thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tới nơi viết văn

 

Một ngày mùa hè, năm…, trên chuyến xe đò đi Nha Trang, tôi dự định ở đó hai ngày tại nhà người bạn hoạ sĩ, trên núi Sạn... Tại ngôi biệt thự trên núi Sạn, hướng nhìn ra mênh mông đất trời biển cả, thế nào tôi cũng viết được một truyện ngắn “hoành tráng” theo đề nghị của một ông chủ báo văn nghệ tại thành phố lớn nhất Việt Nam. Ông chủ báo đã ứng trước cho tôi một phần nhuận bút, không nhiều, nhưng đủ để mua vé xe đò khứ hồi và ăn uống trong hai, ba ngày.

Ngồi cạnh tôi, cô gái chừng mười sáu, mười bảy tuổi; quần áo học trò cũ kỹ, ngực áo còn dấu vết phù hiệu một trường phổ thông trung học nào đó ở Sài Gòn. Gương mặt cô gái, một vẻ lo âu, và một vẻ hoang mang trong đôi mắt; chiếc khăn cô gái đang nắm chặt trong lòng bàn tay; chiếc khăn màu hồng loại rẻ tiền, hình như đấy là bảo vật, hành trang duy nhất của cô. Tôi định bắt chuyện với cô gái, hoá ra cô lên tiếng trước:

“Thà đừng tới đó...”

“Cô nói sao?”

Cô gái im lặng.

“Lần đầu tiên cô đi Nha Trang phải không?”

“Dạ.”

“Cô đi thăm bà con?”

Cô gái nhìn tôi thật nhanh rồi cúi đầu, nói một tiếng “Dạ.”

“Nhà bà con cô ở đường nào?”

Cô gái lúng túng, nhìn ra ngoài, không đáp. Cô chợt quay đầu lại, hỏi tôi:

“Chú về đường nào ở Nha Trang?”

Ðến lượt tôi lúng túng; bởi nửa chừng tôi phân vân, chẳng biết mình có nên tới nhà người bạn hoạ sĩ trên núi Sạn hay không. Tôi trả lời cô gái:

“Chưa biết về đường nào. Tôi không quen ai ở đây cả.”

“Chú không quen ai thật sao?” Cô gái hỏi, vẻ đáng tiếc cho tôi.

Tôi gật đầu.

“Không quen ai sao chú đi ra Nha Trang?”

“Tôi ra Nha Trang để viết văn.”

“Viết văn có được nhiều tiền không?”

“Riêng tôi, nói chung không được nhiều tiền.”

“Không được nhiều tiền thì viết văn để làm gì?”

Tôi chẳng biết trả lời cô gái thế nào cho đúng. Xe dừng tại bến, cô gái xuống xe sau cùng.

 

*

 

Trong khi tôi cố ý đứng chờ, cô gái bước nhanh qua chỗ tôi. Cô dừng lại chỗ một người đàn bà, có lẽ để hỏi đường sá. Một chiếc xe Honda-ôm bám theo cô gái. Cô lên xe. Tôi cũng lên chiếc xe Honda-ôm vừa chạy tới; bảo người này chở tôi theo sau cô gái.

Cuối cùng, chiếc xe Honda-ôm chở cô gái dừng lại trước một toà nhà đồ sộ, toạ lạc bên trái núi nhỏ, gần bờ biển. Cô gái không hề thấy tôi. Tôi nhìn toà nhà: Hotel Hương Biển. Tôi không đủ tiền thuê phòng ở khách sạn, bảo người lái xe Honda-ôm chạy nhanh qua, tới một phòng trọ xoàng xĩnh cách đó chừng một cây số. Nằm nghỉ chốc lát trong phòng trọ, tôi thả bộ tìm đến khách sạn Hương Biển. Nhìn qua cửa kính nhà hàng của khách sạn, tôi thấy cô gái đang ngồi ở một bàn ngay phía ngoài. Có phải là cô? Tôi nhìn kỹ hơn, suýt reo lên mừng rỡ. Nhưng một nỗi buồn lập tức ập đến. Cô gái phục sức khác hẳn, không phải bộ quần áo cũ kỹ ban chiều, mà là bộ váy đầm mới tinh. Cô ngồi cùng một cô gái phục sức tương tự. Không giống cô gái kia, cử chỉ của cô ngượng nghịu, lúng túng. Cô hốt hoảng khi trông thấy tôi. Tôi tỏ ý muốn gặp. Cô gái đứng lên. Cô bạn ngồi chung, tôi đoán vậy, đặt tay lên cánh tay cô, nói gì đó.

Cô ngồi bên tôi, ở một bàn không xa, trong nhà hàng. Ngoài bộ đồ không thích hợp, tôi còn thấy cô được trang điểm một ít son phấn; ít thôi, mà cũng khá loè loẹt.

“Người cô quen là cô gái đó phải không?”

“Dạ chị ấy là hàng xóm của em, đã ra đây sáu tháng rồi...” Cô gái đáp với vẻ ngoan ngoãn không ngờ. Tôi thấy cần phải tránh làm tổn thương cô gái.

“Cô biết không, cô sắp gặp một chuyện không hay.”

“Chú nói vậy là sao?”

“Ðể tôi nói đầu đuôi, cô… em mới hiểu... Gia đình em không được ổn lắm, đúng không?”

“Sao chú biết?”

“Sắc diện em đã cho tôi biết một vài điều. Bây giờ em đưa bàn tay cho tôi xem.”

Tôi nắm rất nhẹ bàn tay cô gái, đưa ra phía nhiều ánh sáng; tôi giả vờ chăm chú nhìn những đường chỉ tay.

“Em sẽ không ở đây lâu, đúng không?”

“Dạ mai em về.”

“Gia đình em đang gặp một biến cố, như có người ốm đau, tai nạn gì đó?”

“Dạ.”

“Em là con gái lớn trong nhà?”

Cô gái gật đầu.

Những câu hỏi, đoán mò của tôi như vậy (tưởng tượng của nhà văn?), sau cùng tôi được biết mẹ cô gái đã mất, ba đạp xích-lô nuôi năm, sáu đứa em. Ông bị bệnh nặng, phải vào bệnh viện; không có tiền chữa chạy, không ai giúp đỡ, họ hàng thân thích đều nghèo và ở xa. Vì vậy cô gái đã quyết định nghe theo lời bạn, đến thành phố biển.

Tôi cho rằng mình phải giúp cô gái thoát khỏi tình thế này; tự động cởi cái đồng hồ hiệu Wyler cũ kỹ đang đeo trên tay.

“Trước hết, em cần một số tiền dằn túi. Em hãy cầm cái đồng hồ này, bán đi để có một số tiền. Nó cũ kỹ, nhưng là thứ đồng hồ tốt; nếu mới thì khá đắt giá.”

Cô gái có vẻ suy nghĩ. Tôi dúi cái đồng hồ vào tay cô.

“Cái đồng hồ này bán được bao nhiêu tiền hở chú?”

“Chừng năm mươi ngàn. Nó cũ rồi, người ta không mua giá cao hơn.”

Tôi biết số tiền đó quá nhỏ nhoi, trong tình cảnh của cô gái.

“Em cứ cầm lấy, rồi tôi sẽ lo tiếp.” Cô gái khẽ lắc đầu, thất vọng não nề.

Lúc đó, người lối xóm của cô gái đứng dậy, đi tới bàn chúng tôi. Cô ta khoảng hai mươi mấy tuổi; dáng mảnh khảnh, váy ngắn trên đầu gối; lớp phấn son khá dày. Cô ta liếc nhìn tôi khinh khỉnh, kéo cô gái tội nghiệp đứng lên, rời xa bàn đang ngồi một khoảng cách. Tôi lắng tai nghe: cô gái tội nghiệp nói tôi là một người quen trên xe đò; cô lối xóm có lòng tử tế nói một người đàn ông nào đó sắp đến.

“Ông ấy sẽ đưa em đi chơi một vòng bãi biển... Xe hơi đàng hoàng nhé!... Không, không thô bạo đâu, ôm ấp vuốt ve nhẹ nhàng thôi...”

Tôi chưa kịp phản ứng gì hết, cô lối xóm tử tế đã nắm tay cô gái tội nghiệp kéo đi ra khỏi nhà hàng. Cô ta còn ngoái nhìn tôi, nói nghe rõ: “Hứ! Thứ đồ đạo đức giả! Ðừng hòng lường gạt người ta!”

Mặt tôi nóng bừng trước câu sỉ nhục của cô ta. “Không. Không nên gây sự với cô ta. Hãy bình tĩnh, bình tĩnh…,” tôi tự nhủ.

 

*

 

Hai người trở lại nhà hàng, ngồi ở một bàn sâu phía trong. Tôi đứng lại ở một quầy hàng rộng rinh, nhìn vu vơ các thứ bày trong lớp kính trong suốt: quần áo, đồ trang sức nam nữ, các loại đồng hồ, các loại mắt kính... Có tiếng còi xe hơi. Tôi giật mình, nhìn ra; chiếc xe hơi bóng lộn dừng ngoài sân khách sạn Hương Biển. Nhìn lại chỗ hai cô gái, tôi thấy họ vẫn ngồi, với câu chuyện của họ, tất nhiên.

Chiếc xe hơi và người đàn ông. Tôi lập tức nghĩ, chắc hẳn ông ta là cán bộ cấp cao; là tay chơi thuộc giới Tư-sản-đỏ. Tôi cần làm gì đó kịp thời; và tức thời, tôi nhớ tôi từng là lính biệt kích Báo Đen của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Nhưng tôi sẽ làm gì đây? Tôi nhìn vào quầy kính, suy nghĩ. Quần áo, đồ trang sức, đồng hồ, mắt kính... phơi bày trước mắt tôi. Ánh mắt tôi dừng lại ở những cặp kính. RayBan gọng vàng: 625.000 đồng. Một ý nghĩ loé lên trong đầu. Tôi nói với cô bán hàng, lấy cho tôi xem cặp kính RayBan. Nhận cặp kính đắt tiền từ tay cô bán hàng, tôi ngắm nghía. Tôi chờ một trong những người khách đứng bên quầy hang, hỏi mua một thứ gì đó. Nhiều giây phút trôi qua, cơ hội chưa tới. Tôi thầm nguyền rủa các vị khách: một người đàn bà mập mạp đeo vàng đỏ tay; một người đàn ông mặc veston xách cặp da sang trọng… Sao họ quá chậm chạp; sao họ bủn xỉn, chỉ nhìn ngó chứ chẳng hỏi mua một thứ gì hết. Ngoài sân, thêm một chiếc xe hơi vừa dừng đỗ. Mỗi giây phút đi qua, tim tôi đập mạnh hơn. Không thể chờ thêm giây phút nào nữa. Người khách đứng bên kia quầy hàng hỏi gì đó, và cô bán hàng quay đi. Tôi giấu thật nhanh cặp kính vào túi quần, cất bước mau lẹ, gần như chạy.

“Anh kia ơi! Anh kia ơi!”

Tiếng cô bán hàng gọi giật ngược từ phía sau lưng. Tôi biết như thế là hết. Tôi chỉ còn một việc: chạy thoát thân.

Nhưng tôi không thoát thân. Gã bảo vệ khách sạn không biết từ xó nào xuất hiện đúng lúc. Gã trạc tuổi tôi, nhưng to con. Một tay gã túm lấy cổ áo, một tay gã vồ chụp lấy cánh tay tôi, bẻ ngoặt ra phía sau. Tôi đau buốt thấu xương, đứng bất động. Vài người khác nữa, ùa đến.

“Ăn cắp à?” Một người hỏi.

“Nó lấy cắp cặp kiếng RayBan gọng vàng.”

Gã bảo vệ đáp. Gã không túm cổ áo tôi nữa; gã thọc tay vào túi quần tôi, rút ra cặp kính RayBan gọng vàng.

“Trông mặt sáng láng như vậy mà ăn cắp.” Một người đàn bà nói.

“Thời buổi này không tin ai được, bà ơi!” Người đàn ông đứng cạnh bà ta nói.

“Dẫn thằng chả giao cho công an!” Ai đó lên tiếng.

Tôi bị giải đi. Tôi thẫn thờ lê bước chân theo gã bảo vệ và một người nữa; đầu óc tôi bưng bít mịt mùng. Ra đến dãy xe hơi đậu dài một hàng, tôi thấy cô gái tội nghiệp đang đứng bên chiếc xe hơi màu hoàng kim bóng lộn. Người đàn ông, rõ hẳn là một tay chơi thuộc giới Tư-sản-đỏ, mở cửa xe chờ cô gái tội nghiệp bước lên. Ðứng cạnh người đàn ông là cô-lối-xóm-tử-tế.

Ánh đèn từ đâu đó hắt lên mặt cô gái tội nghiệp; tôi thấy rõ dòng nước mắt lăn trên đôi má cô gái. Cô đã chứng kiến cảnh tượng rượt đuổi tôi, giờ đây nhìn tôi bị vặn tréo cánh tay phía sau lưng giải đi.

“Trụ sở công an có gần đây không?” Người đàn ông trọng tuổi đi theo, hỏi.

“Gần. Chừng vài trăm mét.” Gã bảo vệ trả lời.

Ánh đèn pin trên tay gã bảo vệ quét qua lại trên đường. Tôi thấy những cặp tình nhân còn ngồi chỗ cũ, lúc tôi tới khách sạn tìm cô gái tội nghiệp. Họ vẫn ngồi quay lưng lại, gió biển vẫn thổi mạnh chừng ấy. Trong tiếng gió, tôi nghe rất rõ tiếng của chính tôi, nói với cô gái lúc ngồi trên xe đò: tôi tới nơi này để viết văn.

 

Sài Gòn, tháng chạp 2012

 

 

-------------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021