thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
 
ß2
Về tập thơ CHỮ CÁI [kỳ 2/2]

 

[Cuộc phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Thị Từ Huy
do Nguyễn Thị Thanh Phượng thực hiện]

 

 

 
 

Nguyễn Thị Thanh Phượng (NTTP): Chị đã nói rằng tập thơ được khởi đầu trực tiếp từ một trận ốm. Ngoài ra còn lý do nào khác nữa không?

Nguyễn Thị Từ Huy (NTTH): Những chữ cái này ra đời, một phần, từ cảm nhận về sự bất lực và vô nghĩa của các chữ trong bảng chữ cái khi chưa kết hợp với nhau để tạo nên sức mạnh biểu đạt vô tận, và về sự bất lực của cá nhân tôi trước những điều không diễn đạt được thành lời. Mỗi chữ cái trong bảng alphabet hiện diện như một sự bất lực. Các chữ cái của tôi là một cơ thể sống và chúng sống trong sự bất lực. Tôi nhìn các chữ cái giống như các cá thể đơn lẻ. Chúng ta, các cá nhân đơn lẻ cũng giống như các chữ cái đơn lẻ ấy, nếu kết hợp lại với nhau biết đâu có thể tạo thành sức mạnh vạn năng giống như ngôn ngữ. Chính trong ý nghĩa này, nhấn mạnh sự bất lực của chữ cái cũng là một cách gợi đến sức mạnh tiềm tàng của chúng.

Sự kết hợp mà tôi nói đến ở đây là một sự kết hợp không đòi hỏi tất cả phải thống nhất với nhau, phải đồng tình hay đồng thuận với nhau. Một sự kết hợp tôn trọng tất cả những gì dị biệt, thậm chí đối lập, đối kháng; vì tất cả những dị biệt, đối lập, đối kháng ấy có thể được kết hợp để tạo thành một thể thống nhất, một hoà điệu phổ quát.

 

NTTP: Chị đã viết một số bài nghiên cứu và phê bình văn học. Nếu người ta nói rằng thơ chị đến từ một cái đầu đầy lý tính của một nhà nghiên cứu...?

NTTH: Những chữ cái này cũng là một hình thức chống lại thứ độc tài tự tôi áp đặt lên chính tôi. Trước kia, tôi đã luôn nghĩ rằng tôi không có khả năng làm thơ, rằng tôi được đào tạo để làm phê bình, và rằng giữa người viết phê bình và người làm thơ không có gì chung. Bằng những suy nghĩ như thế, tôi đã tự cấm đoán chính mình, đã tự tạo ra một rào cản, một thứ luật lệ vô hình, và do vậy tự hạn chế các khả năng có thể có trong tôi. Cho đến ngày tôi phát hiện ra mọi thứ độc tài đều phi nhân... Tuy nhiên, sau khi tưởng như thoát khỏi sự o ép của con người phê bình thì tôi lại thấy mình đang đứng trước một nguy cơ khác, một hình thái độc tài khác... và do vậy điều quan trọng là tôi cần biết nhận ra nguy cơ về các hình thái độc tài đang hình thành trong bản thân tôi, để có thể chống lại chúng, để có thể tự do trở thành chính tôi.

Viết, với tôi hiện nay, không phải là để trả lời, không phải để đưa ra những đúc kết mang tính chân lý. Viết cũng không phải để phác hoạ chân dung của các cá nhân hay của một xã hội. Mà viết là để đặt câu hỏi, để tìm kiếm và tìm hiểu, và rất nhiều khi tôi ở trong trạng thái tìm nhưng không đi tới hiểu. Hoặc có lúc hiểu, để rồi sau đó thấy rằng những gì mình đã hiểu cần phải tìm hiểu lại, để thấy tính chất bấp bênh của cái gọi là «hiểu».

 

NTTP: Như vậy với chị, viết chưa bao giờ là việc giải quyết một vấn đề có sẵn, mà viết là để nhận thức?

NTTH: Tập thơ này chính là nhận thức của tôi về sự bất lực của bản thân. Cái nhà tù kiên cố nhất kìm hãm tôi không gì khác hơn là chính tôi. Tôi bị cầm tù ở đó, trong chính cái tôi của mình, một cái tôi hạn hẹp, chật chội và bất lực. Một cái tôi thiểu năng và tàn tật về mặt nhận thức. Và những gì tôi làm hiện nay, đọc và viết, là để nhằm chống lại tình trạng thiểu năng và tàn tật đó, chống lại và không dám hy vọng rằng có thể thoát khỏi nó, hoặc đúng hơn, đã nhìn thấy trước là không thể thoát khỏi nó. Khi tôi tự hỏi cái nhà tù của tôi được xây lên bằng những chất liệu nào, câu trả lời thật không đơn giản, trước mắt tôi nhìn thấy : sự dốt nát, sự sợ hãi, sự yếu đuối, sự lệ thuộc, và còn hàng loạt những rào cản khác mà tôi sẽ dần dần nhận ra sau này. Hiện tại, tôi không dám dùng hai chữ «sáng tạo». Tôi đang học cách đi bằng hai chân của mình. Khi chưa thể giải phóng hai tay khỏi những cây gậy và chưa thể bước đi bằng hai chân một cách tự do thì chưa thể nói tới «sáng tạo». Tôi chỉ cố làm một việc là tìm cách thể hiện sự bất lực của mình, và hy vọng bằng cách đó có thể thoát khỏi nó. Dù biết rằng thoát khỏi sự bất lực này là để chuẩn bị rơi vào sự bất lực khác. Thậm chí khi chưa thoát khỏi sự bất lực này đã phải sống trong một sự bất lực khác mất rồi. Những kinh nghiệm viết này là của cá nhân tôi, không đại diện cho bất kỳ một ai khác. Mỗi nhà văn viết bằng kinh nghiệm riêng của mình. Tôi không viết bằng sức mạnh, tôi viết bằng sự bất lực để tìm sức mạnh. Tôi không viết để nhận diện người khác, tôi viết để nhận diện chính tôi.

 

NTTP: Sự hiện diện của Từ dường như được trở đi trở lại trong những bài thơ chữ cái. Phải chăng Từ chính là «cơ thể» ngôn ngữ của một «cơ thể» khác, «cơ thể» của Từ Huy?

NTTH: Một trong những chủ đề quan trọng đối với tôi là những suy tư về cơ thể trong tư cách là một phần của bản thể con người. Cả cơ thể và bản thể của tôi, trước hết, là quà tặng của Ba Mẹ tôi. Tuy nhiên cơ thể, với tôi, không chỉ là cơ thể sinh học. Do đó, có thể nói từ cũng là một phần cơ thể tôi. Cũng như ngôn ngữ là một phần cơ thể tôi. Như là tôi đã được tạo nên bằng ngôn ngữ. Khi viết xong tập thơ, tôi nhận thấy cơ thể tôi là một cái gì lớn hơn nhiều cái chiều cao 1m52, và số cân nặng 45kg của tôi. Cơ thể ấy vừa nặng hơn rất nhiều, vừa nhẹ hơn rất nhiều, có lúc nhẹ đến mức trở thành gió, có lúc nặng đến mức một mình tôi không mang nổi. Vì trong tôi có sự hiện diện của nhiều người khác. Không chỉ là sự hiện diện của ba mẹ tôi. Đối với tôi, sự hiện diện tinh thần nhiều khi có tính thể chất, vì sự hiện diện đó có thể trở thành một yếu tố thể chất. Để nói rõ hơn : nhờ tập thơ này tôi hiểu mình có một người bạn lớn, nếu Phan Huy Đường cho phép tôi gọi ông như vậy. Vào thời điểm tôi thực sự sống trong sự khủng hoảng niềm tin vào bản thân, ông đã hỏi tôi : «Từ Huy có định viết gì không?» Câu hỏi đó đã khơi nguồn cho những gì cần phải chảy ra khỏi tôi. Đôi khi người khác nhìn thấy ta rõ hơn ta. Vì quả thật tôi đã “định viết” mà không biết rằng mình đã “định viết”. Và Phan Huy Đường đã nhìn thấy ý định ấy ngay cả khi tôi chưa có ý thức rõ rệt về nó. Tập thơ này đã nhận được sự tri âm của nhà thơ Hoàng Hưng, nhà thơ Dương Tường, nhà văn Hoàng Ngọc-Tuấn. Và nếu như nó ra đời được ngày hôm nay thì đó là nhờ Hồng Minh, người đã lo lắng cho số phận của nó hơn cả tôi; đó là nhờ nhà thơ Giáng Vân và Ban thẩm định; và dĩ nhiên, nhờ chương trình Lời Vàng Eva. Tập thơ của tôi đã may mắn gặp được những người tâm huyết với văn học. Và tâm huyết với văn học tức là tâm huyết với con người và các vấn đề của con người. Những chữ cái của tôi có thể đến với độc giả, điều đó có nghĩa là chúng đã khởi đi từ sự bất lực của một cá nhân để tìm thấy sức mạnh trong nỗ lực chung của những người làm văn học ở Việt Nam. Tôi tin những gì mà chúng ta làm hôm nay sẽ đặt nền móng cho một sự thay đổi và phát triển trong tương lai, dù có thể còn rất xa xôi.

 

NTTP: Chị đang làm luận án tiến sĩ văn học về Tiểu thuyết mới của Robbe-Grillet. Nhà văn này có ảnh hưởng như thế nào đến quá trình sáng tác của chị?

NTTH: Đúng là hiện nay tôi đang làm luận án về Robbe-Grillet. Nhà văn này có một câu nổi tiếng: «Tôi chưa bao giờ nói về cái gì khác hơn là về chính tôi». Dù rằng trong tiểu thuyết của ông ấy có đủ bạo lực, bạo dâm, loạn luân, tội ác giết người... Câu nói ấy khẳng định rằng các nhân vật trong tiểu thuyết của ông chính là một phần của bản thân ông, và ông viết là để chống lại «con quỷ» trong ông. Tất nhiên điều đó làm tôi suy nghĩ. Nếu nói rằng tôi có ảnh hưởng của Robbe-Grillet thì cũng không sai. Tuy nhiên, rất nhiều nhà văn, không riêng gì Robbe-Grillet, viết để hiểu chính họ. Sade, Proust, Joyce, Simon, Sarraute, Duras... Và sự «ăn mình», trong cái nền văn hoá mà ở đó tôi đang tiến hành việc học tập hiện nay, không hề bị coi là một nhược điểm. Bởi vì để có thể «ăn mình», có lẽ cần phải có một thái độ khác với thái độ can đảm của những nhà văn viết để tìm hiểu xã hội, họ là những người dũng cảm và dám chấp nhận nguy hiểm, nhiều khi nguy hiểm đến tính mạng khi họ lên tiếng phê phán xã hội một cách gay gắt, và tôi khâm phục họ. Tuy nhiên, sự «ăn mình» đòi hỏi một điều gì đó. Để phát triển ý này hơn một chút, có thể xếp Kafka vào dạng các nhà văn «ăn mình» này, bởi vì tác phẩm của ông cho thấy ông là một phần của cái thế giới do ngòi bút của ông tạo nên. Ông không đứng ngoài nó, và không đứng cao hơn nó để lên án nó. Các vấn đề trong tiểu thuyết là của chính ông, vì ông không nhìn chúng như một người ngoài cuộc và có thẩm quyền phê phán, kết án. Cái sự bất lực mà ta thấy rõ trong thế giới của Kafka, không phải chỉ là sự bất lực của một nhân loại chung chung. Trước hết nó là sự bất lực của chính tác giả.

 

NTTP: Cám ơn nhà thơ Từ Huy.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021