thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Phỏng vấn Thuận (tác giả Made in Vietnam)

Nhân dịp Made in Vietnam được Văn Mới xuất bản tháng 5 năm 2003, Tiền Vệ đã có một cuộc phỏng vấn với Thuận, tác giả của tiểu thuyết.

------------------------------------------

 

TV: Xin phép làm một việc ngược đời là bắt đầu phỏng vấn chị về 4 trang cuối cùng của Made in Vietnam trước. Theo tôi hiểu, chị cũng làm một việc rất ngược đời ở chính những trang cuối cùng đó: ở trang 189, chị công khai viết: «Tất cả những nhân vật tham gia Made in Vietnam đều là những nhân vật có thật…»

 

Thuận: Thông thường, ngay từ trang đầu của tiểu thuyết, tác giả viết những dòng rất thận trọng để không làm mếch lòng những người xung quanh rằng các nhân vật của tiểu thuyết không phải là những người có thật trong đời thường. Nhưng Made in Vietnam đã có cách sử sự riêng đối với các nhân vật của nó. Không một người quen nào đã tạo cảm hứng trọn vẹn cho tôi. Mỗi nhân vật là kết quả của nhiều cắt, dán, lắp, ghép các chi tiết của cuộc sống thực đến độ nó còn rất ít tính thật. Cuối cùng, tôi cũng phá hủy nốt chút tính thật ấy bằng cách gán thêm cho mỗi nhân vật, đã có một cái tên và một đời sống trong truyện, một cái tên và một đời sống nữa của một người có thực một trăm phần trăm. Chẳng hạn, nhân vật chính của Made in Vietnam là Phượng, nhà báo chuyên trả lời thư bạn đọc của báo Phụ nữ, đã được gán thêm cho một tên nữa là Như Mai, một người bạn thân của tôi. Thế là, Phượng hưởng một lúc hai cuộc đời: cuộc đời của cô như trong truyện và của Như Mai, phóng viên báo Vietnam Investissement, ngoại hình hấp dẫn, tính cách năng động, quyết đoán, được mọi người yêu mến…tóm lại là mọi thứ ở cô ta đều khác hẳn Phượng.

 

TV: Chị cũng cho tác giả Made in Vietnam làm một nhân vật của Made in Vietnam, cuối cùng lại tặng thêm cho một cái tên nữa là Phạm Thị Hoài, và kết quả là nhân vật ấy cũng có chút đời sống riêng nữa của nữ văn sĩ nổi tiếng ấy?

 

Thuận: Tôi quí trọng Phạm Thị Hoài và đã có lần nói với chị rằng sẽ cho chị làm nhân vật của một tiểu thuyết. Trong tiểu thuyết còn có những cái tên lừng lẫy không kém: Hồng Nhung, Chánh Tín, Phương thanh, Nguyễn Trung, Thành Chương, Đỗ Quang Em, Nguyễn Đình Thi, Dương Trung Quốc…Anh có đồng ý đó là những cái tên rất made in Vietnam không?

 

TV: Nhưng chính chị, vẫn ở 4 trang cuối, trước khi chọn cho mỗi nhân vật trong truyện một nhân vật có thật ngoài đời, lại viết rằng những nhân vật có thật này «đã tình nguyện ở lại ba tháng trong câu chuyện này». Đó có phải là một mâu thuẫn?

 

Thuận: Made in Vietnam là tiểu thuyết của những mâu thuẫn. Trong khi viết, tôi rơi vào một cuộc chạy đua liên miên với các mâu thuẫn mà tôi tự gây ra, không phải bao giờ người thắng cũng là tôi. Ví dụ tôi vừa muốn phá hủy tính thật của các nhân vật trong truyện lại vừa muốn họ chuyên chở cho tôi một hiện thực, ở đây là hiện thực Việt mà tôi cố bám chặt. Thế là lại phải phá hủy tính thật một lần nữa: tôi ghi thêm rằng những nhân vật đó «đã gây nên những tình huống không chuẩn bị trước». Chắn chắn sẽ còn những mâu thuẫn mà anh chưa kịp tìm ra. Vâng, tôi đã làm một việc ngược ngạo như anh nói ở trên: nêu đích danh những ai ngoài đời đã vào vai trong tiểu thuyết của tôi. Tôi xin nhắc lại là «vào vai». Trong trí tưởng tượng của tôi, Made in Vietnam là một màn trình diễn trong đó đạo diễn chấp nhận một kết quả khác với kịch bản ban đầu.

 

TV: Theo tôi hiểu thì chị rất thích để các nhân vật được tự do hành động. Nhưng đọc Made in Vietnam, tôi lại gặp rất nhiều sự cố tình lặp lại, cố tình giống nhau. Chẳng hạn như Phượng là sự lặp lại của Lan - nữ đồng nghiệp mà cô thay thế, tương tự độc giả cũng ngờ ngợ hai nhân vật Tuyết và Dũng là cặp tình nhân không tên ở Béc-linh. Bản thân tôi cũng nhầm lẫn 20 anh chàng tên Khánh: ai là Khánh trưởng phòng kĩ thuật, ai là Khánh chuyên viên viện Ấn học, ai là Khánh người yêu đầu tiên của Phượng…

 

Thuận: Chính vì cố tình tạo cho các nhân vật những tính cách đặc biệt mà tác giả đã vô tình rời khỏi hiện thực Việt Nam. Trong một xã hội như ở nước ta, người ta thường giống nhau hơn là khác nhau, tính cá nhân quả là một điều xa xỉ. Tôi không những để cho 20 anh chàng tên Khánh “giống” nhau mà còn “giống” cả những nhân vật nam khác nữa: cùng làm một việc, cùng gặp một người, cùng đến một nơi… Một trong những cái tự do của Made in Vietnam là để các nhân vật được giống nhau, để hiện thực được là hiện thực. Tôi đã đưa vào tiểu thuyết một loại nhân vật gọi là nhân vật quần chúng, ví dụ: bảy mươi chín khách dự hội thảo chuyên đề hội họa, một nghìn Việt Kiều Béc-linh, năm mươi phụ lão làng Quyết Thắng, hai trăm nhà văn Việt Nam, hai trăm bốn mươi nhân viên nữ của Lương, sáu triệu công dân thành phố Sài Gòn…

 

TV: Made in Vietnam không được chia chương, chia đoạn. Chị có ý định thách thức tính kiên nhẫn của độc giả?

 

Thuận: Tôi không dám nghĩ là đã khiến được người đọc mất kiễn nhẫn hơn Nathalie Sarraute. Cho đến bây giờ, sau nhiều lần đọc lại Tropismes được viết từ năm 1939, tôi vẫn thấy nó bí hiểm. Tuy vậy, lập lại một cách thụ động những thành quả lao động của người khác là một điều tối kị. Cố gắng không biến Made in Vietnam thành một ngày hội hay một buổi đưa tang, tôi tìm một nhịp điệu riêng, không nhịp nhàng, không dữ dội, không xúc động. Có thể gọi là đơn điệu, một điệu từ đầu đến cuối, nếu anh muốn. Đọc Made in Vietnam, người ta không thể vừa phát bôm bốp vào đùi vừa hét toáng lên rằng ý này hay quá ý kia tuyệt thật, người ta cũng không thể kể tóm tắt câu chuyện hay đọc diễn cảm một trích đoạn cho người khác hoặc thổn thức cùng các nhân vật, tóm lại là mất hết cái thú nghỉ ngơi được gọi tên một cách cao đẹp là “hưởng thụ nghệ thuật”. Nhiều người phàn nàn là phải đánh vật mới đọc xong Made in Vietnam và tức nhất là không thể tìm lại đoạn mình đang đọc: không có chương, không có dấu xuống hàng đã đành, câu này lại gối sang câu kia, ý này chằng vào ý kia như ma trận. Họ không biết rằng đã tặng tôi một lời khen.

 

TV: Trong lời bạt cho tiểu thuyết, Đoàn Cầm Thi viết: «Made in Vietnam là cái nhàn nhạt của xã hội Việt Nam hôm nay». Người khác đi tìm cái sâu sắc, chị lại mê mải cái nhàn nhạt?

 

Thuận: Ngay từ năm 1857, Flaubert đã phát biểu rằng Bà Bovary là sự vô vị. Sang thế kỉ 20, một số nhà văn Tây Âu đã đào sâu sự trống rỗng. Tôi không biết Made in Vietnam đã thoát khỏi bao nhiêu những cái bóng vĩ đại đó. Có những lúc, tôi cho là đã may mắn được sống ở Việt Nam, được nói tiếng Việt, để có thể sáng tạo trên cái hiện thực có một không hai của Việt Nam.

 

TV: Quả là đọc chị thấy cái nhàn nhạt của xã hội Việt Nam hôm nay. Nhưng Made in Vietnam cũng có nhiều tính hài hước. Chị đã có ý định viết một hài kịch kiểu mới?

 

Thuận: Tôi chỉ làm một việc là mang độc giả Việt Nam ra khỏi Việt Nam để từ đó nhìn lại Việt Nam. Nếu còn sống ở Hà Nội, mồng một mồng hai Tết, tôi cũng sẽ phải đến nhà giám đốc của tôi, nhà giám đốc của chồng tôi, nhà phó giám đốc của tôi, nhà phó giám đốc của chồng tôi, nhà trưởng phòng tổ chức của tôi, nhà trưởng phòng tổ chức của chồng tôi, nhà bí thư chi bộ của tôi, nhà bí thư chi bộ của chồng tôi, nhà trưởng phòng đối ngoại của tôi, nhà trưởng phòng đối ngoại của chồng tôi, nhà tổ trưởng công đoàn của tôi, nhà tổ trưởng công đoàn của chồng tôi, nhà thầy giáo hiệu trưởng của con tôi, nhà cô giáo chủ nhiệm, các thầy cô dậy văn, toán, ngoại ngữ, chính trị…cũng của con tôi, rồi nhà hai mươi người bạn của tôi, nhà hai mươi người bạn của chồng tôi…Vợ chồng tôi cũng sẽ đến Giảng Võ mua về một cái buồng tắm đầy đủ cả vòi hoa sen lẫn bình nóng lạnh để chào mừng năm 2000, để đêm đêm choàng dậy ngỡ quên tắt máy bơm, buồng tắm đang cháy.

 

TV: Nhiều tác giả của Tự lực-Văn đoàn cũng rất thành công trong việc nhạo báng hiện thực.

 

Thuận: Vũ Trọng Phụng và Nguyễn Công Hoan đã chọn những chi tiết nực cười nhất, tạo nên những nhân vật nhố nhăng nhất, những hoàn cảnh đặc biệt nhất. Made in Vietnam từ chối những cái “nhất” đó. Không cao trào, không khiến độc giả “vừa cười vừa khóc”, nó cũng không có mục đích mang lại những bài học luân lý hay những kết luận thâm thúy về cuộc sống, con người…

 

TV: Rời khỏi Việt Nam năm 18 tuổi, chị có bao giờ có ý định phiêu lưu với một hiện thực khác, ví dụ, hiện thực Pháp, nơi chị đã sống từ 12 năm nay?

 

Thuận: Tôi đã từng viết một số truyện ngắn lấy nước ngoài làm địa điểm chính. Nhưng đến bây giờ, tôi e rằng cuộc phiêu lưu mạo hiểm nhất lại chính là cuộc phiêu lưu trên mảnh đất mà mình tưởng như đã biết rõ. Hiện thực Việt, mâu thuẫn với cái nhàn nhạt của nó, ám ảnh tôi, đòi hỏi phải được kể lại bằng thứ văn hóa không còn thuần Việt nữa của tôi. Tuy vậy, tôi không tin rằng điều đó lại mang ý nghĩa bất biến. Hơn ai hết tôi hiểu những sợi dây thần kinh của tôi khá đồng bóng, chúng không chịu theo một qui luật nào cả. Cách đây 2 năm tôi đã đến New York và sống ở đó 3 tháng. Sự khác thường của hiện thực Mỹ, đặc biệt New York, là một cú sốc đối với tôi. Thời gian gần đây, tôi nghĩ nhiều đến nó. Tôi rất thích cái cách tiếp cận nghệ thuật một cách trực tiếp của các nghệ sĩ mà tôi từng gặp ở New York. Cái cách đó bị châu Âu lịch sự và châu Á kín đáo chỉ trích là sỗ sàng. Tiểu thuyết mới của tôi, I’m yellow, sẽ đi theo đường lối sỗ sàng đó. Tôi sung sướng chiêm ngưỡng hiện thực Việt trước ống kính trong suốt, không gợn một hạt bụi tình cảm.

 

TV: Chị hay nói về hiện thực, tôi lại thấy Made in Vietnam có không ít tưởng tượng. Phải chăng đó cũng là một mâu thuẫn nữa của tiểu thuyết. Chẳng hạn chị giải thích thế nào về việc đã cho nhân vật cô Trắng chui vào con mực nhồi mà cô ấy đang ăn ở cửa hàng Bánh tôm Hồ Tây?

 

Thuận: Tôi rất sợ chủ nghĩa tình cảm nên luôn luôn tìm cách để không phải rút khăn mùi xoa ra lau nước mắt cho các nhân vật, nhất là các nhân vật nữ, nhất là các nhân vật nữ made in Vietnam, chỉ cần gió thoảng qua cũng oà lên khóc. Nhân vật cô Trắng đã cao một thước tám và tóc dài ngang lưng, lại còn là phóng viên báo Văn hoá-Thể thao, như thế là đủ mọi tiêu chuẩn của người phụ nữ dễ xúc động nhất, chẳng kém gì Phượng, Liên, Tuyết…hay bất cứ một nhân vật nữ nào khác trong truyện. Tôi không có biện pháp nào hơn là đẩy cô ta vào bụng con mực nhồi khi cô ấy ngồi một mình với nhân vật Lương. Vậy mà, như anh thấy, cô ta vẫn hổn hển chui ra, hổn hển trước tờ giấy vẽ mười ba trái tim xẻ đôi của anh giám đốc… Thế nên, tưởng tượng của Made in Vietnam vẫn chỉ là một hình thức khác của hiện thực mà thôi.

 

TV: Các cây bút nữ người Việt, trong nước cũng như hải ngoại, đang có khuynh hướng viết về đời sống tình dục. Chị có ý định làm một «quả bom» như vậy không?

 

Thuận: Tôi không ngạc nhiên khi một số nhà văn nữ ở Việt Nam đòi quyền tự do phát biểu về tình dục. Nhưng sinh sống tại một nơi coi sex như cơm ăn nước uống hàng ngày, tôi chẳng có lý do nào để phải đấu tranh cho nó. Công việc đó, các nhà văn nữ Tây Âu đã thực hiện từ thế kỉ trước. Chính vì vậy, tôi chỉ có quyền coi tình dục như những đề tài sáng tác khác. Nếu viết về nó, tôi cũng bắt buộc phải tìm ra một nghệ thuật riêng. Sự dũng cảm trong trường hợp của tôi là không cần thiết, thậm chí nực cười.

TV: Xin chị cho biết về các tác giả mà chị yêu thích?

Thuận: Như đã nói trên, tôi có những sợi dây thần kinh khá đồng bóng, yêu ghét thất thường. Cách đây năm năm tôi đã tránh đi tàu điện ngầm trong vòng một tháng chỉ vì lúc đó ở bến métro nào của Paris cũng có áp phích quảng cáo tiểu thuyết Les Particules élémentaires. Cứ nhìn ảnh tác giả phóng to cỡ người thường, chễm chệ trên hàng chữ «Michel Houellebecq, écrivain de sa génération» là tôi hết muốn đọc tác phẩm đang được đài báo quảng cáo rùm beng này. Nhà văn đại diện cho thế hệ chúng tôi lẽ nào là cái ông mắt lồi, đầu hói, tay xách túi nhựa như đi siêu thị thế kia. Tôi không chịu bỏ tiền ra mua tác phẩm nào của ông ta cho đến tận năm ngoái khi được tặng quyển Plateforme xuất bản cuối năm 2001. Phải nói thật là tôi thay đổi định kiến về Houellebecq khi nhìn thấy chân dung của ông ta trên bìa sau, môi mím chặt, mắt gườm gườm, một vẻ đẹp quả cảm theo thẩm mỹ của tôi. Tôi đã chấp nhận đọc Plateforme như thế.

 

TV: Tôi được biết là chị rất thích Camus. Có thể so sánh L’EtrangerPlateforme?

 

Thuận: Tôi dễ dàng nhận thấy Plateforme khởi sự từ những điểm khá trùng với L’Etranger: cả hai nhân vật chính đều xưng tôi, đều là đàn ông, những công dân bình thường (một công chức nhà nước, một nhân viên văn phòng) và nếu Camus bắt đầu bằng «Hôm nay, mẹ mất» thì câu đầu tiên của Houellebecq là «Bố tôi mất cách đây một năm», cả hai nhân vật chính cùng không muốn nhìn mặt người ruột thịt vừa qua đời, cùng tìm đến cái chết để kết thúc hai số phận nhất định không chịu hòa nhập vào xã hội xung quanh, cả hai tác phẩm đều có ngôn từ giản dị, câu văn ngắn và sắc. Nhưng cũng ngay từ những dòng đầu tiên, tôi hiểu rằng hai tác giả đã chọn hai con đường khác nhau: bằng giọng dửng dưng nhân vật chính của Camus kể chẳng có gì để nói với mẹ và không biết tại sao lại hành động như vậy; trong khi đó nhân vật chính của Houellebecq đã dùng hai chương đầu để lên án bố với những lời lẽ cực kì nặng nề, chẳng hạn: «… Ông đã có những đứa con, lão ngu…tôi thầm nói một cách hào hứng ; ông đã nhét cái cặc to đùng của ông vào cái bướm của mẹ tôi…». Một tháng sau khi đọc Plateforme, nhiều lần tôi muốn bỏ ra sửa lại hết những gì tôi đã viết. Cũng vậy, văn phong mạnh mẽ, tinh thần đi đến tận cùng, đi đến mọi vấn đề của Plateforme khiến tôi phủ nhận cả tình yêu trong nhiều năm dành cho L’Etranger. Nhưng cứ theo tâm lý yêu ghét phức tạp của tôi thì tôi chưa dám cả quyết tuần sau, tháng sau, năm sau tôi có còn mê Houellebecq nữa hay không bởi không biết chừng tôi sẽ tìm lại trong vẻ thờ ơ của L’Etranger cái mập mờ mà nhiều người viết khao khát. Mà cũng rất có thể tôi bắt buộc cùng yêu một lúc cả hai ông, một ông trẻ một ông già, một ông nóng nảy một ông trầm tĩnh, một ông say sưa cặn kẽ mọi cách làm tình, một ông quẳng được nhân vật nữ lên giường là lảng sang chuyện khác. Hoặc cũng có thể tôi sẽ lại mê mệt ai đấy mà quên phắt tình xưa nghĩa cũ với hai ông này.

 

TV: Như vậy, đọc và viết là hai mặt của một vấn đề?

 

Thuận: Không thể nói rằng càng đọc nhiều thì càng viết hay. Nhưng càng đọc là càng mất hồn nhiên, càng phải tính toán. Văn chương thế giới tuy rộng nhưng chật cứng nhân tài, cầm bút lên là thấy bao nhiêu cái bóng sừng sững trước mặt. Nhưng tính toán, trong trường hợp này, cần thiết hơn hồn nhiên. Tính toán có khả năng dẫn đến một lối thoát mới, chứ hồn nhiên thì có nhiều nguy cơ lạc vào các đường mòn.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021