thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Shakespeare
 
Bản dịch Diễm Châu
 
Shakespeare đã tạo ra thế giới trong bảy ngày.
Ngày đầu tiên, ông tạo ra bầu trời, núi non và những vực thẳm tâm hồn.
Ngày thứ nhì, ông tạo ra sông, biển, các đại dương,
Và mọi thứ tình cảm,
Ông đem cho Hamlet, César, Antoine, Cléopâtre, Ophélie,
Othello và những người khác
Để chúng trở thành của họ và con cháu họ.
Đời đời kiếp kiếp.
Ngày thứ ba, ông gọi toàn thể mọi người lại
Để dạy họ mọi mùi vị :
Mùi hạnh phúc, mùi ái tình, mùi tuyệt vọng,
Mùi ghen tuông, mùi vinh quang, và cứ như thế tiếp theo
Cho đến khi cạn hết mọi mùi vị.
Lúc đó có mấy người vào giờ chót mới tới;
Hóa công thương cảm vuốt tóc họ
Mà bảo rằng họ chỉ còn có việc trở thành
Các nhà phê bình văn nghệ
Và phủ nhận công trình của ông.
Ngày thứ tư và thứ năm được dành cho tiếng cười.
Ông buông những anh hề
Để họ quay tít như con quay,
Ông tiêu khiển các ông vua, các vị hoàng đế
Và những kẻ bất hạnh khác trên trái đất.
Ngày thứ sáu, ông giải quyết một vài vấn đề quản trị;
Ông phát động một cơn bão,
Và dạy vua Lear
Cách mang một vương miện bằng rơm.
Bởi công trình sáng thế chỉ còn vài mảnh vụn,
Ông đem làm Richard III.
Ngày thứ bảy, ông coi còn có điều gì cần hoàn tất.
Các viên giám đốc nhà hát đã phủ đầy trái đất bằng những tấm bích chương;
Shakespeare nghĩ rằng sau bao nhiêu công khó
Cả ông nữa cũng đáng được coi một vở tuồng.
Nhưng, vì ông mỏi mệt đến cực độ
Ông sẽ đi chết một chút đã.
 
------------------------------------------
Marin Sorescu (1936-1996) là nhà thơ hài hước lớn nhất của Ru-ma-ni và có lẽ của cả Đông Âu cũ. Trở thành bộ trưởng bộ Văn hóa trong một chính phủ cách mạng sau Ceausescu, ông có tham vọng sửa đổi những luật lệ lạc hậu vẫn còn chi phối đời sống văn hóa ở nước ông. Trong một tiệc trà sau buổi ra mắt sách tại Lộ-trấn, được hỏi vì sao ông lại đi nhận chức bộ trưởng, Marin Sorescu đã nói với Diễm Châu, trước mặt nhà thơ Alejandro Calderón của Pê-ru: «... nếu như tôi không sửa đổi được những luật lệ ấy, tôi sẽ từ chức…» Chưa kịp nhìn thành quả những nỗ lực của mình, Sorescu đã lâm trọng bệnh, phải vào nằm bệnh viện Cochon ở Paris, rồi chuyển về một bệnh viện khác ở Ru-ma-ni. Ông mất tại Bucarest ngày 8.12.1996. Bài thơ cuối cùng của ông đề ngày 7.12.1996. Ngoài một số rất lớn thơ, ông còn để lại nhiều kịch bản… Thơ ông đã được dịch sang nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt. Một người dịch thơ ông cũng đã đoạt giải Nobel Văn chương! Bản dịch thơ Marin Sorescu mang nhan đề Tay đua, gồm hơn một trăm bài của ông, hiện còn nằm trong ngăn kéo... bàn viết của Diễm Châu, vì người dịch không có đủ phương tiện… "Shakespeare" là một bài thường thấy trong các tuyển tập thơ của thế giới. (DC.)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021