thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bốn bài thơ
 
Hoàng Ngọc Biên dịch và giới thiệu
 
 
 
LEONID ARONZON
(1939-1970)
 
Leonid Aronzon là một trong những gương mặt sáng chói nhất trong đời sống văn hoá và thơ ca “không chính thống” ở Petersbourg từ những năm 50 đến những năm 70. Ông sinh ngày 24.04.1939 tại Leningrad [St. Petersbourg), đến 1960 bị mắc chứng viêm xương tuỷ sau một chuyến hành trình thám hiểm phía đông bắc nước Nga, và bệnh này phát triển đồng thời với tài thơ văn và tiếng tăm rất sớm của ông, trước khi ông được một loạt các cuộc phẫu thuật cứu sống. Sinh thời Leonid Aronzon chưa hề cho xuất bản một tác phẩm nào, ngoài một số không nhiều những bài thơ viết cho thiếu nhi: những sáng tác của ông tồn tại đến ngày nay là nhờ đã được ghi âm, hoặc được [lót ba tờ giấy carbon] đánh máy cho các báo samizdat, một số không ít về sau thuộc hai bộ sưu tập, một của người em trai là Vitaliy Aronzon, một của người bạn thân thiết là Alik Altshuler — cả hai bộ sưu tập gộp thành một tư liệu được coi là đầy đủ nhất, bao gồm thơ, kịch, văn xuôi, kịch bản phim, kể cả những bài viết có tính cách hài hước... Năm 1958, ông kết hôn với người yêu là Rita Purishinskaya, một cô gái cực kỳ xinh đẹp, cũng là nàng thơ đã cho ông cảm hứng viết ra những bài thơ tình và những bài thơ về thiên nhiên lẫy lừng, và vì hai người không có con, trong một bài thơ tình viết tặng vợ, ông gọi Rita là “vợ và con gái của ta”. Ông từng viết một luận văn về Nikolai Zabolotsky [1903-1958] để lấy bằng tiến sĩ ở Đại học Leningrad và cũng từng giảng dạy Văn học Nga một thời gian, nhưng công việc chính của ông là viết kịch bản điện ảnh cho những phim khoa học.[*]
 
Thế giới Aronzon là một thế giới chói chang ánh nắng, luôn trong trạng thái tĩnh, trong suốt, như một ngày khi đi tới giờ trưa bỗng ngưng mọi chuyển động, để con người tự do chiêm ngưỡng, tự do sống trọn vẹn hơn. Thơ ông do đó đầy cảnh vật, hoa, bướm, cây cỏ, ao hồ, núi đồi, sông suối, bầu trời, những khu vườn, những chuyển động của sắc màu: cảnh vật thường khi / và mặc dù vắng bóng con người, nhưng chính cái không khí náo động của thiên nhiên ấy lại làm nên cuộc sống — như ta vẫn thường thấy trong thơ Boris Pasternak. Đối với ông, thiên nhiên trong toàn thể dáng vẻ rực rỡ của nó dù sao cũng chỉ có tính ẩn dụ. Thơ ông là một thứ thơ thị giác, thậm chí thể hiện một cách nhìn, một óc tưởng tương độc đáo, và một thứ “khí chất” hóm hỉnh lúc nào cũng hướng đến gần cái siêu thực của cuộc sống. Khi ông qua đời, đọc lại thơ ông, người ta khám phá một thứ hoài niệm chẳng riêng của nhà thơ, mà còn của người đọc: cái không khí Aronzon dù che kín sau màn sương mù xô-viết xám xịt, vẫn toát ra màu sắc rực rỡ của thời đại “flower power” của những năm 60... Dịch giả Richard McKane lần đầu tiên tiếp xúc [1990 – khá muộn] với thơ Aronzon, từng phát biểu: “Tôi không thể nghĩ ra một nhà thơ nào tiêu biểu cho những năm 1960 trong mọi thứ ngôn ngữ, hơn Leonid Aronzon...” [Ten Russian Poets (London: Anvil Press Poetry, 2003)]. Tuy nhiên, giữa những dòng thơ Nga, ngôn ngữ và thế giới thơ Aronzon không dễ “phân loại”: Aronzon không thuộc hàng ngũ những nhà thơ bất đồng chính kiến, càng không phải là một nhà thơ xô-viết, và sinh hoạt lui tới trong nhóm các nhà thơ Petersbourg thân thiết với Anna Akhmatova [như Naiman, Bobyshev, Rein, Brodsky...], thơ ông gần với phong cách của nhóm Acmeist,[**] với âm điệu phi lý hậu-Oberiu,[***] ngược lại với cái mơ hồ kiểu cách của phái Tượng trưng, khác hẳn phương pháp tu từ của Joseph Brodsky,[****] và trong những phát hiện gần đây, Aronzon có thể được coi là tiêu biểu cho dòng Văn học thứ ba, hiện ngày càng được nhìn nhận một cách xứng đáng.
 
Leonid Aronzon mất ngày 13.10.1970 trên vùng núi ở Tashkent, theo vợ ông là do bị suy nhược thần kinh, nên khi tình cờ bắt gặp súng của người chăm sóc thú trong một căn lều lưng chừng đồi, ông đã tự bắn vào bụng; và căn cứ những suy nghĩ của Irena Orlova, giáo sư dạy đàn và bạn thân của gia đình Aronzon [một thời gian được Rita uỷ quyền bảo quản các bản thảo của chồng, cũng là người đã cùng với nhà thơ Elena Schvarts tiếp tay cho ra đời một ấn bản thơ Aronzon ở nhà xuất bản Maler, Do-thái] thì Aronzon tìm cái chết ở tuổi 31 “không phải vì tuyệt vọng, mà chỉ vì muốn đi tìm một cảm giác mạnh đầy kịch tính...” [thư cho Richard McKane].
 
Sinh thời, dù bị thương tích ở chân [như Byron, Pasternak, Arseny Tarkovsky, Victor Krivulin] do chứng viêm xương tuỷ và đã phải lạm dụng nhiều thứ thuốc và lá thuốc khô giảm đau độc hại, Aronzon vẫn có cái thú gặp gỡ bạn bè ở các quán cà-phê [thường đóng một vai trò khá ý nghĩa trong đời sống văn hoá Leningrad/St. Petersbourg, nhất là trong giới văn nghệ underground], và tấm thân 38/39 kilô của ông ít khi vắng bóng ở các nơi nổi tiếng ở Stalingrad như tiệm Kulinariya, trên đường Malaya Sadovaya, Café Các Nhà thơ, tiệm Café Molecule ở Viện Khoa học, tiệm Buratino trên đường Vosstaniya và Café Saigon danh tiếng nằm ở góc Nevsky và Vladimirsky, xưa có tên là Café Moskva.
 
Tuy trễ, nhưng thơ Leonid Aronzon đến nay xuất hiện khá đầy đủ bằng tiếng Nga và tiếng Anh trong các tạp chí “Russian American Magazine Gnosis”, trong tập thơ song ngữ Death of a Butterfly, Poems of Aronzon (Moscow: Gnosis và Diamond Press, 1998) — cả hai đều do Arkady Rovner và Victoria Andreyeva biên tập. Nhiều bản dịch của Richard McKane cũng xuất hiện trên các tạp chí Alea, Acumen, Modern Poetry in Translation, Stand và trong các tuyển tập 20th Century Russian Poetry (London: Kozmik Press, 1985, 1990), Poet for Poet (London: Hearing Eye, 1998, 2001) và mới nhất là Ten Russian Poets: Surviving the 20th Century (London: Anvil and Survivors’ Poetry, 2003). Nhiều bài thơ mới và tư liệu về Aronzon do Vladimir Earl, Pyotr Kasarnovsky và Ilja Koukoui tập hợp và biên tập đã được đưa vào một tuyển tập tác phẩm Aronzon bằng tiếng Nga, mở đầu cho ấn phẩm song ngữ Nga-Anh Life of a Butterfly: Collected Poems (Hove: Waterloo Press, 2011).
 
_________________________

[*]Vào thời ấy ở Liên Xô, do hoàn cảnh chính trị ít giống ai, từ “khoa học” trong những trường hợp tương tự mang một nghĩa rộng và “lạc đề” khó tưởng tượng nổi [Xin đọc thêm Andrei Siniavski, La civilization soviétique (Paris: Albin Michel, 1989) / hoặc Soviet Civilization (New York: Arcade, 1991)].

[**]Nhóm các nhà thơ Nga Akmeist [số nhiều: Akmeisty] đầu thế kỷ XX chủ trương chống tính mơ hồ và màu mè của phái Tượng trưng, gồm những tên tuổi danh tiếng như Sergey Gorodetsky, Nikolay S. Gumilyov, xác nhận nhà thơ là người sử dụng ngôn ngữ một cách sinh động tươi mát và mạnh mẽ. Các nhà thơ này tập trung ở St. Petersbourg, hoạt động quanh tạp chí Apollon (1909–17). Năm 1912 họ thành lập Hội Nhà Thơ qui tụ những thành viên lỗi lạc, trong số có Anna Akhmatova, Osip Mandelshtam... Do chủ trương đặt nặng hình thức và thái độ tách biệt trong tháp ngà, các nhà thơ Akmeist bị chế độ xô-viết nghi ngờ, và đã không nương tay đàn áp: Gumilyov là người không hề che giấu sự thù ghét cộng sản và coi thường cái học nửa mùa của những người bôn-sê-vich, bị hành quyết năm 1921 về âm mưu hoạt động chống xô-viết, Akhmatova phải rơi vào im lặng vào những năm tháng sung mãn nhất trong cuộc đời sáng tác, và Mandelshtam chết không rõ trên đường đi cải tạo, hay chính trên mảnh đất buốt giá Sibérie...

[***]Oberiu [ОБэРИу - Hiệp hội Nghệ thuật Đích thực] là một tập thể các nhà văn, nhạc sĩ, và họa sĩ tiền vệ thuộc trường phái Futurisme [Tương lai] Nga những năm 1920 và 1930. Nhóm thành lập năm 1928, với các tên tuổi lớn như Daniil Kharms, Alexander Vvedensky, Nikolai Zabolotsky, ... trong bối cảnh “Văn hoá Xô-viết” tập trung mạnh mẽ đang có nguy cơ đẩy vào bóng tối những hoạt động văn nghệ tiền vệ của các nhóm “tả phái” — và mau chóng nổi tiếng với những buổi trình diễn thơ, nhạc, kịch [ở cả những nơi bất thường như giảng đường & nhà ở tập thể các đại học, các nhà tù...] không những khiêu khích đường lối “hiện thực” của Nhà nước, mà còn báo hiệu trường phái Sân khấu Phi lý ở châu Âu. Cuộc đụng độ từ cuối những năm 1920 đến đầu những năm 1930, thời gian Nhà nước xô-viết bắt đầu thanh trừng các người chủ trương nhóm mà họ gọi là “văn chương du đãng” kết thúc, Oberiu chỉ còn lại một danh xưng quen thuộc: nhóm tiền vệ cuối cùng trong thời đại xô-viết, và chỉ còn đất sống trong những ấn phẩm samizdat và những ấn phẩm “lưu vong”.

[****]Nhiều nhà thơ và nhà phê bình văn học, kể cả Viktor Krivulin [trong Săn voi cổ (“Okhota na Mamonta”, St. Petersbourg: BLITs, 1998) đã có cùng một nhận định, ấy là trong những năm 1960s, chỉ có Aronzon mới là người được coi là “đối thủ” đích thực của Brodsky trong vị trí “Ông hoàng thơ ca” St. Petersbourg. Không những thế, hai người còn có một quan hệ khá đặc biệt: Brodsky từng đến ở với gia đình Aronzon một thời gian mấy tháng, và không phải là không dễ xiêu lòng trước sắc đẹp vô song của Rita Aronzon — về sau khi dịch giả McKane gặp Brodsky ở Princeton, Mỹ [1978] và có dịp nhắc lại tình bạn trong thời gian ấy, thì nhà thơ Nobel Văn chương “nói chung có vẻ không mấy mặn mà...”

 
 
 
Một tấm ảnh nổi tiếng của Aronzon: Ngồi dưới nắng,
mặc quần đùi, bên cạnh những chai rượu vang, nho, táo, sung,
với vết sẹo khá rõ của lần giải phẫu ở bắp vế trái...
 
 

Komarovo: Gửi Anna A. Akhmatova

 
Khi bà nhắm mắt lại — có những ngôi nhà xinh xắn
một nơi nào đó trên bờ biển:
một khu rừng lớn và những cửa sổ rộng,
một vòi nước đóng băng, như một cây nến buổi sáng,
và kế bên nhà, khi đi vào chỗ sương giá
(nơi không khí ngày thiếu oxy hơn cả cơn mất ngủ),
nơi có một cái cây mọc trên bầu trời
bà đứng đưa lòng bàn tay che mắt
và nhìn thấy: trên quảng trường, ngay chỗ công viên,
cách vài khối nhà gần trung tâm,
nơi Thánh Vladimir đứng trong tuyết
và đỉnh tháp chuông bị dát từng miếng mỏng trên nền trời,
và ngọn nến cháy đổ xuống những mặt gương,
và ánh sáng huyền ảo của nến chiếu rọi hai bàn tay bà:
bà nhìn tay và cảm thương cho chúng,
đến độ có vẻ như nếu bà chết ngay lúc bấy giờ,
gương sẽ để lại mọi thứ nguyên đâu vào đó:
trang giấy, ngọn nến, tạp chí, thành cửa sổ,
và trên võng mạc của bà, che dưới lòng bàn tay,
khu rừng cạnh bờ biển với những tổ chim đảo ngược.
 
1964
 
 

Bài ca

 
Bạn nghe tiếng nước vỗ
lên xuống dưới đáy, hai bên mạn thuyền,
khi hai con người kia thả mình theo
những con sóng lắc lư,
nằm dài như người chết, mặt
quay ngửa lên bầu trời yên bình
và cát buổi sớm mai thở nhẹ,
bị những chiếc thuyền xô vào đám lau sậy.
 
Khi kẻ được em yêu mến là ta chết đi,
em chớ có linh đình nghi lễ,
hãy để ta nằm trong rừng thông
mặt ngửa lên như mặt những ao hồ!
 
 
 

* * *

 
Bình minh sau lưng em chỉ có hai bước.
Em đứng bên cạnh khu vườn đẹp.
Ta nhìn, nhưng cái đẹp không ở đấy,
bên em mọi thứ đều yên tĩnh và hạnh phúc.
 
Chỉ có mùa thu là đã giăng lưới
để bắt những linh hồn đặt lên hốc tường ở chốn
          thiên đường
Ôi Thượng đế, xin hãy cho chúng con chết ngay bây giờ,
và, cũng xin Người cho chúng con được quên mọi thứ.
 
Hè 1970
 
 

* * *

 
Công viên lạnh, và mùa thu kéo dài suốt ngày,
và những màng lưới đang khô dần, nhưng không rõ ở đâu,
và mùa thu là cửa sổ đưa tôi tới thiên đường,
tôi nhìn nó. Tôi miệt mài trong giấc mơ của ai đó:
công viên giãn rộng cho tới khi nó gần như bị vỡ,
giờ đây tôi nhìn thấy một toà nhà nằm giữa cây lá
còn chính tôi thì có mặt trên khắp các cửa sổ.
 
6.10.1966
 
 
 
Mộ của nhà thơ Anna Akhmatova ở Komarovo – Bìa ấn bản REFLECT #17 – Bìa tập Life of a Butterfly (2011).
 
 
-----------------------
“Komarovo: Gửi Anna A. Akhmatova” dịch từ bản tiếng Anh “Komarovo: To Anna A. Akhmatova” trong Leonid Aronzon: The Selection of V. Aronzon [REFLECT #17]. “Bài ca” dịch từ bản tiếng Anh “Song” trong Ten Russian Poets Surviving the Twentieth Century, Anvil Press Poetry, 2003. “Bình minh sau lưng em chỉ có hai bước...” và “Công viên lạnh... “ dịch từ bản tiếng Anh “Dawn is two paces behind you” và “The park is cold...” trong Leonid Aronzon: The Selection of A.Altshuler [REFLECT #17]. Tất cả các bản tiếng Anh đều do Richard McKane chuyển ngữ, và từng được phổ biến lần đầu trong Leonid Aronzon, Death of a Butterfly, ấn bản song ngữ (New York: Gnosis Press & Diamond Press, 1998.
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021