thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
 
ß2
Thư gửi Trần Văn Lục

 

Lời toà soạn:
 
Đầu tháng 9/2006 vừa qua, Tiền Vệ đã công bố tặng thưởng TÁC PHẨM CỦA THÁNG 8/2006 cho bài “Xoá bỏ trong tác phẩm của Robbe-Grillet: cơ chế tạo sinh và tái tạo sinh văn bản” của Nguyễn Thị Từ Huy, do chính tác giả viết lại từ nguyên tác Pháp văn "L’effacement chez Robbe-Grillet: mécanismes de la production et de la reproduction du texte" [tham luận này đã được tác giả trình bày trong hội thảo chuyên ngành văn chương Pháp, “Marking Loss: Reading and Writing Erasure in French and Francophone Literature”, tại Columbia University, ngày 17 tháng 2 năm 2006].
 
Từ ngày công bố tặng thưởng cho đến nay, Tiền Vệ đã nhận được nhiều bức thư hưởng ứng và tán thưởng từ những nhà văn thuộc thế hệ tiền bối — những người đã từng yêu thích và tìm hiểu Robbe-Grillet trong những năm 60, 70 của thế kỷ trước.
 
Tuy nhiên, Tiền Vệ cũng vừa nhận được một bài phản hồi khá gay gắt của độc giả Trần Văn Lục. Chúng tôi đã chuyển bài phản hồi ấy đến tác giả Nguyễn Thị Từ Huy, và chị có viết một bức thư gửi lại cho độc giả Trần Văn Lục. Chúng tôi xin đăng nguyên văn bài phản hồi ấy, cùng với bức thư của Nguyễn Thị Từ Huy dưới đây.
Tiền Vệ

 

 

Thư gửi Trần Văn Lục

 

Thưa anh Trần Văn Lục,

Trước hết, tôi xin cảm ơn anh đã đọc bài viết của tôi ["Xoá bỏ trong tác phẩm của Robbe-Grillet: cơ chế tạo sinh và tái tạo sinh văn bản”] và bỏ thời gian góp ý kiến cho tôi.

Thứ hai tôi xin cảm ơn anh đã chỉ ra lỗi chuyển dịch tiếng Pháp liên quan đến câu văn của Robbe-Grillet: «Je n’ai jamais parlé d’autre chose que de moi. Comme c’était de l’intérieur, on ne s’en est guère aperçu. Heureusement. Car je viens là, en deux lignes, de prononcer trois termes suspects, honteux, déplorables...» (tôi để nguyên những chỗ anh đánh dấu)

Không hiểu sao tôi đã đọc đoạn văn ấy thành ra như sau:

«Je n’ai jamais parlé d’autre chose que de moi. Comme si c’était de l’intérieur, on ne s’en est guère aperçu. Heureusement. Car je viens là, entre deux lignes, de prononcer trois termes suspects, honteux, déplorables...».

Có lẽ những người nào đã từng dịch sẽ hiểu rằng chuyện có thể xảy ra như vậy ở một vài thời điểm nào đó trong quá trình dịch. Thực ra bài viết của tôi được viết bằng tiếng Pháp, và khi chuyển sang tiếng Việt, tôi đã bị cuốn đi theo mạch tư duy. Tôi nói như vậy để giải thích tại sao có việc dịch sai nhưng không dùng lời giải thích này để tự bào chữa. Tôi không phủ nhận đã dịch sai câu đó, sai là sai, và sai thì phải sửa, vì thế tôi cảm ơn anh Trần Văn Lục đã chỉ ra lỗi này, và nhờ Ban Biên Tập Tiền Vệ sửa lại câu đó như sau: “Tôi chưa bao giờ nói về cái gì khác hơn là về chính tôi. Vì đó là từ nội tâm, nên người ta gần như không nhận ra điều ấy. May mắn thay. Bởi vì trong hai dòng trên đây, tôi vừa mới xướng lên ba từ đáng ngờ, đáng xấu hổ và thảm hại...

 

Tôi cũng trao đổi lại với anh mấy điểm:

1. Về việc giới thuyết khái niệm:

Bài viết này không hướng tới công chúng rộng rãi mà là một bài tham gia một hội thảo chuyên ngành. Những khái niệm mà tôi dùng đã trở nên sơ đẳng trong giới chuyên môn, chẳng hạn như những khái niệm mà anh nêu ra: tạo sinh (production), tái tạo sinh (reproduction), tính năng sản văn bản (productivité textuelle)...

Anh thử hình dung xem, giả sử tôi tham gia, với tư cách là người dự thính, vào một hội nghị toán học, khi các nhà toán học dùng khái niệm «prox» mà không giải thích thì giữa họ không có vấn đề gì vì họ đã hiểu khái niệm «prox», nhưng tôi thì sẽ không hiểu prox là gì cả, mà nếu tôi đòi họ giải thích thì không chắc tôi đã hiểu, vì cần phải hiểu bao nhiêu khái niệm khác trước khi đi tới prox. Trong trường hợp đó tôi không có quyền trách các nhà toán học là họ chỉ biết có họ, không biết đến những người như tôi.

Cũng vậy, làm sao tôi đủ thời gian để giải thích rằng khái niệm productivité textuelle của Kristeva đã gối lên cả một hệ khái niệm phức tạp trong khoa học nghiên cứu văn bản như thế nào? Và để làm gì khi mà những người cùng tham gia hội thảo với tôi không cần đến những diễn giải dài dòng đó?

Tôi cũng rất chân thành nói với anh rằng, kiến thức của tôi là có giới hạn, tôi làm việc trong lĩnh vực văn học thật đấy, nhưng nếu tôi không được đào tạo về phân tâm học, thì khi đọc một bài phê bình theo hướng phân tâm và gặp một khái niệm như «infraconscience» được dùng không kèm theo giải thích, tôi cũng không thể hiểu được. Và trong trường hợp đó, tôi sẽ phải tự tìm hiểu lấy thay vì băn khoăn tại sao tác giả không giải thích hộ mình. Có lẽ anh cũng hiểu rằng trong một thế giới càng ngày càng phân hoá và chuyên sâu trong từng lĩnh vực hẹp như hiện nay, những người làm việc trong cùng một lĩnh vực nhưng khác chuyên ngành cũng không thể hiểu hết các khái niệm của nhau; và chuyện đó đã trở nên hiển nhiên. Nếu một người nghiên cứu theo hướng ký hiệu học và thi pháp học không hiểu các khái niệm của ngành phân tâm học hay liên văn bản, thì đó không phải là vì họ ngu dốt.

2.Về việc anh cho rằng tôi đã viết những câu u tối khó hiểu:

- Tôi chỉ lấy lại một ý mà anh đã nêu: «Chủ thể Robbe-Grillet không chỉ là nạn nhân của khu vực trung chuyển của tư duy...». Bất kỳ một người nào hiểu quan niệm của Lacan về chủ thể đều có thể hiểu được câu này, tôi có thể cam đoan với anh như vậy.

- Anh Trần Văn Lục ạ, có lẽ tôi sẽ lấy làm mừng nếu tôi có thể đạt tới mức độ tối nghĩa của Roland Barthes, của Gilles Deleuze, Foucault, Kristeva… Đến giờ này tôi vẫn không thể nói rằng tôi đã hiểu hết những tác giả này. Chỉ có điều tôi cũng không thể bắt họ viết đơn giản hơn cho tôi hiểu được. Chỉ có một cách là cố gắng mà hiểu họ thôi. Và tôi mơ ước một ngày có thể viết được như họ.

Nhưng tôi biết rõ không bao giờ tôi có thể đạt tới mức độ «tối nghĩa» như của họ. Và còn lâu mới có một người Việt Nam đạt tới trình độ ấy. Không chỉ vì dân tộc chúng ta chưa đến lúc sản sinh ra được những đầu óc như thế, và còn bởi vì đại đa số người Việt Nam chúng ta không ủng hộ cho những đầu óc như thế. Thay vì cố gắng để vươn tới sự phức tạp trong tư duy, chúng ta luôn đòi hỏi phải đơn giản hoá, phải làm cho sự việc trở nên dễ hiểu ở mức tối đa. Chúng ta quên rằng có những điều với chúng ta là khó hiểu nhưng với người khác đã trở nên đơn giản từ lâu rồi. Và chúng ta than thân trách phận rằng cả một dân tộc không có triết gia, không có triết học. Rồi khi có một người nào đó nỗ lực hướng đến kiểu tư duy ít đơn giản hơn một chút (chứ chưa thể nói là phức tạp) thì lập tức chúng ta phàn nàn rằng người đó kinh viện, sính chữ nghĩa, khó hiểu, tăm tối, vân vân và vân vân. Và rồi chúng ta sẽ níu áo nhau để cùng dừng lại ở sự đơn giản, để cùng nhau trách móc về việc dân tộc này không đẻ ra triết gia, không đẻ ra các lý thuyết gia, cứ như thể đấy là lỗi của ai khác, lỗi của cái bà mẹ hay ông bố đã đẻ ra chúng ta, mà không cần biết rằng sẽ đến lúc chúng ta sẽ là những ông bố bà mẹ đẻ ra thế hệ con cháu mình.

Nhưng hiện nay tôi biết có một số ông bố bà mẹ đang nỗ lực làm những công việc giúp cho quá trình phức tạp hoá tư duy của chúng ta diễn ra nhanh hơn. Tôi tin rằng những thế hệ người Việt Nam sau này sẽ phát triển khả năng tư duy trừu tượng nhờ những người như Bùi Văn Nam Sơn với công việc âm thầm nặng nhọc là dịch các triết gia kinh điển ra tiếng Việt; nhờ những người như Phan Huy Đường, đã thử thoát ra khỏi kiểu tư duy cụ thể để viết những cuốn sách như « Tư duy tự do ». Và thế hệ đó sẽ cống hiến và sẽ đòi phải có những bài viết, những công trình nghiên cứu phức tạp khó hiểu có khả năng phát triển các năng lực của tư duy chứ không chịu dừng lại và bằng lòng với một lối suy nghĩ dễ dàng, với một lỗi diễn đạt đơn giản. Và khi đọc một văn bản mà họ không hiểu được thì phản ứng đầu tiên của họ không phải là chê trách người viết không biết cách làm cho họ hiểu, mà phản ứng đầu tiên của họ sẽ là cảm thấy xấu hổ khi không đủ khả năng để hiểu điểu người khác viết. Đó là sự xấu hổ mà bản thân tôi lúc này cảm nhận rất đầy đủ khi đứng trước những trang sách mở rộng mà có cảm giác như nó đang khoá chặt, mình loay hoay hoài mà vẫn chưa tìm được lối vào với nó.

 

Cuối cùng, tôi sẽ không trao đổi thêm gì với anh về chuyên môn. Cứ để cho các chuyên gia trong lĩnh vực này đánh giá về những nhận định của anh nếu họ thấy cần, và nếu họ có thời gian.

Dù sao tôi cũng tin rằng bài viết của anh được viết trong tinh thần xây dựng và thiện chí, ngoài ra không có một động cơ nào khác. Nếu không, những người làm văn học như tôi, làm văn học trong một điều kiện như điều kiện của chúng ta hiện nay, chắc sẽ không còn đủ tâm huyết để tiếp tục nghề của mình. Tôi cũng thành thực nói với anh rằng, nếu khoảng thời gian tôi dùng để viết những dòng này cho anh mà được dùng vào việc tìm hiểu một trong vô vàn những khái niệm mà tôi chưa hiểu thì có thể nó sẽ có ích hơn đối với tôi. Nhưng việc trao đổi này cũng không phải là vô ích, vì công việc chữ nghĩa rút lại là được thực hiện trong mục đích chia sẻ. Hy vọng rằng khoảng thời gian anh và độc giả bỏ ra để đọc những dòng này cũng không phải là một khoảng thời gian phí phạm. Tôi cũng hy vọng rằng chúng ta sẽ không còn phải phí phạm khoảng thời gian ít ỏi mà chúng ta có trên đời vào những tranh cãi vô ích. Tôi hy vọng rằng các website văn học có thể tổ chức tranh luận về những vấn đề thực sự có tầm cỡ và ý nghĩa đang đặt ra cho văn học chúng ta hôm nay. Khi nói như vậy tôi hoàn toàn ý thức được rằng ý muốn của các ban biên tập được thực hiện như thế nào một phần tuỳ thuộc vào cá nhân của từng người tham gia tranh luận, và một phần tuỳ thuộc vào trình độ, chủ trương và đường lối của ban biên tập. Một tờ báo hoàn toàn có quyền từ chối không đăng tải những bài vở không nằm trong chủ trương của mình. Và không một người viết nào có thể xâm phạm vào quyền đó của toà báo. Nếu không làm sao phân biệt được tạp chí chuyên ngành và báo lá cải. Hiện nay, thẳng thắn mà nói chúng ta còn thiếu những tờ báo mà việc đăng bài ở đó là vinh dự cho người viết. Tuy nhiên một tờ báo như vậy chắc còn là niềm mơ ước lâu dài (tôi hoàn toàn không phải là người từ mặt trăng rơi xuống, nếu trước có ở mặt trăng thì cũng đã rơi xuống đất lâu rồi). Nhưng chẳng phải mọi sự đều bắt đầu từ mơ ước hay sao?

 

Paris, 8-9-2006
Nguyễn Thị Từ Huy
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021