thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [40]
(tiếp theo)

 

Bí mật của sự phục sinh:

“Tôi nghĩ rằng mình đã chết cách đây 5 năm. Tất cả các bác sĩ đều bảo tôi không thể sống hơn được sáu tháng. Tôi cũng nghĩ mình sắp chết, khi tụy đã bị cắt vì ung thư và mật được thải ra ngoài ổ bụng bằng một cái ống. Túi mật của tôi lúc ấy chỉ là cái bao ni-lông treo lủng lẳng ở lưng quần.

Tôi chờ đợi một cái chết thanh thản, bởi vì tôi nghĩ mình sống thế cũng đã đủ. Tôi thuộc về một thế hệ may mắn, theo một cách nào đó, được chứng kiến tất cả những biến cố lớn lao nhất của lịch sử nhân loại và của quê hương mình. Cuộc chiến 9 năm của người Việt với Pháp; cuộc chiến 20 năm mà cho tới bây giờ, 30 năm sau khi chấm dứt nó, người ta vẫn còn cãi nhau về tên gọi; cuộc chiến với Campuchia; cuộc chiến với Trung Quốc; sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản thế giới; cuộc khủng bố 11.9 ở New York và những cuộc chiến tranh khác. Cũng như những thay đổi rộng lớn trong lãnh vực xã hội và khoa học. Cá nhân tôi cũng đã được sống những ngày đẹp nhất của tự do sáng tạo. Tôi chẳng còn gì để tiếc. Bạn bè khắp nơi gọi điện hỏi thăm. Tôi chỉ biết khóc. Các con tôi bảo bố đừng nói chuyện nữa. Tôi bảo cứ để bố nói, bố đang hạnh phúc đấy. Tuy nhiên, tôi muốn được về chết ở quê nhà, đơn giản là không muốn để cho các con mình phải tốn kém.

Những ngày cuối cùng ở Mỹ, tôi nằm trong bệnh viện với một thân xác tàn tạ và hôi hám. Người bạn gái thân thiết mà có lúc chúng tôi tưởng là sẽ lấy nhau đến thăm tôi. Phòng tôi nằm có hai giường, cô ấy kéo tấm màn ở giữa che lại, dành sự riêng tư cho mình, rồi cúi xuống hôn tôi. Những tưởng là mình đã thuộc về sự chết, nhưng điều kỳ diệu nhất của con người đã xảy ra, con cu tôi từ từ cứng lại và dựng lên. (Những người ngồi nghe: Nguyễn Quốc Chánh, Trần Tiến Dũng và tôi cùng reo lên “Trịnh Cung sống rồi! Trịnh Cung sống rồi!”). Sau ngày hôm đó, ngày nào cô bạn cũng đến lau rửa cho tôi cho đến khi tôi về Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng tôi cần phải sống theo cách của mình. Tôi không uống bất cứ thứ thuốc gì nữa, cũng không bia rượu, cà phê thuốc lá, đồng thời làm sạch cái đầu của mình. Không lo. Không nghĩ. Không cầu. Tôi thật sự buông xả. Một hôm đi bộ trên đường, tôi bị một cô gái tông xe vào mình. Bất tỉnh. Ba ngày sau, tỉnh dậy trong nhà thương, nhìn lại thấy túi mật khô queo. Kiểm tra cái ống dẫn, nó đã tuột ra khỏi vết mổ. Tôi quyết định vứt nó đi, dù vẫn băng bó lại vết mổ.

Về Nha Trang nằm nghỉ bên bờ biển, tôi mặc kệ cho sự sống chết. Mẹ tôi nhìn vết thương trên bụng, chỗ chui ra của cái ống tiết mật bảo nó đã khô đen và lành rồi. Bàn tay tôi cũng từ từ hồng lên. Tôi không chết nữa. Một điều kỳ lạ khác như tôi hay nói với Nguyễn Viện rằng phải chi thằng nhỏ “liệt” đi cho nó đỡ phiền. Thật khó tin, lúc trẻ tôi chỉ “sung” bằng một nửa bây giờ”.

Tôi lúc nào cũng tin rằng khả năng sáng tạo và sức mạnh tình dục luôn tương ứng với nhau. Và tôi đã nhìn thấy những bức tranh đẹp nhất của Trịnh Cung vẽ sau thời kỳ này. Đó là sự sót lại của những mảnh vỡ ký ức. Không than thở. Không hoài niệm. Vô thường và đoạn tuyệt. Là số không và vô tận, tôi không còn được thấy những bức tranh ấy nữa. Chúng ra đi và có những số phận riêng.

Giờ đây, tôi cũng đang thấy chữ nghĩa mình ra đi ngay khi nó nằm trên màn hình máy tính. Mỗi một dòng chữ viết ra là một cuộc chia tay. Tôi không thể nghiền ngẫm nó như một gã phu chữ. Mỗi chữ viết ra đã là một vết chém. Và người bị thương trước hết là tôi. Thực tại chảy máu. Hư vô cũng chảy máu. Chưa bao giờ tôi lại thấy một kinh nghiệm vô thường đáng chán đến dường vậy. Máu me của người lành vẫn chảy. Cuộc khủng bố trên diện rộng, tôi bất lực cả với cuộc hòa giải bản thân. Nhưng điều lớn lao nhất vẫn chưa xảy ra. Một nỗi lo âu găm tôi vào bức tường vô định. Cái giá của cuộc sống là gì, tôi không biết. Dù thế, tôi vẫn sống như có thể. Và viết như có thể. Đôi khi, tôi thấy mình đang lao vào một thứ bóng tối mù mịt. Vô nghĩa và tuyệt vọng.

Ở mép chiếc ly có một con ruồi đậu. Tôi không trách được con ruồi phá hỏng ly cà phê sữa nóng. Và tôi cảm thấy lòng bao dung trong một buổi sáng dậm dật muốn mưa. Một chút mùa thu giữa mùa hè Sài Gòn. Rồi thì cơn mưa cũng tới. Sẽ chẳng đi đâu được nữa khi đã rũ cánh. Một nỗi ủy mị xâm chiếm tôi. Thận Nhiên giơ cánh tay cho tôi xem làn da đang nổi gai ốc sau khi đọc đoạn tôi viết về sự phục sinh của Trịnh Cung. Trong khi ông Cung có vẻ trầm ngâm bảo tôi đã hóa giải được âm binh. Nhưng thật sự thì tôi vẫn nằm trên thớt và phì phò giao lưu với lưỡi dao phay.

Cơn mưa đuổi chúng tôi khỏi lề đường.

Cô gái ngày hôm trước vẫn ngồi trong quán. Gã đàn ông chết tiệt chưa đến. Cái thì tương lai khốn kiếp vẫn từ từ tà tà ở phía bên kia đêm. Các nhà biên tập đồng loạt nhất trí với nhau rằng phải gạch bỏ từ “đêm” trên tất cả mọi loại văn bản. Bởi vì đêm đồng lõa với tội ác, là sự ám chỉ tiêu cực, là tâm lý bệnh hoạn, là xã hội đen tối, là mất niềm tin, là mọi thứ xấu xa. Cái thì tương lai khốn kiếp vẫn từ từ tà tà ở phía bên kia chưa phải là ngày. Nhưng cô gái vẫn giữ nguyên vẻ phấn khích, bởi vì cô đang có một cuộc hẹn. Cô cầm chiếc muỗng bằng hai ngón tay, để ba ngón tay còn lại khoe một vẻ đẹp tài hoa trong không khí. Tôi muốn cắn cụt những ngón tay ấy. Một vẻ đẹp không để làm gì. Một nỗi dã man điên cuồng hủy diệt bùng phát từ trong sâu thẳm. Một sự đồng nhất kỳ lạ và tối giản của vô thức. Tôi đứng lên đi về phía cùng tận. Cô gái chạy trốn. Một vẻ đẹp trừu tượng đã xuất hiện từ trong đám đông. Nó giống như cái bùng nhùng. Cô gái chạy xuyên qua cái bùng nhùng ấy bằng một vệt sáng. Tôi biến thành đám đông ngồi gỡ cái bùng nhùng quấn quanh người. Tôi không bao giờ là tôi trong cuộc rượt đuổi mơ hồ bất tận cái đẹp thảng thốt của cô gái.

Một ngày nữa lại qua. Trịnh Cung bảo sống thêm ngày nào lời thêm ngày ấy. Nếu có phải ra đi ngay lúc này thì cũng đã quá hời. Tại sao không tận hưởng. Quên mẹ nó mọi thứ vớ vẩn đi.

Tôi nói người ta có thể quên mọi thứ khi nằm trên thớt nhưng không thể quên cái thớt mình đang nằm.

 

10.7.2005

 

(còn tiếp)

 

----------------

Xem kỳ trước:

Truyện có thể cực ngắn hoặc rất dài và rất dai

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [2]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [3]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [4]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [5]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [6]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [7]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [8]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [9]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [10]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [11]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [12]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [13]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [14]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [15]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [16]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [17]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [18]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [19]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [20]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [21]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [22]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [23]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [24]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [25]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [26]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [27]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [28]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [29]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [30]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [31]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [32]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [33]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [34]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [35]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [36]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [37]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [38]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [39]

 

Lời toà soạn:
Trong thư gửi về toà soạn Tiền Vệ, nhà văn Nguyễn Viện bày tỏ ý định viết một thể loại truyện tạm gọi là “truyện mở”. "Truyện có thể cực ngắn hoặc rất dài và rất dai" là một thí nghiệm đầu tiên của “truyện mở”. Tác giả chỉ viết một câu: “Em có gì bí mật, hãy mail cho anh”. Bên dưới đính kèm địa chỉ mail. Đó là một địa chỉ thật. Truyện có thể chấm dứt ở đó, cực ngắn, hoặc sẽ rất dài, tùy thuộc vào sự tham gia của các “em”. Qua từng email tác giả nhận được từ các “em”, câu chuyện sẽ được viết tiếp, và có thể kéo dài... vô hạn.
 
"Em có gì bí mật, hãy mail cho anh" là hệ quả tự nhiên của "Truyện có thể cực ngắn hoặc rất dài và rất dai", sau khi tác giả nhận được một số email từ độc giả đáp lại lời mời gọi của ông. "Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [2]" và những kỳ tiếp theo sẽ có thể làm “truyện mở” này trở nên “rất dài và rất dai“ như tác giả dự đoán.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021