thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
THANG MÁY SÀI GÒN [chương 21-23]

 

 

CHƯƠNG 21

Sài Gòn

 

Bảy giờ tối phòng khách là bãi biển về đêm. Đối diện với anh Mai là hai vị khách lớn tuổi, một nam và một nữ, hai “đồng nghiệp” của mẹ, theo lời bà giúp việc thông báo lúc ra mở cổng. Em bước vào, cả ba quay ra nhìn. Câu chuyện trước đó có lẽ rất buồn tẻ. Anh Mai ướt rượt như gà trúng mưa.

Hai vị khách co quắp trong đi-văng. Ba cây dừa bất động. Đâu đó vang lên tiếng cá quẫy. Khi có ý định biến phòng khách thành bãi biển, chẳng phải anh Mai đã không nghĩ tới buổi tối lúc mặt trời và ánh nắng sẽ không còn. Bởi có nghĩ, cũng thay đổi được gì. Bãi biển thật mà thiếu mặt trời và ánh nắng còn chẳng ra bãi biển nữa là bãi biển nhân tạo. Cái gì nhân tạo dưới mặt trời cũng dễ lộ vẻ nhân tạo, nhưng bãi biển nhân tạo thì không: bãi biển nhân tạo cần mặt trời để giấu bớt vẻ nhân tạo. Anh Mai biết điều này, nên buổi tối không tiếp khách ở nhà mà ra khách sạn năm sao. Tòa thị chính Paris cũng biết điều này, nên cứ đợi tháng Bảy chói chang là đổ một đống cát bên bờ sông Seine, bày thêm vài cái ghế gấp và dăm cây dù vải, thu hút được bao nhiêu người mỗi ngày, cả dân Paris lẫn khách du lịch, cả thanh niên lẫn cụ già... Năm đầu tiên ít kẻ lai vãng: người ta nhìn sông Seine bé tẹo thì lắc đầu. Nhưng càng về sau càng thành công rực rỡ: người ta tặc lưỡi còn hơn cởi trần phơi nắng ban công. Các thủ đô khác cũng noi theo. Nghe nói Berlin, Bruxelles đều có bãi biển nhân tạo. Tháng Bảy châu Âu nắng cũng kinh hồn.

Hai vị khách im lặng, chẳng biết làm gì ngoài xoa tay vào chén nước chè. Qua tường kính mênh mông của phòng khách, có thể thấy một phần thành phố. Tít ngoài kia là cảng Sài Gòn, mặt nước loang loáng ánh đèn. Bên phải là nhà thờ Đức Bà, hai tháp chuông sâm sẫm trong đêm. Đường Lê Lợi xe chạy như mắc cửi. Không hiểu đường nào là đường Huyền Trân Công Chúa la liệt quần áo thể thao, đường nào là đường Cách Mạng Tháng Tám dài gấp mấy lần phố Huế, đường nào là đường Công Xã Paris ngắn hơn cả ngõ Tạm Thương, đường nào là đường Tự Do bị đổi tên ngay ngày thống nhất.

Anh Mai bỗng chỉ vị khách nữ giới thiệu là cô Huệ cùng thực tập với mẹ ở Paris, rồi lại chỉ sang vị khách nam giới thiệu là chú Đỗ, chồng của cô Huệ. Nói xong, im lặng ngáp. Em nhìn cô Huệ, rồi lại nhìn thêm một lần nữa, nhưng không thể nhận ra người phụ nữ cạnh mẹ trong album ảnh mang từ Pháp về, cuốn album mà mẹ thường cất vào ngăn kéo riêng. Lần đầu tiên được biết thế nào là ảnh màu, và phải đợi rất lâu sau đó ảnh màu mới trở thành phổ cập ở Việt Nam, nên ký ức của em về bộ ảnh của mẹ tới bây giờ hầu như vẫn nguyên vẹn. Album nhỏ gồm hai mươi tấm ảnh màu cỡ 9x12, luôn luôn chụp mẹ bên một phụ nữ rất cao mà mẹ giới thiệu với mọi người là “đồng nghiệp”, cùng thực tập ở Paris. Hơn hai mươi năm trôi qua, em đã quên tên cô ta, nhưng đó khó có thể là cô Huệ, bởi cô Huệ thấp bé bao nhiêu thì người phụ nữ kia cao lớn bấy nhiêu, một chiều cao mà dường như phần lớn đàn ông Việt Nam thời ấy đều ganh tị.

Anh Mai ngáp thêm vài cái nữa. Điện thoại mà không bất ngờ reo vang thì anh sẽ vật ra đi-văng làm một giấc. Ngay tiếng chuông đầu, anh như bừng tỉnh. Anh đứng lên bắt tay hai vị khách, mời chút nữa ở lại dùng “bữa cơm giản dị” với gia đình rồi cầm điện thoại đi thẳng ra cửa. Cửa phập lại như nhốt chặt ba người bên trong.

“Còn một cô nữa trong đoàn thực tập?”, em nín thở hỏi.

“Madame Hòa, thực tập sinh nổi bật: cao nhất, lớn tuổi nhất, chức to nhất, thâm niên ba mươi hai năm tuổi Đảng”, cô Huệ trả lời.

Đúng rồi, cô Hòa. Em còn nhớ sau khi giới thiệu cô Hòa là đồng nghiệp, mẹ nói thêm cô Hòa giữ chức phó khoa một trường đại học.

“Madame Hòa là người ác độc nhất”, chú Đỗ tiếp lời cô Huệ.

Rồi không đợi phản ứng của những người đối diện, chú Đỗ vội vã kể :

“Tôi không phải là thực tập sinh. Tôi là Việt kiều, suốt đời là Việt kiều, lúc ở Lào thì là Việt kiều Lào, lúc sang Pháp lại là Việt kiều Pháp. Tiếng Lào giỏi, tiếng Việt giỏi, nhưng tiếng Pháp chỉ đủ chào hỏi và cám ơn nên tôi làm thuê cho một xưởng sửa xe ô tô ở ngoại ô Đông Nam, gần khu Tàu, khách chủ yếu là người gốc Á”.

Nhìn khuôn mặt ngẩn ra của em, chú Đỗ hối hả giải thích:

“Nửa năm sau ngày sang Pháp, vợ tôi bỏ đi, để lại ba đứa con. Các con còn nhỏ, tôi muốn tìm một người thay thế. Nhưng phụ nữ gốc Việt ở Pháp chê tôi gốc Lào. Phụ nữ gốc Lào ở Pháp chê tôi gốc Việt. Phụ nữ gốc Miên ở Pháp chê tôi gốc Việt-Lào. Phụ nữ gốc Hoa ở Pháp thì tôi không dám. Tôi vẫn nghe người ta bảo phụ nữ gốc Hoa ở đâu cũng sắc sảo. Vợ cũ của tôi chỉ có một phần tám máu Hoa trong người mà bỏ tôi ngay khi nhận được thẻ cư trú. Rồi tôi tình cờ gặp Huệ trong sứ quán, nhân dịp đến chỉnh hộ nhóm thực tập sinh chiếc vô tuyến màu không hiểu sao cứ rời tay ra lại biến thành đen trắng. Tính tới hôm đó Huệ mới sang Pháp được đúng một tuần. Tôi đã nghĩ là mình gặp may”.

Em giật mình. Chưa kịp hiểu gì thì cô Huệ đã tiếp lời:

“Chúng tôi bằng tuổi, nhưng quá khứ mỗi người mỗi vẻ. Khi gặp nhau, Đỗ bốn mươi hai tuổi vợ con đùm đuề, còn tôi bốn mươi hai tuổi vẫn chăn đơn gối chiếc. Học hết phổ thông, tôi theo anh trai ra mặt trận, ở chủ yếu chiến trường khu 9, trong rừng U Minh, giáp biên giới Cao Miên. Ba mươi tuổi, sau một lần bị sốt rét, tôi được gửi ra Bắc đi học. Không cần đi thi, tôi cũng được vào đại học. Không cần đạt điểm tốt nghiệp cao, tôi cũng được giữ lại trường. Không cần viết đơn lên ban giám hiệu, tôi cũng được phân một căn buồng trong khu tập thể. Không cần lên gặp giám đốc Sở, tôi cũng được hưởng tiêu chuẩn thực phẩm đặc biệt. Tất cả đều nhờ chế độ ưu đãi cán bộ tập kết”.

Chỉ có đường chồng con là chế độ không cách nào ưu đãi nổi. Người ta cứ bảo ở một mình mãi cũng thành quen. Nhưng tôi thì càng ở một mình càng thấy sợ. Nhất là những ngày cuối năm. Cái rét của Hà Nội khiến tôi đắp bao nhiêu chăn vẫn thấy lạnh. Trai Bắc lại không lấy gái Nam nên quần áo không mua chỉ mua chăn. Rồi tôi được chọn sang Pháp thực tập và tình cờ gặp Đỗ trong sứ quán. Tính đến hôm đó, Đỗ ly dị được đúng nửa năm. Tôi đã nghĩ là mình gặp may”.

Cô Huệ dừng lại, chú Đỗ tiếp lời:

“Tôi gặp Huệ lần đầu là thấy ưng ý ngay. Tôi không cần sắc đẹp, tôi cũng không cần tuổi trẻ, hai thứ phù hoa giả tạo. Tôi chỉ cần một người vợ không bao giờ bỏ mình ra đi. Tôi cũng tin Huệ gặp tôi lần đầu là thấy ưng ý ngay. Huệ không cần thanh lịch, Huệ cũng không cần giàu sang, hai thứ phù hoa giả tạo. Huệ chỉ cần một người chồng cho đỡ phải mua chăn. Chuyện giữa chúng tôi đơn giản có vậy. Nhưng Madame Hòa đã biến nó thành vụ án phức tạp. Ngay từ trong nước, Madame Hòa đã được bầu là trưởng nhóm nữ thực tập sinh. Sang tới Paris, Madame Hòa yêu cầu cả ba ở chung một phòng. Hôm nay Huệ làm gì đi đâu, hôm sau cả sứ quán đều biết. Sứ quán biết cả chuyện tôi có ba con riêng, và vì vợ tôi chỉ bỏ đi chứ chưa ly dị nên trên giấy tờ tôi vẫn là người có gia đình. Trong cuộc họp nội bộ thực tập sinh, Madame Hòa đứng lên chỉ vào mặt Huệ, buộc liền một lúc hai tội: hủ hóa và quan hệ với Việt kiều. Madame Hòa bảo tinh thần đảng viên để đâu mà chân ướt chân ráo tới Paris đã bị tư bản đồi trụy mua chuộc. Madame Hòa ra lệnh cho Huệ làm ba bản tự kiểm điểm: một gửi lên Sứ quán, một gửi về Bộ Giáo dục và Đại học, một gửi về Đảng ủy trường đại học nơi Huệ là cán bộ giảng dạy. Ba bản kèm ba lời hứa chấm dứt quan hệ với tôi. Madame Hòa còn trực tiếp yêu cầu đại sứ đuổi Huệ về nước trước thời hạn. Nếu thời điểm đó, nhân viên sứ quán mà không phải hằng ngày lót dạ mì gói thì đại sứ đã xiêu lòng xuất năm nghìn quan Pháp mua một vé Paris-Hà Nội, rồi cử cán bộ an ninh đưa Huệ ra sân bay Roissy ngay ngày hôm sau”.

Chú Đỗ lắc đầu, cầm tách chè lên chưa kịp uống, cô Huệ đã nói:

“Từ cuộc họp nội bộ thực tập sinh, tôi nghiễm nhiên đi đâu cũng có Madame Hòa đi kèm. Ra siêu thị mua băng vệ sinh, vừa trả tiền xong đã thấy Madame Hòa đứng sẵn ở cửa, chỉ vào túi bảo lại mua quà cho bố con thằng Đỗ à. Đau răng một tuần liền mới dám đổi ba lần tàu điện ngầm tới phòng khám, đang ngồi đợi gặp bác sĩ nha khoa, Madame Hòa tiến lại hất hàm hỏi gặp bác sĩ phụ khoa có việc gì. Ở Paris ba tháng mà tôi chưa bước vào rạp xem phim lần nào, bảo tàng Louvre tôi chỉ được nhìn từ xe buýt, thư viện Quốc Gia tôi chỉ được xem qua ảnh, vì những chỗ đấy Madame Hòa không quan tâm, Madame Hòa bảo văn hóa tư bản yêu đương nhăng nhít. Đỗ thì bị cấm cửa sứ quán. Người ta đã tìm được một Việt kiều khác, là thợ điện hẳn hoi, để chỉnh hộ cái vô tuyến màu vẫn thỉnh thoảng bất ngờ chuyển thành vô tuyến đen trắng. Một tuần trước ngày hết hạn thực tập, tôi đến trường để trả sách giáo khoa. Madame Hòa theo tôi lên tầng ba, nhìn cánh cửa thư viện đóng lại sau lưng tôi thì mới yên tâm quay xuống phòng giáo vụ làm nốt thủ tục hành chính trước khi về nước. Madame Hòa không ngờ Đỗ đã ngồi sẵn bên trong, cách quầy trả sách vài mét. Tôi cũng không ngờ. Tôi giật nảy mình khi nhìn thấy Đỗ”.

 

 

CHƯƠNG 22

Sài Gòn

 

Cô Huệ cúi đầu im lặng. Chú Đỗ tiếp lời. Trong tiếng cá ngựa quẫy dưới chân, chú bảo không chỉ cô Huệ giật nảy mình khi nhìn thấy chú. Chú cũng giật nảy mình khi soi gương. Mặt chú đầy râu ria. Quần áo chú xộc xệch. Mấy ngày rồi chú lảng vảng ở đây. Nhân viên thư viện bắt trình thẻ sinh viên, chú đành nói thật. Nhân viên thư viện nghe một lúc ba tiếng Pháp Việt Lào chẳng hiểu gì, nhưng cũng không nỡ đuổi chú đi, chỉ ra hiệu cho chú ngồi im một góc, có thể vì ngại sinh viên nhìn thấy chú sẽ cho là móc túi trá hình. Mấy ngày xin phép chủ nghỉ việc, đến thư viện từ chín giờ sáng, ngồi ở cái bàn này tới sáu giờ chiều, nhìn người ta im lìm làm việc, chú bắt đầu suy nghĩ. Chú tự hứa hôm nay là hôm cuối cùng chú quay lại thư viện. Chú còn ba con nhỏ phải nuôi ăn học. Chú mà mất việc ở xưởng ô tô thì bốn bố con chú tháng sau mang nhau ra đường ngay lập tức. Chủ nhà không bao giờ đủ lòng kiên nhẫn để đợi chú tìm được việc khác. Cái bụng của các con chú cũng không bao giờ đủ kiên nhẫn để đợi chú tìm được việc khác. Bản thân chú cũng không biết tìm việc khác như thế nào. Chú không cho phép mình chờ đợi cô Huệ vô vọng. Trong hoàn cảnh của chú, mọi vô vọng đều xa xỉ, mọi xa xỉ đều nguy hiểm ngang nhau.

Chú Đỗ im lặng quay sang nhìn cô Huệ. Suốt buổi tối, chú chưa lúc nào quay sang nhìn vợ. Có lẽ đây là lần đầu tiên chú thổ lộ cái điều mà chú đã đào sâu chôn chặt hơn hai mươi năm nay. Và thật kỳ lạ, đây cũng là lần đầu tiên chú dừng lại đã vài phút mà cô Huệ không tiếp lời.

Em đứng lên đi về phía cửa sổ. Các nhà hàng xóm đều đóng cổng im ỉm. Các tầng trên cũng chỉ thấp thoáng ánh đèn. Không thể tưởng tượng cách đây vài bước là tiệm phở bò một tối bán cả nghìn tô, cạnh tiệm phở bò là quán cơm gà xối mỡ, tủ kính lủng lẳng ba xâu gà vàng ươm. Bỗng một taxi phanh kít trước ngôi nhà đối diện, tài xế bước ra đầu tiên, rồi đi vòng qua mũi xe để mở cửa sau, loay hoay một lúc cũng lôi được ai đó từ bên trong ra ngoài. Không biết say sỉn ở mức nào mà chân tay loạng choạng, tài xế phải gần như bế về phía cổng, rồi lại phải ép vào hàng rào sắt, một tay giữ cho khỏi ngã, một tay bấm chuông. Ngay lập tức cả cổng lẫn sân sáng bừng, rồi có tiếng chân vội vã. Một phụ nữ đứng tuổi vận bà ba đen, có lẽ người giúp việc, chạy ra mở cổng. Hẳn đã quen với cảnh này, sau khi đưa cho tài xế xô nước và cái giẻ lau, liền giơ cả hai tay đỡ lấy người say, bây giờ dưới ánh đèn lộ rõ mái tóc xù mì ăn liền nhuộm vàng kiểu Hàn Quốc và đôi chân đi tất lưới thỉnh thoảng hở một miếng thịt hồng hồng. Em vừa nhận ra bà chủ nhà hàng xóm thì người say đã được nhấc bổng lên, chỉ mấy giây mà vào tận trong nhà, rồi đèn ngoài sân tắt phụt. Tài xế taxi cũng có vẻ đã quen với cảnh này, lẳng lặng lau chùi ghế sau, xong nhiệm vụ thì lên xe đi thẳng, xô và giẻ lau để lại ở cổng ra vào. Sự việc xảy ra rất nhanh, không biết có láng giềng nào nép sau cửa sổ nhìn trộm hay không, nhưng tuyệt nhiên không thấy ai chạy ra bình luận. Mấy cánh cổng vẫn im lìm đóng kín. Người giàu Sài Gòn tế nhị hơn cả dân Tây.

Em quay về đi-văng. Bụng sôi lên không dám nhìn về phía quán phở bò. Dường như giây phút riêng tư của chú Đỗ và cô Huệ đã trôi qua từ lâu và cô chú chỉ đợi em ngồi xuống là tiếp tục câu chuyện. Chú Đỗ lên tiếng. Chú bảo cái hôm ở thư viện ấy, nhìn thấy cô Huệ bước vào là chú đứng lên ngay, chú không cần biết sau lưng cô Huệ có cô Hòa hay không. Chú bảo “con giun xéo lắm cũng quằn”, chú bóp vào vai Cô Huệ đề nghị chọn lấy chú hay về nước, và phải trả lời chú ngay lập tức. Cô Huệ ngượng ngùng nhìn nhân viên thư viện và những người xung quanh. Chú lại bảo số phận của bốn bố con chú phụ thuộc vào câu trả lời này. Cô Huệ ngượng hơn nữa, vì sinh viên thấy hai người giằng co giữa phòng đọc thì bắt đầu để ý, đầu cúi xuống xem sách nhưng mắt vẫn lén nhìn lên. Chú càng bóp vai cô Huệ giục trả lời, cô Huệ càng đỏ mặt đứng im. Bỗng có tiếng chân thình thịch. Cô Hòa ngất ngưởng đi vào. Một tay gạt chú Đỗ, một tay kéo cô Huệ. Những người xung quanh chưa kịp phản ứng thì cửa thư viện đã sập lại, rồi cửa thang máy cũng sập theo. Chú Đỗ chạy ra cửa sổ phòng đọc, nhìn xuống sân trường thấy Cô Hòa bình thản khoanh tay đi trước, cô Huệ chạy theo sau, hai tay ôm chiếc túi ny lông căng phồng sách giáo khoa chưa kịp trả.

“Tôi về nhà mà ruột gan tan nát. Tôi thề sẽ ở vậy nuôi con, coi phụ nữ trên đời này chết hết. Hết đông sang hè, những ngày khốn khó nhất cũng trôi qua, các con lớn lên, tôi già đi, cũng là quy luật. Đến năm chín mươi, khi thằng con út đã chuẩn bị vào đại học thì tôi bất ngờ nhận được thư Huệ. Huệ viết vỏn vẹn mấy dòng, Huệ bảo nếu tôi vẫn còn muốn lấy Huệ thì Huệ sẵn sàng làm vợ tôi. Huệ vừa về hưu, không còn sợ bị buộc tội hủ hóa và quan hệ với Việt kiều. Huệ ở lại Hà Nội, trong căn phòng tập thể của trường. Càng có tuổi Huệ càng ngại di chuyển. Biên Hòa bây giờ cũng chẳng còn người thân. Ba má Huệ mất từ lâu. Anh chị Huệ đều đã lên Sài Gòn lập nghiệp”.

Cầm thư cô Huệ trong tay, chú đi một mạch tới sứ quán. Chú đứng ngẩn người, mười mấy năm bị cấm cửa, chú không biết sứ quán đã được xây lại toàn bằng gạch men trắng, hình hoa sen cách điệu, ven tường trồng cúc vạn thọ. Chú chưa đặt chân tới Việt Nam nhưng chú mường tượng tòa nhà sứ quán giông giống ủy ban nhân dân huyện Tiên Sơn quê nội của chú. Chú bấm chuông nhưng đợi mãi mà cửa không mở. Một lúc sau, xuất hiện hai phụ nữ xách túi ny lông tình cờ thế nào cũng màu cúc vạn thọ, nhìn thấy chú thì đưa mắt ra hiệu đi sang chiếc cổng nhỏ xíu bên cạnh. Sau chiếc cổng nhỏ xíu là một ô vuông cũng nhỏ xíu. Chú gõ nhẹ một tiếng. Cửa mở, rồi một bàn tay của ai đó không nhỏ lắm quẳng ra mấy tờ giấy phô tô cô py ố vàng. Chú chưa kịp cầm thì cửa đã sập. “Thật chẳng hiểu ra làm sao”, chú Đỗ vừa nói vừa lắc đầu.

Em nhìn sang cô Huệ. Cô Huệ đang nhìn chú Đỗ. Em muốn nói với cô chú một câu gì đó, nhưng cuối cùng chỉ nghĩ em cũng từng có dịp lên sứ quán, một lần để xin gia hạn hộ chiếu, một lần để xin dán ảnh thằng Mike. Hoa sen cách điệu vẫn giống y hệt ủy ban nhân dân huyện. Nhưng ô vuông nhỏ xíu chú Đỗ nhìn thấy ngày xưa đã được thay thế bằng một phòng tôi tối với bảy ô vuông nhỏ xíu khác nhau. Có lẽ như thế mới đủ phục vụ nhu cầu thị thực của Việt kiều và du khách Pháp những năm 2000. Giấy phô tô cô py vẫn úa vàng. Cúc vạn thọ mùa đông ngập dưới tuyết.

Bà giúp việc gõ cửa thông báo cơm đã xong. Chú Đỗ và Cô Huệ vội vàng đứng lên, rồi vội vàng xuống nhà, hai chiếc bóng bé nhỏ vội vàng mất hút trong hành lang mênh mông. Cứ ngỡ sẽ gặp lại cô chú ở phòng ăn, em bất ngờ thấy bà giúp việc một mình trước một mâm ú ụ nem rán. Hai đứa trẻ đang ngay ngắn trước màn hình vô tuyến. Anh Mai đi tiếp khách ở khách sạn năm sao. “Hai đồng nghiệp của cụ nhà” nói thế nào cũng không chịu ở lại. Em ngồi xuống ăn cơm, vừa uể oải nhai nem vừa nghĩ hóa ra bà giúp việc cũng không biết cô Huệ và chú Đỗ là vợ chồng.

“Thật chẳng hiểu ra làm sao”, em nhớ lại câu cuối cùng của chú Đỗ và tự nhủ chú không hiểu được cái ô vuông nhỏ xíu của sứ quán Việt Nam tại Pháp, còn em thì không hiểu buổi viếng thăm của cô chú tối hôm nay, cô chú ngồi mấy tiếng, thay nhau kể chuyện cô chú mà không có từ nào dành cho mẹ, như thể mẹ không tồn tại trong ba tháng thực tập ở Paris. Nhưng ngay sau đó, em lại nghĩ, mẹ cũng vậy, mẹ từng ngồi vài tiếng liền, sôi nổi kể chuyện làm nem chào mừng quốc khánh cùng “toàn thể anh chị em sứ quán” mà không có từ nào dành cho cô Huệ, như thể cô Huệ không tồn tại trong ba tháng thực tập ở Paris.

“Thật chẳng hiểu ra làm sao”.

 

 

CHƯƠNG 23

Sài Gòn

 

Đêm hôm đó, lần đầu tiên em hình dung mẹ đi trên đại lộ Exalmens trống ngoác và buồn tẻ nối sứ quán với bến tàu điện ngầm, ba tháng liền, mỗi ngày hai lần, và lần nào cũng cùng với hai nữ đồng nghiệp: cô Huệ và cô Hòa. Trên thực tế, ba nữ thực tập sinh thuộc lứa đầu tiên của Bộ làm thành một phiên bản độc đáo của “ba chàng ngự lâm pháo thủ” hay “ba anh em trên một chiếc xe tăng”: ăn chung bàn, ngủ chung phòng, ngồi chung tàu, học chung lớp, thời gian biểu của một người là thời gian biểu của hai người còn lại. Em tưởng tượng, ba tháng đó, họ không bước chân vào rạp chiếu phim lần nào, bảo tàng Louvre họ chỉ nhìn từ xe buýt, thư viện Quốc Gia họ chỉ xem qua ảnh, vì cô Hòa, trưởng nhóm của họ, đã quyết định văn hóa tư bản yêu đương nhăng nhít.

Một lần đẹp trời, vài ngày trước khi về nước, bộ ba mượn máy đi chụp ảnh kỷ niệm. Sông Seine, tháp Eiffel, vườn Luxembourg, những nơi ít dấu vết văn hóa tư bản đồi trụy nhất. Nhìn thấy cầu Alexandre đệ Tam, cô Hòa dừng ngay lại, cô nao nao nhớ nước Nga vĩ đại nơi cô đã học năm năm đại học khoa tiếng Pháp, liên tục giữ chức bí thư đảng ủy kiêm hội trưởng hội đồng hương. Cô Hòa ra hiệu cho mẹ và cô Huệ đứng ra giữa cầu để cô bấm cho một kiểu. Chỉ cần cầm máy chụp ảnh một lần là đủ biết với mỗi cảnh thì kiểu đầu tiên thường mang tính thí điểm. Hai kiểu sau là để cô Hòa đứng lần lượt với mẹ (do cô Huệ bấm) và với cô Huệ (do mẹ bấm). Tới vườn Luxembourg, quá trình chụp ảnh cũng diễn ra tương tự. Cô Hòa ra hiệu cho mẹ và cô Huệ ngồi lên ghế đá, cạnh bụi hoa hồng, và bấm cho hai người một kiểu. Nhưng hai kiểu sau, lúc cô Hòa chụp lần lượt với từng người, cô yêu cầu được chụp đứng, lấy cả chân. Cô muốn chứng minh rằng cái chiều cao vẫn bị gọi sau lưng là “sếu vườn” của cô thực ra không chỉ đấng mày râu mà cả chị em cùng giới cũng thèm muốn. Hãy nhìn xem: cô đứng khoanh tay giữa lối đi trồng đầy hoa hồng, nhưng mẹ thì phải trèo lên vệ đường, cô Huệ thì còn thê thảm hơn: trèo lên cả ghế đá.

Cô Hòa cảm thấy vô cùng khoan khoái. Kể ra cách cô bấm kiểu đầu tiên cho mẹ và cô Huệ, rồi mới lần lượt chụp với từng người, cũng là một phép toán tối ưu, bảo đảm ở mỗi cảnh ai cũng có hai tấm chụp với hai đồng nghiệp của mình. Tính bình đẳng của bộ ba như thế là tuyệt đối an toàn. Rất có thể ở một vài cảnh, họ còn nhờ được khách qua đường bấm hộ một kiểu cho cả ba: cô Hòa đứng giữa, một bên là mẹ và một bên là cô Huệ. Nói chung, cô Hòa cũng thích chụp ba (là Đảng viên, cô không mê tín dị đoan), chụp ba cô được đứng giữa, càng khoe được chiều cao. Cô Hòa nhìn thẳng về phía trước, tay đặt lên vai hai nữ đồng nghiệp thấp bé nhẹ cân. Như thể cả ba đang đứng trên bục chuẩn bị nhận ba chiếc huy chương Olimpic. Vị trí trung tâm rất tôn chức vụ “trưởng nhóm” của cô Hòa. Có lẽ vì thế, cô Huệ mới nói cô Hòa là người “nổi bật nhất” trong ba nữ thực tập sinh đợt ấy.

Tóm lại, ở mỗi cảnh, mỗi người đều có ít nhất là hai tấm chụp lần lượt với hai người kia và đôi khi, thêm một tấm chụp ba người với nhau. Thế nên, nếu trong album của mẹ, chỉ có mỗi ảnh mẹ chụp với cô Hòa thì bởi vì mẹ đã cố tình loại bỏ những tấm có cô Huệ trong đó (khả năng mẹ và cô Hòa đi chụp ảnh riêng với nhau là rất ít vì trừ khi có thể nhốt cô Huệ vào phòng khóa trái cửa lại, thì cô Hòa mới đồng ý để cô Huệ ở nhà một mình).

Bộ ảnh đó, mẹ cất vào một ngăn kéo riêng chứ không lồng kính treo la liệt trong phòng khách như những bức ảnh chụp mẹ lúc nhận bằng khen, lúc trao giải thưởng, lúc đi họp cấp thành, lúc gặp gỡ bộ trưởng, thứ trưởng...

Cuối cùng em nghĩ câu chuyện cô Huệ và chú Đỗ kể hôm nay tuy không có từ nào về mẹ nhưng không phải là không cung cấp chút thông tin nào về mẹ. Ít ra thì nó cũng khiến em loại được giả thuyết rằng mẹ và Paul Polotski đã gặp nhau ở Paris năm 1977: dưới sự kiểm soát gắt gao của cô Hòa, mẹ trừ khi có phép tàng hình mới có thể làm quen, rồi sau đó giữ quan hệ hơn mức bình thường với một người ở bên ngoài sứ quán (đến mức nhận ảnh, và giữ ảnh). Vậy chỉ còn lại giả thuyết mẹ gặp Paul Polotski năm 1954. Giả thuyết này trùng với lời kể của ông Linh: một người Pháp tên Paul đã có mặt ở Hỏa Lò đúng vào thời gian mẹ bị bắt giam, và cùng với ông Linh chứng kiến cảnh mẹ bị đưa vào hỏi cung. Tấm ảnh đen trắng rất có thể đã được Paul Polotski tặng cho mẹ vào dịp đó, rồi chính ông ta đã đọc để mẹ viết lên mặt sau mấy chữ thế này: Paul Polotski, 1954, số nhà 21 đại lộ Suffren Paris.

Vì giả thuyết hai người gặp nhau ở Paris năm 1977 bị loại, nên giả thuyết hai người tái ngộ ở Paris năm ấy khó lòng đứng vững. Cứ cho là một lần hiếm hoi, nhân lúc cô Hòa nhức đầu ngủ sớm hơn thường lệ hay bận làm thám tử tư sau lưng cô Huệ, mẹ viết vội cho Polotski một lá thư ngắn tới “số 21 đại lộ Suffren” mà sáng hôm sau mẹ sẽ len lén thả vào thùng thư bưu điện màu vàng đặt ở trước bến tàu điện ngầm Exalmens. Cứ cho là địa chỉ Polotski đưa cho mẹ hai mươi ba năm trước vẫn còn dùng được, và ngay khi nhận được thư mẹ, Polotski cũng hồi âm lập tức thì bức thư của ông ta gửi cho mẹ sẽ gửi theo địa chỉ nào bây giờ?

Mẹ không thể mất cảnh giác đến độ cho ông ta địa chỉ sứ quán hình hoa sen cách điệu. Ngay cả đề địa chỉ người gửi lên mặt sau phong bì, mẹ cũng không dám: bởi nếu trong trường hợp không có người nhận (Paul Polotski đã chuyển đi nơi khác) thì bưu điện sẽ căn cứ vào địa chỉ người gửi mà ngược thư về sứ quán cho mẹ.

Mẹ cũng chẳng thể mất cảnh giác đến độ quên cả bài học của cô Huệ và chú Đỗ. Mẹ hoàn toàn ý thức được rằng trong trường hợp quan hệ của Polotski và mẹ bị phát giác thì tội của mẹ sẽ nặng gấp đôi tội của cô Huệ: mẹ đã có chồng (trong khi cô Huệ vẫn còn độc thân) và Paul Polotski là người Pháp (trong khi chú Đỗ là Việt kiều). Và điều gì bảo đảm được rằng cô Hòa không nhân dịp này mà tìm hiểu gốc gác của Paul Polotski, rồi mừng rú như bắt được vàng khi phát hiện mẹ đã quen ông ta ngay trong thời gian bị bắt tại nhà tù Hỏa Lò. Cả sứ quán náo loạn. Phòng an ninh liên tục đánh điện khẩn xin ý kiến của Bộ Nội vụ trong nước. Đại sứ hẳn là không còn suy tính một vé Paris-Hanoi tương đương với bao nhiêu cân thịt bò tươi, yêu cầu trưởng phòng an ninh vào phòng tài vụ nhận tiền mặt rồi đích thân đưa mẹ ra sân bay Roissy ngày hôm sau.

Mẹ không dám liên lạc với Paul Polotski bằng thư. Thậm chí nếu vô tình gặp ông ta ngoài đường, mẹ cũng không dám chào. Trong trường hợp ông ta nhanh mắt nhận ra mẹ, tay bắt mặt mừng, mẹ sẽ đành diễn vai không quen, mẹ lắc đầu bảo: “Xin lỗi, chúng ta chưa gặp nhau bao giờ”, rồi quay sang cô Hòa nhún vai: “Pháp kém thật, cứ thấy Việt là nhầm”.

Em ngờ rằng vai này mẹ diễn rất trơn tru vì mẹ đã luyện trước nhiều lần, những lúc ở trong buồng tắm hay trong toa lét, những địa điểm tế nhị mà cô Hòa không thể kè kè bên cạnh. Thực ra, vô tình gặp Paul Polotski ngoài đường là cơn ác mộng của mẹ trong ba tháng thực tập ấy. Có phải vì thế mà mẹ luôn phải lép vế trước cô Hòa, và trong bộ ảnh kỉ niệm Paris, nụ cười của mẹ bao giờ cũng gượng?

 

[còn tiếp]

 

-----------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021