thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Trắng trên trắng
Bản dịch Diễm Châu
 

I

 
Hãy đánh một chiếc chìa khóa, dầu nhỏ,
bước vào nhà.
Hãy thuận tình với vẻ dịu êm, hãy thương
chất liệu của những giấc mộng và chim chóc.
 
Hãy nguyện cầu ngọn lửa, ánh sáng, nhạc
của những đường cong.*
Đừng nói đá, hãy nói cửa sổ.
Đừng như chiếc bóng.
 
Hãy nói người, nói trẻ, nói sao.
Hãy lặp lại từng vần
nơi ánh sáng hân hoan và chậm rãi.
 
Hãy lặp lại nữa: đàn ông, đàn bà, đứa bé.
Ở nơi mà nét đẹp trẻ hơn.
 
------------------------------------------------
* Nguyên tác: dos flancos = của những cạnh sườn. (người dịch)
 
 

II

 
Ấy là một chốn ở miền nam, một chốn
mà vôi dấy loạn
thách thức ánh mắt.
Ở đó mi đã từng sống. Ở đó đôi khi trong giấc ngủ
 
mi vẫn còn sống. Cái tên thấm nước
chảy ra từ miệng mi.
Qua những lối mòn dê chạy mi bước xuống
bãi biển, biển vỗ mạnh
 
vào những tảng đá ấy, những vần ấy.
Mắt mất hút chìm đắm
trong ánh mờ
của ngày cuối cùng hay đầu tiên.
 
Ấy là sự tận mỹ.
 
 

III

 
Mưa rơi trong bụi như trong bài thơ
của Lý Bạch. Ở miền nam
những ngày có đôi mắt mở to
và tròn; ở miền nam lúa uốn lượn,
 
bờm lúa nhảy múa trong gió
là ngọn cờ
con thuyền nhỏ của tôi trương ra;
ở miền nam đất thơm mùi vải gai trắng
bánh mì trên bàn ăn,
sức nóng như thiêu của ánh sáng tràn ngập nước,
rơi trong bụi, nhẹ nhàng, cháy bỏng.
 
Như trong bài thơ.
 
 

IV

 
Mi úp mặt vào nỗi u sầu và mi không nghe thấy
cả đến tiếng họa mi. Hay ấy tiếng sơn ca?
Mi không chịu nổi cái không khí, xẻ chia
giữa sự chung thủy mà mi phải có
 
với đất của mẹ mi và với màu trời xanh
hầu như trắng nơi cánh chim mất hút.
Nhạc, ta hãy gọi nó như thế,
vẫn hoài là vết thương của mi, nhưng cũng là
 
niềm phấn khích của mi trên những đụn cát.
Đừng lắng nghe họa mi. Hay sơn ca.
Ở trong mi đó
mọi âm nhạc đều là chim.
 
 

V

 
Một người bạn đôi khi là sa mạc,
những khi khác lại là nước.
Mi hãy lìa bỏ tiếng lao xao nhỏ bé
của tháng Tám; không phải bao giờ
 
thân xác cũng là nơi của ánh sáng
phơi trần và lén lút, với những bụi chanh
trĩu nặng những chim
hay mùa hè trong tóc;
 
ấy nơi chùm lá tối tăm của giấc ngủ
sáng lên
làn da ẩm ướt,
mùa hoa nở khó khăn của ngôn ngữ.
 
Cái thực, là chữ.
 
 

VI

 
Những con cò.
Chúng đem lại cho tôi khoảng sân giáo đường,
hai ngôi nhà, hay ba, nếu chúng thật trắng,
tầng tháp nơi chúng khoan thai
 
đáp xuống, lúc ấy tôi
ở tuổi những trái dâu,
mặt trời làm ngạt thở trên miệng tôi,
em có nhớ?, hay ấy chính sức nặng của một đôi môi khác,
 
một duyên cớ khác, tôi cũng không còn biết nữa,
tôi đã ném đá
đuổi những con chó làm em hoảng sợ,
và tôi đã lẩn trốn em để vụng trộm
 
vuốt ve
con ngựa con màu nâu đỏ mà lúc ấy tôi yêu.
 
 

VII

 
Bây giờ tôi ở gần mặt trời hơn, bạn bè
không biết lối: thật may
được xa cách mọi người như thế
nơi đám lá cành chót vót, thân cận
 
với tiếng hót được khoan miễn của cánh chim
bay qua, là phản ánh của một phản ánh,
đồng thời
với bất kỳ một ánh mắt ngỡ ngàng nào,
 
duy có những ngọn triều vãng lai,
cơn cuồng nhiệt làm bằng quên lãng,
chút bụi dịu êm ngang tầm bọt sóng,
duy có thế.
 
 

VIII

 
Cái sân thượng trong nhà đã là điều kỳ diệu,
gió đi qua trên đó.
Tôi đã bắt đầu khám phá ra thân xác và
có ánh sáng là người tâm sự.
 
Thời gian chầm chậm đậu trên chỏm những bức tường,
ấy mùa hè, trong cơn mất ngủ
tôi đã hiến biển bầy ngựa của tôi:
khi chúng chạm tới nước tôi kêu lên vì kinh hoảng,
 
hay có lẽ vì yêu, không biết nữa.
Sống lúc đó
là lớn lên với một bông hoa cắn giữa những hàm răng,
học hít thở cùng với nỗi hiểm nguy
 
là làn da có thể nứt toang bừng cháy ở mỗi bước.
 
 

IX

 
Băng qua buổi sáng tới mãi chiếc lá
của hàng bạch dương,
là anh em với một vì sao, hay là con
hay có lẽ một ngày kia là cha của một ánh sáng khác mịn màng như lụa.
 
không biết tới những dòng nước của tên tôi,
những cuộc vui thầm kín của ánh mắt,
những đám cỏ gai và những vành môi của cơn khát
không biết làm sao
 
rốt cuộc ta lại chết vì là một sự ngập ngừng đến thế
một nỗi thèm muốn lớn đến thế
được là ngọn lửa, được bừng cháy như thế từ một vì sao này
tới một vì sao khác,
 
cho đến tận cùng.
 
 

X

 
Duy có con ngựa, duy có đôi mắt mở to
của trẻ thơ ấy, sự
chan hòa ấy của lụa làm tôi nhớ.
Chứ không phải tiếng nói,
 
được chăm chú lắng nghe, tiếng nói tăm tối của dòng sông,
cũng chẳng phải tấm thân tươi mát,
tấm thân đầu tiên tôi đã đặt tay lên,
và biết tới tình yêu;
 
chính ánh mắt ấy từng đêm lại từng đêm đến
từ rất xa qua một lối tắt nào đó
đã đoạt mất của tôi giấc ngủ
cũng chẳng buông tha cho trái tim tôi.
 
Trái tim tôi, đẫm những sương.*
 
--------------------------------------
* Nguyên tác: alentejo de orvalho. 'Alentejo' là tên một tỉnh «vựa lúa» của Bồ-đào-nha, ở đây được dùng, với chữ 'a' nhỏ, như một từ bổ túc cho “trái tim”, có nghĩa như “sung túc, chan chứa”... Giải thích cho điểm này, và một số điểm khác, tôi có được là nhờ ông António Martins, cựu nhân viên tòa soạn báo «L'Alsace» ở Lộ-trấn, Yên-sa. (người dịch)
 
 

XI

 
Bừng mắt dậy, chúng đã có đó
cuốn theo buổi sáng trên những mái nhà;
có lẽ chúng đã tới cùng với những làn ánh sáng
bóc trần của tháng Ba:
 
kẻ thức dậy lúc ấy hẳn đã phân biệt
tiếng ríu rít của chúng với bao điều nhỏ nhặt:
những chiếc lá non đang đổi màu,
dư-
 
vị của mưa, niềm kiêu hãnh của những lùm cỏ gai,
sự trần truồng ngượng ngập của lũ con trai,
sự động tình không dứt lúc ban mai
và đớn đau của loài thú.
 
Không phải bao giờ chim én cũng tới như thế.
Nhưng lũ én này đã tới như thế đấy.
Như thế đấy.
 
 

XII

 
Trôi, chầm chậm trôi tới hồi kết thúc,
làn ánh sáng tháng Ba.
Làn sáng ấy đã có đó, thân thiết với từng tảng đá
và với những con mèo, trong đám cỏ
 
đã lăn lộn với lũ trẻ,
và những cặp đùi non của chúng.
Không ai là chủ của làn ánh sáng bị cầm giữ
nơi một ánh mắt, không ai
 
lại chậm trễ không hát lên đứng trước sự im lặng
của một đóa hồng khép kín.
Nếu em bước ra cửa sổ có lẽ em hãy còn nhìn thấy
hấp hối những làn ánh sáng cuối cùng.
 
Những làn ánh sáng điên rồ, điên rồ của tháng Ba.
 
 

XIII

 
Không còn thấy được lúa,
nét uốn lượn uể oải của những ngọn đồi.
Không thể nói được rằng những ngọn đồi ấy đã cùng đi với mi,
mi chỉ đem theo được với mi cái lối thật trẻ con nọ
 
cái lối nhẩy qua bức tường,
đưa lên miệng
một nắm anh-đào đen,
vùi sâu nụ cười trong túi,
 
cái cách riêng huýt lũ chim cu,
xin một ly nước,
hay ngủ cuộn tròn
như chỉ có lũ mèo ngủ.
 
Tất cả những thứ ấy là mi, lấm lem những trái dâu.
 
 

XIV

 
Những ngày đầu tiên của tình bạn
bao giờ cũng dẫn đến vẻ điên cuồng rực rỡ của mùa hè;
tôi không biết tới một thời nào hạnh phúc hơn
nếu ấy không phải là
 
lang thang qua những đụn cát vào lúc hoàng hôn
trong những ngày nào đó của tháng Chín;
nhưng cái chết đã bò trên những tảng đá,
trái tim
 
nóng nảy muốn bước xuống phía những dòng nước.
Một người có thể trông đợi được gì khi
bằng một cách thật trẻ con
y tự phơi bày như thế, xác thịt sống giữa mặt trời?
 
 

XV

 
Bây giờ tôi sẽ nói cách thức tháng Chín
tiến tới hồi kết thúc.
Và sương mù dày đặc, tới cửa sông.
Trên những ngọn đồi tháng Chín bao giờ cũng là
 
một đàn ánh sáng thơ ngây,
một cành cây đầy sáo sậu,
một tiếng huýt
ở xa xa thách thức gió.
 
Một chút huy hoàng còn lại vẫn hát
trên cỏ, có lẽ ấy là tiếng
của người tôi yêu, một đứa trẻ
đang bước tới, bước tới thật êm.
 
Và người chăn cừu.
 
 

XVI

 
Cây, cây. Một ngày kia tôi sẽ là cây.
Với sự hỗ trợ thật âu yếm của mùa hè.
Hỡi những cánh bồ câu rừng xám xanh
hãy loan báo.
 
Một ngày kia tôi sẽ bỏ lại đôi bàn tay này
trên làn đất sét hãy còn ấm của im lặng,
tôi sẽ leo lên trời;
với cây cối những điều như thế thời được phép.
 
Lúc đó tôi sẽ cư ngụ ở nơi ánh mắt trần,
mỏi mệt của thân xác, cái sa mạc ấy
lại lặp lại trên những dòng nước
trong lúc mù sương trên lá
 
đặt những bàn tay ẩm ướt.
Và ngọn lửa.
 
 

XVII

 
Tôi không biết hoa nước có thể là gì
nhưng tôi đã rõ mùi hương của nó:
sau những trận mưa đầu tiên
mùi hương ấy bốc lên sân thượng,
 
trần trụi bước vào qua hàng bao lơn,
tấm thân hãy còn ướt
kiếm tìm thân xác chúng ta và bắt đầu run run:
đúng lúc ấy dường như thể nơi miệng nó
 
chúng ta được cho uống
một chút gì còn lại của bất tử
và như thể mọi âm nhạc của trái đất,
mọi âm nhạc của bầu trời đều là của chúng ta,
 
mãi tới tận thế,
mãi tới buổi rạng ngày.
 
 

XVIII

 
Những lý lẽ của thế giới
không phải đúng là những lý lẽ của mi.
Sống với những bàn tay bốc cháy không phải là dễ
sống là soi rọi
 
bằng ánh sáng kề sát độ dày của thân thể,
sự mù lòa của bức tường.
Cái vị máu này
cái vị máu mà mùa xuân đem lại, khi có mùa xuân,
 
không dẫn tới vòng hoa của ngọn lửa.
Những tầng nước tăm tối,
những lớp phân chim cốc
dự phần vào cơn hấp hối của mi.
 
Và lúc nào cũng cái mùi vị tinh dịch
mà ngọn triều mang lại cùng với nó.
 
 

XIX

 
Ước gì thân xác và sự bất an của thân xác
có thể hoàn thành ngôi nhà
trước mùa hè, đặt trên bàn ăn
ổ bánh, trên chóp mái một đóa hoa nào đó.
 
Tôi úp mặt xuống đất,
ánh mắt bị tổn thương không trở lại,
không một người bạn nào,
không một tiếng nói nào cất lên rực sáng.
 
Tôi chấp nhận ở lại đây – chỉ như tiếng lao xao
trên mặt cỏ,
mưa, với những bước chân mưa lạnh lẽo,
mưa sẽ bầu bạn cùng tôi.
 
 

XX

 
Không, ấy chưa phải là ánh sáng
chập chờn không yên của tháng Ba
ở trước mũi một nụ cười,
cũng chẳng phải sóng lúa dâng lên rực rỡ,
 
làn lụa của một con én phớt qua
bờ vai trần,
dòng sông nhỏ hẹp và cô độc đang thiêm thiếp
nơi lũng sâu;
 
không, ấy cũng chẳng phải là mùi thơm và hơi chua
của thân xác sau cuộc tình
trên những đường phố đang xuôi về phía biển,
hay sự im lặng hối hả
 
của công trường nhỏ,
tựa như một con tầu mà mũi là một nụ cười;
 
không, ấy chỉ là một ánh mắt.
 
 

XXI

 
Tôi tập trung ánh mắt vào nơi chốn
bất ổn nhất trên thân thể em: tháng Tám
người ta chết cùng với lũ chim:
vì cô quạnh.
 
Trong khoảnh khắc này tôi bất tử:
tôi có đôi cánh tay em bao vòng
khắp thân tôi:
cát thời nóng bỏng: ấy giữa trưa.
 
Từ ngực em ta thoáng thấy biển
rơi thẳng xuống:
tháng Tám người ta chết trong miệng em
cùng với lũ chim.
 
 

XXII

 
Cái gì còn lại của mùa hè, một vài
sợi tóc, ánh sáng của làn da, những tiếng kêu
loan báo cuộc thiên cư
của những con én biển, cái gì còn lại
 
em đừng tìm kiếm nó nơi miệng tôi;
không bao giờ sa mạc lại nở hoa trên những vành môi, không bao giờ
im lặng, đóa hoa hiếm này, lại hoàn toàn trong như
pha lê vào lúc hừng đông;
 
cái gì còn lại của mùa hè rọi sáng một bầu trời khác,
nó rong ruổi rong ruổi
trên những dòng nước trong trẻo hơn,
nó sẽ không trở lại sớm đến thế, nó sẽ không trở lại
 
trên những chốn nằm này, những từ này.
 
 

XXIII

 
Chúng đã từng chạm tới đất, tới trời với mây trắng,
lần lữa trên những cành cây,
mở ra trước cảnh khô cạn,
đôi lúc tạo thành chòm sao.
 
Mỏi mệt, chúng đạt tới mãi tận đêm tối,
chúng mất ngủ, bận bịu với cái chết
của những dòng nước. Sự hăng hái
của những buổi sáng khiến chúng nhợt nhạt.
 
Ấy phận sự của chúng là mơn man ánh sáng,
là thu lượm trong không
hình thù một trái cây, một tảng đá,
thầm kín đưa những thức ấy về nhà.
 
Đôi bàn tay là thế đấy, chính chúng
chúng cũng không biết thế.
 
 

XXIV

 
Biển, biển lại tới trước cửa nhà tôi.
Tôi đã thấy biển lần đầu trong đôi mắt
mẹ tôi, hết đợt sóng này tới đợt sóng khác,
hoàn hảo và lặng lẽ, kế đó
 
dội vào những bờ biển dốc thời lồng lộn phóng túng.
Ôm biển trong tay, biết bao đêm,
biết bao đêm tôi đã ngủ,
hay đã thức để lắng nghe
 
trái tim bằng pha lê của biển đập trong bóng tối,
cho tới khi sao mai
băng qua đêm đẽo thẳng đứng
trên ngực tôi.
 
Vùng biển này, vùng biển đang réo gọi tôi từ quá xa,
trong cơn sóng dội đã đoạt những gì, thêm với những con tầu của tôi?
 
 

XXV

 
Như điên dại họ lao mình vào bóng tối
của mấy cây xiêm gai* có đó,
xác thân nhức nhối đớn đau vì quá độ khát thèm.
Họ đã nhìn quanh, không một ai thấy họ,
 
 
đất làm bằng cát, bóng tối cứng cỏi,
cả đến xác thịt cũng cứng lại
và cửa miệng héo khô, duy có con mắt
còn giữ được đôi chút nước tươi mát.
 
Những ngón tay mù lòa đã là những thứ đầu tiên
xé nát, gây thương tích, chẳng bao lâu hàm răng
đã ngoạm lấy, chẳng để cho
cái giống kịp thời lọt vô.
 
Họ còn rất trẻ; đất thời không,
đất đã kiệt lực,
trái tim bị lũ ong vò vẽ cắn phải,
và chỉ muốn chết.
 
--------------------------
* acácias. (người dịch)
 
 

XXVI

 
Trên mặt bàn những trái cây nóng bỏng: những trái lê,
trái cam, trái táo đã cảm thấy trước
màu trắng thân thiết
của hàm răng, cái thèm muốn bị dằn xuống,
 
chất rượu đậm đặc của những tiếng nói xưa;
nỗi u sầu bừng cháy trong lúc phát minh
một thành phố khác,
một xứ sở khác, những vùng trời khác nơi phóng tới
 
những ánh mắt, những tiếng cười: em hãy nằm xuống bên tôi
tôi đem lại từ biển cho em
làn ánh sáng tháo rời từ bọt biển,
niềm hăng say chứa đựng nơi những cạnh sườn.
 
 

XXVII

 
Trở lại với thân xác, lọt vào nó
không e dè xác thịt nổi loạn.
Không một cửa miệng nào lạnh lẽo,
ngay cả sau khi đã băng qua
 
mùa đông. Trên một cửa miệng khác,
một cửa miệng là bất tử: ấy kim cương
bừng cháy, ngôi sao mở ngỏ
khi ánh sáng đột nhập, tràn chiếm
 
những bờ vai, lồng ngực, bắp đùi, đôi mông, dương vật.
Tỉnh táo, tinh khiết hơn trong nhịp đập,
này đây chúng: ngời sáng,
cứng.
 
 

XXVIII

 
Không có cách nào khác để lại gần
miệng em: biết bao mặt trời, biết bao biển
bừng cháy để em không còn là tuyết:
thân xác
 
buông neo nơi mùa hè: chim biển
bao quanh khuôn mặt em
bằng đường bay: âm nhạc chưa hoàn tất
được những ngón tay giải thoát:
 
ánh sáng lan tràn trên lưng, trên hông,
còn dịu êm hơn nữa ở hốc trũng ngang thắt lưng:
để đưa em lên miệng tôi, biết bao là biển,
biết bao là con tầu, đã bừng cháy.
 
 

XXIX

 
Tôi những tưởng rằng mình sẽ không nói lại
về mùa hè ấy khi mặt trời lẩn khuất
giữa đám con trai
trần truồng và dòng nước vui tươi hạnh phúc.
 
Những hình ảnh không còn làm ta đau
– những tiếng cười, những cuộc chạy đua, màu trắng của hàm răng,
hay ngôi sao buổi sáng
bừng bừng ở ngay giữa xác thịt chúng ta –,
 
những hình ảnh ấy đã tới cùng với tuyết, thật họa hiếm,
ở vùng này,
và như bụi lại rơi xuống,
chúng ngồi bên ánh lửa, dã dượi.
 
Chúng ở lại đó, lắng nghe những gì gió
đem lại. Mãi cho tới lúc đêm buông.
 
 

XXX

 
Thiêu đốt mi là kỷ niệm của đêm có trước
lời nói, thiêu đốt mi là muối
của cửa miệng đã cắn vào mi,
trước khi đặt đôi môi.
 
Mi không còn không gian để chết
với buổi sáng, mi không còn gì hết nếu không phải là một cái hốc
để che giấu những giọt nước mắt mi,
một cành khô để xua đuổi ruồi muỗi.
 
Phận sự của tâm hồn là khiến quên đi điều đã biết.
Động vật là điều kỳ diệu,
không tưởng nhớ tới tình anh em
với ngôi sao buổi sáng.
 
Ngôi sao có lẽ đã tắt hay đang tàn tạ.
 
 

XXXI

 
Tôi không còn nhớ nữa, đã có nhửng con mèo,
với mặt trời trong đáy mắt,
ở đó vào lúc cuối ngày
ánh ngời màu vàng nghệ đã trở thành lạnh lẽo.
 
Tiếng nói nào đã cầm tay kéo tôi đi như thế?
Khu rừng nào vẫn còn chờ tôi?
Chiếc bóng đột ngột nào tới thiêu đốt
tâm hồn, dòng sông ẩn khuất?
 
Ánh sáng có mùi vị nào, cách thức nào
khi lọt qua khung cửa sổ.
Và khản đục, nỗi u sầu nào
là của con sáo xanh.
 
Mà khúc ca này lại chẳng phải là của nó đấy ư?
 
 

XXXII

 
Bóng tối, hãy đặt cho bóng tối
cùng một cái tên tôi đã đặt cho lửa.
Ở mãi nơi đi tới những kỷ niệm của tôi,
có một làn ánh sáng xoắn gút, của ảo giác,
 
làn ánh sáng rơi rơi, những trái cam biển.
Không khí chưa tràn ngập tiếng người:
nói năng cũng tựa nhớt dãi
của khoái lạc buồn bã nhất và đơn độc nhất.
 
Giữa người và thú, đứa trẻ thơ,
con quái vật nửa người nửa bò mộng.
Thân xác đã bị phản bội, sẽ không còn,
sẽ không bao giờ còn giống như trước nữa.
 
 

XXXIII

 
Màu sắc của những ngày này – xin hãy giúp tôi
tìm kiếm nó, đóa hoa trên những dòng nước của chúng,
ngôi sao huynh đệ hãy còn
lang thang
 
giữa những điều nhỏ nhặt, hết thảy
đều thuộc về thân xác, hết thảy đều thuộc về đất,
những điều trong sáng nhạt hồng,
những màu son của sương mai, buổi hừng đông
 
của tiếng cười trẻ thơ và của nước kiệu bầy ngựa,
những màu xanh lục đầu tiên, màu thiên thanh
gần như tro,
lớp tro trong sáng trên chóp đỉnh hàng bạch dương
 
 

XXXIV

 
Không, tôi không tìm lại được bức chân dung ấy.
Bức hình em nhìn nghiêng, một ánh sáng màu tro
rơi xuống từ đôi cánh tay em,
khói từ ngôi nhà kế cận
 
đang chầm chậm leo lên những bậc thềm chót
của mùa thu, một con chó con
nhảy nhót sau hàng giậu, chẳng mấy chốc
trời sẽ tối.
 
Bức hình em nhìn nghiêng, tay em đi kèm
trên lồng ngực đóa hồng tôi đã tặng em.
Hãy để lại nguyên thế, hãy để lại
bàn tay, đóa hồng nữa.
 
 

XXXV

 
Đôi khi ta trở về nhà kéo theo mùa thu
bằng một sợi dây,
lúc ấy ta thường ngủ ngon hơn,
cả đến yên lặng rốt cuộc cũng im tiếng.
 
Có lẽ trong đêm tối vang vang tiếng gà gáy
và một đứa trẻ leo lên cầu thang
với một bông cẩm trướng
và những tin tức về mẹ tôi.
 
Chưa bao giờ ta lại đắng cay đến thế, đột nhiên tôi bảo nó,
chưa bao giờ ánh sáng trong vùng bóng của ta
lại chết trẻ đến thế
và mờ đục đến thế.
 
Có thể nói là trời sắp tuyết.
 
 

XXXVI

 
Tháng Ba đã trở lại, cái
điên cuồng chát chúa của chim chóc
lại tới trước cửa nhà chúng ta,
không khí
 
bằng pha lê tan chảy ngay trên tim.
Cả đến những ngọn núi cũng ca hát:
có điều, không một ai trong chúng ta
nghe thấy, bởi lơ đãng
 
vì những vần đều đều buồn tẻ của gió
hay của những khách đường xa khác.
Các người biết chúng ta còn giữ
đôi chút thẹn thùng ra sao,
 
và dành cho thế giới
một sự rửng rưng thật to lớn, to lớn.
 
 

XXXVII

 
Không nguyên những ngôi nhà. Cả đến những lời nói
lúc này cũng cho thấy những lằn vết trên làn da.
Thứ ánh sáng nào là thứ không đáp trả
và chỉ trao nụ cười
 
cho mình gió? Nếu những lời nói ấy ca hát,
thời chúng ca hát ở đâu? Trong tim
một người bạn nào đó có còn chăng vết tích một ngọn lửa?
Làm sao hy vọng
 
rằng ngọn lửa ấy còn cháy? Lời thoáng nhẹ nhất
nói. Nhẹ nhàng
nó xua đuổi đêm tối. Trong lúc tuyết,
ôi tuyết, tuyết chờ trông.
 
 

XXXVIII

 
Đối với màu trắng của chim chóc lúc này đã quá trễ,
duy có cái chết là không chết về phía bên đây bức tường
duy có cái chết
là không đốt cháy những con tầu của nó.
 
Trên bầu trời rách nát một làn sáng nhợt nhạt,
bị thương tích, thoát ra,
hầu như không còn soi tỏ bàn tay lung lay,
rải mật lên mặt đất.
 
Nơi mép lề đêm tối
những lối mòn nới lỏng gút thắt,
và một tiếng nói trẻ thơ
đòi một sợi dây để cột lại im lặng.
 
Hay lời nói – chốn lãng quên.
 
 

XXXIX

 
Họ đã trở lại, và hâm nóng đôi tay
bằng tiếng xôn xao của cơn mưa.
Trên những vành môi còn trẻ
lại xuất hiện nụ cười từng lạc lối.
 
Sự thật là tôi chẳng bao giờ biết
cái tên của loài hoa nơi những ánh mắt nọ
nở ra ngay từ lúc hừng đông.
Lúc này muốn biết thì đã quá trễ.
 
Điều tôi biết, ấy là cả trong giấc ngủ
có một thứ xôn xao không ngủ,
một cách đậu lại của ánh sáng, vết tích
của một giọt nước mắt nóng bỏng.
 
Trời mưa là trời mưa trên thân xác tôi.
 
 

XL

 
Ánh sáng Toscane*
của cái chết lúc nào cũng thân thiết
với tôi ấy, không để lại cho người khác
việc gặt hái cái khoái cảm
 
của cỏ khô (không phải lúc nào cũng chín mùi),
trong lúc con sơn ca bay vút lên, và ở trên cao ấy,
nó hót hay bốc cháy và khiến say mê
ánh ngày còn lại
 
– tiếng xôn xao của muối, hương vị miền nam
nơi những trái chanh, tiếng láy ngân dài và mảnh lướt
có lẽ của ống tiêu – cái chết này của ánh dương,
là nỗi nhớ nhung luyến tiếc cuộc vui nào?
 
------------------------------------------
* miền tây-nam nước Ý. (người dịch)
 
 

XLI

 
Tôi không biết làm gì với đôi mắt, lời nói.
Lúc này, tôi còn lại trang giấy
vẫn trắng tinh của khúc nhạc dế
không sao chịu nổi.
 
Giữa đám lá ẩm ướt lúc hoàng hôn
tôi không biết mình đã quên bàn tay ở đâu.
Có lẽ là cùng với cơn mưa
nó đang đổ dốc với những tảng đá,
 
đang lặn lội trong bùn, vấp té
trong mù sương.
Chầm chậm bàn tay mất hút.
Mù lòa.
 
 

XLII

 
Em hãy lại gần, hãy ghé tai vào miệng tôi,
tôi sẽ nói với em một điều bí ẩn,
có một người cùng với đêm nằm
trên cát, phân cách với một người khác
 
bằng một tiếng kêu, không ai nghe thấy,
đã từ quá lâu mặt trời mục rữa.
Tôi không biết có phải là hắn chờ buổi sáng
để ra đi hay là hắn sẽ ở lại
 
với đám cỏ gai trên những đụn cát, đôi mắt đượm
ngu si và hiền từ,
hắn phơi mình như thế
cho vu khống, cho mọi ngọn gió.
 
Như thể ấy là một con chó, hay còn kém hơn nữa.
 
 

XLIII

 
Chúng ta không rõ mãi tới đâu phóng đãng, trò chơi
phù phiếm của nghệ thuật có thể lôi cuốn
bàn tay chúng ta: ấy trong giấc ngủ
trồi lên sự trong sáng
 
và những khung cửa sổ mở ra về hướng nam.
Không ai biết dùng làm gì
cái hiểu biết đã bao lần hình như
yêu mến điều trái ngược với sự sống: một thân xác
 
bắt đầu chết khi mùa hè vừa mới chấm dứt,
nhưng tiếp tục với những cơn tuyết đầu tiên.
Khác lạ là tiếng kêu la trong sa mạc,
khác lạ là đam mê:
 
giữa giấc ngủ và cơn sốt.
 
 

XLIV

 
Đằng sau bức tường này người ta nghe thấy biển.
Ấy tháng Một, tháng Một, ta thấy rõ
dấu vết nó trên từng vần.
 
Một người đàn ông và một con chó xuất hiện ở chân trời.
Họ bước tới trong buổi ngày tàn,
họ bước về phía biển.
Đằng sau bức tường này.
 
Đến từ quá xa là cơn thống khổ nọ, và lúc nào
cũng biển, ở phía bên kia.
Tháng Một đã có đó, ghi trong sương mù.
Người đàn ông và con chó bước vào trong đêm,
 
của bóng, của bóng tối.
 
 

XLV

 
Không có ai khi tháng Một bước vào.
Y tới như không có chuyện gì xảy ra.
Cánh cửa mở,
y bước vào gần như không chạm đất.
 
Y không nhìn ổ bánh, cũng chẳng nếm rượu nho.
Không tháo gỡ cái nút đui mù của lạnh lẽo.
Chỉ lần lữa trong ánh sáng của những bông hoa tím
mỉm nụ cười với đứa bé trong nhà.
 
Cái miệng này, ánh mắt này. Bàn tay
của không ai này. Y bỏ đi,
y có nét nhạc, sự nghiêm xác, niềm bí ẩn riêng.
Nhưng trước đó, y đã mơn man đất.
 
Như thể đất là mẹ y.
 
 

XLVI

 
Mùa đông, hai bàn tay không chịu nổi
mấy ngón tay chúng,
mấy vần tuyết*
ấy cái tên mà gió đem lại cho tôi.
 
Trên sa mạc của bức tường, trên sa mạc dốc đứng
và trắng, dấu vết một giọt nước mắt
hay một điều gì đó tương tự
nhỏ nhoi, mờ nhạt
 
Bàn tay viết lên đất:
không có nơi nào khác để chết,
ánh sáng
bị hái từng bông lại từng bông.
 
---------------------------------------------
* Nguyên tác: quatro sílabas de neve = bốn vần tuyết. (người dịch)
 
 

XLVII

 
Và bây giờ là bàn tay; bàn tay không biết bay;
cũng chẳng biết biến đổi
tảng đá thành nguồn suối; bàn tay
tràn ngập hư không.
 
Bàn tay của mơ hồ, của không ổn định, không chắc chắn;
chỉ biết tới sa mạc, sự trần trụi
của sa mạc;
căn nhà không có vách cũng chẳng có mái.
 
Bàn tay không biết mơ; mơ lời nói
thấm đượm, anh em;
mà không một bàn chân nào biết tới;
lời nói.
 
Chứ không phải cái không gì hếr này.
 
 

XLVIII

 
Đêm nay chứng điên dại của chức phận* tôi
biệt đãi lũ chim ưng;
tôi sắp chết; ngang tầm cửa miệng
biển rất có thể là nhà.
 
Buổi sáng sẽ trục xuất mặt trời khỏi tầm mắt;
tôi đã lên cao để nhìn tuyết,
để hái mùi hương xanh tươi
và trong suốt của không khí.
 
Mở mắt không ai có thể chịu đựng
sức nặng của cõi đời này;
cùng với đêm bầy ngựa đã ra đi,
chúng ra đi để khỏi chết.
 
-------------------------------------------
* Nguyên tác: a loucura do meu ofício; 'chức phận' ở đây có lẽ ám chỉ “nghề” thi sĩ của tác giả. (người dịch)
 
 

XLIX

 
Những ngôi nhà chìm dần vào nước,
cánh cửa ở sân trong mở ra
sao mai, những khóm sơn-tra
đương hoa,
 
nơi những khung cửa sổ chỉ có sự lấp lánh
lúc nào cũng trẻ trung của biển xưa,
biển vẫn còn nhớ
kẻ lang bạt nhất trong hét thảy các thủy thủ này
 
những người đã bỏ mất phương hướng và lý trí
khi nhìn ngắm ánh sao
mai:
chỉ trong cái chết chúng ta mới không phải là xa lạ.
 

L

 
Tôi hài lòng, tôi không mắc nợ gì cuộc sống,
và cuộc sống cũng chẳng thiếu nợ tôi
cả đến mấy xu ten.*
Chúng tôi đã sạch nợ, và như thế
 
kể từ nay thân xác có thể nghỉ ngơi: ngày
lại ngày nó đã cày xới, gieo hạt, gặt hái
hay thu lượm, và còn
lãng phí đôi điều, tội nghiệp,
 
con thú cực kỳ tội nghiệp
với những «ngọc hoàn» nay đã nghỉ hưu.
Một ngày kia tôi sẽ đi ngả mình
dưới cây vả, cái cây
 
mà thủa xưa tôi đã thấy thật khùng điên và cô độc
tôi thuộc về cùng một dòng giống ấy.
 
-------------------------------------------
* Nguyên tác: dez reis de mel coado = mười xu mật đặc hay mật đúc. (người dịch)
 
 
----------------------------
Ghi chú của người dịch:
«Eugénio de Andrade sinh ngày 19.1.1923 tại Póvoa da Atalaia, trong vùng Beira Baixa (Bồ-đào-nha). Năm lên 10 tới Lisboa để theo học. Ở đây, nhờ tình thân và những chỉ dẫn của António Botto, ông khám phá các tác phẩm của Fernando Pessoa và đã cặm cụi sao chép lại trên những tập vở học trò, tại Thư viện Quốc gia: Bài ca biểnBài ca toàn thắng của Álvaro de Campos, những bài Ca thi của Ricardo Reis cũng như bài thơ số VIII trong tập Người chăn giữ đàn thú của Alberto Caeiro *. Tiếp theo là một vài ấn phẩm, bị chối bỏ sau đó, nhưng chính là với thi tập As mãos e os frutos (1948), và những tác phẩm kế tiếp cho tới ngày nay, ông được nhìn nhận như một trong những nhà thơ quan trọng nhất và có bút pháp độc sáng nhất của thời hậu chiến ở Bồ-đào-nha. Từ 1950 ông sống tại Porto.» (Trích «Lời nói đầu» của Michel Chandeigne trong Matière solaire).
 
Eugénio de Andrade, tên thực là José Fortinhas, một người “đồng tính” không giấu giếm. Ông nổi danh như một nhà thơ lớn của Bồ-đào-nha, đã vượt ra ngoài “quỹ đạo” của Fernando Pessoa.
 
Branco no Branco (Trắng trên Trắng), dịch trọn vẹn ở đây, gồm 50 bài thơ của Eugénio de Andrade. Bản dịch tiếng Việt dựa theo bản Pháp văn của Michel Chandeigne, ấn bản đầu tiên («Littérature», La Différence, Paris, 1988, sách song ngữ); có coi lại bản in năm 2004 và hiệu đính. Một ghi chú của bản Pháp văn cho biết: tựa đề tập thơ của Eugénio de Andrade dựa theo (nhà thơ Nhật bản) Bashô, qua bản dịch Tây-ban-ngữ của nhà thơ Octavio Paz (Narciso y biambo/ uno al otro ilumina,/ blanco en lo blanco). [Dịch sát: (...) trắng nơi màu trắng.] Ở Pháp, tập thơ này đã được tặng «Giải thi ca Jean Malrieu (dành cho thơ) nước ngoài», 1989.
 
Hiện đã có bốn tập thơ của Eugénio de Andrade được dịch ra tiếng Việt: Chất liệu mặt trời; Sức nặng của bóng tối; Trắng trên trắng;Muối của ngôn ngữ. Lần này, với Trắng trên trắng, tôi xin gửi tới độc giả Tiền Vệ một trong ba “đỉnh cao” của thơ Eugénio de Andrade, với hy vọng sẽ có dịp cống hiến quý bạn thêm nhiều thi phẩm khác của tác giả. Sau hết, các chữ “em” tôi dùng trong bàn dịch, xin bạn đọc vui lòng hiểu “trong cảnh vực đồng tính”.
 
----------------------
* Alberto Caeiro, Álvaro de Campos, và Ricardo Reis... là những «dị danh» của Fernando Pessoa, nhà thơ Bồ-đào-nha. Xin xem Fernando Pessoa trên Tiền Vệ.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021