thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
MỘT CÁCH NÓI KHÁC CỦA NIỀM KHAO KHÁT [chương XXXIV]

 

Đã đăng: [chương I-II] - [III-IV] - [V-VI] - [VII] - [VIII] - [IX] - [X]

 

ba mươi bốn.

CÁC VỊ BỒ TÁT THỜI ĐƯƠNG ĐẠI

 

Ngay trong đêm đầu tiên đến làng, lúc người làng kéo đến nghe ông lão hát, tôi với nàng trò chuyện với người này người nọ, và đã có được những hiểu biết cơ bản về ngôi làng ấy. Nếu chính phủ không giúp, e đến một ngày nào thứ vi trùng ấy sẽ xâm nhập tới ruột gan. Bọn họ than thở thế, vì cứ tưởng chúng tôi là người của một phái đoàn chính phủ nào đó. Nền văn minh hiện đại quả đã thâm nhập tận nơi cao sơn cùng cốc. Người ta không còn nói đến thứ định mệnh có tính cách siêu hình, mà nhắc đi nhắc lại thứ định mệnh cụ thể có tên là vi trùng xâm hại răng vốn được nói ra từ cửa miệng một nhà nghiên cứu khoa học nào đó. Chúng tôi bảo mình không phải người của phái đoàn nào cả, chỉ đi tìm con nước đầu nguồn con sông chảy qua làng ấy cho việc thể nghiệm một tình yêu vĩnh hằng. Lần ấy chúng tôi lần theo một chi lưu của con sông quê nàng và đã gặp ngôi làng ấy. Nhưng bọn họ chẳng cần biết thể nghiệm là sao, tình yêu vĩnh hằng là sao. Con vi trùng xâm hại răng, theo nhà khoa học nào đó, thì nằm trong nguồn nước uống, nay bỗng có người bảo là đang đi tìm con nước đầu nguồn của con sông chảy qua làng, bọn họ bám theo hỏi đủ thứ chuyện là phải. Cái lũ vi trùng phá hại răng là giống sinh trên cạn hay dưới nước? Nếu quả là sinh dưới nước thì có cách nào diệt chúng không? Dường như ông lão biết tôi với nàng đang gặp nguy, nên đã chuyển qua một khúc hát khác, khúc hát về răng đen, nỗi luyến nhớ về vẻ đẹp của một thời. Quá khứ quả có sức lôi cuốn con người, khi con người biết cách đánh động nó. Giống như người làng, cả tôi lẫn nàng bấy giờ cũng bị ông lão dẫn dắt vào câu chuyện cổ tích. Nhưng lắng nghe một hồi thì biết là ông không còn hát về răng đen, mà chuyển qua cái đám cưới lớn của thời đương đại. Tôi hỏi có phải ông lão muốn chia sẻ nỗi buồn của làng hay không? Ai mà biết, cứ năm ba hôm lại đến hát cho cả làng nghe, ông nói toàn chuyện thế giới, cái đám cưới nào đó của thế giới, chỉ mỗi hôm nay là nói tới răng đen. Người làng bảo. Phải, ngay cả khi không hiểu hết, hay không hiểu được, tôi có cảm tưởng tiếng hát của ông lão cứ như một thứ lời an ủi có tác động tức thì, có nghĩa là những gì ông nói ra như một cách thức diễn giải về cuộc nhân sinh khiến cho người nghe cũng cảm thấy yên lòng. Một nhà truyền giáo? Nàng rỉ tai tôi. Nhưng ông lão đang cổ vũ cho tôn giáo nào mà những đoạn đường ông trải qua thì vừa văn minh vừa man rợ?

Đói khát, dốt nát, và khốn khổ lầm than... là man rợ. Xin bằng an cho những xác chết của những đứa trẻ không còn đủ sức chờ một cuộc di chuyển đến một nơi văn minh hơn nơi chúng đã chết, những xác chết vẫn nằm rải rác nơi những bụi gai đơn sơ trên những bãi cát đơn sơ như dài đến vô tận. Xin bằng an cho cả những nền văn minh đã lụi tàn và chưa lụi tàn. Xin bằng an cho hết thảy những vong hồn những kẻ đã nằm xuống vì sức công phá của man rợ.

Ông lão hát. Và, bỗng như mọi thứ đều biến khỏi mặt đất, giống như đêm trước, lúc tôi với nàng ngồi ở hè đình làng, cả ông lão, cả người làng, cả tôi và nàng, như đều biến khỏi mặt đất, lúc ông lão ngừng hát. Và chính cái ý nghĩ chẳng có lý lẽ chút nào, là thần làng đã hoá thân làm kẻ hát rong, đã lôi tôi với nàng trở lại ngôi đình làng ấy. Và chính tin mừng ấy đã giữ tôi với nàng ở lại nơi ấy, cái tin mừng được nói ra trong đêm ấy, từ cửa miệng của người làng, rằng sắp có một phái đoàn các nhà nghiên cứu khoa học về làng nữa. Và cũng chỉ là sáng hôm sau, khi chúng tôi thức dậy, thì thấy ở sân đình làng ngổn ngang những chi tiết của văn minh đương đại: Xe cộ, điện đài, máy quay phim, máy chụp ảnh. Và những con người, mới nhìn thoáng qua tôi cứ có cảm tưởng đó là những kẻ thông thái. Lần này thì cái khối u buồn của làng chắc phải tan tành mây khói. Tôi hào hứng nghĩ. Người của một viện nghiên cứu khoa học? Nàng huých vào tôi, khẽ bảo. Tôi gật đầu, tỏ đồng tình. Thì cứ căn cứ theo tin mừng của người làng, chúng tôi nghĩ đấy là phái đoàn các nhà nghiên cứu khoa học. Làng răng đen. Phải. Vẫn ngôi đình làng ấy! Người thanh niên phụ trách máy bộ đàm đang gào to lên trong máy. Hãy bảo chúng nó di chuyển nhanh lên. Và coi chừng kẻo lũ ngựa làm hỏng hết trang thiết bị. Người đàn ông mang kính trắng nói với tay phụ trách máy bộ đàm. Như thế là bầu đoàn của phái đoàn chẳng phải chỉ bấy nhiêu, mà còn có cả ngựa thồ đi ở phía sau. Và, nàng lại huých vào tôi: Xếp đấy. Cái buổi sáng mùa thu có vài miếng mây nhỏ lang thang trên bầu trời hơi có vẻ u buồn hoá ra là cái buổi sáng nền văn minh đương đại mang binh lực đến tận chốn cao sơn cùng cốc để tấn công vào khối u buồn của một ngôi làng, cuộc tấn công có vẻ như là cuộc kết hợp giữa sức mạnh truyền thống với sự thông thái đương đại. Xin bằng an cho cả những người có răng đen đã nằm xuống và cả những người có răng đen còn sống. Trong lúc chúng tôi sắp xếp hành trang vào một góc, để nhường gian đình làng cho phái đoàn làm tổng hành dinh của cuộc tấn công, nàng lại bắt chước cách hát của ông lão để hát tặng những con người sắp thoát khỏi thứ định mệnh hài hước. Xin lỗi, các vị thuộc phái đoàn nào? Người đàn ông mang kính trắng tiến về phía chúng tôi, hỏi. Biết trước thế nào bọn họ cũng hỏi chúng tôi là thuộc phái đoàn nào, bởi theo người làng, từ ngày nền khoa học thâm nhập vào cuộc sống ở đó, thì đã có quá nhiều phái đoàn nghiên cứu đến làng ấy, và cứ theo cuộc điện đàm vừa nghe được (làng răng đen, phải, vẫn ngôi làng ấy) thì chính bọn họ đã từng về làng ấy, cái đình làng đã từng là tổng hành dinh trong cuộc hành binh lần trước. Bấy giờ tôi với nàng cũng thấy háo hức được xem bọn họ tấn công lũ vi trùng xâm hại răng bằng cách nào, nên cứ thật thà khai ra là mình đang đi tìm con nước đầu nguồn của một dòng sông cho cuộc thể nghiệm tình yêu vĩnh hằng. Ô, là thế. Vị chỉ huy trưởng của phái đoàn kêu lên thế. Đến lúc ấy, tôi mới bắt đầu nghĩ ông ta là người đứng đầu của phái đoàn nghiên cứu. Chuyện tình yêu vĩnh hằng có vẻ có tác động khá mạnh đối với vị chỉ huy trưởng và một người nữa là cô gái có bộ ngực khá lớn và đôi mắt rất tình tứ, bấy giờ tôi cứ có cảm tưởng đấy là nhân vật quan trọng của đoàn nghiên cứu khoa học. Cô gái mang cả máy tính xách tay đang thao tác đến ngồi cạnh vị chỉ huy trưởng, vừa thao tác máy, vừa lắng nghe cuộc chuyện trò giữa ba chúng tôi. Nói là ba chúng tôi, nhưng thật ra lúc vị chỉ huy trưởng chất vấn về chuyện tình yêu vĩnh hằng, tôi chỉ để cho mỗi nàng thuyết minh, còn mình thì cố phán đoán phái đoàn ấy là phái đoàn gì? Coi chừng lũ ngựa làm hỏng trang thiết bị, kỳ này là xử lý nước ở trên sông trước! Tay phụ trách điện đàm lại quát to lên ở trong máy. Có lẽ đoàn người ngựa còn đi phía sau là rất quan trọng, nên tự nãy giờ tôi thấy tay phụ trách điện đàm chẳng dám rời máy. Một đơn vị nghiên cứu khoa học thực sự? Mọi hoạt động ở khu đình làng lúc bấy giờ có vẻ rất phù họp với phán đoán của tôi. Tất cả đang khẩn trương và nghiêm túc. Máy quay phim đang chỏ về phía dòng sông ở trước đình làng, người phụ trách máy luôn tay điều chỉnh máy, khi sang trái, khi sang phải, khi cất lên, chúc xuống, làm như sắp phát hiện được, hay đã phát hiện được những tác nhân của thứ định mệnh hài hước đang ẩn nấp đâu đó trên sông. Hoá ra người ta đã thiết kế sẵn nơi làm phim ảnh ngay trên đám xe cộ đậu trước đình làng. Tôi thấy mấy tay thợ ảnh từ trên chiếc xe tải bước xuống, tay cầm mấy bức phim ảnh, hình như là vừa mới làm xong, vừa đi, vừa xem, và hô hoán lên rằng có quá nhiều loài sâu đang sống trên đám cây cối vừa mới chụp được trên con đường vào làng. Nhưng đấy chỉ là thứ suy nghĩ xa xỉ! Trong lúc mấy tay thợ ảnh hô hoán có sâu ở trên cây, tôi thấy cô gái phụ trách máy tính ấn ngực mình vào vị chỉ huy trưởng, và kêu lên thế. Tôi biết là cô gái chẳng phải bài bác chi thứ tình yêu vĩnh hằng mà nàng đang thuyết minh cho người đứng đầu đoàn nghiên cứu khoa học nghe. Và cũng biết là nàng đang thích thú thuyết minh theo cách của nàng vì vừa nhìn thấy được một ngõ ngách cuộc đời có thể mở ra trò đùa nghịch. Ký cho em, xếp! Cô gái phụ trách máy tính lại ấn ngực nữa vào người chỉ huy của mình, và chìa máy tính ra. Chẳng biết đấy là văn bản chi, nhưng khi vị chỉ huy cô ta đặt tay lên những con chữ trên máy tính, tôi đã nhìn thấy vẻ hốt hoảng hiện ra trên khuôn mặt ông ta. Dường như là cô gái đã dùng một thứ siêu ngôn ngữ cho công trình nghiên cứu riêng nào đó của cô ta và vị chỉ huy cô ta, ký ở đây là chẳng phải theo nghĩa thông thường. Xét cho nghiêm túc thì đấy là thứ suy nghĩ xa xỉ! Người chỉ huy trưởng lập lại lời của cô gái, sau khi đã viết ra những gì đấy trên máy tính mà cả tôi lẫn nàng đều không tiện nhìn thử. Thứ xa xỉ mà cô gái nói, và vị chỉ huy cô ta lặp lại, là tình yêu vĩnh hằng chúng tôi đang tìm kiếm. Đến lượt tôi với nàng cảm thấy hốt hoảng. Đang thích thú, nếu không nói là đang mê say nghe nàng thuyết minh về tình yêu vĩnh hằng, tay chỉ huy trưởng của đoàn nghiên cứu bỗng xoay một trăm tám mươi độ, bắt đầu cuộc tấn công vào chúng tôi. Giữa thế kỷ khoa học này thì thứ vật phẩm các vị đang tìm kiếm là không thể có, trong môi trường trong lành của thời đại tìm đâu ra những mơ hồ trừu tượng, thứ vật phẩm cÊc vị gọi là tình yêu vĩnh hằng chỉ là hồn ma bóng quế vất vưởng giữa thời khoa học ngự trị. Khi đột ngột bị tấn công, chúng tôi có cảm thấy hốt hoảng thật, nhưng cũng liền lắng dịu, bởi cách tấn công của tay chỉ huy đoàn nghiên cứu có vẻ như để hàn gắn sự rạn vỡ nào đó vừa xảy ra với người thư ký của mình hơn là nhằm phản biện chúng tôi. Bấy giờ thì cả tôi lẫn nàng đều nghĩ cô gái là thư ký riêng của ông ta. Chúng tôi đang lắng nghe những ý kiến quí báu của ngài đây. Nàng đã chuyển cách gọi “ông” sang cách gọi “ngài”. Cũng chẳng hiểu có phải cách gọi ấy làm ông giận dữ, hay ngài chỉ huy vốn giàu lòng trắc ẩn, ông bỗng chuyển sang cách nói có thể nói là đang giận dữ cũng được hay đang xúc động mạnh cũng được.

Phải nói là cho tới thế kỷ này thì những ước mơ của con người đã trở thành sự thật, con người đã có thể đặt chân lên những hành tinh xa lạ, thì con người là con chim chứ còn gì, bay, vươn tới những khoảnh trời cao như thế là bay, chỗ này có sự sống, chỗ kia không có sự sống, con người do cái gì mà có, con chim con cá do cái gì mà có, biết được những việc như thế thì chẳng phải con người đã đạt tới cõi thần thánh ư, chưa hết, chẳng phải là thần thánh sao khi con người đã nhìn thấy được cái tấm bản đồ vẽ nên hình hài thịt xương con người, tấm bản đồ gene.

Không khí của gian đình làng như đang chùng xuống, khi vị chỉ huy đoàn nghiên cứu rút khăn tay lau mắt. Cũng may, niềm xúc động trước những thành quả văn minh của ngài chỉ huy chỉ lây lan sang cô thư ký của ông ta, chứ không lây lan sang tôi với nàng. Cô gái cũng rút khăn tay lau mắt. Quả là nàng đã mất hết khí thế để tiếp tục trò đùa nghịch, khi mọi thứ xảy ra quá bất ngờ. (Đi nói về tình yêu vĩnh hằng trước người đàn ông mà nàng cho là người tình của cô gái cũng đang ngồi nghe nàng nói!) Còn tôi, tôi cũng lâm vào tình thế chỉ còn ngồi im lặng trước những sự việc xảy ra quá bất ngờ. Đã gần đến nơi chưa? Trong lúc tay phụ trách điện đàm quát lên ở trong máy, ngài chỉ huy đoàn nghiên cứu kéo cô thư ký của ông ta đứng lên. Tôi với nàng cũng đứng lên. Xin chào các vị, chúng tôi phải đi làm công việc của mình. Ngài chỉ huy đoàn nghiên cứu nói. Cứ tưởng ông ta và cô thư ký của ông ta đến chỗ điện đàm. Nhưng không phải. Lần này ông nói thẳng với tôi và nàng.

Lúc mới bước vào đây cứ ngỡ các vị cũng là những nhà nghiên cứu khoa học như chúng tôi, những người cả đời chỉ lo cho hạnh phúc kẻ khác, cả đời chỉ lo cho mỗi chuyện cứu độ chúng sinh, thật quá buồn cười, giữa lúc chúng tôi đang đau khổ cho nỗi đau khổ của một ngôi làng suốt bao nhiêu đời chịu nỗi đau mất mát, thì lại có những kẻ chỉ lo cho hạnh phúc riêng mình...

Chắc là xúc động lắm, nên bấy giờ tay chỉ huy trưởng của đoàn nghiên cứu khoa học như chỉ còn thì thào. Còn tôi, bấy giờ vì lòng tự ái quá lớn, tôi cứ muốn hét lên: đồ giả dối. Nhưng cũng may là tôi kịp kiềm chế. Chẳng có chuyện cứu độ nào hết. Đồ giả dối. Tôi chỉ hét to những lời ấy trong ý nghĩ. Ta về thôi anh. Còn nàng, tôi biết, khi rỉ tai tôi thế, là nàng đặt tình yêu chúng tôi trên lòng tự trọng. Có nghĩa là chúng tôi phải cảm thấy xấu hổ một khi có ai đó bảo rằng mình chỉ lo cho riêng mình. Như thế là tôi với nàng chẳng thể xem đoàn nghiên cứu khoa học sẽ tấn công nỗi buồn của ngôi làng ấy bằng cách nào. Chờ cho tay chỉ huy trưởng và cô thư ký của ông ta khuất dạng nơi bờ sông, chúng tôi khăn gói quay về. Chuyến đi coi như không thành.

 

[còn tiếp]

 

_________
MỘT CÁCH NÓI KHÁC CỦA NIỀM KHAO KHÁT là cuốn tiểu thuyết thứ sáu của Nguyễn Thanh Hiện [1. Những Tháng Năm Nghiệt Ngã - 2. Trở Lại Xương Quơn (NXB Văn Học, Việt Nam, in năm 2007) - 3. Vật Gia Bảo Của Một Dòng Họ - 4. Bên Này Trần Gian - 5. Người Đánh Cắp Sự Thật (NXB Văn Học, Việt Nam, in năm 2008) - 6. Một Cách Nói Khác Của Niềm Khao Khát - 7. Rốt Cuộc Thì Bọn Họ Là Ai?], sách gồm 38 chương, chưa nhà xuất bản nào in.

 

 

Đã đăng:

... Mặt đất này thì rộng lớn, và con sông nào cũng có chỗ bắt đầu của nó, mà các người đi tìm nguồn con sông nào? Ông hỏi. Tôi nói là con sông chảy qua quê nàng. Con sông quê của người mình yêu. Ông quảng diễn thêm câu nói của tôi. Rồi bảo hai chúng tôi có vẻ khăng khít nhau thế còn đi tìm nguồn con sông đó chi nữa. Tôi nói đó là bí mật của tình yêu. Hoá ra không phải chỉ tôi với nàng mới có bí mật của tình yêu. Đêm đó, nơi căn nhà lá ở giữa rừng, người coi rừng đã nói cho chúng tôi biết ông cũng có một bí mật của tình yêu... (...)
 
... Rằng từ khi loài người biết truyền những ý nghĩ cho nhau bằng máy móc thì thần không còn trực tiếp cai quản núi rừng, nhưng không phải là không để mắt đến chuyện con người, rằng trong cuộc chuyển lưu lớn lao của vạn hữu thì không phải hễ là thần thì nhìn thấy được sự thật của mọi sự, rằng ngày xưa, ngay chính bản thân vũ trụ cũng chưa biết mình do đâu mà có, thì lớp cha ông của thần quả đã cho rằng hễ là thần thì biết hết mọi sự, từ đó mới có chuyện toàn trị của các vị thần... (...)
 
... Xin chào bác homo sapiens! Đám đồng bào của ta nơi mặt đất đã bớt lạnh lẽo gọi ta là bác homo sapiens. Là homo sapiens, hay không là homo sapiens, thì có hệ trọng gì đâu. Bởi điều đáng nói là ta đã vượt qua cuộc thử thách lớn nhất trong trời đất, cuộc thử thách diễn ra hằng triệu triệu năm, để được thiên hạ trong trời đất gọi ta là con người... (...)
 
... Có cái gì là chẳng ngoi lên từ cõi hỗn mang? Một vùng trời đất âm thầm, từ đấy ngân vang những giai điệu nguyên sơ. Sáng tỏ và u uẩn. Ôm ấp và cô đơn. Mở và khép. Gặp lại và chia xa... Buổi ban đầu ấy là một cuộc lưu luyến kỳ cục giữa ngẫu nhiên và tất yếu. Ai đã ngang qua đất trời lãm thuý?... (...)
 
... Lại hỏi về cây thong dong. Thưa, có bao giờ thấy mặt trời mặt trăng vội vã đâu, nếu là biển, thì sáng tinh mơ, mặt trời trườn đi trên nước, nếu là bầu trời đêm có nhiều mây, thì mặt trăng ẩn hiện ở trong mây, cái cách như thế của mặt trời mặt trăng thì gọi là thong dong... (...)
 
Mùa thu năm ấy chúng tôi ngược về thượng nguồn một nhánh sông của con sông quê nàng. Và bị cầm chân ở ngôi làng ấy. Khoa học hiện đại dù đã phát hiện được bao nhiêu là luật lệ của trời đất, nhưng những con người ở ngôi làng ấy vẫn khăng khăng vị thần làng của mình là thần của tất cả các thần, là tổ thần, không có vị này thì không có người làng và cũng không có cả loài người... (...)
 
Quả tình mùa thu ở đây vàng một nỗi ám ảnh. Ám ảnh bởi một thứ quá khứ đã được tinh kết thành thứ từ vựng tinh tế, kiêu sa, và không phải cứ nghe thấy là hiểu. Ám ảnh bởi một thứ hiện tại được biểu lộ trong một diện mạo có vẻ minh bạch, nhưng không dễ gì cứ trông thấy là hiểu. Đúng là tôi với nàng không dễ gì rời khỏi một nơi chốn như thế... (...)
 
... Một người đàn ông nằm trên mặt đất, chắc là đã chết, trước mặt có con bò rừng đứng trong tư thế kỳ lạ, như đang sắp ngã xuống, ruột gan tràn ra bên ngoài, bên sườn có cắm một ngọn lao. Đó là nội dung một phiên bản tranh hang động thời tiền sử treo ở nhà vị trưởng tế... (...)
 
... Hãy nói cho tôi nghe là ngài căn cứ vào đâu để bảo đó là sự thật? Một văn bản bằng giấy ư? Hay một văn bản bằng đá? Mà chép trên giấy, hay trên đá, thì đều là ngôn ngữ của con người, ai dám bảo với ngài rằng ngôn ngữ ấy thuật lại đúng sự kiện đó, xin ngài hãy nhớ cho, khi ngài tham gia vào việc nói về sự kiện đó thì nó không còn là nó, mà sẽ hiện ra theo cái cách của ngài nói về nó... (...)
 
... Khi kể ra những sự tích đó, người làng muốn nói với chúng tôi, mà họ vẫn đinh ninh là những nhà báo của chính phủ, rằng cái gò hoang là bản gia phả chung của các dòng họ trong làng, rằng những thế kỷ đã trôi qua, các dòng họ đó vẫn giữ gìn bản gia phả đó như giữ gìn dòng máu tộc họ của mình... (...)
 
... Các vị đại diện nhà nước bắt đầu thay nhau nói, rằng cái gò hoang không phải là nghĩa địa, nghĩa địa sao lại không có mồ mả, mà chỉ là nghe kể lại rằng tổ tiên của dân làng đã chôn ở đó, nên việc yên nghỉ đó cũng chỉ là khái niệm, cũng như nói cái gò đó là gia phả chung của các dòng họ thì cũng là khái niệm, nói gọn lại, dẫu cái gò hoang đó không còn thì những khái niệm kia vẫn còn. Nhưng về chỗ này thì đám dân làng không dễ gì mủi lòng để các vị đại diện nhà nước biến mồ mả tổ tiên thành những khái niệm... (...)
 
... Ta phải nói thế nào với các người đây? Sự cư trú của con người trên mặt đất này thì có vẻ ngẫu nhiên. Chẳng ai muốn chọn những nơi nghèo nàn như ngôi làng ấy để sống. Mà chuyện ngẫu nhiên như thế xảy ra khắp nơi trên mặt đất này. Và bằng trí tuệ của mình, con người đã vượt qua được biết bao cái ngẫu nhiên để làm nên những cuộc đổi thay có tên là những nền văn minh nhân loại... (...)
 
... Nhưng nàng bảo để có nền văn minh đương đại, các nhà khoa học đã phải cống hiến cho nhân loại cả tinh thần lẫn thể xác của họ. Việc làm cái nhà máy thuỷ điện là thừa hưởng thành quả của văn minh đương đại, nhưng người chỉ huy công việc làm này lại nói về nền văn minh này theo ngôn ngữ của loài chim là điều chẳng thể chấp nhận. Bởi trong mối quan hệ giữa các loài trong hiện tại thì chỉ có loài người nói về loài chim, chứ không thể có chuyện loài chim nói về loài người... (...)
 
... Chúng tôi lại lặng đi trong giây lát. Trí tuệ con người lớn lao biết bao mà cũng nhỏ nhoi biết bao trước vẻ kỳ bí của tự nhiên. Nàng nói. Và khẽ rùng mình. Tôi cũng khẽ rùng mình... (...)
 
... Đây là thời hết thảy các chính phủ trên mặt đất này mở miệng là nói phải làm giàu đất nước, là thời mà sự giàu có được coi như niềm đam mê mới mẻ nhất trong việc trị nước của các vị nguyên thủ của hầu hết các quốc gia hiện đang có mặt trên bản đồ thế giới, là thời mà việc xuất nhập khẩu hàng hoá của một quốc gia được coi như chìa khoá mở cửa vào cõi giàu có, bởi từ cân đường cân thịt cho đến tri thức của con người đều được xem là hàng hoá... (...)
 
... Nàng hỏi có phải anh ta đang nói đến ảo ảnh cuộc đời hay không? Anh ta bảo con người là sinh vật duy nhất biết có ngày mai, trong cái gọi là ngày mai thì có cái chết, biết là chết mà vẫn cố tạo ra bao nhiêu chuyện để hướng tới gọi là tương lai, nếu như cái ảo ảnh ấy không phải là vĩnh hằng, tức chết trước cái chết, thì loài người đã treo cổ chết cả từ lâu... (...)
 
... Em chết mất. Nàng chỉ kịp nói thế. Và bị dòng nước cuốn phăng đi. Dốc hết cả sức lực, tôi lao theo nàng. Bấy giờ thì tôi nhìn thấy quá rõ cái tương lai chẳng mấy tốt đẹp của chúng tôi. Nên đã đi đến quyết định có chết là phải chết cùng nàng. Nhưng rồi tôi cũng chẳng thể thực hiện được cái quyết định đó. Bởi con nước đã đẩy tôi dạt vào bờ. Có nghĩa là không chết. Còn nàng thì chẳng hiểu là con nước cuốn về đâu... (...)
 
... Con người đang hô hoán lên khắp nơi rằng mình đang toàn cầu hoá. Nhưng máu lại đang chảy rất nhiều trong các cuộc chiến nhằm để chia tách một quốc gia cũ ra thành nhiều quốc gia mới. Con người đương tự hào với nhau rằng mình đương củng cố ngôi nhà chung của mình trên mặt đất. Nhưng ta nghe dường như đây là thời mà một tay đại bịp cũng muốn dựng tượng đài riêng cho mình? Dường như đây là thời trăm nhà đua tiếng, kẻ đê hèn cũng có thể nói được lời cao cả?... (...)
 
... Thời mà cha ông bọn này chỉ ăn củ mài để sống có phải là thời thần thánh nhập vô các vị vua quan, khiến các vị chỉ lo chuyện bòn rút của dân mà không lo việc cơm áo cho dân? Tôi với nàng đã điên đầu với những câu hỏi như thế. Có vẻ như khi vây hỏi chúng tôi về nỗi bất hạnh, bọn họ đã từ cảnh trí siêu hình tụt xuống cảnh trí trần thế? ... (...)
 
... Vào một ngày có lũ khỉ đùa giỡn trên cây còn lũ chim bồ chao thì làm như núi rừng là của chúng, một người đàn ông và một người đàn bà ngồi ở nơi gộp đá ấy nhìn trời đất đang chìm trong hoang dã. Làng xóm của ta là ở đây. Người đàn ông nói. Người đàn bà lấy một viên sỏi cuội vạch lên gọp đá như viết lên một lời thề... (...)
 
... Trên các dòng sông ta đi lại đã bắt đầu nghe thấy mùi máu. Máu của các cuộc thể nghiệm về các cuộc cãi vã. Lịch sử là biên niên sử về các cuộc thể nghiệm các cuộc cãi vã. Cho đến lúc nước trên các dòng sông pha màu máu, thì ta, kẻ náu mình trên sông nước, chỉ còn biết thở dài. Thì còn biết làm sao khi các cuộc thể nghiệm đã thuộc về cách thức tồn tại của con người... (...)
 
... Các nhà thông thái có vầng trán vừa đủ để tỏ ra mình là thông thái đang rao giảng thứ thuyết lý cao siêu vốn lấy từ kinh điển của thế kỷ trước nhưng đã được sửa sang qua nhiệt tình cháy bỏng của các vị. Nếu không có nó, đám trẻ tuổi các người hỏng bét hết... Cứ sau một hồi giảng thuyết, các vị lại thét vào tai đám cử toạ trẻ tuổi thứ lửa hoả ngục chết người ấy... (...)
 
... Không bắt được con cá vượt thác, mà lại bắt được hai con người vượt thác. Chưa hiểu thác là gì, và vượt thác là sao, nhưng chỉ nghe bắt được hai con người vượt thác, thì chúng tôi đã tính đến con đường chết. Ta lại gặp đám ăn thịt người! Nàng rỉ tai tôi. Không dám thể hiện nỗi sợ hãi của mình, mà cũng chẳng muốn người yêu của mình rơi vào nỗi sợ hãi, tôi gượng cười, rồi rỉ tai nàng, bảo chớ nghĩ quấy. Thuyền đã cập bờ... (...)
 
... Giữa nghiêm túc với hài hước, em thích thứ nào hơn? Chẳng rõ bấy giờ nàng đang nghĩ gì, nhưng rồi cũng trả lời được câu hỏi nảy ra một cách ngẫu hứng từ dòng suy nghĩ hỗn tạp của tôi. Theo nàng, hài hước là nghiêm túc. Và, nghiêm túc là hài hước. Nàng đã nói ra những điều tôi đang nghĩ. Tình yêu chúng tôi bấy giờ coi như đạt tới đỉnh cao. Có nghĩa, chỉ bước thêm một bước nữa là tới chỗ vĩnh hằng... (...)
 
... Nàng bảo mọi thứ trên đời là do con người nghĩ ra, mới đầu nghĩ mặt trời quay quanh trái đất, sau lại nghĩ trái đất quay quanh mặt trời, nghĩ ra rồi, thì đi tìm chứng cứ, tìm có chứng cứ rồi, thì la toáng lên quá khứ là sai lầm, cứ thế, công cuộc chống sai lầm dường như bất tận... (...)
 
Từ những ý nghĩ về khủng long, nàng đã chuyển sang những ý nghĩ về cọp. Tiếng động kiểu ấy nhất định là tiếng chân của chúa sơn lâm. Nàng lại khẳng định. Ta hãy dừng lại để nghe kỹ thử sao? Tôi đề nghị. Và dường như từ một chỗ tăm tối nào đó trong trí nhớ của nàng, những con cọp thời thơ ấu của nàng đã lần lượt hiện ra.... (...)
 
... Một nền hoà bình cho con người không phải chỉ là không có tiếng súng, mà còn làm sao cho con người có cơm ăn áo mặc, ngay tự lúc có tổ chức nhà nước thì người ta đã nói đến những thứ đó, người đứng đầu nhà nước nào cũng nói đến những thứ đó, nhưng suốt mấy trăm nghìn năm lịch sử của loài người thì súng vẫn cứ nổ, và con người thì vẫn cứ thiếu đói. Các vị đã rõ chưa?... (...)
 
... Ngày xưa có một người con gái đủng đỉnh bước giữa cuộc đời, xin chào hạt bụi, vào một hôm nàng đang đủng đỉnh bước thì nghe có tiếng ai nói từ thinh không, xin chào thinh không, nàng liền đáp, và lập tức từ thinh không bước ra một hạt bụi... Hoá ra hạt bụi là thinh không?... (...)
 
... Con người thuở đầu nói bằng tiếng của cóc ếch nhái, nhưng tiếng cóc ếch nhái thì chẳng thể diễn đạt những giả dối, bèn chuyển sang nói tiếng nói của giun dế, nhưng tiếng giun dế thì chỉ để mô tả những cay đắng lầm than, mà con người lại cần sự chiến thắng, phải bước qua xác những kẻ khác, nên phải chuyển sang nói tiếng của cọp, nhưng tiếng con cọp chẳng thể nói ra trong những phút yêu đương, nên con người phải chuyển qua nói tiếng nói của chim... (...)
 
Như một thứ định mệnh hài hước luôn phủ lên cái nhúm người cư ngụ nơi góc trời heo may gầy guộc. Cũng đủ cả những chi tiết núi sông để có thể dự vào hàng giang sơn gấm vóc, có điều đây là thứ gấm vóc như còn nằm trong cuộc thể nghiệm của trời đất, cuộc thể nghiệm như một cách thức của tồn tại, nghĩa là không còn thể nghiệm thì không còn tồn tại. Có thể là tự ngày người làng đầu tiên có mặt ở ngôi làng ấy, cuộc thể nghiệm ấy đã được coi như một thứ định mệnh có tính cách áp đảo, khó lường... (...)

 

 

----------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021