thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Kinh quyển ở bên trong
Hoàng Ngọc-Tuấn dịch
 
Carolee Schneemann (1939~) — nghệ sĩ hậu hiện đại Hoa-kỳ, một tài năng đa diện — là một trong những tên tuổi hàng đầu của nghệ thuật nữ quyền. Bà đã chuyển hoá định nghĩa của nghệ thuật, đặc biệt trong hành ngôn về thân xác, dục tính, và giới tính. Tác phẩm của bà trải rộng qua nhiều loại hình nghệ thuật (hội hoạ, nhiếp ảnh, trang thiết, trình diễn, điện ảnh, thơ, tiểu luận) và trở thành đề tài của vô số bài nghiên cứu và phê bình. [Danh mục đầy đủ được đăng ở trang: http://www.caroleeschneemann.com/bio.html]
 
Bà đã xuất bản nhiều sách: Cezanne, She Was A Great Painter (1976), Early and Recent Work (1983); More Than Meat Joy: Performance Works and Selected Writings (1979, 1997), Imaging Her Erotics (2002), v.v. Nghệ thuật tạo hình của bà đã được trình bày ở những địa điểm quan trọng như Los Angeles Museum of Contemporary Art; Whitney Museum of American Art; Museum of Modern Art, New York; Centre Georges Pompidou, Paris; New Museum of Contemporary Art, New York; National Film Theatre, London; Whitney Museum, New York; San Francisco Cinematheque; Anthology Film Archives, New York.
 
Bên cạnh những tác phẩm mỹ thuật khai triển từ những ý niệm về thân xác, dục tính, và giới tính, trải dài suốt sự nghiệp, Carolee Schneeman cũng đặc biệt lưu tâm đến chiến tranh Việt Nam trong những năm 60. Cuốn phim Viet-Flakes (1965) của bà là một chuỗi ghép của những hình ảnh tàn bạo mà bà đã sưu tập suốt hơn 5 năm từ các nhật báo và tạp chí ngoại quốc tường thuật về cuộc chiến ấy. Nhà phê bình Robert Enright nhận định rằng đây là "một trong những bản cáo trạng hữu hiệu nhất từ trước đến nay về chiến tranh Việt Nam". Sau đó, tác phẩm trình diễn đa nghệ thuật Snows (1967), với cuốn phim Viet-Flakes được sử dụng như một phần chính, đã gây xúc động sâu xa trong tâm thức của khán giả Hoa-kỳ. Năm 1968, tác phẩm trình diễn đa nghệ thuật Illinois Central, một lần nữa, là một tuyên ngôn triệt để chống lại cuộc chiến ấy.
 
Bà đã giảng dạy tại nhiều học viện, trong đó có New York University, California Institute of the Arts, Bard College, và School of the Art Institute of Chicago.
 
Schneemann đã được trao tặng rất nhiều vinh dự từ nhiều học viện và tổ chức nghệ thuật, chẳng hạn: bằng Tiến Sĩ Danh Dự về Nghệ Thuật (California Institute of the Arts, 2003); Jimmy Ernst Award in Art (American Academy of Arts and Letters, 2002); Skowhegan Award for Performance (2001); College Art Association's Distinguished Artist Award for Lifetime Achievement (2001); Chicago Caucus for Women in the Arts Lifetime Achievement Award (2000), v.v.
 
Đôi dòng về "Interior Scroll" [Kinh quyển ở bên trong]:
 
"Interior Scroll" (1975) — một trong những tác phẩm tiêu biểu của Carolee Schneemann — được xây dựng từ những ý tưởng nẩy sinh từ một cuộc nghiên cứu về "vulvic space" (không gian âm hộ) mà Schneemann đã khởi sự từ năm 1960. Bà phát biểu: "Tôi nghĩ về cái âm đạo (vagina) theo nhiều cách — như một phần thể xác và như một ý niệm: nó là một hình khối điêu khắc, một gợi ý về kiến trúc, cái nguyên uỷ của tri thức linh mật, sự cực khoái, đường ống sinh thực khí, sự chuyển hoá."[1]
 
"Interior Scroll" được trình diễn lần đầu vào tháng 8 năm 1975 tại Women Here and Now, East Hampton, New York; và lần thứ nhì vào năm 1977 tại Telluride Film Festival, Colorado. Trong cuộc trình diễn lần đầu, Schneemann mang theo một tấm vải và một chiếc tạp-dề, bước ra trước khán giả, tiến đến một chiếc bàn dài đặt dưới hai ngọn spotlight có độ sáng mờ. Bà cởi hết quần áo, mang tạp-dề, rồi quấn vải lên thân thể và trèo lên bàn. Sau khi tuyên bố rằng bà sẽ đọc những đoạn văn một trong cuốn sách bà đã xuất bản năm 1976, Cezanne, She Was A Great Painter, bà vất bỏ tấm vải, chỉ còn mang chiếc tạp-dề, và dùng bùn vẽ lên mặt và thân thể những vệt dài. Rồi bà cầm cuốn sách bằng một tay, vừa đọc, vừa làm một loạt động tác hình thể. Sau đó, bà cởi bỏ chiếc tạp-dề, chậm rãi rút từ trong âm đạo ra một cuộn giấy mỏng ("trông như một cuộn giấy chạy ra từ máy điện tín... như sợi dây dọi... như sợi dây nhau và như cái lưỡi")[2], và đọc một bài thơ đã viết sẵn trên cuộn giấy đó. Bài thơ kể câu chuyện một ông đạo diễn điện ảnh có tri thức sai lệch về phụ nữ và tác phẩm nghệ thuật của phụ nữ như thế nào. Bài thơ này được rút ra từ cuốn phim Kitch's Last Meal (1973), tập III của bộ phim tự truyện gồm ba tập của Carolee Schneemann.
 
Cuộc trình diễn này tự nó chứa đựng nhiều khả thể diễn dịch: Hành động rút bài thơ — "trông như một cuộn giấy chạy ra từ máy điện tín... như sợi dây dọi... như sợi dây nhau và như cái lưỡi " — từ âm đạo, trước hết, hàm ý rằng bài thơ ấy là văn bản ghi những tín hiệu của "tri thức bên trong" (interior knowledge), vì theo Schneemann, cái âm đạo mới chính là "nguyên uỷ của tri thức linh mật" (source of sacred knowledge). Ngược lại, cái tri thức của một ông đạo diễn nào đó chỉ là một thứ tri thức nông cạn và phiến diện, một thứ "tri thức bên ngoài" (exterior knowledge). Hành động này, đồng thời, cũng hàm ý rằng "tri thức bên trong" là trọng tâm, là nguồn gốc, là lời phát biểu chính thức của sự thật. Trong tuyển tập Poems for the Millennium: The University of California Book of Modern & Postmodern Poetry, Jerome Rothenberg và Pierre Joris đã xếp bài thơ "Interior Scroll" vào phần "The Art of the Manifesto", và cho rằng Carolee Schneemann đã rút từ trong chiều sâu của cơ thể ra một Tuyên Ngôn [3].
 
Năm 1995, "Interior Scroll" được tái trình diễn dưới hình thức khác. Trong một thạch động khổng lồ dưới lòng đất, Schneeman và bảy phụ nữ khoả thân đồng diễn. Cùng một lúc như nhau, mỗi người chậm rãi rút bài thơ ra từ âm đạo của mình và đọc lên. Cuộc trình diễn này được Maria Beatty thu hình và sản xuất thành một cuốn phim màu, dài 4 phút 30 giây. Ống kính từ xa thu toàn cảnh tám người, rồi tiến gần đến mỗi người và tập trung vào chi tiết những cuộn giấy đang được rút ra từ các âm đạo. Khán giả có thể thấy rõ các chữ trên văn bản.
 
Trong "Interior Scroll", Schneemann đã xem thân xác chính mình vừa là xuất phát điểm vừa là đích đến của sự sáng tạo. Qua đó, ta thấy tác giả và tác phẩm chỉ là một, không thể tách rời. Văn bản "Interior Scroll" đứng riêng không đủ để thể hiện ý niệm mỹ học của Schneemann, vì thế, chúng tôi xin tạm đăng kèm thêm vài bức hình (do Anthony McCall chụp trong cuộc trình diễn đầu tiên, năm 1975) như một phương tiện để gợi óc tưởng tượng nơi độc giả.
 
----------------
[1] Carolee Schneemann, More Than Meat Joy: Complete Performance Works and Selected Writings, ed. Bruce McPherson (New Paltz, N.Y.: Documentext, 1979) 10.
[2] Như trên, 234.
[3] Jerome Rothenberg & Pierre Joris (eds.), Poems for the Millennium: The University of California Book of Modern & Postmodern Poetry, Volume Two (Berkeley: University of California Press, 1998) 405.
 
_____________________________
 
 

KINH QUYỂN Ở BÊN TRONG

 
tôi gặp một người đàn ông vui vẻ
một nhà làm phim theo phái cấu trúc
—nhưng đừng gọi tôi như vậy
tôi làm một điều khác đấy chứ—
hắn nói   bọn tôi khoái bà
bà trông quyến rũ
nhưng đừng đòi bọn tôi
xem những cuốn phim của bà
bọn tôi không thể làm như thế được
có những cuốn phim nào đó
bọn tôi không thể xem nổi
cái nùi tơ lòng rối rắm
cái loại cảm xúc dai dẳng
cái dạng cảm nhận ngoài da
cái kiểu mê chuyện vặt vãnh
cái đống vẽ vời lộn xộn
cái khối thù lù đặc sệt
cái mớ kỹ thuật sơ khai
 
(tôi không nghe lời khuyên bảo
của những người đàn ông chỉ nói với
chính họ)
 
BÀ HÃY CHÚ TÂM VÀO CÁI NGÔN NGỮ NGHIÊM TRỌNG VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐIỆN ẢNH
NÓ CHỈ HIỆN HỮU CHO VÀ TRONG MỘT PHÁI TÍNH MÀ THÔI
 
ngay cả nếu bà lớn tuổi hơn tôi
bà vẫn chỉ là một quái thai mà tôi đã đẻ ra hàng loạt
bà đã trôi tuột ra
từ những hành vi quá trớn và cái sức sống
của những năm sáu mươi........
 
hắn nói    bà có thể làm như tôi làm
hãy chọn một tiến trình rành mạch
tuân theo những nguyên tắc nội tại nghiêm ngặt nhất của nó
dùng trí thông minh thiết lập một hệ thống của những phép hoán vị
xây dựng chuỗi hình ảnh của chúng.......
 
tôi nói phim của tôi lưu tâm đến
CHẾ ĐỘ ẨM THỰC VÀ SỰ TIÊU HOÁ
 
tốt lắm   hắn nói    thế thì
tại sao lại có chiếc xe lửa?
 
xe lửa là SỰ CHẾT cũng như
có "die" [chết] trong "diet" [chế độ ẩm thực]
và có "die" [chết] trong
"digestion" [sự tiêu hoá]
 
rồi bà trở về với những ẩn dụ
và những ý nghĩa
tác phẩm của tôi không có ý nghĩa nào bên ngoài cái logic của những hệ thống nội tại
tôi đã dẹp bỏ tất cả cảm xúc  bản năng  hứng khởi—
những thứ tập quán được phóng đại ấy
đã làm các nghệ sĩ khác với người thường—
những thứ khuynh hướng mù mờ ấy
đã làm khổ khán giả.......
 
đúng vậy   tôi nói   khi tôi xem
những cuốn phim của ông
tâm trí tôi lang thang
tự do........
trong nửa giờ đồng hồ của những cái đốm phập phồng ấy
tôi viết những bức thư
tôi mơ mộng về người tình của tôi
tôi lập một danh mục các món tạp hoá
tôi lục lọi trong rương để kiếm một chiếc áo ấm thất lạc
tôi tính toán cách đặt những ống thoát nước cho hầm chứa thức ăn........
thật là khoan khoái khi không bị ai giật dây lôi kéo
 
hắn phản đối
bà không đủ sức lĩnh hội và thưởng lãm
cái hệ thống    cái thiết đồ    những trình tự mang tính số học và tính hợp lý—
những ám hiệu của Pythagoras—
 
tôi đã thấy những sự thất bại của tôi đáng bị vất bỏ
đáng lẽ tôi phải bị chôn sống
đáng lẽ những tác phẩm của tôi phải biến mất hết đi........
 
hắn nói chúng ta có thể là những người bạn bình đẳng
dù chúng ta không phải là những nghệ sĩ bình đẳng
 
tôi nói chúng ta không thể là những người bạn bình đẳng
và chúng ta không thể là những nghệ sĩ bình đẳng
 
hắn kể với tôi hắn đã sống chung với một "nữ điêu khắc gia"
tôi hỏi    điều đó có làm tôi thành một "nữ đạo diễn điện ảnh" không?
 
Ồ không    hắn nói    bọn tôi xem bà là một nữ vũ công.
 
 
 
-------------------
Nguyên tác: "Interior Scroll", trong tuyển tập Poems for the Millennium: The University of California Book of Modern & Postmodern Poetry, Volume Two, eds. Jerome Rothenberg & Pierre Joris (Berkeley: University of California Press, 1998) 436-439.
 
 
Những tác phẩm đã đăng trong loạt thơ hậu hiện đại:
"skin Meat BONES (chant)", bài thơ để xướng tụng bằng ba giọng ở ba âm vực khác nhau như một bài hát ba bè, của Anne Waldman (1945~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ, một tên tuổi hàng đầu của thơ trình diễn và thơ đọc — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
Chờ   của  Wilding, Faith
"Waiting", một bài thơ nổi tiếng của Faith Wilding (1943~) — nghệ sĩ đa diện và nhà vận động nữ quyền Hoa Kỳ. Đây là một tác phẩm thuộc thể loại "thơ trình diễn" (performance poetry), một thể loại phát triển rất mạnh trong nghệ thuật hậu hiện đại. Bài thơ này gói trọn cuộc sống của người phụ nữ dưới ách phụ quyền vào một chữ "chờ". Thân phận của họ là "chờ", mãi mãi "chờ", từ lúc sinh ra cho đến khi nhắm mắt. (Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn)
"Rant", bài thơ như một tuyên ngôn, với câu thơ nổi tiếng: "Cuộc chiến hệ trọng duy nhất là cuộc chiến chống lại óc tưởng tượng / mọi cuộc chiến khác đều nằm trong đó". Diane di Prima (1934~) — nhà thơ hậu hiện đại và nhà tranh đấu nữ quyền Hoa Kỳ — đã diễn đọc bài thơ này rất nhiều lần, tại rất nhiều nơi, và luôn luôn chinh phục khán thính giả. Tiền Vệ xin gửi đến độc giả bản dịch Việt ngữ của Hoàng Ngọc-Tuấn.
Bài thơ của Hiromi Ito (1955~) — một đại biểu của dòng thơ nữ quyền hậu hiện đại Nhật Bản. Bài thơ này đánh ngã quan niệm thẩm mỹ cũ kỹ vốn cho rằng thơ của nữ giới là phải đoan trang, kín đáo, mỹ miều. Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"The Practice of Magical Evocation", "Prophetissa", và "Studies in Light", ba bài thơ rất lạ, với những ẩn dụ và biểu tượng huyền bí xen lẫn vào ngôn ngữ thường nhật đương đại, của Diane di Prima (1934~) — nhà thơ hậu hiện đại và nhà tranh đấu nữ quyền Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Slow song for Mark Rothko", một bài thơ ứng dụng cấu trúc âm nhạc thiểu tố, của John Taggart (1942~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
Sói  của  Fujii Sadakazu
Một bài thơ sử dụng huyền thoại dân gian về người đàn bà sói "tuyệt chủng" như một ẩn dụ để diễn tả lối tiếp cận thi ca mới, của Fujii Sadakazu (1942~) — nhà thơ hậu hiện đại Nhật Bản — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"FIVE NOTEBOOKS FOR EXIT ART", một bài thơ có hình thức mới lạ, trông như một bài nghiên cứu từ nguyên, của Cecilia Vicuña (1948~) — nhà thơ hậu hiện đại Chile — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Lost and Found" và "Breasts", hai bài thơ với những liên tưởng rất lạ, của Maxine Chernoff (1952~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Cenotaph", một bài thơ ứng dụng kỹ thuật điện ảnh, qua đó, những đoạn thơ như những khúc phim ngắn xen vào nhau, nối tiếp nhau, của John Yau (1950~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Index", một bài thơ rất khác thường, dưới dạng một bảng tra cứu ở cuối sách, của Paul Violi (1944~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Conjugal", "Ape", "A Performance at Hog Theater", "The Toy-Maker" và "The Optical Prodigal", năm bài thơ văn xuôi với những hình tượng và liên tưởng rất khác thương, của Russel Edson (1935~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Falling in Love in Spain or Mexico", "Wonderful Things", "Nothing in That Drawer" và "Who and Each", bốn bài thơ với bốn thi pháp hoàn toàn khác nhau, của Ron Padgett (1942~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Rape", một bài thơ chua cay, quyết liệt, của Jayne Cortez (1939~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"A Bouquet of Objects", "In a Monotonous Dream" và "A Date with Robbe-Grillet", ba bài thơ ngằn, nhưng đầy những khám phá thú vị trong bút pháp, của Equi Elaine (1953~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021