thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NHỮNG CHI TIẾT CẦN ĐƯỢC LÀM RÕ TRONG LÝ LỊCH TRÍCH NGANG CỦA MỘT CON NGƯỜI [chương 15]

 

Đã đăng: [chương 1] - [2] - [3] - [4]
[5] - [6] - [7] - [8] - [9] - [10]
[11] - [12] - [13] - 14]

15.

 

Tôi đã không thực hiện được lời thề báo thù cho Em Lăn sau khi ném nó vào bô rác. Tối hôm đó, khi về nhà, tôi thấy bầy mèo ngoan hiền quấn quít bên vợ tôi như thể không có chuyện gì xảy ra. Nàng ôm ấp, trìu mến, nâng niu chúng, gọi chúng là “con”. Tôi hiểu rằng nàng đã bị chúng lừa, và mình không thể nào thuyết phục nàng đâu là sự thật. Tôi hiểu rằng mình không thể làm tan nát trái tim nhân hậu của nàng, không thể nào tự tay vặn cổ từng con mèo như lời thề tôi đã nung nấu, không thể nào ra tay giết hại chúng để trả thù cho Em Lăn. Thỉnh thoảng tôi thấy ánh mắt tinh quái của chúng ném về tôi, giễu cợt và khinh thường, và khi thấy tôi sắp nổi khùng thì chúng quay đi, rúc vào lòng nàng tìm sự che chở.

Vài ngày sau, lũ mèo trở lại những sinh hoạt bình thường. Khi thấy thái độ của tôi bớt đi căm uất thì chúng lại quấn quít bên tôi như mọi khi. Trí nhớ của chúng không lưu giữ bi kịch như trí nhớ của con người.

Đời sống trôi chảy. Lòng tôi nguội lạnh. Giơ đôi tay ra trước mặt, nhìn ngắm hai bàn tay chưa từng sát hại một sinh linh nào ngoài những con ruồi mà tôi đã đặt tên để trút nỗi căm giận, thì tôi hiểu ra sự hèn kém và bất lực của mình. Sự hèn kém và bất lực không chỉ ở việc thiếu những phản ứng lẽ ra phải có ngoài xã hội, mà còn ở dưới mái nhà của chính mình. Tôi không ra đời để giết. Tôi cũng không ra đời để thương yêu. Tôi chỉ là hiện thân của một sinh vật chứa đầy những phức cảm ngẫu nhiên, tức thời, và nhu nhược.

Ban đầu, tôi nghĩ chắc dần dà mọi chuyện sẽ nguôi ngoai theo thời gian và tôi sẽ bơ bơ mà sống. Nhiều lúc tôi có cảm giác rằng mọi chuyện là không thực, cái bi kịch của Em Lăn, và của tôi, là không có thực; mọi chuyện chỉ là một cơn ác mộng, sẽ qua nhanh, khi thức giấc thì mọi chuyện sẽ trở lại y nguyên như trước: tôi sẽ nói lại được tiếng người, tôi sẽ nói lại suôn sẻ, những từ ngữ sẽ hiện ra rõ ràng và trật tự trong não tôi. Từ não, tín hiệu sẽ gởi lệnh cho các cơ quan môi, lưỡi, thanh quản, khí quản... và những cơ quan này sẽ thực hiện mệnh lệnh chính xác, nhịp nhàng. Các từ ngữ sẽ không còn líu quíu dính vào nhau như trước. Tôi sẽ sống bình tĩnh. Vợ tôi sẽ sống bình tĩnh. Tôi sẽ hát cho vợ tôi nghe những bài hát cũ. Đời sống sẽ trở lại tình trạng bình thường như trước khi có Em Lăn. Tôi sẽ vẽ vời, làm thơ, viết nhạc, và đi bù khú, nhậu nhẹt với bè bạn. Vợ tôi sẽ bớt dần âu lo. Đời sống sẽ là những gì trước mặt, và tôi sẽ không ngoái nhìn lại những gì đã qua.

Nhưng không phải vậy. Nhưng không thể vậy. Tôi nhớ Em Lăn ghê gớm. Tôi liên tục rơi vào trạng thái trầm cảm. Có cố gắng đến mấy thì tôi cũng không thể điều khiển được hình ảnh trong những giấc mơ. Cuối giấc mơ là hình ảnh cái xác bèo nhèo của Em Lăn nằm giữa phòng, còn bầy mèo thì đi vòng quanh nó trong cái nghi thức man rợ, điên rồ kia.

Có nhiều đêm tôi thấy mình ngồi xuống cái ghế trên sân thượng, rót ly rượu, đốt tẩu thuốc, rồi Em Lăn lăn đến chào tôi, cạ mình vào chân tôi, trò chuyện với tôi, nhậu với tôi.

Những đêm đó tôi không thể ngủ. Tôi miên man nghĩ về điều này: con người không thể điều khiển được trí nhớ của mình, nhưng loài mèo thì làm được điều đó. Trí nhớ con người ghi lại điều tốt lẫn điều xấu. Trí nhớ xấu sẽ làm nên những cơn ác mộng mà gã người không thể quên, không thể xoá đi dù cố gắng đến mấy. Càng cố gắng xoá thì chúng càng bám chặt và xuất hiện thường xuyên hơn. Trí nhớ của những cá nhân gộp chung lại sẽ thành ký ức của một cộng đồng, một dân tộc. Người ta có thể giả mạo lịch sử của dân tộc nhưng không thể giả mạo và tẩy xoá ký ức của dân tộc. Nó sẽ ám ảnh và đè nặng lên tâm hồn của mỗi con người, sẽ tác động lên số phận của mỗi con người, như chúng tôi phải chịu những lời nguyền độc.

Tôi nhiều lần tự hỏi: Em Lăn đã nghĩ gì khi quyết định bước xuống căn phòng dưới nhà, lãnh địa của bọn mèo kia, và tử địa của nó?

Tất nhiên, đó là một hành vi tự sát, nhưng vì sao? Vì sao nó lại tự sát? Nó đã bị hành hạ, và lúc ấy nó đang bị say thuốc vì đã bị đầu độc, nhưng dường như nó đang có những dấu hiệu hồi phục phần nào cơ mà. Tình thế đâu đến nỗi tuyệt vọng. Hay tôi đã chủ quan mà cho rằng nó tự sát? Hay là nó bước xuống đó chỉ vì muốn làm hoà với lũ mèo kia? Muốn trở thành một thành viên trong cái cộng đồng mèo kia, và nó đã lầm? Tôi không hiểu. Tôi không thể hiểu. Nhưng tôi biết rằng nếu tôi không xuống kịp thì lũ mèo chẳng những chỉ giết nó thôi mà chúng sẽ ăn thịt nó. Chúng sẽ ăn thịt nó, mỗi đứa sẽ chia nhau ngấu nghiến ăn một miếng thân thể nó cho tới hết. Chúng sắp sửa làm điều đó. Tội ác và trách nhiệm về cái chết của nó sẽ được chia đều cho từng con.

Có phải tội ác cũng như đau khổ, khi được chia thành nhiều phần cho cả bọn tham gia thì mỗi cá nhân sẽ thấy mình ít chịu trách nhiệm mà dễ sống hơn chăng?

Tôi không hiểu. Tôi không thể hiểu.

Chương vẫn chưa về. Không khí trong nhà nặng nề và im vắng. Tôi không thể bày tỏ điều gì với vợ tôi. Nàng cũng vậy. Nàng lạnh như một tảng băng. Hai con người đi ra đi vào lặng lẽ bên cạnh một bầy mèo tinh quái.

Em Lăn chết, khả năng về ngôn ngữ của loài mèo và tính mèo trong tôi không chết theo nó. Tuy vậy, tôi vẫn hiểu nhưng không trò chuyện được với lũ mèo trong nhà như trước. Tôi thì thầm, không hiệu quả. Tôi gào lên meo meo, ngao ngao, grrừ grrừ như đã từng nói, nhưng bọn mèo cứ trơ trơ như không nghe thấy gì, chúng xem những lời tôi nói như những âm thanh vô nghĩa. Tôi không biết phải chăng chúng thật sự không hiểu tôi hay chúng đang giả vờ không hiểu. Hay chúng đang chơi một trò cân não với tôi?

Để quên lãng đi thực tại, tôi bắt đầu vẽ những bức tranh mới. Một trong những bức mới là chân dung của chính tôi. Trong lúc vẽ đôi khi tôi có lại cái cảm giác cũ, tôi thấy mình là con người duy nhất còn sống, còn thở trên trái đất này như tôi đã thấy trước đây. Với tôi, nó không chỉ là bức chân dung, mà nó là câu chuyện tôi muốn kể về tôi, là tiểu sử của tôi, là cuộc đời tôi, là lý lịch của tôi.

Những tay an ninh theo dõi tôi nay đã biến mất. Những con chó ngao cũng biến mất. Chúng không còn theo dõi tôi. Tôi ngờ rằng mình đã nhầm, đã lú lẫn, đã huyễn tưởng về sự có mặt của chúng trong một giai đoạn khủng hoảng. Nhưng những khi hoang mang, tôi cầm cái áo cũ còn hằn vết chân chó sau lưng lên nhìn, đọc lại những e-mail trao đổi qua lại với Đuôi Nghèo, tôi tự hỏi: lẽ nào chưa từng có ai theo dõi tôi, chưa từng có ai hành hung tôi? Tôi còn giữ cả những tấm ảnh tôi chụp Đuôi Nghèo và đồng bọn cơ mà.

 

*

 

Tôi nhắn tin hẹn Chình ra quán nhậu ở bờ kè. Tôi định kể lại mọi chuyện: chuyện đời mình và chuyện Em Lăn. Tôi định sẽ đưa cho Chình xem những tấm hình tôi chụp Em Lăn và Đuôi Nghèo còn lưu trong thẻ nhớ của máy ảnh, và cho gã xem bức chân dung tôi tự hoạ.

Tôi đi bộ đến quán trước, mang theo bức tranh nhỏ gói trong giấy báo, chờ chừng 10 phút thì Chình tới.

Tôi nói, cố gắng diễn giải với Chình một cách khó khăn, tôi chỉ có thể nói từng từ một, Chình kiên nhẫn lắng nghe.

“Chúng-ta-sống-trong-một-đất-nước-mang-một-lịch-sử-bị-tẩy-xoá-liên-tục, lịch-sử-bị-xâm-chiếm, bị-lạm-dụng, bị-đồng-hoá-bởi-huyền-sử, dã-sử-và-những-trò-dối-trá, và-khi-sống-trong-cái-môi-trường-tệ-hại-đó-thì-mỗi-chúng-ta-cũng-mang-một-lý-lịch-bị-tẩy-xoá-không-ngừng, ngay-cả-tiểu-sử-của-ông-Hồ, ông-lãnh-tụ-đã-khai-sinh-ra-cái-thể-chế-này, cũng-là-một-mớ-bòng-bong-được-ngụy-tạo. Tôi-ước-gì-mọi-người-ý-thức-và-sửa-đổi-điều-đó, một-cách-chân-thật, làm-rõ-lại-mọi-chuyện, làm-rõ-lại-lý-lịch-của-mình, nguồn-gốc-của-dòng-họ-mình, của-dân-tộc-mình. Chỉ-có-sự-thật-mới-mang-lại-một-khởi-đầu-mới-cho-tương-lai. Khả-năng-làm-người-của-chúng-ta-bị-thoái-hoá-quá-rồi. Việc-quen-sống-với-sự-giả-dối-làm-lương-tri-của-chúng-ta-bị-bào-mòn, bị-mất-phản-ứng, bị-tê-liệt. Chúng-ta-hèn-nhược-quá. Chúng-ta-dối-trá-với-mọi-người-chung-quanh, rồi-dối-trá-với-cả-chính-mình. Chúng-ta-tự-huyễn! Không-thể-tiếp-tục-như-vậy-nữa. Chúng-ta-phải-đối-diện-và chấp-nhận-sự-thật. Chúng-ta-phải-thay-đổi-để-làm-lại-từ-đầu. Phải-thật-sự-thay-đổi-chứ-không-thể-giả-vờ-để-đối-phó-với-tình-huống, để-tạm-thời-thích-nghi-với-hoàn-cảnh...”

Chình ngắt lời tôi, có vẻ như gã không còn kiên nhẫn nghe tôi nữa. Chình nói. Gã nói theo kiểu giống y như tôi nói, từng từ được rặn ra dính liền với nhau, tiếng nói bết lại thành một chuỗi âm thanh nhão nhoẹt.

“Ông-nói-lung-tung-quá. Đéo-ra-cái-chó-gì-cả! Hãy-kể-cho-tôi-nghe-về-cuộc-đời-và-những-sự-kiện-mà-tôi-quan-tâm-cho-cuốn-tiểu-thuyết-đi...”

“Sao-ông-lại-nói-năng-ngọng-nghịu-như-vậy? Ông-chế-giễu-tôi-à?”

“Không-không-đâu! Tôi-phát-hiện-ra-rằng-chỉ-những-kẻ-còn-chút-lương-tri, trong-đôi-lúc-nói-thật-lòng-mình-thì-mới-nói-ngọng-nghịu-như-vầy. Vì-sao-ông-hiểu-không? Vì-chúng-ta-còn-biết-hổ-thẹn! Khắp-cả-đất-nước-này,và-không-ít-bọn-người-Việt-ở-hải-ngoại-cũng-vậy, chúng-nó-hư-hỏng-cả-rồi! Chúng-nó-nói-những-điều-dối-trá-trơ-tráo-một-cách-trơn-tru-lưu-loát. Cái-Việt-tộc-này-hỏng-rồi! Ông-tưởng-bọn-nó-ngu-lú-khi-phát-ngôn-những-điều-ngớ-ngẩn-ngu-ngơ-trên-mọi-diễn-đàn-mọi-nơi-mọi-lúc-khi-chúng-có-thể-như-vậy-sao?...”

Ngừng lời giây lát, Chình nhìm chằm chằm vào mắt tôi.

“... Không, không, không-đâu. Chính-bọn-mình, chính-những-đứa-xem-mình-là-trí-thức, là-thủ-đắc-trí-tuệ, mới-là-những-thằng-ngu. Và-ngây-thơ! Chúng-đâu-có-nói-những-điều-hoa-mỹ-tươi-đẹp-về-đất-nước-này, và-về-chúng, cho-mình-nghe! Mình-đâu-phải-là-đối-tượng-mà-chúng-nhắm-tới! Đối-tượng-mà-chúng-nhắm-tới-là-80-triệu-người-còn-lại-kia-kìa...”

“... Chúng-đâu-có-tin-vào-những-điều-chúng-nói, nhưng-chúng-làm-cho-chừng-7-người-trong-10-người-tin-chúng, hay-hoang-mang-không-biết-đâu-là-sự-thật, rồi-bị-cơm-áo-gạo-tiền, nhà-cửa-xe-cộ-cuốn-đi, những-nhu-cầu-vật-chất-trước-mắt-cuốn-đi-không-ngừng, không-kịp-ngưng-nghỉ-để-suy-xét, để-hành-động, thế-là-chúng-còn-tồn-tại-dài-lâu, là-chúng-thành-công-lớn-rồi...”

“... Khi-đó-vấn-đề-không-còn-là-sự-thiểu-năng-về-trí-tuệ-nữa, mà-là-sự-thiểu-năng-ở-phạm-trù-đạo-đức, ở-phạm-trù-nhân-cách...”

“... Ở-PHẨM-HẠNH-CỦA-CON-NGƯỜI!”

“HUMAN DIGNITY!”

“... là-thứ-xa-xỉ-mà-đâu-mấy-ai-quan-tâm-hay-thấy-cần-thiết!”

“VÀ-BỌN-XU-NỊNH-BƯNG-BÔ-THÌ-NHIỀU-VÔ-SỐ!”

“... Ngày-xưa, trong-thế-kỷ-trước, bọn-nghệ-sĩ, bọn-mạo-danh-nghệ-sĩ, bọn-văn-nô, tranh-nhau-xây-dựng-hình-tượng-các-lãnh-tụ, các-lãnh-đạo, bằng-những-hình-ảnh-ngời-sáng-lẫm-liệt-chói-loà-như-những-con-tàu-rẽ-sóng-đưa-đất-nước-đến-bến-bờ-vinh-quang, sánh-vai-và-vượt-qua-thế-giới-như-những-đấng-anh-hùng-cái-thế...”

“... Ngày-nay-cái-công-thức-đó-sáo-mòn-và-lỗi-thời-rồi. Phải-có-chiêu-thức-khác. Ông-biết-là-gì-không? Đéo-biết-phải-không?”

“... LÀ-BỤT! LÀ-PHẬT!”

“... LÀ PHẬT! ÔNG-HIỂU-CHƯA? LÀ-PHẬT!”

“... CHÚNG-CỐ-GẰNG-BIẾN-NHỮNG-ĐỨA-HAI-TAY-RÒNG-RÒNG-MÁU-NGƯỜI-THÀNH-NHỮNG-ÔNG-PHẬT-ĐẦY-LÒNG-NHÂN-ÁI, ĐẦY-ĐỨC-TỪ-BI-HỈ-XẢ!”

“... ĐỤ-MẸ-CHÚNG-NÓ! NHỮNG-THẰNG-VĂN-NÔ-LẺO-LỰ-BIẾN-BÁO...!”

Chình gầm lên. Thực khách ở những bàn chung quanh quay lại nhìn chúng tôi. Chình mặc kệ. Tôi biết gã đã lên cơn. Cơ thịt ở khoé môi của Chình giật lên bần bật. Bàn tay Chình run rẩy cầm ly bia, vụng về đưa lên miệng.

“... Chỉ-có-những-đứa-ngu-hay-ngây-thơ-mới-tiên-đoán-rằng-cái-thể-chế-này-sẽ-sụp-đổ-trong-3-năm, 5-năm, hay-10-năm. Không, không-đâu... Vấn-đề-không-ở-thời-gian-bao-lâu, mà-là-ở-việc-có-sự-kiện-gì-hay-không. Nếu-không-có-những-sự-kiện-gì-đáng-kể, thì-nó-sẽ-vẫn-còn-tồn-tại, thậm-chí-tồn-tại-đến-cả-100-năm-nữa...!”

Chình hạ giọng, nói tiếp, cân nhắc từng từ một, vẫn miên man, ngây ngất, mắt long lên hoang dại sau tròng kính.

“... Ông-cứ-nhìn-đời-sống-văn-nghệ-lâu-nay-thì-biết. Cả-một-thực-trạng-xã-hội-chìm-lún-và-be-bét-như-trước-mắt-mà-có-mấy-đứa-trình-bày, thể-hiện-ra-được-bằng-tác-phẩm-cho-xứng-đáng-đâu?”

“Nhiều-phần-là-chúng-đang-làm-một-thứ-văn-nghệ-chiều-chuộng-ve-vuốt-cảm-xúc, thứ-chữ-nghĩa-nông-cạn-và-không-chịu-trưởng-thành.Thảng-hoặc-có-đứa-nói-đến-thời-cuộc-thì-lại-gào-thét-bằng-giọng-cao-đạo, lên-gân, và-tục-tĩu... đéo-chạm-được-đâu-vào-đâu...!”

“... Nhất-bọn-nhà-thơ! Nhiều-phần, không-xu-thời-đớn-hèn-thì-lại-là-bọn-tự-kỷ. Bọn-phô-diễn-kỹ-năng-đẽo-gọt-chữ-nghĩa-để-biến-những-vết-trầy-xước-chút-chút-trong-đời-thành-những-nỗi-đau-lấp-la-lấp-lánh-như-đồ-hàng-mã, như-đồ-trang-kim...!”

“TRONG-ĐÓ, CÓ-CẢ-TÔI-VÀ-ÔNG!”

“... Biết-vậy, nhưng-rồi-mình-phải-làm-cái-gì-đây? Đéo-làm-gì-cả!”

“... Thảm-hơn, đéo-biết-phải-làm-gì-cả!”

Tôi định nói điều gì để ngăn, hay làm giảm, cơn kích động của Chình, nhưng chưa kịp nói thì gã khoát tay.

“... Ông-im-đi. Ý-của-ông-đéo-có-gì-hay-ho, để-tôi-kể-ông-nghe-chuyện-này. Ông-biết-không, ở-cái-làng-quê-mà-mẹ-tôi-đi-tản-cư-năm-ấy, người-ta-chặt-đầu-hai-người-thanh-niên, chỉ-vì-hai-người-này-vào-thị-trấn-làm-thợ-may, họ-may-đồ-cho-lính-và-công-chức. Cái-nhà-mà-mẹ-tôi-theo-ông-bà-ngoại-tôi-về-ở-nhờ, cách-cái-cây-điệp-mà-họ-bị-hành-quyết-chỉ-chừng-mươi-lăm-mét. Hai-người-thanh-niên-ấy-mẹ-tôi-đều-biết, họ-thường-ghé-ngang-mua-bia-con-cọp-về-uống. Họ-không-chết-ngay, người-ta-không-để-cho-họ-chết-ngay-mà-bắt-họ-chết-từ-từ-nên-chặt-không-đứt-hẳn-cổ. Họ-không-la-được-mà-chỉ-kêu-lên-những-tiếng-khọt-khọt-khọt-khọt-khò-khè-suốt-cả-đêm, vậy-mà-cả-ấp-không-ai-dám-ra-xem-sao. Mẹ-tôi-thức-khóc-ri-rỉ-vì-cái-âm-thanh-kỳ-cục-đó-suốt-cả-thời-gian-mấy-tháng-mang-thai-tôi, thì-ông-thấy-có-ghê-không?”

“... Mà-ông-biết-vì-sao-mẹ-tôi-khóc-không? Vì-một-trong-hai-người-bị-giết-ấy-là-cha-của-tôi, cha-của-tôi, cha-của-tôi, cha-của-tôi, ông-hiểu-không...?”

“... Ba-năm-sau, mẹ-tôi-lấy-dượng-tôi, rồi-ông-này-cũng-chết, lẽ-ra-bà-cũng-chia-cái-chết-với-ông-ấy-vì-hai-người-ngủ-chung-trên-một-tấm-phản. Ông-dượng-tôi-là-thương-phế-binh-cộng-hoà, cụt-một-chân, chỉ-còn-có-một-chân-trái. Khuya-đó, một-trái-đạn-rớt-ngay-trên-tấm-phản-khi-bà-vừa-ra-ngoài-đi-đái. Bà-bị-hất-văng-ra-ngoài-vườn, ngất-đi, còn-ông-thì-nát-bét-không-còn-miếng-xương-thịt-nào. Kỳ-một-điều-là-trên-mặt-tấm-phản-cháy-đen-thui-còn-chừa-một-khoảng, in-nguyên-hình-một-người-cụt-chân-nằm-trên-đó. Mẹ-tôi-không-chịu-vất-tấm-gỗ-ấy-đi-mà-dựng-nó-úp-mặt-vào-vách-suốt-mấy-năm, cho-mãi-tới-khi-dọn-nhà-về-sài-gòn... Ông-hiểu-chưa? Bây-giờ-ông-muốn-nói-gì-nữa-thì-nói-đi... lý-lịch-của-tôi-thiếu-những-chi-tiết-đó-vì-chẳng-bao-giờ-tôi-khai-ra...”

Chình ngừng lại, rót bia vào hai ly.

“Bây-giờ-thì-tôi-sẽ-im. Đến-phiên-ông-nói-đó. Tôi-cho-ông-20-phút. Kể-tôi-nghe-cuộc-đời-ông-cho-tới-lúc-này-đi.”

Tôi kể.

Tôi thấy mình đang nói với Chình về bất cứ ý nghĩ nào vừa bật ra trong đầu. Những ý nghĩ bắn vùn vụt như điện xẹt. Đầu tôi muốn vỡ tung. Tôi nói. Tôi nói rù rì nhưng không dứt. Chình chăm chú, im lặng lắng nghe, nhưng tôi biết gã không thể hiểu những gì tôi nói. Gã hoàn toàn không hiểu. Tôi quên luôn việc cho gã xem bức tranh để dựa vào chân bàn.

Chiều tắt nắng trên con kênh Nhiêu Lộc. Giờ cao điểm. Nhìn lên dốc cây cầu mới xây, xe cộ đang dồn ứ, tắt nghẽn.

Sau cùng, Chình đứng dậy bắt tay tôi. Tôi không nghe Chình nói gì, chỉ hiểu rằng gã muốn chào từ biệt. Chình đi.

Trước đó, tôi từng nghĩ rằng, với sự mẫn cảm của một nhà văn, Chình sẽ là người có thể thấu hiểu và cảm thông với tôi, nhưng bây giờ tôi biết không phải thế. Tôi đã thất bại. Đời của Chình cũng khốn nạn không kém gì đời tôi. Gã là kẻ cuối cùng mà tôi muốn gặp lúc này, nhưng rồi cũng hỏng bét. Tôi sẽ không còn tìm được một ai khác có thể chia sẻ.

Tôi không muốn về nhà lúc này. Ở đó, những con chó ngao không đang chờ tôi. Vợ tôi không đang chờ tôi. Bi kịch, hài kịch không đang chờ tôi. Lúc này tôi chưa sẵn sàng để về. Tôi nghĩ vậy. Tôi chưa thể bắt đầu học lại cách làm một con người như tôi đã từng là.

Đèn đường bật sáng, soi thứ ánh sáng mụ mị vào dãy cửa hàng sáng loáng. Bỗng dưng tôi nhớ mẹ ghê gớm. Tôi rơi nước mắt. Tôi thấy bà trong căn nhà cũ, lụi cụi may vá dưới ánh đèn dầu. Tôi nghe tiếng bà thì thầm với anh em tôi về người cha lưu lạc giang hồ, về mọi chuyện mà tôi đã thắc mắc về ông mà chưa được biết, về dòng dõi của bên nội, dòng dõi của bên ngoại. Về gia phả của anh em tôi.

Tôi gọi trả tiền, cắp bức tranh, bước ra đường, đi về hướng xóm cũ, xóm đạo Ông Tạ.

Như mọi lần gặp đau khổ trong đời, tôi mơ hồ thấy rằng đi về nơi đó, đứng dưới cái cột đèn nhìn xéo qua căn nhà cũ, nơi mẹ tôi từng ngồi, khấn với bà về nỗi khốn khó của mình thì lòng tôi sẽ nguôi ngoai.

Tôi bước mải miết. Tôi ước gì mình có thể bay. Tôi nhón chân nhảy lên và thấy mình hiện ra trong khung kính của một cửa hàng bên đường.

Tôi thấy một thằng người lơ ngơ, bệ rạc và bất lực.

Chẳng ai thấy tôi, ngoài tôi. Trong tôi dấy lên nỗi thương cảm và căm ghét mình vô hạn. Tôi không chịu nổi gương mặt của mình, nó quá khác với gương mặt trong bức chân dung mà tôi hình dung ra, tôi mơ ước thành, bức chân dung mà tôi muốn vẽ về lý lịch của mình. Vì thế, tôi chẳng cần giữ cái gương mặt ấy lại làm gì nữa.

Chẳng cần phải giữ cái gương mặt ấy lại làm gì nữa!

Đi ngang qua cây cầu nhỏ, tôi vung tay ném bức tranh xuống dòng nước bên dưới. Những tờ báo gói nó tuột dây, bung ra, bay chầm chậm. Bức tranh nhẹ bổng, chao liệng, rơi sấp mặt xuống mặt nước, bồng bềnh giây lát rồi chìm mất.

Tôi lầm lũi bước tiếp. Ngang qua một cửa tiệm khác, tôi lại thấy mình hiện ra trong kính. Tôi ngó mình giây lát, rồi cúi xuống nhặt hòn đá, ném. Tấm kính vỡ toang. Gương mặt tôi trong đó vỡ toang.

Tiếng chân, tiếng người la chói lói. Tôi bị xô chúi. Tôi bị lôi đi. Nhiều cú đấm đá trút xuống. Tôi che mặt, đỡ đòn. Tôi ngất.

 

*

 

“Ông Lãng, chúng tôi biết rõ, biết rất rõ, ông là ai, ông làm gì... Vì vậy, tốt hơn hết là ông hãy khai đi. Đồng bọn của ông đã khai hết rồi. Ông Phạm Đáp Ngư đã khai. Ông Lê Quý Chình cũng đã khai. Cả mấy ông thi sĩ, hoạ sĩ kia cũng đã khai. Họ khai hết về ông rồi. Chỉ còn có mình ông thôi...”

“Meo-meo...? Khai-gì?”

“Ông đã ngồi đây hơn một giờ rồi. Tôi rất kiên nhẫn với ông. Trước sau gì thì chúng tôi cũng phải làm việc với ông. Những biểu hiện, thái độ của ông ngày càng gây khó khăn cho chúng tôi...”

“Meo-meo-meo-meo...”

“Ông đừng giả điên! Đừng chơi trò mèo với tôi! Chúng nó, đồng bọn của ông đã khai ra tổ chức của các ông, chúng khai hết rồi... Ông không che giấu được cho chúng đâu...”

“Meo...?”

“Tôi lập lại lần cuối. Ông đừng giả điên với tôi. Ông đủ thông minh để hiểu rằng không thể che giấu với chúng tôi, không thể chống lại chúng tôi, không thể qua mặt chúng tôi... Cơ sở của các ông ở đâu? Ai chỉ đạo? Ai gởi tiền cho các ông hoạt động? Mục đích phá hoại của các ông như thế nào?”

“Cơ-sở-gì? Tiền-gì? Meo meo meo...?”

“Đụ má, tao đập chết mẹ mày bây giờ...! Khai...! Khai ngay... Không khai bằng miệng thì phải viết ra... Hiểu chưa?”

Hai tờ giấy và cây bút được ném lên bàn, trước mặt tôi.

“Khai...! Đụ má, đừng tưởng có thể giả điên với tụi tao! Tờ này là bản tường trình sự việc. Tờ này là tờ khai lý lịch. Hai tiếng nữa tao quay lại là phải có, phải xong.”

“... Mày tin không? Tao đập chết mẹ mày ngay bây giờ. Không có ai cứu mày đâu. Chẳng những chỉ có mày thôi mà tao sẽ nghiền nát vợ mày, con mày, cháu mày, chắt mày, tình nhân mày, bồ bịch mày, mèo mày, chó mày... Mày hiểu chưa? Thằng phản động!”

“... Bọn tao sẽ làm cho bất cứ thứ gì mà mày đụng tay vào, dính líu tới mày, đều biến thành cứt.”

“... Thành cứt. Từ bây giờ, đời mày là cứt! Mày hiểu chưa?”

Gã xô ghế, bước ra khỏi phòng.

Tôi tần ngần. Phải viết cái gì đây. Phải khai cái gì đây. Bắt đầu với tờ nào trước?

Tôi đã khai hàng trăm tờ như thế này trong nhiều dịp khác nhau. Tôi đã khai, như hàng chục triệu người trên đất nước này đã khai, như hàng triệu người Việt ngoài đất nước này đã khai, như những thế hệ của ông tôi, của cha tôi, của tôi, của con tôi, của cháu tôi, của chắt tôi, đã khai và sẽ khai.

Chúng tôi phải khai lý lịch để xin việc làm, để mua gạo, để mua nhu yếu phẩm, để xin cấp giấy tuỳ thân, để xin đăng ký kết hôn, để xin nhập hộ khẩu, để xin cắt hộ khẩu, để xin đăng ký tạm trú, để xin đăng ký tạm vắng, để xin khai sanh cho con, để xin khai tử cho mẹ, để xin cấp hộ chiếu, để thi bằng lái xe, để xin nhập ngũ, để xin xuất ngũ. Chúng tôi phải khai lý lịch để xin vào đoàn, để xin vào hội phụ nữ, vào hội phụ lão, vào hội ngư dân, vào hội nông dân, vào hội nhà văn, vào hội mỹ thuật, vào hội âm nhạc... Và vào đảng...

Ừ, đã phải khai lý lịch để vào đảng thì có phải khai lại để xin ra đảng không nhỉ? Có đứa nào phải khai lý lịch để xin ra đảng hay không nhỉ? Tôi chưa từng thấy.

Ai cũng cần phải có và phải nhớ lý lịch của mình, thậm chí lý lịch của mọi người trong gia tộc mình. Tôi không phải là ngoại lệ.

Nó bảo sẽ đập chết mẹ mình nếu mình không khai. Mẹ mình thì đã chết rồi, nhưng còn vợ mình, con mình, thì sao? Thì sao? Thì sao?

Tôi cầm bút lên, bắt đầu rị mọ từng chữ, khai lại lý lịch của mình.

 

(còn tiếp)

 

 

-------------

Đã đăng:

... Tao sẽ báo thù cho mày. Tao thề! Tao sẽ giết hết chúng nó. Bọn thủ ác đã gây ra cái chết của mày. Sẽ giết thằng Đuôi Nghèo. Sẽ giết 14 con mèo trong nhà. Sẽ đốt rụi cả cái thế giới điên dại này thì tao mới hả giận. Vĩnh biệt! Vĩnh biệt! Vĩnh biệt!... (...)
 
... Tui đã tranh thủ để được kết nạp, bắt đầu phải như vậy. Muốn leo cao thì phải vào đảng, phải đạp lên đầu tụi nó mà leo tiếp. Mấy đứa tui quen nói rằng việc giết người được bắt đầu từ việc giết một con vật, rồi sẽ quen. Chuyện gì rồi cũng do thói quen, từ việc kéo cò súng cho tới đâm dao vào thân thể của kẻ khác... (...)
 
... Tôi mở cổng, hồi hộp bước ra đường, tôi sợ sẽ thấy điều mình đã tưởng tượng. Không, không có xác con mèo nào treo ngoài cổng. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Người giao báo sáng chạy trờ tới, định ném vào sân thì thấy tôi, cậu ta trao tôi tờ nhật báo. Tôi thấy ánh mắt cậu ta nhìn tôi soi mói. Sao ai cũng nhìn tôi như vậy?... (...)
 
... Tôi sắp xác ruồi thành từng hàng, rồi đặt tên cho từng con theo một thứ tự bất kỳ. Tên chúng là những kẻ mà tôi chán ghét. Những nhân vật này đều có từ văn chương và lịch sử Trung Quốc, từ thời Chiến Quốc, Tam Quốc cho tới hiện đại. Chúng là Tào Tháo, Đổng Trác, Tần Thuỷ Hoàng, Tần Cối, Mã Viện, Thoát Hoan, Sầm Nghi Đống, Ô Mã Nhi, Liễu Thăng, Tống Giang... rồi tới Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình... Cái tên sau cùng là Tập Cận Bình... (...)
 
... “Kính chào đồng bào, đồng bào nghe tôi nói rõ không? Kính chúc đồng bào một đêm yên lành trong không khí hừng hực hào hùng kỷ niệm 40 năm mùa xuân chiến thắng, thống nhất đất nước.” Vợ tôi tắt ti-vi. Nàng bực dọc ném mạnh cái điều-khiển-từ-xa lên ghế xa-lông rồi vào phòng ngủ. Tôi thấy mình thương vợ ghê gớm... (...)
 
... Vợ tôi buông tôi ra, ngồi bật dậy, lùi vào góc giường. Trong thứ ánh sáng đổi màu, mờ ảo ma quái, nàng ngó tôi trân trối. Tôi làm sao vậy? Tôi nhận ra đêm nay là thời điểm của một sự thay đổi kinh khủng trong cuộc đời mình: TÔI ĐANG ĐÁNH MẤT KHẢ NĂNG NÓI TIẾNG NGƯỜI. TÔI NÓI BẰNG TIẾNG MÈO!... (...)
 
... Một chiều nọ, tôi đi nhậu với ba người bạn văn nghệ... Cả bọn hẹn nhau ở một quán nằm trên một con đường nhỏ trong khu Tân Sơn Nhất. Trước khi đi, tôi đứng trên ban-công, thấy cái đuôi đang đứng lơ ngơ nhìn trời nhìn đất ở cuối đường... (...)
 
... Một sáng nọ, vợ tôi ra lượm tờ báo Tuổi Trẻ mà chúng tôi đặt dài hạn vừa được người ta ném vào sân, thì nàng thấy cái hộp giấy nằm dưới gốc cây mận, loại hộp đựng giày, ngoài nắp hộp có mảnh giấy được ràng vào hộp bằng dây thun, trên giấy ghi tháu và to, bằng bút lông đen, 4 chữ: “Thằng chó, liệu hồn!”... (...)
 
... Dừng xe dưới cột đèn đầu hẻm, men bia tan nhanh. Tôi trực diện với một thứ tình cảm kỳ dị: tôi nhớ cái đuôi. Tôi trực diện với một phức cảm kỳ dị mới cảm nhận được: không có cái đuôi, cuộc đời trở nên tẻ nhạt, thậm chí vô nghĩa. Cái đuôi có một ý nghĩa đặc biệt mà không ai thay thế được... (...)
 
... “Mày làm sai. Mày là thiên lôi, chúng nó chỉ đâu mày đánh đó, bất kể đúng sai. Sao mày không chịu khó suy nghĩ một chút. Mình đang mất nước! Hiểu không? Đừng nói là để nhà nước lo. Mày thấy mọi chuyện đang xảy ra có lạ không, có đúng không? Mày có thấy sai trái và bất công không? Mày có thấy bọn con ông cháu cha nó sống đế vương thế nào không? Không chỉ bất công cho mọi người, bất công cho cả mày nữa đó!” Tôi nói và hỏi dồn dập... (...)
 
... Suốt ngày, tôi bức bối, lồng lộn. Tôi có cảm giác mình không còn là một con người, mà là con thú bị dồn đuổi vào góc chuồng. Tôi gầm gừ muốn cắn vào cổ họng ai đó. Chẳng có ai. Chỉ có vợ và lũ mèo. Tôi không tự cắn vào cổ họng của mình được. Tôi đứng trước gương giơ tay ra huơ múa, chân tôi vẫn dính vào mặt đất, tôi thấy đôi mắt đỏ kè của mình đang long lên sòng sọc. Tôi sắp điên!... (...)
 
... Có thể ví dụ về sự nổi tiếng của tôi như thế này: nếu một tay trong cái đám từng là lãnh đạo đất nước này qua đời thì tôi tin chắc rằng hắn có thể có một quốc tang rình rang trọng thể, nhưng hắn sẽ không được người dân biết đến hay nhớ đến nhiều hơn là cái chết, vì một tai nạn lãng xẹt, như nhậu xỉn té xuống ao chẳng hạn, của tôi... (...)
 
... Tuy nhiên tôi không hài lòng lắm về cái tiểu sử buồn tẻ của đời mình. Khi nào có hứng, tôi sẽ vẽ — vẽ chứ không viết — vẽ lại nó với những nét chấm phá theo ý mình. Ờ, mà hãy nhìn lại lịch sử xem nào, đâu phải tôi là kẻ duy nhất có ý muốn vừa đi đường vừa tán nhảm về cuộc đời lộng lẫy của mình?... (...)
 
... Tôi có một kho tàng chuyện tiếu lâm đen trong bụng để kể làm mọi người cười lăn chiêng. Tôi có khả năng nhái giọng rất giống. Trong vài giây tôi có thể hoá thân thành kẻ khác, từ ông lãnh tụ cao vời đã khuất núi cho tới tay lãnh đạo hãnh tiến đương thời, biến các nhân vật ấy thành những thằng hề ngốc nghếch. Không có tôi thì đời buồn tênh... (...)

 

———————————-

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021