thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mộ bia | Vòng tròn và ngôi sao | Dải băng Moebius | Em hãy cởi áo ra | Nằm | Chuyện thần tiên | Bạn cũng thế rồi bạn sẽ đến nơi ta ở
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
ROBERT DESNOS
(1900-1945)
 
Robert Desnos sinh ngày 4 tháng Bảy 1900 tại Paris, là con một chủ tiệm café, Suốt thời thơ ấu và tuổi trẻ ông sống trong khu Saint-Merri, một khu phố bình dân đẹp như tranh vẽ, từng in đậm nét trong toàn bộ tác phẩm ông. Những bài thơ đầu tiên của ông xuất hiện trên tạp chí Littérature của nhóm Dada năm 1919. Ba năm sau, ông cho xuất bản cuốn sách đầu tiên, Rrose Sélavy, tập hợp những châm ngôn siêu thực. Trong khi nghỉ phép ở Maroc thời đi quân dịch hai năm trong Quân đội Pháp, ông kết thân với André Breton, sau đó cùng với các nhà văn như Louis Aragon và Paul Eluard, Breton và Desnos lập ra một đội ngũ tiên phong của văn chương siêu thực. Những năm 1922-23, cùng với Breton, Péret và nhiều nhà thơ siêu thực khác, ông đã sống những năm thể nghiệm ngôn ngữ và những khả năng của ngôn ngữ,[*] nhưng ngay cả trước khi tham gia nhóm Siêu Thực, với những tuyên bố và thư ngỏ [1924-26], có thể nói là ông đã tạo ra cho riêng mình một không gian thí nghiệm ngôn ngữ thật sự, khởi đầu, như nhiều người được biết, là lối viết tự động, nằm ngoài mọi kiểm soát của lý trí và loại bỏ mọi bận tâm mỹ học hay đạo đức. Mối tình tuyệt vọng với cô ca sĩ sân khấu Yvonne George, nguồn cảm hứng cho những bài thơ trong À la mystérieuse [1926] đưa ông trở về với dòng thơ trữ tình, dần dần đi xa tinh thần siêu thực, cho đến khi Breton, Aragon, Eluard, Péret hướng hẳn hoạt động siêu thực cho lý tưởng chính trị [chính yếu là với Đảng Cộng Sản Pháp], đặc biệt là với Tuyên ngôn thứ hai của nhóm Siêu Thực năm 1929, thì ông [kể cả Leiris, Masson, Bataille, Limbour] đứng hẳn ngoài nhóm; riêng ông đã làm nổ ra nhiều vụ “xung đột” dữ dội kéo dài nhiều năm, đối đầu với Breton, Aragon — điển hình là vụ Một cái xác chết với chữ ký của ông bên cạnh nhiều người khác như Bataille, Prévert, Artaud, Soupault, Masson..., trong đó Breton được gọi đích danh là “con sư tử bị thiến”.[*]
 
Thời gian này Desnos khởi sự sáng tác và hoạt động riêng lẻ, và giữa lúc nhóm siêu thực bước vào thời kỳ khủng hoảng [1930], ông cho xuất bản Corps et biens, tập họp những bài thơ đăng trên các tạp chí trong khoảng 1919-1929. Những năm sau đó ông viết tương đối ít [chỉ cho ra đời tập thơ Les sans cou, 1934], do những bận rộn chính trị, và với tư cách một người xã hội cấp tiến đấu tranh cho tự do và nhân bản. Ông tham gia Mặt trận dân tộc / Front national và có mặt bên cạnh các phong trào trí thức chống phát xít, như Hiệp Hội các Nhà Văn và Nghệ Sĩ Cách Mạng, hay uỷ ban những trí thức chống phát xít giám sát các cuộc bầu cử tháng Năm 1936... Những biến động sau đó liên hệ đến tình hình chính trị của Tây-ban-nha và của chính nước ông đã khiến ông từ bỏ quan điểm chủ hoà, chuẩn bị bước vào một cuộc chiến cụ thể hơn để bảo vệ độc lập, văn hoá và lãnh thổ quê hương, ngăn chặn chủ nghĩa phát xít. Không chút do dự, ông đã lên đường ngay sau ngày tuyên chiến, và trong thư gửi cho người yêu Youki này 20 tháng Giêng 1940, ông viết: “Anh đã quyết định đòi lại từ cuộc chiến này mọi nguồn hạnh phúc nó có thể cho anh: bằng chứng của sức khoẻ, của tuổi thanh xuân và sự thỏa mãn vô giá được quậy phá Hitler.” Nhưng “cuộc chiến tranh kỳ cục” đã không đi đến đâu. Ông trở về Paris, nay đã bị chiếm đóng như một kẻ chiến bại loay hoay giữa những đầu óc chủ bại, nhưng một lần nữa, trong cuộc sống khó khăn, thường xuyên bị canh chừng theo dõi, ông lại tham gia làm báo, viết luồn lách để tránh kiểm duyệt, cho đến khi chính chủ báo bị bắt giam, và tờ báo [Aujourd’hui] rơi vào tay kẻ thù. “... ít ra nếu tôi không viết được tất cả những gì tôi nghĩ, tôi cũng nghĩ được tất cả những gì tôi viết.” Việc làm báo của ông ít ra cũng che chắn cho ông bảo đảm những công tác trong mạng lưới kháng chiến Agir là tổ chức ông tham gia kể từ tháng 7.1942 — cho đến ngày ông bị bắt tại nhà riêng [22.2.1944] vì công khai biểu lộ chính kiến của mình — khởi đầu một thời chịu khổ dai dẳng[**] nhưng cho đến chết không hề để tinh thần suy sụp và không hề mất hi vọng.
 
Trong một đoạn thơ khá tiêu biểu, ta có thể tìm thấy hình ảnh tình cảm nhưng không kém quyết liệt của nhà thơ chống phát xít:
 
Đêm nay ta ngợi ca không chỉ những gì chúng ta phải chiến đấu
Mà cả những gì chúng ta phải bảo vệ.
Những thú vui của cuộc sống.
Chút rượu vang ta uống với bạn bè.
Tính yêu.
Ngọn lửa mùa đông.
Khoảng sông mát mùa hè.
Thịt và bánh mì mỗi bữa ăn.
Điệp khúc ta ca hát trên đường phố...
...Tự do thay đổi bầu trời...
 
Desnos trút hơi thở cuối cùng ngày 8.6.1945 ở trại tập trung Térézin lúc năm giờ sáng, do kiệt sức và bệnh thương hàn, giữa lúc trại đã được quân đồng minh giải phóng. Nhà thơ của tự do và chiến đấu từ 63 năm nay đã chịu yên nghỉ ở nghĩa trang Montparnasse, Paris. Tháng 10.1945, trong dịp chuyển hài cốt nhà thơ về Pháp, Paul Eluard đọc điếu văn đã phát biểu: “Cho đến khi chết, Desnos vẫn chiến đấu. Xuyên những bài thơ của ông ý tưởng tự do chạy dài như một ngọn lửa dữ dội, chữ tự do tung bay như một lá cờ phất phới giữa những hình ảnh mới mẻ nhất, và cũng dữ dội nhất. Thơ ca Desnos, ấy là thơ ca của sự can đảm...”
 
 
_________________________

[*]Thời gian sáng tác mạnh nhất của nhà thơ là những năm 1920s: giữa 1920 và 1930, ông cho xuất bản hơn tám tập thơ, trong đó có: Language cuit [1923], Deuil pour deuil [1924], Journal d’une apparition [1927], và The Night of Loveless Nights [một bài thơ trữ tình đau đớn dài 550 câu, xen lẫn những đoạn 4 câu cổ điển, vài đoạn văn xuôi và thơ tự do, viết giữa 1926/1927 và xuất bản lần đầu ở Anvers năm 1930].

[**]Desnos bị giam tại nhà tù Fresnes từ 22.2.1944 đến 20.3.1944, sau đó chuyển qua trại Royallieu ở Compiègne đến 27.4.1944, trước khi bị đưa lên một đoàn xe tải [27.4.1944] gồm khoảng 1700 tù, chở đến Auschwitz, sau đó đưa lên một đoàn xe tải khác [12.5.1944], chở đến Buchenwald, rồi một đoàn xe khác nữa, lọc lại còn khoảng một ngàn tù, chuyển đến Flossenburg [25.5.1944]. Hai ngày 2 & 3.6.1944, trong một nhóm 85 tù, ông bị đưa về trại Flöha ở Saxe, trong một nhà máy dệt cải dụng buộc tù nhân chế tạo những khoang buồng cho máy bay Messerschmitt. Nhưng chưa được một năm, đến ngày 14.5.1945, toán tù binh Flöha buộc phải di tản do áp lực của quân đồng minh. Ngay ngày hôm sau, 57 tù nhân bị xử bắn, và cuối tháng 4 năm ấy tù nhân được tách làm đôi: đám kiệt sức, trong số có Robert Desnos, được đưa đến Térézin ở Tiệp khắc, phần còn lại bị bỏ rơi. Térézin [Théresienstadt], nơi Desnos nằm viện và được săn sóc bằng những phương tiện tạm bợ và được hai người săn sóc nhận diện,[***] trở thành địa chỉ cuối cùng của đời ông.

[***]Bà Aléna Tesarova nhắc lại kỷ niệm về Desnos, bốn ngày trước hôm ông qua đời: “Ngày 4.6, vào khoảng 5 giờ sáng... người bạn đồng nghiệp của tôi, đêm đầu tiên làm việc ở lán trại kế cận, đến cho tôi hay là trong số những bệnh nhân có một người tên Desnos. Khi người ta hỏi ông này có biết nhà thơ Pháp Robert Desnos không, ông đã trả lời: “Vâng, vâng! Robert Desnos, thi sĩ Pháp, chính là tôi! Chính là tôi!”

 
________
 

Mộ bia

 
Tôi đã sống vào thời ấy và từ ngàn năm nay
Tôi đã chết. Tôi từng sống, không suy vong mà là bị săn đuổi.
Khi mọi sự cao quí của con người bị giam hãm
Tôi đã tự do giữa những kẻ nô lệ mang mặt nạ.
 
Tôi đã sống vào thời ấy thế tuy nhiên tôi tự do.
Tôi nhìn dòng sông và mặt đất và bầu trời,
Quay chung quanh tôi, giữ thăng bằng
Và nhìn những mùa màng đem chim và mật ngọt đến.
 
Là kẻ đang sống, bạn đã làm gì với những điều may kia?
Bạn có tiếc rẻ thời tôi từng sống vẫy vùng?
Bạn có vun xới cho những mùa gặt chung?
Bạn có làm giàu cho thành phố xưa tôi từng sống?
 
Hỡi những người sống, đừng e ngại gì tôi, bởi tôi chết rồi.
Chẳng có gì sống sót từ đầu óc tôi hay thân xác tôi.
 
 
 

Vòng tròn và ngôi sao

 
Để vẽ một ngôi sao năm nhánh
Hay sáu nhánh hay nhiều hơn
Trước tiên phải vẽ một vòng tròn
 
Để vẽ một ngôi sao năm nhánh...
Một vòng tròn!
Người ta đã không thận trọng lắm
Khi vẽ một cây có nhiều nhánh
Này những cây che khuất sao đêm!
Này cây!
Mi đầy cả tổ chim và tiếng hót
Phủ kín những nhánh và lá
Và mi lên cao mãi đến tận sao trời!
 
 
 

Dải băng Moebius

 
Con đường ta chạy qua
Sẽ không cùng là đường ấy khi ta chạy trở lại
Ta có chạy theo đường thẳng cũng bằng thừa
Nó đưa ta đến một nơi khác
Ta chạy quay tròn nhưng bầu trời thay đổi
Hôm qua ta còn là một cậu bé
Giờ đây ta đã là một người lớn
Thế giới là một thứ thật lạ lùng
Và hoa hồng nằm giữa những hoa hồng
Không giống một hoa hồng nào khác.
 
 
 

Em hãy cởi áo ra

 
Em hãy cởi áo ra
Hãy tắm trong nước đen
Em không có gì phải sợ
Em đã từng tắm như thế
Cơ thể con người không thấm nước không bị ướt như
                                                                  bọt biển
Mặt trời sẽ làm khô bùn đất
Bùn sẽ rã thành bụi
Hãy tắm
Tắm đi
Đất mênh mông và tim em cũng thế
trái tim một khi mọi chuyện rốt cuộc tính toán đâu đó
chưa hề nhầm lẫn
và chưa bao giờ vấy bùn.
 
 
 

Nằm

 
Bên phải, bầu trời, bên trái, biển khơi.
Và trước mắt, cỏ và hoa.
Một áng mây, chính là đường đi, theo hình thẳng đứng
Song song với bầu trời thẳng đường dây dọi,
Song song với người cỡi ngựa.
Con ngựa phi cho đến gục ngã
Và con kia liên tục trèo dốc.
Mọi chuyện đơn giản và lạ lùng biết bao.
Nằm nghiêng về phía trái,
Tôi không quan tâm đến cảnh vật
Và tôi chỉ nghĩ đến những chuyện rất mơ hồ,
Rất mơ hồ và rất thú vị,
Như cái nhìn mệt mỏi mà người ta lượn vòng
Trong buổi chiều hè đẹp đẽ kia
Bên phải, bên trái,
Ở đây, ở kia,
Trong nỗi cuồng điên vô tích sự.
 
 
 

Chuyện thần tiên

 
Ngày xưa nhiều lần
Có một người đàn ông yêu một người đàn bà
Ngày xưa nhiều lần
Có một người đàn bà yêu một người đàn ông
Ngày xưa nhiều lần
Có một người đàn ông và có một người đàn bà
Không yêu những người yêu họ
 
Ngày xưa một lần
Có lẽ chỉ một lần thôi
Một người đàn ông và một người đàn bà yêu nhau
 
 
 

Bạn cũng thế rồi bạn sẽ đến nơi ta ở

 
Hôm nay ta đi dạo với bạn ta.
Cho dù bạn đã chết,
Ta vẫn đi dạo với bạn ta.
Cây cối trổ hoa đẹp biết bao,
Những cây dẻ rụng như tuyết ngày bạn qua đời.
Cùng với bạn ta ta đi dạo một vòng.
Ngày xưa cha mẹ ta
Đi đám tang chỉ đi với nhau
Và ta cảm thấy mình là thằng bé con.
Giờ đây ta đã quen thấy nhiều người chết,
Ta đã nhìn thấy nhiều người lo liệu đưa ma.
Nhưng ta không đến gần chỗ họ.
 
Thế nên cả ngày hôm nay
Ta đi dạo với bạn ta.
Bạn thấy ta có già đi một chút,
Già đi một chút nhưng bạn nói:
Bạn cũng thế rồi bạn sẽ đến nơi ta ở,
Vào một ngày chủ nhật hay một ngày thứ bảy,
Còn ta, ta ngước nhìn cây cối trổ hoa,
Dòng sông chảy qua dưới cầu
Và đột nhiên ta thấy ta cô độc.
Thế là ta trở về giữa những người sống.
 
 
 
Ảnh cuối cùng của Robert Desnos, lúc này đã vô cùng kiệt sức.
 
 
--------------------
“Mộ bia” dịch từ “L’épitaphe” trong Contrée (Paris: Gallimard, 1962). “Vòng tròn và ngôi sao” và “Dải băng Moebius” dịch từ “Le rond et l’étoile” và “L’anneau de Moebius” trong La géométrie de Daniel (1939). “Em hãy cởi áo ra” dịch từ “Déshabille-toi” [được ghi là chưa hề xuất bản] trong Modern French Poets, Wallace Fowlie biên tập (New York: Dover Publications, 1955). “Nằm” dịch từ nguyên tác “Couchée” trong tập Destinée arbitraire (Paris: Gallimard, 1975). “Chuyện thần tiên” dịch từ “Fairy Tale”. ”Bạn cũng thế rồi bạn sẽ đến nơi ta ở” dịch từ “Toi aussi tu viendras où je suis” trong Etat de veille. Mines de rien 1938, in lại trong tập Destinée arbitraire (Paris: Gallimard, 1975).
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021