thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
MỘT ÔNG GIÀ ĐỌC TIỂU THUYẾT TÌNH YÊU [II]

 

Bản dịch của Nam Giang

 

LUIS SEPÚLVEDA

(1949~)

 

Luis Sepúlveda sinh năm 1949 tại Ovalle, Chile. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông học ngành kịch nghệ tại Đại Học Quốc Gia Chile. Năm 1969, ông được học bổng 5 năm để tiếp tục học ngành kịch nghệ tại Đại Học Mátxcơva, nhưng chỉ sau 5 tháng, ông bị đuổi học vì đã kết bạn giao du với một vài người bất đồng chính kiến dưới chế độ Xô-viết, và phải quay về Chile.
 
Ông trở thành một lãnh tụ của sinh viên và làm việc với bộ văn hoá của chính phủ Salvador Allende, phụ trách việc xuất bản những tác phẩm văn học cổ điển với giá rẻ cho quần chúng. Sau vụ đảo chính 1973, chế độ quân phiệt của nhà độc tài Augusto Pinochet đã bắt giam Luis Sepúlveda 2 năm rưỡi, rồi được thả nhờ sự can thiệp của Hội Ân Xá Quốc Tế (chi nhánh Đức), nhưng vẫn bị quản thúc tại gia. Thế nhưng, ông đã trốn thoát và ẩn nấp bí mật gần một năm và thành lập một nhóm kịch phản kháng. Rồi ông bị bắt lần nữa và lãnh án tù chung thân (sau này được giảm còn 28 năm tù) vì tội “phản quốc” và “phiến loạn”.
 
Hội Ân Xá Quốc Tế (chi nhánh Đức) lại can thiệp, và bản án của ông được giảm xuống còn 8 năm lưu đày, và năm 1977 ông rời Chile. Từ đó, ông sống và làm việc ở nhiều nước khác nhau, tiếp tục hoạt động như một nhà vận động chính trị - xã hội, và trở thành một nhà văn nổi tiếng. Ông đã xuất bản gần hai mươi tác phẩm văn chương. Ngoài ra, ông còn hoạt động trong ngành điện ảnh, và đã thực hiện bốn cuốn phim.
 
Ngày 19.2.2009 vừa qua, ông được trao tặng giải thưởng lớn Premio Primavera de Novela với số tiền 200 ngàn Euro cho tiểu thuyết La sombra de lo que fuimos [Bóng tối của quá khứ chúng ta, 2009].
 
Tuy nhiên, cuốn Un viejo que leía novelas de amor [Một ông già đọc tiểu thuyết tình yêu, 1989] là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Cuốn này đã được xuất bản qua hơn 60 ngôn ngữ.

 

_________

 

 

MỘT ÔNG GIÀ ĐỌC TIỂU THUYẾT TÌNH YÊU

 

Đã đăng: [I]

 

II

 

Ông xã trưởng là nhân viên hành chính duy nhất ở đây. Ông là người đại diện cho quyền lực tối cao của nhà nước đối với cái xó heo hút này, nhưng nó quá xa xôi để có thể làm người ta khiếp sợ. Đó là một nhân vật to béo, người luôn ướt sũng mồ hôi.

Dân chúng đồn rằng ông ta bắt đầu ra mồ hôi từ giây phút đầu tiên đặt chân lên bờ sông, khi ông ta theo tầu Sucre tới. Từ đó ông ta không ngừng lau rồi vắt cái khăn mùi-xoa ướt đẫm mồ hôi của mình. Dân chúng đặt cho ông ta tên lóng là ốc sên trần.

Họ cũng thì thào với nhau, trước khi mắc cạn ở làng El Idilio, ông ta có giữ một chức vụ nào đó trong một thành phố lớn trên cao nguyên nhưng do dính vào một vụ hối lộ, nên bị kỷ luật phải thuyên chuyển đến cái nơi heo hút này.

Ngoài việc lau mồ hôi, nỗi bận bịu lớn của ông ta là quản lý số bia dự trữ của mình. Ngồi trong phòng làm việc, ông ta uống dần từng chai, dè dặt từng ngụm nhỏ. Ông biết rất rõ, khi số bia dự trữ hết, thì thực tế cuộc sống còn trở nên vô vọng hơn nữa.

Đôi khi ông ta được sự may mắn ban cho một nụ cười, đó là lúc nỗi kham khổ tiết kiệm của ông được đền bù bởi một chai whisky mà một người Mỹ nào đó ghé qua để lại. Ông xã trưởng không bao giờ dùng rượu mạnh nội địa như mọi người, với lý do Frontera gây cho ông những cơn ác mộng, bởi ông ta luôn sống trong nỗi lo sợ bị phát điên.

Từ hồi nào không rõ, chả ai còn nhớ chính xác, ông ta sống chung với một người đàn bà da đỏ. Người mà ông ta luôn đánh đập dã man và buộc tội bà ta đã làm mê hoặc mình. Dân chúng đều chờ đến ngày mà bà ta sẽ giết ông. Nhiều người còn đánh cuộc về điều đó.

Kể từ ngày tới nhậm chức cách đây bẩy năm, ông ta đã làm nhiều điều khiến tất cả mọi người thù ghét.

Ông ta áp dụng những cách thu thuế mới với nhiều lý do không thể hiểu nổi. Ông ta có tham vọng bán giấy phép săn bắn trên một địa bàn không thể quản lý. Ông ta muốn bắt dân chúng phải trả tiền thuế sử dụng khi nhặt củi ẩm trong những khu rừng nguyên sinh. Hăng hái quá mức, ông ta đã cho xây một căn nhà gỗ để giam những người say rượu không chịu trả tiền phạt vì tội làm mất trật tự công cộng.

Ngược lại người tiền nhiệm của ông lại được dân chúng yêu quý. Sống và để cho người khác sống được coi là nguyên tắc. Nhờ ông ấy mà ở đây có tầu chở hàng ghé qua, cũng như có dịch vụ bưu điện và chữa răng. Nhưng ông ấy không giữ chức vụ được bao lâu.

Một buổi tối, một trận cãi nhau nổ ra giữa ông ta và những người đi tìm vàng. Hai ngày sau, người ta tìm thấy xác ông ta bị chém vỡ đầu bởi một nhát dao rừng.

Trước khi chính quyền trung ương gửi con người bị đầy ải xuống, hai năm liền tiếp theo làng El Idilio không có đại diện nhà nước để bảo vệ chủ quyền của Ecuador trên vùng rừng nhiệt đới mênh mông này, nơi mà biên giới chỉ là một khái niệm của tư duy.

Cứ thứ hai hàng tuần ông xã trưởng — như bị ám ảnh bởi ngày thứ hai — cho kéo cờ trên bờ sông, cho đến ngày một cơn lốc đã cuốn lá cờ rách tả tơi ấy vào rừng sâu, mang đi mất phương tiện thông báo thời gian duy nhất của dân chúng. Điều mà mọi người, không một ai quan tâm.

Xã trưởng ra đến bờ sông.Vừa thấm mồ hôi trên mặt, trên cổ, để rồi ngay sau đó vắt cái khăn sũng mồ hôi, ông ra lệnh kéo cái xác lên bờ. Đó là xác một người đàn ông trẻ, tuổi không quá 40, tóc vàng, thân thể lực lưỡng.

— Chúng mày tìm thấy nó ở đâu?

Những người thổ dân Shuars nhìn nhau, không hiểu họ có phải trả lời không.

— Những thằng mọi này không hiểu tiếng Tây-ban-nha à? — Ông xã trưởng cao giọng.

Một người thổ dân quyết định trả lời.

— Trên đầu sông, cách đây hai ngày đường.

— Chỉ cho tao vết thương.

Người thổ dân thứ hai nghiêng cái đầu xác chết lên. Côn trùng đã ăn nát mắt phải, nhưng mắt trái vẫn còn ánh lên mầu xanh của đồng tử. Một vết thương chạy dài từ cằm tới vai trái, ở phía trong lòi ra những đường gân và mạch máu cùng những con dòi trắng nhởn lổm nhổm.

— Chính chúng mày đã giết nó.

Những người Shuars lùi lại.

— Không đúng, Shuars không giết.

— Đừng nói dối. Chính chúng mày đã giết nó bằng một nhát dao rừng. Rõ ràng như vậy.

Lão béo ròng ròng mồ hôi rút khẩu súng lục chĩa vào đám thổ dân đang ngớ ra vì kinh ngạc.

— Không đúng, Shuars không giết.

Người thổ dân cả gan nhắc lại lần nữa, nhưng một cái báng súng giáng xuống đã làm anh ta ngừng lời. Một dòng máu mỏng manh như sợi chỉ từ từ chẩy xuống trán anh ta.

— Đừng coi tao là đồ ngốc. Chính chúng mày đã giết nó. Đi theo tao, chúng mày sẽ có thời gian để giải thích ở nhà thị chính. Nhanh lên, lũ mọi rợ. Còn ông, thuyền trưởng, hãy chuẩn bị đón một, hai thằng tù lên tầu.

Thuyền trưởng tầu Sucre nhún vai, không trả lời.

Bất ngờ người ta nghe thấy tiếng của Antonio José Bolivar.

— Xin lỗi ông, đúng là ông tự bịt mắt mình để cố tình không nhìn thấy. Đây không phải là vết thương do dao chém.

Xã trưởng giận dữ vắt chặt chiếc khăn mùi-xoa của mình.

— Làm sao mày biết, lão kia?

— Tôi biết những gì tôi nhìn thấy.

Ông già lại gần cái xác, cúi người xuống, kéo cái đầu lên, rồi vạch tay vào vết thương.

— Ông có nhìn thấy những vết cắt song song với nhau không? Chúng rất sâu ở dưới cằm, càng xuống phía dưới vai càng nông. Ông hãy nhìn kỹ đi, không phải chỉ có một mà có bốn vết.

— Thì sao? Lão muốn nói gì?

— Tôi muốn nói, không thể có một con dao rừng bốn lưỡi. Đây là những vết cào. Những cái vuốt báo. Hắn đã bị một con báo ở tuổi trưởng thành giết. Ông hãy ngửi đi. Nó thối...

Xã trưởng lau mồ hôi trên cổ.

— Chắc chắn là nó thối. Xác đã rữa ra rồi.

— Ông cúi xuống và ngửi đi. Đừng có sợ người chết hay dòi bọ. Hãy ngửi mùi quần áo, tóc tai,... tất cả...

Cố nén lại cảm giác ghê tởm, lão béo nghiêng người xuống xác chết, khịt mũi đánh hơi như một con chó nhút nhát, nhưng tránh không đụng vào.

— Nó có mùi gì? — Ông già hỏi.

Những kẻ hiếu kỳ cũng tò mò xúm lại ngửi mùi cái thi thể bất động.

— Tôi không biết, làm sao tôi có thể biết? Mùi máu, mùi dòi bọ... — Xã trưởng trả lời.

— Mùi nước đái mèo. — Một người trong đám đông nói.

— Của mèo cái, đúng thế! Đó là một con mèo cái khổng lồ. — Ông già sửa lại cho chính xác hơn.

— Điều đó không chứng tỏ những thằng da đỏ kia không giết hắn.

Xã trưởng tìm cách lấy lại uy quyền, nhưng dân chúng chỉ chú ý vào Antonio José Bolivar.

— Hắn ta bị một con báo cái giết chết. Con đực có thể bị thương đang đứng rình gần đó. Con báo cái đã giết hắn ta. Sau đó nó đánh dấu con mồi bằng nước đái mình, để không cho các con thú khác ăn mất, trong khi nó đi tìm con báo đực.

— Đúng là chuyện cổ tích dành cho đàn bà. Chính những thằng mọi rợ kia đã giết, rồi chúng nó tưới nước đái mèo lên xác, hay là một thứ nước quái quỷ nào đó.

Những người thổ dân muốn phản đối, nhưng họng súng của xã trưởng vẫn chĩa vào họ, khiến họ lặng im.

Bác sĩ can thiệp.

— Nhưng họ giết để làm gì?

— Để làm gì? Câu hỏi của bác sĩ thực đáng ngạc nhiên. Để cướp, còn có động cơ nào khác? Những thằng mọi này, có điều gì cản được chúng?

Ông già buồn rầu lắc đầu nhìn bác sĩ. Bác sĩ hiểu Antonio José Bolivar vẫn chưa chịu. Ông giúp ông già bày những vật tuỳ thân của người chết lên bờ sông.

Một cái đồng hồ, một cái địa bàn, một cái ví căng phồng tiền, một cái bật lửa ga, một con dao săn, một dây chuyền bằng bạc có mề đay hình đầu ngựa. Ông già quay sang nói với một người thổ dân bằng thứ tiếng của họ. Anh chàng này nhảy xuống thuyền với tay đưa cho ông một cái xắc vải gai mầu xanh.

Trong xắc, người ta tìm thấy mấy băng đạn, và năm bộ da báo bé tí xíu. Những bộ da mèo vàng điểm chấm đen. Chúng dính phân và bốc mùi thối chẳng kém gì xác chết.

— Thưa ông rõ cả rồi, tôi nghĩ rằng vấn đề đã được giải quyết xong. — Bác sĩ nói.

Xã trưởng mồ hôi vẫn chẩy ròng ròng hết nhìn những thổ dân Shuars, ông già, bác sĩ, rồi những kẻ hiếu kỳ xúm quanh, không biết phải nói thế nào.

Khi nhìn thấy mấy bộ da báo, những người thổ dân nói với nhau với một vẻ lo lắng, rồi họ nhẩy xuống thuyền.

— Đứng lại. Chúng mày phải chờ tao quyết định.

— Hãy để cho họ đi. Họ có những lý do chính đáng để lo lắng. Ông xã trưởng vẫn chưa hiểu à?

Ông già lắc đầu nhìn xã trưởng, rồi đột nhiên cầm lấy một bộ da báo ném về phía ông ta. Xã trưởng đỡ lấy với một vẻ mặt ghê tởm.

— Suy nghĩ đi, thưa ông. Ông làm xã trưởng ở đây bao nhiêu năm mà không học được điều gì. Cái thằng Mỹ mất dạy đã giết chết những con báo con, và chắc chắn bắn bị thương con báo đực. Hãy nhìn bầu trời, ông có thấy mùa mưa đang đến gần không? Bây giờ ông hãy tưởng tượng lại sự việc. Con báo cái phải đi kiếm mồi ăn cho no bụng, để có sữa cho con bú đầy đủ trong những tuần đầu tiên của mùa mưa. Những con báo con vẫn chưa cai sữa, nên con đực phải ở lại canh. Các loài thú, chúng sống như thế. Chính lúc đó thằng Mỹ bắn chúng.

Điên dại vì đau đớn, con báo cái lần theo rình mò. Nó sẽ săn người. Chắc chắn con báo cái chẳng gặp khó khăn gì để lần theo dấu thằng Mỹ. Nó chỉ cần đánh hơi mùi sữa báo dính vào thằng ngốc dại dột.

Con báo đã giết một người, đã cảm nhận và quen máu người. Với bộ óc bé nhỏ của nó, tất cả loài người là những kẻ sát sinh. Đối với nó chúng ta có cùng một mùi. Ông hãy để cho những người Shuars đi. Họ cần báo động cho gia đình và hàng xóm họ. Mỗi ngày trôi qua càng làm con báo thêm tuyệt vọng và nguy hiểm hơn. Nó sẽ lần xuống gần các làng, để đi tìm mùi máu.

Thằng Mỹ ngu xuẩn! Ông hãy nhìn những tấm da. Tất cả đều còn non, không thể sử dụng được. Chẳng ai đi săn bằng súng ngay trước mùa mưa. Ông có thấy những vết đạn trên da? Ông nhận thấy thế không? Ông buộc tội những người da đỏ, nhưng chúng ta biết, kẻ có lỗi là thằng Mỹ. Hắn đi săn ngoài mùa, lại săn những loài động vật bị cấm.

Ông nghĩ vũ khí của thằng Mỹ hiện ở đâu? Lão đảm bảo với ông, những người da đỏ không tìm thấy, vì họ phát hiện ra cái xác rất xa địa điểm hắn bị chết. Ông không tin lão phải không? Ông hãy nhìn đôi ủng. Gót nó bị xé nát, điều đó có nghĩa là con thú đã tha cái xác một quãng dài sau khi giết. Hãy nhìn những vết rách trên áo sơ mi, trên ngực. Đó là chỗ nó ngoạm vào để kéo. Thằng Mỹ tội nghiệp. Cái chết của hắn chắc phải thật khủng khiếp. Ông hãy nhìn vết thương. Một cái vuốt đã kéo đứt động mạch. Hắn đã hấp hối cả nửa giờ đồng hồ, trong lúc con báo liếm dòng máu sủi bọt tuôn ra. Sau đó, con thú thông minh đã kéo lê con mồi của mình đến tận bờ sông, ngăn cho xác không bị kiến rừng ăn mất. Rồi nó đái lên đánh dấu. Lúc những người Shuars tìm thấy xác chết, cũng là lúc con báo cái bỏ đi tìm con đực. Hãy thả những người thổ dân đi, và yêu cầu họ báo tin cho cả những người đãi vàng đang đóng trại bên bờ sông. Một con báo điên dại vì đau đớn còn nguy hiểm hơn hai chục tên giết người họp lại.

Xã trưởng không trả lời. Ông ta bỏ đi viết báo cáo gửi đồn cảnh sát ở El Dorado.

Gió mỗi lúc một nóng và nhớp nháp, dính vào người, mang theo sự im lặng của rừng sâu, báo hiệu cơn dông sắp tới. Bất cứ một lúc nào, những cửa đập nước trên trời cũng sẵn sàng mở van. Từ phía toà thị chính, tiếng gõ máy chữ vang lên chậm rãi, trong lúc một vài người đàn ông đóng những chiếc đinh cuối cùng lên cái hòm được dùng để chở xác chết, nó đang bị người ta bỏ quên, nằm chờ trên mấy tấm ván bên bờ sông.

Thuyền trưởng tầu Sucre vừa chửi thề, vừa nhìn lên bầu trời đen như hắc ín. Ông không ngớt lầm bầm nguyền rủa xác chết. Ông ta tự tay rắc vào đáy thùng một lớp muối, dù hiểu rằng điều đó chẳng giải quyết được việc gì hơn.

Đáng ra phải làm giống như người ta vẫn thường làm với những người bị chết trong rừng, khi những đòi hỏi vô lý của luật pháp cấm không cho bỏ xác lại. Phải rạch thân thể từ cổ tới bụng, móc hết ruột vứt đi, rồi đổ đầy muối vào. Đấy là cách duy nhất giữ cho xác chết tạm coi được, cho đến phút cuối cùng của chuyến đi. Nhưng lần này, người chết là một thằng Mỹ trời đánh. Người ta phải đem hắn đi nguyên vẹn cùng với những con dòi đang làm ruỗng xác hắn từ bên trong. Lúc mang về đến nơi, xác hắn sẽ chỉ còn là một túi thịt hôi thối.

Ngồi trên những thùng chứa ga, bác sĩ và ông già yên lặng ngắm dòng nước trôi. Thỉnh thoảng họ truyền nhau chai rượu Frontera và hút những điếu xì gà làm bằng những lá thuốc lá già. Thứ xì gà duy nhất chịu đựng được độ ẩm ở vùng này.

— Đúng là đồ chó má. Antonio José Bolivar, lão đã bịt mõm hắn. Tôi không ngờ lão lại có tài năng thám tử đến thế. Lão đã làm cho hắn mất mặt trước mặt mọi người. Những người thổ dân kia không ăn cắp. Hi vọng có ngày những người Jivaro sẽ tặng cho hắn một mũi lao.

— Vợ hắn sẽ giết hắn. Cô ta đang tích trữ sự căm thù, nhưng chưa có đủ. Việc ấy đòi hỏi phải có thời gian.

— Nghe này, tôi hoàn toàn quên mất vì cái xác chết ngu xuẩn kia. Tôi mang cho lão hai quyển sách.

Mắt ông già sáng lên.

— Về tình yêu?

Bác sĩ làm hiệu gật đầu.

Antonio José Bolivar Proano thường đọc những tiểu thuyết tình yêu, còn bác sĩ là người thường xuyên cung cấp sách cho ông trong mỗi lần ghé qua.

— Đó là những chuyện buồn?

— Có thể khóc được. Bác sĩ khẳng định.

— Với những người yêu nhau mãi mãi?

— Như là không một ai có thể yêu hơn thế.

— Và họ rất đau khổ?

— Tôi nghĩ rằng nếu là tôi, thì tôi sẽ không chịu nổi.

Thực sự, bác sĩ Rubincondo Loachamín không bao giờ đọc tiểu thuyết. Khi ông già nhờ kiếm hộ những quyển sách mà ông ưa thích với nội dung là những câu chuyện tình đau khổ, tuyệt vọng nhưng kết thúc có hậu, bác sĩ cảm thấy nhiệm vụ đó thật không dễ dàng. Ông sợ bị chê cười khi bước vào một tiệm sách và hỏi “Hãy tìm cho tôi một cuốn tiểu thuyết thật bi kịch với những nỗi đau khổ khủng khiếp và một kết thúc có hậu...” Người ta sẽ nghĩ ông giống như một bà cô già. Thế rồi tự nhiên ông tìm được giải pháp trong một nhà chứa bên bến cảng, điều mà ông không bao giờ hi vọng tới.

Bác sĩ thích những cô gái da đen, đầu tiên bởi họ dám nói những điều làm người ta tỉnh mộng để quay về với thực tế, hơn nữa các cô gái ấy không ra mồ hôi khi làm tình.

Một buổi tối sau khi thoả cuộc mây mưa với Joselina, một cô gái quê ở tỉnh Esmeraldas, người có một nước da nhẵn và khô như mặt trống, ông nhìn thấy một chồng sách xếp gọn gàng trên nóc tủ đầu giường.

— Em cũng thích đọc sách à? — Ông hỏi.

— Vâng, nhưng em đọc chậm lắm.

— Em thích những loại sách nào?

— Những tiểu thuyết tình yêu. — Cô gái trả lời. Joselina có gu đọc sách giống như Antonio José Bolivar.

Bắt đầu từ buổi tối hôm đó, Joselina vừa làm nghĩa vụ người tình vừa đóng vai người bình luận văn học. Sáu tháng một lần, cô chọn hai quyển tiểu thuyết đầy rẫy những tình tiết đau khổ không sao tả nổi, để Antonio José Bolivar Proano cô đơn đọc chúng trong căn nhà của mình, đối diện với dòng sống Nangaritza.

Ông già cầm lấy hai quyển sách, ngắm nghía bìa và tuyên bố chúng làm ông hài lòng.

Cùng lúc, người ta mang thùng gỗ chứa xác chết lên tầu dưới sự kiểm soát của xã trưởng. Khi nhìn thấy bác sĩ, ông ta sai một người đến nói.

— Ông xã trưởng nhắc ông đừng quên trả tiền thuế.

Bác sĩ chìa mấy đồng tiền giấy đã chuẩn bị trước, rồi nói thêm vào:

— Ông ta nghĩ gì vậy. Nói với ông ấy, tôi luôn là một công dân gương mẫu.

Người ấy quay lại chỗ xã trưởng. Gã béo cầm lấy tiền nhét vào túi rồi giơ tay lên ngang trán ra hiệu chào.

— Hắn chết ngập cả lưng với đống thuế của hắn. — Ông già bình luận.

— Những vết cắn ấy ở đây chẳng nhằm nhò gì so với những nơi khác. Nhà nước sống bằng cách ăn bám trên lưng dân thường. Mà đấy là chúng ta mới chỉ bị làm phiền bởi một con chó nhỏ hay gây sự.

Hai người tiếp tục uống rượu và hút thuốc, mắt dõi theo dòng nước xanh không ngừng chảy.

— Antonio José Bolivar, tôi thấy lão có vẻ trầm ngâm. Lão có điều gì lo lắng à?

— Bác sĩ nói có lý. Chuyện này không làm lão hài lòng chút nào. Lão chắc chắn con sên trần đang mưu tính một cuộc truy tìm con báo. Và điều này không làm lão yên tâm. Bác sĩ có nhìn thấy vết thương không? Đấy mới chỉ là cái tát của nó. Con thú này rất to, những cái vuốt phải dài đến 5cm. Cứ giả sử nó mệt mỏi vì đói, một con thú như thế cũng còn nhiều sức lực. Không kể, mùa mưa tới sẽ xoá đi những dấu vết của nó, và cơn đói càng làm nó khôn ngoan hơn.

— Lão có thể từ chối không tham gia vào cuộc săn. Lão đã quá tuổi để tham dự vào những cuộc săn bắt như vậy.

— Bác sĩ đừng nghĩ thế. Nhiều khi lão còn muốn lấy vợ lần nữa. Một ngày nào đó, lão có thể gây bất ngờ khi yêu cầu bác sĩ làm nhân chứng kết hôn.

— Chỉ giữa chúng ta với nhau, lão bao nhiêu tuổi, Antonio José Bolivar?

— Dù thế nào đi nữa, lão cũng đã nhiều tuổi. Sáu mươi, theo giấy khai sinh. Nhưng phải tính đến việc lúc người ta khai giấy tờ, lão đã biết đi. Như vậy, có thể nói, lão nhiều phần cỡ độ bẩy mươi.

Tầu Sucre báo hiệu rời bến, khiến hai người chia tay nhau vội vàng.

Ông lão còn đứng lại trên bờ sông nhìn theo cho đến lúc bóng con tầu biến mất, khi nó bị che khuất ở một khúc quanh của dòng sông. Quyết định mình sẽ không nói chuyện với bất cứ ai nữa, ông lão tháo hàm răng giả, gói nó vào khăn mùi-xoa, ôm chặt hai quyển sách vào ngực, đi về túp lều của mình.

 

[còn tiếp]

 

 

--------------
Dịch theo bản tiếng Pháp, Le vieux qui lisait des romans d'amour, của François Maspéro (Paris: Editions Métailié, 2004).
 

 

 

Đã đăng:

... Ngồi yên, đồ chó. Hạ hai cái cẳng trước xuống! Đúng là nó đau, nhưng lỗi của ai, hử? Của thằng này? Không, đó là lỗi của nhà nước. Hãy nhồi điều đó vào đầu, do nhà nước. Đấy là tội lỗi của nhà nước khi chú mày có những cái răng thối và nó làm chú mày đau. Lỗi của nhà nước... [Bản dịch của Nam Giang] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021