|
Từ nước cộng hoà lương tâm
|
|
Bản dịch của Lê Đình Nhất-Lang
SEAMUS HEANEY
(1939~)
Seamus Heaney (đọc là “Shâymơtx Hâyni”) sinh năm 1939 gần Belfast, Bắc Ái Nhĩ Lan. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông dạy Anh ngữ tại St. Joseph’s College từ 1963 và bắt đầu viết trong thời gian này.
Năm 1966, tác phẩm chính đầu tay Death of a Naturalist (London: Faber and Faber) được xuất bản, mang lại cho ông nhiều giải thưởng như E. C. Gregory Award, Cholmondeley Award năm 1967, Somerset Maugham Award, và Geoffrey Faber Memorial Prize năm 1968.
Từ đó, Heaney di chuyển giữa Ái Nhĩ Lan, Anh, và Hoa Kỳ nhiều lần để dạy tại những đại học danh tiếng tại các nơi này, và không ngừng sáng tác. Số sách ông đã xuất bản lên tới hàng trăm. Robert Lowell coi ông là “nhà thơ Ái Nhĩ Lan quan trọng nhất kể từ Yeats.” Ðối với các nhà xuất bản Anh ngữ thì Heaney là nhà thơ được ưa chuộng nhất, vì sách của ông in hàng chục ngàn bản, và những buổi đọc thơ của ông thường lôi kéo mấy trăm người dự.
Năm 1999 ông được trao giải Nobel Văn Chương. Trong số những tác phẩm nổi tiếng của ông có các tập thơ Death of a Naturalist (1966), Door Into the Dark (1969), North (1975), Field Work (1979), Sweeney Astray (1983), Station Island (1984), The Haw Lantern (1987) viết sau cái chết của bà mẹ, Seeing Things (1991) sau cái chết của ông bố, The Midnight Verdict (1993), The Spirit Level (1996), Open Ground (1999); các bản dịch Laments: Poems of Jan Kochanowski (1995) dịch cùng với Stanisław Barańczak, Beowulf (2000) dịch từ tiếng Ái Nhĩ Lan; tập tiểu luận Homage to Robert Frost (1996) viết chung với Joseph Brodsky và Derek Walcott.
Thơ của ông chủ yếu đào sâu vào quá khứ của dân tộc và vùng đất Ái Nhĩ Lan, dày đặc những miêu tả về cái chết và nỗi buồn mất mát người thân và bạn bè. Ông nhận ảnh hưởng của các nhà thơ Robert Frost, Ted Hughes, Gerard Manley Hopkins, William Wordsworth, Thomas Hardy, và cả Dante.
Từ nước cộng hoà lương tâm
I
Khi tôi đáp xuống nước cộng hoà lương tâm
quang cảnh yên tĩnh đến độ khi động cơ ngưng
tôi nghe được một con chim mỏ nhát[1] bay cao trên phi đạo.
Bên di trú, thư ký là một ông già
trưng ra một cái ví lấy trong áo choàng vải thô
và cho tôi xem một tấm ảnh của ông tôi.
Người đàn bà bên quan thuế yêu cầu tôi khai
từng chữ trong những lời nguyền rủa và phù chú cổ truyền của ta
để trị chứng ngu và phòng ánh mắt độc ác.
Không phu khuân vác. Không thông dịch viên. Không tắc xi.
Ai nấy mang gánh nặng của chính mình và chẳng mấy chốc
những triệu chứng đặc quyền đang bám vào mình biến mất.
II
Nơi đó sương mù là điềm gở nhưng sấm chớp
báo hiệu điều lành cho mọi người và các cha mẹ treo
trẻ sơ sinh quấn tã trên cây trong những cơn dông.
Muối là chất khoáng quý hiếm của họ. Và vỏ ốc
được áp lên tai trong giờ sinh nở và trong đám ma.
Nền của mọi loại mực và chất màu là nước biển.
Biểu tượng thiêng liêng của họ là một con thuyền ước lệ.
Buồm là một cái tai, cột một cây bút đứng nghiêng,
thân một hình miệng, lườn một con mắt mở.
Trong lễ nhậm chức của họ, các lãnh tụ của dân
phải thề duy trì luật pháp bất thành văn và khóc
để chuộc tội kiêu ngạo khi nắm chức vụ —
và để khẳng định đức tin rằng mọi sự sống phát sinh
từ muối trong nước mắt do ông trời khóc xuống
sau khi ông mơ thấy nỗi cô đơn của mình là vô tận.
III
Tôi trở về từ nước cộng hoà liêm khiết ấy
với hai cánh tay xuôi vừa vặn, vì bà quan thuế
nhất định chỉ cho tôi mang theo chính mình.
Ông già đứng dậy nhìn soi vào mặt tôi
rồi nói đã là điều nhìn nhận chính thức
rằng tôi bây giờ là công dân song tịch.
Do đó, ông muốn tôi khi trở về nhà
tự coi mình như một đại diện
và nói tốt cho họ trong ngôn ngữ của chính tôi.
Các toà đại sứ của họ, ông nói, ở khắp nơi
nhưng hoạt động độc lập
và không đại sứ nào được giải nhiệm bao giờ.
-------------
Nguồn:
Bài thơ tiếng Anh “From the Republic of Conscience” trong tập thơ The Haw Lantern (New York: Noonday Press, 1989)
_________________________ [1]curlew: một giống chim mỏ dài (tra cứu thêm: http://en.wikipedia.org/wiki/Curlew) |