thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BỐN BÀI THƠ VĂN XUÔI
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
JACEK BIEREZIN
(1947-1993)
 
Jacek Bierezin sinh năm 1947 ở Lodz, từng học ngôn ngữ và dân tộc học ở Đại học thành phố này. Ông bắt đầu làm thơ vào những năm 60, nhưng khởi sự hoạt động thơ ca vào những năm 70, và đã đoạt nhiều giải thưởng, như giải “Mùa Xuân thi ca” ở Lodz, rồi ở Varsovie. Ông là một trong những đại biểu sáng chói của đợt sóng mới trong thơ Ba Lan, ra đời từ phong trào sinh viên, là môi trường ông từng tích cực gắn bó lâu năm. Tập thơ đầu tay của ông, Bài học thơ trữ tình, ấn hành ở Ba Lan năm 1972 [tái bản ở Paris năm 1975] khởi đầu những khó khăn xuất bản ông gặp phải, cho nên sau đó ông đã cho in sách bên ngoài đất nước mình, trước hết là ở Paris, với tập Wam [Gửi em, nxb. Instytut Literacki, 1974]. Thái độ can đảm của ông trong nhiều hoạt động chính trị và xã hội* khiến ông bị đưa ra toà, và chính thức bị cấm in sách. Năm 1976, ông công khai bênh vực những thợ thuyền đình công, và hợp tác với Ủy ban Công đoàn Đoàn kết, rồi đứng ra tổ chức và điều hành tạp chí Puls [Nhịp đập] ở Lodz xuất bản ngoài vòng kiểm duyệt của Nhà nước, là nơi tập họp nhiều nhà văn nhà thơ trẻ của Ba Lan.
 
Khi nước Ba Lan tuyên bố “Tình trạng chiến tranh” [13.12.1981], Jacek Bierezin bị đưa vào một trại giam và sau đó đã cùng với hàng ngàn đồng bào chịu nằm tù nhiều tháng. Do một cuộc vận động rộng rãi của nhiều bạn bè Pháp và Ba Lan, năm 1982 ông được phép tháp tùng một người bạn gái đi chữa bệnh ở Paris. Từ đó ông sống và làm việc cho những cơ sở xuất bản văn học Ba Lan ở Pháp, Anh và nhiều nơi khác – cho đến một đêm năm 1993, khi một tai nạn xe thảm khốc ở quãng trường Alma, Paris, chấm dứt vĩnh viễn cuộc đời hoạt động văn học và chính trị cực kỳ xứng đáng của ông.
 
-------
* Có thể kể Thư ngỏ năm mươi chin chữ ký và bản Tuyên bố của Phong trào Dân chủ.
 
___________
 
 
BỐN BÀI THƠ VĂN XUÔI
 

Công nhân

 
Nên đem trả cho sự vật những kích thước đúng của nó. Thế nên tôi viết những dòng này về anh công nhân. Một anh công nhân trung bình. Anh công nhân nổi bật do tính sâu sắc và tinh tế trong tình cảm.
 
Mỗi thứ Bảy, anh nhậu nhẹt say sưa nhiều hơn thường ngày và đi chơi đĩ. Anh trở về nhà cùng với màn sương buổi bình minh và đánh vợ. Con vợ ta, ít ra là con vợ ta, phải biết chuyên chính vô sản là có thật.
 
 

Tàu điện

 
Tàu điện là thành phần ít phản động nhất trong lịch sử xã hội loài người. Chúng chạy trên những đường ray đã vạch sẵn trước, lúc nào cũng vẫn những đường ấy, và chúng không bận tâm đến vấn đề chung cuộc. Những thời kỳ chúng được sử dụng làm rào cản gây hậu quả xấu cho sức khỏe của chúng. Từ đó, chúng kích động lẹ làng và trở nên bốc đồng.
 
Ban đêm, mệt mỏi vì những tiếng còi, chúng nằm ngủ trong những nhà kho. Bấy giờ chúng mơ thấy những chuyến đi chơi xa ở những đất nước đầy cam ngọt và dân chủ. Chúng không nghĩ đến chuyện về hưu.
 
Chúng biết rằng, ngay cả lúc về hưu, giấc mơ của chúng cũng sẽ vẫn không hiện thực được.
 
 

Những ngọn đèn

 
Khi ánh sáng thiên nhiên bị cắt, chúng ta cần ánh sáng nhân tạo. Chúng ta chẳng mất gì khi thay đổi bởi lẽ ánh sáng nhân tạo chẳng thua ánh sáng thiên nhiên chút nào và, thêm vào đó, còn có nhiều đặc tính phòng ngừa và trị liệu.
 
Trường hợp bơ thực vật, nguồn sinh tố ấy, người đồng minh với ngân sách của bạn, cũng như thế.
 
Chúng ta bị giam hãm trong thứ ánh sáng nhân tạo, với những ngọn đèn bàn viết, đèn trần và cả những ngọn đèn mà người ta bất chợt thắp sáng trước mắt chúng ta và tắt đi trước khi chúng ta bước tới một bước. Chúng ta bị giam hãm trong những ngôi sao đèn trên một bầu trời giả tạo.
 
 

Một người đọc sách

 
Anh vừa đọc sách xong và anh vuốt ve con mèo của mình. Anh đội lên đầu chiếc mũ cao của Yvan Karamazov, choàng một cái khăn che cổ đã bạc màu và, gõ nhịp trên hè phố với chiếc can của Kafka, anh đi tìm mua mứt quả nghiền và bánh mì để ăn tối. Sau đó, anh lại mở sách ra, gấp sách lại và ngáp.
 
Buổi sáng, ông chủ anh nói, thay cho lời chào buổi sáng: “Sao, ông Kowalski, lại đi trễ nữa đấy à!”
 
Trong hai địa ngục đó, chắc chắn anh thích cái kia.
 
 
---------------
“Công nhân”, “Tàu điện”, “Những ngọn đèn” và “Một người đọc sách” dịch từ bản tiếng Pháp “L’ouvrier”, “Les tramways”, “Les lampes” và “Un lecteur” của Lucienne Rey trong Rebelles et Rêveurs - Quatorze poètes polonais contemporains, Collection “La Peau des mots” (Grenoble: La Pensée sauvage, 1980).
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021