thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
31.12.08 ở San Francisco

 

 

 

Sáng nay chúng tôi đi chơi San Francisco, cho nhà tôi và cô con gái đi mua sắm ở trung tâm tài chánh thương mại lớn nhất miền Bắc California. Bạn bè từ xa có dịp ghé thăm cũng thích đi shopping cả ngày ở đây, có khi cả mấy ngày, loanh quanh trong những cửa hàng lộng lẫy dọc theo đường Market từ Union Square chạy dài cho đến bến phà.

 

 

Đã quá trưa mà sương mù còn dầy đặc. Xe lên cầu vẫn không thấy tháp đâu. Thường thì thành phố hiện rõ lên bên phải nhưng hôm nay tầm nhìn xa còn chưa đến trăm mét. Chung quanh chỉ là một mầu trắng mờ khói sương.

Nhưng lạ thay khi vào thành phố thì có nắng, tuy lạnh.

 

 

Dòng người tuôn đổ mọi hướng. Chúng tôi đi ăn trước, ngay trong khu thương mại Westfield, vì bụng đang đói. Phải chờ khá lâu mới kiếm được bàn cho bốn người. Kinh tế Hoa Kỳ đang đi xuống nhưng chuyện ăn ngoài của người Mỹ không giảm nhiều. Những lần đi chơi trong năm tôi đã nghiệm ra điều này. Khu ăn uống có hơn chục tiệm khác nhau, đủ loại thực phẩm, Mỹ, Mễ, Tầu, Ý, Hàn, Việt. Tiệm Việt có tên “Out The Door” của đầu bếp nổi tiếng Charles Phan cũng rất đông khách. Chúng tôi chọn thức ăn Mỹ. Cá, mực tẩm bột và khoai tây chiên, ăn chấm với sốt cà, với mê-ô. Hai đứa con quen ăn đồ Mỹ, vợ chồng tôi cũng quen ăn như thế, nhưng khi gợi ý nếu có nước mắm chua cay sẽ ngon hơn thì cô con gái buột miệng: “Daddy is weird” — Bố hơi kì lạ — Phải rồi, không kì lạ sao được khi mà chiếc nôi văn hoá nơi tôi sinh ra là rau muống chấm nước mắm, là canh với cà dầm tương, còn con chúng tôi mở mắt ra trong bơ sữa và miếng ngon đầu đời là khoai tây chiên vàng.

Ăn trưa xong ba mẹ con theo dòng người biến vào sau các dãy áo quần. Tôi cầm máy hình lang thang ra phố, từ Market quẹo lên Union Square, qua đường Grant leo dốc lên phố Tầu rồi qua khu tài chánh với toà nhà Bank of America, mầu nâu, cao hơn 50 tầng, gần đó là TransAmerica hình kim tự tháp mầu trắng là hai dấu ấn trên nền trời San Francisco.

 

 

Như ở nhiều thành phố du lịch khác, San Francisco không thiếu những người giảng đạo bên đường, kẻ ăn xin, không ít những nghệ sĩ ca hát, làm xiệc rong mua vui cho khách qua đường.

 

 

Trạm Cable Car ở cuối đường Powell lúc nào cũng đông khách. Tôi đoán hầu hết là khách du lịch vì đến San Francisco mà không đi một chuyến Cable Car, chụp một tấm hình ngồi trên xe này là chưa đến San Francisco. Đây là loại xe duy nhất ở Mỹ chạy bằng tuyến cáp ngầm dưới đất được khởi xướng từ hơn một thế kỉ trước và còn duy trì hoạt động đến nay.

Ở trung tâm tài chánh, trước đây cứ đến trưa ngày 31.12 những tờ lịch ngày để bàn được ném qua cửa sổ văn phòng, bay như bướm trắng ngập không gian, phố phường. Quăng bỏ đi 365 ngày của khó khăn, thành công, của hẹn hò, thất bại, của buồn vui đã qua để chuẩn bị một năm mới. Tục lệ này không biết đã chấm dứt tự bao giờ và tại sao. Tốn tiền thành phố quyét dọn rác ngoài đường hay thời đại điện tử ai cũng có lịch ngay trong máy điện toán, trong điện thoại cầm tay nên không dùng lịch giấy nữa.

Phố Tầu với tượng Nữ Thần Dân Chủ. Công viên nhỏ có đông người cao tuổi đang tụ nhau đánh bài. Bài tây, cờ tướng. Không sao biết được những người Hoa này đến từ đâu? Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Việt Nam hay từ một phần đất nào khác trên mặt điạ cầu. Nhưng nhìn lên nóc cửa tiệm hay những căn nhà chật hẹp bên đường thì ít ra cũng biết được nhà nào, chủ tiệm nào là từ Trung Quốc hay từ Đài Loan qua lá cờ.

Lúc đứng chụp hình Nữ Thần Dân Chủ, xoay quanh để tìm một góc cạnh đẹp, tôi thấy trên nền trời xa xa sau lưng tượng có lá cờ Trung Quốc đang bay phất phới từ nóc trụ sở của một hội có tên Chinese American Association of Commerce. Lá cờ bạc mầu là dấu chỉ nó cũng đã phơi gió sương một thời gian.

 

 

Một bạn thời ở đại học, chuyên nghiên cứu về chính trị Á Châu, đã cho tôi biết rằng khi Hoa Kỳ và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1979, có một điều được hiểu ngầm giữa hai nước là cờ Trung Quốc không được giương lên ở các phố Tầu trên đất Mỹ.

Bây giờ mọi chuyện đã khác. Dấu ấn của những lá cờ đại diện cho hai bên đã một thời là thù nghịch của nhau, nay phất phới trên đất Mỹ trong tinh thần cạnh tranh thương mại hơn là chính trị. Ngó lên không gian hẹp của phố Tầu tôi thấy nhiều mầu đỏ, của lồng đèn, của tường vôi, của những lá cờ. Tôi không khỏi nghĩ đến lá cờ Việt Nam đương đại. Nó không được treo trước cơ quan ngoại giao ở đây mà còn bị phản đối bất cứ khi nào nó xuất hiện, như hôm Quốc Khánh 2-9 vừa qua khi cờ đỏ sao vàng được treo trước tiền đình Toà Thị Chính.

Dạo phố Tầu thỉnh thoảng nghe tiếng pháo chuột là trò chơi của mấy đứa trẻ con. Nhưng cũng có lúc làm khách du lịch và chính tôi giật mình. Một du khách da trắng, có vẻ hiểu phong tục Á Đông, nghe pháo nổ, quay lại hỏi tôi có biết chỗ nào bán pháo nổ lớn không. Tôi trả lời, anh trở lại đây chừng ba tuần nữa, trước Tết Tầu thì thế nào cũng có chỗ bán. Một thanh niên người Hoa đứng bên đường nghe chúng tôi nói chuyện, ngoắc tay hỏi nhỏ: “Do you want to buy firecrackers? Ten bucks.” — Anh muốn mua pháo không. Mười đô — Tôi khua tay, lắc đầu.

Không biết anh ấy bán pháo để người mua đốt đón Tết Tây tối nay hay đón Tết Ta vào cuối tháng.

 

 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021