thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
T mất tích [IX]

 

kỳ trước: T mất tích [VIII]

 

IX

 

Tôi vừa đặt chân vào thang máy thì đụng đầu một đồng nghiệp tầng dưới. Anh ta nháy mắt bảo: “tay ấy trông thế mà yếu ghê”. Rồi không cần biết tôi có hiểu hay không, anh ta nói tiếp: «hãi thật, chỉ muộn vài phút nữa là toi, bác sĩ bảo suy tim giai đoạn cuối». Tôi vẫn đứng ngây mặt thì vai bị một cái vỗ đau điếng: «làm vua một phòng càng khoái chứ sao!». Thang máy dừng và anh ta biến mất. Mấy giây sau tôi mới định thần để bấm vào nút trên.

Cửa sổ mở tung, trên thảm có một vết loang lổ ngay cạnh bàn của Paul. Hẳn là công ty mới cử người đến dọn dẹp và thông phòng. Tôi hình dung Paul đang gõ vi tính (anh ta có khả năng sử dụng cả mười ngón tay) thì lên cơn, đau quá quị xuống, nhưng không ai hay. Rất có thể anh ta phải nằm đấy mấy tiếng liền. Cuối giờ ăn trưa không thấy ra hành lang uống cà phê, một đồng nghiệp đẩy cửa bước vào mới phát hiện rồi gọi số 15.

Xe cấp cứu ngay lập tức lao tới, còi rầm rĩ, bờ-lu trắng tắc nghẽn thang máy. Công ty chuyến này tha hồ có chuyện để bàn. Càng nghĩ càng phục tài giấu của Paul. Suy tim giai đoạn cuối mà tôi làm việc ngay bên cạnh cứ nghĩ là viêm phổi mãn tính, các đồng nghiệp khác hẳn chẳng mảy may nghi ngờ. Paul vẫn hứa hẹn tặng họ số điện thoại của mấy cô nàng «rất bốc» và luôn luôn nổ như súng liên thanh trong các chủ đề giường chiếu (lần cuối cùng tôi nghe anh ta bàn về mốt «âm hộ cạo» đang cực thịnh ở phụ nữ lứa tuổi tiền hồi xuân). Không những thế, Paul uống cà phê thay nước lọc, mặt đỏ tía tai hôm nào căng-tin có rượu vang êm. Có khả năng chính vì toàn chơi vào của cấm mà tim anh ta mới suy nhanh thế. Mấy ngày tôi không đi làm, nó đã kịp trụy hoàn toàn. Nếu hôm ấy tôi có mặt thì anh ta đã không phải nằm dưới đất mấy tiếng liền. Có lẽ lúc tỉnh dậy trong bệnh viện, Paul đã thầm tiếc điều ấy. Nhưng biết đâu anh ta lại chẳng đang nguyền rủa tôi thậm tệ. Nói chung, suy nghĩ của Paul cũng như chứng «suy tim» của anh ta là những điều không bao giờ tôi hiểu nổi.

Trong đám tang của bố tôi, người ta thay nhau nói «tiếc quá, ông ấy qua đời nửa đêm hôm kia» nhưng không ai nói về con bệnh mà ông đã trải qua, mẹ kế cũng không kể và tôi cũng không hỏi. Tuy nhiên, nếu tôi không nhầm thì lúc Anna chạy đến bắt tay tôi trong phòng thường trực, trên ngực áo bờ-lu của cô ta có ghi chữ Khoa Ung Thư (bộ ngực vĩ đại của cô ta đã ngay lập tức đập vào mắt tôi). Ngày cuối cùng của bố tôi hẳn là khá bận rộn: một mặt ông phải đối phó với cơn đau, mặt khác ông muốn sửa lại di chúc (điều này do mẹ kế nói ra và được trưởng khế xác nhận). Nhưng tôi cho rằng cái làm ông mệt mỏi nhất là phải chống lại áp lực của mẹ kế. Bà bất ngờ phát hiện ra sự có mặt của trưởng khế và ý muốn lạ lùng của bố tôi. Phản ứng đầu tiên của bà là òa khóc nức nở, vừa khóc vừa kể lể những lý do không thể chia chác căn nhà. Tất nhiên, nếu chỉ có hai người với nhau thì bà sẽ sử dụng những hình thức bạo liệt hơn để đàn áp bố tôi (tôi không nghi ngờ khả năng này của bà sau khi đã chứng kiến khuôn mặt xám ngoét của Anna tại nhà thờ). Nhưng vì trưởng khế có mặt ở đó, nên bà đã nói y hệt những câu mà ngày hôm sau bà sẽ nói lại với tôi. Nào là kỉ niệm cuộc hôn nhân giữa hai người, nào là những khó khăn khi xây dựng ngôi nhà, lãi xuất ngân hàng cứa cổ, Mic sinh ra và lớn lên ở đây, vân vân và vân vân. Tai của bố tôi cũng lùng nhùng các mỹ từ «kỉ niệm», «tuổi thơ», « gắn bó», «hạnh phúc»…Nhưng nếu tôi ngay lập tức đồng ý với cái «thỏa thuận hợp tình» mà mẹ kế gợi ý nên chỉ mất có mươi phút chịu đựng thì bố tôi vì «cứng đầu» (như nhận xét của trưởng khế) nên đã bị tra tấn cả tiếng, ít ra là toàn bộ khoảng thời gian trong lúc thư kí của trưởng khế sửa lại di chúc, in ra rồi mang đến bệnh viện (chỉ khi ấy thì bà mới đành bó tay). Tóm lại, một tiếng quần nhau với thói «cứng đầu» của bố tôi dưới sự dám sát của trưởng khế (bà cũng rất chú ý tìm cách thuyết phục vị này để tránh nguy cơ bị đưa ra tòa vì tội ngăn cản chồng sửa lại di chúc) trên thực tế trở thành cuộc tập trận chuẩn bị cho cuộc chiến đấu với tôi ngày hôm sau. Con riêng của chồng sẽ khó lòng đồng ý với cái «thỏa thuận hợp tình» của mẹ kế, bà suy tính thế nên rất lo lắng. Một khi đã không thắng được bố tôi thì tôi sẽ là kẻ mà bà phải chiến đấu đến cùng. Bây giờ tôi mới hiểu đường đi nước bước của mẹ kế trong cuộc chiến với tôi (mà trước đây tôi đã chẳng phút nào ngờ tới): đầu tiên bà chỉ nói bằng giọng nghiêm trọng, sau đó bà nhìn tôi chằm chằm, sau đó nữa bà đứng lên đi vòng quanh phòng khách, cuối cùng (khi tất cả đều không có kết quả) thì bà òa lên khóc. Nước mắt bao giờ cũng là một vũ khí lợi hại. Bà đã không lầm tẹo nào.

Tôi không biết chính xác mẹ kế đã dùng cách gì để thuyết phục Hanah. Hy vọng con bé không phải trải qua một cuộc tra tấn tinh thần nào cả. Đối với một đứa trẻ năm tuổi, một phần tư căn nhà (mà nó chẳng có gì gắn bó) có giá trị tương đương một bông hoa dại mọc ở ngoài đường. Nó có thể gật đầu tặng mà không thấy băn khoăn. Nhất là khi người xin lại vừa mới cho nó bao nhiêu thức ăn ngon lành (chẳng hạn như chiếc đùi gà nướng mà tôi bắt gặp trong tay nó trưa hôm trước).

Có thể nói sau vụ này, tôi biết thêm nhiều điều về bố tôi và mẹ kế, nhưng lý do ông sửa đổi di chúc vào đúng cái ngày cuối đời thì vẫn khiến tôi thắc mắc. Có lẽ nào bố tôi đã nghĩ đến tôi sau tất tật ngần ấy thời gian không một liên lạc. Tôi cho là nếu cách đây năm năm mà tôi không gửi cho ông tấm ảnh của Hanah thì ông cũng sẽ chẳng bao giờ viết lại cho tôi. Đó là lần duy nhất chúng tôi trao đổi thư từ kể từ khi tôi lên Paris học. Khi con mười chín tuổi thì cha mẹ được pháp luật tha bổng. Bố tôi nắm rất rõ luật.

«Ông ấy yêu cầu được gặp anh. Nếu anh không có vấn đề gì, rất mong anh hãy tôn trọng cái ý muốn có lẽ là cuối cùng của ông ấy». Đó là nguyên văn câu nói của mẹ kế ở điện thoại. Tôi không ngờ nó cũng khiến tôi xúc động để vội vàng về nhà đón Hanah rồi ngồi hơn mười tiếng tàu chậm xuống X. Nhưng bây giờ thì tôi hiểu bà đã bịa ra hoàn toàn. Bố tôi không hề có nhu cầu gặp tôi trước khi ông qua đời. Chính bà đã chủ động gọi điện cho tôi ngay khi tận mắt chứng kiến tên tôi và Hanah được ghi vào di chúc của ông. Rõ ràng là gặp tôi tại nhà và nhân lúc tang gia vừa gợi ý vừa bắt ép tôi cái «thỏa thuận hợp tình» thì thuận lợi cho bà hơn là sau đám tang mới kì kèo xin xỏ tôi tại văn phòng trưởng khế. Đó là lý do mà bà rất sợ tôi từ chối không đến X ngay ngày hôm đấy. Sau khi phát đi cái câu đầy xúc động trên, bà lập tức đặt điện thoại xuống và tôi đã ngỡ là bà bận tiếp bác sĩ vào thăm bệnh cho bố tôi (có khi vì vậy mà câu nói trên còn hiệu quả hơn nữa). Nói chung, trong vụ này, mọi động tác của bà đều được tính toán kĩ lưỡng và bà đã khai thác tối đa cái ngữ cảnh đúp rất đặc biệt: đầu tiên là cảnh hấp hối của bố tôi (để thuyết phục tôi đến X), sau đó là cảnh bơ vơ của bà và thằng Mic (để thuyết phục tôi đừng đòi chia một nửa căn nhà).

Nhưng dẫu sao, trong thâm tâm tôi vẫn có cảm tưởng các tính toán trên của mẹ kế chỉ do hoàn cảnh bắt buộc (bà phải tự vệ để không bị mất một nửa căn nhà) chứ bản thân bà không phải là người tính toán quá đáng. Đám tang của bố tôi được bà chuẩn bị chu đáo: từ hai bộ tang phục lịch sự của bà và Mic đến hai vòng tang hoa cầu kì, tang lễ ở nhà thờ và cuối cùng là bữa tiệc tang thịnh soạn do nhà hàng mang đến. Tất nhiên không ai bắt bà phải chi một khoản lớn như thế vào đám tang. Bà hoàn toàn có thể mặc một bộ váy đen vẫn dùng để đi chợ, thằng Mic đã xấu thì quần áo nào cũng thế mà thôi. Bà cũng chỉ cần tạt qua siêu thị mua vài chậu hoa cúc bầy cạnh quan tài và nửa cân lạc rang muối để chút nữa khách uống với rượu vang hai euro rưỡi một chai (cho họ nốc đặc sản vùng với ga-tô và sâm-banh thì bà lên được kí lô nào?).

Bố tôi, vào ngày cuối cùng, đã quyết định chia cho tôi và Hanah một nửa căn nhà. Cả tôi lẫn mẹ kế đều choáng váng. Nhưng nếu tôi choáng váng vì không hiểu gì về ông thì bà lại choáng váng vì nhân dịp này mà hiểu ông quá rõ: bố tôi muốn trừng phạt bà và thằng Mic, và hình phạt nặng nhất mà ông có thể làm được là bắt cả hai ra khỏi nhà. Khi ông còn sống thì chỉ có mỗi cách ly dị nhưng cách ấy lại quá tốn kém cho hầu bao của ông (theo pháp luật, chồng phải có trách nhiệm tài chính với vợ cũ và con dưới tuổi vị thành niên). Khi ông qua đời thì mọi chuyện trở nên dễ dàng: bằng di chúc, ông được quyền bắt bà phải chia căn nhà với người mà ông muốn, người đó được ông xác định là tôi và Hanah, để ông vừa có thể chuộc lại chút ăn năn với tôi mà vẫn không phải mang tiếng ác với bà. Thiên hạ khi đặt tất cả chúng tôi lên cán cân đạo đức sẽ thấy là ông đầy ắp tình người: một bên là vợ thứ và con trai út, một bên là con trai cả và cháu nội, không bên nào bị ông coi nhẹ hơn bên nào. Bố tôi quả là cao kiến. Chỉ hơn một ngày mà tôi phát hiện ra bao nhiêu đức tính của ông: đầu tiên là sự hào hoa phong nhã, bây giờ lại thấy thêm là ông cũng khá thông minh. Đáng tiếc là cả hai đức tính đều không thuộc vào gien di truyền.

Tôi cho rằng bố tôi đã mưu đồ chuyện này từ lâu nhưng quyết giữ kín đến ngày cuối cùng. Tất nhiên không phải để bảo vệ quyền lợi cho tôi và Hanah mà vì ông sợ bị mẹ kế trả thù. Khi còn ở chung dưới một mái nhà thì việc trả thù không gặp mấy khó khăn, ông từng nghe vô khối vụ vợ sát hại chồng bằng những cách tinh tế như để hở bình ga, cho uống nhầm thuốc, cắt phanh ô-tô, chèn gối vào mũi… Và thế là để chặn đứng mọi nghi ngờ của mẹ kế, bố tôi đã lập di chúc theo ý bà rồi đợi đến khi chắc chắn rằng bệnh tật chỉ cho phép sống thêm một ngày nữa, ông mới ra tay thay đổi nó.

Nhưng ngay cả vào cái ngày cuối cùng ấy, bố tôi cũng hết sức thận trọng để tránh bị mẹ kế trả thù: ông cho gọi trưởng khế đến và trong vòng tay bảo vệ của trưởng khế (người đại diện cho pháp luật) ông yêu cầu sửa lại di chúc. Tất nhiên là ông đạt được ý muốn (trước khi nhắm mắt, ông đã nhìn thấy di chúc mới). Nhưng một ngày sau lại phải thua (lúc ấy thì ông đã chui vào quan tài rồi), bởi vì không có cuộc chiến nào cho phép cả hai bên cùng thắng lợi vẻ vang: nếu bố tôi tính toán chiến lược cho một giai đoạn dài (tôi ngờ là ngay từ sau đám cưới của hai người) thì mẹ kế còn có một ngày cuối nhưng tính toán được từng chi tiết (giọng nói, cái nhìn, bước đi…để thuyết phục tôi); nếu bố tôi nổi dậy muộn màng chỉ để thỏa mãn ý muốn trừng phạt, thì mẹ kế bị dồn vào chân tường và phải tìm mọi cách tự vệ; nếu bố tôi đến phút chót vẫn không đủ dũng cảm thì mẹ kế sẵn sàng đương đầu với mọi thế lực (chồng, trưởng khế, con chồng); nếu bố tôi cần cái chết giúp đỡ thì mẹ kế chỉ nghĩ tới sự sống còn.

Tôi đã không nhầm khi đồng ý cho mẹ kế cái «thỏa thuận hợp tình» ấy, tuy là tôi đã rất khó chịu với các động tác của bà.

Nhưng lý do gì mà bố tôi muốn trừng phạt mẹ kế và Mic? Tôi tặc lưỡi rồi đi xuống căng-tin. Hôm nay hầu như tôi chẳng làm gì và thấy thoải mái khác thường. Hẳn là do không bị Brunel sờ đến. Hắn nghỉ việc từ hai ngày nay. Bình thường bao giờ tôi cũng tránh nghỉ phép cùng lúc với Brunel để được dịp hưởng cái cảm giác tự do mỗi khi hắn không có mặt ở công ty. Nhưng dường như hắn bắt tõm được ý muốn đấy của tôi. Không bao giờ hắn để lộ thông tin về chuyện nghỉ phép của hắn. Hắn nghỉ rất lung tung, chẳng bao giờ theo kì, và không hiểu sao, lại hay trúng vào những lúc tôi cũng nghỉ.

Tôi mang khay thức ăn ra ngồi ở một bàn trống, cạnh cửa sổ. Hiếm khi nào tôi chọn được một góc tử tế như hôm nay. Căng tin ở tầng cao nhất nên các cửa sổ đều nhìn ra những hướng rất thoáng và luôn được mọi người để mắt tới đầu tiên. Trước mặt là tờ báo nhặt được trong tàu điện sáng nay. Tôi dừng lại ở góc phải trang thứ hai: đàn bà châu Á thích giấu chồng mở tài khoản riêng, ở Nhật 46% phụ nữ có quĩ đen với số tiền trung bình là hơn 24 triệu Yên, tương đương gần 200000 euro. Tôi bỗng nhớ tới 10000 euro mới được nhập vào tài khoản riêng của T. Rất có thể bây giờ đã bị rút hết rồi. Ngân hàng thường đợi đến cuối tháng mới gửi thư thông báo. Tất nhiên là T có quyền tiêu nó như ý cô ấy muốn. So với 200000 euro của các phụ nữ Nhật thì số tiền của T chẳng thấm tháp gì. Nói chung, đứng bên cạnh người Nhật thì chúng ta là những kẻ rách rưới, những vị vô sản vĩ đại của thế kỉ 21. Đất nước Phù Tang vẫn luôn là một ẩn số đầy hào quang với dân Pháp. Ở Châu Á hay ngoài đảo xa? Ba vị ăn mày Toulouse sẵn sàng đánh nhau vì mỗi cái vị trí địa lý ấy.

Hai đồng nghiệp từ đâu đi đến, tự động ngồi xuống bàn. Tôi vẫn cúi đầu vừa nhai cơm vừa giở báo. Họ không chạm đến thức ăn mà nói chuyện nho nhỏ, giọng trẻ hơn kể chuyện còn giọng già hơn thì an ủi, có vẻ một buổi tâm sự tình cảm kiểu mẫu. Trên trang cuối, tôi đọc được một tin ngắn về doanh thu của các siêu sao điện ảnh: Gérard Depardieu năm nay đứng đầu, đóng 4 phim và kiếm được 3,2 triệu euro, 700000 euro cho phim cuối cùng chỉ có 30000 lượt người xem…Josiane Balasko đứng thứ 9 nhưng cao nhất nữ, đúng 1 triệu euro. Tác giả không đả động tẹo nào đến Alain Delon. Bên cạnh, hai đồng nghiệp nữ vẫn tiếp tục nói chuyện, to hơn một chút khi thấy tôi chăm chú xem báo. Giọng trẻ hơn buồn buồn. Có vẻ như ai đấy mới qua đời, tai nạn xe máy ngay trung tâm Paris. Mấy câu sau cùng lượn lờ trong không khí rồi chẳng rõ bằng cách nào đã lọt vào tai tôi: «trước đó, em không dám khuyên nó phải cẩn thận, chúng em chưa là gì với nhau cả, hai đứa làm việc chung phòng có thế thôi. Tối hôm thứ sáu ở toa-lét của công ty, em còn nhìn thấy nó, nó thay một bộ đồ trắng tuyệt đẹp, bó sát vào người, rồi nháy mắt với em, em đoán nó lại đi nhảy nhót. Em thất vọng quá, suốt đêm hôm đó nằm khóc, rồi cả ngày thứ bảy và chủ nhật không ló mặt xuống đường. Thứ hai vừa đến công ty thì người ta thông báo nó chết, tai nạn đêm thứ sáu. Có lẽ đúng lúc em đang nằm khóc như mưa như gió ấy. Bên ngoài, mưa cũng to lắm chị ạ. Giữa mùa đông mà mưa rào thì thật là khác thường. Không hiểu sao em đã linh tính thấy điềm gở. Em đã có cảm giác sẽ không bao giờ gặp lại nó. Cũng có thể bộ quần áo nó mặc tối hôm ấy trắng quá, lại bó sát vào người. Bây giờ bàn làm việc của nó người ta bầy một lọ hoa trắng. Em phải tránh nhìn vào đấy. Ngày mai, đám ma nó em cũng không dám đến. Em sợ nhìn thấy nó trong quan tài. Nghe nói nó bị tắc xi cán ngang người, xe máy nát vụn, toàn thân biến dạng đến độ ông bố vào nhận xác cũng không nhận ra. Anh trai nó nói là cảnh sát giao thông đang tìm nhân chứng, để xem nó đã phóng ẩu hay tài xế tắc xi ngủ gật».

Nói đến đây thì thở dài. Giọng già hơn cũng thở dài. Rồi cả hai cùng im lặng. Tôi không dám nhai cơm, không dám cả lật báo. Giọng trẻ hơn lại nói: «nó đẹp trai chẳng kém Alain Delon trong phim Teheran 43. Em rất mê cái vẻ lạnh lùng như điệp viên quốc tế của nó. Nhưng nó trẻ hơn em những sáu tuổi và suốt ngày nhận được điện của bọn con gái. Có lẽ nó chẳng bao giờ nghĩ đến em đâu chị nhỉ». Một lúc sau, giọng già hơn trả lời: «làm sao mà biết được, ai có thể hỏi được người chết bây giờ». Giọng trẻ hơn ngập ngừng: «sáng nay, em đang làm việc thì có một con bé gọi điện đến hỏi nó, em bảo nó chết rồi, con bé kia cười hô hố, trước khi đập máy xuống còn thét lên trong ống nghe: thằng ấy xuống âm phủ đi cho nhẹ đời. Hay là con bé tưởng em nói đùa hở chị». Giọng già hơn thở dài thêm lần nữa, nhưng không trả lời. Mấy phút sau, cả hai kéo tay nhau đứng lên, khay đồ ăn còn nguyên. Khi họ đã đi được vài bước, tôi lại nghe giọng trẻ hơn than: «cuộc đời éo le thật chị nhỉ». Vẫn không thấy giọng già hơn bình luận câu nào. Tôi đóng báo lại và bất giác nghĩ tới trưởng khế. Ông ta cũng thốt ra câu này sau khi kể chuyện bà già vô tình để lại 3 triệu quan cho kẻ thù của mình.

Cuộc đời có éo le không, tôi tự hỏi. Quay ra nhìn thì hai đồng nghiệp kia đã đi mất. Suốt nửa tiếng vừa rồi, tôi không dám nhìn lên mặt họ, đầu cứ chúc xuống giả vờ xem báo, bây giờ mới thấy mỏi hết cả cổ.

 

[đón xem chương X]

 

Đã đăng:

T mất tích [I]  (tiểu thuyết) 
Có một ngày đầu năm 2006, ở Paris, một phụ nữ gốc Sài Gòn đã biến mất... Nhân ngày mồng 8 tháng 3, theo đề nghị của tác giả, chúng tôi xin được lần lượt gửi đến độc giả Tìền Vệ mười chương đầu của T mất tích — tiểu thuyết mới nhất do Thuận hoàn thành cách đây không lâu. (...)

 

T mất tích [II]  (tiểu thuyết) 
Tôi vừa bước vào phòng thì Paul báo cách đây hai phút, ai đó gọi cho tôi, không để lại tên nhưng có cho số điện thoại, đề nghị tôi gọi lại vào giờ ăn trưa. Tôi không cởi áo khoác ngoài, tiến lại bàn làm việc của Paul, giật lấy mẩu giấy màu vàng trên tay anh ta. Đúng như tôi tiên đoán... (...)

 

T mất tích [III]  (tiểu thuyết) 
Bà vợ ông gác cổng bảo hôm nay ở mẫu giáo Hanah ăn uống kém lắm, bữa trưa hầu như không động thìa, lại muốn bỏ cả bữa phụ. Tôi im lặng. Bụng tôi tiếp tục cuộc đình công cách đây hai tư tiếng... (...)

 

T mất tích [IV]  (tiểu thuyết) 
Tôi tỉnh dậy khi trời mờ sáng. Việc đầu tiên là chạy ra mở tủ riêng của T. Sau này, bình tĩnh lại, tôi không lý giải được hành động ấy của bản thân. Nhưng khi mà sọ chỉ chực toác ra làm đôi, chân tay tôi muốn làm cái gì thật mạnh, đập phá chẳng hạn, đánh người chẳng hạn... (...)

 

T mất tích [V]  (tiểu thuyết) 
Chủ nhật. 9h. Hanah còn dậy sớm hơn cả tôi. Lúc tôi vào bếp đã thấy nó ngồi đấy, quần áo sẵn sàng, cốc sữa trước mặt vơi hơn một nửa, dường như chỉ đợi tôi ra hiệu là đứng dậy lên đường... (...)

 

T mất tích [VI]  (tiểu thuyết) 
Người ta chỉ cho tôi cái ghế trong góc phòng rồi bảo: «đợi một chút nhé, đại úy đang bận họp». Tôi ngồi xuống ngó quanh quất. Phòng làm việc của thanh tra cảnh sát không khác phòng làm việc của kế toán công ty dược phẩm là bao (giống như tôi, hắn ta cũng chia phòng với một đồng nghiệp khác nhưng lúc này cả hai đều vắng mặt)... (...)

 

T mất tích [VII]  (tiểu thuyết) 
Căng-tin bao giờ cũng đông. Đó là nơi người ta vừa được ăn vừa được nói thoả thuê, lại không tốn kém, ít nghi kị. Cuối cùng tôi cũng chọn được một bàn bốn người, ba đồng nghiệp kia (một nữ và hai nam) đã bắt đầu từ lâu, đĩa nhẵn thín nhưng vẫn muốn nán lại, mặt ai cũng ửng đỏ... (...)

 

T mất tích [VIII]  (tiểu thuyết) 
Ở phòng thường trực bệnh viện, vừa nghe tên bố tôi người ta đã lắc đầu: «tiếc quá, ông ấy qua đời nửa đêm hôm qua, bác sĩ chẩn đoán không sai». Ngay lúc đấy, không hiểu được báo bằng cách nào, một nữ y tá xuất hiện, chạy đến bắt tay tôi: «tiếc quá, ông ấy qua đời nửa đêm hôm qua, chính tôi vuốt mắt và lau người lần cuối»... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021