thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Của Ionie | Ở lối vào quán rượu | Tôi đã nhìn ngắm quá nhiều | Khi chúng trỗi dậy | Cùng khoái lạc | Ngoài đường phố | Trước tủ kính cửa hàng bán thuốc lá | Chiều lại | Xám | Trước ngôi nhà | Mặt trời buổi xế trưa | Để ở lại | Ở cùng một nơi | Xao xuyến | Trước khi thời gian biến đổi họ | Kinh hoàng
Bản dịch Diễm Châu
 
 
CONSTANTIN P. CAVAFY
(1863–1933)
{Tranh của Mikis Matsakis (1932)}
 
 

CỦA IONIE

 
Chúng ta đã hoài công đập vỡ những pho tượng của họ,
chúng ta đã hoài công xua đuổi họ ra khỏi đền thờ,
các thần linh không vì thế mà chết.
Ôi đất Ionie, chính mi là kẻ họ còn thương mến,
mi kẻ được hồn thiêng của họ tưởng nhớ.
Khi chỗi dậy trên mi một buổi mai tháng tám,
một thoáng rùng mình của đời họ ngấm vào bầu khí của mi;
và đôi khi, mịn nhẹ, một bóng chàng trai trẻ,
mờ mờ, với bước chân mau lẹ,
lướt qua những ngọn đồi của mi.
 
-------------------
Ionie: xứ nằm trên biển Égée, nơi người Hy-lạp di cư tới, một trung tâm rực rỡ của nền «văn minh Hy-lạp» sau này. (ND.)
 
 

Ở LỐI VÀO QUÁN RƯỢU

 
Một vài lời thốt ra kề bên tôi
khiến tôi để ý tới lối vào quán rượu.
Và tôi thấy vẻ đẹp của tấm thân mà dường như chính thần Ái tình (*)
ở tột điểm kinh nghiệm của mình đã tạo ra —
nắn nót mặc thích những tay chân thật cân đối;
dựng tấm thân điêu khắc này ngang như một pho tượng;
nắn nót khuôn mặt thật tế nhị
và đầu ngón phớt qua để lại một thoáng nét
xúc động trên trán, trong mắt, và trên môi.
 
-------------------------
* Đây là thần Ái tình của Hy-lạp: Éros. (ND.)
 
 

TÔI ĐÃ NHÌN NGẮM… QUÁ NHIỀU

 
Tôi đã nhìn ngắm cái đẹp quá nhiều
khiến mắt tôi tràn ngập nó.
 
Những đường nét của thân xác, những làn môi thắm đỏ, những hình thù đầy nhục cảm.
Những mái tóc tựa như của những pho tượng Hy-lạp;
lúc nào cũng đẹp, ngay cả lúc rối bù,
và rủ xuống đôi chút, trên những vầng trán trắng.
Những khuôn mặt của Tình yêu, hệt như thơ tôi
đã muốn thế... trong đêm tối của thanh xuân,
trong đêm tối của tôi, những khuôn mặt gặp gỡ lén lút...
 
 

KHI CHÚNG TRỖI DẬY

 
Hãy ra sức giành lấy chúng, hỡi thi sĩ
dẫu như chẳng mấy tí dừng lại.
Những hình ảnh thèm muốn của ngươi.
Hãy đưa chúng nửa-che đậy vào câu cú.
Hãy ra sức giành lấy chúng, hỡi thi sĩ,
khi chúng trỗi dậy trong đầu óc ngươi
ban đêm hay giữa trưa sáng chói.
 
 

CÙNG KHOÁI LẠC

 
Khoái cảm và hương dược của đời ta kỷ niệm những giờ phút
ta tìm được và có thể giữ gìn khoái lạc như ta muốn.
Khoái cảm và hương dược của đời ta, của ta kẻ không bao giờ
chịu được thú vui của những cuộc tình cơm bữa.
 
 

NGOÀI ĐƯỜNG PHỐ

 
Khuôn mặt chàng thật dễ thương, chỉ hơi nhợt nhạt;
đôi mắt màu hạt dẻ, bị quầng thâm đôi chút;
chàng đã hăm lăm tuổi, nhưng trông chỉ mới hai mươi;
với chút gì thật nghệ sĩ trong cách ăn mặc
— một chút gì trong sắc thái chiếc ca-vát, hình thù chiếc cổ rời —
chàng lang thang trong vô định của đường phố,
như hãy còn choáng ngợp với lạc thú bị cấm đoán,
cái lạc thú bị cấm đoán trong mọi lạc thú, chàng vừa được biết.
 
 

TRƯỚC TỦ KÍNH CỬA HÀNG BÁN THUỐC LÁ

 
Họ có đó, gần tủ kính sáng choang
của một cửa hàng bán thuốc lá, giữa nhiều người khác.
Tia mắt của họ tình cờ gặp nhau
và thèm muốn không thể thú nhận của xác thịt họ
biểu lộ ra vụng về, lúng túng.
Rồi một vài bước ngập ngừng trên hè phố —
cho tới khi họ trao đổi một nụ cười, một dấu hiệu nho nhỏ.
 
Thế rồi là chiếc xe đóng kín...
say đắm, đôi thân xáp gần nhau;
những bàn tay gắn chặt, những làn môi liền lại.
 
 

CHIỀU LẠI

 
Dù sao, chuyện cũng không thể kéo dài. Kinh nghiệm
năm, tháng đã chứng tỏ với tôi điều ấy. Tuy nhiên Định mệnh tới
chấm dứt tất cả có hơi mau chóng.
Cuộc đời tươi đẹp không bền lâu.
Nhưng sao mùi hương mới ngây ngất,
chiếc giường nơi chúng tôi gặp lại nhau mới êm ái làm sao, 
đôi thân xác chúng tôi mới đắm trong hoan lạc nào.
 
Một tiếng vọng xa xăm của những ngày hoan lạc ấy,
một tiếng vọng của những ngày ấy mới đây đã trở lại với tôi,
một chút gì hăng say nồng nàn chung của tuổi trẻ chúng tôi;
tới độ, trong hai tay, tôi đã cầm lại một lá thư,
và đọc đi đọc lại cho đến khi không còn thấy gì rõ rệt.
 
Và tôi buồn rầu bước ra bao lơn —
bước ra để thay đổi ý tưởng của mình bằng cách ít ra cũng nhìn
thành phố dấu yêu này đôi chút,
đám đông ngoài đường phố và ở các cửa tiệm đôi chút.
 
 

XÁM

 
Khi xem xét sắc xám của một viên ngọc miêu,
tôi chợt nhớ tới một đôi mắt xám xinh đẹp
mà tôi đã gặp gần hai mươi năm trước...
 
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
 
Chúng tôi đã yêu nhau trong một tháng.
Rồi chàng bỏ đi Smyrne, tôi nghĩ thế,
để làm viêc ở đó, và chúng tôi không bao giờ còn gặp lại nhau.
 
Đôi mắt xám ấy — nếu chàng còn sống — hẳn đã mờ đục;
khuôn mặt xinh đẹp kia hẳn cũng đã tàn phai.
 
Mi, hỡi ký ức của ta, hãy gìn giữ chúng hệt như ngày trước.
Và những gì mi có thể giữ được của mối tình này, hỡi ký ức,
tất cả những gì mi có thể, hãy trả lại ta chiều nay.
 
 

TRƯỚC NGÔI NHÀ

 
Hôm qua, khi tản bộ ở một vùng ngoại ô
xa, tôi đã bước qua trước ngôi nhà
mà tôi thường lui tới khi còn rất trẻ.
Ấy đó là nơi thần Ái tình đã chiếm đoạt thân xác tôi
với sức mạnh tuyệt vời của thần.
 
                                               Và hôm qua,
khi tôi đi theo con đường cũ kỹ này,
lập tức những vỉa hè, những cửa tiệm, những tảng đá
cho đến những bức tường, hàng lan can và cửa sổ
lại thấy đẹp ra nhờ phép mầu của tình ái;
không còn gì là dơ bẩn.
 
Và khi tôi dừng lại đó, nhìn ngắm cánh cửa,
khi tôi dừng lại đó, lần lữa trước ngôi nhà,
toàn thể con người tôi toát ra, để đổi lại,
cảm xúc của một niềm hoan lạc còn giữ được nguyên vẹn.
 
 

MẶT TRỜI BUỔI XẾ TRƯA 

 
Căn buồng này, sao mà tôi biết nó rõ thế,
căn buồng này giờ đây đã cho thuê, cùng với căn buồng bên cạnh,
đã cho các hãng buôn thuê. Toàn thể tòa nhà lúc này
chỉ còn là những văn phòng, môi giới, xuất-nhập cảng, và các Hội buôn khác.
 
A, căn buồng này, sao mà nó mới thân thuộc với tôi thế.
 
Bên cánh cửa ra vào, ở đây có cái trường kỷ,
và đằng trước nó một tấm thảm Thổ-nhĩ-kỳ;
bên cạnh, là cái kệ với hai chiếc lọ sứ màu vàng.
Bên phải, không, trước mặt, một chiếc tủ gương.
Ở chính giữa là cái bàn nơi chàng ngồi viết;
với ba chiếc ghế dựa lớn nhồi rơm.
Bên cửa sổ có chiếc giường
nơi chúng tôi làm tình với nhau rất thường.
 
Những món đồ tồi tàn ấy hẳn là còn tồn tại ở đâu đó.
 
Bên cửa sổ có chiếc giường;
mặt trời buổi xế trưa rọi mãi tới tận giữa.
 
... Một buổi xế trưa lúc bốn giờ, chúng tôi đã rời nhau
chỉ trong một tuần lễ mà thôi... Hỡi ôi,
ấy là một tuần lễ hãy còn kéo dài.
 
 

ĐỂ Ở LẠI

 
Lúc ấy chắc phải là một giờ,
hay một giờ rưỡi sáng.
                                Trong một góc quán rượu,
sau tấm vách ngăn này.
Ngoài hai đứa chúng tôi gian buồng hoang vắng.
Một ngọn đèn dầu soi lờ mờ.
Ở lối cửa một người hầu rượu mệt nhoài thiếp ngủ.
 
Không ai có thể nhìn thấy chúng tôi. Nhưng
chúng tôi đã bừng cháy tới độ
không thể dè giữ gì nữa hết.
 
Áo quần hé mở — chúng tôi cũng chẳng ăn mặc gì nhiều
bởi cái nắng viêm nhiệt thần thánh tháng Bảy.
 
Cái thú xác thịt — ở bên dưới
áo quần hé mở;
xác thịt để trần — mà cảnh tượng quá ngắn ngủi
đã băng qua hai mươi sáu năm; và giờ đây trở về
để ở lại trong bài thơ này.
 
 

Ở CÙNG MỘT NƠI

 
Không khí dưới mái nhà, ngoài quán rượu, trong khu phố
mà ta thấy trước mắt và ở nơi ta bước; đã từ bao năm.
 
Ta đã tạo ra mi trong niềm vui và những nỗi muộn phiền:
với biết bao biến cố, với biết bao sự vật.
 
Và này đây mi, đối với ta, đã trở thành chính tình yêu.
 
 

XAO XUYẾN

 
Lần này, y đã thật sự mất chàng.    Và này đây y tìm kiếm
trên môi của từng    kẻ đối ngẫu tình cờ gặp gỡ
đôi môi của chàng;    trong vòng ôm siết với từng
kẻ đối ngẫu tinh cờ    y tìm cách thuyết phục mình
rằng ấy là người bạn y,    rằng y trao mình cho người ấy.
 
Y đã thật sự mất chàng,    như thể chàng không còn nữa.
Là vì y — cứ theo y nói — y muốn tự cứu vớt
khỏi cảnh nhơ nhớp này,    khỏi cái khoái lạc ô nhục này.
Hãy còn kịp thời —    ấy là lời y — để tự cứu.
 
Y đã thật sự mất chàng,    như thể chàng không còn nữa.
Bằng tưởng tượng,    sự lầm lạc của giác quan
trên môi những kẻ khác,    ấy chính đôi môi chàng y tìm kiếm;
y ra sức cảm thấy lại    tình yêu của chàng.
 
 

TRƯỚC KHI THỜI GIAN BIẾN ĐỔI HỌ

 
Nỗi buồn của họ thật mênh mông    khi họ phải chia lìa nhau.
Họ không muốn thế;    ấy là hoàn cảnh.
Tất yếu của cuộc sống    đã buộc một trong hai
phải bỏ đi xa —    Nữu-ước hay Gia-nã-đại.
Tình yêu của họ quả thật    không còn được như trước;
sức cuốn hút lúc ấy    đã dần dần suy giảm,
sức cuốn hút lúc ấy    đã suy giảm không thể chối cãi.
Thế tuy nhiên chia lìa nhau    họ họ không muốn thế.
Ấy là hoàn cảnh. —    Trừ phi là Định mệnh
đã hành động như người nghệ sĩ    và phân cách họ
trước khi cuộc say đắm của họ chợt tắt    trước khi Thời gian biến đổi họ;
người này đối với kẻ kia vẫn là    mãi mãi vẫn là người khi trước:
một chàng trai thanh lịch    tuổi hăm tư.
 
 

KINH HOÀNG

 
Ban đêm, Chúa ơi,
hãy che chở linh hồn tôi và trí óc tôi
khi lởn vởn quanh tôi
những tạo vật và sự vật không tên,
khi bước chân vô hình của chúng rảo khắp buồng tôi
khi chúng vây quanh giường tôi và nhìn tôi.
Chúng nhìn tôi như thể chúng biết tôi rành rẽ
như thể chúng lặng lẽ nhạo cười nỗi hoảng sợ của tôi.
 
Phải, tôi biết chúng rình mò tôi,
nhớ lại những thời buổi đen tối
khi có lẽ tôi lang thang với chúng, hòa mình
vào bóng tối của những tạo vật này, những sự vật này.
Chúng hăm hở làm sống lại những thời buổi này,
nhưng những thời ấy đã mãn, bởi tôi đã được cứu chuộc,
đã được rửa tội nhân danh Đức Ki-ri-xi-tô.
 
Tôi run sợ khi chiều tới
và khi trong bóng tối
tôi cảm thấy những con mắt nhìn cắm vào tôi.
Hãy che đậy tôi, Chúa ơi, khỏi những tia nhìn của chúng.
Khi những tiếng nói the thé của chúng vẳng tới, xin đừng để
bất kỳ một lời đáng nguyền rủa nào của chúng lọt vào tai tôi.
kẻo những lời ấy mang lại cho tôi
một kỷ niệm gì khủng khiếp về những điều bí ẩn mà chúng biết.
 
 
-------------------------------
CONSTANTIN P. CAVAFY (hay Cavafis, 1863-1933) sinh ngày 29 tháng Tư tại Alexandrie và mất tại đây cùng ngày. Vẫn được thế giới coi như nhà thơ lớn nhất của Hy-lạp ở thế kỷ XX. Một thi sĩ-sử gia. Ông tự nhận mình là «một thi sĩ của các thế hệ tương lai..., trong một thế giới sẽ suy nghĩ nhiều hơn hôm nay». Bản dịch dựa theo bản Pháp văn trong các sách của Dominique Grandmont; Marguerite Yourcenar và Constantin Dimaras; Socrate C. Zervos và Patrice Portier; Ange S. Vlachos; Gilles Ortlieb và Pierre Leyris; và của các dịch giả khác in trong cuốn Constantin Cavafy của Georges Cattaui (Nxb. Seghers, Paris, 1964). Bài cuối cùng chỉ thấy trong một tuyển tập thơ Cavafy mà tôi có: Constantin Cavafy, Œuvres poétiques, bản dịch Socrate C. Zervos và Patrice Portier, Imprimerie nationale Éditions, 1992. (DC.)
 
----------
Đã đăng:

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021