thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
13 bài thơ
Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường
 
 
BENJAMIN PÉRET
(1899-1959)
 
Benjamin Péret (1899-1959) là một nhà thơ lớn của trường thơ siêu thực Pháp. Thơ Péret bông đùa, hồn nhiên, tươi mát. Đối với ông, thơ chỉ là một "trò chơi lớn" nhưng Péret không chơi "vụng yêu" (Apollinaire) mà cũng chẳng "thấu thị" "biến đổi cuộc đời" (Rimbaud). Đạo diễn Luis Bunuel: "Với tôi, Benjamin Péret là nhà thơ siêu thực bậc nhất: sự tự do hoàn toàn của cảm hứng trong suốt, từ nguồn tuôn ra, không có mảy may cố gắng văn hóa và tạo dựng ngay tức khắc một thế giới khác. Năm 1929, với Dali, chúng tôi đã đọc to vài bài thơ trong tập Le grand jeu (Trò chơi lớn) và có lúc hai đứa tôi đã cười bò lăn ra đất... Péret là một nhà thơ siêu thực ở dạng thái hồn nhiên, tinh khiết trước mọi thỏa hiệp." Robert Benayoun, trong lời dẫn nhập cho thi tập Le grand jeu của tủ sách Poésie / Gallimard: "Péret thực hành thơ như người ta nốc một cốc rượu vang, vuốt ve (một cách vô tình) một bàn tay bạn; và để nhại anh: như người ta nhảy mũi."
 
Sinh tại Rezé (Loire Atlantique, Pháp) ngày 4 tháng Bảy 1899, con người "cổ sơ" này đã hiến trọn đời mình cho chí hướng siêu thực và cách mạng — cách mạng siêu thực và cách mạng xã hội —, được André Breton coi như chiến hữu thân cận và trung tín nhất. Peret sử dụng lối viết tự động với nhiệt tình, thường xuyên và tự nhiên, làm nẩy sinh những hình ảnh tân kỳ, thi vị, trào lộng, lý thú. Ông gia nhập đảng Cộng Sản năm 1927 để rồi ly khai đứng về phía trốt kít. Năm 1929 ông sang Brésil, quê hương của vợ (Elsie Houston), một ca sĩ ôpêra, nhưng bị trục xuất năm 1931 vì những hoạt động chính trị. Ông tham dự nội chiến Tây Ban Nha trong hàng ngũ cộng hòa. Khi thế chiến thứ hai chấm dứt, ông sang Mễ Tây Cơ sống với bà vợ kế, Remedios Varo, họa sĩ. Ông trở về Pháp năm 1948 và tiếp tục hoạt động không ngừng cho chủ nghĩa siêu thực đang được phục hưng, mặc dù sức khoẻ kém và tài chánh eo hẹp. Ông chống đối giới tiểu tư sản, quân đội, tăng lữ, những mục tiêu quen thuộc của giai tầng trí thức tả khuynh Pháp ở thời điểm đó. Ông mất tại Paris ngày 18 tháng Chín 1959. Bia mộ của ông ở nghĩa trang Batignolles có ghi dòng chữ này: "Ta không ăn loại bánh đó."
 
Tác phẩm chính: Dormir dormir dans les pierres (Ngủ ngủ trong đá – thơ, 1927); Le grand jeu (Trò chơi lớn - thơ, 1928); Je ne mange pas de ce pain-là (Ta không ăn loại bánh đó - thơ 1936); Le déshonneur des poètes (Sự ô danh của thi sĩ - tiểu luận, 1945); Feu central (Lửa trung ương – thơ, 1947); Air mexicain (Mễ khúc - một bài thơ dài với tranh thạch bản của danh hoạ Mễ Tây Cơ Rufino Tamayo, 1949).
 
NĐT
 
 

Ô cửa nhỏ trên con tàu thủy của ta

 
Canada canada
ôi canada nhỏ bé của ta
Ấy là trái táo trái táo cần thiết cho chúng ta
trái táo Canada
nữ hoàng Canada
trái táo lớn xanh thơm của Canada
Ấy là nữ hoàng cần thiết cho mỗi chúng ta
nữ hoàng trong cái lẵng
trong cái lẵng lủng lỗ của nàng
Canada của nàng cặp tay
nữ hoàng ra đi
và trái táo lớn xanh thơm của Canada
chiếc mũ của nó thủng lỗ
cái lẵng của nó kẹp tay
đôi chân nó trong đôi guốc nó
nó ca
Khi con bồ nông bồ nông mệt nhoài vì một chuyến đi
     dài dài chuyến đi dài chuyến đi dài [*]
và nó ra đi với bàn chân trái
 
                         Le passager du transatlantique, 1921
 
 
 

Con người phần tư con người phân nửa

 
                         Tặng Jacques Rigaut
 
Bí mật của con người hay ngược lại
Để giải thích ta cần cái gì
Hai đàn ông và ba con cá
Ấy là một điều bí mật
 
Để giảm thiểu ta cần điều chi
Biết rõ tuổi tác của mình
Ấy là một điều bí mật
 
Để gia tăng ta cần việc gì
Bước đi hoặc xuống hoặc lên
Ấy là một điều bí mật
 
Đất
 
                         Le Passager du transatlantique, 1921
 
 
 

Những thời kỳ đã qua

 
Mặt trời của đầu tôi gồm mọi sắc mầu
Chính nó đang thiêu đốt các mái nhà
rạ rơm
nơi các ông chúa thoát khỏi các miệng núi lửa sinh sống
và những người đàn bà tuyệt đẹp sinh ra mỗi sớm mai
và chết mỗi buổi chiều
tựa những con muỗi
Muỗi ngũ sắc ơi
mi tới đây làm gì
Trời nắng cực như chó
và sóng biển lay những trái núi
mà núi bây giờ
bơi trên một biển ánh sáng
một biển không sự sống cân lượng hơi ấm
nơi ta sẽ không buồn đút ngón chân vô
 
 
 

Cách tân

 
Ngồi xe trượt tuyết trên dòng Nêva
tôi trong suốt chạy lướt qua
vây bao bởi những con mã ngư trắng
Này cái đít nhỏ tái tê ơi
mi tới đây mần chi
các chiếc kềm bửa hạt đã bịt tai
nấm nhú trên thỏi gan
Chỉ có chúng ta là còn nghĩ tới những cục tẩy
 
 
 

Chân và tay bị cột

 
Khi ta trở thành con ngựa đá
đứng trước sự vĩnh hằng
ta sẽ hỏi xin các thần linh của loài thực vật
chiếc áo khoác bằng mưa tối cần cho những lữ khách
     ngàn năm
Hôm nay ta ngồi trong giếng buốt
nơi có những Đức Mẹ khóc chìm dưới nước mắt và
     mưa bất tận
phủ kín tâm tư con người
kỷ niệm và tham vọng của họ đã rũ liệt
bởi một bàn tay không chuyên
và vô sắc như nước trong bình pha lê
nơi tuy thế đang sống con mắt của người ta yêu
mầu của chanh và của cam nghiệt ngã
 
 
 

Mắt của gió

 
Ngoại ô thì xanh
khi ngài thẩm phán đi qua
Nếu ngài thẩm phán không là ngài thẩm phán
người ta sẽ được chứng kiến hiện tượng
Bốn con bê
đứng trên cái thu lôi
và hét to
Tự do Tự do mến yêu hỡi
Và bà lớn sẽ đáp
Sêri
và ông lớn
Bibi
 
 
 

Ở khúc quành hình chữ S

 
Người đàn bà trẻ
ngồi
trên những tuyết lớn của những gì tôi đâu biết
phát hiện sự can đảm giản dị nhất
nàng khoác tấm áo choàng dài tới gót
nhẹ như chiếc nón mùa hè
Một hồi chuông Hoà Lan
tại chỗ cái giống của nàng
thu những âm thanh cuối cùng của thành phố
Nếu như nàng chết
những ngượng ngùng đầu tiên của gã chăn chiên
sẽ rơi tòm xuống hồ nước
hồ nước sẽ bẩn
và đoàn người điếc và suy nhược
sẽ gặm mòn những phần tử cuối cùng
 
 
 

Bút ký Benjamin Péret

 
                         Tặng Marcel Noll
 
Một con gấu ăn những trái vú
Nuốt bánh nướng xong con gấu nhả vú ra
Những trái vú chui ra ngoài con bò cái
Con bò cái đái ra một đàn mèo
Đàn mèo làm một cái thang
Con bò cái leo thang
Bầy mèo leo thang
Khi lên tới đỉnh cái thang gãy
Cái thang biến thành một phu trạm béo
Con bò cái rớt xuống phiên tòa đại hình
Bầy mèo chơi bản Madelon
và phần còn lại làm một tờ báo cho các cô gái ôm bầu
 
 
 

Tới phiên đôi ta

 
                         Tặng Janine Kahn
 
Hắn tên là Villiod
Vơi một tay hắn vuốt ve con lộ
và với tay kia hắn hành hạ biển
 
Kỳ cục thay
cái thằng cha mà con mắt nhắm
dường như luôn luôn muốn chờ mặt trăng
 
Một buổi sáng kia hắn khiêu vũ trên một tán dừa
và cất tiếng ca Ta là cái thằng mà em ghét
kìa nhìn cưng ơi cưng cánh rừng
 
Cánh rừng như con mắt khỏa thân
chờ rượu nho sủi bọt
và hắn muốn mở banh một cái mỏ
 
Cái mỏ la Ò ó o ò o
và Villiod chết trong một phòng khách
 
 
 

Những đứa trẻ của hình bốn cạnh

 
                         Tặng Jacques Baron
 
Khi mặt trời
với ria mép bước xuống trái đất
chúng ta mở ra những chiếc va li
và đám con trai của lũ chuột cuối cùng
sẽ quên tuốt ngôn ngữ của chúng
Trong căn buồng
những trái cam sẽ lăn ra ánh nắng
Nếu kẻ nào đó hỏi giờ
ả cuối cùng tới nơi sẽ dâng miệng ả như một
     chiếc găng cho hắn
và không cần nhớ đến cha mình
sẽ bảo hắn rằng không có hoa làm sao có khói
không có nước mắt làm sao có tức giận
Bụng của bụng
bụng của tôi
không nước mắt không bực bội
 
 
 

Về hướng Tây

 
Tốt hơn cả là ta nên khâu các bàn tay lại
thay vì cười cợt khoái trá
Tốt hơn hết là ta nên đổi đồng hồ đeo tay
thay vì hú trăng
 
 
 

Hãy tôn vinh những người chết của bạn

 
                         Tặng Raymond Queneau
 
Trong bàn tay
có cái rìu
trong cái rìu
có nón có đầu có cổ có chân
và kỷ niệm của ruột
Mà cũng có
sự dũng cảm của những ánh sáng nhỏ
không e ngại sự truyền nhiễm
Vẫn còn một cơn chấn động thần kinh
Ấy là sự lây bịnh
và một triền dốc đứng
có thể che khuất cả đàn ngỗng
tuy vậy nó không che
vì bởi ở bên tay mặt
có một vệt láng bóng
ấy là dầu
 
 
 

Chúng đã là tri kỷ

 
Cầu vòng của âm hộ nói cái gì
với thằng mọi con
khoác áo ten đồng
 
Âm hộ tòng ngòng
hệt như cái thằng mọi nhỏ
 
Nó không còn ở tuổi nói láo nữa
than thở cũng không luôn
mà cũng không nốt sự cù lét
cái rốn của ngôi làng láng giềng
Ê ê
Như vậy là không cẩn thận đó nha
ngôi làng bên cạnh đã nghĩ thế mà
Nào ai biết
từ lỗ rốn ấy
những cái nắp cuối cùng
sẽ phóng ra hay không một đấng nam nhi
không có đèn lồng đi trước
này này cái gì đã thôi cười nhỉ    
 
 
Nguồn: Le surréalisme et ses alentours,
Serge Baudiffier và Jean-Marc Debenedetti biên soạn
(nxb Larousse, 2003, Paris),
Le grand jeu của Benjamin Péret,
trong tủ sách Poésie / Gallimard (nxb Gallimard, 1997, Paris).
 
------------
Chú thích:
[*] Giễu nhại câu thơ "Lorsque le pélican, lassé d'un long vovage" (Tạm dịch: Khi con bồ nông, sau một chuyến bay thật dài) trong bài "La nuit de Mai" (Đêm tháng Năm, 1835) của nhà thơ lãng mạn Alfred de Musset (1810-1857), người tình cũ của George Sand (1804-1876). Đây là câu thơ mà mỗi học sinh Pháp cũng như mỗi học sinh trường Pháp ở các thuộc địa cũ đều đã thuộc lòng. Trong bài thơ này —một cuộc đối thoại giữa Thi Nhân và Nàng Thơ về sự sáng tạo của thiên tài luôn luôn dõi theo tiếng gọi của hồi sinh và nỗi đau tê liệt của con tim bị phản bội của con người trần thế — còn có một câu thơ bất hủ khác: "Les plus désespérés sont les chants les plus beaux" (Tạm dịch: Càng tuyệt vọng những khúc ca càng diễm lệ).
(NĐT)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021