thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NGÀY THỨ TÁM TRONG TUẦN [chương 1 & 2]

 

Bản dịch Hoàng Ngọc Nguyên

 

MAREK HLASKO

(1934-1969)

 

 

NGÀY THỨ TÁM TRONG TUẦN

 

1

 

"Không được. Bây giờ không được," Agnieszka nói, nàng đẩy mạnh tay của chàng thanh niên và khép chặt lại chiếc váy của mình.

"Em muốn sao cũng được," người con trai đáp. Chàng nằm cạnh nàng trên bãi cỏ, nhìn qua bên kia bờ dòng Vistula. Giữa sông, một chiếc tàu kéo cục mịch đang mệt nhọc kéo ba chiếc xà lan, đầu máy hổn hển như nhịp tim của người già. Đêm đang xuống dần. Khí lạnh đông lại như sữa. Cây cối chung quanh sẫm lại. Chàng nằm yên cho đến khi cảm thấy bàn tay của Agnieszka đặt trên đầu của mình. Cô gái nói nhỏ:

"Pietrek, em không muốn chuyện tầm thường. Nếu không yêu anh, có lẽ em không bận tâm đâu. Nhỡ có ai đến thì sao. Em không muốn người ta chà đạp lên những gì mà em xem là quan trọng. Anh phải hiểu như thế. Nếu mình phải giữ gìn một điều gì, thì đó chính là điều này."

Chàng nhổm dậy, chống lên khuỷu tay, mặt ngẩng lên. Cô gái phải nhắm mắt lại: những nét trẻ trung trên mặt chàng, trông trong sáng như một đứa bé, bây giờ nhăn nhó như đang chịu một nỗi đau. Pietrek nói:

"Agnieszka, em có hiểu phải van xin là điều tồi tệ như thế nào không. Em có hiểu chờ đợi nghĩa là gì không?"

"Em cũng đang chờ đợi đấy."

Chàng chụp lấy bàn tay của nàng. Mặt của chàng bây giờ gần sát mặt nàng – đôi mắt sẫm tối và có một biểu lộ dứt khoát. Chàng nói:

"Mình phải chờ bao lâu nữa đây? Đúng là địa ngục."

"Mình phải chờ," cô gái nói, cố tránh tia nhìn của chàng. Chiếc tàu kéo bây giờ đã lẫn trong màn sương.

"Không chừng chúng ta có thể có một căn hộ. Mùa hè, chúng ta có thể đi chơi xa… Anh đâu muốn mình gần nhau trong một căn phòng tồi tàn hay trên băng đá công viên, phải không?"

"Không."

Họ im lặng. Bầu trời trên cao đã ngả qua màu vàng. Dòng sông cũng lờ đờ màu vàng. Một vài giọt sương đọng trên cỏ, và dù cho hai người ngồi trên chiếc áo da của chàng, Agnieszka cũng rùng mình. Bờ sông bên kia đã chìm mất trong màn trời buổi hoàng hôn. Agnieszka chợt lên tiếng, chàng cảm thấy trong giọng của nàng một sự dằn vặt:

"Em nói dối đấy. Em không thể chờ đợi được nữa. Em không sợ. Nhưng ít nhất anh phải kiếm một căn phòng, có bốn bức tường chung quanh. Gì cũng được – nhưng không phải ở đây. Không thể ở nơi công cộng. Anh hiểu ý em không?"

"Anh hiểu," chàng thì thầm. Chàng cầm bàn tay của nàng, lạnh như đá và chụm lại như vỏ sò. Chàng thở dài và nói: "Thôi mình về đi. Tối rồi."

Họ đứng dậy. Cả hai im lặng đi băng qua khu rừng Bielany; khi đến đường rầy xe điện, anh mới nói: "Để anh bảo Roman, anh ta có một căn phòng. Anh bảo anh ta kiếm chỗ nào đi chơi đỡ một đêm."

Trong xe điện chỉ có vài hành khách – hai bà già, một người lính mặt ưu tư, và hai đứa trẻ đang nghịch với một trái bóng. Những ngôi nhà đèn sáng chạy giật lùi vào bóng đêm. Agnieszka mỉm cười và nép mình sát vào người chàng. Cô nói: "Được rồi, Pietrek. Anh nói với Roman đi."

"Hôm nay thứ mấy rồi? Thứ năm phải không?" Chàng hỏi lớn.

"Thứ năm."

"Anh sẽ bảo anh ta đi chỗ khác tối thứ bảy này. Em về nhé." Môi chàng hôn nhẹ vào vành tai của nàng.

Xe điện ngừng lại. Người lái xe quay lại nhìn qua cặp kính trắng xệ trên mũi và thông báo, giọng mũi : "Cổng xe lửa đây." Pietrek siết tay Agnieszka và nhảy xuống xe. Nàng nhìn theo chàng trai: chàng gầy, dáng hơi khom về phía trước – trông giống như một cây phỉ. Chàng bước đi dầu hơi cúi xuống. Nàng lại nghĩ: "Tại sao anh phải cúi đầu như thế? Chúa ơi, giả thử như cuối cùng anh quyết định chẳng nói gì cả?" Một thoáng saụ anh đã mất dạng trong đám đông người đang rảo bước về nhà vào buổi tối. Những ngôi sao đầu tiên bắt đầu xuất hiện trên vòm trời thành phố. Chỉ có cây thánh giá lớn lấp lánh ngay giữa bầu trời là hình ảnh đầy đủ và liên tục.

Người lái xe lại lên tiếng: "Phố Targowa." Nàng xuống xe, kéo cao cổ áo khoác ngoài: một cơn mưa ấm vừa đổ xuống. Hai người đàn ông ăn mặc kiểu dân thợ đi trước mặt nàng. Một người lên tiếng nguyền rủa, nói với người kia:

"Trời lại mưa. Từ tháng năm kéo dài cho đến bây giờ thời tiết cứ tồi tệ như thế. Kéo một con nhỏ vào trong bụi chơi cũng không được nữa."

"Muốn kéo ai nào?"

"Có lẽ bà mẹ vợ. Ông có tiền không đấy?"

Khi Agnieszka đi ngang qua họ, một người lấy khuỷu tay huých vào người nàng và nói với người đi với mình:

"Này, ông có muốn làm cô ta không?"

"Cũng được thôi, nhưng làm gì cô ta chịu thứ như mình.

"Có lẽ phải hỏi thôi. Cô ơi, cho tôi đi với cô nhé…"

Cô đã bỏ họ đàng sau và rẽ qua đường Brzeska. Mấy người say rượu đang lượn qua lại trong những vùng sáng dưới các ngọn đèn đường. Từ tiệm rượu Giang sơn Thủy thủ, người ta xô ra đường một gã say, anh ta ngã dập mặt xuống đất; một thoáng sau người ta ném theo mũ và cái cặp của anh ta ra đường. Một vài nhóm tụm ba tụm năm đứng quanh cửa ra vào, im lặng; có một giọng trầm trầm vang ra từ loa phát thanh: "Đội tuyển Ba Lan hôm nay đã thi đấu thất bại trong môn chạy tốc độ. Vận động viên đầu tiên ở mức đến là Dumitrescu người Rumani…" Từ chợ thoảng đến mùi rau quả bị ung. Có tiếng hát của ai đó vang lên chát chúa. Một cậu bé nhìn vào mặt Agnieszka và huýt sáo. Một cậu khác trầm trồ trong miệng: "Chúa ơi, cô ta mà chơi thì hết biết." Mấy con mèo chạy lẩn quẩn quanh chân nàng; sao trên trời đã biến mất trong màn sương mù. Một tên say phả hơi vào tai nàng: "Bà già tối nay không có nhà. Anh chỉ ở một mình. Anh sẽ cho em mấy đôi vớ ni-lông. Em thích không?" Ở nhà ga phía đông, đầu máy xe lửa đang hụ vang. Phải khó nhọc lắm nàng mới có thể hít vào phổi bầu khí ẩm thấp chung quanh. Người qua lại trên đường mặt ai cũng nhễ nhại và mắt kèm nhèm.

Agnieszka thì thầm với mình: "Anh ơi, nói với bạn anh đi. Nói sớm đi anh nhé."

 

 

2

 

Khi cô về đến nhà, cha của cô hỏi: "Con đi đâu về đấy, Agnieszka?"

Ông đứng tựa bên cửa sổ, nhìn ra ngoài đường qua khe hở của tấm màn; ông có thể đứng nhìn ra đường như thế hàng giờ. Ông thấp người, hói đầu, già trước tuổi; mặt ông không có vẻ khoẻ mạnh và đôi mắt mệt mỏi. Ông là thanh tra công đoàn hợp tác xã; chỉ những lúc ông được tham gia việc điều tra những vụ bê bối người ta mới thấy ông có vẻ sống động một tí.

"Con đi dạo một vòng," Agnieszka đáp. Cô cởi chiếc áo mưa và máng nó ở phòng ngoài. Rồi trở lại phòng trong, cô hỏi : "Có ai đến kiếm Grzegorz không?"

"Không," người cha trả lời, vẫn tiếp tục gõ mấy ngón tay đều đều lên cửa sổ. Từ giường bệnh, mẹ của cô lên tiếng, giọng chì chiết:

"Ông có tin nó không, nó bảo đi dạo một vòng à?"

Bà quả thực là một người đàn bà mặt mũi khó coi, tính tình khó chịu, thích kêu rên, thường thì nằm liệt giường cả mấy ngày mới dậy. Bà lại nhắc: "Ông tin nó không? Tôi dám chắc với ông là nó lại đi đú đởn với thằng nào rồi." Bà quay cái mặt xanh xao và bị phù kinh niên của mình nhìn Agnieszka và nói, giọng chanh chua: "Gieo gì thì gặt nấy thôi, con ơi. Nhưng nhà này không có chỗ cho con hoang đâu."

"Này mẹ, khi sinh con ra hình như mẹ không hỏi xem con có muốn vào nhà này hay không thì phải," Agnieszka trả lời. Cô thắp cây đèn ngủ, lấy vài cuốn sách ra và ngồi lên giường ở góc phòng, xếp chân lại và tay nâng cằm. "Con phải học đây," cô nói.

Bà mẹ lại kêu rên, mặt bi thiết như một người tuẫn đạo:

"Học, lại học. Grzegorz cũng học đấy, xem nó có được gì không nào? Rồi con cũng giống như nó thôi, con ạ, nếu con không chịu mở mắt ra."

"Con lớn rồi mẹ ạ!"

"Nhưng tao nuôi mày," bà nói. Giọng của bà tức tưởi, người chồng phải quay mặt đi chỗ khác."Tao là người nuôi mày, không phải người nào đâu," bà lập lại.

"Mẹ xem lại cách mẹ nuôi con đi, lẽ ra mẹ không nên nói. Thôi, bây giờ để con học đi."

"Agnieszka, Agnieszka," người cha lên tiếng, giọng của ông thường là yếu, bây giờ, ông cố lớn tiếng, cho nên nghe có vẻ khôi hài hơn là nghiêm chỉnh. Ông vung tay, dữ tợn nhìn cô gái. "Tại sao con có thể nói lại mẹ con như thế? Mẹ đẻ con ra mà?"

"Thế ba nghĩ cái thế giới này đẹp đẽ quá cho nên con phải mang ơn mẹ sinh con ra chứ gì?" Agnieszka đáp lại và cô đứng dậy, ném mạnh cuốn sách trên tay xuống giường. Cô bước đến bên cửa sổ, đứng cạnh cha. "Con ước gì không phải thấy những người say, không có đường phố này , và…"

"Và cái gì…" người mẹ xẵng giọng chen vào.

"Có gì đâu. Không có người như mẹ." Rồi cô quay qua hỏi cha: "Zawadzki về chưa?"

"Chưa." Ông ta ngước lên, nhìn Agnieszka với đôi mắt có vẻ chầu chực. "Nó về trễ, con biết mà."

"Con học trong phòng," Agnieszka nói. Cô nhặt mấy cuốn sách và bước về phía cửa. Trước khi bước ra, cô dừng lại và chậm rãi nói với mẹ: "Con xin lỗi mẹ. Đôi khi con phát khùng. Rồi con thấy không phải."

"Mày liệu lấy thân của mày đấy," bà lại rên. "Tao e rằng mày đang cặp với một thằng vô công rỗi nghề nào rồi, nên không chịu ở yên trong nhà." Bà bắt đầu nói nhanh hơn và giọng đay nghiến: "Nhưng tao không muốn làm người giữ trẻ trong nhà này đâu – Chúa có mắt không, làm sao ai có thể thấy trước tất cả những việc này…"

Agnieszka đứng im nhìn bà rồi bước ra. Cô đi vào nhà bếp và bật đèn lên. Nhà bếp nhỏ và lộn xộn; mấy cái giường chiếm gần hết chỗ của căn phòng. Một cái là của anh cô, Grzegorz; cái kia là của Zawadski, thợ máy làm ở Công ty Khí đốt Vacxava, anh ta ở với gia đình của cô từ năm 1945 và vẫn còn chờ người ta cấp cho một căn hộ.

Cô ngồi vào bàn và mở sách ra. Cô cố đọc được nửa trang thì người cha bước vào nhà bếp. Ông đứng giữa phòng, chuyển người qua một bên, rồi hắng giọng. Cô nhìn ông dò hỏi. Ông nói:

"Agnieszka, con có vấn đề gì không?"

"Ba định hỏi gì?"

"Mẹ con nói gì thế?"

"Rõ rồi chứ gì. Con là gái đứng đường. Nói với mẹ là con đã nói thế đi. Như thế đủ cho ba chưa?"

Người cha giọng van nài, vẻ lúng túng nhìn con mình:

"Agnieszka, Agnieszka… Ba e rằng Grzegorz sẽ vướng vào chuyện không hay." Ông chìa bàn tay ra. "Tại sao trong nhà này chẳng ai chịu hiểu ai một tí nào cả?"

"Trong nhà này ai cũng hiểu rõ. Bà già thì bệnh; nhà thì chật chội; ba thì không kiếm ra được đồng nào cả. Bây giờ ba ra phòng ngoài đi, kẻo mẹ lại nghi ngờ ba âm mưu chuyện gì kinh khủng với con."

Bây giờ ông đã ngồi xuống ghế, hai bàn tay ôm lấy đầu gối, mặt cúi xuống vẻ suy nghĩ rồi lại ngẩng lên.

"Tao già rồi. Nhiều khi cảm thấy mệt quá chừng. Mẹ con luôn luôn bệnh, Grzegorz thì say sưa, mà mày thì rất lạ…"

Ông cười bâng quơ và ngập ngừng hỏi:

"Ba muốn hỏi con công việc của con thế nào. Ba có thể giúp con được gì không?"

"Không ai giúp ai được gì đâu." Cô vén ra phía sau mái tóc dày màu vàng óng ánh, giữ im lặng một lúc rồi nói tiếp khi thấy người cha vẫn trố mắt chờ đợi mình. "Ai cũng phải tự lo mà thôi. Ba còn có chuyện gì nữa không?"

Ông thở dài rồi nói:

"Tuần tới tao sẽ đi câu. Tao muốn nghỉ ngơi thoải mái một chút, nhưng mà ở đây thì không bao giờ được cả. Tao đã kiếm được cần câu rồi. Bây giờ còn thiếu dây câu, nhưng không dễ gì kiếm ra lúc này. Chẳng hiểu nên đi Piaseczno hay đến nơi năm ngoái, bên bờ sông Wolomin? Ở đó có mấy cái mỏ đá sỏi." Ông lại thở dài. "Bây giờ đến chủ nhật cũng còn lâu."

"Ba ngày. Cũng chẳng nhiều nhặng gì."

Ông lặp lại, rồi cười:

"Ba ngày. Chúa ơi, ba ngày. Con không thể tưởng được bao nhiêu việc có thể xảy ra trong vòng ba ngày. Ba ngày lâu lắm con ơi."

"Ba ngày so với một đời người thì nghĩa lý gì?

"Nhiều lắm chứ. Đôi khi người ta mất tất cả chỉ trong vòng ba ngày."

"Con không nghĩ thế, nhưng không sao. Nghe lời con đi, ba hãy vào với mẹ."

Ông đứng dậy. "Thế thì ba đi đâu đây, Agnieszka? Piaseczmo hay Wolomin?" Ông hỏi, đăm đăm nhìn cô gái.

"Dĩ nhiên là Wolomin."

"Ừ, chắc ba sẽ đi đó. Cám ơn con." Ông nói nhỏ.

Ông bước ra. Phòng chật chội. Agnieszka mở cửa sổ. Sau cơn mưa, khí trời trong lành như hơi thở trẻ con. Đường phố chưa vào giấc ngủ. Hầu hết các nhà đều mở cửa sổ, và từ hầu hết những cửa sổ này vang ra giọng ồm ồm của loa phóng thanh : "Với niềm tự hào xứng đáng, cần nhấn mạnh rằng chúng ta đã giành được thắng lợi to lớn trong cuộc đấu tranh chống tệ sùng bái cá nhân, đó là một tệ nạn có những hậu quả cực kỳ tai hại, dẫn đến sự lệch hướng. Bây giờ ta phải tiếp tục tiêu diệt nó ngay từ gốc rễ. Chỉ thị của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ hai mươi phải trở thành…"

Giá mà mình có thể quên được, cô nghĩ, hai tay ôm lấy mặt. Giá mà quên được tất cả mọi chuyện. Bình yên. Bình yên và im lặng một chút. Không cần gì hơn. Không cần Pietrek, không cần cha, không cần Grzegorz. Chỉ cần bình yên, im lặng. Chuyện gì có xảy ra thì xảy ra chỗ khác, nhưng ở nơi này của ta, xin hãy để cho bình yên và im lặng. Tất cả chỉ có thế, vâng, đúng là chỉ cần chừng đó thôi…

Cô ngẩng đầu lên và nhìn sang phía bên kia đường. Qua cửa sổ của một căn hộ ở tầng lầu hai, một người đàn ông mập mặc một chiếc áo lót đang cạo râu, miệng ông ta méo lại thật buồn cười. Máy phát thanh lại vang lên: "Rồi đêm sẽ đến, đó chính là định mệnh của chúng ta." Một xe máy cày chạy ngang qua làm rung chuyển cả mặt đường. Agnieszka quay lại khi nghe tiếng chân người di vào nhà bếp. Zawadzki về đến – anh ta khoảng ba mươi mấy, dáng người khoẻ mạnh và đôi mắt xanh. Chiếc áo sơ mi màu của anh ta không cài nút ngực, để lộ một cái cổ chắc và cứng.

"Chào cô," anh ta nói. Anh ta cởi chiếc áo khoác ngoài và cẩn thận máng nó trên thành một chiếc ghế, rồi đổ nước vào chậu và xắn tay áo lên; cánh tay anh ta đen sạm.

"Anh có ra phố bây giờ không?" Agnieszka hỏi.

"Là cái chắc," anh ta vui vẻ trả lời. "Không có lý do gì phải ở nhà vào một đêm đẹp trời như thế này. Cô tính sao?"

"Em phải học. Bởi thế mà em phải xâm nhập gia cư của anh đây. Ba mẹ em cứ gấu ó với nhau mãi."

"Ông bà còn biết làm gì khác nữa?" Anh ta cười và hỏi. "Vào tuổi họ thì chỉ có thể hoặc là cãi nhau hoặc là chơi cờ với nhau." Anh ta chà mạnh chiếc khăn lên người đến độ da ngực đỏ như bánh mì mới nướng. "Cô mua cho họ một bàn cờ đi, thế nào trong nhà cũng êm ngay."

"Bây giờ anh đi đâu?" Cô hỏi, ước gì anh ta đi ngay lập tức.

"Đến nhà người bạn. Tụi tôi định làm cho xong cái đầu máy đó."

"Ôi chiếc xe mô-tô của anh!" Nàng cười nói, "Anh chỉ có chừng đó chuyện! Một ngày nào đó anh phải chạy xe cho em xem mới được!"

"Tôi phải thay cái cần sang số," anh ta nói vẻ nóng nảy, liệng cái khăn và ngồi xuống giường, thay đôi giày khác. Loay hoay với sợi giây giày một lúc, anh ta ngẩng đầu lên, nói: "Nếu mà cô phải đi một chiếc xe trong mười năm như tôi, chắc cô cũng không thể nói tướng được đâu. Bộ cô nghĩ cô ngon hơn cái đầu máy của tôi hay sao? Tôi sẽ sửa cái cần đó và ngày chủ nhật này tôi sẽ thăm hôn thê của tôi."

"Đừng nóng. Anh đã nói thế cả ba tuần nay rồi." Cô ngồi trên thành cửa sổ, hai chân đong đưa. "Em cũng tò mò muốn xem chuyện gì sẽ xảy ra."

"Nghe nàỵ, Agnieszka. Nếu người ta viết cho tôi sự thật, nếu quả thật cô ta phản bội tôi, thì tôi sẽ rạch mặt cô ta ra mà không bệnh viện nào dám nhận chữa."

"Rồi sao nữa?"

"Tôi không biết."

"Anh có yêu cô ta không?"

"Nhiều hơn cô tưởng."

"Như thế tại sao lại làm chuyện điên khùng như thế?"

"Tại vì."

"Giả thử như không yêu cô ấy, anh sẽ làm gì?"

"Dễ thôi. Tôi sẽ tiếp tục sống với cô ta."

"Như thế thì ích gì cho anh."

"Nhiều lắm chứ."

Cô nhún vai, rồi nhoài mình ra cửa sổ. Người ta đang ẩu đả trên đường, trước lối ra vào một cửa tiệm. "Để tao cho mày thấy ai có người anh làm việc trong công an!" một người hét lên. Bầu trời chiếu vào mặt của Agnieszka từ hai phía: từ trên cao và từ phản chiếu trên vũng nước đọng trên mặt đường; ở cả phía trên trời và trên mặt nước, các vì sao nhỏ lấm chấm, trông như không có thật. Agnieszka chợt giật mình: Zawadzki đặt bàn tay của anh ta lên cánh tay của nàng. Cô nhìn anh ta và chỉ lúc đó mới là lần đầu tiên cô để ý ra rằng người đứng trước mặt mình có một cái miệng thật cay đắng và trên trán của anh ta đầy những vết nhăn. Anh ta nói:

"Cô nghe tôi nói đây. Tất cả những người ở đây nói chung là một xuồng cả, cho nên thực ra nói chuyện với cô cũng chẳng ích gì. Nhưng tôi muốn nói với cô một điều: người đàn ông muốn có một cái gì đó chỉ riêng cho mình, và đó là điều cô không thay đổi được. Nếu người ta không thể có một người bạn hay người yêu như cô, ít nhất anh ta cũng phải giữ được danh dự chết tiệt của mình. Khi chúng tôi ở Oflag, có một thằng nhận thư nhà cho biết là bạn gái của hắn đi chơi với tụi Đức. Chúng tôi rất chán đời sống ở trong trại, cho nên mọi người đều trêu chọc hắn một cách tàn nhẫn. Người ta bảo hắn: 'Không có gì đâu, Mietek. Đừng xem chuyện đó quan trọng quá. Khi ông trở về và lấy cô ta, thì ông hãy treo trên đầu giường một tấm tranh Trận chiến ở Grunwald. Ông sẽ cảm thấy hả dạ mỗi khi nhìn đến nó.' Lần đó, mình đã cho chúng nó một trận đã đời. Anh ta muốn phát điên lên. Cuối cùng anh ta nói: 'Để rồi xem, tôi sẽ cho cô ả một bài học.' Rồi có đứa lại hỏi: 'Nhưng nhỡ đây là một cuộc chiến ba mươi năm thì sao?' Anh ta gạt ngay: 'Tôi sẽ giải quyết chỉ nội trong hai tuần.' Ngày hôm sau anh ta ra đi thật. Chúng tôi che giấu cho anh ta trong khoảng một tháng, rồi anh ta cũng trở về, nói cho chúng tôi biết: 'Tôi làm xong rồi.' Đấy, Agnieszka, anh ta vượt ba biên giới hai lần, bởi vì anh ta phải đi đường vòng, chỉ nhằm một mục đích giết cô nàng. Anh ta dùng một vỏ chai vỡ – cô có thể tưởng tượng được đấy. Anh ta phát khùng rồi, đó là điều chắc, nhưng tôi thích anh ta hơn một số người tôi biết."

Anh ta bước đi, lấy từ tủ một chiếc áo khoác ngoài và mặc vào người. Agnieszka lại hỏi:

"Thế anh ta ra sao?"

"Cái anh đó phải không?"

"Đúng."

Zawadzki cười rõ rệt không mấy vui vẻ:

"Anh ta không thích thú gì làm cách đó. Lẽ ra, anh ta cũng có thể kiếm được một cây súng để kết liễu đời cô ta. Anh ta có lẽ đã nổi điên rồi. Anh ta đi lòng vòng trong trại, lẩm bẩm: 'Tôi đã thỏa mãn cô ta trọn đời rồi.' Cuối cùng thì anh ta dùng lưỡi dao cạo cắt cổ họng của mình. Thôi, ngủ ngon nhé, Agnieszka. Grzegorz đâu rồi?"

"Em không biết. Có lẽ anh ấy đang uống ở đâu đó."

"Anh ấy vẫn còn chờ cô bạn chứ?"

"Vẫn còn."

"Đó cũng là điều hay; thôi, tôi đi nhé."

Anh ta bước đi; bước chân ồn ào nện trên cầu thang – anh ta nhảy một lần nhiều nấc như một đứa trẻ. Ngoài đường, cuộc ẩu đả đã chấm dứt. Mấy người say nay lại khoác vai nhau. Một người lè nhè, giọng còn rất trẻ: "Tại sao anh lại đối xử với tôi như thế, Witek?" Rồi người kia đáp: "Sống trên đời thì phải vậy thôi." Rồi một người thứ ba kết luận: "Như vậy thì cũng có sao đâu." Anh ta kéo hai người lại và giới thiệu người này với người kia: "Làm quen với nhau đi, quí vị! Một người bạn lính, một người bạn học." Rồi người đầu tiên kêu lên giọng phấn khích : "A, a." Và cả ba choàng vai nhau bước đi, chân dẫm lên những ngôi sao trong vũng nước mưa.

Agnieszka đóng cửa sổ và ngồi xuống bàn. "Xong rồi," nàng nghĩ.

Cha nàng đi vào nhà bếp. Ông mặc kiểu cách lạ lùng với chiếc áo khoác cao cổ, đầu đội một cái mũ dạ và cổ quàng một chiếc khăn. Ông nói:

"Ba phải đi kiếm Grzegorz. Mẹ con đang lên cơn đấy."

"Ba định đi kiếm ở đâu?" Cô bước về phía cha. Cô cao hơn cha, và có vẻ mạnh hơn. Bên cạnh cô, người cha trông giống như một bụi cây bên cạnh một cây non. Cô nhìn cha một lúc, rồi đôi mắt sáng chợt có vẻ tư lự. Như một tia sáng bị bàn tay che khuất. Cô hỏi:

"Ba định kéo anh ấy khỏi một quán rượu nào đó phải không?"

"Đúng," ông nói. Ông chuyển thế đứng nghiêng từ bên này qua bên kia và chắp hai tay đàng sau lưng. Ông cố lấy vẻ cương quyết. "Ba sẽ kéo nó ra khỏi quán rượu, ba sẽ làm cho nó một trận cho nó tởn phải bỏ uống ít nhất là một thời gian."

Có tiếng bà mẹ kêu khẩn thiết, giọng yếu ớt:

"Stefan, ông chưa đi sao?"

"Bà ơi, tôi đi đây," ông vội đáp, tay sửa chiếc mũ trên đầu và dợm bước ra cửa. Nhưng Agnieszka nói: "Hãy gượm đã," và cô bước đến bên cửa và khép cửa lại. Ép cha ngồi xuống ghế và lấy đi cái mũ của ông, cô nói:

"Nếu ba có tìm ra được anh ấy, cũng không dễ gì kéo anh ấy đi đâu. Mà ba có nói cũng không ăn thua gì. Ngày mai anh ấy sẽ uống trở lại. Tốt nhất ba đừng đụng đến anh ấy."

"Tại sao thế?"

"Anh ấy hiện nay hoàn toàn đơn độc."

"Tại sao?"

"Anh ấy đang yêu."

"Nhưng nó còn có cha mẹ, còn gia đình, còn em gái."

"Anh ấy không có gì cả, chỉ có mỗi một sự khủng hoảng."

"Khủng hoảng gì?"

"Đó là việc của anh ấy, không phải việc của mình."

"Như thế tôi phải ngồi nhà bình tĩnh chờ đợi trong khi con tôi ngả nghiêng ở quán rượu phải không?" Ông đứng dậy và với tay định lấy cái mũ. Tay ông đập trên bàn, ông nói: "Ma quỷ gì đâu. Tôi nhất định đưa nó về nhà dù có phải kéo xác nó đi."

"Về nhà!" Agnieszka nhái lại. "Về nhà. Về nhà để nghe mẹ rên và xem ba cầm bút tính toán cách đây 15 năm tiền hưu của ba có thể mua 60 chai vodka, bây giờ mua chưa được 20 chai. Về nhà, nhưng trong nhà này anh ấy không có một góc nào riêng cho mình. Cho đến nay, ba má vẫn chưa thể hiểu được tại sao hơn 20 năm nay ba má vẫn có thể chịu đựng nhau được. Về nhà! Ở nhà này người ta không phân biệt mấy giữa cây thánh giá và chân dung của ông Stalin, bởi vì chẳng có ai hiểu được cả Chúa lẫn Stalin. Đây là cái nhà mà ba muốn anh ấy về phải không?"

Người cha im lặng, ngồi bất động, đầu hơi cúi xuống. Ông chắp hai tay vào đầu gối và siết mạnh đến mức bàn tay trắng bệch như tay người chết. Rồi ông nói:

"Thế tôi phải làm gi đây?" Ông với tay lấy chiếc mũ rồi lại đặt nó xuống, và lập lại : "Thế tôi phải làm gì đây? Tôi chỉ muốn làm điều gì tốt nhất cho mọi người mà thôi."

"Không có gì thay đổi cả. Chủ nhật ba cứ đi câu cá đi. Bây gìờ con đi kiếm Grzegorz."

Cô lấy cái mũ từ tay cha và đi ra phòng ngoài, mặc vào người áo khoác và bỏ chìa khóa nhà vào túi. Người cha khẩn khoản: "Con chóng về nhé… Trời ơi, tôi ước gì bây giờ đã là chủ nhật…"

"Nếu cô bạn Grzegorz có đến, ba nói cô ta viết giấy để lại cho anh ấy mấy chữ," Agnieszka dặn cha.

"Agnieszka này, con nghĩ cô ta có bao giờ đến không?"

Agnieszka dừng lại ở cửa ra vào. Cô nói: "Không." Bây giờ cô đã ra đường. Trời tối đen. Thành phố đi vào giấc ngủ, im lìm dưới màn trời lấp lánh ánh sao.

 

[còn tiếp]

 

----------------
Dịch từ các bản tiếng Anh và tiếng Pháp:
Marek Hlasko, The Eighth Day of the Week, trans. Norbert Guterman (Evanston, Ill.: Northwestern University Press, 1994).
Marek Hlasko, L'Impossible dimanche: le huitième jour de la semaine, trad. Anna Posner (Grenoble: Cynara, 1988).
 
    
 
Để tìm hiểu thêm về tiểu thuyết Ngày thứ tám trong tuần và cuộc sống của Marek Hlasko, mời độc giả xem tiểu luận "MAREK HLASKO: Những gì không đến từ Ba Lan..." của Hoàng Ngọc Nguyên, đăng song song trên Tiền Vệ.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021