thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Biên bản

 

Tôi có ý định viết một vở kịch theo hình thức “Chat” giữa nhiều người cùng lúc. Nghĩa là có nhiều nhân vật và nói những chuyện khác nhau, không liên quan đến nhau. Nhưng thay vì những cửa sổ trên máy vi tính để “Chat” là những cái chuồng treo trên cây. Trong mỗi chuồng là một nhân vật.

 

 

Tuy nhiên, tôi nói với ông bạn nhà thơ H, “Tôi chưa tìm được đường dây câu chuyện để bắt đầu.”

Dù thế, tôi không thể nào không viết.

Và tôi đã bắt đầu bằng câu: “Tôi có ý định viết một vở kịch...” Cũng như trước đây, tôi từng có ý định viết một feuilleton trên mạng Facebook. Tôi hy vọng sẽ nhận được các comments mỗi ngày như một sự tương tác, giống như tôi đã từng viết một tiểu thuyết mở “Em có gì bí mật, hãy mail cho anh” trên Tienve.org. Tôi cũng có ý định sau đó sẽ in lại thành sách với tất cả các comments như nó đã diễn ra. Đấy cũng sẽ là một tác phẩm tương tác. Nhưng rồi tôi buộc phải bỏ ngang dự án đó, dù đã công bố trên trang Facebook của mình.

Tôi không có ý định giải thích lý do sự bỏ ngang đó.

Và tôi cũng đã bỏ, không viết gì thêm trên Facebook nữa.

Dù thế, tôi không thể nào không viết một cái gì khác.

 

B nói với A:

Em không muốn gặp anh nữa.

A nói với B:

Trong tình cảnh này thì chúng ta có gặp nhau hay không cũng không khác gì nhau.

B nói với E:

— Tối nay mình ngủ với nhau nhé.

E nói với B:

— Ừ, mình sẽ nghĩ về nhau thật nhiều.

B nói với E:

— Không chỉ nghĩ thôi mà mình sẽ làm tình với nhau.

E nói với B:

Em sẽ luôn ngước mắt về phía chị.

A nói với C:

Tôi cam kết với các anh là tôi sẽ không viết gì nhạy cảm.

A nói với D:

— Tôi với ông đi rửa mắt chứ?

D nói với A:

— Chẳng được tích sự gì. Chỉ tức dái thêm. Nhưng không đi theo ông thì cũng chẳng biết làm gì.

A nói với B:

— Thời gian hoang vu trên mặt đất.

B nói với A:

— Vớ vẩn.

A nói với D:

— Đó là tất cả những gì chúng ta phải làm. Cái đẹp tàn sát thế giới.

B nói với E:

— Chị sẽ cho em uống nước của chị.

E nói với B:

— Em muốn hôn chị quá.

A nói với C:

— Tôi cam kết với các anh là sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu còn tiếp tục chống Trung Quốc xâm lược.

D nói với A:

— Chúng ta không có gì để làm ngoài việc kiếm tiền và đi tìm gái?

A nói với D:

— Dường như vấn đề của mỗi người là những trải nghiệm cá nhân. Tôi không tin vào các giá trị phổ quát.

D nói với C:

— Tôi không tin các anh, bởi vì các anh chỉ là nhãn hiệu của một sản phẩm đã hết hạn sử dụng.

E nói với B:

— Em vừa mới viết xong kịch bản event ra mắt công cụ diệt chuột của bọn Đài Loan. Thú vị lắm.

B nói với E:

— Ừ. Cứ tàn sát là vui.

D nói với A:

— Thật ra, mọi niềm tin đều có tính áp đặt.

E nói với B:

— Hôm qua chị đã giết em đến hai lần. Cạn cả linh hồn.

B nói với E:

— Nhưng chị đã không thể nào uống được nước nguồn của em. Dường như cảm xúc cũng chỉ là tưởng tượng.

A nói với B:

Chỉ có cái cũi này là thật. Và nó ngăn cách chúng ta với thế giới. Mọi cái nhìn ra bên ngoài luôn mang tính điều kiện và nó biến chúng ta thành thừa thãi, vô nghĩa.

D nói với A:

— Thật ra, tôi vẫn cảm nhận được mưa gió. Và mưa gió làm cho chúng ta trở nên trần truồng, cô độc.

A nói với D:

— Tôi vẫn luôn luôn trần truồng. Và mưa gió làm cho tôi thấy rõ hơn sự trần truồng của mình.

E nói với B:

— Chị ơi, em nhớ chị.

B nói với E:

— Chị cũng nhớ em.

B nói với C:

— Ông đừng nhìn chúng tôi được không?

E nói với B:

— Em không quan tâm đến người lạ. Em chỉ muốn kiếm được nhiều tiền và nuôi chị. Em sẽ nuôi chị.

D nói với A:

— Thật ra, tôi muốn nói tới cảm thức khánh tận. Cảm giác mất sự che chắn an toàn.

A nói với D:

— Chúng ta bị lột hết áo quần và làm rỗng linh hồn.

E nói với B:

— Chị đã mang đến cho em niềm hy vọng và biết sống để làm gì. Em yêu chị và chỉ yêu chị mà thôi.

B nói với E:

— Vì thế cần phải diệt chuột, đúng không?

E nói với B:

— Kìa chị? Chị coi thường em.

B nói với E:

— Chị đùa mà.

D nói với A:

— Đó là vấn đề quan điểm.

 

Huế, năm 1968. Khi ấy ông H làm cán bộ đội tuyên truyền, nhìn thấy người bạn bị trói cùng với một đám “nguỵ quân, nguỵ quyền”, H hỏi T: “Sao ông lại ở đây?” T bảo: “Tôi cũng không biết tại sao.” H nói với người chỉ huy: “Anh này là người của chúng tôi.” T được thả ra và sung vào nhóm đào công sự cho bộ đội Thanh Hoá. Mồ hôi chưa đổ bao nhiêu, một quả pháo rơi xuống, T bị thương và được chuyển về hậu phương chữa trị, nghiễm nhiên trở thành một chú thương binh bộ đội Cụ Hồ, thuộc tỉnh đội Thanh Hoá.

Cuộc tổng nổi dậy và tấn công Mậu Thân thất bại, H cũng phải bỏ Huế chạy ra miền Bắc.

Đấy là một chiến trường khác, không súng đạn nhưng cũng không kém phần máu me của thân phận trí thức.

Họ đã thoát chết. Bây giờ cả hai đều là bạn tôi.

Tôi hỏi H này và một H khác cũng từng là sinh viên tranh đấu ở các đô thị miền Nam: “Theo chỗ tôi thấy, hình như đám tranh đấu các ông không được mấy trọng dụng sau ngày chiến thắng?”

H bảo: “Đó là vấn đề quan điểm.”

Nhưng H khác kể tôi nghe câu chuyện này: “Sau ngày giải phóng, ông Lê Đức Thọ vào Sài Gòn, ông nói với các đồng chí của mình về những người trí thức miền Nam theo Cộng sản, đại ý: ‘Bọn tiểu tư sản trí thức này không tin được. Rồi cũng sẽ có ngày chúng nó quay lại chống mình’.”

H bảo: “Khi tôi ở miền Bắc, tôi đã chứng kiến cái cảnh kiêu binh của bọn bần cố nông, tức cái đám bần cùng dốt nát nhưng được xem là cốt cán của chế độ. Cũng như tôi đã thấm đòn thân phận trí thức và nhận ra sự đểu cáng tột cùng của cái cơ chế bần cố nông kiêu hùng làm chủ đó.”

Tôi nói: “Và rồi đúng theo quan điểm lý luận về giai cấp. Thằng tiểu tư sản trí thức như ông đã quay lại chống đảng?”

H trầm buồn: “Dường như nhuệ khí trong đời của mỗi người cũng chỉ có cơn thôi.”

Một H khác cũng nói: “Cái thời của chúng tôi đã qua rồi.”

Tuy nhiên, một lần H khác lại nói: “Không thể im lặng.”

Thời gian T ở miền Bắc sống thoải mái nhờ vẽ minh hoạ cho các báo nhưng cũng có lúc khốn đốn vì bị nghi ngờ làm gián điệp. May mắn được Tố Hữu khen tài nên thoát nạn. Sau ngày giải phóng, cả T và H đều bị cấm không cho vào Nam. Nhưng T trốn qua ngả chiến trường Campuchia. Còn H trốn bằng cách bỏ việc. Sau đó T chạy tiếp đến nước Mỹ. H trở thành con người tự do với những tác phẩm không được định hướng xã hội chủ nghĩa.

Những con người của tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa cũng đã đang biến đổi theo chiều hướng tư sản hoá.

T viết: “Tôi đã đi trên mặt đất bằng những giấc mơ, nhưng đôi khi tôi cũng bị giấc mơ lừa dối. Tuy nhiên, tôi vẫn yêu những giấc mơ và đi theo nó. Dù tôi biết có thể tôi tiếp tục bị lừa dối.”

Giấc mơ của T chỉ là những người đàn bà. Và T vẽ chân dung họ qua hình tượng những con mắt.

 

A nói với D:

— Con người vẫn tự vẽ bùa cho mình.

B nói với A:

— Em không tin anh.

A nói với B:

— Vì thế em đã không yêu anh. Điều ấy cũng chẳng hề gì. Vấn đề của anh là em đang tồn tại và anh yêu sự tồn tại đó. Đó là điều duy nhất có ý nghĩa.

E nói với B:

— Những giấc mơ của em là đôi chân. Nhưng làm sao chúng ta có thể đi?

B nói với E:

— Hãy giấu đôi chân vào trong hĩm.

E nói với B:

— Ôi chị, em còn giấu khối thứ trong đó nữa.

D nói với A:

— Ông định nói đến những con người trí thức?

A nói với D:

— Xã hội này không đào tạo ra con người trí thức. Nó chỉ tạo ra các công cụ sản xuất.

D nói với A:

— Vậy thì cái bùa mà ông nói là cái gì?

A nói với D:

— Đó là sự huyễn hoặc, ảo tưởng...

E nói với B:

— Đôi khi, những giấc mơ cũng làm em ngạt thở.

B nói với E:

— Chị chỉ thấy cái hĩm nghẹt thở.

E nói với B:

— Chúng ta tự do mà.

B nói với E:

— Không phải vì chúng ta có quá nhiều tham vọng, mà vì cái chúng ta tưởng là tự do kia thật ra chỉ là sự sa đoạ của trí tưởng tượng.

D nói với A:

— Cái mà qua đó chúng ta có thể sống được, phải chăng chính là sự huyễn hoặc?

A nói với D:

— Cái mà chúng ta quen gọi chủ nghĩa hiện thực, chính là nó.

E nói với B:

— Chị đừng nhìn lên trời. Hãy quay nhìn em nè.

B nói với E:

— Chị vẫn nhìn em và tự hỏi, liệu chúng ta có thật sự hạnh phúc?

E nói với B:

— Em sung sướng, hạnh phúc. Chẳng phải chị cũng vậy sao?

B nói với E:

— Chị không biết.

E nói với B:

— Sao chị lại không biết?

B nói với E:

— Chị không biết thật mà.

E nói với B:

— Hay chị yêu A?

B nói với E:

— Không, chị yêu em.

E nói với C:

— Tôi chọc mù mắt ông bây giờ đó.

 

Văn phòng làm việc của H khác bị ném hai quả bom xăng theo đúng kiểu bom tự chế mà H này khi xưa đã từng sử dụng để “chống Mỹ cứu nước.” Tôi cười khà khà khi nghe H khác kể. Ai biểu ông “chống Tàu cứu dân” làm chi? H bảo: “Thật ra, tôi không lo bọn Tàu xâm lăng bằng việc trang bị tư tưởng gì cho thanh niên ngày nay.”

H cũng cười. Đã có Đảng và Chính phủ lo. Bộ Giáo dục đã soạn dự án phổ cập tiếng Hoa cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở.

 

D nói với A:

— “Thôi rồi Lượm ơi.”

A nói với D:

— Thôi rồi đồng chí Lê Duẩn kính mến.

B nói với A:

— Thôi rồi cái hĩm của em.

E nói với B:

— Bác Mao chỉ thích hĩm teen chị ạ.

B nói với E:

— Bác ấy tin vào thuật trường sinh.

D nói với A:

— Tôi cảm thấy tuyệt vọng.

A nói với D:

— Tôi không tin vào điều gì, sự diệt vong nếu có cũng sẽ là tất yếu khi mầm mống suy tàn mọc lên.

D nói với A:

— Suy tàn là vấn đề nội tại.

 

Bộ Giáo dục đã tự điều chỉnh dự án phổ cập tiếng Hoa thành môn tự chọn sau một ngày được công bố chính thức trên báo chí. H bảo: “Người Trung Quốc duy vật và thực dụng, vì thế Khổng Tử vẫn là người thày muôn đời của họ. Người Việt Nam theo chủ nghĩa cơ hội vì thế không có bản sắc và văn hoá luôn bị đứt quãng bởi những biến cố lịch sử.” H khác nói, “Và lịch sử để lại những khoảng trống chết người, vì thế tôi lo.” H bảo: “Chẳng có quái gì phải lo, lịch sử sẽ lại cho chúng ta một cơ hội khác để tiếp tục tồn tại.” H khác nói, “Tôi sợ rằng chúng ta không còn cơ may đó nữa.” H bảo, “Đã qua cái thời chỉ có cái loa trên ngọn cây hay cột điện và nghe đọc báo Đảng trong cơ quan đầu giờ làm việc.”

 

A nói với C:

— Tôi cam kết không vi phạm thuần phong mỹ tục.

D nói với A:

— Ông mắc cái chứng gì mà cam kết hoài vậy?

A nói với D:

— Đấy là hội chứng ung thư tiền liệt tuyến.

E nói với B:

— Hôm qua C tấn công em.

B nói với E:

— Nó làm gì em?

E nói với B:

— Nó dí cái ấy vào mặt em.

B nói với E:

Nó bắt em bú à?

E nói với B:

— Đại khái vậy.

B nói với E:

— Sao em không cắn cho nó hết đường đái?

E nói với B:

— Làm sao em cắn được nó?

B nói với E:

— Ừ, mình chẳng làm gì được nó.

D nói với A:

— Cơ thể ông bị liệt kháng.

A nói với D:

— Hết thuốc chữa rồi.

D nói với A:

— Ông nên gặp các H.

A nói với D:

— Không. Đây là vấn đề nội tại.

 

Dường như thời kỳ hậu cách mạng xã hội chủ nghĩa này đang tạo ra một tầng lớp con người mới với tất cả mọi khí chất của giai cấp tiểu tư sản trí thức, đồng thời tạo ra một thứ giai cấp mới của các nhóm lợi ích. Trong khi tầng lớp trí thức mới vẫn còn đậm chất lãng mạn tiểu tư sản cũ với những lý tưởng mang tính cộng đồng và phản tỉnh về sự độc lập của mình, thì giai cấp mới của các nhóm lợi ích lại càng phản động hơn với chính ngọn cờ của bọn chúng. Bọn giai cấp mới này duy trì bảo vệ đặc quyền đặc lợi của chúng bất chấp nhân tính và quyền lợi dân tộc.

H khác bảo: “Cái bản chất vô tổ quốc và phi nhân tính của bọn chúng thì đã rõ rồi. Hãy để đấy. Điều tôi quan tâm bây giờ là đường đi của thế hệ tự thức. Họ không có gì ngoài một trái tim nóng và họ không ngừng bị khủng bố, bắt bớ.”

H nói: “Xem ra tiếng nói của các tổ chức nhân quyền và các chính phủ Tây phương không bằng cái bánh vẽ của con cháu Khổng Tử.”

 

B nhắn tin cho A:

— Haizza.

A nhắn lại cho B:

— Anh đã tiến gần tới ngôi mộ của mình rồi.

B nhắn cho A:

— Đừng tự kỷ như thế. Trong chúng ta đều có sẵn một ngôi mộ.

A nhắn cho B:

— Hơi bị sến.

B nhắn cho A:

— Không phải là anh đã nói đó là vấn đề nội tại?

A nhắn cho B:

— Tất nhiên. Nhưng anh cũng đang nhìn thấy nó ở phía trước.

D nhắn cho A:

— Tôi cũng đang nhìn thấy nó.

A nhắn cho D:

— Hùng vĩ và nhỏ nhoi.

D nhắn cho A:

— Tôi có cảm giác đó là bữa tiệc một mình. Thịnh soạn và lẻ loi.

E nói với B:

— Em không nhìn thấy gì cả.

B nói với E:

— Đó là sự thấu thị.

E nói với B:

— Ờ, mà thấu thị hay không thì đó cũng là điểm đến cuối cùng.

B nói với E:

— Chính vì thế mà chúng ta không cần phải bận tâm.

E nói với B:

— Ờ, vấn đề của chúng ta là làm sao ôm được nhau.

B nói với E:

— Cho đến khi tới chỗ đó.

E nói với B:

— Chị thật đáng yêu. Em yêu chị.

B nói với E:

— Chị cũng yêu em.

 

Khi người Trung Quốc phục hồi nhân phẩm cho Khổng Tử và tôn vinh các giá trị Nho giáo cũng có nghĩa họ cổ xuý cho niềm tự hào dân tộc và một trật tự xã hội theo đạo quân thần. Nó hoàn toàn phù hợp với chủ nghĩa bành trướng Đại Hán và chế độ độc tài toàn trị đương thời. “Thế nhưng, hậu cách mạng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam có gì ngoài cái loè loẹt nhố nhăng của các lễ hội nhân danh truyền thống và sự mê tín tràn lan?” H khác đặt câu hỏi. H bảo: “Tư tưởng là hố thẳm. Không có tư tưởng cũng là hố thẳm.” H khác nói: “Những quả bom xăng hay đạn hoa cải không giải quyết được vấn đề.” H bảo: “Cuộc cách mạng hiện đại nằm trên không gian ảo. Không có học thuyết hay lãnh tụ, nó chỉ cần một mồi lửa.” H khác nói: “Tôi đồng ý với ông điều ấy có thể xảy ra. Nhưng nếu không có tư tưởng, sự việc sẽ rơi vào khủng hoảng.” H bảo: “Tư tưởng là xiềng xích như ông đã biết.” H khác nói: “Dù thế nào, người ta cũng cần niềm tin.” H bảo: “Điều cần nhất đối với toàn thể chúng ta là thái độ tự trọng. Đó là căn gốc cho mọi thay đổi và phát triển.”

 

D nói với A:

— Ông còn bay được không?

A nói với D:

— Tôi cũng không biết nữa.

D nói với A:

Những đôi cánh đã rũ liệt trong khi cơn mưa đang tới.

B nói với A:

— Mấy anh làm văn chương tức cười quá.

A nói với B:

— Thực tế là chúng ta vẫn sống trong lồng.

B nói với A:

— Nhưng có nhất thiết phải như thế không?

E nói với B:

— Con chó của chị nó kêu be be...

B nói với E:

— Hình như đấy là văn chương.

E nói với B:

— Kịch bản của em phải thuyết phục được khách hàng.

B nói với E:

— Tất nhiên. Văn chương là tiền. Ngôn ngữ là đĩ điếm.

E nói với B:

Nhưng em của chị là thiên thần.

D nói với C:

— Đừng tán tỉnh tôi.

 

Gặp lại T trong một quán nhậu ở Sài Gòn, H nói: “Đàn bà đã mở đường cho tôi đi. Và có thể là cả ông nữa.” T bảo: “Vì thế tôi đã luôn vẽ họ như một con mắt và thường để nó nằm dọc. Tôi luôn nghĩ đến một cái gì thấu suốt và tử nạn trong hình thức giống như bị treo.” H lại nói: “Đàn bà đã làm cho chúng ta tỉnh thức.” T bảo: “Đúng vậy, nếu không tôi đã chết chìm ở ngoài Bắc dạo ấy.” H khác nói: “Nhưng cuối cùng, chúng ta đều là những kẻ bị bỏ rơi.” T bảo: “Tất cả những gì tôi vẽ chỉ là hoài niệm.” H nói: “Tôi vẫn tiếp tục hướng về họ. Nguồn cứu rỗi duy nhất.” H khác nói: “Đàn bà đã chết.” H hỏi: “Vậy thì ông sống bằng cách nào?.” H khác nói: “Tôi sống bằng niềm tin. Đã qua cái thời tin vào người khác. Tôi chỉ tin vào chính mình.” H nói: “Dẫu sao, đó cũng là một cách khác của lòng tự trọng.” T nói: “Dường như bây giờ, ngay cả giới tạm gọi là trí thức cũng thiếu tự trọng?.” H bảo: “Đây là một vấn nạn văn hoá của thời đại.” H khác nói: “Gọi nó là sản phẩm của thời đại thì chính xác hơn.”

 

A nói với D:

— Tôi có một giấc mơ... tháo cũi sổ lồng.

D nói với A:

— Đó là ảo ảnh.

B nói với E:

— Cứ tin vào sự tốt lành của mình.

E nói với B:

— Chị luôn tin và yêu em đúng không?

B nói với E:

— Ừ. Chỉ còn em và chị...

A nói với D:

— Làm sao có thể sống được nếu chúng ta không được nuôi bằng những giấc mơ?

 

Một H khác nữa hỏi tôi: “Sao anh không viết về những buổi làm việc với công an?” Tôi cũng tự hỏi, mình có cần phải làm biên bản lại một lần nữa, sau cái biên bản của công an? Và tôi tìm được câu trả lời: Dù tôi viết kiểu gì, mỗi tác phẩm tự nó đã là một biên bản khác cho chế độ, cũng như cho chính mình.

 

22.3.2012

 

 

 

----------------------------------
Bấm vào đây để đọc CHUYÊN ĐỀ về NGUYỄN VIỆN

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021