thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TUYẾT [chương 41-44]

 

Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường

 

MAXENCE FERMINE

(1968~)

 

Lời người dịch:
 
"Ở cuối thế kỷ 19 tại Nhật Bản, một thanh niên tên Yuko ôm mộng trở thành một thi sĩ haiku. Để trau dồi nghệ thuật haiku, một thể thơ rất khó làm, Yuko lên đường về miền Nam tìm gặp một bậc thầy mà anh cảm thấy gắn bó ngay trong lần đầu gặp gỡ, mặc dù rất khó đoán biết trước giữa thầy và trò ai sẽ làm phong phú cho ai. Trong mối liên hệ này, được xây dựng trên sự nể kính, những dấu hiệu và im lặng, hình ảnh đeo đuổi mãi của một phụ nữ đã biến mất trong tuyết sẽ kết hợp họ lại với nhau. Với cách viết súc tích, sáng sủa như màu trắng, Maxence Fermine gọt dũa một câu chuyện trong đó cái đẹp và tình yêu sẽ mang sắc thái của thơ haiku. Độc giả sẽ bắt gặp ở đây bức chân dung của một nước Nhật Bản tế nhị, nơi mà, giữa sự tàn bạo và dịu dàng, truyền thống phải đương đầu với những sức mạnh bức phá của cuộc sống."[*]
 
Maxence Fermine sinh năm 1968 tại Albertville, thuộc miền Savoie, Pháp. Thời niên thiếu, ông sống ở quê nhà và Grenoble, rồi mười ba năm kế tiếp ở Paris. Nghề đầu tiên của ông là kỹ sư và kiến trúc sư, đã giúp ông đi nhiều nơi, nhất là châu Phi để ông "triển khai thiên hướng về nghệ thuật và thẩm mỹ". Ông là tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết và truyện ngắn, đã tự "lăng xê" với Neige (Tuyết), cuốn tiểu thuyết đầu tay này đã gây hứng thú nơi độc giả. Từ đó ông bỏ nghề cũ và dành trọn thì giờ cho văn chương. Năm 2001, ông chiếm Giải Del Duca và Giải Murat cho L'Apiculteur (Người nuôi ong), cuốn tiểu thuyết thứ hai của ông. Từ đó, độc giả đã có thêm Opium (Nha phiến, 2002), Billard blues, Jazz blanc, Poker (2003). Năm 2004 cuốn Amazone đã mang về cho tác giả Giải Europe 1. Tiếp theo là Tango Massai (Điệu tango Massai, 2005), Le labyrinthe du temps (Mê lộ thời gian, 2006). Và cuối cùng, trong năm 2007 là tác phẩm Le tombeau d'étoiles (Mộ sao).
 
Với các tác phẩm của ông, Maxence Fermine đã du hành xuyên qua các thời đại và các nền văn hoá. Nhật Bản ở cuối thế kỷ 19 với Tuyết, châu Phi với Người nuôi ongĐiệu tango Massai, nước Ý với Cây vĩ cầm đen, thành phố Chicago của Mỹ vào những năm 30 với Billard blues, Jazz blanc, Poker, và thời chiếm đóng ở Pháp với Mộ sao. Tác phẩm của Maxence Fermine đã gặt hái được nhiều thành công và đã được chuyển dịch sang nhiều ngoại ngữ. Đề tài chính trong tiểu thuyết của Maxence Fermine là sự đi tìm cái tuyệt hảo : thơ với Tuyết, nhạc với Cây vĩ cầm đenBillard blues, Jazz blanc, Poker, và mật ngọt với Người nuôi ong; dưới biểu trưng của các màu : trắng với Tuyết, đen với Cây vĩ cầm đen, vàng với Người nuôi ong, và xanh với Billard blues, Jazz blanc, Poker.
 
Tôi đọc Tuyết cuối năm 1999, trong tủ sách Points thuộc loại sách bỏ túi của nhà Editions du Seuil, thấy thú vị nên đã dịch ngay sang tiếng Việt được hơn nửa cuốn, vì Tuyết gồm cả thảy 54 chương ngắn và cực ngắn, với ngôn ngữ giản dị rất dễ dịch. Nhưng tôi đã để bản dịch lỡ dở, có thể vì lu bu nhiều chuyện khác, vì biếng nhác, vì đã bắt đầu thấy chán sau lúc hứng khởi ban đầu. Nhưng chắc chắn là vì đã nghĩ dịch để làm gì, và nhất là vì đã biết rõ một cuốn tiểu thuyết ngắn rất dễ thương về sự gặp gỡ giữa Đông-Tây, tất nhiên sẽ hợp khẩu vị độc giả trong nước, và tất nhiên sớm muộn gì ở trong nước cũng sẽ có người dịch để in sách, nên tôi chờ, để tránh việc dịch trùng, mất thì giờ vô ích. Chờ mãi gần tám năm, không thấy xuất hiện bản dịch ở trong nước, mà cũng chẳng thấy có ai ở quốc nội nhắc nhở đến Tuyết hay tác giả của nó, nên vào đầu tháng mười 11, năm 2007, tôi lấy ra dịch tiếp và gửi cho Tiền Vệ đăng để công hiến độc giả.
 
Maxence Fermine hiện sống — trong tuyết — với vợ và con gái (Léa) tại miền Haute-Savoie.
 
Nguyễn Đăng Thường
Đầu tháng 12, 2007
 
--------------
[*] Lời giới thiệu của nxb ở trang bìa sau.
 
Độc giả có thể xem rất nhiều chương của nguyên tác Pháp văn ở website:

 

_____________

 

 

TUYẾT

 

Phần I:

 

Phần II:

 

Phần III:

 

41

 

Họ lên đường lúc trời hừng sáng. Yuko đi trước và Soseki bước theo tiếng chân Yuko nện xuống đất.

Mỗi khi gặp những chỗ nguy hiểm trên đường, người thanh niên muốn đưa tay ra cho ông lão nắm, thì người thầy từ chối và tự phấn đấu lấy.

Buổi tối, họ ngủ nhờ trong nhà một người dân bản địa, trên những manh chiếu trải dưới đất. Tới đầu làng, mỗi khi Soseki xưng tên họ và nghề nghiệp, các cánh cửa bỗng mở tung như có ảo thuật. Cả nước Nhật hình như đã nghe phương danh của nhân vật này. Yuko thán phục. Lúc đó anh ý thức về sự may mắn đã được thụ giáo một bậc thầy như vậy.

Chẳng phải ai cũng có dịp gặp gỡ những bậc thánh thần khi họ còn sinh tiền.

 
 

 

42

 

Chuyến đi rất dài, một màu trắng bất tận.

Trắng như hoa đào trắng đang trổ hoa.

Trắng như im lặng theo bước chân của hai người lữ khách.

Cuối cùng, trong một buổi sáng, các đỉnh núi đầu tiên xuất hiện. Con đường bắt đầu từ từ vươn lên bầu trời và sự tinh khiết của trời.

Đó là những giờ phút tế nhị nhất.

Soseki bắt đầu biểu lộ những dấu hiệu của sự đuối sức. Nhưng Yuko giả vờ không nhìn thấy. Vả lại, họ chẳng còn ở cách xa ngôi mộ nước đá là bao nhiêu.

Cuộc hành trình kết thúc.

 
 

 

43

 

Khi gặp cây thập giá, Yuko run rẩy vì xúc động.

"Thưa thầy," anh la to, "con tìm thấy rồi."

Người thanh niên hối hả bước xuống gầm mũi đá, nơi anh đã phát hiện ngôi mộ của Tuyết trong một đêm giông bão, và anh la to vì ngạc nhiên.

"Gì thế?," Soseki lo lắng hỏi. "Tuyết đã vĩnh viễn biến mất trong lòng núi rồi phải không? Đã xảy ra một trận tuyết lở rồi à?"

"Dạ không," Yuko đáp. "Mà ngược lại. Như thể đội ngũ của tuyết đã nghe tiếng gọi của chúng ta và đã hành động trước khi chúng ta tới nơi. Tuyết vẫn còn đây. Nhưng thi hài nàng ở gần chúng ta hơn trước. Nàng ở dưới băng chỉ cách ta vài phân. Chúng ta hầu như có thể chạm tay vào người nàng."

Nàng đây rồi. Nàng thiếu phụ quá xinh đẹp, khoả thân lộ liễu, mái tóc vàng óng ả, mong manh như giấc mơ. Nàng đã chết. Tuy nhiên, nàng như vẫn còn sống. Nàng đang ngủ dưới băng. Và nàng sẽ bước ra khỏi ngôi mộ.

Thực ra nàng không loã lồ như ấn tượng lúc ban đầu, nhưng bộ y phục nghệ sĩ đi dây của nàng đã ở dưới băng đã quá lâu nên những sợi tơ dệt đã sờn rách gần như trong suốt. Thân thể nàng bé nhỏ, lớp da trong và mờ khiến chúng có vẻ thêm mỏng mảnh.

Yuko quỳ xuống và cào tảng băng với các móng tay. Cuối cùng Tuyết hiện ra. Rồi anh cầm tay Soseki và đặt nó lên khuôn mặt người thiếu phụ.

"Thầy có cảm nhận được khuôn mặt, làn da của nàng hay không?"

Bàn tay ông lão vuốt ve chiếc má của cuộc tình đã mất.

Soseki mù lòa. Nhưng ông không cần đôi mắt để nhận ra nét cong của một khuôn mặt.

Khuôn mặt của người thiếu phụ được gìn giữ gần như nguyên vẹn khiến một một cái ấn nhẹ của lòng bàn tay trên mi mắt xanh cũng đủ rồi.

"Chính là nàng. Chính là Tuyết. Con đã không nói dối với ta."

Lúc ấy ông lão quỳ xuống ôm mặt khóc nức nở cho thời tuổi trẻ đã tìm thấy lại.

 
 

 

44

 

Soseki không bao giờ xuống núi. Ông nằm xoải trên băng giá bên cạnh người yêu và nhắm mắt lại.

Yuko có khuyên ngăn ông về sự điên cuồng đó nhưng người thầy chỉ đáp lại với giọng bình thản:

"Hãy để mặc thầy. Thầy đã tìm ra cái chỗ của thầy. Cho sự vĩnh hằng."

Rồi ông thiếp ngủ bên cạnh thi thể còn nguyên vẹn của người thiếu phụ.

 

Khi ông chết, ông để cho màu trắng của thế giới xâm nhập ông.

Ông hạnh phúc.

Nơi cao độ của trái tim.

 

[Còn 10 chương]

 

 

----------------
Nguồn: Maxence Fermine, Neige (Paris: Editions du Seuil, 1999) [tủ sách bỏ túi "Points"].
 

 

Đã đăng:

TUYẾT [chương 1-4]  (tiểu thuyết) - Fermine, Maxence
... Tuyết là một bài thơ. Một bài thơ từ những cụm mây rơi xuống thành những bông trắng và nhẹ. Bài thơ ấy đến từ cửa miệng trời, từ bàn tay Thượng Đế. Nó mang một cái tên. Một cái tên trắng ngần. Tuyết... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường] (...)
 
TUYẾT [chương 5-8]  (tiểu thuyết) - Fermine, Maxence
... Mỗi ngày là một bài thơ khác, một hứng cảm lạ, một tấm lụa mới. Mỗi ngày là một cảnh trí khác, một ánh sáng khác. Nhưng vẫn luôn luôn haiku và tuyết. Cho tới khi đêm xuống... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường] (...)
 
TUYẾT [chương 9-12]  (tiểu thuyết) - Fermine, Maxence
... Nó không gợi lên một điều gì lớn lao cho người phàm tục. Nhưng đối với một tâm hồn thơ, nó tựa như một nhịp cầu dẫn đến ánh sáng thiêng liêng. Một nhịp cầu đưa đến ánh sáng trắng của những thiên thần... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường] (...)
 
Tối hôm đó anh làm tình với cô gái đã gặp ở bể nước. Anh giao hợp với cô trên tuyết, dưới cành pha lê của một cây anh đào. Họ ân ái tất thảy bảy lần. Rất mãnh liệt. Cho tới khi dương vật anh tựa như một bông ác-ti-sô già và cái giống của cô gái tựa một lằn rạch tím... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường] (...)
 
... Nhưng anh biết được một điều, một điều thôi, buồn bã và đẹp đẽ: rằng tất nhiên anh rồi cũng sẽ già nua, và cũng phải chết trong một ngày nào đó, thế nhưng tình yêu của anh đối với người thiếu phụ kia sẽ không bao giờ héo úa, và cũng như thế cái khuôn mặt ngủ mê dưới lớp băng sẽ chẳng bao giờ già nua... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường] (...)
 
... Đúng, một phụ nữ. Bởi vì tình yêu chính là bộ môn nghệ thuật khó nhất. Và viết văn, biên vũ, soạn nhạc, vẽ tranh, cũng là một việc tương đồng với âu yếm. Đó là nghệ thuật biểu diễn trò đi dây. Cái khó nhất là bước tới trước mà không vấp ngã... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường] (...)
 
... Nàng đã từ Paris tới đây, từ nước Pháp. Tên nàng là Tuyết. Người ta đã gọi nàng như thế vì nàng có làn da trắng muốt, cặp mắt trong như nước đá và mái tóc vàng óng ả. Mà cũng vì khi di chuyển trên tầng cao, nàng có dáng vẻ nhẹ nhàng của một bông tuyết... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường] (...)
 
... Trong mắt Soseki, nàng là một bài thơ, một bức hoạ, một hoa tự, một vũ điệu và một khúc nhạc gộp chung lại. Nàng là Tuyết và nàng là biểu trưng của nghệ thuật... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường] (...)
 
... Khi Tuyết đặt chân lên sợi dây, quần chúng rì rào. Vì ở nơi quá cao, quá chóng mặt, nàng chỉ là một điểm trắng trong không gian, một bông tuyết trong bao la của đất trời... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường] (...)
 
... Thực ra, thi nhân, một thi nhân thực sự, phải sở hữu nghệ thuật đi dây. Viết, là tiến bước từng chữ một trên một sợi dây của cái đẹp, trên sợi tơ của một bài thơ, của một tác phẩm, một câu chuyện được đặt cho nằm xuống trên một tờ giấy lụa. Viết, là đi từng bước một, từ trang này qua trang kia, trên lộ trình của cuốn sách... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021