thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chinatown [VI]

 

Tiểu thuyết Chinatown viết xong tháng 5 năm 2004, được nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành tháng 3 năm 2005. Với sự cộng tác của tác giả, chúng tôi xin giới thiệu tới độc giả Tiền Vệ toàn bộ tác phẩm, đăng thành 10 kỳ để tiện theo dõi. Trên thực tế, Chinatown không hề phân chương hay đoạn, gồm tiểu thuyết chính bọc lấy 2 trích đoạn của một tiểu thuyết phụ (có nhan đề I’m yellow, do nhân vật chính sáng tác). Các dấu chấm xuống hàng, vì vậy, chỉ có mặt trong các phần của I’m yellow. Cám ơn sự theo dõi của độc giả.
__________

 

kỳ trước: Chinatown [V]

 

Cô Feng Xiao kể cả tỉnh Tứ Xuyên năm tám mươi nhận tám mươi gia đình Việt gốc Hoa. Tám mươi gia đình chia đều cho tám mươi hợp tác xã. Hợp tác xã nhà cô Feng Xiao cũng nhận lấy một. Hiền lắm cơ. Tội nghiệp lắm cơ. Bà vợ với ba đứa trẻ con không biết câu tiếng Hoa nào. Chỉ ngồi khóc suốt ngày. Ai đi qua cũng thấy thương. Ai đi qua cũng khuyên người Yiên Nản thì lên tàu tới Côn Minh, từ Côn Minh đổi tàu tới Quảng Đông, từ Quảng Đông đi đò sang Nam Ninh, từ Nam Ninh vẫy xe vận tải đường dài là về đến Yiên Nản. Không biết có hiểu gì không. Vẫn ngồi khóc suốt ngày. Tội nghiệp lắm cơ. Tội nghiệp như giấc mơ của tôi đêm đó. Thụy đèo thằng Vĩnh về Hồ Nan. Tôi đạp xe theo sau, hành lý là một can mỡ hai mươi lít. Cô Feng Xiao bảo năm tám mươi một lít mỡ bằng nửa tháng lương cán bộ Tứ Xuyên. Ở công an xã người ta bảo chẳng biết Thụy là ai. Thụy khai tên ông tên bố. Người ta mở sổ đăng kí hộ khẩu. Người ta lắc đầu cả ông Thụy lẫn bố Thụy đều mất từ ba mươi năm nay. Thụy đòi về ngôi nhà cũ của họ Âu. Hai mươi gia đình chạy ra cổng. Hai mươi gia đình làm một dàn đồng ca. Trong nhà kê hết giường rồi, ngoài vườn kê hết giường rồi, còn nửa đống rác công cộng đấy ra kê giường mà ngủ, còn cuốc đấy mỗi người lấy một cái mà cuốc, cuốc xong nhớ để vào chỗ cũ, để vào chỗ cũ xong nhớ chia cho mỗi nhà một lít mỡ. Thằng Vĩnh mới cuốc nhát đầu đã cuốc đúng chân. Thụy phải vác nó trên lưng đến bệnh viện. Tôi chạy đằng sau, vừa chạy vừa cố nhớ đường để chút nữa còn quay về thổi cơm, lấy bàn chải đánh răng cho thằng Vĩnh. Nó khóc rất to. Tôi cũng khóc rất to. Cô y tá chạy ra dòm rồi lại chạy đi. Nửa tiếng sau vẫn không thấy ai mang kim chỉ lại khâu cái chân của thằng Vĩnh. Nó khóc to hơn. Tôi cũng khóc to hơn. Thụy chạy vào đòi gặp bác sĩ trưởng khoa khâu chân tay trẻ em. Ông thường trực lắc đầu chân tay trẻ em Yiên Nản thì về Yiên Nản mà khâu. Thụy bảo Thụy không phải Yiên Nản, thằng Vĩnh không phải Yiên Nản. Ông ấy nhìn tôi tiếp tục lắc đầu. Tôi vừa khóc vừa bảo tôi cũng không phải Yiên Nản. Ông ấy vẫn lắc đầu. Tôi vừa khóc vừa hét yu shử yiên nản dẩn. Ông ấy càng lắc đầu. Tôi vừa khóc vừa giải thích tôi cũng họ Âu. Không tin mở thẻ cư trú của tôi ra mà xem. Thụy lên tàu đi Sài Gòn đêm hôm trước, sáng hôm sau cả khu tập thể đã truyền tin tôi và Thụy đánh nhau, toà xử tôi được căn hộ để nuôi thằng Vĩnh. Nhưng ở cổng đại sứ quán Pháp, vừa ngó mặt vào phòng thị thực, người ta đã gọi tôi là madame Âu. Ở Belleville mười năm nay người ta gọi tôi là madame Âu, comment ca va madame Âu. Ông gác cổng bảo madame Âu lại có thư Trung Hoa nhé. Ông gác cổng người Bồ Đào Nha cứ tưởng Hà Nội là ngoại ô của Bắc Kinh. Trên đảo Cité, ngườ ta cũng gọi trên loa madame Âu, cửa số mười bốn. Cô nhân viên áo thun trắng bảo madame Âu có giấy tờ gì bỏ hết ra đây. Trong các trường cấp hai tôi dạy, hiệu phó lẫn hiệu trưởng nhìn thấy tôi là bắt tay thân thiện madame Âu, cố lên đấy nhé. Bốn mươi chín đồng nghiệp và lũ học trò lau nhau trước mặt gọi tôi là madame Âu còn sau lưng gọi hẳn là la chinoise, la bizarre chinoise. Chỉ cần nói la chinoise cả trường đều biết là tôi. Yu shử yiên nản dẩn. Tôi không phải là người Việt Nam. Tôi kể lể. Tôi khóc. Tôi hét to đến nỗi thằng Vĩnh thức dậy bảo mẹ nói tiếng gì mà kinh thế. Một tháng liền tôi mơ Thụy dẫn tôi và thằng Vĩnh về Hồ Nan. Giấc mơ nào cũng tội nghiệp như giấc mơ nào. Can mỡ hai mươi lít sau đó được thay thế bằng đôi chiếu hoa. Cô Feng Xiao bảo Hồ Nan giáp ranh Mông Cổ cói không mọc được. Người Hồ Nan nằm ngủ trên thảm đay. Tôi sợ thằng Vĩnh đau lưng. Đôi chiếu tôi đèo đằng sau xe đạp một cái cho nó nằm bây giờ, một cái cất vào tủ để dành. Không biết bao lâu nữa mới lại có dịp đến phố Hàng Chiếu mua cho nó đôi khác. Có lần tôi mơ thấy cả nhà ăn cơm trên chiếu hoa, can mỡ để bên cạnh, nhưng tôi và Thụy ngồi chống đũa. Thằng Vĩnh khóc lóc đòi ăn chim quay. Tôi bảo Thụy còn mẩu đất cạnh đống rác công cộng hay là đem hạt mồng tơi rau đay ra gieo. Thụy gật đầu ngày nào cũng bánh bột mì luộc nhân bắp cải muối như thế này thì lưỡi nào mà không rộp. Cái lưỡi của Thụy không Yiên Nản nhưng cái lưỡi của Thụy cũng thèm bát canh rau đay mồng tơi với hai quả cà. Tôi phụng phịu rau đay mùng tơi không mất công nuốt cũng trôi vào cổ họng, chẳng may cổ họng thằng Vĩnh có sưng vẫn trôi tiếp được xuống dạy dày. Hai vợ chồng mang hai cái cuốc ra cuốc đất. Thằng Vĩnh chân vẫn chưa tháo chỉ nên nằm đọc chương Tôn Ngộ Không đánh Bạch Cốt Tinh. Cuốc xong, tôi cho cả rác vụn vào trộn, trộn đến đâu ủ đến đấy, đúng theo phương pháp sinh học. Một tuần sau Thụy mang hạt ra gieo, năm luống mỗi luống hai mươi hố, mỗi hố một hạt. Cả nhà sáng nhổ cỏ, chiều tưới nước, tối theo dõi dự báo thời tiết. Trưa hôm sau trời có đổ mưa thì đêm nay đã đắp xong bốn đập bốn phía để một trăm cái hạt đừng bơi hết sang bãi rác công cộng. Thằng Vĩnh từ ngày chân lên da non được phân công cầm gậy đuổi chim. Một tuần sau, từ một trăm cái hạt mọc ra một trăm mầm cây. Một tuần sau nữa, một trăm mầm cây rụng hết lá mầm rồi bắt đầu mọc lá mới. Tôi và Thụy không ngừng nhổ cỏ, chồng ba luống, vợ hai luống. Nhổ xong thì mỗi người một cái thùng một cái gáo. Đến lúc mặt trời lặn, một trăm mầm cây cũng nhận được mỗi mầm một gáo nước mưa trộn với nước giải của thằng Vĩnh. Thằng Vĩnh đã khỏi chân hoàn toàn. Có hôm nó đuổi được một đàn đại bàng đến ăn ầm cây. Tôi và Thụy phấn khởi, trong đầu chỉ có mỗi hình ảnh bát canh rau đay mồng tơi. Bữa nào tôi cũng hứa với thằng Vĩnh đây là bữa bánh bột mì luộc nhân bắp cải muối cuối cùng. Một buổi sớm, cả nhà thức dậy vì tiếng ồn ào. Thằng Vĩnh vác gậy chạy ra. Đàn đại bàng hôm trước đang đậu ngợp vườn còn một trăm mầm cây tối qua đã biến thành một trăm cây bắp cải giống y hệt một trăm cây bắp cải bọc ny lông chất hình Kim Tự tháp trong cửa hàng thực phẩm Leningrad. Thằng Vĩnh khóc lóc. Họng nó sưng từ mấy ngày nay, chỉ đợi canh rau đay mồng tơi để không phải nuốt cũng trôi vào dạ dày. Cả nhà nửa năm liền không muối hết bắp cải phải đem cho hai mươi hàng xóm, cho xong lại phải nhận về hai mươi bữa bột mì luộc. Giấc mơ bát canh rau đay mồng tơi chủ nhật đầu tháng sau được kể lại cho cô Feng Xiao. Cô Feng Xiao cười ngất. Cô Feng Xiao bảo Hồ Nan giáp ranh Mông Cổ, bắp cải cũng chẳng mọc được nói gì đến rau Yiên Nản nhà nị. Cô Feng Xiao còn cười mãi. Khi nhịn được, cô ấy hứa sẽ cho tôi một lá bùa chống mơ. Mộng mị lảm nhảm thế làm sao ngủ nổi. Tôi không biết có nên dán nó lên đầu giường. Tấm ảnh ngôi nhà hai tầng, bảng hiệu chữ Hoa, hai cái đèn lồng đã giải thoát tôi khỏi nỗi ám ảnh về cái chết của Thụy. Tôi chẳng còn mơ thấy Thụy nhẩy tàu, treo cổ, ăn nấm độc. Mười hai năm nay, các giấc mơ của tôi, buồn rầu một phút hay vui nhộn suốt đêm, luôn có thằng Vĩnh, có tôi, có Thụy. Tôi không biết mộng mị có hại cho tôi như cô Feng Xiao nhận định. Tôi cũng không biết có phải từ lâu nó đã trở thành một phần cuộc sống thường nhật của tôi. Có phải hôm nào thiếu nó, mắt trái tôi nháy liên tục. Hôm nào thiếu nó, tôi không mất kính thì lại quên chìa khóa. Tôi thích những giấc mơ kéo dài từ đêm cho đến bảy giờ sáng, khi những người khách đầu tiên bước vào toa tầu, khi tôi vội vàng bỏ một quyển sách giáo khoa ra đọc, đọc thì ít dụi mắt thì nhiều, chỉ sợ mơ thêm vài phút nữa là không kịp nhảy khỏi tàu để đổi sang xe buýt. Tôi cũng thích những giấc mơ nối ngày với đêm, đêm với ngày, suốt hai tháng hè, khi thằng Vĩnh về Việt Nam, khi cả tầng không một bóng người, khu nhà không một ánh đèn, ông gác cổng cũng về Bồ Đào Nha, thư từ mấy ngày mới có người đến nhét vào khe cửa, mở ra đọc cũng không thấy ai đề nghị nhượng lại chỗ để xe. Những giấc mơ ngắn thường đột ngột đến vào lúc tôi ngồi một mình trong phòng giáo viên, nửa cái bánh mì còn cầm trên tay. Thụy và thằng Vĩnh ngồi xem bóng đá, tôi cầm cái điều khiển từ xa, vừa cổ vũ đội sở Thương nghiệp Tứ Xuyên nhà cô Feng Xiao vừa liếc mắt ra cửa đề phòng bốn mươi chín đồng nghiệp nhón chân bước vào. Có lần cả nhà đang ngủ, thằng Vĩnh nằm giữa, chân trái gác lên bụng tôi, chân phải đè lên đùi Thụy. Chuông điện thoại reo, tôi lồm ngồm ra nhấc máy. A lô đến lần thứ ba thì đầu kia mẹ con Yamina và thằng Yasin òa khóc nức nở. Tôi không biết làm thế nào cũng khóc theo. Thằng Vĩnh càu nhàu mẹ nhận tin gì mà khiếp thế. Thụy cũng thức dậy. Thụy chạy vào buồng tắm nhúng cái khăn mặt vào vòi nước rồi lại chạy ra đưa cho tôi. Tôi vừa lau mắt vừa phụng phịu thôi cả nhà lại lên giường ngủ tiếp. Thằng Vĩnh một phút sau đã ngáy khò khò, tôi và Thụy quay phải quay trái cuối cùng ngồi dậy nuốt mỗi người một viên thuốc an thần. Hôm sau, vào phòng giáo viên, để cặp xuống sàn, gặm một miếng bánh mì cho đỡ đói, tôi tháo ngay công tắc điện thoại. Hai mươi tư tiếng đồng hồ sau, trên tường một tờ giấy ai đó nắn nót ghi: tôn trọng của cải tập thể như của cải của từng cá nhân. Hai mươi tư tiếng tiếp theo, một đồng nghiệp khác đã kịp viết thêm: một góp ý đầy thiện ý. Hai mươi tư tiếng tiếp theo nữa đủ để một đồng nghiệp thứ ba minh họa cái điện thoại vuông vức của phòng giáo viên và cái di động hiệu Nokia tôi mới mua tháng trước, chính giữa là một dấu bằng ngay ngắn rất đỏ. Giấc mơ ngắn nhất, chưa đầy một phút, đã xảy ra ngay tại lớp học. Tôi và Thụy dẫn thằng Vĩnh ra công viên Thủ Lệ, que kem cốm chưa kịp mút miếng nào thì thằng Vĩnh bị một con đười ươi mười tám tháng bắt làm con tin. Tôi sợ quá bưng mặt khóc. Lũ học trò quay ra ngơ ngác. Chúng nó ngưng cuộc tranh luận phim tươi mát đang vào giai đoạn gây cấn. Chúng nó lôi từ trong cặp ra mỗi đứa một quyển vở, một cái bút. Chúng nó yên lặng nhìn tôi. Tôi càng khóc. Chúng nó nhìn nhau bối rối. Chúng nó không dám nhìn tôi. Chúng nó hí hoáy chép thứ ngày tháng. Tôi vừa quệt nước mắt vừa nói giờ học đến đây là kết thúc, không có bài tập về nhà. Chúng nó lại cất quyển vở và cái bút vào cặp. Con Yamina giơ tay hỏi tiết sau có kiểm tra miệng không. Tôi đang ngó thằng Vĩnh giở Công Phu vật nhau với con đười ươi. Tôi không biết trả lời thế nào. Chúng nó đứng phắt dậy. Chúng nó phản đối. Chúng nó lý luận chưa xong bài cũ tôi không có quyền kiểm tra, cả miệng lẫn viết đều phạm luật sư phạm. Tôi lo Thụy không nhắc đội bảo vệ công viên Thủ Lệ cho đạn thật vào súng, con đười ươi sẽ bóp cổ thằng Vĩnh. Tôi bưng mặt khóc. Chúng nó ngơ ngác. Chúng nó nhìn nhau bối rối. Chúng nó quên không dọa báo cáo lên thầy hiệu phó rồi thầy hiệu trưởng. Tôi vẫn chưa hết sợ. Nước mắt chảy ướt hết cả kính. Chúng nó đứng lên, đeo cặp, đội mũ, đi ra khỏi lớp. Con Yamina ngồi lại. Nó lấy khăn mùi xoa lau kính cho tôi, lau xong thì hỏi có phải cơn mơ lúc nãy khủng khiếp lắm. Tôi im lặng. Nó bảo mẹ nó cũng hay mơ như vậy. Mẹ nó mơ thấy bố nó đưa cả nhà đi chơi sa mạc Sahara. Mẹ nó tìm được một cây xương rồng định ép lấy nước thổi cơm thì con lạc đà chở thằng Yasin trượt chân. Mẹ nó chỉ kịp thấy hố cát sâu bốn mươi mét nuốt chửng bốn chân con lạc đà. Mẹ nó bưng mặt khóc. Vừa khóc vừa dục thằng Yasin nhảy lên. Vừa khóc vừa lăn lộn trên giường. Mẹ nó thường xuyên đánh thức hai chị em nó dậy để kể ngày cưới, bố nó mặc áo lụa, ngậm thuốc lá ăng lê, cưỡi lạc đà hai bướu, mang một chuỗi ngọc bích đến quàng vào cổ mẹ nó. Cuối năm mẹ nó vẫn bảo thằng Yasin gọi điện xem bố nó sống với vợ mới như thế nào, bố nó có thêm mấy con, bố nó có yêu vợ mới con mới không. Tôi với nó ôm nhau khóc trong lớp. Tôi cũng hay tưởng tượng Thụy sống với vợ mới như thế nào, Thụy có thêm mấy con, Thụy có yêu vợ mới con mới của Thụy không. Tôi không sao nín được. Con Yamina lại bỏ khăn mùi xoa ra lau kính cho tôi. Ông hiệu phó đi qua nháy mắt học trò ngoan quá hả. Sáng hôm sau phòng giáo viên trương một tờ bìa mỗi chiều một mét, ai đó đã nắn nót ghi, chữ to như chữ khẩu hiệu: mỗi giáo viên phải là một tấm gương. Tôi cúi đầu làm phô tô cô pi, ngẩng lên lại thấy một hàng chữ song song bên dưới, cũng to và nắn nót: lời khuyên chân thành nhất trong năm. Tôi phẩy tay. Đến trưa, mở cửa bước vào, chưa kịp để cặp xuống sàn, chưa kịp bỏ bánh mì ra nhai một miếng cho đỡ đói rồi mơ một giấc ngăn ngắn cho đỡ mệt, tôi thấy cái mặt vành vạnh của tôi chễm trệ trên tờ bìa, nước mắt lả tả, bên cạnh họa sĩ nghiệp dư còn vẽ thêm một cái gương cũng vành vạnh, hào quang chi chít, rồi giữa hai hình tròn cùng bán kính ấy là một dấu bằng ngay ngắn rất đỏ. Tờ bìa mỗi chiều một mét ngồi lại trên tường rất lâu. Đến cuối tháng, người ta vẫn tiếc, người ta không chịu tháo. Người ta bảo nó là kết quả hợp tác của bốn mươi chín giáo viên toàn trường, nó còn có giá trị hơn cả một tờ bích báo, nó đáng ngồi lại đến cuối năm. Chủ nhật bốn giờ chiều. Hắn gọi điện cho tôi. Mặt mày khó đăm đăm. Hóa ra chỉ đăm đăm với tao. Hóa ra tuần nào cũng ngồi khóc trước mặt học trò. Hội phụ huynh phản đối mày trên Internet, ghi rõ tên mày, trường mày, những lớp mày dạy. Hội phụ huynh lý luận nước mắt của mày biến con cái họ thành những đứa trẻ yếu đuối. Hội phụ huynh dọa sẽ báo cáo lên phó giám đốc rồi giám đốc sở Giáo Dục. Tôi phẩy tay cùng lắm là tôi nghỉ việc. Vô tuyến ngày nào cũng đưa quảng cáo bộ Nội Vụ tìm cán bộ canh tù để trao tặng chế độ đãi ngộ đặc biệt. Nhận được giấy của giám đốc sở Giáo Dục, tôi sẽ nghỉ dạy ngay lập tức. Tôi sẽ tìm lại cho thư viện sáu bộ đáp án, cho phòng giáo vụ sáu cái băng cát xét, cho phòng thường trực sáu chìa khóa cổng trường, từ hồi được phát vẫn nằm yên trong sáu túi ny lông. Tôi sẽ gói chúng vào các gói khác nha , cho vào sáu hộp xốp, ghi địa chỉ, dán sáu cái tem đặc biệt rồi mang ra bưu điện Belleville quẳng vào sáu thùng thư. Tôi sẽ không bao giờ còn phải xếp hàng mua vé tháng, sáu giờ sáng lặn lội đến trường, chính giữa trưa lặn lội vào phòng giáo viên, vừa gặm bánh mì vừa xem có cái đề nghị nào chân thành và thiện ý giành riêng cho những giọt nước mắt của tôi. Một khi đã làm chủ hai mươi tư giờ một ngày, ba mươi ngày một tháng, tôi sẽ lên một cái thời khóa biểu bê tông, bố mẹ tôi khi nhận được fax cũng phải fax lại chữ thán phục. Hàng ngày, tôi và thằng Vĩnh sẽ thức dậy lúc sáu giờ sáng. Đánh răng rửa mặt xong, hai mẹ con sẽ dùng một bữa điểm tâm sáu món: bánh ngọt, bơ, trứng ốp lếp, giăm bông, xúc xích, thịt nguội. Sáu món Anh Cát Lợi sẽ kết thúc bằng nước chè pha sáu loại mứt. Sáu mươi phút sau, thằng Vĩnh đến trường, tôi cũng đi xe buýt tới phố Tolbiac luyện một tuần sáu buổi Khí Công và Thái Cực Quyền. Đến trưa, luyện võ xong, tôi sẽ ở lại tắm sáu loại dầu thơm, uống sáu loại mật mía với sáu võ sư và sáu mươi đồng môn. Sáu phút sau tôi sẽ có mặt ở cửa hàng cắt tóc của cô Feng Xiao. Tôi dạy cô ấy sáu từ mới Yiên Nản. Cô ấy dạy lại tôi sáu từ mới Quan Thoại. Từ tour Olimpic tôi bấm thang máy, đúng sáu giây sau chân chạm sàn đá hoa siêu thị Tang Frères. Sáu chục cái tour của Chinatown còn đang giở tay gói nem, tráng bánh cuốn và nặn há cảo nên tôi mang sáu con chim bồ câu của công ty xuất nhập khẩu thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh từ ngăn đông lạnh qua quầy trả tiền mất chưa đầy sáu phút. Sáu mươi phút trên xe buýt từ cổng Tang Frères đến Belleville, sáu con chim bồ câu cũng vừa vặn xả hết đá. Bước chân vào nhà tôi đặt ngay lò hai trăm sáu mươi độ. Sáu giờ chiều, thằng Vĩnh đi học về, rửa mặt mũi chân tay ngồi vào bàn chia với tôi sáu con chim quay húng lìu và sáu thìa cơm rang. Nó uống sáu mươi mi-li-lít Coca Cola còn tôi sáu mươi mi-li-lít rượu vang đỏ. Ăn xong bữa tối có đét-xe sáu vị hoa quả và sữa chua sáu vi ta min, tôi và nó sẽ mở kênh M6 theo dõi chiến tranh Irak. Sáu mươi phút sau, thằng Vĩnh xem xong tin tức cộng hòa nhân dân Trung Hoa trên Internet, tôi cũng ngồi vào máy vi tính. Viết được sáu mươi câu sáu chữ, tôi sẽ tắt đèn cởi tất leo lên giường. Trừ thời gian quay trái quay phải, mơ một giấc sáu mươi phút lúc nửa đêm và một giấc sáu phút lúc gần sáng, tôi hoàn toàn có thể bảo đảm giấc ngủ sáu tiếng đầy đặn. Tôi sẽ đặt tên thời khóa biểu ấy là 6&60. Tôi sẽ tôn trọng nó tuyệt đối trong vòng sáu tháng. Tôi sẽ gửi lý lịch đến bộ Nội Vụ. Sáu hôm sau người ta sẽ gọi điện mời tôi lên phỏng vấn. Sáu mươi cân, sáu năm thâm niên ngành giáo dục cộng sáu ngoại ngữ trong đó tiếng Hoa, tiếng Việt vô cùng hiếm với sáu cái đai của Khí Công và Thái ực Quyền, tôi sẽ đánh bại sáu mươi đối thủ khác. Người ta sẽ dẫn tôi đi chọn một căn hộ sáu phòng để thằng Vĩnh có phòng riêng đọc Internet, có phòng riêng tập bóng bàn, có phòng riêng tập Kông Phu. Người ta sẽ hỏi tôi trong sáu loại ô-tô tôi cần xe Renauld hay xe Peugeot. Người ta cũng sáu lần đề nghị tôi viết đơn ghi rõ mức lương tháng, số ngày nghỉ, tuổi về hưu mà tôi cho là hợp với tôi hơn cả. Tất cả sẽ đâu vào đấy như sáu cậu nằm với sáu mợ. Tôi phẩy tay. Tôi bảo hắn tôi không sợ. Hắn có stress cho tôi thì cứ việc. Tôi chuẩn bị tinh thần rồi. Thời khóa biểu 6&60 đã lên chính xác từng sáu mươi giây. Từ bộ Giáo Dục tôi sẽ nhảy sáu bước ngoạn mục sang bộ Nội Vụ. Mười sáu năm sau tôi sẽ hạ cánh an toàn, sổ hưu vàng cầm tay. Thằng Vĩnh đang làm đại diện ở vùng Vịnh. Nếu nó xếp cho tôi một chân phiên dịch thì tốt, càng được dịp cho sáu nhân vật của tôi nới rộng quan hệ. Nếu thương nhân Việt Nam vẫn chưa nhảy dù vào Bagdad hay có đến cũng tự gặp gỡ đối tác và kí hợp đồng bằng tiếng mẹ đẻ thì tôi sẽ ngồi nhà chăm sóc thằng Vĩnh, sổ hưu vàng bộ Nội Vụ vẫn cứ vàng, sáu nhân vật của tôi sẽ trèo lên lưng lạc đà, cầm bản đồ, đeo ba lô, làm sáu mươi vòng sa mạc Sahara. Ngày ngày tôi sẽ mua sáu con chim về tẩm húng lìu rồi quay rồi chia với thằng Vĩnh. Tôi sẽ trồng sáu mươi mét vuông rau đay mồng tơi. Khí hậu vùng Vịnh không xa khí hậu Hà Nội là mấy. Không cần nhổ cỏ, đuổi chim, không cần tưới nước mưa pha nước tiểu, cây nào cây nấy cũng cao sáu mươi phân. Sáu năm làm đại diện, thằng Vĩnh không còn biết sưng họng là gì. Tôi đã chuẩn bị tinh thần rồi. Tôi dự kiến mọi trường hợp. Tôi đợi mãi mà chẳng thấy giám đốc sở Giáo Dục nào viết thư. Con Yamina tìm được sáu dịp chia tay với tôi, sáu dịp sáu cái khăn mùi xoa để tôi cầm đi lau kính. Mẹ nó cũng gọi điện cho tôi sáu lần ở phòng giáo viên, vẫn chỉ khóc chẳng nói được câu gì, vẫn vô tình rơi đúng vào sáu giờ sáng cả nhà đang ngủ, thằng Vĩnh nằm giữa, chân trái gác lên bụng tôi, chân phải đè lên đùi Thụy. Sáu hôm sau thằng Yasin mang đến túi đồ ăn mẹ nó làm để tôi chóng lên mười sáu cân. Tôi mở ra thấy sáu con chim sải cánh trên lớp rau xanh biếc, không biết rau gì. Sau này tôi tìm được trong thư viện sáu quyển sách giới thiệu món ăn Bắc Phi. Món bồ câu mật ong rừng được coi là ông tổ sáu đời của món chim quay húng lìu, bao giờ cũng được dọn với sáu loại rau xanh biếc, không ai biết tên, không ai thấy bày bán ở chợ. Sáu loại rau ấy trộn với nhau vừa ngọt vừa mát, không cần nuốt cũng trôi vào dạ dày. Sáu loại rau ấy, những người mắc bệnh sưng họng kinh niên vô cùng tâm đắc. Sau này, tôi còn gặp sáu đứa học trò tên là Yamina, sáu đứa có sáu thằng em tên là Yasin. Cuối năm chúng nó cũng tặng tôi sáu cái khăn mùi xoa, thêu sáu cái hoa sáu cái lá. Nhưng chỉ có con bé này là tôi nhớ nhất. Sáu con chim sải cánh trên lớp rau sáu loại xanh biếc của mẹ nó, tôi cũng không quên...

 

[còn tiếp]

 

Đã đăng:

Chinatown [I] (tiểu thuyết)
Đồng hồ đeo tay chỉ số mười. Thằng Vĩnh nhỏm dậy kêu mỏi. Nó ngủ trong tàu điện ngầm. Đầu ngả vào vai tôi. Tàu đến một ga nhỏ thì dừng lại. Mười lăm phút rồi vẫn không nhúc nhích. Người ta phát hiện một túi du lịch vô chủ. Người ta nghi âm mưu đánh bom một cái ga hiu hắt thế này chứa một âm mưu khác nguy hiểm hơn nhiều... (...)
Chinatown [II] (tiểu thuyết)
Đêm. Đêm có màu vàng của chiếc bóng đèn nhỏ duy nhất trong hành lang. Tôi nhìn rất lâu vào đêm. Tôi ném chiếc chìa khóa vào đêm. Trong màu vàng của đêm, nó không gây một tiếng động nào... (...)
Chinatown [III] (tiểu thuyết)
Tôi bắt đầu như thế. Tôi đã gửi đăng báo. Người ta đã đọc nó như một truyện ngắn. Tôi cũng đã coi nó như một truyện ngắn. Tôi muốn chấm dứt ở đấy. Tôi biết tôi phải chấm dứt ở đấy thì mới bắt đầu được những cái khác... (...)
Chinatown [IV] (tiểu thuyết)
Tôi còn nhớ như in một buổi tối cuối năm, bố tôi lao vào căn hộ mười tám mét vuông khu tập thể đê La Thành. Mẹ tôi lao theo. Bố tôi rút từ trong cặp ra một bản phô tô cóp pi. Mẹ tôi cầm lấy đưa cho tôi. Bố tôi hạ giọng bố mẹ có cái này cho con. Mẹ tôi cũng hạ giọng bố mẹ có cái này cho con... (...)
Chinatown [V] (tiểu thuyết)
Hàng năm, tôi vẫn xin nghỉ một ngày để đến bến tàu điện ngầm Cité, chui vào cái thang máy khổng lồ theo đoàn người rồng rắn tiến về sở Công An. Mười năm nay, tôi thuộc mặt hầu hết các nhân viên của phòng gia hạn thẻ cư trú... (...)

 

----------------------

Mời độc giả xem cuộc phỏng vấn Thuận và Phố Tầu: Dùng nghịch lý để kể những nghịch lý do Nguyễn Chí Hoan thực hiện.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021