thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
VẾT CẮT
(Diễm Châu dịch)
 
Lời người dịch:
Trên Tiền Vệ, tôi đã bước đầu giới thiệu "Cái ngáp của những cái ngáp" [một thi hệ gồm 7 bài] của Vasko Popa cùng với bài "Cửa", lần này và những lần kế tiếp xin tiếp tục trình với bạn đọc những bài khác trong Bầu trời phụ thuộc (dựa trên cuốn Le ciel secondaire, bản Pháp văn của Alain Bosquet, nhà xuất bản Gallimard, 1970) và các thi phẩm trích trong Thịt sống và Vết cắt (Chair vive & Coupure, bản Pháp văn của Léon Robel, nhà xuất bản Circé, 1997). Tôi cũng được phép đăng kèm một số bản dịch (trong đó có hai bài chưa từng in hoặc đăng báo) của thi sĩ Nguyễn Đăng Thường (trong Bầu trời phụ thuộc), người đầu tiên đã giới thiệu Vasko Popa với độc giả Việt-nam tại Sài-gòn từ trước 1975. Tôi cũng sử dụng một số bản dịch Pháp văn của Giáo sư Vladimir Claude Fišera (tức nhà thơ Claude Vancour). Tiện đây, tôi xin được cảm tạ các dịch giả.
 
______________________________
 

ĐIỂM TÂM Ở ĐÔ THỊ

 
Tôi ăn sáng trong nhà ở cao ốc với một người anh họ
Con Sói vùng Cát xanh
 
Anh liếm mật từ lưỡi dao nhíp trần
Và khoe trước mắt tôi
Tập vần sáng bóng của hàm răng
 
Các người ở đây các người xoay xoay không đầu óc
Cặp giò trong túi
Và đôi tay trong ví tiền
 
Các tầng lầu đã gặm dần các người
 
Các người không biết tới cái mái
Cũng chẳng biết bầu trời bên trên
Bên dưới các người cũng chẳng có
Cả hầm nhà lẫn đất
 
Các người ở đây là những cây sà nhà trong không
 
 

LỐI THOÁT ĐIÊN RỒ

 
Người ta hù dọa tao bảo rằng tao thiếu
Một tấm ván trong đầu
 
Người ta còn hù dọa tao thêm nữa
Bảo rằng sẽ chôn tao
Trong một cỗ áo quan chỉ có ba tấm ván
 
Người ta hù dọa tao nhưng chẳng hề nghi ngại
Rằng chính tao tao sẽ làm cho bọn họ sợ
Khi thiếu tấm ván thứ tư
 
Ấy người điên vui tính ở đường phố chúng tôi
Đã huênh hoang trước mặt tôi như thế đấy
 
 

NGÔI NHÀ

 
Tiếp theo vầng mặt trời đầu tiên có khía răng cưa
Aguim đã tới thăm chúng tôi
Chú là thợ cưa ở về phía Prichtina
 
Chú đã đem lại cho chúng tôi hai trái táo đỏ
Bọc trong một chiếc mùi-xoa
Và cái tin chú đã tậu được một ngôi nhà
 
Aguim thế là rốt cuộc chú đã có được một cái mái che trên đầu
 
Ta chả có cái mái nào gió cuốn mất rồi
 
Nhất định là chú phải có một cái cửa ra vào và nhiều cửa sổ
 
Ta chẳng có cửa ra vào cũng chẳng có cửa sổ
Mùa đông đã nhổ đi hết
 
Ít ra thời chú cũng có bốn bức vách
 
Ta cũng chẳng có bốn bức vách
Ta chỉ có ngôi nhà ta đã nói với mi rồi
Những gì còn lại tự khắc sẽ tới
 
 

NGƯỜI QUA ĐƯỜNG VÀ CÂY BẠCH DƯƠNG

 
Người ta mở rộng con đường
Bị lao lực quá độ vì giao thông gấp bội
Người ta chặt cây bạch dương
 
Những chiếc xe ủi lấy đà
Rồi chỉ một nhát ngay một nhát
Xô đổ hàng cây
 
Có một cây bạch dương chỉ hơi rung rinh
Nó cưỡng lại sắt thép
 
Chiếc xe ủi tránh nó ra
Gầm gừ lùi lại
Chuẩn bị cuộc xung kích cuối cùng
 
Trong đám người qua lại tụ tập
Có một người đàn ông đã đứng tuổi
 
Ông ta ngả nón trước cây bạch dương
Lấy dù ra hiệu cho nó
Và lớn tiếng thét lên
 
Đừng buông xuôi bạn ơi
 
 

HỢP NHẤT NHỮNG ĐIỀU TRÁI NGHỊCH

 
Toàn thân tắm đẫm mồ hôi
Một công nhân bốn mắt cười
Và đưa cây sắt
Chỉ cánh cửa chạy trên khe rãnh của lò đúc
 
Anh thấy đó
Cánh cửa mở rộng
Mùa hè cũng như mùa đông
 
Chúng tôi chúng tôi ưa
Lao động vào mùa đông hơn
 
Sắt cháy sáng
Trắng như tuyết
Còn tuyết tuyết trắng
Như sắt cháy sáng
 
Và chúng tôi thợ đúc
Chúng tôi chẳng nóng cũng chẳng lạnh
 
 

TỎ TÌNH

 
Chúng tôi những búp-bê gãy
Chúng tôi làm đầy phòng đợi ở nhà thương
Bằng thạch cao và những đồ băng bó
 
Một búp-bê đã tâm sự với chúng tôi
 
Đó là một nữ công nhân nhà máy còn trẻ
Cô lau chùi cái máy đang chạy
Cô bỏ mất cổ tay trái
 
Chồng cô không còn biết
Làm sao an ủi cô
 
Em không phải âu lo gì cả
Từ rầy về sau anh sẽ ôm em
Bằng ba cánh tay anh
 
 

NGÔN NGỮ CỦA LOÀI ÉN

 
Một bà già bị bất động
Nguyên giáo sư ngoại ngữ
Để cửa sổ phòng mình
Mở ngỏ quanh năm
 
Một con én tới làm tổ
Trên cây đèn treo nhiều ngọn
 
Bà già nghe tiếng ríu rít
Bà sắp đặt những dự án tương lai
 
Một ngày kia khi người ta mang ta ra
Khỏi cái lồng chim này
Bạn ta
Vẫn tiếp tục công việc của nó
 
Nó sẽ dạy dỗ khá hơn ta
Con ếch già
 
 

MỘT BUỔI TỐI THI CA CHO CÔNG NHÂN DI TRÚ

 
Chào mừng đồng chí nhà thơ
Bao giờ thì đồng chí cho chúng tôi nghe tác phẩm đấy
 
Sau ngày làm việc của các bạn được chăng
 
Sau ngày làm việc
Các công nhân mỏi mệt
Chỉ còn đủ hơi sức để trở về trú xá
 
Thứ Bẩy được chăng
 
Thứ Bẩy các công nhân lấy lại sức
Họ giặt giũ họ khâu vá
Và họ viết thư về nhà
 
Chủ nhật được chăng
 
Chủ nhật các công nhân xuất hành
Những người còn trẻ đi thăm mấy cô
Những người già hơn ra ga đợi tàu
 
Vậy là các bạn không có thời giờ cho thơ
 
Thời giờ như đồng chí đồng chí thấy đó chúng tôi không có
Nhưng cùng nhau chúng ta sẽ tạo ra
 
Rotterdam 1971
 
 

ĐỌC SỢ HÃI

 
Tôi sợ hãi mở một lá thư
Của một người bạn ở nước ngoài
Lá thư đầu tiên từ ba mươi năm nay
 
Tôi sợ hãi hơn nữa đọc thư
 
Chúng tôi thấy dường như ở đây
Mọi sự chả có gì nhúc nhích
 
Nhưng dẫu vậy
Vẫn có thể sống được
 
Có điều chúng tôi không biết thế
Nên đã sợ muốn chết
 
 

TRUYỆN TRUYỀN KỲ ĐÔ THỊ

 
Nơi đây bạn à
Trên mảnh đất này
Những người bị cháy nhà và những người bị đắm tàu đã tìm nơi ẩn trú
 
Họ sẽ được an cư trong chừng mực khả dĩ
Người này trên đầu người kia
Trong những chuồng cu cắm giữa trời
 
Họ mổ mổ bê-tông
Họ nhấm nháp nước mưa đen xạm
Họ ngột thở trong thép mướt mồ hôi
 
Và trong lúc lông cánh của họ bay tung tóe khắp nơi
Họ chờ
 
Chờ cho ở dưới ấy
Ở chốn quê hương xa xăm
Đám cháy tắt đi và những con nước rút
 
Để rốt cuộc họ được trở về
Nơi những ngôi nhà tương xứng với họ
Trên sườn đồi lại xanh tươi
Bên con sông đã nguôi ngoai
 
Nào trong khi chờ đợi
Chúng ta hãy làm thêm ly nữa
 
Nữu-ước 1970
 
 

BƯU CỤC BÍ MẬT

 
Nhà thơ Octavio Paz thuật lại cho tôi
 
Những người phu trạm nho nhỏ với khuôn mặt đất nung
Đã đóng một vai trò lớn
Trong cuộc cách mạng của những người không-có-đất
 
Cả họ nữa họ cũng đã phục vụ ngọn cờ
Của vị tướng đi-chân-không Zapata
 
Tôi rõi theo họ trên con đường dẫn họ đi
Từ con mắt aztèque này của nhà thơ đến con mắt kia
 
Họ đi phân phát từ làng này tới làng nọ
Những lá thư đầy những đất và tự do
Đầy những con rắn có lông vũ và những con báo hồng
 
Mãi tới ngày khuya ngày hôm nay trong đêm tối
Mãi tới nơi này ở Cuernavaca
 
 

MŨI HẢO VỌNG

                    tặng Breyten Breytenbach
 
Tại một cuộc hội chợ ở Nam Phi
Những người trắng kỳ thị chủng tộc đã trưng bày
Một cặp vợ chồng đen
 
Chúng bắt họ trèo lên cây
Và hú lên
Bắt họ đi bằng cả hai tay lẫn hai chân
Và gặm cỏ
 
Phần tôi tôi chỉ còn có việc chọn lựa
Bạn tôi nhà thơ thêm
 
Hoặc là lột hết lớp da trắng của mình
Và treo nó lên một cái đinh
Hoặc là
 
 

TRANH LUẬN VỀ SƯƠNG

 
Người đệ tử của Fulcanelli khiến tôi làm quen
Với cái lò Athanor của anh
 
Rồi nắm lấy cánh tay tôi
Anh đưa tôi ra khỏi phòng thí nghiệm
Vào khu vườn đằng sau nhà
 
Anh chỉ cho tôi đám cỏ
Nơi anh thâu lượm sương
Để sáng tạo Đại công trình
 
Anh ghé vào tai tôi
 
Thiên hạ cứ oang oang rằng nước chính là H2O
Chớ không ai nghĩ rằng mây
Cũng là những hành tinh
 
 

BÁT TUYẾT NUÔI DƯỠNG

 
Những người chiến binh của đạo quân người nghèo
Cởi bỏ đồng phục
Họ cột những ống quần và tay áo lại
Biến chúng thành những cái bao
 
Họ mang trên lưng
Hạt giống mễ cốc
Tới khu làng chiến đấu Nanivan
 
Họ đã biến cái thung lũng đói khát này
Thành một biển lúa
Biến miền Bắc thành một miền Nam
 
Và cả tối nay ở đây bên trên cái bát
Đầy tuyết nuôi dưỡng
Xoay vòng vòng những kỷ niệm của họ
 
Chúng tôi đã sống trên trời
Trong các hang động ở Nanivan
 
 

QUÁI VẬT NGOÀI ĐƯỜNG PHỐ

 
Một bà già bằng sáp chảy ra vì sợ
Giữa đám người qua lại hiếu kỳ
 
Một con quái vật
Suýt cán nát bà
Trên lối đi dành cho khách bộ hành
 
Một người qua đường hỏi bà
Vậy chớ quái vật ấy là thứ gì
Đực hay cái
 
Bà già lảo đảo
Muốn tắt thở
 
Tôi không kịp nhìn
Giữa mấy cái bánh xe bà nói
 
 

GIÁO DỤC BẰNG MỘNG

 
Ta nhẩy từ mái nhà qua mái nhà
Với một cây vợt khổng lồ để bắt bướm
Ta săn bọn chuyên gia trị bọn quan liêu
Bọn triết gia thần bí trị
 
Những mẫu nào đẹp nhất ta đem bỏ
Vào những ve đựng rượu
Rồi viết lên nhãn hiệu
Tính danh bác học của chúng
 
Ta đưa chúng ra cho học trò coi khi giảng bài
 
Cùng với giống khủng long
Giống đại cồ khủng giống chuyên chính bạo khủng
Những giống này tuân lệnh bước xuống
Từ những vách tường lớp học
 
Cả mi nữa mi cũng thú giấc mộng của ta
Ta thấy vành tai trái của mi nó cười
 
Ấy chính một con bọ thật hiền lành đã khích tôi
Anh bạn giáo sư vạn vật học
 
 

ĐỂ XÂY DỰNG

 
Một viên đại tá nghĩa quân về hưu
Tiêu pha trọn tiền bạc
Và thời giờ rảnh rỗi
Vào sách vở
 
Những người hồi hưu ở tuổi ông
Thường mời ông đi dạo uống cốc bia
Chọc ghẹo ông và lia lịa hỏi
Ông dùng làm gì cái hiểu biết vô bờ bến ấy
 
Người cựu công nhân xây cất
Đưa ngón trỏ
Gõ gõ mái tóc hoa râm
 
Tao không muốn mang theo xuống đất
Cái hũ này trống rỗng
 
 

CON NGƯỜI KHINH MIỆT THẦN LINH

 
Người khách quen của quán nước bên cạnh
Vẫy tay áo trống
Và lầm bầm trong chùm râu bù xù
 
Chúng ta đã chôn vùi thần linh
Bây giờ đến lượt lũ nhí cồ
Chơi trò thần linh
 
Người khách quen có những đám mây thuốc lá bao quanh
Và tỏa sáng với chính những lời ông nói
 
Tạc trong một mình gỗ sồi
Ông đẹp tựa một vị thần linh
Vừa mới được đào lên từ Cát
 
 

PHÊ BÌNH THƠ

 
Sau cuộc đọc thơ
Vào một buổi tối thi ca trong một nhà máy
Bắt đầu cuộc thảo luận
 
Một thính giả tóc hung
Mặt đầy những vệt nắng
Đưa hai ngón tay lên
 
Hỡi các đồng chí nhà thơ
 
Nếu như tôi làm thơ cho các đồng chí
Suốt đời tôi
Thời giấy sẽ đỏ ra tức khắc
 
Rồi bắt lửa
 
 

BÀI THƠ Ở CHÂN TRỜI

 
Chúng tôi tới dự một buổi họp lớn để thảo luận
Và chúng tôi đã vui trước
Vì sẽ được nói với các đồng chí già
 
Chúng tôi lại gần thành phố-anh hùng
 
Trên làn nước trong trẻo mang tên nó
Ta thoáng thấy những rặng cây ăn trái đương hoa
Trong đầu tôi nẩy mầm những vần thơ
 
Novi Sad đỏ dưới vỏ cây
Trắng xóa ở xa
 
 

TUỔI GIÀ TRỔ LÁ

 
Viên chỉ huy trưởng cách mạng ngày trước này
Hướng dẫn một đội
Trai gái nhỏ vui tươi
 
Cùng với các em ông trồng những cây phong
Những cây dẻ và những cây thông
Sắp thẳng hàng giữa những lá cờ đỏ
 
Ông đặt một bàn tay bên trên mắt
 
Tôi nhìn đám cây non bình yên kia
Tiến công những ngọn núi
 
Và tôi thấy các đồng chí của tôi đã chết ở tuổi hoa niên
Những người ngày trước
Đã cùng tôi giải phóng cũng những ngọn núi này
 
 

NHỮNG NGƯỜI TỰ QUẢN

 
Một nghĩa quân cũ bằng tuổi tôi
Bắt tréo những ngón tay trên hai bàn tay
Và bằng cách đó phác họa cho chúng tôi
Những rào cản chống chiến xa trên đường
 
Vào thời chiến chúng ta hợp tác với nhau
Chúng ta đã chia sẻ thặng dư giá trị của cái chết
 
Vậy thời tại sao trong hòa bình
Lại cùng nhau hợp tác chúng ta không tạo ra
Thặng dư giá trị của sự sống
 
Một mình không cần mấy anh kế toán
 
 

NGƯỜI ĐÀN ÔNG CÓ BỐN BÁNH

 
Anh bạn láng giềng tôi đã hóa điên
Vì tiếng động vang dội ngày đêm
Ở đường phố chúng tôi
 
Anh đưa hai tay phác những vòng tròn
Chung quanh tai anh
Và kể lại cho tôi giấc mơ của anh
 
Những bánh xe đã mọc
Trên vai tôi và dưới đùi tôi
 
Tôi nổ lạch bạch trong hàng dài
Cùng với những chiếc xe khác
Ở đây ở góc phố
 
Và tôi chờ đèn xanh
 
 

HOA TRÁI CỦA CHIẾN ĐẤU

 
Những cây súng đi-chân-không đã giành được trong chiến đấu
Những đôi giầy vải
Để trèo lên những ngọn núi cấm
Và trời cao
 
Bước chân của họ lúc này nhẹ hơn
 
Họng súng của họ nhét đầy
Những nụ hoa trắng
Những tre những lúa
Loạt đạn họ phóng ra lúc này thật phi thường
 
Chúng giúp cho những tự do của họ
Tự giải thoát một lần nữa
 
Các đồng chí Trung quốc của tôi đã nói với tôi thế đấy
 
 

CAO ĐẲNG HỌC HIỆU ÁI TÌNH

 
Trước cơn giông trong khu vườn Lục-xâm-bảo
Ông bạn già triết gia của tôi
Trở lại trong khoảnh khắc
Những khu rừng xa xăm thời ông còn trẻ
 
Trong một cuộc du ngoạn ở vùng rừng núi Carpates
Đám trẻ chúng tôi bất chợt gặp cơn giông
 
Cơn giông lóe những tia chớp trên mái tóc chúng tôi
Đổ sấm sét lên gáy chúng tôi
Và lật ngã chúng tôi trên mặt đất
Đồng thời với những cụm thông
 
Mấy đứa con gái the thé cầu cứu kêu giúp đỡ
Và bọn con trai xử sự cũng chẳng khá gì hơn
 
Tôi ít tuổi nhất tôi bắt đầu gào lên
 
Tụi bay mắc chứng gì mà làm bộ
Chết với lũ bay lúc này thật dễ
Hết thảy tụi bay đều đã đụ
 
Nhưng tao làm sao chết
 
 

LIÊN TƯỞNG NHỮNG TRÁI TÁO

                    tặng Breyten Breytenbach
 
Tại Capetown ở Nam Phi
Viên cai ngục chơi với chùm chìa khóa
Và xáp lại thật sát mặt nhà thơ
 
Này quân bất lương
Mi không tôn trọng điều lệ
 
Bữa sáng mi không chịu
Ăn trái táo
Và sau đó hết ngày lại ngày
Mi ca ngợi nó mi họa hình nó
 
Từ rày trở đi hoặc là mi tuân lệnh
Hoặc là tao sẽ bứt
Trái táo A-dong trên cổ họng mi
 
 

TÔN SÙNG CÁI TRỤC

 
Các dân tộc cổ Inca
Maya Olmèque Aztèque
Không biết tới cái bánh xe
 
Làm như thể họ chưa từng thấy
Vầng mặt trời tản bộ qua bầu trời
 
Trong một nấm mồ tuy vậy
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy
Một món đồ chơi của trẻ em
MỘT cỗ xe có bánh
 
Chơi với cái bánh xe
Chả bao giờ nảy ra trong đầu óc người lớn
 
Ông chủ nhà của tôi dòng dõi họ
Khoát tay miêu tả cho tôi
Cái vòng bánh chân trời
 
Tổ tiên chúng tôi cho rằng
Sống lưng họ
Không phải là cái trục của thế giới
 
 

NGÔI MỘ CỦA RASTKO PETROVITCH

 
Một công nhân già người đồng hương với tôi
Nghe nói rằng tôi đã tới thăm
Ngôi mộ của Rastko ở nghĩa địa
Rock n'Creek tại Hoa-sinh-tơn
 
Bà nói hằng năm
Vào những ngày lễ tôi làm bánh ngọt
Và tôi thắp nến
Cho những người chết của quê cũ
 
Và cho các thổ dân thuộc bộ lạc Oséolo
Từ khi những người láng diềng thuật lại cho tôi
Rằng dưới những ngôi nhà của khu phố chúng tôi ở
Trải dài tha ma của họ
Từ rày trở đi tôi cũng sẽ chăm sóc
Đến nhà thơ người Serbie ấy
 
Cả ông ta nữa cũng chẳng có ai ở đây
 
 

NƠI TRÚ ẨN CỦA CÁC NHÀ THƠ

                để tưởng niệm Veronika Porumbacu
                Tolia Baronsky Milo Petroveanu Mihai Gafita
 
Có nhiều nhà thơ bạn cũ với nhau
Tụ tập lại để ăn tối
Trong một ngôi nhà ở Bucuresti
 
Một cơn động đất làm gián đoạn bữa ăn
Và hủy diệt ngôi nhà đến tận nền móng
 
Một đội cứu nguy tìm kiếm họ
Trong đám bê-tông thủy tinh đổ nát
Những mảnh thịt da và giẻ rách
 
Một người lính trẻ giang hai cánh tay
Trắng những thạch cao đến tận cùi chỏ
 
Chúng ta sẽ không tìm lại được họ ở đây
Họ ở trong thơ của họ
 
 

NHỮNG NGƯỜI HẾT SỨC ÍT NÓI

 
Trong những khu rừng Thụy-điển xa xăm
Có những người sử dụng
Không hơn hai trăm chữ
 
Arthur Lundkvist
Cội Thông già bảy chục tuổi bảo tôi
 
Tôi lắng nghe ông
 
Và tôi nghe thấy những người ấy
Họ biết mọi ngôn ngữ của cây cối
Của thú vật và của những trận bão tuyết
 
Họ cần gì tới một núi chữ của riêng họ
 
 

NGƯỜI ĐÍNH HÔN VỚI CÁI CHẾT

 
Người đồng hương với tôi một ông già nho nhỏ làm bằng những cành bắp
Suốt ngày nửa tỉnh nửa mê
Mình gắn chặt vào chiếc ghế bành
 
Mắt ông không rời cánh cửa
Khi ông thì thầm với tôi
 
Ta chả bao giờ sợ ngay cả đến sự sống
Còn cái chết càng ít hơn
Ta chờ nó đêm này qua đêm khác
 
Ta không còn có thể hét lớn
Hoặc kêu
Cứu
 
Ta nằm thức trên giường
Một con dao lớn trên ngực
Hai tay bắt tréo trên lưỡi dao
 
 

NGUỒN GỐC ÁI TÌNH

 
Tôi chờ mặt trời trên chiếc ghế công viên
Trước mặt nhà
 
Theo dõi bước đi của mây trên trời
Và của những cặp quấn quít lấy nhau
Trên lối đi giữa những hàng thông
 
Người đọc báo ở đầu ghế bên kia
Theo dõi bước đi của những ánh mắt tôi
 
Từ hồi nảo hồi nào làm gì có ái tình ngươi có biết
Ấy chính bọn nhà nghèo đã bày đặt ra
 
Để không một đồng tiền vàng cũng vẫn đạt được
Cái ổ khóa dịu êm của phụ nữ
Và cái chìa đích thực của đấng nam nhi
 
 

ĐỌC TRONG BÀN TAY *

 
Một đại biểu công nhân ngồi bên cạnh tôi
Tại một buổi họp kéo dài không dứt
 
Anh bị inh tai như tôi như chúng tôi hết thảy
Vì tiếng giấy tờ rào rào
Và những câu bằng giấy
 
Anh bước lên diễn đàn
Dò xét đường sinh
Ở đôi bàn tay trần trụi
Và khởi sự diễn từ
 
Ở nhà máy đứng sau cái máy
Suốt ngày tôi cũng nghĩ
Với hai bàn tay tôi
 
Nói thế không có nghĩa là tôi bỏ lại
Cái đầu mình ở phòng y-trang
 
Vậy đó
 
-----------------------------------
* Theo một bản dịch khác: Coi chỉ tay. (người dịch)
 
 

NHỮNG CÂY TI-DƠN TRỞ LẠI

 
Anh thợ hồ người đồng quận với tôi
Không thể nào quên được rằng người ta đã đốn hạ
Những rặng cây trên đường phố của anh
 
Anh lấy hai tay che mắt
 
Trong mơ tôi bị chim chóc tấn công
Với những đôi cánh hình lá ti-dơn
 
 

ƯU TƯ TRONG ƯU TƯ

                Tặng dân vùng duyên hải Monténégro
                trong cuộc động đất năm 1979
 
Một ngư dân để đầu trần đứng trên bờ
Nhìn như soi vào đám nước đã thỏa thuê
 
Ông than van với bóng mình
Hơn là với những người qua lại
 
Tai ương lớn lao nào
Đã xô đẩy biển
Khiến biển đột nhiên tông vào nhà chúng tôi
Qua những cánh cửa đóng
 
Chúng tôi đã ra sức đón tiếp biển
Cho phải phép
Mặc dù không có lấy
Một mẩu thời gian nhỏ nhất
 
Điều này những người chết của chúng tôi biết rõ hơn cả
 
 

MỘT LỜI KHUYÊN RƯỠI

 
Trước khi chết anh bạn láng giềng ơi
Cần phải ngủ cho thật đã
 
Một người quen biết cũ đã khuyên tôi như thế
Ông già không nhà cửa ở công viên trước mặt
 
Và ông đã không buồn nhỏm dậy
Từ chiếc ghế đã duỗi dài trên đó
 
 

TIẾNG HÁT CỦA ĐÔ THỊ

 
Ngày nọ vợ tôi
Người mà tôi sẵn sàng làm cho hết mọi điều trên đời bảo
 
Em ưa thấy
Một cái cây nho nhỏ xanh tươi
Chạy theo em qua các đường phố
 
 
---------------------------
Những kỳ trước:
THỊT SỐNG [trích]
 
---------------------------
Ghi chú của người dịch:
VASKO POPA (1922-1991) là một nhà thơ lớn của (cựu) Nam-tư, nổi tiếng khắp thế giới và đã được dịch ra 19 thứ tiếng (tính vào năm ông mất). Ông là người Serbe, sinh tại Grébénats (Grbenac), Voïvodine ngày 29. 6.1922. Theo học tại Beograd, Bucuresti và Vienne. Tham gia kháng chiến năm 1943, bị giam giữ trong một trại tập trung của Đức quốc xã. Vào năm 1949, sau khi học các ngôn ngữ thuộc tiếng La-tinh, ông trở thành nhà báo, rồi biên tập viên của nhà xuất bản Nolit, một nhà xuất bản lớn tại Beograd.
 
Ông đã cho in 8 tập thơ: Vỏ (1953), Cánh đồng không ngơi nghỉ (1956), Bầu trời phụ thuộc (1968), Đất thẳng (1972), Muối của loài sói (1975), Ngôi nhà ở giữa đường (1975), Thịt sống (1975), Vết cắt (1980) và một thi hệ tựa là Cái hộp nhỏ. Ngoài ra, ông còn biên tập 3 tuyển tập thơ dân gian Serbie: Trái táo vàng (1958, thơ truyền thống Serbie), Cười bể bụng (1960, thơ hài hước dân gian Serbie), và Mặt trời nửa đêm (1962, những văn bản mộng mị của người Serbie).
 
Vasko Popa đã đoạt tất cả những giải thưởng văn chương chính yếu của Nam-tư, cũng như Giải thưởng lớn quốc tế của Áo-quốc dành cho Thơ (1967). Nhiều nhà phê bình cho rằng ông rất xứng đáng với một giải Nobel Văn chương... Ông mất tại Beograd ngày 5.1.1991 vì bệnh ung thư.
 
Vasko Popa là một nhà thơ «dấn thân», hòa hợp tài tình dòng thơ dân gian truyền thống của dân tộc ông và trường Siêu thực. Cách «tổ chức» các tập thơ của ông (nhất là hồi đầu) thật đặc biệt: mỗi tập có một số «thi hệ» nhất định, và mỗi thi hệ một số bài nhất định. Những điều ấy, cùng với những «hoa văn» quen biết trong dân gian, những quan sát cuộc sống thường nhật..., tạo thành những cơ cấu chặt chẽ, thiết yếu cho việc diễn tả chính xác... Vasko Popa có một quan niệm khá đặc biệt về những đóng góp của nhà thơ. Ông nói tại Berlin năm 1966: «... Dù sao, nhà thơ cũng không quan trọng dưới chính mắt mình: điều quan trọng đối với ông là thơ. Nhà thơ làm việc bất chấp tất cả những kẻ nói rằng ông vô dụng; và đôi khi, ông còn làm việc bất chấp cả chính bản thân ông. Những sự thật ông đạt tới không phỉnh phờ những kẻ bao quanh ông nhưng chúng lại càng không phỉnh phờ ông. Nhà thơ chỉ tìm được sức theo đuổi trách vụ kỳ dị, khó khăn và nguy hiểm của mình là vì ông biết rằng để cuốn sách lửa trong ngực ông bốc cháy và tiêu tan vô ích, không được ai đọc tới, là không thể tha thứ được. Những đóng góp của nhà thơ, đó là những chữ lửa kia được bảo toàn với giá của tính mạng ông và chỉ những kẻ yêu mến chúng mới có thể sử dụng.» (theo tờ Chapman Magazine, 2.4.1973).
 
Một số tư liệu dùng để viết bài ghi chú này là của Celia Hawkesworth (tạp chí Times, số ngày 19-1-1991) và của Mirko Radojicic (báo La Quinzaine littéraire, số 571, tháng Hai 1991). Xin cảm tạ các tác giả.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021