi tận cái chết
 
Có những bài thơ
hoàn toàn ở bên trong
lại có những bài thơ hoàn toàn ở bên ngoài
có những bài đã hoàn tất  có thể hiểu được
được ném lên
bề mặt
do hiểu biết quen tay
trong trẻo như pha lê
rạng rỡ
như ánh sáng
có những bài khác
lại lỏng le nghế ngái
tăm tối
 
1974
 
 

TRÒ CHUYỆN

 
Một bài thơ
được viết
mãi tới im lặng
nhưng điều đó anh sẽ chỉ được biết
vào hồi chót
 
Làm thơ
cái nghề tàn nhẫn
cạm bẫy cho những người thân
nó nhử mồi tình ái
cái đẹp
danh tiếng
 
nếu anh không bị mù quáng
nếu anh không phải là một kẻ ngu dại khoái trá
anh sẽ quay đi với chính bản thân anh
để bước vào
phòng trưng bày những vật kỳ lạ
 
giữa những tấm gương làm biến dạng
những hình thù mơ hồ
những liên hệ khả nghi
 
con khỉ của anh kẻ giống anh như tạc
trong một tấm gương giả
đôi chút sâu xa hơn
cao quí hơn
 
anh bật cười
khi quan sát
bức hí họa trong sáng
của những hăng say đầu tiên những khám phá đầu tiên
 
khi lắng nghe những lời bình giải
anh tan biến giữa các từ
giữa tiếng ồn của xoàng xĩnh văn nghệ
một cái nón giấy chụp lên đầu
 
1974
 
 
NGỒI TRONG CHIẾC GHẾ ÊM
 
Ngồi trong chiếc ghế êm
tôi buông cuốn sách
đột nhiên tôi nghe thấy tiếng
tim tôi đập
thật là bất ngờ quá
như thể có người lạ mặt đã vào trong tôi
nắm tay nện mạnh vào người tôi
một kẻ vô danh nào đó
bị khóa kín trong tôi
có điều gì đó thật khiếm nhã
trong cái tiếng đập này tiếng đập
chẳng liên hệ gì tới tôi
tới suy tư trừu tượng của tôi
 
1979
 
 
THÂN XÁC TÔI
 
thân xác tôi
nói với tôi
 
không bao giờ ta sẽ ngừng
thở
không bao giờ ta sẽ ngừng
ăn ngừng tiêu hóa ngừng yêu
 
ta thân xác ngươi
không bao giờ ta sẽ ngừng nhìn ngắm
 
ngươi định làm gì ta
ngươi đưa ta đi đâu
 
tại sao ngươi muốn treo ta
lên cái đinh này
dưới cái trần nhà cao và tối
 
tại sao ngươi muốn xô đẩy ta
qua cái cửa sổ tòa nhà chọc trời này
 
tại sao ngươi muốn phóng ta
xuống dưới những vòng bánh xe
 
hãy để ta lại đây
ta muốn hít thật sâu
không khí trong lành
lưỡi ta muốn lọt vào
cửa miệng một cô gái trẻ trung
 
nếu ngươi muốn chui xuống đất
hãy xuống đấy một mình
thân xác tôi
tự nói với nó
ta ta sẽ sống
không âu lo
không cần ngươi
 
thân xác tôi rời tôi
và bỏ đi
tìm gặp thân xác em
thân xác em
cười khóc
khoe hàm răng
nói
 
em đâu phải chỉ là một thân xác
nhưng anh không thấy thế
anh chỉ thấy
có mình em
 
thân xác tôi
cọ sát với thân xác em
mà nói
anh biết
nhưng anh phải
chạm tới người em
 
đôi tay chúng ta
đôi môi chúng ta
thông minh hơn gấp bội
 
 

TẤM HÌNH CHỤP

 
Hôm nay tôi nhận được một tấm bưu thiếp cũ
từ một xứ xa
một cảnh ở Erbalunga
 
tôi chưa bao giờ nghe thấy cái tên ấy
tôi không biết nó ở đâu
cũng chẳng muốn biết
 
Erbalunga
 
Hôm qua người ta đã tặng tôi
một tấm hình tìm lại được của mẹ tôi
cất giữ từ năm 1944
 
trên tấm hình chụp
mẹ còn trẻ đẹp
hơi mỉm cười
 
nhưng ở mặt sau
tôi đọc thấy mấy chữ
do chính tay mẹ viết:
«1944 thật khủng khiếp đối với tôi»
 
năm 1944
bọn Gestapo đã tra tấn đến chết
anh tôi
 
chúng tôi giấu mẹ
cái chết của anh
nhưng nhìn chúng tôi bà đã đoán biết được
và đã giấu
chúng tôi
 
1979
 
 
TÔI RA SỨC NHỚ LẠI
 
Tôi ra sức nhớ lại
bài thơ
xinh đẹp
chưa từng viết ra ấy
 
hình thành trong hũm đêm
và hầu như đã chín
nó lao xuống
tan hòa cùng ánh ngày
nó không còn nữa
 
bài thơ này dường như
là một bài thơ về chính nó
như một viên ngọc
là sự miêu tả một viên ngọc
và một con bướm là sự miêu tả một con bướm
 
đôi khi tôi có nó trên đầu lưỡi
và âu lo tôi chờ đợi
nó biến đổi
thành lời
 
bài thơ tan biến dần
trong ánh ngày ấy
đã khép lại trên chính mình
và chỉ đôi khi
ngời sáng
 
nhưng tôi không tìm cách đưa nó ra
từ đáy thẳm tăm tối
để phơi bày trên bờ bằng phẳng
của thực tại
 
1982
 
 

NHÀ THƠ ĐANG VIẾT

 
Nhà thơ đang viết
là một người quay lưng lại
thế giới
sự hỗn độn
của thực tại
 
Nhà thơ đang viết
dễ bị tổn thương
người ta có thể bắt chợt ông dễ dàng
giễu cợt ông  khiến ông sợ hãi
 
ông đã trồi lên
ông đã ra khỏi thế giới
như con thú
trên nền cát lún
người ta có thể thấy dấu vết những bước chân chim
mỏng manh của ông
 
từ xa xa còn vẳng tới tai ông
những tiếng nói những lời nói
một tiếng cười dòn tan
của phụ nữ
 
nhưng ông đã bị cấm
nhìn lại
phía sau
 
bị quăng lên bề mặt
trống rỗng ông lang thang
trong căn nhà của ông
ông che giấu khuôn mặt mình
nơi vẽ ra
sự sững sờ
nơi phảng phất một nụ cười
 
ông chưa biết
đáp trả
những câu hỏi thô sơ nhất
 
ông mới nghe
làn hơi của vĩnh cửu
dồn dập
bất thường
 
 

BÀI THƠ

 
Tôi từng muốn mô tả
cảnh lá rụng
trong một công viên của miền Nam
 
năm con thiên nga trắng
lướt trên gương nước
mờ sương
 
tôi từng muốn họa lại
những bông cúc đen
mà sương giá làm rỉ sét
 
ánh sáng trên làn môi
một thiếu nữ
bước qua
 
tôi từng nghĩ tới những nhà thơ
Trung quốc
những người đã nắm vững nghệ thuật
viết ra những tác phẩm hoàn hảo
họ đã khuất
nhưng ánh sáng những bài thơ của họ
còn tới mãi tận tôi
sau cả ngàn năm
 
một chiếc lá vừa chạm tới đất
 
và tôi đã hiểu
những bức tranh than khóc
sự im lặng của âm nhạc
sự huyền bí của thơ bị thiết đoạn
 
trở lại nhà
bàn tay tôi bắt đầu viết
một bài thơ
câm-điếc
đã muốn hiện hữu
muốn ra đời
nhưng tôi tôi không muốn viết nó ra
tôi nghe thấy nó dần dần ngưng
thở
 
Tháng Mười Một 1982
 
 

MỘT NGƯỜI LÍNH CHÌ NHỎ BÉ

 
Trong phần mộ của người chiến sĩ vô danh
yên nghỉ một người lính nhỏ
bằng chì
 
anh đã tham dự nhiều trận đánh
anh đã được điều động từ nơi này tới nơi kia
– tôi đã hò reo!
anh thường đi xung phong
lưỡi lê cắm trên nòng súng
 
tít mù xa là những rặng thập tự nhỏ
trắng
trên chiến trường Verdun
Stalingrad Hiroshima
 
những trận đánh lớn lịch sử
trên bộ trên biển
và trên không
đã biến đổi thành
những bức tranh tĩnh vật nhỏ
với một con ruồi đen trên một ngọn cờ
với bóng của một người in lên một tảng đá
với một chiếc đồng hồ mù
ở cườm tay
một cánh tay đã hóa thành than
 
dưới một biển hoa
yên nghỉ một biển chết
chì
một cái thây ma giữa các kim loại
mềm nặng
câm nín
 
người ta đã chiêu mộ một đạo binh
vô số kể những lăng tẩm đền đài
người ta đã sản xuất hàng tấn hàng tấn
mồi tươi cho đại bác
 
và tôi
nhà thơ chẳng phẫn nộ cũng chẳng bị lạm dụng
chỉ đôi chút ngạc nhiên và buồn rầu
tôi sè sẹ chuồn êm
 
 

MỘT DẤU PHẨY

 
Thưa ông, xin ông coi này một dấu phẩy!
 
Ôi! ông mới khôn ngoan làm sao Hölderlin
khi bỏ trốn nơi sự mất trí
thế là ông đã tự giải thoát
khỏi nghĩa vụ ở đời
ông chỉ là nhà thơ
 
để tự giải thoát khỏi nhà thơ
ông trở thành điên
ông không còn là công dân
không còn là thi sĩ
cũng chẳng phải là cả đến Hölderlin
tôi tên là
Killalusimeno
tôi được mười bảy tuổi
tôi tên là
Scardanelli
Schönberg
tôi không quen biết Ô. von Goethe
chưa hề nghe nói
thưa ông, ông không để ý sao
là cả tôi nữa cũng có một cái trường kỷ?
đem cái tô này đi
ta không đói
hãy đặt nó trước cửa
ta phải đi
cắt chút cỏ đã
 
Eschyle? tôi không hiểu
bởi vậy cái đó xin đi hỏi
Ô. Zimmer
làm thợ mộc
ông ấy là biết hết
kính ông
kẻ tôi tớ
 
không! không!
thơ à? không biết chưa hề nghe nói
 
das ist Kamalattasprache *
 
------------------
* tiếng Đức trong nguyên tác: «đó là lời Kamalatta» (ND.)
 
 

CHÉP LẠI NGÀY 7 THÁNG HAI 1988

 
cuộc đời
cái vòng tròn xinh đẹp
hoàn hảo làm sao
hoàn toàn khép kín
 
những kẻ yếu kẻ bất hạnh
những người trẻ
cố lẩn trốn ở đấy
đào thoát ở đấy
 
họ toan tính
bẻ gẫy đập vỡ
thay đổi cái vòng tròn
thành một hình vuông đen
 
anh đừng nổi nóng
đừng vội vã
đừng tuyệt vọng
 
chả nên thế!
 
hãy kiên nhẫn đợi chờ
đừng hối hả
đừng hành hung chính anh
 
lối ra
thật sự
duy nhất
khỏi cái vòng này
chính là cái chết
 
khoan!
cái đó tự nó sẽ tới
không cần chạy chọt không cần nước mắt
không cần những cử chỉ vô ích
không cần những lá thư vĩnh biệt
 
bằng sự sinh ra
máu me mù lòa
kêu la
anh đã rớt xuống
cái vòng mê hoặc ấy
 
Cái vòng phấn của anh
đầy bóng tối và ánh sáng
lý tưởng hoàn toàn khép kín
chính là Thượng đế cuối cùng
còn sống
 
qua cái chết
anh sẽ bước ra
 
hãy đưa tay cho tôi
 
1978
 
 
«CÁI TUYỆT ĐỐI MẤT ĐI…»
 
«Cái Tuyệt đối mất đi hủy hoại
phạm vi những biểu hiện của nó»
 
tàn tạ dần tôn giáo triết lý nghệ thuật
 
những nguồn tài nguyên tự nhiên của ngôn ngữ
giảm đi
những gì còn lại
cũng đủ
cho các nhà bút chiến
của các tờ Tygodnik PowszechnyPolityca
cho các nhà báo
cho các vị linh mục
cho các viên chức chính quyền
 
chết đi một vài loại
bướm chim
thi sĩ
với những cái tên lạ lùng và xinh đẹp
Miriam Staff Lesmian
Tuwin Lechon Jastrun
 
Norwid*
 
lưới cá của chúng ta trống rỗng
những bài thơ trích từ những vùng sâu
nín lặng
hay vụn nát
 
chúng cũng tựa như bụi
nhảy múa trong một tia nắng
tình cờ rớt vào phía bên trong
trống không và đen tối
của một ngôi đền
 
-----------------
* các nhà thơ nổi tiếng của Ba-lan: Zenon "Miriam" Przesmycki (1861-1944), Leopold Staff (1878-1957), Bolesław Leśmian (1878-1937), Julian Tuwin (1894-1953), Jan Lechoń (1899-1956), Mieczysław Jastrun (1903-1983), Cyprian Kamil Norwid (1821-1883). (ND.)
 
 
THƠ
 
thơ
không phải bao giờ
cũng khoác dạng một bài thơ
 
sau năm mươi năm
viết lách
thơ
có thể tự phát hiện
với người thi sĩ
dưới dạng một cái cây
một con chim
tung đường bay ánh sáng
 
thơ có thể khoác dạng
đôi môi
màu mắt
âm điệu của tiếng nói
thơ có thể tự vùi lấp trong im lặng
hay cũng có thể sống bên trong người thi sĩ
thiếu cả hình thức lẫn nội dung
 
13.10.1988 - 10.3.1989
 
 

GIỜ ĐÂY

 
trước
tôi canh chừng
mọi lúc
thơ có thể nhảy bổ tới tôi
căng thẳng run run
tôi chạy muốn hụt hơi
đuổi theo một hình ảnh đã
động đậy
 
giờ đây
tôi cho phép những bài thơ
bỏ trốn tôi
héo mòn quên lãng
chết
 
không một cử chỉ nhỏ bé nhất
hướng tới việc thực hiện
 
ngạc nhiên tôi nhìn quanh tôi
ấy đó là nơi
thơ nảy sinh thơ bắt đầu
sống
 
trước khi thiếp đi
tôi tưởng lại thời kỳ đó
 
tháng Ba 1989
 
 

THIẾU

 
biến cố lớn nhất
trong đời của một người
là sự sinh tử
của Thượng đế
 
lạy Cha lạy Cha chúng tôi
tại sao
như một người cha xấu
như một kẻ trộm ban đêm
 
không một dấu hiệu không một vết tích
không cả một lời
 
tại sao Người đã bỏ tôi
tại sao tôi đã bỏ Người
 
sống thiếu thần linh là có thể
sống thiếu thần linh là không thể
 
thế nhưng còn nhỏ tôi đã nuôi mình
bằng Người
tôi đã ăn thân xác Người
tôi đã uống máu Người
 
có lẽ Người đã bỏ tôi
khi tôi cố mở rộng
hai cánh tay
để đoạt lấy cuộc đời
quá dại khờ
khi mở đôi tay
chắc tôi đã để Người rớt mất
 
hay có lẽ Người đã bỏ trốn
vì không chịu được
tiếng cười của tôi
Người Người không cười
 
Có lẽ Người đã trừng phạt tôi
kẻ ngu dại đáng thương vì cứng đầu
vì kiêu ngạo
vì đã
cố tạo ra
một con người mới
một thi ca mới
một ngôn ngữ mới
 
Người đã bỏ tôi không tiếng
cánh cũng chẳng có sấm chớp
như một con chuột ngoài đồng
như nước ngấm vào cát
bận bịu với những việc chẳng ra gì
tôi không để ý tới chuyện Người bỏ trốn
Người vắng mặt
trong đời tôi
 
sống thiếu thần linh là có thể
sống thiếu thần linh là không thể
 
tháng Ba 1988 - tháng Ba 1989
 
 

MỘT CHIẾC GƯƠNG

 
sau những năm náo động
những năm của những vấn nạn và giải đáp
hão huyền
im lặng bao trùm lấy tôi
 
im lặng là chiếc gương
của những bài thơ tôi
phản ánh của chúng nín thinh
 
Rembrandt
ở bước đầu của tuổi già
cái miệng móm mém
nhai tôi
và cười nhạo
từ phía trên những phòng triển lãm
ở viện bảo tàng Wallraf
 
tại sao ngươi không trở thành
câm nín hoặc họa sĩ
một Krynicki một Nikifor
 
những đường nét mà thời gian soi mòn
vẽ ra
khuôn mặt chung của chúng tôi
 
khuôn mặt tôi đang thấy lúc này
tôi đã thấy ngay từ đầu
nhưng không hề lường trước
 
chiếc gương
linh hoạt và trẻ trung
đã giấu giếm nó bên trong
 
và giờ đây mờ đục
trơ ra bị bôi đen
nó hấp hối
không trả lại một phản ánh nào nhỏ nhất
từ thời còn ánh sáng
còn hít thở (còn không gian)
 
 
GIÓ ĐẬP VÀO KÍNH CỬA
 
gió đập vào kính cửa
 
và gọi dậy
 
những mộng mị những mạng nhện những viễn tượng mê cuồng
 
nền trời bằng đồng
 
cỏ biếc xanh đậm
chì dây câu
đen
 
con thú
đang biến dạng từ loài linh cẩu sang loài chồn cáo
cái mõm hít đất
cắm sâu
vào bóng tối mỗi lúc một thêm dầy đặc
 
ở biên giới giữa giấc mơ
và tỉnh trạng tỉnh thức
tôi đã nghĩ
đã cảm thấy
rằng ấy chính tôi
là kẻ đang chạy về nghĩa trang
về nấm mộ
bụng dằn những đá
một con thú tối tăm
dưới một bầu trời đỏ máu
tôi đang chạy mỗi lúc một nhanh thêm
dẫu biết rằng ở nơi xa kia
một cái hố đang chờ tôi
 
tôi đi nằm lại
cuộn mình trong chăn
tôi chạy tôi bay
 
tôi không thể ngừng cuộc chạy đua này
 
tôi thức dậy
miệng đầy
cát
 
Đêm 16 sang ngày 17 tháng giêng 1992
 
 

TRONG ÁNH SÁNG CỦA NHỮNG NGỌN ĐÈN LƯỚT NHANH

 
trong ánh sáng của những ngọn đèn lướt nhanh
thế giới có một dáng vẻ hoàn toàn khác
 
khuôn mặt những người sống những người chết
và những người đang ngủ
những khuôn mặt quay đi
 
những mái đầu trẻ trung
nghiêng về nhau
 
trong ánh sáng của những ngọn đèn lướt nhanh
con người đâm rễ
mãnh liệt hơn vào niềm vui
sâu xa hơn vào nỗi muộn phiền
những chiếc bóng chập chờn
đi đi lại lại lớn lên
các từ thật rụt rè
nồng nhiệt hơn
căn nhà bập bềnh
tháo dây cột cùng với một cỗ áo quan và một chiếc nôi
 
trong ánh sáng của những ngọn đèn lướt nhanh
vô tận là hữu hạn
thời gian là có thể nắm bắt
không gian khép lại
nơi bốn bức tường
chỉ cần nhắm mắt
để thấy mình được phóng lên
chiều thứ tư
chỉ cần mở cửa
để thấy mình
trên con đường Emmaüs
và gặp Đức Giê-su vẫn sống
bằng xương bằng thịt
người bởi chưa bị nhận biết
vẫn nhai nuốt ngon lành một con cá nướng
một lát bánh và một tầng mật ong
 
cuộc đời
ta sống khi đi tới
từ cuộc gặp gỡ này qua cuộc gặp gỡ khác
 
trong ánh sáng của những ngọn đèn lướt nhanh
khi ta lên dây đồng hồ và ngược thời gian
những ký hiệu hiện lên trên bức vách
thơ được vẽ ra của Bruno Schulz *
Mane – Tekel – Fares
 
trên những ngọn đèn này
nhà thơ của Drohobycz
đã biết hầu như tất cả
«hầu như»
là vì không ai biết tất cả
về chuyện mình sinh ra
hay về cái chết của mình
 
khi tôi nghĩ tới ông
và cuốn Sách của ông
tôi thấy Bruno
qua ánh mắt của ông
trong ánh sáng của những ngọn đèn lướt nhanh
với trên vách
chiếc bóng khổng lồ
của mái đầu ông một viên đạn xuyên qua
 
------------------
* một họa sĩ, nhà văn Do-thái Ba-lan sinh tại Drohobycz năm 1892, bị một sĩ quan Đức bắn chết năm 1942. (ND.)
 
 

MẠNG NHỆN

 
bốn mụ mặc hàng xám
mụ Túng thiếu mụ Khốn cùng mụ Quẫn bách và mụ Tội phạm
chờ ở đâu đó xa xa
 
con người ra đời
lớn lên
lập tổ ấm
dựng căn nhà
 
bốn bà chằn
lẩn dưới nền nhà
chờ đợi
 
các mụ dựng cho con người
một ngôi nhà khác
một mê cung
không lối ra
 
con người sống cuộc đời mình yêu
nguyện cầu và lao động
chất đầy căn nhà mình bằng hy vọng
bằng tiếng khóc tiếng cười
và âu lo
 
bốn mụ mặc hàng xám
chơi trò cút bắt
với anh ta
các mụ lẩn trốn ở đáy những chiếc rương
trong tủ áo trên kệ sách
 
các mụ nuôi thân bằng những đôi bao tay đầy bụi bâm
bằng băng phiến, bằng nhựa của nơi đầm lầy
các mụ ăn sách vở
rồi ngất đi xám xịt và câm nín
trong ánh trăng lạnh buốt
các mụ đậu trên những bông hoa giấy
trẻ con vỗ tay
muốn giết con bướm đêm và con bọ nhậy
nhưng bọ nhậy biến thành im lặng
và im lặng thành âm nhạc
 
bốn mụ mặc hàng xám chờ đợi
 
con người thường mời
người khác
dự những lễ rửa tội những cuộc chôn cất
những đám cưới và những bữa ăn đám ma
những lễ cưới bạc và những lễ cưới vàng
qua lỗ khóa
bốn mụ mặc hàng xám
lọt vào nhà
dù không được mời
 
mụ Tội phạm hiện ra đầu tiên
phía sau nổi lên mụ Quẫn bách
mụ Túng thiếu dọn vào dần dần
và mụ Khốn cùng toác miệng cười nhạo
 
căn nhà biến thành một cái mạng nhện thật lớn
 
ở đấy nghe vang vang những tiếng nói những tiếng rên xiết
tiếng những hàm răng đánh lập cập
tiếng lách cách
 
thần linh bị đánh thức dậy
hất một bàn tay xua đuổi
những kẻ quấy rầy họ
rồi ngáp dài chán ngán
 
 
TRÊN CON ĐƯỜNG…
 
trên con đường
đời tôi
con đường đi thật thẳng
nhưng đôi khi
biến mất sau một khúc ngoặt
của lịch sử
 
có những vùng nước xoáy
 
trên con đường đời
 
qua đó tôi đi
tôi bay
tôi khập khễnh
bỏ mất trên đường
sự thật
mà tôi tìm kiếm
ở những nơi tăm tối
 
đôi khi trên con đường này
tôi gặp
những đứa con của các bạn tôi
những đứa con tôi
 
tôi nhìn thấy chúng tập đi
tôi nghe thấy chúng học nói
 
đôi mắt chúng chất chứa những câu hỏi
 
những đứa trẻ huyền bí
trong những bức tranh
của Wojtkievicz
ẩn trong những xó xỉnh
lắng nghe ta chuyện trò
về thi ca hội họa âm nhạc
đôi khi chúng lách chách
mỉm cười nín thinh
 
những đứa trẻ huyền bí
trong những bức tranh của Wojtkievicz
những con rối phẳng lì
mũi đỏ
trang trí
mũi rãi thò lò
cười mỉm
lúc ấy chúng ta thường mất cái cân bằng vững chắc
(«ê mày làm sao mà nhìn tao như thế?»)
 
chúng ta quá bận bịu
và đột nhiên
chúng ta nhận ra rằng con cái chúng ta
cũng đã có những đứa con của chúng
rằng chúng cũng đã biết những thành công và thất bại
rằng chúng cũng đã bắt đầu tóc hoa râm
đến lượt chúng cũng đã bắt đầu đặt cho chúng ta câu hỏi
«ồ ba làm sao mà nhìn con như thế?»
 
và chúng ta
chúng ta im lặng
ẩn trong một xó
 
 

CÁC TỪ

 
các từ được xài mòn
nhai nhai như miếng kẹo cao-su
qua một cửa miệng tươi mát và xinh đẹp
biến thành
một cái bong bóng lớn một trái cầu nhỏ
 
nhạt phèo vì các nhà chính trị
chúng dùng để khiến cho răng
trắng hơn
để súc cái hốc
miệng
 
vào thời tôi còn nhỏ
người ta có thể đắp một từ lên vết thương
người ta có thể tặng nó
cho người ta yêu
 
lúc này đã nhạt nhẽo
gói trong giấy báo
các từ tiếp tục xông mùi tiếp tục tiết nọc độc
tiếp tục gây thương tích nữa
 
giấu trong những mái đầu
giấu trong những trái tim
giấu sau những tấm áo
của các thiếu phụ
giấu trong những pho sách thánh
chúng nổ tung
chúng giết
 
 

NÚI LỞ

 
trên đầu chúng ta trút xuống một cơn núi lở
những tảng đá lớn đá vừa đá cuội
 
có thể nói là các nhà thơ
đã ném đá thi ca
bằng các từ
 
chỉ có người nói ngọng
Démosthène
là sử dụng tốt
đá cuội
ông khiến chúng xoay vòng
trong miệng
cho đến khi ông chảy máu
và trở thành một trong những nhà
hùng biện lớn
của thế giới
 
T.B.
cả tôi nữa tôi cũng đã vấp phải
một tảng đá ở đầu chặng đường
 
 

MỘT NGÓN TAY TRÊN MIỆNG

 
cửa miệng của sự thật
đã khép lại
 
một ngón tay đặt trên môi
bảo chúng ta
rằng đã đến lúc
 
im lặng
 
không ai sẽ trả lời
câu hỏi
sự thật là gì
 
kẻ biết
kẻ là sự thật
đã bỏ đi
 
 

CUỘC TRÒ CHUYỆN CUỐI CÙNG

 
thay vì trả lời
câu hỏi của tôi
anh đã đặt một ngón tay lên miệng
 
trước đó Jerzy nói
 
như thế phải chăng anh muốn nói
rằng anh không muốn
rằng anh không thể trả lời
 
đó là câu trả lời của tôi
cho câu hỏi của anh
«cuộc sống có nghĩa gì
nếu như tôi phải chết?»
 
khi đặt một ngón tay lên miệng tôi
tôi đã trả lời anh trong suy tưởng
«cuộc sống có một ý nghĩa
chính là vì chúng ta phải chết»
 
cuộc sống đời đời
cuộc sống không cùng
là một cuộc sống không có ý nghĩa
một ánh sáng không bóng tối
một vọng âm không tiếng nói
 
 

ASHURBANIPAL KILLING A WOUNDED LION *

 
ấy là một bức phù điêu
đẹp khôn tả
- From the Palace of Ashurbanipal at Nineveh -**
 
những cuộc giao tranh khác thường
giữa người và thú
trước khi sáng chế ra súng đạn
chứa chất bao vẻ trang nghiêm và tương kính
 
tôi luôn luôn chiêm ngưỡng cảnh tượng này
với sự trầm tư cao độ
ông vua của loài thú
và ông vua của những kẻ nô lệ
hợp nhất trong một vòng ôm siết chí tử
 
sự điềm tĩnh vẽ ra trên nét mặt
của Ashurbanipal
 
bị bóp méo vì đớn đau và điên cuồng
cái hàm con sư tử biến đi trong lớp bờm
 
bộ râu của nhà vua uốn quăn thật khéo
và khuôn mặt của ông bảo: ta là vua thế giới
vua của loài thú và loài người
vua của đất của nước và của khí trời
vua của các vì vua
 
lưỡi kiếm xuyên suốt qua mình con thú
 
con sư tử chi chít những mũi tên tra cánh
của những cây cung
nhà vua khoác áo ngự trọng thể
được bảo vệ bằng những lớp vảy trên tấm giáp sắt
 
gắn liền với nhau trong vòng ôm siết chí tử
người và thú vẫn giữ một khoảng cách biệt
 
Từ cuộc giao tranh khác thường này sẽ sống còn bước ra
kẻ sử dụng thanh kiếm
cây lao và mũi tên
những thứ nối dài cánh tay
kỹ thuật
sự thông minh nói cách khác là
mưu mẹo
 
có lẽ chính bởi thế mà con sư tử
chỉ còn
cách chết
 
và như thế là giống người
tràn ngập trái đất
 
2004
 
------------
* Tựa đề bằng Anh văn, có nghĩa: «Ashurbanipal giết một con sư tử bị thương».
** Bằng Anh văn trong nguyên tác, có nghĩa: «Từ Điện Ashurbanipal ở Nineveh». (ND.)
 
 

MỘT CÂU TRUYỆN THẦN TIÊN

 
hai bắp chân tôi tê cóng lúc thức dậy
tôi vừa ra khỏi
một giấc mơ
dài
không thoải mái
 
trong một thế giới tinh khiết
 
đắm trong một làn ánh sáng
mới phát sinh
ở Bethléem hay
trong một thị trấn nhỏ «thảm hại» nào khác
 
nơi không ai sát hại
trẻ em
hay giống mèo
cũng chẳng ám hại người Do thái hoặc người Palestine
nước hoặc cây cối
hay không khí
 
ở đấy không có dĩ vãng
cũng chẳng có tương lai
 
tôi nắm tay
ba má
khác nào Đức Chúa Cha
 
và tôi cảm thấy mình cực kỳ hạnh phúc
như thể là
tôi không hiện hữu
 
Giáng sinh 2002
 
 
Đã đăng:
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021