thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NHỮNG CHI TIẾT CẦN ĐƯỢC LÀM RÕ TRONG LÝ LỊCH TRÍCH NGANG CỦA MỘT CON NGƯỜI [chương 11]

 

Đã đăng: [chương 1] - [2] - [3] - [4]
[5] - [6] - [7] - [8] - [9] - [10]

11.

 

Tôi tò mò tìm xem mấy cuốn phim ngoại quốc về hiện tượng những người nuôi nhiều mèo, thường là phim kinh dị. Mèo ở khắp nơi, hàng đàn hàng lũ gào lên thê thiết quanh ngôi nhà hoang phế, thấp thoáng chìm trong ánh trăng. Kết thúc cuốn phim thường là một tai nạn, thậm chí còn hơn một tai nạn: một bi kịch. Con người bị đám mèo ăn thịt. Nếu con người không bị mèo giết thì cũng trở nên điên loạn. Nhân vật trong phim nào cũng giống nhau, cũng bước lững thững, miệng meo meo, ngao ngao dưới trăng. Luôn luôn dưới ánh trăng.

Tôi thấy mình khác với họ. Họ nuôi mèo vì lòng thương yêu loài vật này hay vì những lý do bất thường nào khác, như thể họ chọn lựa một thế giới khác, để từ bỏ thế giới loài người. Tôi thì khác. Tôi không thể chọn lựa. Tôi không có sự chọn lựa. Tôi tình cờ bị đẩy vào thế giới của mèo, rồi từ việc khiên cưỡng chấp nhận thì dần dà tôi vui với hoàn cảnh đó. Tôi thấy mình đồng đẳng với chúng chứ không cao hơn chúng.

Tôi quan tâm đến tương lai loài mèo, tương lai của lũ mèo trong nhà tôi. Tôi lên mạng tìm đọc những thông tin có liên quan đến mèo và những loài tương cận rồi thấy rằng nhận thức của con người về chúng còn quá nông cạn và thiếu sót. Con người chỉ hiểu phần nào về những vấn đề về sinh học của mèo mà chưa hiểu chút nào về phần tâm hồn, về đời sống tâm linh của chúng.

Nhìn bề nổi, người ta thấy điều quan trọng nhất trong cuộc sống c ủa mèo là vấn đề lương thực và sinh hoạt tình dục để duy trì và phát triển giống nòi. Nhưng thật ra thì đâu chỉ có thế.

Tôi đau đáu trăn trở với vận mèo. Tôi thiết tha không chỉ với tiếng ngao ngao động tình hằng đêm trên mái ngói; không chỉ với khẩu phần mà hằng ngày vợ phân phát cho tôi, và cho chúng. Không chỉ với đầu tôm, xương cá.

Tính mèo trong tôi càng ngày càng tiến triển, và cùng lúc là tính người giảm thiểu đi theo chiều ngược lại. Tôi không kiểm soát được điều đó. Nó không phải là một lựa chọn. Nó xảy ra như một tất yếu.

Meo meo meo meo, ngao ngao ngao, grrừ grrừ... là tất cả những gì tôi muốn chia sẻ với con người.

Tôi nối kết với thế giới bằng internet trên laptop và chiếc điện thoại di động. Tôi đọc tin, theo dõi mọi diễn biến trong thành phố, trong nước, trên thế giới. Tôi biết hết mọi chuyện đang xảy ra. Nhưng tôi không nói chuyện với ai nữa. Tôi cúp máy, không trả lời bất cứ ai gọi đến. Tôi không gọi điện cho ai, chỉ trả lời mọi người bằng cách nhắn tin. Tôi viết statuscomment đều đặn trên Facebook để duy trì sự hiện hữu của mình trên thế giới ảo, và gởi e-mail khi cần thiết trao đổi với những người tôi quý. Tôi không gặp, không tiếp một ai, tránh mặt với tất cả, và không post hình của mình lên Facebook như trước.

Tôi vẫn theo dõi tình hình thời cuộc, xem tin tức trên internet, nhưng không còn nhiều cảm xúc như trước. Những người bạn từng cùng nhau trăn trở về thời cuộc trước đây thấy tôi không còn mặn mà gì nên cũng lánh dần. Bạn bè gọi điện trách cứ, tôi cúp máy. Những cuộc biểu tình bị giải tán, dẹp tan, tôi mặc kệ. Mọi người phẫn nộ vì chính quyền Khựa mang giàn khoan đâm cắm ngoài khơi, tôi mặc kệ. Tôi quan sát thấy không chỉ riêng mình tôi buông bỏ, mà có nhiều người khác cũng buông bỏ. Họ buông bỏ vì chán ngán và bất lực. Tôi buông bỏ vì tôi tách dần ra khỏi thế giới con người. Tôi buông bỏ vì mèo. Nhân sĩ của Việt tộc đau đáu trăn trở và mơ làm cách mạng vì vận nước, để thay đổi vận nước, tôi mặc kệ. Tôi không còn quan tâm đến tương lai đất nước này sẽ đi về đâu, thậm chí tương lai nhân loại đi về đâu.

Tôi không viết ca khúc nữa. Giai điệu và ca từ không còn thôi thúc, ám ảnh tôi như trước. Chúng không giúp tôi bày tỏ, diễn đạt hết những điều tôi nghĩ. Những ý nghĩ nảy ra trong đầu tôi ngày càng trở nên phức tạp. Tôi thấy thoải mái, dễ dàng hơn khi trình bày chúng bằng màu sắc và đường nét, tôi vẽ. Hằng ngày, ngoài việc sinh hoạt với lũ mèo, thì tôi vẽ. Chán vẽ trên toan, tôi vẽ trên bất cứ vật liệu nào mà tôi bắt gặp. Trên các mảnh lu gốm vỡ. Trên các loại chai lọ sành sứ mà tôi nhặt được hay bạn bè gởi tới.

Tôi vẽ bất cứ điều gì hiện ra trong đầu bằng nhiều bút pháp khác nhau. Ban đầu tôi hơi nhát tay rồi dần dà vững tin hơn với khả năng của mình. Tôi không theo đuổi một loại đề tài nhất định nào, hứng gì vẽ nấy, khi không có ý gì mới thì tôi hình dung ra một gương mặt bạn bè nào đó để vẽ chân dung họ.

Những người quen yêu thích tranh tôi vẫn tiếp tục cung cấp toan, màu, dụng cụ cho tôi làm việc. Họ mang vật liệu đến giao cho vợ tôi và nhận tranh từ nàng. Họ xem và mua các tác phẩm mà tôi post hình chụp lên Facebook, với giá vừa túi tiền của họ và đủ nuôi tôi sống lè phè. Tuy thất nghiệp, chúng tôi không cần sự trợ giúp của con trai và cũng chưa tiêu lậm vào số tài sản mà vợ tôi dành dụm được.

Tôi vẽ chán thì chơi đàn, nằm đọc sách, lên mạng vào Facebook đấu hót, và chơi với mèo. Ngoài ra tôi còn một thú vui bí mật khác: bắt ruồi.

Ban đầu tôi không hiểu vì sao tôi lại mê cái trò bắt ruồi. Thật lòng thì tôi không thấy mình có lý do gì để mê trò này, và loài ruồi chỉ làm cho tôi thấy gớm vì sự mất vệ sinh chứ không tới nỗi phát sinh ra cái tình cảm căm ghét. Cả thế giới này phải sống chung với ruồi, cả đất nước này sống chung với ruồi từ bao nhiêu đời nay mà có sao đâu. Việt Nam là xứ nhiệt đới, nơi loài ruồi có môi trường sống tuyệt hảo, nhưng những xứ khác cũng nhiều ruồi đâu kém, châu Phi chẳng hạn. Tôi từng qua những vùng mà ruồi bu kín khi người ta vừa dọn bữa ăn lên. Với những vùng này, ruồi không chỉ bay quanh, bu bám trên mâm cơm thôi, mà chúng còn vần vũ trong nhưng cơn mộng của con người. Sài Gòn có nhiều ruồi nhưng so với những vùng ở miền Trung thì chẳng thấm vào đâu. Vậy mà, với tôi, việc diệt ruồi đã từ một ý thức vệ sinh biến thành một nỗi khoái cảm từ lúc nào chẳng hay. Trước, tôi cầm cái vỉ đập ruồi bằng nhựa đi lòng vòng trong nhà để săn ruồi, thấy con nào đang đậu, tôi rón rén quất một phát, nó tan xác. Giờ, tôi không cần cái vỉ nữa. Tôi dùng tay. Vung tay, quạt một cái nhanh như chớp là con ruồi nằm gọn trong lòng bàn tay. Tôi luyện được kỹ năng này nhuần nhuyễn. Tôi không bắt trật con nào. Con ruồi vừa bay lên là tay tôi vừa tạt tới, trúng phóc. Tôi dắt một cái bao ny-lon vào lưng quần để đựng xác ruồi. Tôi bóp nhẹ một cái là vừa đủ cho con ruồi chết nhưng không làm xác nó nát ra, rồi thả vào bao đựng.Khi không còn thấy tăm hơi con nào nữa thì tôi mang bao ra đổ xuống một góc nhà. Tôi bắt không sót một con ruồi nào mà tôi nhìn thấy. Sau khi trút bao, xác ruồi nằm lấm tấm la liệt nơi góc ấy. Tôi ngồi xổm ngó, kiểm tra xem có con nào còn sống không. Lúc nào cũng có Em Lăn kề bên tôi, cùng làm việc với tôi. Nó là đối thủ cạnh tranh ráo riết với tôi trong trò chơi này. Nó bắt ruồi bằng hai chân trước với những kỹ thuật nhuần nhuyễn không kém đôi tay của tôi. Nó vồ bằng hai chân cùng một lúc, và tát bằng một chân, trái hoặc phải. Nó còn hơn tôi ở sự nhanh nhẹn và nhẹ nhàng. Đang đứng, có con ruồi bay ở phía sau, nó tung người lên không, quay ngoắt lại, tạt chân, con ruồi đã văng xuống đất, bật ngửa, chỏng gọng, những cái chân đưa lên trời ngo ngoe, xoay xoay vài vòng rồi nằm im. Các động tác của Em Lăn nhanh gọn như xảy ra cùng lúc. Nó đưa chân trước khều khều con ruồi, con nào còn nhúc nhích thì nó nhấn chân một cái đủ mạnh cho chết hẳn, rồi meo lên một tiếng. Hành vi này làm tôi liên tưởng đến tay đạo tỳ gõ chiêng cái “boong” khi đưa tiễn linh hồn thân chủ về miền cực lạc, hay tay hồ lì bảo con bạc cất tay khi giở chén tài xỉu. Em Lăn còn có thêm một thứ vũ khí: cái miệng. Tôi cũng có miệng nhưng không thể táp ruồi như nó. Người ta thường nói “chó ngáp phải ruồi” để ám chỉ kẻ may mắn mà bất xứng với sự may mắn của hắn. Em Lăn thì không ngáp, nhưng cú táp của nó nhanh như điện xẹt. Táp xong được con nào, nó nhè con đó ra chứ không nuốt, rồi khều tôi, bảo tôi nhặt xác bỏ vào bao.

Tôi sắp xác ruồi thành từng hàng, rồi đặt tên cho từng con theo một thứ tự bất kỳ. Tên chúng là những kẻ mà tôi chán ghét. Những nhân vật này đều có từ văn chương và lịch sử Trung Quốc, từ thời Chiến Quốc, Tam Quốc cho tới hiện đại. Chúng là Tào Tháo, Đổng Trác, Tần Thuỷ Hoàng, Tần Cối, Mã Viện, Thoát Hoan, Sầm Nghi Đống, Ô Mã Nhi, Liễu Thăng, Tống Giang... rồi tới Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình... Cái tên sau cùng là Tập Cận Bình. Luôn luôn, sau cùng là tên của một tay tổng bí thư cộng sản Tàu. Không khó hiểu khi những cái tên Tàu ghi đậm ấn tượng nhất. Chúng đã ăn sâu vào tiềm thức của tôi, và của hầu hết người Việt, tôi nghĩ vậy. Chiều dài lịch sử Việt Nam gần như là một cuộc đối kháng để sống còn, dài và liên tục, với Hán tộc từ phương Bắc. Tôi sắp chúng theo thứ bậc và độ phản phúc và tàn ác của chúng với một trật tự bất kỳ, có khi tên này trước, có khi lại là sau, có khi vì quên mà tôi bỏ sót, nhưng luôn luôn bắt đầu bằng một con nào đó và kết thúc bằng con Mao hay con Tập. Em Lăn luôn luôn đồng ý với những quyết định của tôi.

Có một buổi chiều cuối tuần, như mọi khi, tôi bị chặn cửa. Sau khi đi lòng vòng bắt ruồi từ dưới bếp, sang phòng khách, sang phòng ngủ, sang phòng làm việc, lên sân thượng, thì tôi kịp dừng tay lại khi sắp thả một con ruồi vào miệng. Thả vào miệng chứ không vào cái bao như mọi khi. Tôi muốn ăn nó! Tôi muốn nếm cái vị thịt của ruồi! Tôi muốn cảm nhận sự nhúc nhích của nó trong miệng, trên đầu lưỡi, giữa hỗn hợp nước bọt, của mình. Đó là sự thôi thúc của một thứ bản năng tăm tối, không cưỡng được. Tôi kịp dừng tay khi sắp sửa thả con ruồi vào cái miệng đang hả lớn chờ. Trước đó một giây tôi thấy con ruồi còn sống, thấy nó ngo ngoe những cái chân và hai cánh. Tôi nhón tay nhặt nó lên. Nó là con ruồi to cộ đứng đầu bảng: con Mao.

Một bầy ruồi đông hàng tỷ con bay vần vũ trong đầu tôi. Một bầy ấu trùng sắp thành ruồi đông hằng tỷ con bò ngo ngoe, lúc nhúc trong đầu tôi. Tôi thấy chúng có dạng giòi trắng, thứ giòi trắng dưới hố xí. Tôi oẹ khan, khạc nhổ liên hồi. Tôi lấy tay cào cổ cho đến lúc cổ họng tôi sắp rách. Tôi quỵ xuống, hoa mắt, choáng váng. Tôi chưa biết phải làm gì, thì từng con ruồi bay ra khỏi đầu tôi. Từng con giòi bò ra khỏi đầu tôi. Thời gian trôi chậm chạp hằng thế kỷ.

Tôi lấy chổi và cái xúc rác ra quét dọn xác lũ ruồi, đổ vào thùng rác. Nhìn hai bàn tay, một nỗi gớm tởm dấy lên làm tôi lợm giọng: hai tay tôi, cả thân thể tôi, nhung nhúc vi trùng mang đủ thứ mầm bệnh từ xác ruồi bò sang. Chúng rúc rỉa từ da, vào thịt, vào xương, vào nội tạng, vào mọi nơi trên thân thể tôi. Vào linh hồn tôi.

Tôi rửa tay thật kỹ bằng xà-phòng. Xoè rộng bàn tay ra, tôi kỳ cọ từng đốt tay, từng kẽ tay, giữa các ngón, dưới móng, trên cổ tay, giữa khuỷu tay. Tôi lấy bàn chải mềm chà từng chút tỉ mẩn cho tới khi da tôi trở nên bỏng rộp. Tôi cởi đồ, vào bồn tắm, mở vòi nước nóng đến gần phỏng da. Hơi nước bốc ngùn ngụt. Tôi đổ dầu tắm lên người, kỳ cọ, kỳ cọ, kỳ cọ. Đổ dầu gội lên đầu, tôi gụt giặt, chà xát tóc và da đầu. Tôi đánh răng thật kỹ. Tôi lo lắng khi thấy những vết ố vàng ở giữa những kẽ răng do nhựa khói thuốc bám. Lâu nay tôi bỏ thuốc lá, rồi hút lại, đổi sang hút tẩu. Tôi quyết định sẽ đi nha sĩ ngay khi có thể.

Tôi đứng trước gương nhìn cái thằng người trong đó. Tôi giơ hai tay ra trước, xoa theo chiều kim đồng hồ rồi theo chiều ngược lại, rồi dang hai tay ra theo tư thế thể dục chim bay cò bay. Tôi nặng nề, nặng nề y như lúc trước thời kỳ biến đổi từ người thành mèo. Tôi vẫn không nhẹ nhàng cất người bay lên như mọi khi. Chân tôi vẫn chạm đất.

Tôi lau người rồi thay áo quần sạch. Tôi vào phòng làm việc, đóng cửa lại, mặc kệ con Em Lăn đang cào chân lên cửa đòi theo vào. Tôi thay toàn bộ drap trải giường và áo gối mới, rồi nằm xuống.

Chuyện gì đang xảy ra với mình vậy? Ngực tôi đau nhói. Tôi khó thở. Tôi vật vã. Tôi nằm trăn trở cho tới khuya.

 

(còn tiếp)

 

 

-------------

Đã đăng:

... “Kính chào đồng bào, đồng bào nghe tôi nói rõ không? Kính chúc đồng bào một đêm yên lành trong không khí hừng hực hào hùng kỷ niệm 40 năm mùa xuân chiến thắng, thống nhất đất nước.” Vợ tôi tắt ti-vi. Nàng bực dọc ném mạnh cái điều-khiển-từ-xa lên ghế xa-lông rồi vào phòng ngủ. Tôi thấy mình thương vợ ghê gớm... (...)
 
... Vợ tôi buông tôi ra, ngồi bật dậy, lùi vào góc giường. Trong thứ ánh sáng đổi màu, mờ ảo ma quái, nàng ngó tôi trân trối. Tôi làm sao vậy? Tôi nhận ra đêm nay là thời điểm của một sự thay đổi kinh khủng trong cuộc đời mình: TÔI ĐANG ĐÁNH MẤT KHẢ NĂNG NÓI TIẾNG NGƯỜI. TÔI NÓI BẰNG TIẾNG MÈO!... (...)
 
... Một chiều nọ, tôi đi nhậu với ba người bạn văn nghệ... Cả bọn hẹn nhau ở một quán nằm trên một con đường nhỏ trong khu Tân Sơn Nhất. Trước khi đi, tôi đứng trên ban-công, thấy cái đuôi đang đứng lơ ngơ nhìn trời nhìn đất ở cuối đường... (...)
 
... Một sáng nọ, vợ tôi ra lượm tờ báo Tuổi Trẻ mà chúng tôi đặt dài hạn vừa được người ta ném vào sân, thì nàng thấy cái hộp giấy nằm dưới gốc cây mận, loại hộp đựng giày, ngoài nắp hộp có mảnh giấy được ràng vào hộp bằng dây thun, trên giấy ghi tháu và to, bằng bút lông đen, 4 chữ: “Thằng chó, liệu hồn!”... (...)
 
... Dừng xe dưới cột đèn đầu hẻm, men bia tan nhanh. Tôi trực diện với một thứ tình cảm kỳ dị: tôi nhớ cái đuôi. Tôi trực diện với một phức cảm kỳ dị mới cảm nhận được: không có cái đuôi, cuộc đời trở nên tẻ nhạt, thậm chí vô nghĩa. Cái đuôi có một ý nghĩa đặc biệt mà không ai thay thế được... (...)
 
... “Mày làm sai. Mày là thiên lôi, chúng nó chỉ đâu mày đánh đó, bất kể đúng sai. Sao mày không chịu khó suy nghĩ một chút. Mình đang mất nước! Hiểu không? Đừng nói là để nhà nước lo. Mày thấy mọi chuyện đang xảy ra có lạ không, có đúng không? Mày có thấy sai trái và bất công không? Mày có thấy bọn con ông cháu cha nó sống đế vương thế nào không? Không chỉ bất công cho mọi người, bất công cho cả mày nữa đó!” Tôi nói và hỏi dồn dập... (...)
 
... Suốt ngày, tôi bức bối, lồng lộn. Tôi có cảm giác mình không còn là một con người, mà là con thú bị dồn đuổi vào góc chuồng. Tôi gầm gừ muốn cắn vào cổ họng ai đó. Chẳng có ai. Chỉ có vợ và lũ mèo. Tôi không tự cắn vào cổ họng của mình được. Tôi đứng trước gương giơ tay ra huơ múa, chân tôi vẫn dính vào mặt đất, tôi thấy đôi mắt đỏ kè của mình đang long lên sòng sọc. Tôi sắp điên!... (...)
 
... Có thể ví dụ về sự nổi tiếng của tôi như thế này: nếu một tay trong cái đám từng là lãnh đạo đất nước này qua đời thì tôi tin chắc rằng hắn có thể có một quốc tang rình rang trọng thể, nhưng hắn sẽ không được người dân biết đến hay nhớ đến nhiều hơn là cái chết, vì một tai nạn lãng xẹt, như nhậu xỉn té xuống ao chẳng hạn, của tôi... (...)
 
... Tuy nhiên tôi không hài lòng lắm về cái tiểu sử buồn tẻ của đời mình. Khi nào có hứng, tôi sẽ vẽ — vẽ chứ không viết — vẽ lại nó với những nét chấm phá theo ý mình. Ờ, mà hãy nhìn lại lịch sử xem nào, đâu phải tôi là kẻ duy nhất có ý muốn vừa đi đường vừa tán nhảm về cuộc đời lộng lẫy của mình?... (...)
 
... Tôi có một kho tàng chuyện tiếu lâm đen trong bụng để kể làm mọi người cười lăn chiêng. Tôi có khả năng nhái giọng rất giống. Trong vài giây tôi có thể hoá thân thành kẻ khác, từ ông lãnh tụ cao vời đã khuất núi cho tới tay lãnh đạo hãnh tiến đương thời, biến các nhân vật ấy thành những thằng hề ngốc nghếch. Không có tôi thì đời buồn tênh... (...)

 

———————————-

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021