thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NHỮNG GHI CHÉP Ở TẦNG THỨ 14 [chương 14b]

 

Đã đăng: [chương 1-2] - [3] - [4] - [5][6]
[7][8] - [9] - [10][11] - [12] - [13] - [14]

 

14.

(tiếp theo)

 

Đối diện trường trung học công lập, cách một con đường, là bệnh viện tỉnh. Một dãy nhà thấp san sát nhau, được quét vôi màu xanh dương, là phòng khám; ngang hông là khu sản, cách chừng 30 mét phía sau lưng là nhà xác. Thị trấn không có bệnh viện quân đội nên thương binh đều được chở về đây sơ cứu trước khi chuyển sang bệnh viện quân đội ở tỉnh, còn tử sĩ thì chở thẳng vào nhà xác.

Lễ đã nhiều lần chứng kiến cảnh vợ con lính đến chờ tin và nhận xác chồng, xác cha, sau những cuộc hành quân. Có những lần xe xác về vào đúng giờ ra chơi, nghe tiếng còi xe cứu thương ré lên, cả trường đổ xô ra đứng sau hàng rào nhìn qua bệnh viện. Vợ con lính đứng lô nhô phía bên kia. Nhiều người tấm tức khóc. Ai cũng lộ vẻ mệt mỏi và lo lắng. Có nhiều bà dắt theo lủ khủ một bầy con, đứa bồng, đứa đứng lòng thòng bê bết mũi dãi.

Chiều nào xe xác về cũng vậy. Hai chiếc GMC phủ bạt từ từ chạy đến, dừng lại trước thanh chắn cổng. Người cảnh sát gác cổng luống cuống, loay hoay mở thanh chắn. Hình như vào những lúc ấy ông ta cũng xúc động khác với lúc bình thường. Máu từ trên thùng xe nhỏ giọt xuống hai bên hông xe thành những vệt đỏ bầm, chuyển dần sang màu nâu, thấm nhanh xuống mặt đất. Đám thân nhân ùa vào cổng, mặc cho người cảnh sát xua tay ngăn giữ. Xe chạy vào khu nhà xác. Vài người lính nhảy xuống, bắt đầu chuyển những gói poncho [1] bọc xác người vào bên trong. Đám đông đổ xô lại lao nhao tìm xác người thân, tới lúc này tiếng than khóc mới vỡ oà ra.

Thường thì tin người thân tử trận đến trước khi gia đình nhận được giấy báo tử. Lễ cố tìm xem có ai quen trong đám người không, rồi tự hỏi có bao giờ mẹ con mình sẽ chen chân với họ. Lễ tưởng tượng nếu mẹ đi nhận xác cha thì bà sẽ như thế nào. Nếu họ mang xác cha về thì nhà mình sẽ phải làm những thủ tục gì, chôn ông ở đâu? Có nên chôn ông ở nghĩa trang dưới chân đồi, kế bên cậu Khương cho ông có bạn? Cái nghĩa trang này mở lớn thật nhanh. Những ngôi mộ còn tươi màu đất mới mọc lên san sát giống những chân nấm kỳ dị sau mưa. Chúng chỉ là những nấm đất với tấm bảng gỗ sơn danh tính người chết cắm ở một đầu, bia mộ chưa kịp dựng.

Bạn của cha chết nhiều, khắp mọi mặt trận, tuần nào cũng có tin về. Có người vừa ghé nhà chơi, xuống bếp phụ mẹ làm gà, làm lươn, nấu đồ nhậu trong tuần trước, tuần này đã có tin tử trận. Bàn nhậu và chiếu bạc xì-phé của cha liên tục mất dần những tay chơi.

Chú Song, chết.

Chú Quyền, chết.

Chú Lương, chết.

Chú Bảo, nghe nói đã cưa chân. Chân nào vậy?

Những ông lính trẻ măng, thường là những người vừa ra khỏi quân trường, được điều về đơn vị của cha. Họ vừa xoa đầu, lì-xì cho chị em Lễ hôm mồng hai tết, thì chưa hết tháng giêng họ đã không còn nguyên vẹn thân thể. Người mang được xác về. Người nằm lại, phân huỷ, tàn rữa, ở một cánh rừng hay chân đồi nào đó. Người nằm viện chờ được cắt bỏ một phần thân thể.

Bạn của cha có cả những người lính Mỹ, số phận của họ cũng không khác. Ông thiếu tá tuyên úy Samson đi phép về Mỹ, khi trở qua mang đến tặng mẹ một chiếc dù hoa và chị em Lễ mấy hộp kẹo có in hình Giáng Sinh. Ông từng chở chị em Lễ vào căn cứ trong thị trấn cho nha sĩ khám răng. Trực thăng của ông trúng đạn đâm vào chân núi Chứa Chan, nổ tan tành. Ông có kịp hiểu nghĩa của Chứa Chan, tên của nơi mà mình sẽ rời bỏ trần thế?

Cha nói, “Chứa Chan là chán chưa. Giờ, chắc ổng chán rồi, nên đi!”

Hey, Samson, rest in peace!” [2]

 

*

 

Chiến tranh có nhiều gương mặt khác, không chỉ là gương mặt của bom đạn. Thỉnh thoảng, Lễ thấy người ta áp giải những người tình nghi hay cán bộ Việt cộng về đồn An ninh Quân đội ở trước mặt nhà. Những người đàn ông hai tay bị trói thúc ké sau lưng, mắt bịt kín. Mẹ nói họ bị giam ở đó để điều tra trước khi chuyển đi nơi khác.

Đồn An ninh là mục tiêu thường xuyên bị tấn công. Ông thiếu tá Hà là đồn trưởng. Ông là người thứ ba, được điều về đây sau hai người tiền nhiệm bị giết. Xe jeep [3] của người đồn trưởng trước ông bị trúng một quả đạn ở chân đèo Mẹ Bồng Con, chết cả hai vợ chồng. Đầu ông Hà được bên kia treo giá cả chục lượng vàng.

Cha mẹ Lễ than thầm rằng đã họ sai lầm khi chọn nhầm ngôi nhà ở vị trí này, vô tình dễ trở nên nạn nhân của đạn lạc.

Không chỉ là nỗi lo đạn lạc. Nhiều hôm Lễ nghe tiếng rú thét từ sau hàng thép gai trong đồn. Ban đầu Lễ tưởng mình nghe nhầm, có lẽ là tiếng của một loài thú nào đó, nhưng sau Lễ biết là không phải tiếng thú, mà là tiếng người — những tiếng thét đau đớn lướt trên đầu vạt cỏ lau trắng ngọn, vọng sang. Khoảng cách không đủ xa để không phải nghe tiếng người nương theo gió. Người ta đang tra tấn tù nhân. Nếu cha có ở nhà, ông sẽ đưa cả nhà đi đâu đó, cho tới khi nghĩ rằng cuộc thẩm vấn đã kết thúc thì mới về. Sự im lặng sau đó thật nặng nề. Khí quyển quánh lại ngột ngạt. Lễ có cảm giác như mình đang chờ một tiếng thét khác cất tiếp lên, như một lưỡi dao chém xuống, xé rách sự tĩnh lặng.

Mặt mẹ tái đi, nhợt nhạt. Mỗi khi xúc động môi mẹ giật nhè nhẹ. Mẹ quỳ xuống trước tượng Chúa treo trên vách. Chúa chịu được sự đau đớn của chính mình, nhưng Chúa có chịu được những tiếng thét đau đớn của con người không? Riêng mẹ thì không. Mẹ chịu không nổi thứ hình phạt dành cho người khác như thế này.

“Giê-su lòng lành, xin tha cho linh hồn con yếu đuối! Xin đừng bắt con phải chịu hình phạt này, Chúa ơi!”

 

*

 

Trước cổng đồn có một cây phượng lớn, hoa đỏ rực rỡ. Kế gốc phượng là lô-cốt xây bằng bê-tông và đá tảng; những lỗ châu mai được đặt súng trung liên hườm sẵn. Lô-cốt đầy vết đạn sứt sẹo.

Trong những năm qua, Lễ chứng kiến 4 người lính bị giết trong lô-cốt này trong nhiều cuộc tấn công. Có người bị bắn tỉa từ bên kia rừng cao-su khi đang ăn cơm. Tay bắn tỉa thiện xạ. Chỉ một phát một. Thần chết tình cờ đi ngang, hất đổ cái cà-mèn, tiện tay phạt ngang xé toang cổ anh lính. Có lần đặc công cắt dây thép gai, bò vào đến tận nơi thả lựu đạn vào lỗ châu mai. Có lần B40 thổi bay mất một góc lô-cốt, những thanh sắt cháy cong queo, bao cát sụp xuống lấp mất lối vào. Khi moi được ra, cái xác không còn nguyên vẹn, chốc chốc những người đang đào bới lại đưa ra được một phần thân thể, một cẳng tay hay khúc chân tươm tước, thịt róc tận xương, không khác những miếng thịt được bày trên sạp thịt trong chợ. Những người lính nhặt xác mặt đỏ gay, đưa chai rượu trắng lên miệng nốc rồi phun ra phì phì cho át mùi tử khí.

Ngày nào những người lính gác lô-cốt cũng thắp hương cúng, cầu sao hôm đó được bình an qua phiên gác; chân hương cắm chi chít trên bao cát chống đạn trông như một ngôi miếu nhỏ bên đường.

 

*

 

Ông Hà sang nhà, nhỏ nhẹ điều đình với cha mẹ Lễ, xin cho lính sang dẹp trống khoảnh vườn để Vi-xi [4] không lợi dụng làm chỗ ẩn núp. Cha Lễ đồng ý. Mẹ tiếc công lao trồng các loại cây ăn trái đã đến kỳ thu hoạch. Lính dùng dao rựa đốn sạch cây ăn trái rồi xịt thuốc diệt cỏ. Khi vét con mương cho thông đường nước thải, họ moi lên nhiều xương người nằm bên dưới. Không biết là xương của ai, chết khi nào, ai chôn. Những mảnh xương đen bủn, rã mục. Không phải xương chỉ của một người. Những gì còn lại của con người là như thế đó sao?

Người ta đoán đó là xương của những người phu đồn điền cao-su làm cho Tây, chết từ mấy chục năm trước. Họ dồn hết mớ xương vào một cái quách nhỏ, mang ra nghĩa địa chôn. Ông Hà bảo vong hồn những người chết đã đi cả đoàn về báo mộng với ông, lạnh lẽo và rách rưới; họ trách ông sao phá dỡ nhà của họ, làm họ đói lạnh quá, không còn nơi cư ngụ. Ông sợ, bày mâm cúng ma.

Những đêm mưa dầm, từ trong nhà nhìn ra thửa vườn, Lễ thường thấy những đốm lân tinh lập loè di chuyển thật nhanh trên vạt cỏ ướt. Lễ sợ rúm người, nhưng có một lực hút kỳ lạ cứ khiến Lễ phải đau đáu nhìn hoài, mắt dính chặt vào những đốm sáng ẩn hiện không dứt dưới bầu trời lằng ngoằng những ánh chớp, nỗi ám ảnh như một thứ cơn nghiện.

 

*

 

Cô Quyên bé xíu, chỉ nhỉnh hơn các nữ sinh một chút. Nếu cô không mặc áo dài màu, mà mặc áo dài trắng hoặc xanh thì chắc không ai nghĩ rằng cô là giáo sư trung học, họ sẽ lầm cô với một nữ sinh đệ nhị, đệ nhất. Cô chỉ mới ra trường sư phạm đầu năm nay và được phái về dạy ở thị trấn này. Cô thuê nhà trong khu cư xá, gần nhà Lễ, ở chung cùng hai cô giáo khác. Có hôm cô rủ mấy đứa học trò nữ, có Lễ nữa, về nhà đi chợ, dạy các em nấu bún thang.

Cô dạy cho lớp hát những bài dân ca hay nhạc thiếu nhi cùng lúc với những bài hát lạ không có trong chương trình. Những bài phản chiến. Từ hồi năm rồi, cha và mấy người bạn của ông cũng thích nghe những bài này qua máy đĩa hơn là những bài nhạc về yêu đương do mấy cô Thanh Thúy hay Phương Dung hát mà trước đây họ thường nghe. Giọng cô ca sĩ buồn rũ rượi. Dường như bài mà mọi người thích nhất là bài “Gia tài của mẹ”. [5] Lễ cũng muốn khóc khi nghe:

“... hai mươi năm nội chiến từng ngày

Gia tài của mẹ

Để lại cho con

Gia tài của mẹ

Là nước Việt buồn...”[5]

Cô Quyên không hát hay như ca sĩ Khánh Ly. Cô hát mộc, không có dàn nhạc đệm theo, nhưng nghe buồn thê thiết. Những ca từ mang hình ảnh chiến tranh lập đi lập lại trong đầu Lễ không nguôi dứt, gắn liền với thực tại tàn khốc.

“Đại bác đêm đêm dội về thành phố...”[5]

Lễ ít nghe được tiếng đại bác. Thường thì tiếng bom dội rền từ ngoài núi. Nhưng hầu như đêm nào cũng nghe tiếng pháo kích sau hồi còi báo động. Nhà có hai cái hầm trú. Một hầm nổi ở dưới bếp, được chất bao cát và thanh sắt chung quanh. Và một hầm chìm được đào sau hè. Khi có pháo kích, hầm nào gần thì tiện chân xuống ngay hầm đó.

“... người chết hai lần / thịt da nát tan...”[5]

Lễ tận mắt thấy người chết một lần, là chết như cậu Khương. Như thế nào là chết hai lần?

Lễ thấy chiếc xe tăng gầm rú bò qua con đường đất, kéo theo sau 3 cái xác gần như trần truồng, dây thừng cột vào cổ tay, lê lết. Lễ nghĩ rằng người ta cần phải dừng xe lại ngay, vì những cánh tay sắp đứt rời ra khỏi thân người rồi. Nhưng xe vẫn chạy. Mấy con chó chạy theo xa xa sủa vu vơ.

Lễ thấy những xác của khách đi xe đò bị mìn, nằm đắp chiếu bên đường, cạnh chiếc xe lật ngang, cháy trơ khung.

Lễ thấy buổi trưa nắng đổ lửa, người ta chất xác lên xe bò, ông già cầm roi quất con bò như điên, vừa quất vừa hò, con bò lồng lên nhưng trì lại, không chịu bước. Nó hiểu gì mà không chịu đi?

“Nội chiến từng ngày là sao, cô?” Lễ hỏi.

Cô Quyên khựng lại giây lát, đắn đo tìm lời.

“Nội là bên trong, là ở trong. Chiến là chiến tranh. Nội chiến là cuộc chiến tranh xảy ra trong một đất nước, hai bên đánh nhau là người cùng trong một đất nước với nhau. Cuộc chiến tranh hiện nay là một cuộc nội chiến. Ông nhạc sĩ muốn nói vậy.”

“Còn mấy ông Mỹ cũng qua xứ mình bắn nhau thì sao cô?” Thằng ngồi sau Lễ hỏi.

“Họ là người ngoài. Với họ, không phải là nội chiến.”

“Vậy hổng phải là quốc gia mình đánh Cộng nô như người ta nói, hả cô?” Một đứa hỏi.

“Cô không thể trả lời cho mấy em được trong lúc này. Các em, và mỗi người, sẽ có câu trả lời cho chính mình khi đủ lớn khôn để suy xét chín chắn về nó.”

“Việt cộng quăng lựu đạn giết hại dân lành, hả cô? Như quăng lựu đạn ở quán Bảy Nọc làm 3 người chết tháng trước, hả cô?”

“Cô không biết. Các em có thích tập hát bài này không? Nếu thích, chúng ta tiếp tục. Nếu không, mình sẽ tập bài khác.”

“Bài này nghe buồn quá à, cô. Nghe mà muốn khóc!” Một đứa nói.

“Vậy tập bài khác nhé. Bài ‘anh em ta / cùng mẹ cha...’ [6] nhé?”

“Dạ, thích.” Cả lớp đồng thanh đáp.

 

*

 

Trống vào lớp vang lên. Còn hai giờ cuối của buổi chiều là môn văn học của cô Quyên.

Khi nghe những tiếng nổ đầu tiên thì Lễ không tin, vì không thể ngờ rằng lại có cuộc pháo kích vào buổi chiều như thế này. Cát đá bay rào rào trên mái ngói. Một trái đạn nổ ngay ngoài cổng trường. Cô Quyên xua cả lớp nằm xuống đất. Bọn con gái lúc đầu e ngại vì vướng víu áo dài, nhưng khi đạn nổ nhiều thì sợ phát khóc, nằm lăn cả ra, mặc kệ lấm lem. Lễ bắt chước bạn, lấy cặp da che lên đầu. Mùi thuốc súng cháy khét lẹt trong không khí. Tiếng nổ dồn dập, tức ngực. Còi báo động rú lên từng hồi trong tiếng đủ loại súng bắn trả rộ lên.

Không phải chỉ là pháo kích thôi, mà là một cuộc tấn công vào nhiều nơi trong thị trấn rồi. Qua cửa sổ lớp, Lễ thấy khói đen bốc cao ở hướng khu nhà Lễ. Có cháy nhà. Chắc họ đánh vào đồn An ninh. Lễ điếng hồn, giờ này mẹ và Thảnh đang ở nhà. Mẹ ơi, không biết có sao không. Có kịp xuống hầm trú không. Tiếng súng lạ nổ từng tràng một, áp đảo. Lễ biết đó là tiếng A-ka, cha có bày cho Lễ phân biệt các tiếng súng. Tiếng A-ka chát chúa, dữ dằn hơn.

Con Kim nằm kề bên, níu chặt lấy vai Lễ.

Kim nói, “Lễ ơi, tao muốn chạy về nhà quá... Mày đi với tao nghen?” Nhà nó trong khu gia binh, cùng hướng về nhà Lễ. Từ trường, nếu chạy thật nhanh một hơi về nhà, không thẳng theo đường lộ mà men theo bìa rừng cao-su, bọc qua vạt cỏ lau, thì mất chừng 15 phút.

“Tao cũng muốn lắm. Nhưng không được đâu. Trúng đạn chết.”

“Ba má tao không có nhà. Chỉ có hai đứa em tao thôi. Làm sao bây giờ?”

“Tao đâu biết...”

“Tao về đây...” Kim bật dậy, tay ôm cặp, chạy lúp xúp ra cửa lớp.

“Kiiiiimmm... Kiiimmmm!” Cô Quyên lao theo nó.

Lễ thấy hai người chạy băng qua được nửa sân trường thì Kim ngã, cô Quyên bắt kịp, nằm xoài lên người Kim. Cô lôi được tay Kim, kéo nó chạy ngược vào dãy lớp. Vạt áo dài vướng dây kẽm gai Kim rách toang. Cả hai thầy trò lấm lem bụi đỏ. Kim vùng vằng khóc, giọng nó khản đặc. Cả đám con gái khóc theo, đứa gào lên, đứa rấm rức. Lễ lẩm nhẩm đọc kinh.

Tiếng súng lơi dần rồi dứt hẳn. Chắc họ đã rút. Những cây phượng ngoài sân trường bị trúng đạn, cành lá rơi lả tả đầy đất.

Thầy giám thị đi kiểm tra từng lớp. Không ai bị thương, chỉ vài người té ngã trầy trụa. Tan học sớm nhưng thầy cô chưa cho học sinh tự về, chỉ cho những đứa có cha mẹ đến đón. Không có kim chỉ, cô Quyên lấy kim băng cài lại áo rách cho Kim rồi dắt một bầy về cùng đường. Chị Hồng lấy xe mini chở Lễ, chạy loạng choạng tránh chướng ngại vật là cành cây, gạch ngói đầy trên đường.

Kim không đi học. Hôm sau, hôm sau nữa, hôm sau nữa, vẫn không thấy nó. Khi nó đến trường, vành khăn tang trên đầu, vạt áo dài vá víu nhăn nhúm, xấu xí.

“Nếu hôm đó tao về nhà kịp thì...” Kim không khóc, mắt đỏ ngầu nhưng ráo hoảnh. Nó mất giọng, tiếng nói lào khào.

Nhà nó trúng pháo, cháy.

Một đứa em nó trúng miểng đạn, chết.

“Tao ghét cô Quyên...” Kim nói.

Lễ không nghĩ như nó. Lễ nghĩ, nếu Kim về nhà kịp thì chắc nó cũng chết chung với em nó.

Nếu hai chị em chết cùng lúc thì có chôn chung một huyệt không?

 

*

 

Lớp có ba dãy bàn. Nhìn từ trên bục giảng xuống thì dãy bên trái là con trai, dãy bên phải là con gái, còn dãy giữa nửa trên con gái, nửa dưới con trai. Lễ ngồi bìa bàn thứ hai của dãy giữa, kế bên dãy con trai.

Quýt ngồi song song với Lễ, cách một lối đi. Quýt học dốt, rất dốt, không bao giờ được điểm nào khá, chỉ điểm trung bình và tệ, luôn đứng đội sổ ở mỗi cuối tháng. Không hiểu sao nó lại lọt được vào lớp đệ thất 1 này, vốn là lớp khó nhất trong sáu lớp cùng cấp của trường, là lớp có 50 học sinh thi đậu vào trường công lập, những đứa có điểm thi cao nhất trong toàn vùng. Nhà Quýt chắc là nghèo, nhìn kiểu nó mặc đồ là biết, áo quần rộng thùng thình, quần dài phải xắn gấu lên, như mặc đồ khín. Có nhiều hôm Lễ thấy nó bới cơm theo trong lon sữa gui-gô, [7] lầm lũi mang ra ăn ở góc sân. Tính Quýt cộc. Nó lầm lì móc com-pa ra đâm thủng tay thằng Triều khi bị thằng to con này bắt nạt. Từ đó, mọi đứa trong trường đều gờm tuy rằng nó không tỏ ra là dân du côn.

Một hôm, trong giờ ra chơi, thầy giám thị vào lớp dắt tay Quýt, bảo ôm theo cặp-táp, đưa lên văn phòng hiệu trưởng. Vừa ra khỏi cửa lớp thì Quýt vùng chạy. Hai người đàn ông xuất hiện thật nhanh. Một người đá vào chân Quýt làm nó ngã sóng soài. Người kia móc còng ra còng tay nó lại. Cả lớp chạy ra xem.

“Ê, ê... Chuyện gì vậy Quýt?” Có đứa hỏi khi họ dắt nó đi ngang.

“Nói với má tao là tao bị bắt.”

“Sao vậy?”

Quýt không đáp.

Người mật vụ lôi ra trong cái cặp giả da căng phồng của Quýt ra nhiều cuộn giấy in. Truyền đơn của Việt cộng. Họ đưa Quýt ra xe, chở đi mất. Người ta nói rằng, giờ mới biết cha nó tập kết ra Bắc, anh nó bị trực thăng bắn chết trong núi.

Có ai ghé nhà để báo cho má nó biết không?

 

*

 

Buổi học môn văn bắt đầu bình thường sau phần điểm danh. Cô Quyên trả lại bài luận của tuần trước. Hôm nay có buổi thuyết trình của một nhóm năm đứa trong lớp. Mấy đứa đang nắn nót viết nhan đề của bài thuyết trình về một tác phẩm của Tự lực Văn đoàn lên bảng đen, “Anh phải sống”.

Bốn người cảnh sát đến. Họ đứng ngoài cửa lớp với ông giám thị. Ông giám thị ra hiệu mời, cô Quyên bước ra. Sau khi trao đổi vài lời, cô trở vào. Cô nói, giọng nghẹn ngào.

“Các em giữ trật tự. Cô rất tiếc không thể tiếp tục buổi học hôm nay cùng các em. Sẽ có giáo sư khác thay thế cô. Cô rất thương lớp này. Mong rằng chúng ta sẽ gặp lại và tiếp tục học với nhau sớm. Còn nếu không, cô chúc các em may mắn. Cô chào các em.”

Nói xong, cô cầm giỏ bước ra cửa. Một người cảnh sát cầm lấy cái giỏ giật nhẹ. Cô buông tay. Họ đi ra cổng trường.

Cả lớp lao nhao. “Cô Quyên bị bắt!”

Có đứa trong bọn con gái bắt đầu sụt sịt khóc.

“Sao cô bị bắt vậy?”

Một đứa nào đó ra vẻ rành rẽ, “Chắc cổ là Việt cộng.”

...

 

*

 

2012, Lễ sống ở tiểu bang Maryland.

Tất cả mọi người đều đã lần lượt biến mất như họ chưa từng có mặt trên đời sống này. Đầu tiên là cậu Khương. Rồi con Ky. Rồi mợ Viên. Rồi Hồng. Rồi Bửu.

Rồi ông Kỳ, cha của Lễ. Ông đi cải tạo. Khi ông về thì Lễ đã vượt biên khỏi Việt Nam, Lễ đang ở trại tị nạn. Ông bất bình thường, không chịu đi kinh tế mới với vợ dù nhà bị lấy. Mỗi tối ông mang mùng mền ra xa cảng miền Tây ngủ, không chịu ngủ ở nhà. Ông sợ, sợ bị bắt lại trước mặt vợ con. Một buổi sáng nọ người ta thấy ông chết dưới bệ quầy vé.

Rồi bà Thoa, mẹ của Lễ, bà cũng qua đời ở vùng kinh tế mới, sau khi chồng chết một năm, hai tháng trước khi Lễ qua tới Mỹ.

Rồi Thảnh. Thằng em của những đêm khóc dạ đề ngằn ngặt như con mèo yếu. Thảnh lớn lên, không vào được đại học, đi bộ đội, chết trận ở Campuchia, không còn xác mang về. Bạn Thảnh nói đêm đó nó lãnh nguyên một trái B40 trong một cái sóc bỏ hoang gần Siem Riep, sáng ra hốt lại được lưng một ba-lô. Bọn nó muốn đào ngũ, trốn sang Thái Lan, vì không chịu nổi chiến dịch mùa khô, nhưng chưa kịp thực hiện. Thảnh là vong hồn hay tìm về với Lễ nhất. Ngoài việc xin lễ ở nhà thờ, mỗi năm Lễ đều làm đám giỗ cho em.

Rồi cô giáo Quyên. Biết bao nhiêu gương mặt và số phận lướt qua trong ký ức của Lễ rồi biến mất không dấu vết, nhưng với cô Quyên, dù chỉ trong thoáng chốc, Lễ vẫn nhớ đến giọng hát rười rượi buồn và vóc dáng nhỏ nhắn của cô. Cô còn sống không?

Rồi Kim...

Rồi Quýt...

Lễ không gặp lại Quýt cho mãi tới gần cuối năm 75, khi Lễ về lại thị trấn lần cuối.

Lần đó, Lễ gặp một thằng Quýt khác. Đeo băng đỏ, choàng khăn rằn, mang dép râu, khoác A-ka, đội trưởng du kích. Người ta nói Quýt chuyên xử lính nguỵ mà họ bắt được, những người không chịu ra trình diện. Xử gọn gàng, rồi chôn dọc suối.

Lễ là người duy nhất còn sống trong câu chuyện này, là người duy nhất còn lại trong gia tộc.

Mọi người lần lượt biến mất, họ chỉ còn hiện hữu trong ký ức của Lễ.

Lễ có một khả năng đặc biệt khác thường: bà có thể khóa chặt lại những ngăn ký ức — những điều mà bà không muốn nhớ — cho tới khi tự bà mở ra, để kể câu chuyện đời mình với con trai.

Lễ là Lillian, là mẹ của tôi.

Lễ còn kể với tôi nhiều câu chuyện về đời bà và những người trong gia đình nữa, nhưng tôi ngờ rằng tôi sẽ không viết chúng lại. Lý do là vì dường như trừ Lễ ra, thì những cuộc đời này, những câu chuyện này, có thể khác nhau về tình tiết, nhưng đều có một kết cục tệ hại giống nhau.

Tôi còn những câu chuyện của ông tôi, của cha tôi, của bạn bè tôi, và của tôi. Tôi còn có cuộc đời của tôi để sống. Tôi còn có thì hiện tại và thì tương lai. Tôi còn có những câu chuyện ở bên kia đại dương, của và ở nước Mỹ, phần kia của đời sống tôi.

Lễ đưa tôi đi du lịch đến Siem Riep, nhưng làm sao tìm ra cái sóc mà Thảnh chết ở đó. Nhìn những đứa Tây trạc tuổi Thảnh hồi đó, và tuổi tôi bây giờ, ngồi uống rượu, hút shisha [8] bên hiên những khách sạn, tôi nhắc với Lễ rằng đây đã là một thời đại khác.

Viết đến đây tôi tò mò mở dụng cụ đếm chữ của chương trình word mà tôi đang dùng để viết văn bản. Trong hơn 4,200 chữ của phần hai của chương 14 này, có 17 chữ “xác” và 23 chữ “chết”.

Những con số chẳng thể nói lên điều gì. Bấy nhiêu năm chiến tranh chỉ còn lại những hình ảnh lộn xộn trong ký ức mẹ tôi khi bà muốn nhớ và những con chữ mà tôi vừa gõ xuống.

Hãy tắt laptop rồi uống một lon bia.

 

(Còn tiếp)

 

_________________________

[1]poncho: áo mưa tròng đầu của lính.

[2]“Hey, Samson, rest in peace!”: “Ê, Samson, đời đời yên nghỉ nhé!”

[3]Xe jeep: xe jíp

[4]Vi-xi: VC = Việt cộng. Cách gọi tắt “Việt cộng” của lính Mỹ.

[5]Những ca khúc và ca từ trong tập Ca khúc da vàng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

[6]Ca từ trong bài “Một mẹ trăm con”, dân ca Jarai, do nhạc sĩ Phạm Duy sưu tập và soạn lời Việt.

[7]gui-gô: Guigoz, một loại sữa bột của Pháp. Lon đựng sữa bằng nhôm thường được dùng để bới cơm.

[8]shisha: loại thuốc làm bằng hương liệu, hút bằng bình của Trung Đông. Rất phổ biến ở các khu du lịch.

 

 

———————————-

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021