thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một số nhà thơ ở Úc

 

Bài này đã đăng trên Tạp chí Thơ (California, USA), số 32, mùa Xuân 2007, trang 67-86.

 

Ở Úc hiện nay có khoảng trên 250,000 người Việt sinh sống. Trong số đó, có bao nhiêu người làm thơ? Chịu! Nếu chỉ căn cứ trên việc xuất hiện trên các tạp chí văn học tương đối có uy tín, con số ấy có thể thắt lại khoảng trên dưới mười người. Trong bài này, tôi xin thử giới thiệu năm người thuộc nhiều thế hệ khác nhau: lớn nhất là Lê Văn Tài, sinh vào đầu thập niên 1940; nhỏ nhất là Nguyễn Hoàng Tranh, sinh sau 1975; ở khoảng giữa là Uyên Nguyên, Nguyễn Tôn HiệtTrần Lộc Bình. Cả năm người, vì nhiều lý do — có lẽ chủ yếu là vì mê bạn và cũng vì sự hờ hững đối với danh tiếng —, hầu như chỉ đăng thơ trên tạp chí Việt (1998-2001) và trang web Tiền Vệ (http://tienve.org) nên bạn đọc ở xa và không quen đọc văn chương trên mạng chưa chắc đã biết.

Tôi thầm nghĩ: Không biết họ, cũng uổng.

Chả biết nghĩ thế có đúng hay không. Thôi thì cứ giới thiệu đại. Biết đâu có người đồng ý.

 

LÊ VĂN TÀI

Lê Văn Tài đến với thơ tiếng Việt bằng một con đường vòng. Anh vốn là một hoạ sĩ. Ở trong nước, từ đầu thập niên 1960, anh vẽ tranh. Định cư tại Úc từ đầu thập niên 1980, anh tiếp tục vẽ tranh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, anh còn làm thơ. Điều thú vị là những bài thơ đầu tay của Lê Văn Tài không được viết bằng tiếng Việt mà bằng tiếng Anh, thứ ngôn ngữ anh mới học khi sang định cư tại Úc và có lẽ còn lâu lắm mới có thể được coi là thông thạo. Vậy mà, thơ tiếng Anh của Lê Văn Tài lại được những người có thẩm quyền về thơ Úc khen ngợi nồng nhiệt. Trong số các nhà thơ người Việt thuộc thế hệ thứ nhất hiện sống tại Úc, có vẻ như anh là người duy nhất có thơ được đăng tải trên các tạp chí văn học và các tuyển tập thơ có uy tín nhất của Úc. Năm 1989, bài thơ “Separated Lover” của anh được Bộ Nghệ Thuật tiểu bang Victoria chọn in trên các poster lớn, dựng ở các ga xe lửa để mọi người thưởng thức trong chiến dịch đem thơ đến với quần chúng Úc.[1] Năm 1997, tập thơ bằng tiếng Anh của anh, Waiting the Waterfall Falls, được trường Victoria University xuất bản, sau đó, được sử dụng như một tài liệu tham khảo trong khá nhiều môn học liên quan đến văn học Á châu và di dân nói chung. Giáo sư John McLaren, trong lời giới thiệu, cho Lê Văn Tài, khi di cư sang Úc, đã mang cả quê hương theo với anh, hơn nữa, anh còn mở rộng quê hương ấy ra, làm cho mọi người Úc đều biến thành những thành viên trong gia đình của anh: thơ anh, do đó, vừa mang dấu ấn riêng vừa có tính phổ quát rất cao. Ivor Indyk, chủ nhiệm của Heat, một tạp chí văn học nổi tiếng ở Úc, khen đó là một tập thơ hay, ở đó, thơ và thơ cụ thể kết hợp hài hoà với nhau. Robert Harris, trên tạp chí Overland, xem Lê Văn Tài là một nhà thơ quý giá có nhiều cống hiến cho nền văn học Úc.[2]

Lê Văn Tài chỉ thực sự bắt đầu làm thơ bằng tiếng Việt từ khi tạp chí Việt ra đời vào năm 1998, tức gần 40 năm sau ngày anh hoàn tất những tác phẩm hội hoạ đầu tiên và hơn 10 năm sau ngày anh có những bài thơ tiếng Anh được xuất bản.

Con đường vòng ấy tuy khá khúc khuỷu nhưng rõ ràng không phải là vô ích. Quá trình làm-nghệ-thuật-ngoài-thơ-tiếng-Việt ấy cũng chính là quá trình tích luỹ kỹ thuật và nhất là kinh nghiệm mỹ học rất cần thiết cho mọi người sáng tạo dù ở bất cứ loại hình nào. Nhờ sự tích luỹ ấy, Lê Văn Tài đã nhanh chóng tự khẳng định được bản sắc của mình ngay từ những bài thơ đầu tiên anh viết bằng tiếng Việt. Bản sắc ấy, như anh tự tổng kết, một cách gián tiếp, trong tựa đề tập thơ anh sắp xuất bản,[3] được kết tinh từ một thứ thẩm-mỹ-trâu-bò-húc. Đã trâu. Đã bò. Lại là trâu bò húc. Mà vẫn là thẩm mỹ. Nhưng tại sao lại không chứ? Lê Văn Tài đã kết hợp được trong thơ anh bao nhiêu là sắc thái khác nhau, từ cái tục của ngôn ngữ đến cái ngổn ngang của văn xuôi, cái phức tạp của tư tưởng, cái rối rắm của cảm xúc, và cả cái thô nhám của cuộc sống hàng ngày. Trong sự kết hợp ấy, nổi bật lên vai trò của Lê Văn Tài — hoạ sĩ. Có thể nói, thơ Lê Văn Tài, trước hết, là thơ của một hoạ sĩ, ở đó, một trong những nét mạnh rõ rệt nhất chính là ở hình tượng. Trong thơ anh không hiếm những hình tượng lạ; ví dụ, anh viết về biển: “vuông lụa mặn”, về mặt trời: “chiếc vú mặt trời nhiệt đới ngậm lửa”, về một ánh chớp: “lưỡi cưa trời”, về những chiếc lá đỏ rụng vào mùa xuân:

 
Chiếc lá khắc đồng
màng trinh mùa xuân cổ điển          rỉ máu
nát nhàu mặt đất                     treo
 
[...]
 
gió        đứng lặng
                                    nhìn hoe
                                                         mắt đỏ.
 
(“Triển lãm ngoài trời”)
 

Con đường vòng gần nửa thế kỷ đến với thơ đồng thời cũng là một quá trình chiêm nghiệm đầy những trăn trở và những khắc khoải về thơ và về đời người. Có lần, trong bài thơ “Sáng tạo lão”, anh tự nói về anh như sau:

 
Lão 60 mi phì phèo nước miếng làm mưa phun bắn miệng trời
đái vung một đường cong ngoằn ngoèo — sông chảy
nguệch ngoạc vẽ vời cùn que — đùn cát
mi hoán đổi vị trí lỗ tai mù vào trái tim câm và cái mũi điếc
vào khối óc lạnh để nghe/ngửi mùi bi bô ngọng nghịu — đàn môi
mi thả con thuyền lá vào đại dương — chiếc thau nhựa sóng sánh
mi cong chân quẫy đạp mười phương địa cầu — cái đu bay quay
mi cắt những mảnh giấy màu hình ông sao, mơ trăm năm sau
đội đầu nhật nguyệt
mi xếp những hòn đá chữ “địa”— viên bi chai
và đặt đít ngồi lên chỗ không là gì cả
giấc mơ — chiếc nôi tay mẹ đòng đưa.
 
(11.03)
 

Lê Văn Tài muốn đóng vai một đứa bé 60 tuổi hoặc một “lão 60” mà vẫn “phì phèo nước miếng làm mưa phun bắn miệng trời / đái vung một đường cong ngoằn ngoèo” (“Sáng tạo lão”). Tuy nhiên, ở “đứa bé” ấy, người ta dễ dàng bắt gặp những suy tưởng vô cùng sâu sắc, đặc biệt về thân phận của một người nghệ sĩ trong xã hội, kẻ “đặt đít ngồi lên chỗ không là gì cả” (“Sáng tạo lão”), kẻ “làm cuộc đối thoại không có nơi khởi đầu / không có nơi kết thúc” (“Ai sinh tôi ra”), kẻ “gieo hạt” mà “không mong đợi gì” (“Điểm đứng”), và cũng kẻ bị “rượu rót [...] vào ly” (“Rót”) để đắm chìm trong một cơn say triền miên. Người nghệ sĩ ấy chỉ là một “thành viên của 1 bộ lạc đã bị thất tán trên đồng cỏ du mục ngàn năm, trôi sông lạc chợ New York Sydney Toronto Paris... còn 1 chiếc khố thừa tự không thể rời xa, trên lưng gùi nặng chú bình vôi bác chân đèn cô dì cậu mợ lư hương cháu con phong linh đồng nát...” (“Bầu trời nhe răng cán cuốc”).

Tự nói về mình, Lê Văn Tài cũng phác hoạ lên được chân dung của người nghệ sĩ lưu vong nói chung. Ngày xưa, người ta xem nghệ sĩ như những trích tiên bị đoạ đày. Huống gì là nghệ sĩ lưu vong: hai lần bị đoạ đày.

Đâu có gì lạ khi nghe trong giọng thơ của Lê Văn Tài, bên cạnh tính chất triết lý, lúc nào cũng có cái gì như hiu hắt.

Ừ. Thì cũng hiu hắt như phần lớn triết lý và thơ từ xưa đến nay vậy mà.

 

NGUYỄN HOÀNG TRANH

Trong số những nhà thơ sinh sau năm 1975, cả trong lẫn ngoài nước, Nguyễn Hoàng Tranh là nhà thơ tôi thích nhất và cũng đặt nhiều hy vọng nhất.

Không phải bài thơ nào của Nguyễn Hoàng Tranh cũng hay. Nhưng hay hay không hay, bài nào cũng có kỹ thuật thật chín. Tuy nhiên, điều tôi thích nhất chưa phải là độ chín trong các bài thơ ấy mà là tính chất thử nghiệm của chúng. Nói cách khác, tôi thích cái cách Nguyễn Hoàng Tranh làm thơ trước khi thích những bài thơ cụ thể của anh. Nguyễn Hoàng Tranh làm thơ như không hề biết thơ là gì. Theo tôi, đó là điểm khác biệt quan trọng nhất giữa anh và vô số người làm thơ khác hiện nay: trong khi nhiều người khác biết họ sẽ viết như thế nào trước khi họ thực sự cầm bút: họ viết theo một mô hình thơ với những khuôn cảm xúc có sẵn, những khuôn vần và khuôn nhịp có sẵn, những hệ thẩm mỹ ươn ướt chút nước mắt và phảng phất chút nước hoa có sẵn; Nguyễn Hoàng Tranh — thật ra, nói cho ngay, không phải chỉ có một mình Nguyễn Hoàng Tranh — dường như, bằng động tác làm thơ, nhắm đến một mục tiêu nhiều tham vọng hơn và cũng nhiều bất trắc hơn: đề xuất những mô hình khác cho thơ. Dĩ nhiên không phải đề xuất nào cũng thực sự là một sáng tạo để có thể được xem là một mô hình nghệ thuật hay thẩm mỹ. Nhiều, nếu không nói hầu hết các đề xuất, ngay từ những cây bút được kể là tài hoa nhất của một thời, mãi mãi chỉ là những thử nghiệm dở dang. Nhưng ngay cả khi dở dang, những thử nghiệm ấy cũng vô cùng quý báu: chúng cho thấy ít nhất một điều: thơ là một cuộc hành trình tìm kiếm vô tận, một cuộc khám phá vô tận, ở đó, thất bại lớn nhất là ngồi lì một chỗ hay cứ quanh quẩn mãi trên một vài lối mòn quen thuộc chứ không phải là sự lạc đường như nhiều người từng lo sợ. Lý do đơn giản: ở đó, trong cái thế giới sáng tạo mênh mông ấy, không có đường để lạc. Còn khi những thử nghiệm ấy thành công, phần thưởng sẽ rất lớn lao: cái người đọc được tặng không phải chỉ là một bài thơ hay mà còn là một ý niệm khác về thơ: với ý niệm ấy, không những một cách định nghĩa khác về thơ được hình thành mà một góc cạnh mới trong địa dư thơ cũng được mở ra: thế giới của thơ trở thành bất định hẳn; và vì bất định, trở thành bao la hơn hẳn; hơn nữa, cũng chính vì sự bao la ấy mà nó trở thành quyến rũ vô cùng: sự quyến rũ của cái vô cùng.

Thơ Nguyễn Hoàng Tranh vẫn còn là những thử nghiệm. Mỗi bài thơ có vẻ như là một thử nghiệm. Tôi đánh giá cao độ giàu có trong các thử nghiệm ấy. Và tôi cũng khá an tâm về Nguyễn Hoàng Tranh: một phần, anh còn quá trẻ, thuộc lớp nhà thơ trẻ nhất ở hải ngoại hiện nay; phần khác, quan trọng hơn, tôi tin là anh còn đi xa hơn nữa vì cho đến nay, sau khi đã hoàn tất cả một tập thơ tương đối hoàn chỉnh, hình như anh cũng vẫn chưa biết thơ là gì.

Tôi tin tưởng và kỳ vọng nhiều ở cái-không-biết rất đáng yêu ấy: với tôi, không chừng đó là điều kiện đầu tiên của sáng tạo.

Ðiều kiện ấy không phải người làm thơ nào cũng có.[4]

Dưới đây là một trong những bài thơ tôi ưng ý nhất của Nguyễn Hoàng Tranh.

 
CHIẾN TRANH
 
Từ một mụn cóc ghẻ lở
thành một hột cẩm thạch lủng lẳng
đeo trên ngón tay giữa
dùng để móc đít, chửi thề, bóp cò hay cầm bút
nhờ thế, cuộc đời mới tươi hẳn ra
và tuần hoàn theo trình tự tiến hoá
sự giống nhau, tương phản và khác biệt giữa nhà sư và tên sát thủ
nằm ở cách thế ngón tay giữa được bung lên mỗi khi trở về
 
Từ một địa ngục hắc ám, bần hèn, thối tha, ngu xuẩn
loài muỗi lao theo độ rơi nghiêng của cục cứt tìm đường ra biển
và tan xác trong miệng hành giả
trà đạo được dùng trong các nghi lễ tội ác
ngón tay giữa luôn được đưa lên làm dấu thánh
 
Từ một mụn cóc ghẻ lở
thành một thánh tích linh thiêng
khi ngón tay giữa được dùng để móc đít, chửi thề, bóp cò hay cầm bút
nhờ thế, chúng ta mới có được thành quả như ngày hôm nay
 
Ngày hôm qua quả là một địa ngục hắc ám, bần hèn, thối tha, ngu xuẩn
chúng ta đều đội cứt trên đầu

 

NGUYỄN TÔN HIỆT

Đọc Nguyễn Tôn Hiệt, hầu như lúc nào phản ứng của tôi cũng khá giống nhau. Ý nghĩ đầu tiên loé lên trong đầu: Hay! Ý nghĩ thứ hai: Ủa, tại sao những điều có vẻ như đơn giản vậy mà, trước khi đọc Nguyễn Tôn Hiệt, mình lại không nghĩ đến chứ? Ý nghĩ thứ ba: Ngộ nhỉ, cái gọi là thơ không ngờ lại bao la đến vậy! Ấn tượng chung: thông minh. Dĩ nhiên, tôi biết cái gọi là thông minh, trên nguyên tắc, chẳng dính líu gì đến thơ. Nhưng xin lưu ý: trên thực tế, có những cái thông minh lấp lánh: thơ đấy! Đối diện với những cái thông-minh-lấp-lánh như thế, cảm giác chung: sướng.

Đọc thơ mà sướng, còn gì khoái bằng?

Xin trích hai bài của Nguyễn Tôn Hiệt như một cách chia sẻ với bạn đọc cái sướng rất ư là thơ mộng ấy.

 
DIỄN VĂN CỦA NHÀ THƠ
 
Kính thưa quý vị,
 
Hôm nay tôi đến đây không phải để nói chuyện với quý vị.
Hôm nay tôi đến đây để nói chuyện với chính tôi.
Hôm nay tôi đến đây để nói với chính tôi những điều tôi không thể nói với bất kỳ ai khác.
 
Hôm nay quý vị đến đây không phải để lắng nghe tôi nói chuyện với quý vị.
Hôm nay quý vị đến đây để lắng nghe tôi nói chuyện với chính tôi.
Sự hiện diện của quý vị cùng sự im lặng và kiên nhẫn lắng nghe của quý vị là những điều kiện cần thiết cho cuộc nói chuyện hôm nay.
Không có những điều kiện ấy, cuộc nói chuyện hôm nay không thể diễn ra, mặc dù đối tượng của cuộc nói chuyện hôm nay không phải là quý vị, mà là chính tôi.
Quý vị không cần phải hiểu những gì tôi nói.
Quý vị không cần phải chống đối hay đồng ý với những gì tôi nói.
Quý vị chỉ cần lắng nghe tôi nói.
Quý vị chỉ cần im lặng và kiên nhẫn lắng nghe tôi nói.
Chỉ cần lắng nghe thôi.
Không cần hiểu.
Chỉ cần lắng nghe tiếng nói của tôi.
Chỉ cần lắng nghe cách tôi phát âm, chuyển giọng, lấy hơi, tăng giảm cường độ, tăng giảm tốc độ, tăng giảm cao độ, thay đổi tiết tấu, lặp lại, khai triển, ứng biến và kết thúc.
Quý vị không cần phải biết tôi đang nói với chính tôi điều gì.
Nếu quý vị có bất cứ điều gì muốn phản hồi xin quý vị hãy nói với chính quý vị.
Cuộc đối thoại từ đây trở đi sẽ là cuộc đối thoại giữa quý vị với chính quý vị.
Tôi không cần biết.
 
Bây giờ tôi chỉ yêu cầu quý vị kiên nhẫn im lặng lắng nghe tiếng nói của tôi cho đến khi cuộc nói chuyện của tôi chấm dứt.
 
Trân trọng cảm ơn quý vị.
 
 
THƠ: CÁI GÌ LƠ LỬNG
 
Có cái gì lơ lửng giữa tôi và trang giấy
Tôi cố gắng chép nó xuống.
 
Giữa tôi
và trang giấy
có cái gì lơ lửng.
Tôi cố gắng chép nó xuống.
 
Tôi                          cái gì lơ lửng                  trang giấy
       (cố gắng chép)                        (xuống)
 
Tại sao tôi phải làm thế?
Tại sao tôi phải cố gắng chép xuống cái gì lơ lửng giữa tôi và trang giấy?
Tại sao tôi không viết tôi thẳng xuống trang giấy?
(như phun một bãi nước miếng từ miệng tôi thẳng xuống trang giấy)
 
Tôi phun mạnh một bãi nước miếng xuống trang giấy.
Bãi nước miếng bay ra khỏi miệng tôi và rơi xuống trang giấy.
Bãi nước miếng bay ra khỏi miệng tôi
                             lơ lửng giữa tôi và trang giấy nhanh hơn một chớp mắt
                                                                                    rồi rơi xuống trang giấy.
 
Miệng tôi ------------> bãi nước miếng -------------> trang giấy
 
Tôi không thể nào đi trực tiếp vào trang giấy.
Giữa tôi và trang giấy luôn luôn có sự lơ lửng.
Từ tôi đến trang giấy luôn luôn có một khoảng lơ lửng.
Phải chăng thơ chính là cái lơ lửng ấy?
Nếu thơ chính là cái lơ lửng ấy, tại sao tôi còn phải chép nó xuống trang giấy?
Liệu cái lơ lửng ấy có thể được chép lại bằng chữ trên trang giấy?
Liệu cái lơ lửng ấy có thể được chép lại hoàn toàn chính xác bằng chữ trên trang giấy?
Liệu bãi nước miếng tung toé xẹp lép trên trang giấy có phải là bãi nước miếng trong miệng tôi?
 
Nếu không,
có lẽ tôi phải luôn luôn ngậm sẵn một tờ giấy trong miệng.
 
(06.09.2006)

 

TRẦN LỘC BÌNH

Tình cờ hai bài thơ của Trần Lộc Bình mà tôi trích dưới đây có đề tài khá giống với hai bài thơ ở trên của Nguyễn Tôn Hiệt. Đề tài giống nhau nhưng cách thức thể nghiệm lại khác nhau nên hiệu ứng cũng khác nhau. Và không chừng cũng khác với nhiều nhà thơ khác.

 
NHÀ THƠ
 
Hắn bị nhốt trong nhà tù của chữ
Toàn bộ nhà tù làm bằng chữ
Hàng rào dựng bằng chữ
Tường vách xây bằng chữ
Các chấn song được đúc bằng chữ
Cả công an và quản giáo cũng là chữ
Đồ ăn được cấp phát hai lần mỗi ngày là chữ
Những chữ khô, cứng và dai. Hắn đổ vào miệng, nhai và nuốt, nhiều khi đau buốt cả cổ
Hắn thích ăn cháo hơn. Cháo cũng được chế tạo bằng chữ, mềm và ướt, không cần nhai, tự nhiên tan trong miệng
 
Hắn sống trong nhà tù không biết bao nhiêu năm
Phòng giam tối
Mỗi ngày hắn thấy mặt trời đi qua vuông cửa nhỏ có song chắn đúng một lần
Mặt trời bằng chữ, đỏ nọc
Thỉnh thoảng hắn cũng thấy mặt trăng đi ngang qua nơi ấy
Mặt trăng bằng chữ, có khi trắng nhợt, có khi xanh mướt
Ngoài ra, hắn không thấy gì nữa cả
 
Có lần hắn tự tử
Hắn đút đầu hắn vào sợi dây thòng lọng treo lơ lửng từ nóc phòng giam
Sợi dây được kết bằng chữ; nhiều chữ là tiếng nước ngoài
Hắn không chết. Nhưng sợi dây ăn sâu vào cổ hắn không thể nào gỡ ra được
Đi đâu hắn cũng kéo lết sợi dây theo, xủng xoảng
 
Hắn tìm được một khẩu súng và tự bắn vào đầu
Viên đạn làm bằng chữ
Từ đầu hắn, mấy chữ con con ươn ướt nhơn nhớt chảy trào ra
Tràn lên mặt, thành những vết sẹo
Nơi viên đạn xuyên vào là một cái lỗ sâu hoắm
Có người gọi là “hố thẳm”
Nhưng hắn không chết
 
Để tự huỷ diệt, hắn ăn chính hắn
Hắn ăn dần, ăn dần
Từ dưới lên: chân, háng, bụng, ngực và cuối cùng là hai cánh tay
Chỉ còn cái đầu
Hắn không thể ăn cái đầu hắn được
Hắn không thể cắn, nhai và nuốt cái mũi, đôi mắt, lỗ tai, cái trán, cái cằm, cái gáy và cái sọ của hắn được
Dù chúng rất gần
Và hắn rất muốn
 
Hai vật cuối cùng hắn có thể ăn được là đôi môi và cái lưỡi của hắn
 
Nhưng, lần đầu tiên run sợ, hắn không dám ăn đôi môi và cái lưỡi
Hắn biết cho dù ăn hết đôi môi và cái lưỡi, hắn vẫn không thể chết được
Hắn sẽ sống tiếp với cái đầu bằng chữ lông lốc, cô đơn và câm lặng
Hắn sợ
 
Không, hắn phải dành đôi môi lại
 
Để cười và để hôn (nếu có thể)
 
Hắn phải dành cái lưỡi lại
 
Để nói, khóc và chửi, khi cần
 
(10 December 2006)
 
LÀM THƠ
 
Khi tôi muốn nói, tôi nói
Khi tôi muốn nói một cách đầy đủ và rõ ràng, tôi viết
Khi có ai đó nhoi nhói trong tôi đòi tôi phải nói những gì tôi không thể nói được, tôi làm thơ
 
Ai?
Tôi chưa bao giờ gặp mặt hắn
Chỉ đôi lần thấy bóng hắn thấp thoáng lướt qua. Rất khẽ. Như một ý nghĩ dâm đãng loé lên rồi tắt lúc đi đường
Có lúc tôi nghe hắn thở dài lặng lẽ
Mỗi tiếng thở dài làm nhấp lên con chuột
Màn ảnh máy vi tính đầy chữ dần
Những chữ không biết đến từ đâu
 
Bài thơ nào tôi cũng đưa cho vợ tôi xem
Vợ tôi không nói gì
Nhìn tôi như kẻ lạ
 
Không bao giờ chúng tôi làm tình sau khi làm thơ xong
 
(12 December 2006)

 

 

UYÊN NGUYÊN

Ðọc thơ Uyên Nguyên, tôi vừa thích nhưng lại vừa thấy tiếc. Thích cái đẹp nhưng lại tiếc cho cái quá đẹp.

Tôi biết thơ Uyên Nguyên không mới hẳn. Mới, rõ ràng là mới, nhưng không mới hẳn như một cuộc cách mạng. Đâu đó, trong thơ Uyên Nguyên, người ta dễ dàng bắt gặp một số kiểu kết hợp từ, một số hình ảnh và nhất là một số khuôn nhạc ít nhiều quen thuộc. Tuy nhiên, thứ nhất, vượt lên trên một số yếu tố ít nhiều quen thuộc ấy, Uyên Nguyên đã tạo được cho mình một phong cách riêng, ở đó, người ta có thể phát hiện dấu vết xa xôi của một số nguồn ảnh hưởng, nhưng không thể lẫn lộn với bất cứ ai khác; thứ hai, so với những người ít nhiều có cùng một giọng điệu, thơ Uyên Nguyên đạt đến mức độ chín hơn hẳn. Ví dụ như thơ collage. Kiểu thơ ấy, trước Uyên Nguyên, đã có người làm rồi. Ở Việt Nam, không nhiều, nhưng cũng có. Thi thoảng. Nhưng có lẽ không ai có thể tìm ra bất cứ bài thơ collage nào bằng tiếng Việt dài hơi và hoàn chỉnh như những bài thơ collage của Uyên Nguyên. Ít có ai, như Uyên Nguyên, từ những lượng chữ cực kỳ ít ỏi và có vẻ như rất xa thơ, thậm chí phi thơ, trong các mẩu tin vắn hay rao vặt trên nhật báo hay tuần báo, có thể làm thành những bài thơ đẹp một cách bề thế như những “Giáng Kiều” và “Độc Kiều” trong chùm “Hai biến khúc từ mục kết bạn và nhắn tin” hay bài “Đồng Hương Tích”.

Thơ collage không phải là những bài thơ xuất sắc nhất của Uyên Nguyên, tuy nhiên, từ những bài thơ được hình thành trong điều kiện ngặt nghèo, giống như tự trói chân trói tay mình như thế, chúng ta rất dễ thấy nội lực của anh: Trí tưởng tượng của anh thật phong phú, sức liên tưởng hầu như vô tận, kỹ thuật lập tứ vô cùng điêu luyện, và một khả năng sử dụng chữ tài tình hiếm có. Tất cả những yếu tố ấy làm cho Uyên Nguyên có khuynh hướng làm thơ dài, và những bài thơ dài ấy bao giờ cũng thật giàu có hình ảnh; giàu có đến độ ngổn ngang: ở đó hình ảnh này nối tiếp hình ảnh khác, có lúc cơ hồ tan mất những đường viền, thành trùng trùng điệp điệp. Đi vào thế giới vừa mênh mông vừa chằng chịt ấy, người đọc phải tập trung phát hiện và sau đó, men theo các mối liên hệ mong manh giữa các hình ảnh để có thể thưởng thức bài thơ như một chỉnh thể nghệ thuật thống nhất và hoàn chỉnh. Nhưng ngay cả khi chưa nắm bắt được tính chất thống nhất và hoàn chỉnh ấy, người đọc cũng vẫn có thể bị mê hoặc bởi những cái đẹp lấp lánh từ những chi tiết có tính chất tạo hình hay từ độ vang của chữ, của câu, và ngay cả từ những khoảng lặng giữa các chữ, các câu, nơi nhà thơ cố tình bỏ trống trên trang giấy.

Bản thân tôi, tôi rất yêu những khoảng lặng ấy. Với tôi, những khoảng lặng ấy bao giờ cũng xôn xao và nói thật nhiều điều. Một cảm giác bần thần. Một nỗi ngẩn ngơ. Một niềm thương tiếc. Vân vân. Tuỳ từng bài; và trong từng bài, tuỳ từng chỗ. Nhưng trên hết, hầu hết những khoảng lặng ấy đều nhắc nhở: Chậm lại! Chậm lại để nghe cái chữ phía trước còn ngân và để nghe cái chữ phía sau đang phập phồng đợi. Chậm lại để có thể nhìn thấy sự chuyển động của hình ảnh, của cảm xúc và của tư tưởng trong bài thơ thật nhanh. Nhanh và đẹp.

Tôi quý cái nhanh nhưng lại hơi tiếc cho cái đẹp ấy. Nói chung, theo tôi, thơ Uyên Nguyên còn vấp phải một khuyết điểm là đẹp quá. Bài nào cũng đẹp. Lại là cái đẹp khá tròn trịa, khá mượt mà và khá nuột nà. Như là hoa. Đẹp. Đành là đẹp. Rất đẹp nữa là khác. Nhưng có những lúc tự dưng tôi thèm một vẻ đẹp thô nhám, sần sùi, gai góc của đất, của đá, của những mảnh sứ bị rạn hay những mảnh sành bị nứt, nhìn vào thơ Uyên Nguyên: không thấy. Bỗng đâm ra tiếc. Biết, nỗi tiếc ấy không chừng hơi hơi vô duyên. Nhưng vẫn tiếc.

 
HAI BIẾN KHÚC TỪ MỤC KẾT BẠN VÀ NHẮN TIN
 
1. giáng kiều
 
Mai về hẻm phố
còn ai
trang thư mở một đời không tuổi
gốc hạnh đường
trăng đứng
hỏi
từ Giáng Kiều hoang
lạnh thảo trang
thành Tây trăng lạc phố
hoa biết tuổi về đâu
thảo điền sương
tây hồ lịch lịch
mông
lãnh
thu ba
 
Mai về hẻm phố
chừng nghe
hồ nhị
những nếp gấp phần đời
đã mất
đàn đi bước hoàng hoa
 
Mai
về lạc phố
Giang Đông không gặp
Nhị Kiều đâu
1 sớm
đàn Quyên ở lại đồng Nam
 
Mai
về phố thị
không hay
Hà Nội
Sài Gòn
bát hương đền thần xá
ngãi duyên đưa
lạnh
1 trở đường
 
Mai về phố thị
một hẻm trăng
tìm
hương không tuổi
độc thư
thư trung hữu nữ
vẻ trăng duyên những dáng Kiều
 
Mai về lạc phố
ương hoa
hoàng hôn biên ngoại trường giang sương
biết đâu
ly hợp
những ngày không
tìm
gặp
lại
lứa đời quen
thôi đã
 
Mai
về hợp phố
sẽ phần thư
chân dung vừa mới
đường xa đâu đó
hương ba
 
Ai về
mai
hẻm phố
tiên
1 bước xuống đời
 
(12/08/98)
 
2. độc kiều
 
Người là ai
sao sống lại những hoàng hôn
1 trường giang khác
cuộc hồi hương
không định trước
nào ai
người độc bộ
hành trang cho phần đời còn lại
sau đường trăng goá phụ
đã về đâu bước lạc
đồng nội thị thành
1 sớm thiên cư
 
Người là ai
từ độ thu nào
ở lại đồng sương đứng
tiền đình hoa lạc
tận
không hay
 
Người từ đâu
Trường An nhã phố
Hà Nội Khâm Thiên
hoa lạc thanh lâu
nghiệp đàn kỹ nữ
nào nhị nào hồ nào trăng nào tuyết mai tâm sự
Tiền Đường đâu
ly hợp
giang ba
 
Người là ai
sớm mai sương
những thì hoa
cô tận
trăm năm không
gốc thàng tùng
 
Người từ đâu
biên đình giang ngoại
dáng đứng thiên thần
tuổi bình minh
một bước đổi đời
sao định số hàng thần
 
duyên
                lòng mỹ nữ
nghiệp
 
đâu đường thiên lý đâu bước giang hồ đâu chí lớn tứ thiên tài tuấn
người đâu
thôi
sao lạc
đứng âm đàn
 
Người là ai
bước đường cùng
trường thương lạc bộ
chiếu giường đâu
phẳng nếp đời trang
hoa đăng
thôi đã
 
Người từ đâu
thảo trang trăng nhã nhạc
thư lâu độc lạc
không minh đại trường thiên
 
từ                        tâm
hành  tâm sự        tài        định thân
thi                       số
 
nghe đâu
nghiệp lớn để đời
không phải vị thân
sao chia chánh phụ
nào đâu Lê
nào đâu Nguyễn
chỉ còn lại con người
và bước tiến về hướng bình minh
 
Người là ai
sao phải
đưa hùng tâm về địa các
đón đại lạc lại trường an
đâu đến ba trăm năm
thi đàn
mông
lãnh
tài hoa 1 chiếu trăng sương
 
(17/08/98)
 
Ghi chú:
Bài “hai biến khúc từ mục kết bạn và nhắn tin” là hai bức collage thực hiện từ những mảnh chữ nhặt được trong mục “Kết Bạn” và “Nhắn Tin” trên báo Dân Việt (Úc) số thứ Năm, 23/07/98. Tác giả sử dụng hoàn toàn các chữ và số có sẵn trong các mục ấy, và không thêm bất cứ vật liệu ngôn ngữ nào khác. Nguyên văn các mục ấy được chụp lại ở trang sau. Những chữ và số có gạch dưới là những vật liệu tác giả đã sử dụng.
 

 

_________________________

[1]Trọn bài thơ “Separated Lover” như sau:
 
          Outside
          It rains fine
          In the garden
          The sunny light falls;
 
          My heart, feeling
          Heavy drops
          And tears, is turned
          Around and over…
 
          On that homeward way
          Has it wet
          Your hair,
          Has it wet
          Your eyes?...
 
Tôi không dịch ra tiếng Việt vì e sẽ làm mất hết cái thi vị nhẹ nhàng trong nguyên tác tiếng Anh.

[2]Những lời nhận định này được in ở bìa sau tập thơ.

[3]“Thẩm mỹ trâu bò húc”.

[4]Một số đoạn trong phần này đã được in trong Thở, tập thơ của Nguyễn Hoàng Tranh, do Tiền Vệ xuất bản tại Sydney, tháng 12 năm 2003.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021