|
Mạng hoá: một cuộc cách mạng thầm lặng trong văn học
|
|
Hàng ngày, ngồi trước máy vi tính đọc báo, viết bài hay chơi game, chúng ta dễ thấy đời sống thật nhẹ nhàng và êm ả. Nhẹ nhàng và êm ả đến độ chúng ta rất khó nhận thấy chính chiếc máy vi tính nho nhỏ trước mặt đang biến thời đại mà chúng ta đang sống thành một trong những thời đại cách mạng lớn lao và triệt để nhất trong lịch sử văn minh nhân loại. Đó là cuộc cách mạng mạng hoá (webization/onlinization). Nói đến cách mạng, người ta thường nghĩ ngay đến sáu đặc điểm do A.S. Cohan tổng kết: Đó là những thay đổi tận gốc rễ của xã hội trên các phương diện: (1) giá trị và huyền thoại; (2) cấu trúc; (3) thiết chế; và (4) cấu trúc lãnh đạo gắn liền với (5) sự chuyển giao quyền lực vượt ra ngoài quy định của luật pháp có sẵn, và (6) có tính chất bạo động.[1] Theda Skocpol phân biệt cách mạng xã hội và cách mạng chính trị: Theo bà, trong khi cách mạng xã hội là sự hoán chuyển với tốc độ nhanh và từ bản chất tình trạng xã hội và cấu trúc giai cấp gắn liền với những cuộc nổi loạn từ dưới lên trên; cách mạng chính trị, ngược lại, là những thay đổi về phương diện cấu trúc chính quyền nhưng không hẳn đã lật ngược cấu trúc giai cấp và xã hội.[2] Sau này, chữ cách mạng thường được hiểu theo nghĩa rộng, không nhất thiết có tính bạo động và làm đảo lộn hệ thống pháp lý có sẵn. Trong ý nghĩa ấy, chữ cách mạng đã được du nhập vào nhiều lãnh vực khác nhau, từ kỹ thuật, kinh tế đến văn hoá, bao gồm cả giáo dục và văn học nghệ thuật. Trong lịch sử, nhân loại đã trải qua nhiều cuộc cách mạng. Ở tầm thế giới, về phương diện chính trị, nổi bật nhất là cuộc cách mạng tư sản, bùng nổ ở châu Âu vào giữa thế kỷ 19, dẫn đến việc ra đời của chế độ dân chủ và ý niệm về tự do và nhân quyền như những giá trị căn bản của xã hội, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Sau đó là cuộc cách mạng vô sản, thoạt đầu bùng nổ ở Nga vào đầu thế kỷ 20, dẫn đến sự ra đời của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, bao gồm cả Việt Nam; tồn tại như một sai lầm của lịch sử; một sai lầm được đánh đổi bằng mạng sống của cả hàng chục triệu người, từ Nga qua các nước Đông Âu đến Cuba, Trung Quốc, Bắc Hàn, Việt Nam và Campuchia, đặc biệt dưới thời Pol Pot. Đóng góp lớn nhất của hơn nửa thế kỷ thử nghiệm cuộc cách mạng vô sản là giúp hoàn thiện chủ nghĩa tư bản: Nhờ đó, nó càng ngày càng trở nên hợp lý, quân bình, nhân đạo và mạnh mẽ hơn. Về phương diện kinh tế xã hội, nổi bật nhất là cuộc cách mạng kỹ nghệ cuối thế kỷ 18, khởi phát cũng ở châu Âu, sau, lan sang Mỹ, rồi toả ra khắp thế giới, bao gồm trước hết, việc sáng chế ra động cơ chạy bằng hơi nước, từ đó, dẫn đến quá trình cơ giới hoá, thoạt đầu trong lãnh vực giao thông vận tải và ngành dệt, sau, trong các ngành luyện kim và khai thác mỏ. Quá trình cơ giới hoá dẫn đến việc hình thành các công xưởng; các công xưởng, đến lượt chúng, thúc đẩy quá trình đô thị hoá; quá trình đô thị hoá lại làm thay đổi quan hệ giữa người và người, một quan hệ chủ yếu dựa trên yếu tố nghề nghiệp hơn là yếu tố địa lý. Nó cũng làm thay đổi diện mạo gia đình: từ hình thức đại gia đình sang hình thức tiểu gia đình; trong đời sống tiểu gia đình, dần dần có sự phân hoá giữa không gian lao động và không gian nghỉ ngơi, giữa hãng xưởng và nhà ở, từ đó, hình thành ý niệm công và tư, và cũng từ đó, dần dần hình thành chủ nghĩa cá nhân rồi chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực, những trào lưu cho đến bây giờ vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm trong văn học của nhiều quốc gia trên thế giới. Gần đây, người ta hay nhắc đến một cuộc cách mạng khác: Cách mạng thông tin mà về phương diện quy mô và ảnh hưởng không hề thua kém cuộc cách mạng kỹ nghệ ở thế kỷ 18 và 19. Hai cuộc cách mạng ấy, thật ra, có quan hệ chặt chẽ với nhau. Nếu cuộc cách mạng kỹ nghệ được xem là sự mở rộng năng lực của cơ bắp, đặc biệt trong lãnh vực sản xuất, cuộc cách mạng thông tin là sự mở rộng các năng lực tinh thần, đặc biệt về phương diện trí tuệ và truyền thông. Hơn nữa, cuộc cách mạng sau còn thúc đẩy cuộc cách mạng trước: Nó làm cho cuộc cách mạng kỹ nghệ chuyển sang cuộc cách mạng hậu kỹ nghệ, trong đó thông tin đóng một vai trò nòng cốt, ở đó, tự bản thân kiến thức cũng được xem như một thứ hàng hoá, thậm chí, là thứ hàng hoá quan trọng, một thứ tư bản trí thức (intellectual capital); thứ tư bản ấy dẫn đến sự ra đời của một tầng lớp trí thức mới: các chuyên gia về thông tin và kiến thức, hay còn gọi là các nhà phân tích biểu tượng (symbolic analysts) với nhiệm vụ chính là đẩy nhanh tiến trình hậu kỹ nghệ hoá trong phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, ở nhiều phương diện, cuộc cách mạng sau thậm chí còn dữ dội và cấp tốc hơn hẳn cuộc cách mạng trước. Trước hết, nói về tốc độ, dường như trong lịch sử nhân loại chưa có cuộc cách mạng nào tiến nhanh và tiến mạnh như cuộc cách mạng thông tin hiện nay. Trước, trong lãnh vực truyền thông, nhân loại cũng đã tạo nên nhiều bước nhảy vọt kỳ diệu. Chẳng hạn, việc phát minh ra tiếng nói cách đây khoảng 50 triệu năm chắc chắn phải được xem là một bước đột biến đáng kể nhất trong quá trình tiến hoá của nhân loại. Nhưng phải chờ đến mấy chục triệu năm sau, cách đây khoảng 5000 năm, nhân loại mới tiến hành được bước đột biến thứ hai: phát minh ra chữ viết. Rồi phải đợi hơn 4000 năm nữa, cách đây 500 năm, nhân loại mới tạo được bước đột biến thứ ba: phát minh ra máy in, làm rộ nở hoạt động xuất bản và báo chí, qua đó, phổ cập hoá giáo dục và chuyên nghiệp hoá sinh hoạt văn học. Kể từ sau cuộc cách mạng về kỹ thuật in ấn, nhân loại chỉ mất hơn 400 năm để tiến qua bước đột biến thứ tư: sáng chế các kỹ thuật truyền thông bằng âm và hình, như nhiếp ảnh, điện thoại, thu âm, truyền thanh và sau đó, truyền hình. Từ cuộc cách mạng thứ tư ấy sang cuộc cách mạng thứ năm, nhân loại chỉ cần chưa tới nửa thế kỷ: cuộc cách mạng vi tính và internet. Trong cuộc cách mạng vi tính và internet, sự tiến hoá của kỹ thuật cũng như các ứng dụng của kỹ thuật cũng cực kỳ nhanh. Đúng hơn: càng cực kỳ nhanh. Tiến hoá ở cả ba phương diện: tốc độ, dung tích và mức phổ cập. Về tốc độ, sự vận hành của máy vi tính cũng như của việc nối mạng, thoạt đầu, có khi cần vài phút, sau, cần vài giây, gần đây, với các thế hệ máy vi tính mới cũng như hệ thống nối mạng bằng broadband, chỉ cần tích tắc, môt phần mấy giây. Về dung lượng, ngày xưa, để viết một cuốn sách khoảng 100,000 từ, người ta cần cả ngàn miếng đất sét (nếu có người đủ kiên nhẫn để làm vậy); sau, cần cả hàng ngàn trang giấy, nếu viết tay; sau nữa, khoảng 300-400 trang giấy, nếu in theo kỹ thuật hiện đại. Còn bây giờ, người ta có thể dồn chứa cả hàng ngàn, thậm chí, hàng chục ngàn, cuốn sách như thế trong một cái thẻ nhớ (USB), lớn chưa bằng một ngón tay út, đi đâu cũng có thể mang đi được dễ dàng! Nói về dung lượng, còn khía cạnh thứ hai này nữa: số lượng các trang mạng hiện nay lên đến hàng tỉ tỉ. Người ta ước tính số lượng các địa chỉ trên mạng còn cao hơn cả dân số thế giới. Cao hơn rất nhiều: Nếu chia đều, mỗi người có đến trên 150 địa chỉ mạng khác nhau. Nếu mỗi trang mạng chỉ đọc trong vòng một phút, thì để đọc hết các trang mạng ấy, người ta phải mấy hết cả mấy chục ngàn năm. Xin lưu ý: số trang mạng không ngừng tăng lên từng phút, thậm chí, từng giây.[3] Theo một số tài liệu được công bố trên báo chí, hiện nay mỗi ngày có khoảng mười triệu trang mạng mới ra đời. Cùng với sự tăng vọt của số lượng trang mạng là sự bùng nổ của lượng thông tin. Trong thời gian gần đây, lượng thông tin được xuất bản trên mạng tăng gấp đôi trong vòng hai năm. Giới chuyên gia tiên đoán là vào năm 2010, chúng sẽ tăng gấp đôi trong vòng mỗi 72 tiếng![4] Về mức phổ cập, từ trước đến nay, chưa có kỹ thuật nào lan rộng trong một thời gian ngắn như máy vi tính và internet. Ngày trước, máy đánh chữ đơn giản đến thế, mà cần cả thế kỷ mới thập thò đến với giới trí thức ở nhiều nơi trên thế giới. Điện thoại cũng cần một thời gian rất lâu để đến với mọi gia đình. Bây giờ, chỉ trong vòng dưới hai chục năm, máy vi tính đã nằm trong tầm tay của mọi học sinh ở các quốc gia phát triển, và hầu như của mọi sinh viên và trí thức ở các quốc gia đang phát triển. Số người sử dụng internet phát triển cực nhanh. Hiện nay, ở các nước giàu nào cũng có trên 70% dân số sử dụng internet. Ngay ở Việt Nam, còn nghèo và quá trình toàn cầu hoá mới ở bước chập chững, trong vòng hơn 10 năm, đã có trên 20% dân số làm quen với internet. Con số người sử dụng internet tăng vọt từng ngày. Hơn nữa, internet còn vượt ra ngoài không gian của chiếc máy vi tính. Phần lớn các điện thoại di động đời mới hiện nay đều được nối với internet để người ta có thể đọc và viết email cũng như vào các trang mạng bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu miễn là được phủ sóng. Cuộc cách mạng thông tin ấy đang và sẽ làm thay đổi hầu như toàn bộ đời sống của chúng ta. Trước hết, trong lãnh vực thương mại, phần lớn các việc mua và bán, từ một chiếc vé xe buýt liên tỉnh đến một chiếc vé máy bay, từ một cuốn sách đến một cái máy vi tính, từ việc đặt phòng trong khách sạn đến tìm mua một cái nhà mới, tất cả đều có thể thực hiện trên internet. Trước, để tìm số điện thoại của một công ty nào đó, chúng ta phải lật các cuốn niên giám điện thoại dày cộm; bây giờ, chỉ cần vào internet. Trước, để trả tiền một cái hoá đơn, chúng ta phải ra ngân hàng hay bưu điện; bây giờ, cũng chỉ cần vào internet. Những thay đổi trên lãnh vực thương mại ấy làm thay đổi cấu trúc kinh tế thế giới, từ kỹ nghệ bước sang hậu kỹ nghệ, từ việc trao đổi hàng hoá đến việc trao đổi biểu tượng (symbolic exchange), nói theo chữ Jean Baudrillard, ở đó, hàng hoá (commodity) được sản xuất như một ký hiệu (sign), và bản thân ký hiệu cũng trở thành một hàng hoá.[5] Trong lãnh vực giáo dục, internet càng ngày càng đóng vai trò quan trọng, hình thành nên cái gọi là nền học vấn điện tử (e-learning). Sinh viên ghi danh cũng như chọn ngành học và môn học qua internet. Phần lớn các bài giảng và tài liệu tham khảo cũng được đưa lên internet (WebCT). Sinh viên có thể làm bài tập cũng như thảo luận với bạn học và thầy cô giáo qua internet. Đại học dần dần sẽ biến thành một thứ đại học thậm phồn (hyperuniversity), một không gian tri thức (knowledge space), ở đó, tri thức, thật ra, không còn gắn chặt với một không gian hiểu theo nghĩa cổ điển (phòng học, trường học, với bảng đen, phấn trắng và những thầy cô giáo cụ thể) nữa mà là một không gian phi trú tính (non-locality), gắn liền với những mạng lưới không có điểm kết thúc.[6] Trong lãnh vực chính trị, internet, đặc biệt dưới hình thức facebook, twitter và blog, trở thành một vũ khí mới mẻ trong các cuộc vận động ứng cử và tranh cử cũng như quảng bá chính sách ở các quốc gia tự do; một phương tiện hữu hiệu để tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền ở các quốc gia chuyên chế. Ở Việt Nam hiện nay, không còn hoài nghi gì nữa, internet đã trở thành một hình thức đối-thông tin (counter information) hoàn hảo của chế độ. Nếu trên báo chí chính thống của nhà nước, chúng ta chỉ có thể nhìn thấy một bức tranh xã hội khá bình yên với những vết mụn nho nhỏ ở cấp phường, cấp xã thì trên internet, ngược lại, chúng ta mới bắt gặp những vấn đề nghiêm trọng và nhức nhối nhất của đất nước liên quan đến sự tham nhũng và bất lực của giới lãnh đạo, những sai lầm và bế tắc trong chính sách giáo dục và môi trường, những phản ứng yếu ớt và hèn yếu trong quan hệ với Trung Quốc, v.v… Trong lãnh vực xã hội, internet làm thay đổi quan hệ giữa người với người. Trước, quan hệ ấy chỉ giới hạn trong phạm vi làng xã hay phố phường; sau, trong phạm vi nghề nghiệp, chung quanh các hãng xưởng, công sở, công ty hay trường học; cả hai đều gắn liền với một địa lý nhất định; bây giờ, với facebook hay twitter, nó không những mang tính phi-địa lý mà còn có cả tính phi-vật lý nữa: người ta chuyện trò, trao đổi tâm tình và ý kiến không phải chỉ với bạn mà còn cả với bạn của bạn, phẊn lớn là những người họ chưa bao giờ gặp mặt. Riêng trong lãnh vực văn hoá, những thay đổi do máy vi tính và internet triệt để hơn hẳn những thay đổi do máy truyền thanh và truyền hình mang lại. Từ đầu thập niên 1960, Marshall McLuhan[7] đã nhận định máy truyền hình góp phần biến cả hoàn cầu thành một cái làng bằng cách làm cho mọi người ở hầu khắp hang cùng ngõ hẻm trên mặt đất có thể xem cùng một hình ảnh, nghe cùng một bản tin, chịu sự tác động của cùng một cách nhìn, và do đó, có cùng một phản ứng.[8] Hơn nữa, truyền hình còn góp phần tạo nên chiến thắng của cái hình (figure) trên cái ngôn (discourse), tạo nên những hiện thực ảo (virtual reality), khiến con người bị vây bọc bởi cái Jean Baudrillard gọi là simulacra,[9] những bản thế vì của hiện thực, những hình ảnh của hình ảnh của hình ảnh, những hyper-reality; từ đó, cùng với nhiều yếu tố khác, dẫn đến sự hình thành của chủ nghĩa hậu hiện đại trong triết học cũng như trong các ngành nghệ thuật, trong đó có văn học. Riêng trong phạm vi văn học, truyền hình làm giảm hẳn số lượng độc giả; làm khuynh hướng giải trí phát triển mạnh; làm gia tăng hình thức đối thoại trong tiểu thuyết; làm câu văn ngắn gọn và đơn giản hơn; làm nhịp văn và nhịp truyện thay đổi nhanh hơn và gấp hơn, v.v...[10] Những ảnh hưởng ấy lớn, rất lớn, nhưng đều là những ảnh hưởng gián tiếp, phần chủ yếu oằn nặng xuống loại văn học bình dân. Đối với văn học thường được gọi là cao cấp, ảnh hưởng của truyền hình khó thấy hơn. So sánh các cuốn tiểu thuyết trong nửa đầu thế kỷ 20 với các cuốn tiểu thuyết trong nửa sau thế kỷ 20, lúc truyền hình đã bành trướng rộng rãi trong xã hội, người ta nhận thấy có một số khác biệt trong ngôn ngữ cũng như trong kỹ thuật, nhưng dù sao chúng cũng vẫn là tiểu thuyết. Chứ không phải là một cái gì khác. Máy vi tính và cùng với nó, internet thì khác hẳn. Ảnh hưởng của chúng lớn lao đến độ rất nhiều nhà nghiên cứu xem đó thực sự là một cuộc cách mạng chỉ có sự xuất hiện của chữ viết và sự xuất hiện của máy in mới có thể so sánh được.[11] Nếu sự xuất hiện của chữ viết chuyển nền văn hoá truyền khẩu sang nền văn hoá ký tự thì sự xuất hiện của máy in với chữ đúc rời vào giữa thế kỷ 15 đã góp phần chuyển nền văn hoá dựa trên thần quyền sang nền văn hoá có tính chất thế tục, làm tiền đề từ đó lịch sử chuyển từ thời trung đại sang hiện đại. Nếu chữ viết là cơ sở văn hoá để dẫn đến việc ra đời của các tôn giáo độc thần, từ đó, qua chủ trương độc quyền về kiến thức của các nhà cầm quyền, chế độ toàn trị được củng cố thì sách báo in theo kỹ thuật hiện đại, ngược lại, góp phần tư bản hoá thông tin (capitalization of information), biến kiến thức thành một thứ hàng hoá, và sau đó, một công cụ giải phóng con người và thiết lập các xã hội dân sự và dân chủ. Nếu sự ra đời của chữ viết đã tạo điều kiện để con người phát huy khả năng tư duy trừu tượng, nâng cao óc phân tích và tổng hợp từ đó làm nở rộ các thể văn xuôi nghị luận và triết lý thì sự ra đời của máy in và sự phổ cập của sách báo đã làm văn học vừa phát triển theo chiều rộng, trở thành một thứ sinh hoạt đại chúng, vừa phát triển theo chiều cao, thành một nghệ thuật đặc tuyển, in đậm dấu vết của từng cá tính sáng tạo, từ đó, đẩy mạnh những nỗ lực tìm tòi và thử nghiệm, khiến sinh hoạt văn học ngày càng độc đáo và càng phong phú.[12] Có thể nói chính sách in đã góp phần quyết định trong việc hình thành tư tưởng cá nhân chủ nghĩa cũng như tinh thần duy lý: đọc sách bao giờ cũng là một hoạt động thầm lặng, nơi con người một mình đối diện với trang sách và với lòng mình, ở đó, người ta phải vận dụng trí thông minh của chính mình để giải quyết những chỗ phức tạp, tối tăm và mâu thuẫn trong cuốn sách hoặc giữa các cuốn sách; và ở đó, việc nhìn cuốn sách như một hiện hữu cụ thể, gắn liền với một tên tuổi nhất định, đã dần dần làm nảy nở ý thức về tính tác giả (authorship), về tác quyền (copyright), về bản sắc, về phong cách và cùng với chúng, ý thức về cái tôi. Đặc điểm nổi bật và dễ thấy nhất của cuộc cách mạng mới gắn liền với máy vi tính và internet, nói như Robert Coover, được đánh dấu bằng “sự tận cùng của các cuốn sách”,[13] dẫn đến sự ra đời của dòng văn học trên mạng, bao gồm cả dòng văn học số hoá (digitalized) và văn học số (digital literature). Văn học số hoá bao gồm toàn bộ các tác phẩm văn học, kể cả các tác phẩm cổ điển, được sắp chữ hoặc sắp chữ lại trên máy vi tính và đưa lên internet. Chúng có thể được đọc trên màn ảnh hoặc có thể được in ra giấy theo kiểu truyền thống. Hầu hết các tác phẩm văn học trên mạng bằng tiếng Việt hiện nay đều thuộc loại này. Văn học số, ngược lại, được sáng tác trên máy vi tính, tận dụng tính chất đa phương tiện (multimedia) và các điểm nổi (link) trên internet để dẫn dắt câu chuyện và tạo sự tương tác với độc giả, chỉ được đọc trên mạng mà thôi. Ngày trước, nói đến sách, người ta liên tưởng ngay đến giấy. Bây giờ có sách điện tử (ebook). Đã đành trên phạm vi thế giới, sách điện tử chưa thực phổ biến và chưa phải là một đe doạ đối với sách in theo kiểu truyền thống.[14] Nhưng nên nhớ là tuổi tác của sách điện tử còn quá nhỏ. Để trở thành phổ biến, sách in cần đến mấy trăm năm. Sách điện tử, ngược lại, chỉ mới manh nha. Mới manh nha nhưng nó lại đầy tiềm lực, và do đó, đầy tương lai: Nó được nuôi dưỡng, trước hết, trong lãnh vực giáo dục, nơi đào luyện các thế hệ người đọc sắp tới. Cứ thử vào thư mục trên mạng của các thư viện đại học mà xem: số lượng sách điện tử càng ngày càng nhiều. Tại Úc, người ta đang chuẩn bị phát hành các loại sách giáo khoa các cấp, từ tiểu học đến trung học, dưới hình thức sách điện tử để trẻ em khỏi phải mang những túi xách nặng trĩu sách vào lớp học. Cuộc cách mạng giáo dục mà chính phủ Lao Động tại Úc hiện đang hô hào có một nội dung rất cụ thể: mỗi học sinh một chiếc máy vi tính cầm tay (laptop). Cả ngày các em tìm và đọc tài liệu, viết bài, trao đổi thư từ với bạn bè và thầy cô giáo, thậm chí, chơi game trên máy vi tính. Việc các em ấy, sau này, thích đọc sách điện tử hơn sách in là điều có thể đoán được. Nhìn các em bây giờ, do đó, có thể mường tượng hình ảnh sinh hoạt văn học trong vài thập niên tới. Hơn nữa, không nên quên các cuộc vận động âm thầm trong việc số hoá các tác phẩm văn học từ cổ đại đến đương đại, trong đó, tiêu biểu nhất là Dự án Gutenberg do Michael Hart khởi xướng từ năm 1971, đến nay, vào đầu năm 2010, đã có trên 30,000 cuốn sách điện tử được thực hiện và cung cấp miễn phí cho người đọc khắp nơi trên thế giới. Thư khố điện tử Wright American Fiction, được sự hỗ trợ của nhiều đại học, chứa đựng khoảng 3000 cuốn tiểu thuyết được xuất bản từ năm 1851 đến 1875 tại Mỹ. Năm 2004 Google công bố kế hoạch một thư viện hoàn vũ với khoảng 15 triệu cuốn sách sẽ được số hoá và đưa lên mạng.[15] Đó là chưa kể vô số các dự án nhỏ khác của từng hội đoàn hoặc từng cá nhân rải rác đây đó. Riêng bằng tiếng Việt, cần ghi nhận vai trò tiên phong của Tủ sách Talawas với trên 200 cuốn sách và tạp chí điện tử, trong đó có nhiều tác phẩm quý hiếm, phần lớn là những tác phẩm xuất bản ở miền Nam trước 1975, những tác phẩm không dễ gì tìm lại được, nhất là sau đại hoạ phần thư của chế độ mới.[16] So với sách, quá trình mạng hoá báo và tạp chí được tiến hành với một tốc độ nhanh và một quyết tâm cao hơn hẳn. Cho đến nay, phần lớn các nhà xuất bản vẫn còn phân vân trước xu hướng mạng hoá. Các báo và tạp chí thì không. Hầu hết các tờ báo và tạp chí lớn trên thế giới hiện nay đều tồn tại dưới hai hình thức: giấy và mạng. Người ta cố gắng làm cho hình thức mạng bổ sung thay vì uy hiếp hình thức giấy. Nhưng không phải lúc nào người ta cũng thành công. Số lượng báo và tạp chí trên giấy bị đình bản càng lúc càng nhiều. Ở Việt Nam, đặc biệt Việt Nam hải ngoại, lại càng nhiều. Trong phạm vi văn học lại càng nhiều hơn nữa. Nhớ, từ giữa thập niên 1980 đến cuối thập niên 1990, ở hải ngoại có khá nhiều tạp chí văn học. Ra đời sớm nhất là tạp chí Văn (chủ nhiệm, trước là Mai Thảo, sau là Nguyễn Xuân Hoàng), Văn Học (có nhiều chủ nhiệm và chủ bút nhưng người làm lâu và được xem là có công nhất là Nguyễn Mộng Giác), Hợp Lưu (trước, Khánh Trường; sau, Đặng Hiền), Làng Văn (Nguyễn Hữu Nghĩa), Tạp chí Thơ (Khế Iêm), Việt (Nguyễn Hưng Quốc),[17] Chủ Đề (Nguyễn Trung Hối). Có thể kể thêm Thế Kỷ 21 vốn thiên về chính trị, xã hội nhưng phần văn học cũng nhiều và khá. Tuy nhiên, bước sang thế kỷ 21, hầu hết các tạp chí ấy lần lượt bị đình bản. Bây giờ chỉ còn lại Hợp Lưu. Mà có lẽ Hợp Lưu cũng chỉ sống một cách khá thoi thóp. Hiện nay, ở thời điểm 2010 này, sinh hoạt văn học Việt Nam hải ngoại tập trung chủ yếu trên hai tờ báo điện tử: Tiền Vệ (www.tienve.org) và Da Màu (www.damau.org). Những thay đổi trong phương diện sinh hoạt sách và báo nhắc ở trên dẫn đến sự thay đổi trong kiểu thức tồn tại của văn học. Từ trước đến nay, văn học, chủ yếu là văn học thành văn, là những vật thể chiếm một không gian nhất định trên các kệ. Văn học trên mạng thì khác. Đặc điểm đầu tiên của chúng là tính phi vật thể (immateriality). Chúng hiện hữu như một cái ảo. Mở máy vi tính và nối vào mạng: chúng xuất hiện. Tắt máy: chúng biến mất. Trước, ngay cả những người mù chữ cũng biết được sự hiện hữu của sách báo. Nay, nếu không có máy vi tính, ngay cả những người uyên bác và yêu thích văn học nhất cũng không thể có ý niệm gì về sự tồn tại của dòng văn học trên mạng. Nói chuyện với họ dễ có cảm tưởng như nói về những chuyện huyền hoặc. Mang tính phi vật thể, văn học trên mạng hoàn toàn bị giải lãnh thổ hoá. Sách báo in bao giờ cũng gắn liền với một không gian, từ một hiệu sách đến một thư viện, từ một nhà xuất bản đến một trung tâm phát hành, do đó, bao giờ cũng có tính địa phương. Văn học mạng thì vượt qua mọi biên giới: Nó tạo ra một thứ không gian phi địa lý (non-geographical space), còn gọi là một thứ không gian thậm phồn (hyperspace). Mà thậm phồn cũng có nghĩa là xuyên qua, là chuyển dịch (hyper is trans). Xuyên và chuyển đều mang tính phi tâm hoá. Ngày trước, văn học của nước nào cũng có những trung tâm nhất định, nơi tập trung thật nhiều các nhà xuất bản và các toà báo lớn, và từ đó, đa số giới cầm bút. Ở Việt Nam, chẳng hạn, đó là Hà Nội và Sài Gòn. Số lượng các cây bút sống ở tỉnh lẻ rất hiếm. Ở các quốc gia khác cũng thế. Trong nền văn học hải ngoại, sau năm 1975, cũng thế. Có thời, đặc biệt trong suốt thập niên 1980 và 1990, hầu như toàn bộ các nhà xuất bản và các tạp chí văn học bằng tiếng Việt đều tụ tập hết ở California. California mặc nhiên trở thành một thứ thủ đô của văn học Việt Nam hải ngoại. Với sự bộc phát của văn học mạng, ý niệm “thủ đô” ấy bỗng dưng biến mất. Có thể xem sự ra đời của Talawas ở Đức và Tiền Vệ ở Úc vào đầu thập niên 2000 đã truất phế vai trò “thủ đô” của California trong lãnh vực sinh hoạt văn học ở hải ngoại. Hiện nay, một tờ báo mạng văn học có uy tín có thể xuất hiện bất cứ ở đâu, không nhất thiết gắn liền với những khu chợ đông đúc như ngày trước. Cộng tác viên và độc giả của các tờ báo mạng ấy có thể là bất cứ ai, ở bất cứ đâu trên khắp thế giới. Chủ trương “hợp lưu” giữa giới cầm bút trong và ngoài nước mà tạp chí Hợp Lưu ở California cổ vũ vào thập niên 1990 đã được hiện thực hoá hoàn toàn không phải trên báo giấy mà là trên báo mạng. Với văn học mạng, cái gọi là “hợp lưu” không dừng lại ở hai môi trường địa lý: trong và ngoài nước. Nó rộng hơn hẳn: thế giới. Trong cái không gian phi địa lý của văn học mạng, cả người viết lẫn người đọc đều trở thành những du mục đi rong từ vùng này đến vùng khác. Họ xuyên qua các biên giới. Họ la cà giữa các biên giới. Kinh nghiệm và, từ đó, bản sắc của họ được định hình không phải từ truyền thống hay từ những gì họ suy nghĩ mà chính là từ các điểm nối kết trên mạng. Trong ý nghĩa đó, người ta sửa câu nói nổi tiếng của René Descartes, “Tôi tư duy, vậy tôi hiện hữu”, thành “Tôi nối kết, vậy tôi hiện hữu” (I link, therefore I am). Với họ, ranh giới quốc gia không còn là khung nhận thức (epistemological framework) duy nhất hay kiên cố như ngày xưa nữa. Đọc nhà thơ A hay B bây giờ, người ta không chỉ nghĩ đến Nguyễn Du, Tú Xương, Tản Đà, Huy Cận, Nguyễn Bính hay Bùi Giáng. Người ta còn liên tưởng đến các đồng nghiệp của họ ở những chân trời khác, từ Á sang Âu, Mỹ, Úc và cả châu Phi, nếu cần. Không thể hoài nghi, khung quy chiếu của cả người đọc lẫn người viết càng ngày càng mở rộng, càng ngày càng có tính xuyên quốc gia và liên quốc gia. Và tầm nhìn, theo đó, sẽ dần dần chuyển từ lịch đại (diachronic) sang đồng đại (synchronic). Và đồng đại, trong văn hoá mạng, cũng có nghĩa là toàn cầu. Hợp lưu, nhưng văn học mạng cũng có sức phân hoá không kém dữ dội. Phân hoá giữa nông thôn và thành thị, nơi chắc chắn là có nhiều cơ hội tiếp cận với internet hơn. Phân hoá giữa các thế hệ, trong đó thế hệ trẻ rõ ràng là có nhiều ưu thế về kỹ thuật hơn hẳn các thế hệ cha anh của họ. Sự thịnh phát của internet tạo thành một tình trạng mù chữ mới, tôi tạm gọi là mù chữ số (digital illiteracy). Những người mù chữ số có thể là những trí thức uyên bác của các thế hệ cũ. Thì điều đó cũng bình thường. Nó giống hoàn cảnh Việt Nam vào đầu thế kỷ 20: Khi tiếng Pháp được sử dụng như ngôn ngữ chính thức trong hệ thống giáo dục và chữ quốc ngữ trở thành văn tự chung trong cả nước, có vô số trí thức Nho học bỗng dưng trở thành mù chữ. Cầm cuốn sách bày trên kệ: Họ không đọc được. Nhìn tờ báo chữ quốc ngữ đầy những tin tức nóng hổi: Họ không đọc được. Quá trình hiện đại hoá văn học Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 cũng đồng thời là quá trình loại bỏ những kẻ mù chữ (quốc ngữ). Tôi ngờ tương lai văn học Việt Nam trong một, hai thập niên tới cũng tương tự. Cũng là quá trình đào thải thế hệ mù chữ số. Họ trở thành những kẻ ngoại cuộc. Không những không thể tham gia với tư cách người cầm bút, họ còn không thể tham gia cả với tư cách người đọc nữa. Họ hoàn toàn bị ngoại biên hoá (marginalized). Ngoài tính phi vật thể, giải lãnh thổ hoá và phi tâm hoá, cũng về phương diện sinh hoạt, với hình thức tồn tại như vậy, văn học mạng còn có hai đặc điểm nổi bật khác nữa: tính tốc độ và tính tương tác. Văn học mạng cần nhanh. Phổ biến nhanh. Truy cập nhanh. Và đọc cũng nhanh nữa. Điều hầu như ai cũng nhận thấy: đối diện với máy vi tính, sự kiên nhẫn của con người rất có giới hạn. Trang mạng nào tải chậm một tí, người ta đổi sang trang khác ngay. Sự chờ đợi, trước, được đo theo đơn vị phút, sau, chỉ còn lại giây. Cái đọc cũng vậy. Trên mạng, phần nhiều người ta không đọc. Người ta chỉ lướt (surf). Lướt từ trang này qua trang khác. Trong một trang, lướt từng phần này qua phần khác. Với cách đọc như vậy, quan điểm thẩm mỹ của độc giả, không sớm thì muộn, cũng dần dần thay đổi. Thay đổi theo chiếu hướng nào? Khó biết trước được. Nhưng tôi đoán nó cũng sẽ theo chiều hướng tốc độ hoá: sự biến hoá của chuyện, của ý, của cảm xúc và của cả nhịp văn nữa sẽ nhanh hơn, chẳng hạn. Dĩ nhiên, không loại trừ những phản ứng ngược, như thường vẫn vậy, trong lãnh vực văn học nghệ thuật. Một kinh nghiệm: chủ nghĩa hiện đại trong nửa đầu thế kỷ 20 vừa là phản ứng thuận lại vừa là phản ứng ngược, trong đó phản ứng ngược đóng vai trò chủ yếu, của tính hiện đại, đặc biệt của xu hướng thành thị hoá, cơ giới hoá và duy lý hoá. Một đặc điểm khác của văn học mạng là sự tương tác mật thiết giữa tác giả và người đọc phát triển lên một mức cực cao. Cần lưu ý: tính tương tác là một khái niệm mới trong văn hoá học cũng như trong phê bình văn học, tuy nhiên, trên thực tế, đó là lại một hiện tượng khá cũ. Các nhà mỹ học tiếp nhận và phê bình căn cứ trên hồi ứng của người đọc đã phát hiện ra bản chất của việc đọc văn chương bao giờ cũng là một chuỗi tương tác. Đọc là nhận thức. Nhận thức là diễn dịch. Diễn dịch là tương tác. Tương tác giữa mình và người. Giữa quá khứ và hiện tại. Giữa những cái đã biết và những cái chưa biết. Giữa kinh nghiệm và kỳ vọng. Tương tác giữa văn bản và tính liên văn bản. Không thể có cái viết nào hoàn toàn cô lập. Cũng không thể có cái đọc nào hoàn toàn cô lập. Viết bao giờ cũng là viết với người khác. Đọc, cũng vậy, bao giờ người ta cũng đọc với những người khác, từ những người đồng thời đến những người xa xưa, có khi tận thời cổ đại. Umberto Eco nhấn mạnh: “Không có một văn bản nào được được một cách độc lập ngoài kinh nghiệm của người đọc về các văn bản khác”.[18] Ý này, trước đó, đã được Harold Bloom nêu lên: “Đọc một văn bản nhất thiết là đọc một hệ thống các văn bản, và ý nghĩa (của nó) luôn luôn lang thang giữa các văn bản”.[19] Trước đó nữa, Mikhail Bakhtin đã phát hiện tính tương tác như một yếu tính của tiểu thuyết, hơn nữa, của văn học, và hơn cả thế nữa, của ngôn ngữ, khi ông đưa ra khái niệm tính tương thoại (dialogism) sau này trở thành nền tảng trên đó Julia Kristeva, Roland Barthes và Jacques Derrida xây dựng khái niệm tính liên văn bản được xem như một trong những luận điểm nòng cốt của hậu cấu trúc luận. Tuy vậy, dường như chưa bao giờ và không ở đâu, tính tương tác và tương thoại ấy lại nổi bật như trong thế giới mạng. Đăng bài trên mạng, qua các thống kê, người ta có thể biết rõ, rất rõ, về những ai đã đọc mình: có bao nhiêu người, từ những quốc gia nào; họ đọc gì và đọc trong bao lâu, v.v… Độc giả cũng thế, họ có thể phản hồi ngay tức khắc; và trong một số trường hợp, họ có thể nhận được hồi âm hầu như ngay tức khắc. Với các tác phẩm văn bản thậm phồn (hypertext), tính chất tương tác còn rõ ràng và cụ thể hơn nữa: độc giả có thể tham gia vào quá trình tạo tác cấu trúc và ý nghĩa của tác phẩm. Khi tính tương tác trở thành yếu tố chủ đạo, vai trò của tác giả không còn như trước nữa. Cách đây mấy chục năm Roland Barthes đã dự báo về “Cái chết của tác giả”.[20] Chúng ta nên nhớ, như Michel Foucault đã từng nhắc nhở, khái niệm “tác giả” không phải là cái gì tự nhiên hay vĩnh cửu, ngược lại, nó chỉ là một sản phẩm của lịch sử: có những giai đoạn rất dài loài người vẫn đọc và vẫn thưởng thức văn học mà không hề có một chút băn khoăn về sự hiện hữu, đừng nói là bản sắc, của tác giả.[21] Cái chúng ta quen gọi là “tác giả” hiện nay chỉ nổi lên từ cuối thời Trung đại, gắn liền với chủ nghĩa duy lý và niềm tin vào cá nhân ở thời Phục Hưng; được hình thành với chức năng củng cố ý nghĩa và tạo nên sự thống nhất trong tác phẩm. Với việc phát hiện ra tính liên văn bản, ở đó, mỗi tác phẩm không phải là cái gì khác ngoài một mạng lưới đan xen chằng chịt các trích dẫn từ vô số nguồn khác nhau, trong đó, không có nguồn nào có xuất xứ rõ ràng và có thể truy nhận được, vai trò của người đọc nổi lên, thay thế tác giả ở nhiệm vụ tạo nên tính thống nhất ấy. Thoạt đầu, khi văn học mạng vừa xuất hiện, nhiều người lo lắng là triến trình khai tử tác giả mà Barthes tiên báo sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực. Trong cuốn Digital Fictions, Storytelling in a Material World, Sarah Sloane cho là, trong thể loại tiểu thuyết số (digital fiction), khi người đọc đóng vai trò nhân vật trung tâm, tham gia và góp phần điều hướng câu chuyện, tính ổn định của văn bản bị đánh mất, đọc trở thành một cuộc phiêu lưu quờ quạng trong mê cung, và hậu quả là “tác giả và ý nghĩa bị triển hạn đến vô tận”.[22] Mười năm sau khi tác phẩm của Sarah Sloane được xuất bản, tiểu thuyết số vẫn còn khá xa lạ, do đó, khó có cơ sở để phán đoán ý kiến của bà đúng hay sai. Trên thực tế, chiếm lĩnh thế giới ảo vẫn là trang mạng và các blog, ở đó, chúng ta chứng kiến một sự thực ngược lại, nói như Nicholas Rombes, trong bài, “Sự tái sinh của tác giả”, hầu như tác giả có mặt ở khắp nơi. “Ngày nay tất cả chúng ta đều là tác giả. Tất cả chúng ta đều là auteurs. Tất cả chúng ta đều là nhà văn. Tất cả chúng ta đều là những nhà làm phim. Và tất cả chúng ta đều là những nhà lý thuyết bởi vì những gì chúng ta đang làm đã lý thuyết hoá chính nó.”[23] Hiện tượng người người trở thành tác giả như vậy xuất phát từ hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, do việc xuất bản trên mạng tương đối dễ dàng và nhanh chóng, số lượng người cầm bút tăng vọt hẳn lên. Trước, sau khi hoàn tất một bài thơ, một truyện ngắn hay một bài phê bình, tiểu luận, nhiều khi người ta phải chờ đợi đến mấy tháng mới thấy nó xuất hiện trên trang báo. Bây giờ, có lúc chỉ mất vài ngày, thậm chí, vài giờ. Trong trường hợp tác giả có blog riêng, việc công bố tác phẩm có khi chỉ mất vài phút. Nhanh. Cực nhanh. Sự nhanh chóng ấy chắc chắn gợi hứng cho nhiều người để họ tiếp tục sáng tác. Thứ hai, trong thế giới mạng, độc giả thường không những có quyền mà còn được khuyến khích lên tiếng. Các ý kiến phản hồi của họ được đọc một cách bình đẳng như bao nhiêu trướ tác khác của giới cầm bút chuyên nghiệp. Ở mức độ nào đó, có thể nói họ cũng là những tác giả, hoặc, ít nhất, đồng-tác giả (co-author). Tôi thích chữ “đồng-tác giả” ấy. Theo tôi, không phải chỉ có độc giả, bằng động thái đọc và, hơn nữa, phản hồi, tham gia vào tiến trình hiện thực hoá cũng như tạo nghĩa cho tác phẩm, trở thành đồng-tác giả. Mà chính tác giả, những người sáng tác và đóng dấu chủ quyền trên tác phẩm của mình, thực chất cũng là những đồng-tác giả. Nói cách khác, theo tôi, mọi tác giả đều là những đồng-tác giả. Không có ngoại lệ. Chứ còn gì nữa? Khi tính liên văn bản thống trị mọi văn bản, không thể có những nhà sáng tạo độc lập và độc nhất. Sáng tạo trở thành đồng-sáng tạo. Đồng-sáng tạo với ai hay với cái gì? Thì, trước hết, với ngôn ngữ và với các quy ước và ý niệm về điển phạm trong văn học, và sau chúng, là lịch sử, thời đại, văn hoá, và, đặc biệt, với ký ức tập thể của cả cộng đồng. Khi sáng tạo là đồng-sáng tạo, tác giả, như một hệ luận tất yếu, cũng trở thành đồng-tác giả. Từ văn học trên giấy đến văn học trên mạng, nếu tính liên văn bản và tính tương tác càng gia tăng thì tính đồng-tác giả ấy lại càng nổi lên và đậm nét. Như vậy, sự khác biệt của tính đồng-tác giả giữa hai dòng văn học chủ yếu là ở mức độ. Nếu cả tác giả lẫn độc giả đều là những đồng-tác giả, hệ quả đầu tiên là tính chuyên nghiệp của văn học sẽ bị thách thức nghiêm trọng. Xưa, thời tiền-hiện đại, công việc viết lách nằm trong tay một tầng lớp đặc tuyển ít ỏi; bước vào thời hiện đại, với sự phát triển của kỹ nghệ in ấn, báo chí và xuất bản được phát triển mạnh mẽ, công việc viết lách dần dần được thương mại hoá, và vì thương mại hoá, nó dần dần được chuyên nghiệp hoá: viết văn trở thành một nghề. Khi văn học được chuyển lên mạng, cơ sở kinh tế của dòng văn học trên giấy in bị lay đổ: nó không những không xin quảng cáo được mà cũng không thể bán được. Thế giới mạng, cho đến nay, vẫn là thế giới... chùa. Rất hiếm khi người ta chịu trả tiền để đọc bất cứ điều gì. Thành ra, viết lại trở thành viết chơi như ngày xưa. Không nhuận bút. Không lợi tức. Viết để thoả một cơn ghiền. Thế thôi. Xu hướng ấy, không sớm thì muộn, cũng sẽ dẫn đến hiện tượng giải-chuyên nghiệp hoá (deprofessionalism) văn học. Ở đâu cũng thế. Riêng ở Việt Nam, quá trình giải-chuyên nghiệp hoá ấy không chừng sẽ nhanh chóng hơn hẳn những nơi khác. Tại sao? Lý do chính là cái gọi là chuyên nghiệp hoá trong văn học Việt Nam chỉ vừa mới chớm, còn rất mong manh, do đó, rất dễ bị dập tắt. Điều đó, dĩ nhiên, đáng buồn. Nhưng không phải là tuyệt vọng. Thoát ra khỏi áp lực của thương mại và nghề nghiệp, người cầm bút cũng dễ thoát khỏi áp lực của dư luận và thành kiến, từ đó, của thói quen và truyền thống, dễ tự tin đi vào các cuộc phiêu lưu và thử nghiệm không những trong tư tưởng mà còn trong cả bút pháp. Biết đâu, nhờ đó, văn học có nhiều triển vọng đổi mới hơn. Nếu không, nó cũng trở lại với bản chất nguyên thuỷ của nó: một trò chơi ngôn ngữ và đồng thời cũng là một trò chơi tự biểu hiện. Không những khái niệm tác giả thay đổi, cả khái niệm văn bản cũng thay đổi, đặc biệt loại văn bản điện tử (electronic text; còn gọi là văn bản thậm phồn, hypertext). Nếu văn bản theo nghĩa cổ điển, trên sách in, chủ yếu là một công trình ngôn ngữ với sự kết hợp giữa các yếu tố từ vựng và một ít các yếu tố phi từ vựng, từ các dấu câu đến cách trình bày trên trang giấy như cách ngắt dòng hay cách sắp dòng thì văn bản trên mạng có thể vừa là một công trình ngôn ngữ vừa là một công trình phi ngôn ngữ, trong đó, có thể có cả âm thanh, hình ảnh, hay các sự chuyển động mà internet có thể làm được. Nếu văn bản cổ điển có một trung tâm quy chiếu rõ ràng với một cấu trúc vững chãi dựa trên cách phân bậc chặt chẽ giữa các điểm chính và các điểm phụ, điểm trước và điểm sau thì văn bản trong môi trường điện tử lại là một cái gì phi tâm, không có điểm khởi đầu cũng như điểm kết thúc, gắn liền với một liên mạng đa phương và đa tầng, ở đó, mọi mối quan hệ đều hết sức dân chủ. Nếu văn bản cổ điển được thiết kế theo một trật tự tuyến tính (linearity), từ câu thứ nhất đến câu thứ nhì, từ đầu trang đến cuối trang, từ trang trước đến trang sau thì văn bản điện tử, ngược lại, có thể có tính chất phi tuyến tính (nonlinearity), ở đó, người đọc được tự do chọn các điểm nối (link) để có thể chuyển sang những bài viết khác cùng đề tài, không nhất thiết phải theo một kết cấu nào cố định. Cuối cùng, nếu văn bản theo nghĩa cổ điển là cái gì tĩnh tại, cố định, hay nói như Jay David Bolter, “đông lạnh”[24] thì văn bản điện tử có thể biến hoá liên tục tuỳ theo cách tiếp cận của mỗi người đọc, thậm chí, của mỗi lần đọc. Michael Joyce cho văn bản điện tử chỉ là biểu hiện của một thứ văn bản không ngừng trốn thoát và cũng không ngừng gây ngạc nhiên mỗi lần nó quay trở lại; đó là thứ văn bản mà người đọc có thể tự mình lựa chọn cách đọc; có điều, “những sự lựa chọn ấy sẽ làm thay đổi hẳn bản chất của những gì hắn đọc”.[25] Nói một cách tóm tắt, văn bản trên mạng, ở dạng hiện đại nhất của nó, hypertext, là loại văn bản phi tuyến tính, liên văn bản, đa tâm, bất định và bất liên tục, nặng tính chất tương tác cũng như tính chất trình diễn.[26] Những kiểu văn bản như thế, thật ra, không phải hoàn toàn mới lạ. Trong các văn bản cổ điển, các cước chú và phụ chú thật ra cũng là những điểm nối có tính chất liên văn bản, dù chỉ ở mức độ khá thô sơ. Tính chất phi tuyến tính và liên văn bản cũng xuất hiện, với những mức độ khác nhau, trong thơ đa-đa, thơ siêu thực, thơ cụ thể, thơ hình hoạ cũng như truyện ngắn và tiểu thuyết của James Joyce (Ulysses, và Finnegans Wake), Julio Cortazar (Hopscotch), George Perec (La vie: mode de emploi), Italo Calvino (If On a Winter's Night a Traveler), Milorad Pavic (Dictionary of the Khazars) và Jorge Luis Borges (“Library of Babel” và “Garden of Forking Paths”), v.v... Về phương diện lý thuyết, người ta cũng có thể biện chính cho loại văn bản điện tử với rất nhiều điểm nối ngang như thế bằng quan niệm văn bản khả tác (writerly text) của Roland Barthes; quan niệm về tính liên văn bản của Jacques Derrida cũng như các nhà giải kiến tạo ở Mỹ; quan niệm về tính lắp ráp (bricolage) của Claude Lévi-Strauss, và cả quan niệm về tính tương thoại (dialogism) trong tiểu thuyết của Mikhail Bakhtin, v.v...[27] Không mới lạ, nhưng rõ ràng là trong môi trường mạng, những đặc điểm ấy đã trở thành những đặc trưng chủ đạo. Nhưng khi tính phi tuyến tính và tính liên văn bản trở thành những đặc trưng chủ đạo, yếu tố bị đe doạ đầu tiên là gì? Theo tôi, không chừng đó sẽ là tính tự sự (narrative). Văn học, tự bản chất, có tính tự sự. Trước hết, văn học, khởi thuỷ có tính truyền khẩu, là một nghệ thuật thời gian: nó bắt đầu ở một thời điểm nhất định và kết thúc ở một thời điểm nhất định khác. Sau, với kỹ thuật in, hiện hình trên trang giấy, bên cạnh thời gian, văn học có thêm một kích thước mới: không gian. Tuy nhiên, kích thước không gian dù sao vẫn chỉ là phụ thuộc, do đó, tính tự sự vẫn đóng vai trò quan trọng trong văn học. Từ trang sách lên màn ảnh máy vi tính, từ việc được đọc từng trang, từng trang, hết trang này đến trang khác đến việc có thể đọc nhảy lóc cóc theo từng điểm nối có khi hoàn toàn ngẫu nhiên, tính tự sự càng trở nên mờ nhạt. Dĩ nhiên không mất hẳn. Nó chỉ mờ nhạt thôi. Mờ nhạt và biến dạng. Mờ nhạt dẫn đến biến dạng. Theo tôi, cả sự mờ nhạt lẫn sự biến dạng ấy đều dẫn đến sự lên ngôi của các thể loại phi tự sự (non-narrative), trong đó, không chừng đáng kể nhất là tuỳ bút và đặc biệt, lý luận và phê bình. Trong loại hình tự sự, có lẽ ưu thế sẽ thuộc về truyện cực ngắn và truyện (cả truyện dài lẫn truyện ngắn) được viết theo phong cách hậu hiện đại, ở đó, tính tự sự bị đặt thành nghi vấn và không còn là cơ sở chính để xây dựng cấu trúc tác phẩm nữa. Ý thức về sự suy thoái của tính tự sự, dù muốn hay không, cũng củng cố thủ pháp siêu hư cấu (metafiction), một thứ truyện trên truyện hay truyện về truyện, ở đó, tác giả đặt vấn đề ngay về chính cái viết và nỗ lực hư cấu hoá của mình. Siêu hư cấu, cũng như phản tự sự nhắc ở trên, cũng đều là những nguyên tắc lớn của chủ nghĩa hậu hiện đại. Có thể nói, từ góc độ lý thuyết cũng như từ góc độ thực tiễn sáng tác, hình thức văn bản trên mạng vừa là một quá trình tiến hoá lại vừa là một cuộc cách mạng của nền văn học hậu hiện đại. Là một sự tiến hoá, văn học trên mạng, trên nguyên tắc, vẫn là những văn bản mang tính văn học, là những văn bản văn học. Là một cuộc cách mạng, văn học trên mạng không những làm thay đổi quan hệ giữa độc giả với văn bản hay quan hệ giữa tác giả với văn bản, giữa tác giả với độc giả, mà còn có khả năng làm đảo lộn mọi điển phạm, mọi mô thức và mọi ước lệ văn học hiện có, hay nói như George Landow, nó “lật đổ mọi đẳng cấp trong vị thế và quyền lực” của văn học truyền thống.[28] Quan trọng nhất, nó có khả năng làm thay đổi cách chúng ta đọc cũng như cách chúng ta viết. Nghĩa là, nói một cách tóm tắt, nó sẽ dần dần làm thay đổi toàn bộ những gì chúng ta gọi là văn học.
_________________________ [1]A.S. Cohan (1975), Theories of Revolution, London: Thomas Nelson & Sons, tr. 31. [2]Theda Skocpol (1979), States and Social Revolutions: A Comparative Analysis of France, Russia and China, New York: Cambridge University Press, tr. 4. [3]Xem http://www.news.com.au/technology/story/0,28348,25857420-5018992,00.html
[4]Steven Harris, “The future is now”, The Sunday Age, 23.8.2009, tr. 1. [5]Mark Poster (biên tập) (1988), Jean Baudrillard: Selected Writing, Stanford: Stanford University Press, tr. 80. [6]Xem Carl A. Raschke (2003), The Digital Revolution and the Coming of the Postmodern University, London: RoutledgeFalmer. [7]Marshall McLuhan (1911-1980), tác giả của The Gutenberg Galaxy (1962) và Understanding Media: The Extensions of Man (1964), là người đi tiên phong và cũng là người đặt những nền tảng lý thuyết cho việc nghiên cứu ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông, từ máy in cho đến báo chí, sách vở, ti vi, điện thoại, truyền thanh, v.v... đến tâm lý con người và văn hoá của thời đại. [8]Xem bài “From Global Village to Global Mind” của Derrick de Kerckhove, đăng trên UNESCO Courier số tháng 2.1995. [9]Jean Baudrillard (1983), Simulations, Semiotext, New York. [10]Trong bài “The dump-down” đăng trên báo The Nation số ra ngày 17 tháng Ba năm 1997, Todd Gitlin, một giáo sư về Văn hoá, Báo chí và Xã hội học tại New York University đã nghiên cứu mười cuốn tiểu thuyết được báo The New York Times xếp loại bán chạy nhất trong tuần lễ đầu tiên của tháng Mười của các năm 1996, 1976, 1956 và 1936. Ông khám phá thấy cách dùng văn đối thoại từ năm 1936 đến năm 1996 tăng lên 40%. Cũng trong thời gian ấy, chiều dài của câu văn giảm xuống 27% và số lượng các dấu câu giảm xuống 55%. Phân tích kỹ hơn, Todd Gitlin nhận thấy sự thay đổi diễn ra nhanh nhất là trong khoảng thời gian từ 1956 đến 1976. Trong hai mươi năm này, câu văn trong các cuốn tiểu thuyết bestsellers càng ngày càng ngắn lại và đơn giản dần. Nếu trong năm 1956, chiều dài trung bình của câu văn là 17.75 từ thì năm 1976 là 13.55 từ; nếu trong năm 1956, số lượng các dấu câu là 1.5 thì năm 1976 là 0.85. Todd Gitlin cho đó không phải là điều ngẫu nhiên. Thời gian này trùng hợp với sự phát triển của ti vi. Và dưới áp lực của ti vi, các cuốn tiểu thuyết bình dân đã được viết như một thứ kịch bản phim: câu văn ngắn gọn và giản dị, phần lớn là đối thoại, ít có những tư tưởng sâu xa và phức tạp. [11]George P. Landow (1992) Hypertext: The Convergence of Contemporary Critical Theory and Technology, The Johns Hopkins University Press, Baltimore. Có thể xem thêm một số bài viết ngắn khác như “Drafting an Alphabet for the Digital Tradition”của Ashley Dunn trên The New York Times on the Web (ngày 18.12.1996); “Is It Really Gutenberg All Over Again?” của Bruno Giussani trên The New York Times on the Web (ngày 6.1.1998), hay “The Internet and Gutenberg” của Robert J. Samuelson trên Newsweek ngày 24.1.2000. [12]Về ảnh hưởng của chữ viết đối với văn hoá, có thể xem cuốn A Preface to Plato của Eric Havelock, Cambridge xuất bản năm 1963; cuốn The Death of Literature của Alvin Kernan, Yale University Press xuất bản năm 1990, đặc biệt các trang 126-143. [13]Robert Coover (1992), “The End of Books?”, New York Times Book Review 21.6.1992. [14]Năm 2004, sách điện tử chỉ chiếm 0.1% trong số 2,3 triệu cuốn sách mà các nhà xuất bản Mỹ bán được trên khắp thế giới (Theo Burt Helm trong bài “Curling up with a good e-book” đăng trên BusinessWeek Online ngày 29.12.2005). [15]Theo sự ước tính của Kevin Kelly trong bài “Scan this book” đăng trên The New York Time Magazine số ra ngày 14.5.2006, trên thế giới từ xưa đến nay, có ít nhất khoảng 32 triệu cuốn sách và 750 triệu bài báo cũng như tiểu luận được xuất bản. [16]http://talawas.org/talaDB/talaDBFront.php?rb=08
[17]Có thể đọc toàn bộ 8 số
Việt này trên website Tiền Vệ. [18]Umberto Eco (1984), The Role of the Reader, Bloomington: Indiana University Press, tr. 21. [19]Harold Bloom (1973), The Anxiety of Influence: Towards a Theory of Poetry, Oxford: Oxford University Press, tr. 107-8. [20]Roland Barthes (1977), “The Death of the Author”, in trong tập Image, Music, Text, Stephen Heath dịch và biên tập, Hill & Wang xuất bản tại New York, trang 146-148. [21]Michel Foucault (1979), “What is an Author?”, in trong tập Textual Strategies: Perspectives in Post-Structuralist Criticism, Josué V. Harari biên tập, nxb Methuen, London. [22]Sarah Sloane (2000), Digital Fictions, Storytelling in a Material World, Stamford: Ablex Publishing Corporation, tr. 22. [23]Nicholas Rombes, “The rebirth of the author” in trong Critical Digital Studies: A Reader do Arthur Kroker và Marilouise Kroker biên tập (2008), University of Toronto Press xuất bản tại Toronto, tr. 437. [24]Dẫn theo David S. Mial, trong bài “Trivializing or Liberating? The Limitation of Hypertext Theorizing” đăng trên Mosaic (Winnipeg) số tháng 6.1999. (Nguyên văn cách nói của Bolter là: “frozen structure of the printed page”.) [25]Michael Joyce (2003), Othermindedness, the Emergence of Network Culture, Ann Arbor: The University of Michigan Press, tr. 132. [26]Xem Sven Birkerts (1996), The Gutenberg Elegies, the Fate of Reading in an Electronic Age, Faber & Faber, London; George P. Landow (biên tập) (1994), Hyper / Text / Theory, The Johns Hopkins University Press xuất bản tại Baltimore; Robert Kendall (1995), “Writing for the New Millennium” đăng trên Poets & Writers Magazine số tháng 11 & 12. 1995. Bằng tiếng Việt có thể xem thêm bài “Về văn học hypertext” của Nguyễn Minh Quân và bài “Văn học hypertext: phác hoạ về một thể loại văn học mới” của Đức Thuần trên tạp chí Việt số 6 (giữa năm 2000). [27]Xem bài “Virtual transformations: the evolution of publication media” của Kenneth Arnold đăng trên Library Trends, Spring 1995; “Cybernetic esthetics, hypertext and the future of literature” của Molly Abel Travis đăng trên Mosaic (Winnipeg), 12.1996; “The state of the art (novelists and novel writing) của John Barth đăng trên The Wilson Quarterly, vol. 20, 03.01.1996; “Nonce Upon some times: rereading hypertext fiction” của Michael Joyce, đăng trên Modern Fiction Studies 43.3 (1997); “Trivializing or Liberating? The Limitation of Hypertext Theorizing” của David S. Mial, đăng trên Mosaic (Winnipeg) số tháng 6.1999. [28]George P. Landow (1992), Hypertext: The Convergence of Contemporary Critical Theory and Technology, Baltimore: Johns Hopkins University Press. Dẫn lại theo Thomas Swiss trong bài “Electronic Literature: Discourses, Communities, Traditions” in trong cuốn Memory Bytes: History, Technology and Digital Culture do Lauren Rabinovitz & Abraham Geil biên tập (2004), Durham: Duke University Press, tr. 287-8. |