thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
thơ 43 & 44
 
 

thơ 43

 
có một bài thơ gương mặt hơi ám khói vì hút nhiều thuốc lá. Một lần đi chơi bài thơ thấy một quán bán cháo gà ăn khuya, trước có treo một tấm biển: hãy vứt hết tất cả hy vọng khi vào đây. Bài thơ ngạc nhiên và cũng hơi rờn rợn, không dám bước vào. Bài thơ muốn quay về nhưng bạn bè đốc thúc, vì là bài thơ nên nó không thể không phiêu lưu (và cũng hơi đói bụng), thế là bài thơ rón rén bước vào
 
bước vào, bài thơ thấy tấm bảng: không bao giờ sống sót, thì ra đó là nơi người ta đưa những con gà đến để giết thịt
 
bước tiếp, bài thơ thấy tấm bảng: không phân biệt đạo đức tốt xấu, thì ra đó là nơi người ta cân ký và tính tiền thịt gà (mà cũng đúng thôi, đạo đức tốt xấu gì nếu đem cân ký thì cũng bình đẳng)
 
bước tiếp, bài thơ thấy tấm bảng: rỗng tuếch và đồng nghĩa, thì ra đó là nơi người ta vận chuyển những miếng thịt gà đã chặt, sơ chế xong
 
rồi lại tấm biển: không có cái chết đột ngột, đó là nơi mà người ta nấu cháo gà
 
lúc này bài thơ muốn lên cơn hấp hối, vì đói bụng quá. Người ta vội cho bài thơ ăn cháo gà. Muốn gọi chanh ớt thì kêu chua chát, cay đắng hay vân vân gì đó... Vừa ăn bài thơ vừa háy mắt với hai người ngồi bên, chắc là Việt Kiều hay Nghệ Sĩ, vì thấy đầu cạo bóng loáng như hai cái sọ. Bài thơ muốn làm sang nên nhìn với qua và nói chuyện với họ về thiện ác hay thơ ca gì cũng được nhưng họ không trả lời vì đây chỉ là quán cháo gà. Sau đó mọi người kêu trà đá uống, bài thơ thấy những viên đá cứ đè lên nhau giống như những hòn đá chồng chất hai bên đường vào địa ngục, nhưng cũng chả ai quan tâm đến ý nghĩ kỳ lạ của bài thơ. Họ nói tốt xấu đạo đức sang hèn người thú tiểu nhân bậc thầy cuối cùng cũng chỉ là những ý niệm mà thôi. Mà ý niệm nhiều khi lại vừa là cái này vừa là cái khác, vì bài thơ coi chữ là quan trọng quá nên cứ lẩn thẩn như vậy, nãy giờ có ai đọc tấm biển nào đâu. Cái cần nhất là phân biệt ánh sáng và bóng tối thì bài thơ lại không để ý, vì như trời đã khuya quá rồi
 
nên mọi người lục tục ra về. Bài thơ cứ lẩm nhẩm ý niệm với khái niệm, chẳng qua là chữ, chẳng qua là chữ... Một người tưởng bài thơ không đọc được tấm biển, bèn nhắc: quán cháo gà
 
 

thơ 44

 
có một bài thơ hàng năm chỉ được đem ra đọc một lần vào ngày rằm tháng bảy, vì đó là ngày tết của Thơ và ngày xá tội cho Người. Từ đó người ta gọi bài thơ là “bài thơ của ngày rằm” mặc dù bài thơ chả có tu hành hay chay tịnh gì cả
 
dần dần những “bài thơ ngày rằm” ngày càng nhiều, nên người ta rất vui. Người ta còn nghĩ thêm các trò chơi, bôi hình vẽ mặt cho bài thơ, thả bay lên trời như thả chim phóng sinh vậy
 
nhưng có điều, một năm chỉ ra nắng có một lần, nên bài thơ cứ héo úa dần dần, mà người ta muốn bài thơ phải như hoa tươi bướm lượn, có vậy thì ngâm vịnh bóp nặn mới đã. Vì thế người ta mới họp lại tìm cách cứu bài thơ. Họp mãi vẫn không nghĩ ra cách nào, thật may bài thơ đứng lên nói rằng: sở dĩ em héo úa như vầy là vì em không có linh hồn, vì thế nếu có nhà thơ nào tình nguyện chết, dâng tặng linh hồn cho em thì em sẽ trẻ mãi. Nghe phải chết mới cứu được bài thơ, nhiều nhà thơ giật mình, có người giả vờ bỏ ra ngoài hút thuốc hay nghe điện thoại. Cuộc họp tưởng chừng như bế tắc
 
nói vậy thôi chứ tình yêu với bài thơ là vô hạn vì cuối cùng cũng có nhà thơ chịu hy sinh để cứu bài thơ. Với lại cũng chỉ có nhà thơ như thế này mới xứng đáng, vì đã từng được đầu tư in 6, 7 tập thơ, được cử đi tham quan thực tế đọc tham luận hay ngồi ghế chủ tịch đoàn cả trong và ngoài nước nhiều lần. Nói tóm lại, bài thơ sắp nhận được một linh hồn xứng đáng. Bài thơ cảm động chảy nước mắt, quỳ xuống tạ ơn nhà thơ như thế này
 
ngày nhà thơ như thế này chết thay cho bài thơ, ai nấy nước mắt sụt sùi. Bài thơ trải một tấm vải trắng cho nhà thơ như thế này nằm xuống, sau đó nhà thơ như thế này cắt mạch máu ở cổ tay trái. Bài thơ cũng nằm xuống, nhắm mắt lại chờ cho linh hồn nhà thơ như thế này nhập vào mình với ước vọng trẻ mãi. Bài thơ chờ mãi chờ mãi chờ mãi chả thấy linh hồn đâu, chỉ thấy máu của nhà thơ như thế này ướt loang hết áo của mình, lạnh và nhờn nhợn. Khẽ lay thì nhà thơ như thế này đã chết ngắc tự lúc nào, bài thơ ngậm ngùi đứng dậy
 
sau đó bài thơ cứ héo dần, héo dần và cuối cùng chết già. Vì chết già nên lúc chết trông bài thơ hơi ốm
 
 
-----------
Đã đăng:
 
thơ 1, 2, 3 & 4  (thơ) 
có một bài thơ không có chữ, không có dòng nào, chỉ những ký hiệu @,%^&^J $$$ và được gọi là thơ cụ thể... | có một bài thơ vì quá trớn đã té nhào ra trang giấy, vỡ tung ra những tiếng kêu, khóc, chửi bới, đau đớn... nhưng không thấy văng ra một chữ nào
 
thơ 5, 6, 7 & 8  (thơ) 
... có một bài thơ chưa kịp viết xong thì bị rơi xuống nước. Một bài thơ khác chưa kịp viết xong thì rơi vào lửa. Còn nữa... khá nhiều bài thơ tiếp tục rơi trên đường chạy tiếp sức của mình...
 
... có một bài thơ chạy vào nhà tôi vì sợ hãi. Nó nhận ra tất cả chữ của mình đã bị đánh cắp. Nó trần truồng trên trang giấy, mắc cỡ dùng tay che (bụm) những gì phải che (bụm)...
 
thơ 16, 17 & 18  (thơ) 
có một bài thơ bị rơi mất hai mắt nên mò mẫm đi tìm. Hắn va phải một người đàn bà cũng bị rơi mất cặp vú nên cũng đang đi tìm như hắn...
 
thơ 19 & 20  (thơ) 
có một bài thơ thích nói chuyện sâu xa, ví như triết học. Nó than phiền về việc người ta cứ lẫn lộn hết cả giữa tôn giáo với ý nghĩ giả dối của mấy ông lãnh tụ (hồi xưa) & mấy ông lãnh chúa (bây giờ) và triết học...
 
là tắc tị khó hiểu. Người ta trách nó cứ học đòi các thứ “đã cũ rích ở bên Tây” mà không biết rằng dân tộc của nó đã tự tình ngàn năm với những cảm xúc chân thành, chân chân chân thật thật thật...
 
thơ 25, 26 & 27  (thơ) 
có một bài thơ đang đi giữa một phố trưa đầy nắng. Nó thấy bóng của nó đổ dài, leo lên leo xuống thoăn thoắt giữa mọi chướng ngại vật. Chiếc bóng của bài thơ linh hoạt đến nỗi nó không còn là chiếc bóng nữa mà đã biến thành một bài thơ thứ hai...
 
thơ 28, 29 & 30  (thơ) 
có một bài thơ rất hay viết thơ tình, kiểu anh nhớ em em hỡi anh nhớ... Nhiều khi em quên rồi nhưng anh (bài thơ) vẫn nhớ, dù em ở nơi nào em vẫn không xa cách anh (là bài thơ) được đâu... Sau đó người ta kêu nó lên nhắc nhở không nên uỷ mị vàng vọt như thế...
 
thơ 31, 32 & 33  (thơ) 
... đêm bài thơ nằm ngủ thấy linh hồn của mình bay đi đâu mất, giống như ngôi làng tuổi nhỏ của bài thơ đã bỏ đi đâu chơi. Bài thơ muốn làm thơ về vần ơi này nhưng lại thấy chơi vơi, thế là lại thôi (vần ôi). Nhưng viết về vần ôi thì bài thơ lại sợ mất gói xôi, vì thực ra người ta chỉ coi bài thơ như thằng Bờm mà thôi...
 
thơ 34, 35 & 36  (thơ) 
có một bài thơ thường ấm ức các bạn của nó cứ nhẩn nha cầm chừng, nhìn sau trông trước, lầm thầm trước không có ai sau không có ai quanh quất chỉ mình ta... lúc nào cũng lầm thầm về sự cô độc mở cửa ra thấy núi (làm như bây giờ người ta không còn mở cửa ra để đóng tiền điện, coi người khác cãi lộn, đi chợ hay dắt con đi học nữa vậy)...
 
thơ 37, 38 & 39  (thơ) 
... có một bài thơ cứ tưởng mình rất dễ vỡ, dù bài thơ không phải là món đồ bằng sứ hay pha lê. Nó đứng trong tủ kính, lơ đãng nhìn những người mua sách đi ngang qua. Các cô gái mơ mộng thường hay dừng lại khá lâu ngắm nó...
 
thơ 40 & 41  (thơ) 
... có một bài thơ được người ta dặn phải canh chừng cảm xúc, vì cảm xúc hay đến rồi đi bất chợt. Mỗi đêm bài thơ thường mất ngủ vì cứ sợ cảm xúc bay đi mất / một đêm nọ bài thơ mệt quá nằm thiếp đi thì có một cái gì bò nhồn nhột ở tay, bài thơ giật mình tưởng cảm xúc đến...
 
thơ 42  (thơ) 
... người yêu của bài thơ và bài thơ cũng nói chuyện rất đắm say, chỉ than phiền căn gác có nhiều muỗi. Bài thơ hay làm thơ tặng người yêu sau mỗi đêm như vậy, ví như anh thức suốt đêm đuổi muỗi cho em anh thức suốt đêm đuổi muỗi cho em (mà quả bài thơ thức suốt đêm đuổi muỗi thật, nhiều bữa sáng dậy bài thơ mệt ngắc ngư)...
 
 
----------------
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021