thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đêm La-mã | Tôi lao động suốt ngày... | Tổ quốc ta ở đâu | Những dòng sông của lòng con
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
PIER PAOLO PASOLINI
(1922-1975)
 
Pier Paolo Pasolini nổi tiếng như một trong những nhà làm phim đầy sáng tạo và gây nhiều tranh luận nhất trong thế kỷ 20, nhưng ông cũng là một thi sĩ, tiểu thuyết gia, kịch tác gia và luận giả tài ba. Riêng về thơ, ông đã xuất bản rất nhiều tác phẩm, và được đọc nhiều nhất là những cuốn: La meglio gioventù (1954, Tuổi trẻ tuyệt vời), Le ceneri di Gramsci (1957, Hài cốt của Gramsci), L'usignolo della chiesa cattolica (1958, Con hoạ mi của giáo hội Thiên Chúa), La religione del mio tempo (1961, Tôn giáo của thời đại tôi), Poesia in forma di rosa (1964, Thơ hình hoa hồng), Trasumanar e organizzar (1971, Xuyên nhân hoá và tổ chức), và La nuova gioventù (1975, Tuổi trẻ mới).
 
Chúng tôi vô cùng hân hạnh giới thiệu đến độc giả những bài thơ dưới đây qua bản dịch của nhà thơ Hoàng Ngọc Biên — có lẽ là dịch giả tiếng Việt đầu tiên của thơ Pasolini.
 
Tiền Vệ
 
 

Ðêm La-mã

 
Bạn đi đâu qua những đường phố La-mã
trên xe buýt hay xe điện
chật ních những người trên đường về nhà?
Vội vã và bận rộn
tưởng như công việc thường nhật đang chờ bạn,
công việc giờ này ai nấy đang giã từ để trở về?
Ngay khi ăn tối xong,
khi gió mang mùi nghèo khó ấm áp của gia đình
lạc vào hàng ngàn bếp lửa,
trên những đường phố dài, sáng đèn
rình rập những vì sao còn sáng hơn.
Trong khu nhà sang trọng là bầu khí yên tĩnh
làm ai nấy hài lòng,
hạnh phúc hèn mạt,
thứ hài lòng mọi người mơ ước
lấp đầy cuộc sống mình,
mỗi đêm.
A, sống khác — trong một thế giới
quả có tội — nghĩa là chẳng phải hoàn toàn vô tội...
Nào, hãy bước xuống những đường phố quanh co tối mù
dẫn đến khu Trastevere:[1]
Ở đấy, bất động và hỗn loạn,
như khai quật từ đất bùn của những thời đại khác —
để đem vui hưởng cho những kẻ có thể cướp
thêm một ngày từ cái chết và nỗi đau —
ở đấy bạn có toàn bộ La-mã dưới chân mình...
Tôi bước xuống và qua cầu Garibaldi,
những ngón tay tôi vịn
lên thành cầu dọc theo
bờ mép đá lở lói,
gay gắt trong hơi nóng
nhẹ nhàng lan toả trong đêm
trên những vòm cây tiêu huyền cháy bỏng.
Trên bờ bên kia
như những mặt đá lát xếp thành hàng
những gác mái bằng, xám màu chì của các toà nhà vàng đất
choán cả một bầu trời nhạt nhoà.
Bước dọc theo đường đá lởm chởm
tôi thấy, hay đúng hơn là tôi ngửi thấy,
thoạt kích động và không kiểu cách —
lấm chấm những ngôi sao có tuổi và những cánh cửa sổ lao xao —
cả khu phố láng giềng rộng lớn:
mùa hè tối mù nhớp nháp dát vàng nơi đây
với mùi thối khó chịu
do gió xối xả từ những cánh đồng La-mã
đổ xuống trên những đường ray và những mặt tiền.
 
Và dãy đê đắp bốc mùi ra sao
trong hơi nóng toả khắp
dày đặc đến nỗi chính nó trở thành khoảng không:
từ chiếc cầu Sublicio đến tận Gianicolo[2]
mùi thối hoà lẫn với cơn say
cuộc sống không phải là cuộc sống.
Những dấu hiệu tạp nhạp cho thấy đã qua nơi này
những lão say rượu già, những cô điếm ngày xưa,
đám trai trẻ bê tha:
những dấu vết tạp nhạp của con người,
bị nhiễm độc vào người,
nơi phát hiện những con người ấy,
thô bạo và trầm tĩnh,
những nguồn vui thấp hèn vô tội của họ,
những kết thúc khốn khổ của họ.
 
 
 

Tôi lao động suốt ngày...

 
Tôi lao động suốt ngày như một nhà tu
Và ban đêm tôi lang thang như một con mèo rượn
chạy tìm tình yêu... Tôi sẽ thỉnh cầu
Giáo hội[3] xin cho tôi được phong thánh.
Quả là tôi đáp lại sự huyễn hoặc
bằng cách nhẹ nhàng. Tôi nhìn đám người treo cổ
như qua lỗ nhắm của cái máy quay phim.
Với sự trầm tĩnh dũng cảm của một nhà khoa học,
Tôi nhìn người khác tàn sát chính tôi.
Tôi như cảm nhận sự thù hận thế nhưng tôi vẫn viết
ra những dòng đầy yêu thương miệt mài.
Tôi nghiên cứu sự phản trắc như một hiện tượng định mệnh,
Mà hầu như chính tôi cũng không phải là đối tượng.
Tôi thương hại đám phát xít nhóc con,
và cả đám già sụ, mà tôi xem như là những hình thức
thảm hoạ khủng khiếp nhất, tôi chỉ đối nghịch
với sự bạo động của lý trí.
Thụ động như một con chim nhìn thấy mọi thứ, khi bay,
và giữ trong lòng,
khi cất cánh lên trời,
một ý thức không biết tha thứ.
 
 
 

Tổ quốc ta ở đâu

 
Nó sẽ mang tên Ý-đại-lợi?
Người ta sẽ ca hát trong lòng đất nó,
hàng triệu người chết trong lòng đất nó,
ta có sẽ ca hát trong lòng đất nó?
— Ý-đại-lợi, cái tên sáng ngời?
                  Không đâu, anh bạn trẻ!
                  Sự ngu dốt,
                  sự kiên nhẫn,
                  những day dứt,
những day dứt không chút tình.
                  Không đâu, anh bạn trẻ!
                  Sự ngu dốt,
                  sự kiên nhẫn,
                  những day dứt.
Năm năm trường tiểu học,
Ngàn năm lao động,
những lời báng bổ và bóng tối
những ý nghĩ cay đắng,
                  ôi tổ quốc!
Trường học, những lời báng bổ và bóng tối,
và cây thập giá lao động,
mọi thứ mất hết trong sự ngu dốt,
sự kiên nhẫn, Ý-đại-lợi
và ngàn năm lao động.
                  Không đâu, anh bạn trẻ!
Tổ quốc với ta là một cơn khát
giam trong một lồng ngực đốt cháy cạn khô.
Không ai thương đến ngàn năm lao động của ta.
Tổ quốc ta nằm trong cơn khát yêu thương của ta.
                  Không đâu, anh bạn trẻ!
 
 
 

Những dòng sông của lòng con

 
Hãy đến lắng nghe những dòng sông của lòng con,
Hãy đến lắng nghe những bông cúc của lòng con,
Hãy đến lắng nghe, mẹ ơi, tiếng nói ấp úng
của lòng con đang bay bổng, thưa mẹ!
— Hãy đến lắng nghe những dòng sông của kẻ nghèo hèn.
                  Ấy, thưa mẹ!
                  Ông linh mục,
                  vị quản lý,
                  những con chó,
những con chó của ông chủ.
                  Ấy, thưa mẹ!
                  Ông linh mục,
                  vị quản lý,
                  những con chó.
Mẹ hãy đặt cây thánh giá lên màu đỏ,
Hãy bỏ phiếu cho cái chết của bọn nhà giàu,
Hãy chắp cánh cho những cánh đồng
Và đem ánh sáng vào bếp sưởi.
                  Thiên đường!
Đỏ và chết và sáng ngời,
và cánh bay trên những cánh đồng,
mọi thứ đều xá tội bởi ông linh mục,
bởi vị quản lý, trong những dòng sông
của cuộc đời những kẻ nghèo hèn.
                  Ấy, thưa mẹ!
Trái tim chúng ta sẽ là một mặt trời.
Những cánh đồng tự do sẽ bay nhảy.
Buổi tối, chúng ta sẽ đùa với những con chó bằng vàng
Trong khoảng sân sáng rực tự do!
                  Ấy, thưa mẹ!
 
 
_________________________

[1]Khu phố nổi tiếng ở tây nam La-mã, nằm bên kia bờ sông Tevere, thường được xem là một khu riêng, đẹp và có hồn, chính ở tính cách “ngổn ngang” của nó, với những đường phố hẹp ít khi có đèn đêm, nhà cửa cao thấp thất thường, áo quần phơi đầy bên ngoài cửa sổ, đá lát đường không đều đặn...

[2]Tên ngọn đồi phía tây La-mã.

[3]Curia, trong nguyên tác tiếng Ý, có nghĩa là Nhà Thờ, Giáo hội, Toà thánh.

 
 
-----------------
“Đêm La-mã” và “Tôi lao động suốt ngày...” dịch từ bản tiếng Anh “Roman Evening” và “I Work All Day...” của Lawrence Ferlinghetti và Francesca Valente trong Pier Paolo Pasolini, Roman Poems, Pocket Poets Series No. 41 (City Lights Books, 1986). “Quê hương ta ở đâu” và “Những dòng sông của lòng con” dịch từ bản tiếng Pháp “Où est ma patrie” và “Les fleuves de mon cœur” của Luigi Scandella trong Pier Paolo Pasolini, Où est ma patrie (Collection "Escales du Nord", Le Castor Astral, 2002).
 
 
Đã đăng:
 
... Ta không một đồng xu, ta chỉ làm chủ / Những sợi tóc vàng của ta trên sông Lemene / Đầy những con cá mượt mà... | ... tôi sẽ ngã xuống chết / dưới mặt trời gắt, / vàng hoe và cao, / và tôi sẽ nhắm mắt, / để bầu trời lại với vẻ rực rỡ của nó... | ... Em là một cánh hồng sống mà không nói. // Khi sâu thẳm trong ngực em / Một giọng nói ra đời, / Thì em câm lặng... | ... Chúng ta sống sót: và ấy là sự lẫn lộn / của một cuộc đời hồi sinh bên ngoài lý luận... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021