thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Rữa

 

Rời nước lâu năm, tôi cứ lầm chữ “yêu” với chữ “thương.” Nhắm mắt, tôi thốt, “Tôi yêu mẹ ghẻ tôi lắm. Tôi yêu bả đến nỗi tôi không nỡ giết bả.” Cali mùa này nóng lắm, nên trong nhà phải mở máy lạnh. Tôi đứng cạnh giường trong phòng ngủ của cha tôi. Cha tôi vẫn còn sống. Đâu đó, cha tôi vẫn còn hít vô, thở ra.

Quỳ trước mặt tôi, mẹ ghẻ tôi chìa môi, “Hơn ba chục năm nay, mày chỉ chờ có cơ hội để giết tao. Bây giờ mày trói tao lại rồi, mày đâm tao đi!”

Bả không nói, “Bây giờ mày trói tao lại, rồi mày đâm tao đi!” Mà, “Bây giờ mày trói tao lại rồi, mày đâm tao đi!” Dấu phẩy rất quan trọng. Phẩy lộn một câu, hỏng cả cuộc đời. Chấm sai chỗ thì chết tại chỗ!

Tôi yêu mẹ ghẻ tôi lắm. Vì vậy, tôi sẽ không đâm bả, dù chỉ một lần.

Rời nước lâu năm, tôi chỉ nhớ đúng một tục ngữ, “Thịt đâm thịt, nhớ nhau cả đời.” Có lẽ tôi nhớ sai. Có lẽ câu đó là, “Thú đâm thịt, dù chỉ một nần.”

Thay vì “mẹ ghẻ,” ta nên cải tiến tiếng Việt, biến từ ấy thành “má lở,” “mợ cùi” hay “bu rữa.”

Xấp xỉ 50, tôi cũng đang háo hức rữa, không kém thiên hạ, tuy tôi chẳng là cha mẹ ai cả. Tôi tin tôi thận trọng, nhưng cũng có lẽ tôi hèn.

Mẹ ghẻ tôi tên Hà. Người Quảng Đông. Trước 75, bà làm thư ký cho cha tôi. Cha tôi tên Châu, và như tôi, cũng họ Đinh, một sự trùng hợp khó hiểu. Việt Nam thiếu gì họ, sao ông lại chọn họ của tôi? Trước khi bà Hà thành bu rữa của tôi, tôi gọi bà là chị, vì Chị Hà chỉ hơn tôi có 11 tuổi.

Vậy thì, tháng 4, 1975, cha tôi mướn chị Hà đem tôi, 11 tuổi, và thằng em 5 tuổi, thoát khỏi Việt Nam từ Tân Sơn Nhất. Dùng giấy tờ giả, tụi tôi đi ké một gia đình người Hoa, có con làm cho Mỹ. Cha tôi thì chen lên Tàu Trường Xuân ngày 30.

Đến Guam khoảng 1, 2 giờ khuya ngày 28, tôi thú thật chẳng lo âu, chỉ thấy vui vui, là lạ vì được đi xa, mạo hiểm, như con chó được tung tăng ngoài một bãi cỏ thật rộng. Từ chiếc máy bay lính C-130, mấy trăm người Việt trèo lên những xe buýt màu vàng, loại chở học trò, để đến trại tị nạn. Ngoài cửa sổ, cảnh thật yên tĩnh. Đường rộng, nhà thưa. Đây đó, cũng có cây dừa, như ở Việt Nam, nhưng tuyệt đối không một xe gắn máy. Đến nơi, tụi tôi chui vô những túp lều mới dựng, rồi ngủ trên những giường xếp nhà binh.

Tôi sống tại Guam một tuần. Tụi tôi ăn và tắm tập thể. Có lần một lính Mỹ phát bánh mì kẹp từ một xe tải. Như những đứa trẻ khác, tôi cũng với tay, ra vẻ đói khát, để được ăn. Đâu đó, Phan Nhật Nam đã viết, “Người Mỹ biến đàn bà ta thành đĩ, biến trẻ con ta thành ăn mày.” Thất thế, chạy giặc, tị nạn cũng như ăn mày, phải lệ thuộc người dưng để sống còn, tuy ăn xin cũng phải giữ sỉ diện chứ, nhưng lúc đó tôi biết gì? Một hôm, tôi tình cờ thấy cô Hằng, em mẹ ruột tôi. Cô dẫn tôi lại bà ngoại, rồi bà mua cho tôi một hot dog. Khi trả tiền, bà hỏi người bán, “How many?” [“Mấy cái?”], thay vì, “How much?” [“Bao nhiêu?”]. Ở Việt Nam, tôi đã là một nhà ngôn ngữ lớn, tuy chỉ 11 tuổi. Hồ Chí Minh lưu loát sáu thứ tiếng, tôi sành bốn, tuy mỗi tiếng chỉ thuộc khoảng năm, sáu chữ. Nhất, nhì, xám, xây, rồi bí. Cò có là anh. Cung chúc tân xuân có nghĩa là Tao sẽ pháo kích mày. Tuy biết bà ngoại nói sai, tôi rất tế nhị, không sửa lưng. Đó là lần cuối tôi thấy bà ngoại tôi.

Trại gần bãi biển, nhiều người còn đi tắm. Có một lần, một đám lính Mỹ tắm khoả thân. Cà nhông, họ nhảy xuống, rồi trèo lên một cái phà nho nhỏ, chỉ cách bờ khoảng 30 mét. Trên bãi, đàn ông và đàn bà, già, trẻ, lớn, bé, người Việt Nam ta. Ta có nghĩa là mình. Mình khác, họ khác, và ít nhất trong trường hợp này, cả hai bên, hai phe, đối chiếu nhau, đều nghĩ vậy. Lắm khi, ta, bất cứ ta nào, còn coi họ không hẳn là người. Thời chiến tranh, một lính Mỹ lỡ thấy một thiếu nữ Việt tắm sau nhà tại thôn quê. Giật mình, cô che người lại. Kể chuyện này, anh bảo anh ngạc nhiên cô này biết ngượng. Anh ngạc nhiên người Việt mình biết ngượng. Trong Nỗi Buồn Chiến Tranh, Bảo Ninh tả đám lính Mỹ hiếp dâm, rồi giết Hoà, một cô bộ đội, “bọn Mỹ xô tới, vây xúm lại, trần trùng trục, lông lá một bầy như những con đười ươi, phì phò thở, giằng giật, nặng nề hộc rống lên.”

Sau Guam, tôi ở trại tị nạn Fort Chaffee, Arkansas, hai tháng, rồi đến Tacoma, Washington, vì được một vợ chồng Việt Mỹ bảo lãnh. Rồi họ cũng lãnh luôn cha tôi, đến từ một trại tị nạn Hồng Kông. Cô Annette nửa Anh, nửa Hoa, nhưng sinh tại Việt Nam. Cha cô kèm tiếng Anh cho tôi tại Sài Gòn, còn chồng cô là một thiếu tá Mỹ, đã nã đạn tại Việt Nam. Dĩ nhiên có chồng thì Annette đã thành bà, nhưng tôi quen miệng, cứ gọi là “cô.” Hơn nữa, cô trẻ lắm. Thậm chí, Annette còn học trung học. Sau này, tôi nghe nói cô bỏ gã chồng già.

Tôi nhớ cha tôi hay đùa với cô Annette, làm chồng cô nhăn mặt, nhưng khi sau này, mãi sau này, tôi kể lại chuyện xưa, cha tôi giận lắm, bảo làm gì có điều đó! Tại Fort Chaffee, tôi cũng gặp cô Hương, thầy kèm phổ thông và dương cầm cho tôi, và cả em tôi nữa, nhưng tôi nhớ cô chẳng thân mật cho lắm. Không còn là nhân viên của cha tôi, cô khỏi phải giả vờ quý mến bọn tôi.

Nếu là cô Hương, chắc tôi cũng chẳng ưa gì cha con nhà tôi. Có lẽ tụi tôi cũng trơ, chướng và đắc chí như những bọn có tiền khác. Đã vậy, lại thiếu văn hoá. Sự thật như vầy: Cha tôi nhà quê, lớn lên tại Bùi Chu, học hành trễ, nhưng sau khi xuống Sài Gòn, đã tự lập, thành công, nên khá phè phỡn. Lúc không đánh mạt chược, ông chơi tennít. Có lần cha con tôi ăn tại tiệm Pháp với một linh mục. Thấy cha tôi khua, khều lung tung, gai mắt quá, ông linh mục bèn thốt, “Anh Châu phải dạy thằng nhỏ cầm dao nĩa đàng hoàng đi chứ! Để nó quen ăn uống lịch sự.” Điếc cú móc, cha tôi phớt tỉnh. Sống trong một vũ trụ riêng biệt, cha tôi hoàn toàn cô lập. Lúc nào ông chẳng duy ngã?

Ai mà không bào chữa cho bản thân, huống chi một thằng nhà văn? Tố Hữu di chúc, “Sống cũng cho, mà chết cũng cho,” nhưng xác chưa kịp lạnh, thiên hạ đã chỉnh thành “chó.” Tuy đang vạch áo, bảo đảm tôi cũng đang vòng co làm bóng chân dung, độn gót giày, tô điểm cái mặt vượn trời ban, nhưng tôi sẽ ráng vô tư, nói toẹt. Gì thì gì, đến lúc bọn tôi dạt qua Mỹ thì tuyệt đối không còn ung dung nữa, mà mạt rệp thứ thiệt. Tại Mỹ, việc làm đầu tiên của cha tôi là lau chùi nhà thương, tuy sau này, ông cũng có tiền vô, tiền ra, nhờ chịu khó, buôn bán, còn tôi thì đã làm một lô những nghề cu li, chính vì bướng bỉnh theo nghiệp vẽ vời, viết văn rồi nhiếp ảnh. Tôi không nhà, xe, không dám đi bác sĩ hay nha sĩ. Tôi quả chỉ có hai hòn bi, tuy mỗi cái khá nặng ký.

Nghe cô Hương đã qua Mỹ, cha tôi bèn viết cô một lá thơ, không biết mò địa chỉ ở đâu, để tỏ tình, đại khái là bây giờ đất lạ, xứ người, cô có muốn ở với bọn tôi không? Làm mẹ ghẻ hai thằng nhóc mắc dịch? Cô mỉa mai trả lời, nạt cha tôi thậm tệ, bảo ông là một người lãng xẹt, nên mới cả gan, khơi khơi nói bậy. Ông cho tôi xem lá thơ, bảo, “Bây giờ họ khi mình đến vậy đấy!”

Cô Annette đã có chồng, cô Hương không thèm làm mẹ cùi, má hủi, bu rữa cho bọn tôi, vậy thì chỉ còn chị Hà, người thư ký. Sau ba tháng tại nhà cô Annette, tụi tôi đã ra ở riêng. Chị Hà không yêu cha tôi, thậm chí không từng muốn ăn nằm với ổng, nhưng vì bị kẹt một mình tại xứ lạ, nên bất đắc dĩ phải lấy một người gấp đôi tuổi, với hai đứa con riêng. Trước khi cưới, cha tôi làm bả có bầu. Hốt hoảng, bả tìm cách sống riêng, nhưng không biết đi đâu, bèn chui đại vào một nhà dòng, rồi ở đó cũng không ổn, lại phải mò ra, trở lại với cha tôi. Số phận này, bả vừa ngậm, vừa thét từng ngày, nghe điếc cả tai.

Ngày cưới, bà mặc áo trắng như vẫn còn trinh, và cũng đến nhà thờ, vì hôm đó Chủ Nhật. Bà đạo Phật, nên không biết rằng ngoại đạo không được rước lễ, nhưng cha tôi lại chẳng thèm dặn, khiến cô dâu bị linh mục từ chối bánh thánh trước mặt thiên hạ. Lại thêm một tổn thương trong cuộc hôn nhân đặc biệt vô duyên này.

Loài đực thì chỉ muốn truyền cái gien của mình, cái tôi, tôi riêng biệt, càng nhiều càng tốt. Cấy thôi, khỏi cần nuôi. Bầu nặng, đẻ đau, rồi lại phải chăm sóc con, loài cái phải chừng mực hơn. Một con sư tử mạnh có cả chục vợ như chơi, nhưng những con sư tử yếu thì phải ở nhà, thủ dâm, làm thơ kiểu Hàn Mặc Tử. Nhờ xem truyền hình nên tôi biết những điều sắc sảo này.

Ở Việt Nam, cha tôi là một loài sư tử, hay ít nhất tôi tưởng vậy. Sang Mỹ, ông chợt biến thành một con mèo hoang, nhìn lông xơ xác. Không có bà xẩm hay con ở, ông phải tự nấu nướng. Khi lửa nhảy từ bếp ga lên chảo nóng, ông hốt hoảng, giội nước làm phỏng tay. Đau quá, ông rên xuyên đêm.

Cha tôi nhận xét, “Con nít Mỹ đứng thẳng hơn con nít Việt Nam, đi thẳng hơn con nít Việt Nam.” Và, “Người Mỹ gọi đàn bà là ‘baby’ thật là đúng. Đàn bà ấu trí lắm. Như em bé vậy!” Ông không hiểu đàn bà Mỹ cũng gọi đàn ông là ‘baby,’ nếu cưng. “Baby” tương đương với “cưng.”

Cha mẹ tôi ly dị ở Sài Gòn. Trước 75, cha tôi làm luật sư, dân biểu, cảnh sát, rồi lại luật sư. Mẹ tôi yêu ông tài xế của cha tôi. Hồi đó, cha tôi có lăng nhăng không, tôi chẳng biết, nhưng sau này tôi có nghe ông nói, “Đàn ông thì phải hào hoa.” Rồi, “Đàn bà như con khỉ. Mình mà đùa với nó thì nó sẽ trèo lên đầu mình.” Ông cũng đắc chí kể về ông Liêm. Vợ ông Liêm thoáng thấy chồng mình với một con nào đó ngoài đường, nhưng khi bị chất vấn, ông Liêm dứt khoát quát, “Không! Đó không phải là tôi!”

Khi ly dị, tôi theo cha, còn em tôi, tên Phong, ở nhà kêu là Cún, theo mẹ, nhưng mẹ tôi chỉ giữ thằng Cún cỡ nửa năm, rồi để cha tôi lãnh luôn. Đã có chồng mới thì đeo con cũ làm gì? Hơn nữa, hạnh phúc cá nhân trên hết, phải không nào? Bài học này, tôi sẽ nhớ hoài. Đứa con nít không có quyền lựa chọn bất cứ gì. Nếu may mắn, nó được sinh ra trong gia đình tử tế, tại đất nước bình an, nhưng chỉ được một đã là khó. Nó có thể bị đánh đập hay bỏ rơi, thậm chí bị hiếp dâm bởi chính cha nó. Mẹ nó có thể ép nó làm đĩ, “để giúp gia đình.” Lấy thằng Đài Loan tàn tật đi con! Lấy thằng Việt Kiều cú đế! Xét đi, xét lại, cha mẹ tôi chẳng có gì đáng kể, nhưng tôi chỉ lải nhải vì tôi là một kẻ vò văn lắm mồm.

Đến năm 1978, tụi tôi đã dọn xuống San Jose, để sống trên một con đường cụt chĩa thẳng vào bãi rác khổng lồ. Người Việt gọi Locke Drive là Xóm Rác. Vừa ra cửa, tôi thấy rác, và nằm trong nhà, mà hở cửa sổ, tôi hít kỹ mùi phế thải. Những thứ rác rưởi trong tâm, trong trí chưa đủ, con người còn phải thường xuyên dúi mặt vào những món thối nát, dơ dáy hay gớm ghiếc cụ thể để hiểu thấu ẩn ý cốt truyện. Truyện nào cũng như truyện nào, cũng chỉ có một tựa là “Rữa.”

Qua Mỹ đã 43 tuổi, cha tôi ráng học lại luật nhưng không vô, không sao thi đậu nổi, nên bây giờ bèn mở tiệm chạp phô trong ga-ra nhỏ tí. Ông cũng nuôi vịt và bồ câu để bán cho đồng hương trong Xóm Rác. Dọn đất, ông đốt đại một lô cây bụi trong vườn sau, suýt nữa làm cháy rụi vài căn. Hên là cứu hỏa chữa kịp thời. Để cha tôi khỏi tội, một hàng xóm người Puerto Rico, ông Angelo, đánh lạc hướng, đổ lỗi con nít đốt pháo. Cha tôi phớt tỉnh. Ông đào ao, thả vịt cạc cạc. Khách chỉ con nào, tôi vồ con nấy.

Tôi học Trung Học Andrew Hill. Trường này một nửa là Mễ, rồi khoảng 15% trắng, 15% Á Châu, 10% đen, còn phần còn lại tạp nhạp. Hồi đó, đa số người Việt nghèo lắm, lại chưa quen văn hoá Mỹ, nên thường ăn mặc rất cù lần, nhưng riêng tôi, và thằng em tôi, thì còn lập dị hơn ai hết. Để tiết kiệm, cha tôi không cho bọn tôi đi hớt tóc tiệm, mà phảng đại tại nhà. Nhìn đầu tôi, đám Việt Nam cũng phải cười lòi ruột, huống chi Mỹ.

Biến cố 75 gây điêu đứng cho cả chục triệu người, bao nhiêu bà vợ phải xa chồng, bao nhiêu gia đình phải tan nát, nên việc tôi phải sống với một bà mẹ ghẻ cộc cằn, la hét liên miên, là một điều quá nhỏ nhoi. Tôi không kể chuyện này để so sánh cái nhói tí ti của tôi với cái đau tận tủy của bạn, nhưng vết thương nào, dù vặt cách mấy, cũng phản ánh sự tổn thương tuyệt đối, cuối cùng, cũng như mùi thum thủm nào, dù chỉ phảng phất, cũng đủ làm ta nhăn mặt.

Đã mấy chục năm tôi sống tại Philadelphia, nhưng trước đây, thỉnh thoảng tôi cũng về San Jose, thăm ông già, tuy lần nào tôi cũng bị mợ cùi tôi chửi. Chỉ nhìn mặt tôi thôi là bà nổi điên, vì tôi biểu tượng cho cuộc đời hẩm hiu, bạc phước của bả. Thấy tôi cầm đũa tại bàn ăn, bà thét, “Ông thấy nó cầm đũa như vậy mà chịu nổi! Sao nó cầm đũa kỳ cục vậy!” Lúc đó tôi hơn ba chục, và dĩ nhiên đã cầm đũa cả đời. Thậm chí, nếu có cơ hội, tôi sốt sắng dùng đũa để giải sầu, hủy tủi cho bu hủi sấu xố của tôi, nhưng lúc đó tôi chỉ muốn bà câm mồm để tôi được yên tĩnh nhai cơm. Tôi nhìn cha tôi, xem ông phản ứng ra sao, nhưng ông đã nhão nhẹt từ lâu, nên chỉ làm thinh. Cha tôi êm ru.

Thôi chuyện đã rồi, mẹ loét hãy trầm lại, nằm xuống, ngang ngửa cũng vậy thôi, rồi thảnh thơi nhắm mắt. Nếu rảnh, và tình cờ tạt ngang, tôi sẽ hầu quạt, đặt một đoá hoa.

 

 

 

---------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021