thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
CON RÙA BÒ NGANG MẶT ĐẤT [3]

 

 

CON RÙA BÒ NGANG MẶT ĐẤT

Đã đăng: [1] - [2]

 

3.

 

Rùa là loài không bị mù màu. Ta là rùa, nhưng ta lại bị màu sắc cuốn hút. Những ngày lễ hội, khi sắc đỏ chói chang trên cờ xí, biểu ngữ, cùng vô số đèn hoa và bảng hiệu điện tử được giăng mắc quanh hồ, được treo đầy trên đường phố, thì ta thích trồi lên nhìn ngắm. Chính cái thói mê đắm ánh sáng và màu sắc loè loẹt là sai lầm lớn nhất của đời ta.

Có lần vì mải mê nhìn các thứ ánh sáng muôn màu đó mà ta dính phải một chùm lưỡi câu sắc lẻm của bọn đi câu trộm. Ba chiếc lưỡi câu: một lưỡi móc vào cổ, hai lưỡi móc vào bụng. Ta ngỡ mình không thể sống sót. Vậy mà rồi cũng qua. Ta phải chung sống với những mảnh kim loại nằm trong cơ thể; mà đâu chỉ có chừng ấy, ngay giữa cái mai trên lưng ta còn cả 1/3 của lưỡi gươm gãy, nó nằm yên ở đó đã lâu lắm rồi. Ta quen dần với những dị vật ấy cho tới nỗi chúng trở thành những phần không tách rời ra khỏi thân thể, như thể ta đã mang theo chúng ngay từ khi ra đời.

Khởi thuỷ, ta là kẻ tạo ra duyên cớ cho những huyền thoại, và ta an tâm sống với chúng, ngỡ rằng mình sẽ muôn đời sống mãi trong thứ ánh sáng ma mị đó. Cho tới khi bọn người được trang bị bởi mớ huyền thoại ấy thoát ra khỏi sự kiểm soát của ta, chúng trở thành bọn âm binh dấy loạn. Chúng kiềm toả, truy bức ta. Ta bị cô lập và lợi dụng. Những khả năng của ta dần dà bị vô hiệu hoá một cách tinh vi. Không gian sinh hoạt và sự tự do của ta bị vây toả và tước đoạt dần. Ta nhận ra sự tồn tại của mình trở thành món trang sức rởm trong các lễ hội của bọn mù màu. Những khao khát của ta về đời sống như một sinh thể bình thường: ra đời – sống – rồi chết đi, cũng bị chúng tước đoạt. Chúng ép ta phải sống trong cô độc. Sự cô độc phi lý này là trái ngược với bản chất tự nhiên. Nỗi niềm đau đớn và cô độc của ta bị chúng biến thành màn quảng cáo cho một thứ đạo đức giả tạo, tệ hơn nữa, thành thánh tích để phục vụ cho một màn xiếc thú quy mô.

“Hãy bơi và tịnh khẩu như Cụ!”

Chúng đã ra rả quảng cáo như vậy.

Thật ra không phải ta tự nguyện tịnh khẩu, mà đúng ra là ta bị cấm nói, bị cấm phát biểu. Tịnh khẩu như thế này không phải là biểu hiện của đức nhẫn, mà là biểu hiện của sự sợ hãi, sự hèn hạ, và sự tê liệt khả năng suy nghĩ và phát biểu.

Giá mà có thể, ta sẽ cho mi sờ. Hãy sờ vào đây, ngay chỗ này, đúng rồi, ở chính giữa mặt phẳng trên mai ta đó, ngay trên vết thương do sự phản bội, vết thương do một nhát gươm cắm phập xuống từ tay kẻ mà ta đã cho mượn gươm – chỗ mà lâu lâu lại có những bọt máu phì phèo trào ra.

 

*

 

Con người có khả năng sờ chạm vào những cơn ác mộng không? Có lẽ không. Còn ta thì có. Khi ác mộng không chỉ xuất hiện trong giấc ngủ rồi mất đi khi thức giấc, mà trở thành một thực tại đơn điệu, kéo dài lùng nhùng, dai dẳng, thì mi sẽ không chỉ có thể sờ chạm vào nó thôi, mà còn sống trong nó, sống với nó một cách vô vọng.

Đêm ấy, ta lượn lờ bơi chầm chậm giữa hồ, nhưng không như mọi đêm khác, ta đang có một cuộc hẹn. Đêm ấy là vừa đúng hẹn để ta nhận lại thanh gươm mà ta từng cho mượn.

Trăng đã lên, vành vạnh đỏ rực giữa trời im ắng giăng đầy sương lạnh. Từ bên tả ngạn, một chiếc thuyền từ từ chèo ra giữa hồ, trên thuyền có hai bóng người. Ta nhận ra họ, thật ra ta nhận ra một người trong họ, và biết được người thứ hai. Họ là Vương và tên lính hầu. Tên lính hầu gò người theo từng động tác chèo. Khi thuyền ra đến giữa hồ thì hắn dừng tay, mặc chiếc thuyền nổi bập bềnh trên mặt nước lặng. Ta bơi gần lại, giữ khoảng cách vừa đủ để họ thấy mình.

Vương nhận ra ta ngay, ông khoác tay vẫy ta đến gần.

“Chào linh thần, đúng hẹn ta mang thanh gươm ngày xưa ra trả lại cho thần đây.” Vương nói.

“Thưa đại vương, trải bao sương gió chiến chinh mà ngài vẫn uy mãnh như thời nào trai trẻ. Đã xong xương máu binh đao, bốn phương thiên hạ thái bình. Thần kính mong đại vương vì lòng nhân mà chăm lo cho muôn dân được yên vui, không còn phải chịu đựng cảnh loạn lạc đói nghèo.”

“Ta cám ơn Thần. Nào, hãy đến gần đây mà nhận gươm.”

Khi bơi gần lại, ta thấy Vương nâng thanh gươm lên ngó, thoáng trong ánh mắt ta thấy ông có vẻ tiếc. Thanh gươm này Vương mượn của ta năm xưa, dẹp xong giặc thì đã không còn sáng loáng sắc bén. Nó cùn mẻ nhiều, sẫm màu xám xịt, ta cảm nhận được vị tanh nồng của mùi máu toả ra.

Ta trồi lên, bơi dọc theo thuyền. Vương nắm chặc đốc gươm chờ ta đến vừa tầm tay thì thì bất ngờ vung gươm chém. Ta chỉ kịp thấy ánh thép loé lên mà không thể nào tránh. Gươm sả vào mai vang lên một tiếng choang khô đanh. Mai vỡ, lưỡi gươm gãy đôi, một đoạn ngập vào lưng ta, máu vọt lên loang mặt nước. Ta rống lên đau đớn, cố vùng thoát ra xa khỏi tầm tay gươm của Vương, rồi chìm xuống giữa đám bọt máu. Trước khi chìm hẳn, ta còn kịp quay lại ngước nhìn lên thuyền lần cuối; hình ảnh cuối cùng ta thấy, trong lúc thuận tay, Vương thọc luôn phần lưỡi gươm còn lại vào họng tên lính hầu đứng bên rồi buông tay, đạp xác hắn rớt khỏi thuyền. Xác tên lính quẫy giật dữ dội mang theo phần thanh gươm gãy cắm trên cổ chìm mất giữa những vòng sóng gợn.

Chiếc thuyền chòng chành xoay mấy vòng vì không còn người điều khiển, rồi dừng lại.

Ta lại trồi lên cách một quãng khá xa, mặc cho cơn đau buốt xé của vết thương trên lưng. Ta muốn tận mắt chứng kiến vở kịch mà ta vừa là nạn nhân vừa là nhân chứng duy nhất. Vở kịch mà sau này được nhân gian thêm thắt sai lạc với sự thật.

Vương vạch quần, đái. Vương đái thật lâu, một trận đái lâu bất tận. Giữa không gian mênh mông im vắng, không có tiếng động nào khác ngoài tiếng nước đái tồ tồ hung hãn tuôn xối xuống chạm mặt hồ, rồi chậm dần lại, đều đều nhỏ dần, rồi ngưng bặt. Một tay Vương chống mái chèo, tay còn lại cầm cu lắc lắc cho rơi hết những giọt cuối cùng. Từng giọt từng giọt nhỏ xuống. Mỗi giọt là một tiếng rền vang chấn động cõi tịnh mịch. Giữa hai giọt là một khoảng lặng, im phắt. Ta biết, ông đang rặn chúng ra, cho rốc hết thứ chất lỏng đó ra khỏi bàng quang. Ta hiểu rằng Vương biết ta chưa chết vì nhát gươm nên ông nhắn gởi với ta qua hành vi đái này.

Làm sao mà ta không biết được cái hành vi ngỡ rằng vô nghĩa này chứ? Vương không chỉ đái vì mót đái. Vương đang khẳng định quyền lực. Ông không chỉ đái xuống mặt hồ, mà ông đang đái xuống biểu tượng quyền lực tinh thần và sự hiện hữu của ta. Vương muốn khẳng định chủ quyền của ông trên cái lãnh thổ tinh thần vốn là thứ không thể đo đạc được. Ta hiểu ý Vương: ông không muốn có một thứ quyền lực nào khác hiện diện đồng thời với mình, dù thế quyền hay thần quyền.

“Ta đã đuổi sạch bọn kẻ cướp tham tàn Bắc phương ra khỏi đất nước. Đây là đất của ta, nước của ta! Đứa nào tranh thì ta giết! Đứa nào chướng mắt thì ta giết! Đứa nào cưỡng ý thì ta tru di! Có phải mi là đồng bọn của chúng? Ta chưa giết mi lúc này, nhưng mi liệu hồn!” Vương gào lên, dưới ánh trăng, mắt ông long lên như mắt thú dữ. Chiếc thuyền trở đầu, từ từ di chuyển, chếch mũi hướng vào bờ.

Sau này ta không hề oán hận Vương chút nào, thậm chí còn thấy cảm thông và yêu quý sự bộc trực đến khắc nghiệt của ông. Cái khác biệt giữa thời của Vương với thời đại hôm nay là Vương đương nhiên cho mình cái quyền thế thiên hành đạo, cái quyền hành xử và quyết định trên mọi số phận của con người, những kẻ là thần dân của ông; và ông nhận trách nhiệm với họ và với đất nước, xem cả hai như những tài sản của mình. Còn hôm nay thì khác, bọn chúng nguỵ tạo và mạo nhận sự công bằng nhưng lại không ứng xử như thế. Chúng dối trá.

Vương bạo ngược nhưng không dối trá. Vương không cần giả danh, không cần tiếm danh sự minh bạch, sự công chính. Vương không cần những toà án giả. Sự hà khắc của chế độ phong kiến là đường hoàng và đáng trân trọng hơn sự dối trá của bọn tiếm danh công bằng và dân chủ giả mạo.

 

*

 

Ta đang sống trong một đất nước huyền thoại; đúng ra thì đây là một đất nước từng giàu có và văn minh trong huyền thoại. Mọi người sống bằng huyền thoại. Họ thở huyền thoại, ăn huyền thoại, uống huyền thoại, ngủ với huyền thoại, ngay cả truyền thuyết lập quốc cũng từ một cuộc giao phối trong huyền thoại mà có.

Ở đây không có sự thật. Sự thật duy nhất mà người ta có là “chúng tôi không có sự thật, chúng tôi chỉ có huyền thoại”. Hoà bình là huyền thoại thì tất nhiên các cuộc chiến tranh cũng là huyền thoại. Cách đây không lâu là hai cuộc chiến mà xương máu trong chúng được huyền thoại hoá và bất tử hoá; lại có cuộc chiến khác ngay sau hai cuộc chiến mà ta vừa nhắc thì bị hư vô hoá, bị làm cho biến mất đi trong trí nhớ con người như nó chưa từng có, biến mất cùng với biết bao sinh mệnh. Người ta len lén nhắc đến nó như một huyền thoại không có thật. Thứ huyền thoại nhầy nhụa máu và nồng nãmùi tử thi.

Người ta tin rằng mỗi lần ta trồi lên khỏi mặt nước là ta đang mang lại một điềm báo nào đó cho vận mệnh đất nước. Trong thời gian gần đây số lần xuất hiện của ta trước công chúng nhiều vô kể, nhiều cho tới nỗi mọi lời suy diễn về sự liên quan với mệnh nước cứ thay đổi xoành xoạch.

Có thể mi sẽ thắc mắc rằng làm sao ta thâm cảm được những điều minh triết khi ta chỉ quanh quẩn trong cái hồ bé tí này ư?

Chẳng có gì kỳ bí hay huyền hoặc cả. Mi hãy sống với khoảng thời gian dài vô tận như ta đi, rồi chuyện gì mà mi chả biết. Mi sẽ biết tất, ngoại trừ một bí mật: cái chết của chính mình.

Từ mặt hồ này, ta quan sát mọi người náo nức đi lại, làm ăn, hưởng thụ như sinh hoạt của một tổ kiến khổng lồ. Đúng vậy, như một tổ kiến khổng lồ trước một cơn dông. Ta thấy những gì ư? Này nhé.

Lâu nay, ở khu vực này mọi thứ âm thanh đều bị át đi bởi tiếng chiếc loa phát vang vang từ một nơi xa xăm nhưng lại có cường độ vô cùng khủng khiếp. Chiếc loa chỉ lặp đi lặp lại duy nhất một câu như thế này:

“Chúng tôi tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi.”

“Chúng tôi tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi.”

“Chúng tôi tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi.”

“Chúng tôi tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi.”

“Chúng tôi tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi.”

...

Cứ thế, ra rả suốt ngày, ra rả suốt đêm. Bất tận.

Họ khẳng định chủ quyền trên những gì đã mất và đang mất một cách vô vọng, như khẳng định với hư vô.

Những năm sau này ở kinh thành người ta chuộng một thứ thời trang trí tuệ. Nhà nào cũng treo ngay chính giữa phòng khách chữ “Tâm” hay chữ “Nhẫn”, hoặc cả hai chữ cùng lúc; chúng được viết bằng Hán văn, nếu không bằng Hán văn thì bằng một kiểu viết nhảy nhót, múa lượn màu mè được gọi là thư pháp. Ta thấy rằng có sự chệch choạc trong việc treo chữ để làm sang này. Người ta treo chữ “Tâm” vì trong đời sống họ đang thiếu nó trầm trọng. Còn việc treo chữ “Nhẫn” là một việc thừa. Ngày nay để sống còn thì ai mà không nhẫn, thậm chí nhẫn đến vô giới hạn. Việc nghe mãi “Chúng tôi tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi” hết ngày này qua ngày khác cũng là một biểu hiện của đức nhẫn.

Chẳng có gì bí mật!

Cái khẩu hiệu như một công án thiền kia có hàm ý gì khác ngoài nỗi khiếp nhược!

Cái khẩu hiệu đó dần dà in dấu thật sâu đậm lên đời sống con người, rõ nhất là lên ngôn ngữ hằng ngày người ta sử dụng. Nó được tận dụng trong mọi trường hợp khả thể.

“Tôi tiếp tục khẳng định chủ quyền mọi nốt ruồi trên thân thể vợ tôi, đó là điều không thể tranh cãi.” Ví dụ vậy.

Hoặc “Em tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi ở cái bộ phận gieo giống của anh, nó là tài sản của em chứ không phải của nhân dân.” Chẳng hạn.

Những động từ như “tiếp tục”, “khẳng định”, “không thể/có thể”, “tranh cãi”, và danh từ “chủ quyền” được dùng với tần số nhiều hơn gấp nhiều lần trước kia. Tuy nhiên, một điều ngỡ như chuyện cà rỡn ấy mà nó lại cho ta một nhận thức thật rõ ràng, rằng:

“Ta tiếp tục khẳng định chủ quyền trên sinh mệnh của ta là điều không thể tranh cãi. Chúng mày đừng hòng lăm le xâm phạm vào nó.”

 

(Còn tiếp)

 

 

———————————-

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021