thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Điếu ca cho Ignacio Sánchez Mejías
 
Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường
 
 
 
IGNACIO SÁNCHEZ MEJÍAS
(1891-1934)
 
Ignacio Sánchez Mejías là nhà đấu bò mộng lừng danh của Tây-ban-nha, sinh ngày 6 tháng Sáu 1891, mất ngày 13 tháng Tám 1934. Đang nghỉ hưu trong giàu sang hạnh phúc thì có người thuyết phục ông trở lại đấu trường ngày 11 tháng Tám 1934 đưa đến thảm hoạ: ông bị bò mộng húc vào đùi và qua đời hai ngày sau đó.
 
“Llanto por Ignacio Sánchez Mejías” [Điếu ca cho Ignacio Sánchez Mejías] là chùm 4 bài thơ tưởng niệm nổi tiếng thế giới của nhà thơ Federico García Lorca, bạn thân của ông.
 
Lừng danh như một nhà đấu bò mộng, nhưng thực sự Ignacio Sánchez Mejías là một người rất đa tài. Ông còn là một kịch tác gia (đã viết nhiều kịch bản, trong đó có vở Sinrazón với đề tài mang tính phân tâm học được dàn dựng rất thành công và được dịch ra nhiều ngoại ngữ), một nhạc sĩ (đã viết vở đại nhạc kịch khôi hài Las calles de Cádiz), một nhà thơ, một tiểu thuyết gia, một diễn viên điện ảnh, một cầu-thủ-kỵ-mã polo, và một nhà lái xe đua.
 
Ignacio Sánchez Mejías là bạn thân của nhiều nghệ sĩ hàng đầu thời ấy. Tư gia của ông cũng là nơi ra đời của nhóm thi sĩ tiền vệ lừng danh của Tây-ban-nha: “Generación del 27” (gồm có các thành viên trụ cột là Jorge Guillén, Pedro Salinas, Rafael Alberti, Federico García Lorca, Dámaso Alonso, Gerardo Diego, Luis Cernuda, Vicente Aleixandre, Manuel Altolaguirre và Emilio Prados).
 
 
 
ĐIẾU CA CHO IGNACIO SÁNCHEZ MEJÍAS
 
Thân ái tặng Encarnacíon López Julvez.
 

1. Vết thương và cái chết

 
Lúc năm giờ chiều.
Lúc ấy đúng năm giờ chiều.
Một đứa trẻ mang đến một chiếc khăn trắng
lúc năm giờ chiều.
Một thúng vôi trắng đã sẵn sàng
lúc năm giờ chiều.
Ngoài ra chỉ là chết chóc và tang tóc
lúc năm giờ chiều.
 
Gió cuốn những mẩu bông gòn
lúc năm giờ chiều.
Và ôxi rắc pha lê và nikên
lúc năm giờ chiều.
Kình địch giữa bồ câu và con báo
lúc năm giờ chiều.
Một cái đùi với một chiếc sừng tiếc nuối
lúc năm giờ chiều.
Tổ ong bỗng gióng lên hồi chuông
lúc năm giờ chiều.
Những tiếng chuông tẩm độc và ngâm khói mù
lúc năm giờ chiều.
Nơi mỗi góc phố từng nhóm người im lặng
lúc năm giờ chiều.
Khi giọt mồ hôi của tuyết bay tới
lúc năm giờ chiều.
khi cái plaza phủ mùi iốt,
cái chết đẻ trứng vào vết thương
lúc năm giờ chiều.
Lúc năm giờ chiều.
Lúc đúng năm giờ chiều.
 
Một quan tài lăn những vòng bánh làm giường
lúc năm giờ chiều.
Tiếng xương và tiếng sáo bên tai anh
lúc năm giờ chiều.
Trên vầng trán anh con bò mộng đã rống
lúc năm giờ chiều.
Căn buồng lóng lánh trong phút lâm chung
lúc năm giờ chiều.
Chứng hoại thư từ xa vụt hiện ra
lúc năm giờ chiều.
Cánh hoa diên vĩ dưới hố nách xanh
lúc năm giờ chiều.
Các vết lở bừng cháy như những mặt trời
lúc năm giờ chiều.
và đám đông đập phá những khung cửa sổ
lúc năm giờ chiều.
A! khủng khiếp quá lúc năm giờ chiều
Năm giờ chiều trên mọi chiếc đồng hồ quả lắc!
Năm giờ tăm tối của buổî chiều!
 
Nghe nguyên tác “La cogida y la muerte”
qua giọng đọc của Francisco Rabal và tiếng đàn guitar của Antonio Arenas.[*]
 
 

2. Máu chảy

 
Tôi không muốn thấy máu!
 
Hãy gọi mặt trăng tới mau,
Tôi không muốn nhìn thấy máu
máu của Ignacio trên cát.
 
Tôi không muốn thấy máu!
 
Mặt trăng tròn xoe
con ngựa trầm tĩnh của mây,
và xám xịt cái plaza của mộng mị
với liễu của dãy rào.
 
Tôi không muốn thấy máu!
kỷ niệm nấu nung tôi
hãy báo hung tin cho hoa lài
và màu trắng bé bỏng của chúng!
 
Tôi không muốn thấy máu!
 
Con bò cái già nua của thế giới
le chiếc lưỡi buồn tênh
liếm cái mõm của máu
toé tung trên mặt cát
và các con bò mộng Guisando
nửa đã chết nửa bằng đá,
rống lên như thể đã mệt nhoài từ hai nghìn năm
chân dẫm đất.
Không!
Tôi không muốn thấy máu!
 
Trên các bậc thang cao Ignacio bước lên
cõng trên lưng cái chết
tìm buổi rạng đông
nhưng hừng đông chưa tới.
Tìm cái bóng dáng thật của chính mình,
nhưng cơn mộng khiến anh lạc hướng.
Tìm cái thân hình xinh xắn của mình
và thấy máu chảy tuôn ra.
Đừng bắt đừng bảo tôi nhìn máu chảy!
Tôi không muốn cảm giác cái tia máu
đang cướp dần sức lực của anh;
tia máu tới thắp sáng
các bậc thềm thấp rồi máu rơi xuống
tấm áo nhung và chiếc áo da
của đám đông đã bị hỏng.
Ai đã la hét bắt tôi nghiêng mình trên bao lơn!
Đừng, đừng bảo tôi ra nhìn máu chảy!
 
Ignacio không nhắm mắt
khi anh thấy cặp sừng xích lại gần
nhưng các bà mẹ khủng khiếp kia
đã ngẩng đầu lên.
Và xuyên qua các trại nuôi bò mộng
vang lên điệu nhạc của những tiếng nói thì thầm
cho những con bò mộng trên tầng không
đang chăn giữ sương mù tê tái.
Chẳng có vị hoàng tử nào ở Sevilla
có thể sánh được với anh,
hay lưối gươm nào bằng thanh kiếm của anh,
hay một trái tim chân thật nào.
Như một dòng sông sư tử
cuồn cuộn sức mạnh tuyệt vời của anh
và như một pho tượng bán thân bằng cẩm thạch
vẽ lên sự thận trọng của anh.
Một điệu nhạc La Mã của Andalusia
tết vòng hào quang trên đầu anh,
và tiếng cười của anh là đoá hoa
của muối và của trí tuệ.
Ôi chàng torero vĩ đại ở plaza!
Ôi sơn nhân hiền lành của núi!
Hiền lành với bông lúa!
Cứng cỏi với đinh thúc ngựa!
Dịu dàng với sương mai!
Rạng ngời trong lễ hội!
Khủng khiếp với những
mũi kiếm nhọn của bóng đêm!
Nhưng kìa chàng đã mãi mãi yên giấc.
Đây là rêu và cỏ
bằng những ngón tay tự tin chúng mở ra
đoá hoa trên sọ chàng.
Và máu của chàng tới ca vang:
hát trong đầm lầy hát trên đồng cỏ,
tuôn chảy theo chiếc sừng mỏi mệt,
lung linh vô hồn trong sương mù,
chạm vào muôn ngàn cái chân bò mộng
như một chiếc lưỡi dài đen buồn bã,
hợp thành một vũng hấp hối
gần bờ sông Guadalquivir ngời sao.
Ôi, tường trắng của Tây-ban-nha!
Ôi, bò mộng đen của khổ đau!
Ôi, hoạ mi tĩnh mạch của chàng!
Không.
Tôi không muốn thấy máu chảy!
Không có chiếc bình nào có thể chứa máu,
không có cánh én nào để bay về uống máu,
cũng chẳng có sương giá nào của ánh sáng
có thể làm cho máu nguội lạnh,
không có tiếng ca không có đại hồng thủy
không có những đoá hoa loa kèn,
cũng chẳng có pha lê phủ bạc lên mình chàng.
Không.
Tôi không muốn nhìn máu chảy!
 
Nghe nguyên tác “La sangre derramada”
qua giọng đọc của Francisco Rabal và tiếng đàn guitar của Antonio Arenas.[*]
 
 

3. Cơ thể có mặt

 
Tảng đá là vầng trán nơi thở than những giấc mộng
dù không có nước lượn quanh hay bạch dương giá buốt.
Tảng đá là chiếc lưng để cõng thời gian
với cây làm bằng nước mắt và ru-băng và hành tinh.
 
Tôi đã thấy mưa xám chạy về phía sóng
giơ cao những cánh tay mềm lỗ chỗ
để khỏi vấp vào tảng đá chăng dây
mở rộng các tứ chi không cần vấy máu.
 
Bởi tảng đá nhặt mầm hạt và mây
xương sơn ca và sói của bóng tối
nhưng không ban phát âm thanh pha lê ánh lửa:
chỉ toàn là plaza plaza và plaza không tường.
 
Và đây trên tảng đá Ignacio con nhà tử tế.
Xong rồi; gì thế? Hãy nhìn ngắm trên mặt chàng
cái chết đã phủ lưu hoàng
và tặng chàng cái đầu của một nhân mã tối tăm.
 
Xong rồi. Mưa chảy vào miệng chàng.
Không khí như điên loạn rời bộ ngực chàng lõm xuống
và Tình Yêu đẫm những giọt lệ tuyết
sưởi ấm trên mái lều của đàn thú.
 
Người ta nói gì? Im lặng thối tha đang nghỉ.
Chúng ta đối diện một thân xác đang nhạt nhoà,
trước một khối trong trẻo từng chứa đựng hoạ mi
và nhận thấy nó mang đầy những cái lỗ không đáy.
 
Mảnh khăn liệm nhăn. Không có thật những lời chàng đã nói!
Không ai hát không ai khóc trong góc phòng,
không ai thúc đinh ngựa không ai làm cho con rắn sợ:
nơi đây tôi chỉ còn đôi mắt tròn
để nhìn cái thân xác kia không bao giờ yên giấc.
 
Nơi đây tôi muốn thấy những gã đàn ông có giọng nói thô bạo.
Những kẻ dạy ngựa, khuất phục những dòng sông:
Bọn đàn ông có xương kêu răng rắc và ca hát
miệng ngậm đầy mặt trời và đá lửa.
 
Tôi muốn thấy họ tại đây. Trước mặt tảng đá.
Trước mặt cái thân hình đã đứt dây cương.
Tôi muốn họ chỉ cho tôi thấy cái ngõ ra
dành cho ngài đại úy đã bị cái chết bám chặt.
 
Tôi muốn họ chỉ cho tôi xem một giọt lệ như một dòng sông
có sương mù êm ả và có đôi bờ sâu thẳm
để mang thân xác Ignacio đi, để chàng tan biến
mà không phải nghe hơi thở kép của các con bò mộng.
 
Để chàng hoà tan vào cái quảng trường tròn của trăng
từ thuở bé thơ giống như một con thú bi ai bất động;
để chàng mất hút trong đêm tối không có tiếng ca của cá
và trong các bụi rậm trắng của sương mù giá băng.
 
Tôi không muốn người ta đậy mặt chàng với khăn tay trắng
để chàng quen dần với cái chết chàng đang mang trên mình.
Cứ đi nhé, Ignacio: đừng cảm nhận tiếng rống nóng.
Cứ ngủ, cứ bay, cứ nghỉ: biển cũng phải chết kia mà!
 
Nghe nguyên tác “Cuerpo presente”
qua giọng đọc của Francisco Rabal và tiếng đàn guitar của Antonio Arenas.[*]
 
 

4. Linh hồn vắng xa

 
Bò mộng và cành sung không còn biết anh,
ngựa và kiến trong nhà anh cũng thế.
Cũng quên luôn anh đứa bé và buổi tối
bởi vì anh đã vĩnh viễn chết thật rồi.
 
Không còn biết anh tấm lưng xanh của đá,
và lãnh sa-tanh đen nơi thân anh đã tơi tả.
Không còn biết anh kỷ niệm anh câm nín
bởi vì anh đã vĩnh viễn chết thật rồi.
 
Thu lại sang với những con ốc trắng nhỏ,
nho của sương mù và đồi núi từng chùm,
nhưng ai sẽ tới lặng nhìn vào đáy mắt anh
bởi vì anh đã vĩnh viễn chết thật rồi.
 
Bởi vì anh đã vĩnh viễn chết thật rồi,
như tất cả những kẻ đã ra đi trên Trái Đất,
như tất cả những người chết đã bị lãng quên
trong một đống xác chó chất chồng vụt tắt.
 
Không, không ai còn nhớ. Nhưng tôi cứ ca ngợi
vẻ phong nhã của anh để gởi lại cho mai sau.
Dấu hiệu trưởng thành của anh về hiểu biết.
Cái chết và vị đắng của mồm nó anh hằng mong đợi
Nỗi muộn phiền như xúc cảm nhẹ nhàng dâng.
 
Bao lâu nữa mới sinh ra - nếu còn sinh ra,
một người Andalusia trong sáng và phiêu lãng.
Bằng tiếng than tôi ca ngợi cái bóng dáng hào hoa
và cơn gió thoảng buồn trên hàng ô liu tôi bỗng nhớ.
 
Nghe nguyên tác “Alma ausente”
qua giọng đọc của Francisco Rabal và tiếng đàn guitar của Antonio Arenas.[*]
 
 
-----------
Dịch từ bản Anh ngữ “Lament for Ignacio Sanchez Mejías” của Stephen Spender & J.L. Gili, trong Federico García Lorca, The Selected Poems of Federico García Lorca (New York: New Directions, 1955).
 
 
____________________________
Phụ chú của Hoàng Ngọc-Tuấn:

[*]Nhân dịp nhà thơ Nguyễn Đăng Thường giới thiệu bản dịch Việt ngữ chùm thơ “Llanto por Ignacio Sánchez Mejías”, tôi đã lục lại trong “kho âm nhạc” cũ của mình và tìm được một đĩa 33 vòng do nhà xuất bản El Siglo de Oro (Buenos Aries, 1965) thu âm nguyên chùm thơ này qua giọng đọc của Francisco Rabal và tiếng đàn guitar của Antonio Arenas. Vì thế tôi xin chuyển sang mp3 để chia sẻ cùng quý độc giả. Chất lượng âm thanh khá kém vì đĩa quá cũ và có đôi chỗ bị trầy xước nhưng hy vọng vẫn còn chuyên chở được không khí thơ Lorca...

 
 
 
------------
Đã đăng:
 
Chong chóng gió  (thơ) 
Gió Nam, / Bỏng rát / Ném trên da ta / Lốm đốm / Những ánh mắt long lanh / Và mùi hoa cam. // Gió ạ, / Mi khiến hằng nga phải đỏ má / Thẹn thùng và khóc / Hàng bạch dương ủ ê nhưng khi mi đến / Thì đã quá muộn. / Ta đã cuộn tròn đêm tối của ta / Vào tiểu thuyết / Trên kệ sách... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]
 
Rơi một chiếc lá / và hai / và ba. / Trên mặt trăng một con cá bơi. / Nước ngủ một giờ / và biển trắng ngủ cả trăm. / Người đàn bà / chết giữa nhánh cây. / Người nữ tu / hát trong lòng quả lựu. / Đứa con gái / hái trái thông từ cây thông. / Và cây thông / tìm ngọn bút lông của líu lo tiếng hát... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn]
 
Ki-tô, / cầm một tấm gương / trong mỗi bàn tay. / Ông làm bội trùng / cái bóng chính mình... | Chúng ta sống / dưới một tấm gương vĩ đại. / Con người là màu xanh!... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn]
 
Trọn vẹn thi tập Poema del Cante Jondo của Federico García Lorca (1898-1936) — nhà thơ quan trọng nhất của Tây Ban Nha vào thế kỷ 20 — lần đầu tiên đến với độc giả Tiền Vệ qua bản dịch của nhà thơ Diễm Châu. Thi tập được đăng thành hai kỳ liên tục.
 
Trọn vẹn thi tập Poema del Cante Jondo của Federico García Lorca (1898-1936) — nhà thơ quan trọng nhất của Tây Ban Nha vào thế kỷ 20 — lần đầu tiên đến với độc giả Tiền Vệ qua bản dịch của nhà thơ Diễm Châu. Thi tập được đăng thành hai kỳ liên tục.
 
Sáu bài thơ chọn từ các tập thơ Diván del Tamarit (1936), Canciones (1921-1924) và Poema del Cante Jondo (1921-1931) của Federico García Lorca... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn]
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021