thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Văn phong: xuất phát điểm và lạc thú của cuộc viết
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn
 
Lời người dịch:
Văn bản dưới đây được trích dịch từ bài phỏng vấn có nhan đề "Jeu du kaléidoscope" ["Trò chơi của ống kính vạn hoa"] do Jean-Louis Ézine thực hiện cho tờ Les Nouvelles Littéraires (Janvier 13, 1975). Trước đó hai năm, Roland Barthes đã tung ra cuốn Le plaisir du texte [Lạc thú của văn bản] (Paris: Editions du Seuil, 1973), và cuốn ấy đã được giới phê bình xem là một trong những tác phẩm lớn của thập kỷ 70.
 
Nhan đề "Văn phong: xuất phát điểm và lạc thú của cuộc viết" là do người dịch đặt ra.

 

ROLAND BARTHES

(1915-1980)

 

Roland Barthes là một trong những triết gia, lý thuyết gia và phê bình gia văn học nghệ thuật gây ảnh hưởng lớn trong thế kỷ 20. Ông tốt nghiệp khoa văn học cổ điển (1939) rồi khoa văn phạm và triết học (1943) tại đại học Paris. Sau một thời gian dạy văn học Pháp tại một số đại học ở Rumania và Ai-cập, ông về Pháp, làm việc tại Centre National de la Recherche Scientifique (1952-1959), nơi ông nghiên cứu về xã hội học và từ vựng học. Năm 1976, ông được mời làm giáo sư về ký hiệu học văn chương tại Collège de France, và giữ chức vụ ấy đến khi qua đời (1980).
 

____________

 

VĂN PHONG: XUẤT PHÁT ĐIỂM VÀ LẠC THÚ CỦA CUỘC VIẾT

 

Có vẻ như ông đang gắn cái lạc thú, thậm chí cái "khoái khẩu" của ngôn ngữ vào một dự án khoa học nghiêm túc — ký hiệu học —, và việc thể hiện văn phong dường như vượt qua cả việc thực hành khoa học trong tác phẩm của ông.

 

Anh nói về văn phong như thể nó là một sự trang trí đẹp đẽ nhưng không cần thiết. Tôi không đồng ý. Văn phong là một cuộc mạo hiểm rất phức tạp. Suốt nhiều thế kỷ, việc thể hiện văn phong đã từng bị gạt ra khỏi những ý thức hệ cũ kỹ không còn hiện hành trong thời chúng ta nữa. Nói gì thì nói, cái mà chúng ta gọi là viết — công việc của cái tổng thể tác phẩm mà chính nó làm mồi nhử cho ngôn ngữ — phải đi xuyên qua văn phong. Luôn luôn có một chặng thuộc về văn phong trong công việc viết. Thậm chí công việc viết còn bắt đầu với văn phong, mà văn phong thì không phải là cái gì được viết cho khéo. Như tôi đã nói trong Le degré zéro de l'écriture [Độ Không của Viết], văn phong được biểu lộ từ chiều sâu của tổng thể tác phẩm, và không thể bị rút gọn thành một thứ khát vọng thẩm mỹ vặt vãnh để làm dáng.

 

Nhưng ông có một sở thích rõ rệt trong việc chế tạo những từ ngữ mới và các ẩn dụ...

 

Đúng thế, tôi thú nhận điều đó.

 

Tôi sẽ không đi quá xa để nói rằng tôi sẽ chẳng ngạc nhiên nếu ông đã tham gia vào nhóm Oulipo [một nhóm văn chương do Raymond Queneau và Georges Perec thành lập trong những năm 50], nhưng tôi vẫn nghĩ rằng...

 

Không, nhưng viết thì rất thú vị, đừng quên cái phương diện đó. Phong cách văn chương hiển nhiên là một thứ lạc thú của cuộc viết. Hồi nãy chúng ta nói về sự thông tri — bây giờ tôi sẽ thử quay ngược lại chỗ đó và nói từ quan điểm thông tri: trong tình trạng hiện thời của nền văn minh và văn hoá của chúng ta, một văn bản được viết ra với sự trợ lực của văn phong thì có cơ hội tốt hơn để thông tri, vì văn phong là một công cụ của việc truyền bá và gây tiếng vang. Văn phong phải được chấp nhận, ít nhất là từ một quan điểm chiến thuật... Tôi từ chối bị mắc bẫy ở giữa hai vế đối lập mà một bên là văn phong, còn bên kia là cái gì đó nghiêm trọng hơn. Cái gì nghiêm trọng thì phải ở trong cái biểu đạt, nghĩa là, ở trong cái văn phong, bởi vì đó là xuất phát điểm của cuộc viết.

 

 

Tác phẩm của Roland Barthes đã đăng trên Tiền Vệ:

Một khung cảnh cực kỳ tàn nhẫn  (nhận định sân khấu) 
Thế giới chuyên nghiệp của sân khấu là một thế giới rất khó khăn, rất bất thường; mọi thứ ở đó đều được thực hiện trong một khung cảnh cực kỳ tàn nhẫn, và trong thời gian kỷ lục... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021