thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Người sẽ làm cha

 

Bản dịch Hoàng Ngọc Nguyên

 

SAUL BELLOW

(1915-2005)

 
Trong số những người Mỹ được giải Nobel Văn chương trong mấy chục năm gần đây, có lẽ chỉ có Saul Bellow (Nobel 1976) và bà Toni Morrison (Nobel 1993) vừa là “Mỹ” nhất và vừa viết về những chuyên liên quan đến xã hội Mỹ. Czeslaw Milosz (1911-2004), giải Nobel năm 1980, là người Ba Lan gốc Lithuania, đến năm 1960 mới trốn thoát khỏi chế độ Cộng Sản và di cư qua Mỹ và năm 1970 thi quốc tịch. Ông là một giáo sư đại học ở Berkeley, California. Isaac Bashevis Singer (1902-1991), giải Nobel 1978, là người Ba Lan, gốc Do Thái, năm 1935 cũng trốn thoát khỏi chế độ phát xít Đức và di cư qua Mỹ. Bà Morrison là người Mỹ gốc châu Phi, sinh ra và lớn lên ở Ohio, bắt đầu nổi tiếng trong lĩnh vực truyện thiếu nhi, nhưng càng ngày bà càng thành công hơn nữa khi nhìn đến những vấn đề gia đình, xã hội, văn hóa của người da đen tại Mỹ một cách dễ dàng, thoải mái. Bà cũng là một giáo sư đại học ở Howard University.
 
Saul Bellow là người Nga gốc Do Thái, cha mẹ ông từ St. Petersburg di cư đến Canada từ đầu thế kỷ thứ 20, và ông sinh ra vào năm 1913 tại Lachine, Quebec. Khi ông được 9 tuổi, gia đình lại di cư qua Chicago, sống trong một xóm lao động nghèo. Vào những năm 30, Chicago là quê hương của những người dân lao động khuynh tả và than cộng. Chính Saul Bellow từng là một phần tử Trotskyist. Ông đi sát với những người nghèo khổ ở giai cấp dưới của xã hội, nhất là những thành phần di dân mới. Tuy nhiên, cũng vào thời đó, những người cộng sản Mỹ Stalinist lại mạnh hơn, cho nên cuối cùng thì Saul Bellow chẳng là Trotskyist mà cũng chẳng Stalinist. Chicago là xã hội ruột thịt của ông. Cho nên, nó là nguồn cảm hứng cho biết bao tác phẩm ông viết về sau này.
 
Ông là một giáo sư đại học về tâm lý xã hội. Từ thuở còn đi học, ông đã có tiếng là ham sách vở, chữ nghĩa và chìm đắm trong những lý thuyết về sự tương tác giữa con người và xã hội. Năm 1962, ông được bổ nhiệm làm giáo sư ở Ủy ban Tư tưởng Xã hội ở Đại học Chicago. Một thành phố khác ông ưa thích là New York, một nơi theo ông “giống như Chicago, tiêu biểu cho một nước Mỹ vừa thấp kém vừa thiết thực”. Con người trong tác phẩm của ông là những con người bình thường trong xã hội, những người ta dễ gặp trên đường phố New York hay Chicago. Nhưng bởi vì ông nặng về tư tưởng, lý thuyết, cho nên những nhân vật của ông thường chĩu nặng những ưu tư về tương quan của mình trong xã hội. Những con người sống không dễ dàng dù đời sống nhìn có vẻ dễ dàng bởi vì người ta suy nghĩ nhiều quá không phải cho thân phận mà cho cuộc sống mỗi ngày một tới. Những tác phẩm của ông thường đi vào sự cô lập của con người trong cuộc sống, sự tan rã trong tinh thần, và những khả năng của sự thức tỉnh của con người. Phong cách của ông cho thấy một xã hội hỗn hợp của hai mức độ văn hóa cao và thấp trên nước Mỹ, và những nhân vật tiểu thuyết của ông cũng là một sự hỗn hợp những người vừa mơ mộng trong trí tuệ nhưng cũng tính toán, khôn ngoan trong cuộc sống phải biết tính toán ở nước Mỹ.
 
Hoàng Ngọc Nguyên

 

“Con người trong tác phẩm của ông là những con người bình thường trong
xã hội, những người ta dễ gặp trên đường phố New York hay Chicago...”

 

 

NGƯỜI SẼ LÀM CHA

 

Những ý niệm lạ lùng nhất có một cách chen vào đầu của Rogin. Mới ba mươi mốt tuổi và trông cũng dễ nhìn, tóc đen cắt ngắn, mắt nhỏ, nhưng trán cao và rộng, anh là một cán sự kỹ thuật trong ngành hóa, đầu óc của anh nói chung là nghiêm chỉnh và đáng tin cậy. Nhưng vào buổi chiều chủ nhật tuyết rơi, người đàn ông lùn và mập này, mặc một áo khoác Burberry gài nút đến tận cằm và bước đi với vẻ khá kỳ quặc – chân đi chữ bát - về phía bến xe điện ngầm, anh rơi vào môt trạng thái kỳ lạ.

Anh đang trên đường đến nhà hôn thê của anh để ăn tối. Hồi nãy, nàng đã gọi điện thoại cho anh và nói:

- Trên đường anh nên ghé mua một ít thứ cho em nhé.

- Mình cần gì em?

- Một là thịt bò tươi, Em đã mua được một phần tư pound (khoảng 100 gram) khi ở nhà cô em về.

Rogin bực bội hỏi:

- Tại sao chỉ có một phần tư pound, Joan? Như thế chỉ vừa đủ cho một cái sandwich thôi.

- Vì thế mà anh phải ghé một tiệm bán thức ăn. Em hết sạch tiền rồi.

Anh định hỏi: “Như thế ba mươi đồng anh đưa cho em hôm thứ tư đâu hết rồi,” nhưng anh thấy hỏi như thế chẳng nên. Joan nói:

- Em phải đưa tiền cho Phyllis để trả cho bà giúp việc.

Phyllis người bà con của Joan là một phụ nữ trẻ ly dị chồng, có tiền có của. Hai người chung nhau một apartment. Anh hỏi tiếp:

- Thịt bò mỡ. Còn cần gì nữa không?

- Dầu gội đầu, cưng. Mình hết dầu gội đầu rồi. Và anh nhanh lên nhé. Em nhớ anh suốt ngày hôm nay.

Rogin đáp lại: “Anh cũng nhớ em,” nhưng thật ra anh bao giờ cũng quá lo nghĩ nhiều hơn là nhung nhớ. Anh có một em trai, anh phải giúp nó học hết đại học. Mẹ của anh, tiền hưu bổng trả theo niên hạn thực ra cũng không đủ cho bà vào thời buổi lạm phát và sưu cao thuế nặng này, nên bà cũng cần tiền. Joan cũng mang nợ nần mà anh phải giúp, bởi vì nàng không đi làm. Nàng đang cố kiếm một việc làm thích hợp. Đẹp, có học, thượng lưu trong cách cư xử, nàng chẳng hợp cho việc đứng bán hàng ở những tiệm tạp hóa rẻ tiền, cũng không thề làm người mẫu trang phục (Rogin nghĩ rằng công việc này làm cho các cô gái trông nhạt nhẽo và cứng nhắc, và anh dĩ nhiên không muốn nàng như thế); nàng cũng không thể làm việc chạy bàn hay thu ngân. Nàng có thể làm được việc gì nhỉ? Ừ, thế nào cũng sẽ tìm ra việc, và trong khi nàng đang kiếm việc thì Rogin rất ngại việc than phiền. Anh trả mọi hóa đơn cho nàng – tiền chỉnh răng, tiền mua hàng ở các cửa tiệm, tiền chỉnh xương, tiền đi bác sĩ, tiền đi khám bác sĩ tâm lý. Vào dịp Giáng Sinh, nàng làm Rogin muốn phát khùng. Joan mua cho anh một chiếc áo khoác nhung có loại nút bấm đắt tiền, một cái tẩu hút thuốc rất đẹp, và một cái bao da đựng thuốc. Nàng tặng cho Phyllis một cái kẹp, một cái dù bằng vải lụa kiểu Ý, và một hộp đựng thuốc điếu vàng. Cho bạn bè khác, nàng mua dụng cụ bếp núc làm bằng đồng cứng của Hòa Lan và những bộ ly tách Thụy Điển. Chưa mua hết mà nàng đã tiêu hết 500 đồng của Rogin. Anh yêu nàng đến mức không muốn để cho nàng thấy anh xót của. Anh tin rằng nàng có bản chất tốt hơn anh nhiều. Nàng chẳng lo lắng gì về chuyện tiền bạc. Nàng có những tính tuyệt diệu, bao giờ cũng vui vẻ, và thực ra nàng chẳng cần đi gặp bác sĩ tâm lý làm gì. Nàng đi là vì Phyliis đi, nàng tò mò cũng đi theo chơi. Cô đã cố gắng rất nhiều để theo kịp với người chị em bà con này, cô này có cha làm ra bạc triệu trong nghề buôn bán thảm.

Trong khi người đàn bà làm việc ở tiệm bán thuốc gói chai dầu gội đầu, trong đầu của Rogin chợt lóe ra một ý nghĩ rõ ràng ; Tiền bạc bao quanh ta trong cuộc sống nhu đất đối với cái chết. Xếp chồng lên nhau là qui luật của muôn đời. Ai thoát được? Không ai thoát được cả. Ai lại không có gánh nặng? Ai ai cũng phải chịu sức ép. Chính những tảng đá, những nguồn nước của đất, những loài thú, người lớn, trẻ em – ai ai cũng phải mang một gánh nặng trong đời. Ý kiến này lúc ban đầu thật rõ ràng đối với anh. Chẳng bao lâu sau đó, nó lại trở nên phần nào mơ hồ, nhưng dù sao nó cũng có những hiệu quả phi thường, như thể có ai đó đã cho anh một món quà có ý nghĩa (Chẳng giống như cái áo nhung mà anh không thể thấy thích hợp, hay cái tẩu làm cho anh bị sặc). Cái ý niệm tất cả đều chịu áp lực và hành hạ, thay vì làm cho anh buồn, lại tạo ra một hiệu quả trái ngược. Anh cảm thấy phấn chấn. Thật lạ thường anh trở nên vui sướng đến thế và thêm vào đó là thấy được sự việc tường tận đến thế. Đôi mắt của anh tức thì rộng mở trước cảnh tượng chung quanh. Anh hân hoan nhìn thấy người dược tá và người đàn bà đang gói chai dầu gội đầu cho anh đang nói cười với nhau, những nếp ưu phiền đã trở thành những nếp vui tươi trên mặt và cục kẹo nhai trong miệng của người dược tá không gây trở ngại cho việc ông đùa giỡn và thân thiện. Và trong tiệm bán thức ăn cũng thế, thật là điều lạ lùng Rogin đã ghi nhận được biết bao nhiêu tâm cảm và niềm hạnh phúc lớn lao mà anh chợt càm thấy chỉ vì anh có mặt nơi đó.

Những tiệm bán thức ăn vào những tối chủ nhật, khi tất cả những cửa hàng khác đã đóng cửa, sẽ không ngại gì bán giá cắt cổ, và bình thường Rogin rất cảnh giác, nhưng đêm nay anh không như thế, hay khó mà như thế. Những mùi cải ngâm muối, thịt dồi, mù-tac, và cá khói làm cho anh cực kỳ thích thú. Anh cảm thấy thương những người phải mua gà trộn rau cải và cá hồi chặt khúc; họ có thể phải làm thế chỉ vì tầm nhìn của họ quá lờ mờ cho nên không thấy được họ đang lấy cái gì – gà với cả một lớp mỡ đóng bên trên rắc đầy tiêu,con cá nhầy nhụa trông phát ngấy, bánh mì nhạt nhẽo tẩm cả vị dấm chua. Ai là người phải mua những thứ đó? Những người dậy muộn, người sống một mình, người thức dậy xế trưa thì trời đã chạng vạng, thấy tủ lạnh của mình trống không, hay những người chỉ hướng tầm nhìn vào bên trong. Thịt bò trông không tệ, cho nên Rogin mua đến một pound.

Trong khi người bán hàng cắt thịt, ông ta la một đứa trẻ người Puerto Rico đang với lấy một túi bánh sô-cô-la. “Ê, bộ mày muốn tao trút cả lên người mày hả. Thằng cu này, chờ một tí”. Dù ông ta trông giống như một tên đồng đảng của Pancho Villa, thứ tướng cướp đổ nước đường lên người kẻ thù và cột người ta vào những ổ kiến lửa, một nguời có đôi mắt cú vọ như mắt con nhái và bàn tay mập mạp trời cho để đeo súng quanh hông, ông chủ quán này không tệ lắm. Rogin nghĩ ông ta là người New York – chính anh cũng là người Albany – một người New York ngày càng dày dạn nhờ những bầm dập của thành phố, một người được đào tạo để biết nghi ngờ tất cả mọi người. Nhưng trong lãnh địa của mình, trên mặt bàn nằm sau cái quầy, còn có công lý. Ngay cả sự khoan hồng.

Đứa bé Puerto Rican trang phục toàn diện như một gã cao bồi – một cái mũ xanh vành rộng, súng, miếng da bò che ở dầu gối, mấu sắt ở gót chân, giày cao cổ, tay đeo găng – nhưng nó chẳng nói được tiếng Anh. Rogin mở cái bao giấy đựng bánh hình tròn và đưa cái bao cho thằng bé. Đứa bé dùng răng gỡ sợi dây cellophane ở bao và bắt đầu nhai một cái bánh sô-cô-la tròn khô. Rogin nhận ra tâm trạng cua mình – chìm đắm trong một giac mo về thời thơ ấu. Thuở xưa, anh cũng ăn mấy cái bánh khô khan này một cách ngon lành. Bây giờ mà anh phải ăn thứ bánh này thì thật là điều đau khổ.

Joan cũng muốn mua gì nữa đây? Rogin vui vẻ cố nghĩ ra. Dâu chăng? “Cho tôi một ít dâu đông lạnh. Không, trái dâu đen đi, cô ấy thích thứ này hơn. Và kem đặc. Vài ổ bánh mì, kem phó-mát, và một vài cái quả dưa gì giống như cao su đó!”

- Cao su gì?

- Thứ màu xanh đậm, có mắt. Có lẽ tôi cững lấy kem luôn”.

Anh cố nghĩ ra một lời khen, một sự so sánh, một cử chỉ ấu yếm, dành cho Joan khi nàng mở cửa cho anh. Vẻ mạt của nàng sẽ như thế nào? Thực sự không gì có thể so sánh được với khuôn mặt của nàng: yêu kiều, nhỏ nhắn, liều lĩnh, cân đối, e thẹn, dày dạn, dễ yêu. Nàng khó tính làm sao, mà cũng đẹp làm sao.

Khi Rogin bước xuống khoảng bên dưới ga xe điện ngầm, lạc vào không khí bít bùng với các mùi kim loại, mùi hôi, mùi đá lạnh lẽo, anh chợt chú ý nghe một lời thú nhận khá bất thường của một người nào đó với bạn của mình. Có hai người đàn ông to lớn, anh chẳng thấy rõ hình dáng của họ vì người ta mặc áo quần mùa lạnh dềnh dàng, dày cộm, như thể áo khoác của họ phủ bên ngoài một lớp áo giáp. Một người hỏi người kia:

- Thế anh biết tôi bao lâu rồi nhỉ?

- Mười hai năm.

- Này, tôi có điều này phải thú nhận. Tôi đã quyết định là có lẽ tôi cũng thế đấy. Mấy năm qua tôi uống nhiều quá. Anh không biết đâu. Đúng là con sâu rượu.

Nhưng người bạn không ngạc nhiên. Ông ta trả lời ngay:

- Tôi biết chứ.

- Anh biết thật ư. Có thể nào? Tại sao anh lại biết?

Rogin nghĩ sao vậy nhỉ, như thể đó là một bí mật. Nhìn cái mặt dài, khắc khổ, như rửa bằng rượu, cái mũi bị hủy hoại vì rượu, da ở lỗ tai như da con gà tây, và đôi mắt ngơ ngẩn như vì thiếu rượu.

- Đúng, tôi biết thật đấy.

- Anh không thể biết đâu. Tôi không tin.

Ông này bối rối, nhưng người bạn có vẻ không muốn làm dịu lòng ông. Ông nói:

- Nhưng bây giờ thì tốt rồi. Tôi đã đi bác sĩ và đã dùng thuốc, một loại thuốc mới có tính cách mạng của người Đan Mạch. Đúng là phép lạ. Tôi bắt đầu tin người ta có thể chữa trị bất cứ bệnh gì và bất cứ việc gì. Ta không thể hơn được người Đan Mạch về khoa học. Họ làm được tất cả mọi chuyện. Họ còn làm cho đàn ông thành đàn bà.

- Nhưng anh không bỏ rượu theo cách đó chứ?

- Không. Tôi hy vọng không phải như thế. Chỉ giống như uống aspirin thôi. Đúng là aspirin siêu hạng. Người ta nói đó là aspirin của tương lai. Nhưng nếu dùng nó thì phải bỏ rượu.

Cái đầu minh mẫn của Rogin đang suy nghĩ mông lung trong khi người trong xe điện cứ đổ lui đổ tới như những đợt song, các toa xe nối với nhau và trong suốt như fish bladders chạy vùn vụt dưới phố: Làm sao anh lại nghĩ chẳng có ai biết điều mà mọi người không thể không biết. Và, là một nhà hóa học, anh tự hỏi cái hợp chất gì đây trong thứ thuốc mới này của người Đan Mạch, và anh bắ t đầu nghĩ đến những sáng chế của chính mình, những albumen nhân tạo, một điếu thuốc tự đốt cháy, một loại dầu chạy máy rẻ hơn. Nhưng trời ơi, anh vẫn cần tiền. Chưa bao giờ anh thấy túng quẫn như hiện nay. Bây giờ phải làm gì đây. Mẹ của anh càng lúc càng chật vật. Vào đêm chủ nhật bà đã quên cắt phần thịt cho anh, anh thực sự cảm thấy buồn lòng. Bà ngồi ở bàn không nhúc nhích, mặt dài ra, chịu đựng, nghiêm nghị, và để cho anh tự cắt miếng thịt phần mình, một điều bà thường làm cho anh. Bà đã luôn luôn nuông chiếu anh đến độ em anh phải ganh tị. Nhưng nay thì bà mong đợi gì đây. Chúa ơi, anh phải trả như thế nào đây, và anh chưa hề nghĩ những việc như thế này lại có giá phải trả.

Nay anh đã ngồi yên, cũng là một hành khách như mọi người, Rogin trở lại bình thản, vui vẻ, ngay cả với não trạng sáng lán. Nghĩ đến tiền là phải nghĩ như cách người ta muốn anh suy nghĩ; và như thế anh sẽ không bao giờ làm chủ được chính mình. Khi người ta nói rằng họ không làm việc gì đó vì tình hay vì tiền, họ muốn nói tình yêu và tiền bạc là hai mối đam mê đối nghịch và cái này thù nghịch cái kia. Anh lại tiếp tục suy nghĩ và thấy người ta chẳng nhận thức được điều này bao nhiêu, họ đã ngủ trong cuộc sống, ánh sáng từ vùng sáng của ý thức chiếu ra quá yếu ớt. Cái mặt sạch sẽ, lỗ mũi nở ra của Rogin sáng lên trong khi con tim của anh rộn rã nỗi mừng vui trước những ý nghĩ sâu sắc hơn về sự hời hợt của con người. Ta có thể xem người say sưa này là một thí dụ, trong bao nhiêu năm ông ta cứ nghĩ là người bạn thân nhất không bao giờ biết ông ta uống rượu. Rogin nhìn xuôi ngược trên lối đi để tìm xem còn hình ảnh của người hiệp sĩ này không, nhưng ông ta đã đi rồi.

Tuy nhiên, anh chẳng thiếu mục tiêu để ngắm nhìn. Có một cô gái có một cái bao tay mới màu trắng; khâu gắn vào cái bao tay này là đầu của một con búp bê, cô bé trông sung sướng và thích thú, trong khi người đàn ông già đi với cô, thấp và mập, dáng nghiêm nghị, có một chiếc mũi lớn và rộng, nhấc cô bé lên và đặt cô ngồi ngay ngắn trong ghế, như thể ông đang muốn biến cô thành một thứ gì khác. Rồi một đứa bé khác nữa được mẹ nó dắt lên xe, đứa bé này cũng mang đúng bao tay có mặt con búp bê và điều này làm cho cha mẹ của hai đứa trể rất bực bội. Người đàn bà, mặt có vẻ khó chịu và nhăn nhó, kéo tay con mình đi. Rogin nghĩ mỗi đứa bé đang chú mục vào con búp bê nơi bao tay của mình và không nhìn đứa kia, nhưng đúng là anh đã sai lầm khi nghĩ mình hiểuđược trái tim con trẻ.

Một gia đình người nước ngoài sau đó thu hút sự chú ý của anh. Họ giống như người Trung Mỹ. Một bên là người mẹ. Bà khá già, mặt mày sạm đen, tóc trắng, trông khá mệt mỏi; bên kia là đứa con trai có đôi bàn tay trắng và láng của một người rửa chén bát. Nhưng người lùn ngồi giữa hai người là ai – con trai hay con gái? Tóc dài và uốn, đôi má trơn tru, nhưng cái áo và cái cà vạt là của đàn ông. Áo khoác ngoài là của đàn bà, nhưng đôi giày – đôi giày này làm cho người ta nhức đầu. Một đôi giày oxford màu nâu với làn chỉ chạy bên ngoài như giày đàn ông, nhưng lại có gót như giày đàn bà – một ngón chân trần trụi như đàn ông, nhưng một cái móc bắt ngang qua như giày đàn bà. Không có vớ. Nhưng anh cũng chẳng thể biết được gì thêm. Ngón tay người lùn mang một cái khoen, nhưng không phải là nhẫn cưới. Người này có những vết thâm nhỏ bên hai má. Đôi mắt húp và lờ đờ, nhưng Rogin tin là chúng vẫn có thể cho thấy những điều lạ lùng nếu chúng muốn và đây đúng là một tạo vật có hiểu biết đáng kể. Trong nhiều năm qua, anh đã có tác phẩm Memoirs of a Midget (Hồi ký của một người tí hon) của nhà văn de la Mare. Bây giờ anh có một quyết tâm; anh sẽ đọc cuốn sách này. Ngay khi anh quyết định, anh không còn thắc mắc nữa về giới tính của người lùn này và đã có thể quay nhìn người ngồi cạnh anh ta.

Người ta thường suy nghĩ được rất nhiều chuyện khi đi xe điện ngầm, bởi vì sự chuyển động, vì người chung quanh, vì cái trạng thái mông lung của người đi xe, khi xe điện chạy dưới đất, dưới sông, dưới nền của những tòa nhà chọc trời; đầu óc của Rogin quả thật đang bị kích thích một cách lạ lùng. Cầm chặt bao thức ăn tỏa mùi bánh mì và đồ chua, anh chìm đắm trong một chuỗi hồi tưởng, đầu tiên là về những tố chất quyết định giới tính, những nhiễm sắc thể X và Y, những quan hệ di truyền, tử cung, sau đó là nghĩ đến người em của anh như môt trường hợp được giảm thuế. Anh nhớ lại hai giấc mơ đêm trước. Trong một giấc mơ, một nhân viên nhà tang đề nghị cắt tóc cho anh, nhưng anh từ chối. Trong giấc mơ kia, anh mang một người đàn bà trên đầu. Những giấc mơ buồn, cả hai! Rất buồn! người đàn bà này là ai – Joan hay Mẹ anh? Và người nhân viên tang lễ – luật sư của anh chăng? Anh thở dài, và theo thói quen anh bắt đầu gom góp lại những chất men nhân tạo của anh mà trong tương lai toàn bộ kỹ nghệ trứng nhờ đó sẽ được cách mạng hóa.

Trong khi đó, anh vẫn tiếp tục quan sát hành khách và giờ thì anh chăm chú người ngồi cạnh mình. Cả đời anh chưa hề nhìn thấy người đàn ông này nhưng nay bỗng nhiên anh cảm thấy như sự hiện hữu của mình bị gắn liền với ông ta. Ông ta cỡ trung niên, vạm vỡ, da dẻ trắng trẻo và đôi mắt xanh. Tay ông ta sạch, gọn gàng, nhưng Rogin không thích bàn tay này. Ông mặc một áo khoác đắt tiền mà Rogin chẳng đời nào có thể nghĩ sẽ sắm một cái như thế cho mình. Anh cũng sẽ không đi một đôi giày đỏm dáng như thế, hay một cái mũ trông lịch sự tao nhã đến thế, làm bằng da thú có một dải vải uốn quanh mũ. Có những người rất chú ý đến ăn mặc, nhưng không phải ai cũng thuộc loại phô trương; một số người đúng là có tư cách, và người đi chung chuyến xe với anh là loại người nay. Chiếc mũi thẳng đứng của ông ta quả là đẹp, nhưng nó lại tương phản với khuôn mặt phẳng của ông. Nhưng trong cái vẻ phẳng của ông ta, ông ta dường như muốn cảnh giác mọi người là ông ta không muốn có chuyện với họ, ông chẳng muốn dính líu gì với người ta. Mang một đôi giày da bóng loáng như thế, ông không muốn nguời ta dẫm lên chân cùa mình, và như thể ông ta đã khoanh quanh mình một vòng bất khả xâm phạm, để cho những người khác biết họ hãy lo việc của họ đi và để yên cho ông ta đọc báo. Ông cầm trong tay tờ Tribune, nhưng có lẽ khó nói là ông ta đang đọc báo. Ông ta chỉ cầm tờ báo.

Làn da trắng trẻo, đôi mắt xanh, chiếc mũi thẳng giống như mũi người La Mã – và cả cách ông ta ngồi – tất cả đều mạnh mẽ chỉ ra cho Rogin thấy một người: đó là Joan. Anh cố gắng thoát sự so sánh này, nhưng không thể được. Người đàn ôg này chẳng những giống như cha của Joan mà Rogin chẳng ưa; ông ta còn giống Joan nữa. Bốn mươi năm nữa đây, một đứa con trai của nàng, giả dụ như nàng có một đứa con trai, có thể trông giống ông này đây. Một đứa con trai của nàng? Đứa con này, chính anh đây, Rogin, sẽ là cha của nó. Thiếu những nét mạnh mẽ của Joan, sự thừa kế những nét của anh sẽ khó hiện rõ. Có lẽ đứa trẻ sẽ giống Joan. Đúng rồi, hãy nghĩ đế bốn mươi năm nữa đi, một người đàn ông như thế, ngồi cạnh anh đến độ đầu gối chạm vào nhau trong toa xe người ngồi đảo qua đảo lại này, chung quanh là những người tham dự không biết gì cả trong một lễ hội hành trình như thế này – một người như thế sẽ mang vào tương lai những gì đã từng là Rogin.

Đó là lý do tại sao anh cảm thấy dính liền với ông ta. Bốn mươi năm thì có ý nghĩa gì so với sự vô tận. Bốn mươi năm trôi qua đi, và anh nay đang nhìn đứa con trai của mình. Nó đây. Rogin thấy sợ hãi và rúng động. “Ôi con của ta, con của ta!” anh tự nhủ, và sự thương cảm vì thế làm cho anh suýt chảy nước mắt. Công việc thần thánh và kinh hoàng của những đấng làm nên cái chết và sự sống đã tạo nên tình huống này. Chúng ta là công cụ của họ. Chúng ta làm việc cho đến cùng đích mà chúng ta tưởng là cùng đích của chính mình. Nhưng không! Tất cả là quá không đúng. Chịu đựng, vất vả, nhọc nhằn và bon chen qua những thách đố của cuộc đời, phải bò qua những hang động tối tăm nhất, cố sống qua những khoảnh khắc tệ hại nhất, vật lộn với đời sống kinh tế, kiếm tiền – chỉ để làm cha của một người hạng bét trong thế giới này, vẻ trơn lì trên một khuôn mặt chính là trưởng giả, tự mãn, chán ngắt, hồng hào, sạch sẽ, bình thường... Cái nghiệp chướng nào mới gặp phải một đứa con trông đáng chán như thế! Một đứa con như thế, không bao giờ có thể hiểu được cha của mình. Hai người chẳng có gi, đúng là không có gì, giống nhau, anh và người đàn ông mắt xanh, gọn gàng, bầu bỉnh này. Rogin nghĩ ông ta quá mãn nguyện với những gì ông có, những gì ông làm và cả những gì ông thể hiện đến độ không thể mở môi ra được. Xem cái môi kia, đầu môi nhô ra như một cái gai nhỏ hay một cái răng khểnh. Ông ta chẳng cho ai biết ngày giờ. Phải chăng bốn mươi năm nữa điều này sẽ ứng hiện. Phải chăng con người sẽ lạnh lùng hơn khi thế giới cằn cỗi hơn và trở nên lạnh lẽo hơn? Sự vô nhân của thế hệ tới làm cho Rogin nổi giận. Cha và con không có ra dấu gì chonhau. Kinh khủng! Bất nhân! Thực là một viễn cảnh về cuộc sống mà nó cho anh nhìn thấy. Mục tiêu riêng tư của con người chẳng có gì, chỉ là ảo giác. Lực của cuộc sống từ từ chiếm hữu lấy mỗi chúng ta trong sự tiến triển hướng đến sự hoàn thành của riêng nó, chà đạp lên nhân tính ở mỗi người, sử dụng chúng ta cho việc của nó như những con khủng long hay con ong, khai thác tình yêu một cách vô nhân, làm cho chúng ta dính líu vào quá trình xã hội, lao động, kiếm sống, và chịu qui luật về áp lực, qui luật của muôn đời về sự chồng chất, tiếp nối, lớp lang!

Ta đang rơi vào cái não trạng gì đây, Rogin nghĩ. Là cha của một di sản của cha của nàng? Hình ảnh người đàn ông già, mặt mày khó khăn, tóc bạc, mập tròn với đôi mắt xanh ích kỷ và xấu xí làm cho anh muốn phát điên lên. Đứa cháu của ôg rồi đây cũng trông giống như thế đấy. Bây giờ Rogin càng lúc càng cảm thấy bất mãn với Joan, nàng chẳng thể làm gì được. Đối với nàng, đây là điều không tránh khỏi. Nhưg có nhất thiết nó không tránh được với anh chăng. À, thế thì thôi, Rogin, thằng điên, mày đừng có làm một công cụ khốn nạn như thế nữa. Tránh đi nơi khác!

Nhưng việc này đã quá trễ rồi, vì anh đã trải qua cái cảm giác ngồi cạnh đứa con của mình, con của anh và Joan. Anh cứ mãi nhìn ông ta, chờ ông nói một điều gì đó, nhưng đứa con giả định này vẫn lạnh lùng im lặng dù cho ông ta có thể biết Rogin đang nhìn chằm chằm vào ông.Cả hai người còn xuống cùng một trạm. Sheridan Square. Khi họ bước đến thềj xe, người đàn ông, chẳng màng nhìn đến Rogin, bước đi về một hướng khác trong cái áo kẻ ô sọc xanh đáng ghét với cái mặt hồng hào dễ ghét.

Tất cả làm cho anh cực kỳ lúng túng. Khi anh đến gần cửa phòng của Joan va nghe con chó nhỏ của Phyllis tên là Henri sủa ngay cả trước khi anh gõ cửa, mặt anh trở nên vô cùng căng thẳng. Mình không thể để cho người ta lợi dụng được, anh tự nhủ. Mình có quyền sống của mình chứ. Joan khôn hồn thì phải coi chừng đấy. Nàng có một cách rất khéo lờ đi những câu hỏi quan trọng mà anh đã mất nhiều thì giờ suy nghĩ. Nàng luôn luôn nói chẳng có gì mà phải bực mình cả. Anh không dám có một thái độ bình thản, hồn nhiên như thế, bởi vì anh phải làm việc cật lực để kiếm tiền để tránh những chuyện phiền phức vì không có tiền mà ra. Đúng, vào lúc này tình hình này chắc khó tránh được, và thực sự anh không bận tâm về tiền bạc nếu anh có thể cảm thấy cô không nhất thiết phải là mẹ của một đứa con trai như là đứa con trai dưới xe điện ngầm hay hoàn toàn là đứa con gái của người cha tồi tệ, xấu xa của nàng. Dù sao, Rogin không phải giống cha hay mẹ của anh nhiều lắm, và càng khác với em trai của anh.

Joan đến bên cửa, mặc một chiếc áo ngủ đắt tiền của Phyllis. Áo rất vừa người của nàng. Nhác thấy khuôn mặt vui vẻ của nàng, Rogin hơi khựng lại trước vẻ giống nhau; sự xúc động cực kỳ nhẹ nhàng, hầu như là tưởng tượng, nhưng cũng đủ làm cho anh giật bắn cả người.

Nàng bắt đầu hôn anh, miệng ngọt ngào:

- Anh ơi. Người anh bám đầy cả tuyết. Sao anh không đội mũ. Tuyết rơi đầy cả trên đầu trên cổ nó đây - cách nói âu yếm dùng ngôi thứ ba quen thuộc của nàng.

Rogin lầm bầm, cố tránh khỏi vòng tay của nàng:

- Để cho anh đặt bao thức ăn này xuống đã. Để anh cởi áo đã.

Tại sao nàng không thể chờ một tí rồi hãy săn đón anh? Anh bảo:

- Ở đây nóng quá. Mặt anh bừng bừng đây này. Tại sao em lại để cho nhiệt độ trong phòng cao đến mức này. Cả con chó khốn nạn này cứ sủa mãi. Nếu em không thả lỏng nó, nó đã không hư và ồn ào như thế. Tại sao không ai dắt nó đi chơi.

- Trong nhà có nóng lắm đâu. Tại vì anh vừa mới ở ngoài lạnh đó. Anh có nghĩ cái áo này hợp với em hơn với Phyllis chăng? Nhất là ở phía dưới hông nay. Cô ấy cũng nghĩ thế đấy. Cô định bán cho em.

Rogin muốn kêu lên: “Cầu trời cô ta đừng bán”.

Cô mang đến một cái khăn lông để lau khô tuyết trên đầu tóc ngắn và đen của anh. Động tác lau nhè nhẹ trên đầu làm cho con chó Henri cứ nhảy lên, cho nên Joan nhốt con chó trong phòng ngủ, và con chó cứ nhảy lên cào cào đều đều lên mặt gỗ trên cửa.

Joan hỏi:

- Anh có mua dầu gội đầu không?

- Đây này.

- Thế để em gội đầu cho anh trước khi ăn. Anh đến đây.

- Anh không muốn gội đầu.

Nàng cười và bảo:

- Ngoan nào.

Anh ngạc nhiên khi thấy nàng không nhận ra tội của mình. Anh không hiểu làm sao có thể như thế được. Và căn phòng có màn che, có đèn thắp, có đồ đạc, có thảm trải có vẻ như che hết tầm nhìn của anh. Cho nên anh thấy nghiêm khắc và bực bội, đầu óc của anh lộn xộn và chán nản, nhưng dường như chẳng thể nói ra được vì sao. Đã hẳn, anh bắt đầu cảm thấy chẳng còn nắm được nguyên do sự bực bội của mình bởi vì tất cả đang dần dần thoát ra khỏi đầu anh.

Trong phòng tắm, người ta cởi áo khoác ngoài va áo sơ mi của anh, và nàng cho nước chảy đầy chậu. Rogin trong lòng vẫn thấy ngỗn ngang những cảm xúc dằn vặt; bây giờ ngực anh phơi trần cho nên anh càng có thể cảm thấy thêm điều này và anh tự bảo chắc lát nữa đây mình phải nói với cô ta đôi điều mới được. Ta không thể cho qua việc này được. Anh sẽ nói với nàng: “Em nghĩ anh sinh ra chỉ để ôm lấy hết mọi chuyện hay sao? Em có nghĩ anh sinh ra chỉ để cho người ta lợi dụng, chỉ để hy sinh cho người khác chang? Hay em nghĩ anh chỉ là một loại tài nguyên thiên nhiên, như quặng than, hay giếng dầu, hay thủy hải sản, hay những thứ tương tự như thế? Em cần nhớ là không phải vì anh là đàn ông mà anh phải gánh vác hết mọi chuyện. Anh có môt linh hồn trong người không lớn hơn mà cũng không mạnh hơn linh hồn của em”.

“Bỏ đi những thứ bên ngoài, như bắp thịt, giọng nói trầm hơn, vân vân , thì cái gì còn lại đây? Một đôi linh hồn, thực tế là như nhau. Như thế tại sao cũng không có sự bình đẳng? Anh không thể mãi mãi là người hùng được”.

Joan mang một chiếc ghế đẩu trong nhà bếp đặt cạnh chậu. Nàng bảo:

- Anh ngồi xuống đây. Tóc của anh bị bết cả.

Anh ngồi xuống, ngực tựa vào thành chiếc chậu tráng men lạnh lẽo, cằm đặt ở trên miệng chậu , nước trong, nóng và xanh phản chiếu mặt kính và gạch, và dầu gội đầu ngọt ngào, thơm tho và lạnh đổ xuống đầu anh. Nàng bắt đầu gội đầu cho anh. Nàng nói:

- Da đầu anh trông khỏe mạnh lắm. Hồng quá chừng.

Anh trả lời:

- Nó phải trắng chứ. Chắc anh bị gì đó.

- Nhưng chắc chắn anh chẳng bị gì cả.

Từ đàng sau, nàng ép sát người vào anh, bao quanh lấy anh, đổ nước nhè nhẹ trên đầu anh cho đến khi anh thấy cảm thấy nước từ bên trong anh tuôn ra, đó chính là chất lỏng ấm áp của tình yêu âm thầm của anh chảy tràn vào chậu, màu xanh và nổi bọt, và những chữ anh đã nhẫm trong đầu nay anh đã quên, và cả sự tức giận của mình đối với đứa con trong tương lai cũng biến mất, nên anh thở dài, anh nói với nàng khi đầu anh cúi chúc xuống cái chậu đầy nước: “Em bao giờ cũng có những ý nghĩ tuyệt diệu, Joan ơi. Em biết điều đó không? Em có một loại bản năng, đúng là thiên phú đó em”.

 

 

------------------
“Người sẽ làm cha” [“A Father-To-Be”] là một truyện ngắn trong tập Mosby’s Memoirs and Other Stories, Penguin Classics, 1996 của Saul Bellow. Truyện ngắn này được xem là tiêu biểu của ông, nếu không phải là tiêu biểu của lối sống Mỹ: sung túc trong bất định.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021