thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
THANG MÁY SÀI GÒN [chương 19-20]

 

 

CHƯƠNG 19

Hà Nội

 

Có lẽ tất cả người Việt Nam đều công nhận một điều rằng công an khu vực là những người nắm rõ nhiều chi tiết trong cuộc đời chúng ta hơn chính bản thân chúng ta.

Ngày ấy, nếu không có công an khu vực thì em không biết bác Cả đưa vợ con ra thăm ông bà nội.

Khi em đi học về, công an khu vực đã cầm cặp đứng lên. Trên bàn là hai tách nước chè vẫn đầy nhưng nguội ngắt. Mẹ có vẻ vui. Ở ngưỡng cửa, mẹ tiếp tục kể chuyện.

Mẹ kể chuyện họp đảng ủy, ủng hộ chiến dịch phản Công biên giới Tây-Nam.

Mẹ kể chuyện họp khu phố, đấu tranh với các phần tử làm ăn cá thể.

Mẹ kể chuyện họp chiến sĩ thi đua, đẩy mạnh phong trào “Người tốt việc tốt”.

Trong vòng có mấy phút mà mẹ tự đảm nhiệm ba vai liền: vai “phó bí thư đảng ủy”, vai “tổ phó khu phố” và vai “tổ trưởng bộ môn”. Vai nào cũng thấm nhuần tinh thần lạc quan cách mạng. Nhưng em biết mẹ chỉ làm công việc của một diễn viên. Khán giả chính (công an khu vực) vừa quay đầu đi, mặt mẹ chùng hẳn lại, mẹ ngồi bất động trên ghế.

Một lúc sau bố đi làm về.

Không khí căng thẳng.

Mẹ cao giọng: - Anh ra bàn, em nói chuyện.

Bố ngồi xuống chiếc ghế trước mặt mẹ.

Mẹ chỉ hai tách nước chè vẫn đầy nhưng nguội ngắt: - Tại gia đình anh.

Bố im lặng.

Trong khu tập thể, bố mẹ được tiếng là hòa thuận vì bao giờ một người cao giọng, người kia cũng im lặng. Em cũng nghĩ thế, chỉ có điều mẹ thường là người cao giọng còn bố thường là người im lặng. “Người vợ mới xã hội chủ nghĩa”, hai chục năm mẹ diễn với bố, có lẽ là vai đạt nhất của mẹ.

Mẹ bảo: - Anh Cả từng làm việc cho chính quyền ngụy.

Bố im lặng.

Mẹ bảo: - Anh Cả từng đi cải tạo.

Bố im lặng.

Mẹ bảo: - Con gái anh Cả nhiều lần bị bắt vì tội vượt biên.

Bố im lặng.

Mẹ bảo: - Công an khu vực vừa tới nhà mình.

Bố giật nảy người. Mặt bố chùng hẳn lại.

Bữa tối chỉ có anh Mai và em. Cơm ghế mì sợi, rau muống luộc, lạc rang. Bố mẹ cùng xách xe đạp ra khỏi nhà. Không theo bố mẹ xuống đường thì cô cũng biết bố và mẹ mỗi người đi một ngả.

Sau này em biết thêm rằng, vào thời điểm đó, mẹ đang chuẩn bị hồ sơ đi Pháp thực tập. Cả Bộ được ba suất thì có chín mươi ứng cử viên, chín mươi cán bộ giảng dạy tiếng Pháp của ba miền. Một chọi ba mươi là tỉ lệ ngặt nghèo. So với các ứng cử viên khác, mẹ tuy đuối về mặt chuyên môn nhưng mạnh về mặt lý lịch. Thời ấy, lý lịch vẫn ăn đứt chuyên môn. Bộ lý luận rằng đế quốc Mỹ vẫn còn là kẻ thù số một của dân tộc Việt Nam, Pháp là đồng minh của Mỹ, lý lịch phải thật vững vàng mới không bị đồng minh của kẻ thù mua chuộc. Sau nhiều vòng xét duyệt, hồ sơ của mẹ đã trụ lại trên bàn vụ trưởng Vụ Đào tạo và Hợp tác. Bước cuối cùng là nhận xét của Công an khu vực. Nếu mọi thứ xong xuôi, mẹ sẽ trở thành một trong những thực tập sinh Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đầu tiên ở Pháp. Nhưng sự xuất hiện của gia đình bác Cả đã thay đổi tất cả.

Sau này em biết thêm rằng, trước ngày giải phóng, bác Cả là nhân viên kế toán cho một ngân hàng nhỏ tại Sài Gòn. Lương bác như lương Công chức. Thu nhập chính trong nhà đến từ tiệm may Đa Kao của bác gái. Hai bác đông con nhưng đều được học hành đến nơi đến chốn. Những người lớn được gửi đi nước ngoài. Ba người bé hơn ở lại với hai bác. Nói chung, không có gì đặc biệt so với các gia đình trung lưu ngày ấy. Đầu tháng Tư năm 1975, ngân hàng tuyên bố đóng cửa, bác Cả mất việc nằm nhà. Một tháng sau, bác được chính quyền mới gọi đi học tập hai tuần. Sau đó lại về nằm nhà. Tất nhiên, ngân hàng của chính quyền mới không có nhu cầu tuyển những nhân viên có lý lịch cũ. Cả nhà chỉ còn biết trông chờ vào tiệm may của bác gái. Nhưng nỗi lo lớn nhất của gia đình lại nằm ở con gái thứ tư: chị Đức. Từ ngày giải phóng, trong đầu chị Đức chỉ có một mong muốn duy nhất: vượt biên. Chị vượt biên chục lần đều không thành: thuyền chưa kịp nhổ neo đã bị biên phòng giữ lại, lần nào cũng mất ba lạng vàng và chịu ba tháng bóc lịch trong tù. Sau chục lần ấy, chị nếm gần hết các nhà tù từ Nam ra Bắc. Sau chục lần ấy, hai bác suýt bán cả nhà đi trả nợ. Sau chục lần lần ấy, chị bất đắc chí một thời gian dài. Suốt ngày chị nằm nhà đọc truyện chưởng cùng bác Cả. Hai bố con hai chiếc giường gấp, ở giữa là một chồng tiểu thuyết Kim Dung và một chồng cơm đĩa ăn dở. Tiểu thuyết Kim Dung, chị được đọc lần đầu tiên trong trại giam Chí Hòa, đọc bản viết tay, do một bạn tù viết lại theo trí nhớ. Mới đầu chỉ đọc để giết thời gian, không ngờ càng về sau càng ghiền. Ra tù, việc đầu tiên là chải chấy, tắm rửa rồi sang tiệm sách thuê một chồng Kim Dung. Chị truyền cơn ghiền ấy cho bác Cả. Chị chẳng gặp ai. Chị không đẹp, lại nam tính nên khó lấy chồng. Bác gái nhìn mà nẫu cả ruột gan.

Nhưng chị Đức là người sáng dạ và cứng cỏi. Cuối năm 80, Đổi Mới vừa bắt đầu, chị đốt hết truyện chưởng, xếp giường gấp lại, quyết tâm làm giàu. Các anh của chị ở tư bản gửi tiền về. Chị nhập hàng ngoại bán giá gấp đôi ở Sài Gòn. Một nửa chợ Bến Thành lấy nho Mỹ, pho mát Bò Cười và rượu vang Ý của chị. Chị xây khách sạn cho du lịch nước ngoài thuê. Chị thành lập công ty dịch vụ du học và xuất khẩu lao động. Chị hùn vốn với Việt kiều Đông Âu mở nhà máy may ở Bình Chánh. Chị đại diện cho Việt kiều Tây Âu mở xí nghiệp giày da ở Đồng Nai. Chị buôn bán bất động sản. Chị là chủ một loạt biệt thự. Chỉ có điều chị vẫn độc thân. Có vài người đặt vấn đề. Hai vợ chồng bác Cả cũng hùn vào. Nhưng chị đều gạt đi. Người ta đồn chị có bồ nhí. Các nam sinh viên cần tiền đi học. Toàn những người có vẻ tử tế, đẹp trai nhưng con nhà nghèo. Chị rộng rãi. Các em họ mới vào Sài Gòn lập nghiệp đều được chị giúp đỡ. Anh Mai, sau hợp đồng dạy toán-lý ở trường đại học Cần Thơ, chập chững làm quen với thương trường cũng chạy tới cầu cứu chị.

Đợt mẹ vào Sài Gòn vừa rồi, chị chiêu đãi mẹ ba ngày du lịch Băng Cốc, máy bay hạng nhất, khách sạn năm sao. Chị bảo chị được giảm giá năm mươi phần trăm, còn rẻ hơn đi du lịch trong nước. Mẹ vui vẻ nhận lời. Em không có mặt ở Sài Gòn lúc ấy, nhưng em tự hỏi: có phải với chị Đức, mẹ đã diễn vai cán bộ miền Bắc khoan dung, độ lượng.

Nhưng đó là chuyện sau này. Còn năm 1977, chị Đức là kẻ thù không đội trời chung của bố mẹ. Sau cái lần công an khu vực ghé thăm nhà, bố mẹ mấy tháng trời lao đao. Bữa tối nào cũng chỉ có em và anh Mai ngồi nhìn nhau. Anh Mai đi chợ, nấu cơm. Em rửa bát, quét nhà. Trên mâm vẫn gồm cơm hấp mì sợi, rau muống luộc, lạc rang.

Mẹ xách xe đạp đi một ngả.

Bố xách xe đạp đi một ngả.

Mẹ tới nhà người quen của mẹ nhờ tác động hộ.

Bố tới nhà người quen của bố nhờ tác động hộ.

Các người quen của bố và mẹ lại xách xe đạp đi các ngả, nhờ các người quen của họ tác động hộ.

Công an khu vực trông thế mà xa vời vợi.

Đồ đạc quý trong nhà lần lượt ra đi. Đầu tiên là cái vô tuyến đen trắng Sony, sau đó là cái tủ lạnh Hitachi, cả hai đều là đồ cũ chợ trời Sài Gòn, cả hai đều được bố ôm vào lòng trên tàu Thống Nhất, trong hai chuyến đi dự hội nghị toàn ngành sư phạm các tỉnh phía Nam. «Người Nam nhận họ, người Bắc nhận hàng» là thế.

Tóc bố bắt đầu điểm sợi bạc. Mặt mẹ thêm vài nếp nhăn. Bố mẹ thôi không ngủ cạnh nhau. Mẹ nằm trên giường, bố trải chiếu dưới đất. Đông chuyển sang hè, mùa nồm nước chảy lênh láng, bố mẹ vẫn kiên nhẫn mỗi người một nơi. Lo âu khiến con người thui chột mọi ham muốn. Nhưng tình đoàn kết của bố mẹ có vẻ không gì chia cắt nổi. Bố và mẹ cùng diễn vai đồng chí. Nhiều đêm thức dậy em không hiểu những lo âu ấy, những người quen ấy, bố mẹ bàn bạc với nhau lúc nào, ở đâu. Lo âu của thời ấy khác lo âu của bây giờ. Người quen của thời ấy cũng khác người quen bây giờ. Người quen của thời ấy nhận mảnh vải, hộp sữa. Người quen bây giờ nhận mỗi đô la.

Ngày mẹ được quyết định của Bộ, bố mẹ không dám nói với ai. Ngày mẹ lên đường sang Pháp, cả khu tập thể không ai biết, em và anh Mai cũng không ai biết. Hằng ngày, anh Mai vẫn đi chợ nấu cơm, em vẫn quét nhà rửa bát, bố đi lại vật vờ. Ba sinh vật mỗi người một góc. Giá mà còn có cái vô tuyến Sony đen trắng để gắn bó với nhau, dẫu chỉ là hai tiếng trước khi lên giường đi ngủ. Giá mà còn cái tủ lạnh Hitachi để góc nhà đỡ trống, để đi học về được mút đá thay kem.

Một tuần sau, tàu liên vận quốc tế tới Mạc tư khoa. Cầm vé máy bay đi Pháp trên tay, mẹ đánh điện về, bố mới thông báo cho ông bà ngoại. Ông bà nội, từ ngày gia đình bác Cả ra chơi, cả bố lẫn mẹ đều chưa gặp lại. Các anh chị em khác của bố, từ ngày bác Cả ra chơi, bố cũng chưa gặp lại. Họ hàng và người quen ở xa chưa kịp hay tin thì mẹ đã trên đường về nước.

Ngày mẹ về nước, bố đi đón mẹ ở ga Hàng Cỏ. Bố đèo mẹ bằng xe đạp, cả hai trong vai vợ chồng ba tháng không gặp. Đi song song với bố mẹ là một chiếc xích lô. Trên chiếc xích lô là một chiếc xe đạp và một chiếc xe máy, còn nguyên trong hộp, cùng gắn mác Peugeot. Sau đó, hai đại diện của nước Pháp được bày trân trọng giữa phòng khách, hộp tháo ra nhưng bánh và khung vẫn quấn mút mấy lần. Mẹ mang sô cô la, nho khô và khăn mặt mùi soa đi tặng những người quen đã tác động hộ mẹ. Chỉ sô cô la là sản phẩm của Pháp, còn nho khô được mua ở Liên Xô và khăn mùi soa được mua ở Trung Quốc. Người quen của thời ấy không câu nệ tư bản hay xã hội chủ nghĩa như người quen bây giờ.

Một tháng sau, bố mẹ gọi người vào bán chiếc xe máy. Một tháng sau nữa, bố mẹ đi sắm lại vô tuyến và tủ lạnh, mới nguyên nhưng sản xuất tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Số tiền còn lại, bố mẹ gửi tiết kiệm. Mấy tháng sau nữa, xảy ra sự kiện đổi tiền đầu tiên của cả nước, ngoài mấy chục cân gạo mua vội theo giá chợ đen, em không biết bố mẹ còn lại bao nhiêu, không biết có đủ làm quà Tết cho những người quen đã từng tác động hộ mẹ, không biết có đủ mỗi tháng bù ra vài cân thịt và chục cân gạo. Tóm lại, chuyến thực tập ở Pháp của mẹ lãi đúng chiếc xe đạp Peugeot.

Hai năm sau thì bố mẹ ly dị. Trẻ em mười tuổi không được phép có mặt ở tòa. Nhưng ngồi trong lớp học, em tưởng tượng vai «phụ nữ mới xã hội chủ nghĩa» mẹ đang diễn trước hội đồng bồi thẩm nhân dân. Mẹ diễn xuất sắc đến nỗi hội đồng bồi thẩm nhân dân xem xong cảm động lắm, không hỏi han gì thêm. Cuối buổi, bố mẹ bắt tay nhau, như những người đồng chí. Cử tọa cả trên lẫn dưới đều vỗ tay nhiệt liệt.

Buổi trưa đi học về, ăn bữa cơm cuối cùng với anh Mai, em đã nghĩ giá như có một chuyến đi nước ngoài, không tư bản thì xã hội chủ nghĩa, để củng cố tinh thần đoàn kết của hai đồng chí bố mẹ.

 

 

CHƯƠNG 20

Paris

 

Sandra là nữ tiếp tân đã đứng lên đưa cô ra tận thang máy. Sandra để tóc xù, đi giày cao gót mũi nhọn, mặc mini màu hồng đào. Cứ vài bước, cô phải dừng lại cho Sandra kéo váy. Kéo thế nào cũng không chạm nổi mép mông. Mới đầu cô cũng áy náy. Nhưng sau đó cô phát hiện ra rằng Sandra thích được đứng lên đi lại hơn là ngồi đằng sau cái bàn tiếp tân vừa to vừa cao khiến chẳng ai có thể nhìn thấy đôi chân, đôi chân có vẻ đã ngốn của Sandra khá nhiều thời gian và ít nhất vài chục phần trăm lương tháng cho tiền kem, tiền se lông, tiền xoa bóp, và rất có thể cả tiền hút mỡ, vì đôi chân thon thả hơn hẳn các bộ phận còn lại của cơ thể. Trong lúc đứng đợi thang máy, Sandra vẫn tiếp tục quay trước quay sau, vừa kéo váy vừa vuốt từ eo xuống mông, vừa kéo váy vừa liếc phải liếc trái, còn mái tóc xù thì lắc liên tục. Cô hơi tiếc cho Sandra, giá không phải là cô mà một đấng nam nhi nào đó thì hai người sẽ có vài phút sôi động trong thang máy của Bộ Nông nghiệp.

Thang máy ngập ngừng rồi dừng lại ở tầng bảy. Sandra ra trước, rón rén rẽ phải, chân bước thẳng nhưng mắt nhìn xiên. Cô theo sau, vẫn thỉnh thoảng dừng lại cho Sandra kéo váy. Được một đoạn khá xa, Sandra xoay người, rón rén quay ngược lại, theo đường cũ, để tiến về phần bên kia của hành lang. Không ngoái đầu, Sandra nhún vai. Đôi vai đầy thịt. Nhất là tấm lưng. Cô đành nhìn từ đùi trở xuống. Không thể phủ nhận là công nghệ sắc đẹp ngày càng đạt được những thành tựu xuất sắc. Sandra mở cửa, chân bước vào còn mắt xiên dọc hành lang. Hành lang âm u hai dãy đèn nê ông xanh ngắt. Sandra nói: “Bảng đây nhé, khăn đây nhé, bút đây nhé”. Mắt mơ màng. Tai nghe ngóng. Tiếng chân ai rất nhẹ từ xa. Rồi dừng lại như chờ đợi. Sandra quay một trăm tám mươi độ. Không kịp chào. Không kéo váy. Giày cao gót lướt như bay trên hành lang. Mái tóc xù thành đám mây nhỏ. Mấy giây sau, thang máy ập vào rồi lao vút đi.

Từ ngày mẹ mất, cô hay tìm đọc các tài liệu về thang máy. Cùng với sự phát triển của văn minh nhân loại, thang máy cũng có lịch sử của riêng nó: một cái hộp tuyềnh toàng được kéo bằng dây thừng, dùng để chuyên chở hàng hóa, qua một thế kỷ đã biến thành một không gian đặc biệt của con người, có thể nói là khá ấm cúng, có gương soi, có đèn mờ, sạch sẽ, thơm tho, yên tĩnh. Vì thế, trong các Công ty lớn và các khách sạn nhiều sao, nơi thang máy được đầu tư rất kỹ (vì là chỗ mà người ta xét nét đầu tiên ngay sau khi đặt chân vào cửa), thang máy đã được coi là địa điểm của nhiều cuộc tình chớp nhoáng (hay “cuộc phiêu lưu lãng mạn” theo ngôn ngữ thời thượng), những lúc bên trong chỉ có hai người, ở những giờ vắng vẻ. Trên một diễn đàn Internet về chủ đề này, cô đọc được những chia sẻ đại loại như sau: “Ôi, tuyệt vời, đề nghị các đấng mày râu hãy thử một lần cho biết. Này nhé, nàng ngó đầu soi gương và thò tay sửa lại áo lót ngực, còn ta tiến lại từ phía sau rồi bất ngờ ôm lấy vòng eo, đôi mông của nàng ấm, lại càng đê mê trong chuyển động êm ái của thang máy…”. “Cảm giác thật kỳ lạ khi đột nhiên tôi thấy mình ở trong một không gian bé nhỏ và khép kín với một người đàn ông lạ mặt. Tôi nghe thấy tiếng thở nhè nhẹ của anh ta, ngửi thấy mùi thơm toát ra từ quần áo anh ta, và bàn tay anh ta đặt hờ trên thanh vịn, ngay cạnh tay tôi. Thang máy rùng mình một cái rồi vút đi, như thể đưa hai chúng tôi vào một hành tinh khác, như thể biến chúng tôi thành những con người khác. Lúc đấy thành thực mà nói, tôi đã quên tất cả để ngã vào lòng anh ta, người đàn ông mà tôi không quen, quà tặng bất ngờ của thượng đế. Ôi điều đó mới kỳ diệu làm sao!…”. Có kẻ còn cả quyết (bằng những dấu chấm hỏi không ngừng) rằng chính trong thang máy khách sạn mà các chị em phụ nữ thường cởi bỏ xi líp cũng như tất cả những thứ lủng củng khác trên cơ thể. “Thử hỏi chỗ nào lý tưởng hơn thang máy để làm chuyện ấy? - Ở nhà chăng? - Nếu bạn định báo cho chồng biết bạn đã có người mới rồi. Ở toa lét công cộng chăng? - Nếu bạn muốn khi tới với anh ấy, chỗ đó của bạn sực nức mùi thuốc khử trùng. Ở buồng tắm khách sạn chăng? - đáng tiếc là hơi muộn, vì anh ấy đã rình ở sau cửa, chỉ đợi thang máy mở ra là lao tới bế bổng bạn vào phòng và nuốt chửng bạn trong tích tắc. Nhưng bạn có biết cái gì thần diệu nhất trong việc cởi bỏ xi líp ở thang máy không? - Chính lúc ấy, lúc mà bạn đối diện với tấm gương dài của thang máy, tự tay giật phăng quần lót của mình (như một cản trở cuối cùng) trong một trạng thái bay bổng (vì thang máy đang đưa bạn đi lên, đúng không nào?), bạn đã bắt đầu làm tình rồi đấy! Thang máy phải chăng là cuộc giải phóng tình dục ở mức độ cao nhất trong lịch sử nhân loại? “…

Mỗi khi đọc những tâm sự say sưa kiểu này, cô nghĩ cùng là thang máy, nhưng người ta đến đấy để tìm khoái lạc, còn mẹ thì đến đấy để nhận lấy cái chết. Cô không thể nào không hình dung cảnh mẹ rơi từ tầng thượng xuống tầng trệt, trong khoảng không hình ống tối tăm của thang máy, hai tay quàng quanh đầu để giữ cho khuôn mặt không bị tổn thương. Thang máy nhà anh Mai, lúc cô về, đã bị niêm phong để thanh tra Đức tiến hành điều tra. Nhưng CD sáu mươi phút và mấy trăm bức ảnh chụp buổi khánh thành nhà mới của anh Mai mà mẹ là khách mời danh dự, đều trình bày một thang máy lung linh, điệu đàng, một trong những mác lớn của châu Âu, khó có thể nghi ngờ về mức độ thanh lịch cũng như an toàn.

Hôm nay, bắt đầu buổi dạy tiếng Việt đầu tiên cho hai cán bộ cao cấp Bộ Nông nghiệp, nghe nói đang chuẩn bị đi Hà Nội nhận Công tác mới. Tuần trước, thư ký phòng Hợp tác của Bộ đã gọi điện tới cửa hàng mỹ nghệ, nơi cô vẫn dạy tiếng Việt tối thứ Hai và tối thứ Năm, xin bà Wang số điện thoại cá nhân của cô để liên lạc trực tiếp với cô. Thư ký nói rằng việc cực kỳ khẩn cấp, hai cán bộ cao cấp chỉ có một tháng để học ngoại ngữ, với mục đích là nắm được những phép giao tiếp chủ yếu của tiếng Việt. Cô thở dài tự nhủ, những phép giao tiếp chủ yếu của tiếng Việt thì nhiều người Việt cũng còn chưa nắm được. Thư ký nói tiếp, trong một tháng ấy, hai cán bộ cao cấp cũng chỉ có thể học mỗi tuần hai buổi, mỗi buổi một tiếng, vào những giờ không cố định, vì “họ đều có rất nhiều trọng trách”. Rồi dường như vẫn sợ người nghe không hiểu, thư ký nhấn mạnh: “Một vị thì tốt nghiệp khoa Kinh tế lớn nhất nước Pháp, một vị thì tốt nghiệp trường Hành chính quốc gia”. Cô đặt máy, thầm nghĩ may mà mỗi buổi dạy cũng kéo dài có một tiếng.

Có tiếng gõ nhẹ. Cô ngước lên và sửng sốt mất vài giây. Người đàn ông đứng ở ngưỡng cửa ra vào như thể là anh em sinh đôi với Kai. Cũng cặp kính nhỏ gọng kim loại, cũng sống mũi thẳng và hai gò má nhô cao. Cô nhìn xuống chiếc áo của anh ta (dù sao thì cô cũng chưa bao giờ thấy Kai mặc áo màu xanh nước biển và đeo cà vạt chấm vàng). Anh ta tự giới thiệu là Lionel Roux (anh ta có vẻ rất tự hào khi nói cái tên đó cho cô). Anh ta xin lỗi vì đã tới muộn, rồi tự động ngồi xuống một trong hai chiếc ghế đối diện với cô. Rút từ trong cặp ra mấy tờ giấy trắng và một cái bút bi, đặt tất cả lên bàn, Roux thở dài kêu mệt, ra dáng một cán bộ cao cấp “có nhiều trọng trách”. Sau đó anh ta nói liên tục. Phải công nhận là anh ta lợi khẩu. Cầm chiếc bút bi phác lên tờ giấy trắng trước mặt một hình thù bí hiểm, anh ta tâm sự với cô rằng cả tuần vừa qua anh ta phải lo dứt điểm vụ cho thuê ngôi biệt thự của gia đình trước khi lên đường. “Vấn đề lại ở chỗ có quá nhiều người muốn thuê”, anh ta phân trần bằng một giọng cũng tự hào y hệt như khi giới thiệu tên riêng lúc nãy. Cuối cùng, anh ta và vợ đồng ý chọn một cặp vợ chồng trung lưu, có mức thu nhập không phải là cao nhất trong số các ứng cử viên, nhưng đều là Công chức nhà nước, và điều ấy có nghĩa là “sẽ không có chuyện vài ba tháng nữa, họ sẽ gửi cho chúng tôi một lá thư bảo đảm sang tận Hà Nội để thông báo rằng một trong hai người đã bị mất việc và do đó không thể tiếp tục trả tiền thuê nhà, rồi đưa ra đề nghị hóc búa: hoặc là quay về Pháp để nhận lại biệt thự, hoặc là đồng ý cho họ ở lại với giá thuê giảm đi ba mươi phần trăm”.

Sau khi nhắc đi nhắc lại cái câu “sẽ không bao giờ có chuyện đó”, Roux lôi điện thoại cầm tay ra gọi cho vợ. Cô đã định đứng lên rời khỏi phòng, nhưng anh ta vội vàng dùng tay bịt máy điện thoại rồi quay sang thì thào với cô rằng cứ yên tâm, không cần đi đâu cả, vì “toàn chuyện không có gì bí mật”. Cô đành ngồi lại. Anh ta tiếp tục nói chuyện với vợ như thể đang ở giữa nhà riêng, thỉnh thoảng quay về phía cô gật đầu, không hiểu lý do gì. Hai vợ chồng đang phân vân giữa mấy biệt thự định thuê tại Hà Nội. Nhìn qua ảnh nên cũng khó quyết. Chồng thích nhà mới, đã sạch sẽ lại tiện nghi. Vợ thích nhà cổ vừa lãng mạn vừa quý phái. Chồng thích khu Hồ Tây, có vườn rộng, để nghỉ ngơi thoáng đãng. Vợ thích khu Hồ Gươm, gần sứ quán, để tiện quản chồng. Cả hai thuộc lòng các phố đẹp của Hà Nội vì đã hai lần sang trước để tìm hiểu, nhất là để nắm được giá thuê cho đỡ hố, cò nhà đất Việt Nam nổi tiếng chặt đẹp khách hàng nước ngoài, nhất là khách hàng đến từ Pháp. Tiếp tục phác những hình thù bí hiểm trên tờ giấy trước mặt, anh ta vừa gật đầu với cô, vừa nói vào điện thoại, giọng vẫn ăm ắp tự hào: “Sao em cứ rỗi hơi lo những chuyện đâu đâu, đi lại đã có tài xế riêng đưa đón, nhức đầu xổ mũi đã có bệnh viện Việt-Pháp, nếu em nhất định muốn trẻ con nhổ răng ở bệnh viện năm sao thì Bộ cũng chi vé cho sang Băng Cốc… Đi nghỉ á? Năm đầu sẽ tạm đi các nước xung quanh. Nepal, Miến Điện cũng không đến nỗi. Trẻ con gửi về Pháp cho các cụ nhà em hay mời các cụ sang Hà Nội trông hộ. Tặng cho các cụ một đôi vé thì các cụ chẳng đồng ý cả hai tay… Khách sạn á? Em yên tâm, ngay trên đỉnh Phú Sĩ cũng có tiêu chuẩn quốc tế. Cứ chịu khó chi tiền là được!”

Đúng lúc ấy, cán bộ cao cấp thứ hai bước vào, bóng loáng từ đầu tới chân. Roux nói thêm vài câu nữa rồi mới tắt máy. Phòng tạm yên lặng được một phút. Cô thở ra, tự hỏi không biết Kai có nói chuyện điện thoại với vợ như thế hay không. Từ nãy tới giờ cô không biết để mắt vào đâu ngoài chiếc áo sơ mi màu xanh nước biển của anh ta.

Cán bộ cao cấp thứ hai tên là Nicolas Marchand. Cũng như Roux, đưa tay bắt tay cô, vừa ngồi xuống chiếc ghế còn lại, Marchand đã kêu mệt bã cả người. Từ sáng tới giờ, anh ta phải qua mấy cuộc họp, lần lượt với các sếp trong Bộ và cuối cùng với một nhân vật “đặc biệt quan trọng” mà anh ta tuyên bố là “không thể nêu tên”. Roux làm như không nghe thấy và chấp nhận cái nhìn không được hài lòng lắm của đồng nghiệp. Cô đứng lên định đi về phía bảng thì Marchand bất ngờ kêu đói. Trong bữa tiệc lúc nãy, với nhân vật “đặc biệt quan trọng” mà anh ta tuyên bố lại lần nữa là “không thể nêu tên”, có bao nhiêu món ngon, trứng cá đen ngon tuyệt, nhưng anh ta làm gì còn thời gian để nếm, đến sâm banh cũng chỉ nhấp môi một cái là bỏ ra ngay, vì phải liên tục trả lời các câu hỏi “sắc nhọn” của nhân vật “đặc biệt quan trọng”… Anh ta vừa kể vừa liếc về phía Roux. Roux vẫn làm như không nghe thấy. Có lẽ vì vậy mà anh ta lại phải kể về chuyến công tác một vòng các nước Đông Nam Á, dự định vào cuối năm, với một nhân vật cũng “đặc biệt quan trọng” mà lần này anh ta không ngần ngại tuyên bố là thành viên của Văn phòng Thủ tướng. Roux không thể làm ngơ được nữa. Roux choáng váng ra mặt. Anh ta không hiểu tại sao một dự định như thế này của Văn phòng Thủ tướng mà không ai trong Bộ thèm thông báo cho anh ta câu nào. Anh ta nhìn ra cửa rồi nói: “Thế đấy, tôi vẫn còn lù lù ra đây mà đã bị người ta coi là đồ bỏ đi!”. Giọng anh ta lúc nãy tự hào bao nhiêu thì bây giờ lại cáu kỉnh bấy nhiêu.

Cô đã chán ngấy chiếc áo màu xanh nước biển và không thể không nhìn vào mặt anh ta, mặc dù giây phút này anh ta giống Kai ghê gớm. Roux vẫn lảm nhảm rằng việc gửi anh ta đi Hà Nội đồng nghĩa với việc loại anh ta ra khỏi guồng máy lãnh đạo: hôm nay thì không được mời tới dự cuộc họp với nhân vật “đặc biệt quan trọng” mà Marchand không nói thẳng ra nhưng ai cũng hiểu là người đứng đầu Bộ, còn sắp tới thì không được cử đi áp tải thành viên của Văn phòng Thủ tướng, mà không nghi ngờ gì nữa là người phụ trách mảng nông nghiệp trong chính phủ hiện thời.

Marchand im lặng nhún vai. Chỉ thoáng nhìn cũng đủ biết anh ta đang rất mãn nguyện. Giày tóc quần áo bóng loáng, khuôn mặt tròn cũng bóng loáng, tất cả đều ánh lên một màu đo đỏ. Anh ta thấy cái tên đồng nghiệp sắp sánh vai với mình ở Hà Nội này thật đáng thương, đầu óc loanh quanh mấy chuyện hưởng thụ vớ vẩn và cái quy tắc lỗi thời “chất lượng/giá cả”. Giá như bây giờ được quyền nói thẳng vào mặt người khác tất cả mọi suy nghĩ của mình thì anh ta sẽ nói với Lionel Roux thế này: “Thằng đồng nghiệp đáng thương ơi, phải biết là trên đời này có những điều không thể tính được bằng tiền! Cuộc họp với nhân vật “đặc biệt quan trọng” kia chẳng hạn… Nếu phải chọn giữa xả hơi khách sạn năm sao đỉnh Phú Sĩ của mày và áp tải thành viên Văn phòng Thủ tướng của tao, tao sẽ chẳng lưỡng lự giây nào: đương nhiên là cái thứ hai!”.

Nhưng cuối cùng đó không phải là điều anh ta nói với Roux. Rất ra dáng một cán bộ cao cấp “có nhiều trọng trách”, sau khi “uống tạm” một ly sô cô la nóng mua ngay ở máy tự động trong hành lang, anh ta vỗ hai tay vào nhau, giọng sôi nổi: “Thế nào, các bạn thân mến của tôi, chúng ta bắt đầu buổi học đầu tiên nhé! Tiếng Việt là một ngôn ngữ rất thú vị!”. Lúc này, cô mới phát hiện Marchand đi người không tới lớp.

Dẫu sao thì buổi học cũng bắt đầu.

 

[còn tiếp]

 

-----------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021