thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mười bảy bài thơ
(Diễm Châu dịch)
 
TRÊN BỨC TƯỜNG CỦA MỘT TRẠI KZ *
 
Nơi các người ngã xuống. các người ở lại.
Trong toàn vũ trụ, đây là chỗ của các người.
Duy một chỗ này.
Nhưng các người đã biến nó thành của các người trọn vẹn.
 
Miền quê trốn tránh các người.
Nhà cửa, nơi xay lúa, cây bạch dương,
hết thảy ra sức rũ sạch các người
như thể đang chuyển thành hư không.
 
Nhưng lúc này chính các người lại ở lại.
Chúng ta đã làm lòa mắt các người ư? Các người tiếp tục trông chừng chúng ta.
Chúng ta đã “trấn lột” các người ư? Các người đã thêm giàu có.
Không lời, không lời, các người làm chứng nghịch lại chúng ta.
 
---------------------------------------
*trại tập trung của Đức quốc xã.
(ghi chú của dịch giả)
 
 
KHỔ NẠN Ở RAVENSBRÜCK
 
Anh ta bước ra khỏi những người khác.
Anh ta đứng trong im lặng tuyệt đối.
Bộ áo nhà tù, sọ người tù
loé lên như đèn rọi.
 
Anh ta đơn độc khủng khiếp.
Thấy được lỗ chân lông.
Mọi sự về anh ta thật quá lớn,
mọi sự thật quá nhỏ.
 
Tất cả chỉ có thế.
                    những gì còn lại –
những gì còn lại chỉ là
anh ta đã quên thét lên
trước khi gục xuống.
 
 
BIỂN
 
Biển mẹ đã nói khi hấp hối,
và từ đấy chữ duy nhất này của mẹ
đối với con có nghĩa là biển,
và có lẽ cũng là những gì là mẹ.
 
Và có lẽ cũng là những gì là con?
Những ngọn sóng và hốc trũng của sóng.
Cơn hấp hối của mẹ tựa như biển
đã giải thoát con và chôn vùi con.
 
Mẹ, mẹ. Những ngày bình thường.
Con nghe cái chết của mẹ và con gọi mẹ.
Những ngày bình thường khủng khiếp.
Tọi nghiệp, tội nghiệp, tội nghiệp, tội nghiệp.
 
 
TÔI SẼ NHÌN
 
Tôi sẽ nhìn nước chảy,
những con đường dịu dàng và ngập ngừng,
lối viết chung cho may rủi và đớn đau
nét vẽ lê thê của chúng – trên những tảng đá chết
trên những khuôn mặt còn sống –
 
tôi nhìn chúng trước khi
tôi xứng với lãng quên.
 
 
STAVROGUINE* CÁO TỪ
 
«Chán quá. Làm ơn cho tôi xin cái áo khoác.
Thưa các ông, trước khi hành động,
xin các ông hãy nghĩ tới vườn hồng,
hay đúng hơn chỉ một cây hoa hồng,
chỉ một bông hồng, chào các ông.»
 
-----------------------------------------------------------------------
* Nhân vật trong truyện "Những người bị quỷ ám" của (Fedor Mikhailovitch) Dostoievski (1821-1881).
(ghi chú của dịch giả)
 
 
CHÂU BÁU
 
Trong một tấm gương hình bầu dục nghệ thuật tuyệt vời
một con sơn dương soi mình.
Trên cổ nó: một hạt châu.
 
Chúng ta nói rằng nó đẹp tựa như một tấm thảm.
Chúng ta nói với nó: mi, mi chỉ tự ngắm,
còn chúng ta, chúng ta sinh con đẻ cái, chúng ta ra đời, chúng ta chết đi.
 
Chúng ta thì thào những điều tương tự
vào tai con sơn dưong đang sống trong điên cuồng.
 
 
BÀI THƠ
 
Đất không phải đất.
Số không phải số.
Chữ không phải chữ.
Câu không phải câu.
 
Chúa là Chúa.
Hoa là hoa.
Mụt nhọt là mụt nhọt.
Mùa Đông là mùa Đông.
Trại tập trung là vùng đất
có rào quanh, hình thể không nhất định.
 
 
STAVROGUINE TRỞ LẠI
 
«Các ông đã không nghĩ tới vườn hồng,
và các ông đã phạm vào điều chẳng nên.
Kể từ nay các ông sẽ bị theo đuổi
và đơn độc, như một kẻ săn bắt bướm.
Hết thảy các ông rốt cuộc sẽ bị lồng kính.
 
Bị lồng kính, bị ghim lại,
sáng lên cả bầy đoàn bướm.
Chính các ông là những kẻ sáng lên đó, thưa các ông.
 
Tôi sợ. Làm ơn cho tôi xin cái áo khoác. »
 
 
TÔN VINH ISAAC NEWTON
 
Chúng tôi làm điều chúng tôi không làm,
và chúng tôi không làm điều chúng tôi làm.
Ở đâu đó im lặng khủng khiếp.
Hướng về đó chúng tôi xoay quanh.
 
 
CHÂN DUNG TỰ HỌA 1974
 
                  tặng Endre Illés
 
Chiếc áo sơ-mi của tôi, chiếc áo của một anh đồ tể,
trắng và được là ủi thẳng thớm,
đầu tôi, đầu một đứa bé trai
đã có cả ngàn năm và lặng lẽ.
 
 
SUY NHƯỢC
 
Tôi nhìn bức ảnh chụp mẹ tôi trên tường
và cả đến ánh mắt mẹ ngày xưa được yêu mến đến thế
lúc này cũng cứng đơ,
cứng hơn một viên sỏi.
Và tệ hơn nữa
cũng hoàn toàn rửng rưng như ánh mắt tôi
đang nhìn ánh mắt mẹ trước mặt.
 
 
CÁNH TAY VÀ CỔ
 
Mẹ đã sinh ra con và mẹ đã giết con.
Với hai cánh tay sắt con ôm ghì lấy mẹ và bấu víu,
nhưng không một sức mạnh nào có thể gắn liền được
cánh tay con và cổ mẹ.
 
Mẹ, người ta sẽ tách rời chúng ta, mẹ-con,
khỏi một cử chỉ như thế
nó khiến chúng ta gây tai tiếng. Con cánh tay,
mẹ cái cổ.
 
 
GIẢI PHÓNG
 
Trước nhất là những gì có trong tủ.
Thứ nhì là những gì có trên giường trên kệ.
Và hắn còn đưa mắt xuống gậm giường, 
rồi tựa mình vào vách, đặt cái ba-lô trước mặt.
 
Hắn thong thả tính lại
những gì hắn đã quên.
Một vài cái tát tai.
Bữa cơm trưa lạnh ngắt.
Nơi giặt giũ.
Một bàn tay bị cột chặt trên cái vòng sắt.
 
Hắn nghĩ tới một vòng ôm siết dịu êm,
và man rợ, cái ba-lô
đã tàn sát hắn.
 
 
«PILINSZKY-CA KHÚC»
 
(Bốn bài thơ ngắn sau đây của Pilinszky đã được Kurtág Györgynek chuyển thành các ca khúc:)
 
Rượu
 
Tôi khai triển điều không thể được,
ở đấy xuất hiện một ngôi nhà, một bụi cây,
môt con thú câm, câm và
một ống quần trong màu xám.
 
 
Tưởng niệm F.M. Dostoievski
 
Cúi xuống. (Y cúi xuống sát đất.)
Đứng lên. (Y đứng dậy.)
Cởi áo sơ-mi, cởi quần cụt ra
(Y cởi cả hai.)
Nhìn tới trước.
(Y xoay người. Nhìn tới trước mặt.)
Mặc quần áo lại.
(Y mặc quần áo lại.)
 
 
Hölderlin
 
                  (tặng Kurtág Györgynek)
 
Viêm nhiệt vào tháng Chạp, mưa đá
giữa mùa hè,
con chim cột trên một sợi dây thép,
còn gì ta chưa từng là? Ta sung sướng
được chết.
 
 
Trận đòn
 
Lúc này là chịu được.
Lúc này tôi nghĩ tới chuyện khác.
Lúc này chẳng có gì hết.
Lúc này thời có tôi.
Lúc này mọi sự hiện hữu.
Lúc này là không thể chịu được.
Nhưng lúc này, lúc này và một mình,
ở đây và lúc này, dứt khoát một mình
chỉ có anh và tôi.
 
-------------------------
Ghi chú của dịch giả:
PILINSZKY JÁNOS (1921-1981) là một trong ba «khuôn mặt lớn» của thơ Hung-ga-ry thời kỳ ngay sau chiến tranh; hai người kia là Weöres Sándor (1913-1989), và Nemes Nagy Ágnes (1922-1991). Thứ tự họ, tên trong tiếng Hung hệt như trong tiếng Việt: họ đi trước, tên riêng đi sau. Bởi thế Pilinszky là tên họ, János là tên riêng của ông. Pilinszky sinh tại Budapest ngày 27 tháng Mười Một 1921. Ông học luật, văn chương Hung-ga-ry và lịch sử nghệ thuật tại đại học Eötvös Loránd ở thủ đô Hung, nhưng không bao giờ hoàn tất... các môn học. Từ 1938, những bài thơ đầu tiên của ông xuất hiện trên các báo văn nghệ khác nhau. Năm 1944 ông đi lính và bị bắt làm tù binh ở Đức. Hai năm sau, Pilinszky trở thành người đồng-biên tập của tờ tạp chí thời danh Újhold (Trăng mới, 1946-1948). Năm 1946, ông cho xuất bản tập thơ Cái đu bay và đòn ngang đôi. Năm 1947, ông nhận được giải thưởng Baumgarten và học bổng ở Roma (1947-1948). Thế là từ 1946, Pilinszky đã có “tên tuổi” nhưng từ đấy... phải đợi mãi tới 1959, mới có một tâp thơ khác của ông được xuất bản: tập Ngày thứ ba. Người ta giải thích: sở dĩ có khoảng “bóng tối và im lặng” khá dài này là do chế độ đương quyền lúc ấy đã muốn thế. Nhưng đã là người thời “không ai lại nắm tay từ sáng đến tối”: tròng áp chế cũng nới dần. Và sau đó, còn có thêm ba tập thơ nữa của Pilinszky ra đời, chưa kể một tập chuyện bằng thơ và nhiều kịch bản... là vì Pilinszky còn là một kịch tác gia có biệt tài. Toàn bộ thơ của Pilinszky được xuất bản vào năm 1976. Pilinszky cũng được tặng thêm hai giải thưởng văn chương: giải József Attila (1971) và giải Kossuth (1980). Ông mất tại Budapest ngày 27. 5. 1981 vì một cơn đau tim. Pilinszky toàn tập xuất hiện vào năm 1984.
 
Các bài trên trích dịch từ bản Pháp văn của Lorand Gaspar và Sarah Clair, bản Anh văn của János Csokits và Ted Hughes.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021